Ai cũng cần hài hước vì cuộc đời thật rắc rối: Carl Barks - Người tượng hình chú vịt trứ danh nhà Disney

Trong những ngày đầu tiên của truyện tranh nhà chuột Disney, các cây bút viết và vẽ đều làm việc ẩn danh, với tất cả các câu chuyện được ký với tên ‘Walt Disney’.

Nhưng người hâm mộ có thể nhận ra sự khác biệt trong những câu chuyện về Vịt Donald được viết và vẽ bởi một nghệ sĩ đặc biệt – người về sau được biết nổi tiếng nhất với việc tạo ra Scrooge McDuck (chú của vịt Donald nên thường được gọi là Uncle Scrooge, một quý ông giàu có và ưa phiêu lưu mạo hiểm) – cũng như tiếp tục vẽ những câu chuyện nhà Vịt kể cả khi danh tính của vị họa sĩ được hé lộ vào cuối những năm 1950.


Carl Barks

Barks từng nói rằng, nếu không vì có cho bản thân một chút hài hước trong cuộc sống đầy rắc rối của mỗi người thì ai nấy đều đã phát điên từ lâu mất rồi. Đó là một thái độ đối với cuộc sống mà Barks áp dụng cho cả chính mình về sau.


Carl Barks sinh ngày 27 tháng 3 năm 1901 trong một trang trại khá biệt lập gần Oregon, Mỹ. Ông lớn lên ở trang trại này và một số nơi khác khi gia đình liên tục di chuyển khắp nơi, cố gắng kiếm sống bằng nghề chăn nuôi, có khi là làm vườn rau hoặc vườn hoa. Khi còn nhỏ, Barks đã thường đi buôn đồ phụ gia đình trong các chợ trời, nơi ông lần đầu được tiếp xúc với những chàng cao bồi, về sau trở thành một mô típ định kỳ trong những cuộc phiêu lưu truyện tranh của người họa sĩ này.

Vào năm 1916, Barks phải nghỉ học do các vấn đề gia đình và thính giác của riêng ông (thứ trở thành nỗi lo trong cả quãng đời còn lại). Ông sớm bắt đầu một chuỗi dài các công việc khác nhau như làm nông, cắt gỗ, lái xe và in ấn (dù chẳng việc nào ông thật sự thành công). Từ những công việc mà bản thân đã học được, Barks về sau tự quả quyết rằng con người, động vật và máy móc đều lập dị, bướng bỉnh và khó đoán như nhau!


Các bức phác thảo và tác phẩm cuối của Cark Barks cho ‘In Uncle Walt’s Collectery’


Trong thời gian này, ông cũng gặp nhiều người khác nhau, những người giữ được sự hài hước mặc dù lao động vất vả, họ ảnh hưởng đến cách tiếp cận nhân vật của Barks một cách quan trọng. Barks từng nói rằng, nếu không vì có cho bản thân một chút hài hước trong cuộc sống đầy rắc rối của mỗi người thì ai nấy đều đã phát điên từ lâu mất rồi. Đó là một thái độ đối với cuộc sống mà Barks áp dụng cho cả chính mình về sau. Ông cho rằng điều đó khiến việc châm biếm những khao khát và mong muốn bí mật, phong cách hào hoa và sự thất vọng của các nhân vật trong câu chuyện ông vẽ cũng trở nên tự nhiên hơn. Theo Barks, giai đoạn này của cuộc đời ảnh hưởng đến các nhân vật hư cấu nổi tiếng nhất của ông: Vịt Donald của Walt Disney và Scrooge McDuck của chính ông.

Sự thay đổi chóng vánh và trôi dạt từ công việc này đến công việc khác của Donald được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của chính Barks, kể cả sự kém thành công thường tình của chính ông. Và kể cả dù có thành công thì đều sẽ là tạm thời, cho đến khi có một sự kiện sai lầm hoặc cơ hội gây ra một thất bại khác, một sự thất vọng khác cho chú Vịt Donald tội nghiệp. Barks cũng thừa nhận đây là điều ông vốn dĩ đã quen thuộc.


Scrooge McDuck.
Từ quyển Little Golden Book,
Donald Duck and the Christmas Carol (1960).
Vẽ bởi Carl Barks.


Sự khác biệt chính của Scrooge với Donald, theo Barks, là ông cũng đã phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong quá khứ nhưng nhờ trí khôn, quyết tâm và làm việc chăm chỉ, ông đã có thể vượt qua chúng. Hoặc, như chính Scrooge sẽ nói với ba người cháu là Huey, Dewey và Louie, để vượt qua mọi thứ, ta chỉ có thể làm bằng cách “mạnh mẽ hơn cả những kẻ cứng rắn và thông minh hơn cả những con người tài ba“. Trong những câu chuyện của Barks, Scrooge sẽ làm việc để giải quyết nhiều vấn đề của nhân vật ấy, mặc dù câu chuyện thường kết thúc bằng việc hé lộ những nỗ lực liên tục dường như là vô ích của Scrooge. Ngoài ra, Scrooge khá giống với người họa sĩ sáng tạo nên nhân vật này khi Scrooge thường xuất hiện mang vẻ u sầu, khá nội tâm và kín đáo.



