Trào lưu Art Deco (Phần 2): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật

1928: Victoire của René Lalique

Vật trang trí mui xe ô tô bằng thủy tinh – Bảo tàng Victoria và Albert, London

Các tác phẩm của điêu khắc của Lalique gần như là hét lên rằng “Art Deco”, chuẩn mực đối với phong cách này tới mức tới năm 1930 thì chúng đã trở thành điển hình nhất cho thẩm mỹ Mỹ. Trải rộng qua nhiều phương tiện và thậm chí cả công năng, phong cách Art Deco đã để lại dấu ấn trên mọi thứ từ tàu hàng hải và xe đua xa xỉ cho tới máy nướng bánh mì và bồn cầu. Tác phẩm này tự thân nó là một tác phẩm điêu khắc nhưng giá trị của nó là gấp đôi thế khi mang lại một nét bổ sung trang nhã cho chiếc ô tô mà nó được thiết kế để tạo ra sự duyên dáng cho mui xe. Với Victoire, nghệ thuật thổi thuỷ tinh thủ công đã tạo ra một vật thể vừa là điêu khắc mỹ thuật vừa là một sản phẩm hữu dụng dù xa xỉ ở mức không tài nào phủ nhận được. Lalique là một nhà thiết kế người Pháp được biết đến với các tác phẩm nghệ thuật thuỷ tinh, những chai đựng nước hoa, bình, trang sức, đèn chùm, và đồng hồ mà ban đầu được ông sản xuất theo phong cách Art Nouveau rồi sau đó thì theo phong cách Art Deco. Việc sử dụng thuỷ tinh, một vật liệu mỏng manh và dễ vỡ, làm tăng vị thế của tạo vật như một món hàng hiếm và xa hoa.

Victoire miêu tả một hình tượng nữ, nom có vẻ như đối mặt với làn gió thổi tới, khuôn mặt háo hức nhô về phía trước, mái tóc xõa bay về sau như một chiếc cánh đơn nhất và có trật tự sắc nét. Mặc dù chỉ có cái đầu của cô là hiện hình, một người có thể tưởng tượng cơ thể cô đang uốn cong ưỡn ngược sức gió (thậm chí có thể như tạo dáng của Tượng thần chiến thắng Samothrace (The Winged Victory of Samothrace) từ thời Hy Lạp cổ hiện đang đặt ở bảo tàng Louvre, một tác phẩm có khả năng đã ảnh hưởng tới Lalique theo nhiều cách). Tác phẩm điêu khắc và trang trí mui xe của Lalique thể hiện có một cảm quan về tốc độ. Trên thực thế, phong cách Art Deco, trong nhiều thứ khác, đã là một sự ăn mừng thế kỷ máy móc, tìm thấy sự biểu hiện trong những máy móc vận tải bóng bẩy mới như tàu hoả, ô tô, xe máy, và tàu biển. Những người ủng hộ phong trào đã bày tỏ sự kính trọng đối với sự giải phóng xã hội và thể chất mà những đổi mới công nghệ đã mang lại trong những năm 1920.

1922: État Cabinet của Émile-Jacques Ruhlmann

Gỗ mun Macassar, ngà voi, gỗ trái tim màu tím, ván ép lõi gỗ, gỗ cây dương, gỗ hạt dẻ, gỗ gụ, bạc thau – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan

Émile-Jacques Ruhlmann sinh ra ở Paris trong một gia đình sở hữu một doanh nghiệp về trang trí, do vậy có vẻ cũng tự nhiên khi sự sáng tạo của ông tìm thấy biểu hiện cho mình trong những món đồ gia dụng sang trọng mà nhờ đó ông trở nên nổi tiếng. Từ đồ nội thất và các thiết bị chiếu sáng hay các yếu tố trang trí khác như giấy dán tường, Ruhlmann đã sản xuất đồ nội thất gia đình trang nhã, có một không hai bằng cách sử dụng các loại gỗ quý hiếm, ngoại lai có khảm thêm ngà voi từ châu Phi và miền Viễn Đông, từ đó kết hợp mối quan tâm của thời đại với nghệ thuật của những quốc gia mà trước đó vẫn được coi là “nguyên thủy”. Là cầu nối giữa sự độc đáo của những tác phẩm Art Nouveau và sự thôi thúc của Art Deco trong việc kết hợp những vật liệu khác thường, những tác phẩm của Ruhlmann cho thấy một sự hòa trộn giữa Art Deco và phong cách xa hoa và mang nhiều chi tiết trang trí tiền nhiệm là Art Nouveau.

Thiết kế tủ cabinet tách mình khỏi phong cách Art Nouveau ở tính đối xứng và bảng màu hạn chế là kết quả của việc sử dụng loại gỗ tương phản màu với phần ngà voi, nhưng vẫn có một phần thiết kế mẫu hoa có phần phức tạp vay mượn từ đó. Do vậy, nó không phải là một sự khác biệt hoàn toàn với phong cách cũ mà thay vào đó là cập nhật và đơn giản hoá phong cách đó.

1924: Rượu khai vị Pivolo – Với rượu vang Pháp của A.M. Cassandre

A.M. Cassandre, một trong những nghệ sĩ áp phích và nhà thiết kế đồ hoạ có ảnh hưởng nhất sử dụng phong cách Art Deco, đã tạo ra áp phích này (Pivolo Aperitif Aux Vins De France) cho loại rượu pháp Pivolo Aperitif năm 1924. Nó đã thắng một giải tại Exposition Internationale des Arts Decoratifs et Industriels Modernes tại Paris cùng năm đó, một triển lãm mà được nhìn nhận rộng rãi là đã lăng xê phong cách Art Deco ra tầm quốc tế.

Cassandre được biết đến nhiều nhất bởi những áp phích quảng cáo đặc biệt, đẹp, và tối giản dùng cho mặt hàng nội thất, du lịch, và rượu. Ông cũng được coi như là một trong những người tiên phong cho thiết kế đồ hoạ hiện đại, bao gồm những sáng tạo trong việc thiết kế các phông chữ Art Deco mới và khác biệt, một vài trong đó lấy cảm hứng bởi những nghệ sĩ lẫy lừng như Pablo Picasso và Max Ernst.

Trong áp phích này, một chú chim cách điệu và đơn sắc đậu sau một ly rượu nhỏ màu mật ong. Mặc dù vẫn mang tính đại diện, cả hai hình ảnh đều được đơn giản hoá theo cách tương tự như sự giải cấu trúc và tái cấu trúc của Lập thể. Người nghệ sĩ dựa một bảng màu hạn chế gồm đen, xám, và một giải hẹp các màu lạnh đối lập với các màu nóng – màu xanh hoàng gia của phần chữ đan xen với màu hổ phách mời gọi của rượu – tạo ra một sự tồn tại chung hài hoà giữa các yếu tố của tác phẩm này.

Ký tự pháp tối giản của Cassandre đóng một vai trò không thể thiếu trong tổng thể hình ảnh. Các dạng hình học cơ bản được kết hợp để tạo ra các chữ cái. Những yếu tố tạo ra chữ “Pivolo” ở đầu trang trông giống như thể chúng được sản xuất và lắp ráp bằng máy móc, và bản thân chúng trông giống như những cỗ máy nhỏ và hoạt động được xuất hiện ở mọi nơi trong thời đại của Art Deco. Khía cạnh quảng cáo hay công năng của tác phẩm này kết hợp nhuần nhuyễn với khía cạnh thẩm mỹ: ngay cả những ký tự riêng lẻ của phần văn bản cũng trở thành thành phần nghệ thuật của tổng thể tác phẩm.