Sau khi nghiên cứu tác phẩm của các họa sĩ truyện tranh bậc thầy như Winsor McCay và dù chỉ hoàn thành bốn bài học từ một khóa học từ xa (thời đó họ trao đổi các bài học qua bưu điện – n.d), Barks bắt đầu làm việc như một họa sĩ chuyên nghiệp, sau đó ông còn bán tác phẩm của mình cho các tạp chí khác nhau.

Tuy nhiên đến năm 1935, ông tìm được cách để đến làm việc cho Disney Studios với tư cách là một inbetweener (người tỉa lại các bản vẽ thô đã có sẵn hoặc dựng tiếp và chèn thêm các hình vẽ vào giữa bản vẽ chủ chốt nhằm tạo sự chuyển động mượt mà và chân thực cho phim hoạt hình), và sau đó là cây bút châm biếm, người kể chuyện, và đạo diễn hình ảnh. Barks tiếp tục làm việc với loạt các phim ngắn của Disney, chủ yếu là nhân vật Vịt Donald, một nhân vật mà tên của ông sẽ sớm gắn bó về sau.


Một thời gian ngắn trước khi nghỉ việc, ông có thêm công việc là một họa sĩ truyện tranh, dành thời gian để tạo ra tác phẩm cho quyển truyện tranh tựa đề Donald Duck Finds Pirate Gold (nửa còn lại được thực hiện bởi Jack Hannah).

Barks rời Disney Studios vào năm 1942 do vấn đề sức khỏe và điều kiện làm việc kém trong thời gian chiến tranh.



Sau khi nghỉ việc, họa sĩ chuyển đến khu vực Hemet/San Jacinto gần Los Angeles, hy vọng sẽ bắt đầu một trang trại gia cầm cho riêng mình. Kinh nghiệm này cũng được đưa vào truyện tranh của ông và là một trong những tác phẩm mà cá nhân ông yêu thích nhất. Nó xuất hiện trong series truyện tranh của Walt Disney’s Comics and Stories (câu chuyện số 146, xuất bản năm 1952), kể về những sự kiện không may xảy ra khi Vịt Donald sở hữu một trang trại gà ở thị trấn mang tên Omelet.

Nhưng để kiếm sống trong thời gian đó, ông đã hỏi liệu NXB Western (một nhánh của Disney, hay còn gọi là Dell Comics) nơi đã xuất bản Pirate Gold ông thực hiện trước đây, có cần bất kỳ nghệ sĩ nào cho các truyện tranh về Vịt Donald hay không. Ông lập tức được giao nhiệm vụ minh họa kịch bản cho một câu chuyện về chú Vịt này trong mười trang, được phát hành trong tạp chí định kì hằng tháng mang tên Walt Disney’s Comics and Stories.



Theo lời mời của nhà xuất bản, ông đã sửa đổi mạch truyện. Những thay đổi mới đã gây ấn tượng với biên tập viên, Barks sau đó được mời đóng góp cả kịch bản và tác phẩm nghệ thuật cho các câu chuyện tiếp theo trong series này. Ông thực hiện tất cả quy trình (với rất hiếm ngoại lệ) bao gồm phác thảo, đi nét, trau chuốt cho khung tranh và kẻ chữ cho các câu chuyện của mình.

Barks vẽ hơn 500 câu chuyện với sự tham gia của Donald và ba người cháu, cũng như dàn nhân vật hỗ trợ trong câu chuyện. Đa phần các nhân vật đó sẽ do chính Barks tạo ra, bao gồm cả Uncle Scrooge! Những câu chuyện này gồm một trang truyện hài, các mẩu truyện tranh dài mười trang cho Walt Disney’s Comics and Stories, và sau đó là những câu chuyện khiến ông nổi tiếng nhất: các câu chuyện phiêu lưu dài tập, lần đầu được xuất hiện trên tờ báo Four Color và sau đó là series định kì 4 quý của riêng nhân vật Uncle Scrooge.


Halloween in Duckburg (1973).
Carl Barks vẽ dựa trên một mẩu truyện năm 1953, Trick or Treat
July Fourth in Duckburg bởi Carl Barks

Barks nghỉ hưu vào năm 1966, nhưng ông còn tiếp tục sản xuất một loạt tranh sơn dầu dựa trên truyện tranh về các chú vịt của mình, nhiều tác phẩm được bán đấu giá tại các hội nghị truyện tranh. Ông cũng viết kịch bản thêm cho một vài câu chuyện trong những năm cuối đời và đóng góp một câu chuyện mới, vẽ bằng màu nước mang tên Uncle Scrooge McDuck: His Life and Times.

Năm 1987, Barks là một trong ba họa sĩ đầu tiên được giới thiệu vào Will Eisner Hall of Fame, cùng với chính Jack Kirby Will Eisner, người đã gọi Barks là ‘Hans Christian Andersen của truyện tranh‘.