1927: Đồng hồ có chuông Ai Cập của Louis Cartier

Vàng, bạc mạ vàng, xà cừ, ngọc trai, lapis lazuli, đa sắc và được tráng men lên trên các bộ phận đồng hồ bằng đồng – Bộ sưu tập cá nhân

Khi nhà khảo cổ người Anh Howard Carter khai quật lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun vào năm 1922, sự kiện này đã lập tức tạo ra một sự mê hoặc toàn cầu. Đột nhiên, Ai Cập cổ đại trở thành một chủ đề phổ biến trong văn hoá đại chúng, bao gồm âm nhạc, phim ảnh, văn chương đại chúng và nghệ thuật trang trí. Nhà kim hoàn Louis Cartier diễn giải niềm đam mê này với Ai Cập cổ đại vào các tác phẩm của mình trong những năm 1920, rất nhiều trong đó kết hợp với các vật liệu và kỹ thuật trang trí truyền thống của Ai Cập. Đối với một vài tác phẩm, Cartier thậm chí còn sử dụng các thánh vật thật.

Phiên bản Mỹ của phong cách Art Deco đặc biệt gợi lên liên tưởng đến thẩm mỹ hình ảnh của người Ai Cập cổ đại. Việc sử dụng các hình dạng hình học được đơn giản hoá, các trường màu không hòa trộn, sự đối xứng, và một sự nhấn mạnh vào đường nét là minh chứng cho điều này, đối với các nghệ sĩ, kiến trúc sư, và nhà thiết kế Art Deco Mỹ mong muốn tạo ra một phong cách thực sự quốc tế. Cũng như việc quốc gia này đã tự khẳng định mình là một cường quốc trên thế giới về chính trị, kinh tế, và quân sự, Mỹ cũng mong muốn một vị trí vượt trội trên trường văn hoá thế giới. Việc kết hợp các đặc điểm của các phong cách nghệ thuật lịch sử đáng chú ý nhất từ khắp nơi trên thế giới là một phần của chiến lược để Mỹ đạt được tầm vóc văn hóa được tôn trọng.

Chiếc đồng hồ phức tạp này mô phỏng kiến trúc và trang trí của các ngôi đền Ai Cập với các phù điêu khảm mô phỏng các hình người và thần thánh. Phần đáy của đồng hồ được chạm khắc từ Lapis Lazuli là một loại đá màu xanh thẫm được cho là nắm giữ sức mạnh thần thánh và thường được gắn với nữ thần của sự sáng tạo Isis, được miêu tả bằng một hình người có cánh xuất hiện ở phần đỉnh của chiếc đồng hồ.

1927: Hôn nhân vì tình… Hôn nhân vì tiền – Thiết kế bìa cho Harper’s Bazaar của Romain de Tirtoff

Màu goát trên giấy bìa

Việc sáng tạo của nghệ sĩ xuất sắc người Nga-Pháp Romain de Tirtoff, thường được biết đến với biệt danh Erté, trải dài trên một số lượng lớn các lĩnh vực. Thiết kế trang phục và sân khấu của ông được sử dụng tại Ziegfeld Follies, Folies Bergère, và một số lượng lớn các bộ phim cần sản xuất bởi Louis B. Mayer. Giữa các năm 1915 và 1937, ông thiết kế hơn 200 bìa tạp chí. Rất nhiều trong số đó, như ví dụ trên, là dành cho tạp chí thời trang cao cấp và nổi tiếng Harper’s Bazaar. Thiết kế và minh hoạ của ông cũng xuất hiện trong nhiều tạp chí phổ biến lúc bấy giờ như Vogue, Cosmopolitan,Ladies’ Home Journal. Bởi phần lớn người Mỹ thích đọc tạp chí và đi coi phim rạp hơn là thăm thú các gallery và bảo tàng, thực tế rằng tác phẩm của Erté rất nổi trội trong văn hoá đại chúng khiến cho phong cách Art Deco được phổ biến rộng rãi hơn là chỉ tồn tại trong địa hạt của một giới tinh hoa giàu có.