Carl Barks qua đời vào năm 2000 (thọ 99 tuổi), các phiên bản mới cho truyện tranh của ông cũng được xuất bản trở lại để giới thiệu cho các độc giả đương đại bởi NXB Fantemonyics.


Một số điều thú vị ngoài lề:

  1. Các chú vịt Disney có vũ trụ riêng của mình, được fan gọi trìu mến là ‘Donald Duck Universe‘. Các thuật ngữ “Barksian” hoặc “Barksian fact“, ám chỉ các chi tiết được xem là chính thống cho các câu chuyện liên quan tới các chú Vịt.

    Lí do là vì nhiều người sáng tạo truyện tranh và người hâm mộ chỉ coi câu chuyện của Carl Barks là ‘thực’ khi ông có công lớn đóng góp và là tác giả của nhiều tác phẩm, người sáng tạo của nhiều nhân vật cũng như địa điểm trong vũ trụ của Donald.
  2. Đạo diễn Steven Spielberg và nhà sản xuất George Lucas đã thừa nhận rằng cái bẫy trong cảnh mở đầu của bộ phim Raiders of the Lost Ark (hay Indiana Jones và Chiếc rương thánh tích) được lấy cảm hứng từ cuộc phiêu lưu năm 1954 của Uncle Scrooge, “The Seven Cities of Cibola”, một tác phẩm bởi Carl Barks.

    LucasSpielberg cũng cho hay rằng một số câu chuyện về du hành vũ trụ và miêu tả về người ngoài hành tinh mà Carl Barks sáng tạo ra có ảnh hưởng đến họ. Đồng thời, Lucas cũng viết lời tựa cho tác phẩm Uncle Scrooge McDuck: His Life and Times của Barks, xuất bản năm 1982. Trong đó, ông gọi những câu chuyện của Barks “mang đậm tính điện ảnh” và là “một phần vô giá trong di sản văn học của chúng ta”.
  3. Carl Barks có một tiểu hành tinh được đặt theo tên ông, 2730 Barks.
  4. Một trong những hình đầu tiên từng được hiển thị trên Apple Macintosh là bản scan Scrooge McDuck, nhân vật do Carl Barks sáng tạo.
  5. Họa sĩ truyện tranh Nhật Bản Osamu Tezuka (nổi tiếng với bộ truyện Astro Boy) từng gửi thiệp mừng năm mới đến Carl Barks với hình vẽ đáng yêu về hai nhân vật của họ.

Tổng hợp & biên tập: Lệ Lin
Nguồn: comicsalliance / wikipedia / tumblr

Cùng tác giả

#Tag

carl barks Disney donald giới thiệu họa sĩ tezuka osamu truyện tranh Walt Disney

iDesign Must-try

Tìm hiểu về cha đẻ nguyên tác Gia đình Addams, những nhân vật gây bão màn ảnh năm qua
Tìm hiểu về cha đẻ nguyên tác Gia đình Addams, những nhân vật gây bão màn ảnh năm qua
Gia đình Addams, những hình tượng nhân vật vốn quen thuộc của văn hoá đại chúng Mỹ đang nhận được nhiều quan tâm, sau khi serie ngoại truyện Wednesday về…
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Vì sao heta-uma lại có nghĩa là 'xấu mà đẹp'? Phong cách thẩm mỹ này nhằm ám chỉ điều gì?
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Câu chuyện đằng sau việc nữ giới luôn bị lép vế trong ngành công nghiệp phim hoạt hình.
Gặp gỡ Vinni Pukh - phiên bản gấu Pooh dí dỏm của Liên Xô
Gặp gỡ Vinni Pukh - phiên bản gấu Pooh dí dỏm của Liên Xô
Khác với hình tượng gấu vàng áo đỏ mũm mĩm của Disney, Winnie the Pooh (tiếng Nga: Vinni Pukh) phiên bản Liên Xô là chú gấu con màu nâu nhỏ…
Sleeping Beauty: Từ đột phá nghệ thuật đến câu chuyện hậu cảnh đầy tranh cãi
Sleeping Beauty: Từ đột phá nghệ thuật đến câu chuyện hậu cảnh đầy tranh cãi
Sleeping Beauty (Công chúa ngủ trong rừng) là phim dài thứ 16 của Walt Disney Studio. Tác phẩm được công chiếu vào ngày 29/11/1959 và là một trong những bộ…
1064 trang truyện tranh bằng chì của Nguyễn Thanh Vũ: ‘Khi vẽ xong kết truyện, mình phải vẽ lại cả nửa đầu’
1064 trang truyện tranh bằng chì của Nguyễn Thanh Vũ: ‘Khi vẽ xong kết truyện, mình phải vẽ lại cả nửa đầu’
Vốn dành niềm yêu thích đặc biệt cho truyện tranh, ngay từ bé Nguyễn Thanh Vũ đã mơ ước có thể tự sáng tác câu chuyện của riêng mình. Nhưng…