Trong minh hoạ bìa Mariage d’Amour. . . Mariage de Raison cho số tháng Năm năm 1927 của Harper’s Bazaar, một hình người phụ nữ đang ngồi với mái tóc ngắn kiểu bob theo phong cách của một nàng flapper cầm một bông hoa màu cam hình cầu trong bàn tay phải. Với bàn tay trái, cô tinh tế nắm lấy một đoạn của sợi ngọc trai rất dài được chất trong một chiếc hộp đỏ tinh xảo. Là một câu chuyện ngụ ngôn bằng hình ảnh về hôn nhân, cô đang tự đấu tranh giữa lựa chọn kết hôn vì tình yêu, được đại diện bởi những bông hoa, hay vì tiền, được đại diện bởi những viên ngọc trai. Erté cũng lấy cảm hứng từ nghệ thuật Ai Cập và Commedia dell’arte, những hình ảnh từ đồ gốm Hy Lạp cổ đại, bên cạnh các nguồn lịch sử đa dạng khác. Phong cách của ông là một phiên bản trang nhã và nhiều đường cong hơn của phong cách được đơn giản hoá Art Deco, một sự tách biệt ít trực tiếp hơn khỏi những hình dạng phức tạp hơn và những đường ngoằn ngoèo đặc trưng của phong cách tiền nhiệm Art Nouveau.

1930: Người phụ nữ trẻ đeo găng của Tamara de Lempickaa

Sơn dầu trên ván ép – Bảo tàng Luxembourg, Paris

Hoạ sĩ gốc Ba Lan Tamara de Lempicka đã trở thành một trong người khởi xướng chính của phong cách Art Deco ở châu Âu và Bắc Mỹ, tạo ra những chân dung cách điệu cao cấp và phù hợp với xu hướng của những người nổi tiếng và thời trang: diễn viên, người có địa vị trong xã hội, quý tộc. Bà được khen thưởng xứng đáng nhờ tác phẩm của mình, mang lại danh tiếng và sự tán thưởng của giới phê bình. Lempicka tham gia tích cực vào giới ăn chơi ở Paris trong những năm 1920, nơi bà trở thành bạn của Picasso cũng như những nhà văn André Gide và Jean Cocteau. Đời sống tình ái đầy kịch tính của bà thu hút đủ loại bình luận và tai tiếng.

Bức họa này nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. Young Lady with Gloves miêu tả một người phụ nữ trang nhã trong chiếc váy màu xanh lá, đội một chiếc mũ trắng hợp màu với đôi găng của cô, và một đôi môi tô son đỏ rực rỡ. Những đường viền sắc nét, các mặt phẳng đứt gãy của vải váy, phần nền nông màu xám, và sự tương tác rõ rệt giữa ánh sáng và bóng trên khuôn mặt cô bộc lộ sự ảnh hưởng đáng kể của Lập thể lên phong cách Art Deco, mặc dù Lempicka tránh những sự trừu tượng sâu rộng hơn của phong cách đó. Phần lớn các tác phẩm của bà mang tính tượng hình và màu sắc táo bạo, những đường nét sạch sẽ, chính xác là các đặc tính chung của phong cách Art Deco trang nhã và tinh gọn.

Tác phẩm của Lempicka phản ánh một đặc tính chung khác của phong cách Art Deco – sự gợi cảm trang nhã. Trong bức chân dung này, chiếc váy lụa của người phụ nữ trẻ ôm sát vào đường nét cơ thể cô, làm nổi bật phần bụng và bầu ngực của nàng. Thực tế là, những gì được cho là bản chất khiêu khích tình dục của bức tranh này đã làm nổ ra tranh cãi khi nó được trưng bày lần đầu tại Salon des Indépendants tại Paris, năm 1932.

Hoàn thiện năm 1930: Tòa nhà Chrysler của William van Alen

Tòa nhà gạch với khung thép và vương miện bằng thép không gỉ – Đại lộ Avenue và Đông phố 42, New York 

Biểu tượng Art Deco này của New York được thiết kế bởi William van Alen, một kiến trúc sư người Mỹ được đào tạo tại Pháp mà đã được biết đến từ trước bởi các thiết kế của một vài những tòa nhà chọc trời bắt mắt ở trung tâm Manhattan. Tòa nhà này được hoàn thiện trong vòng dưới hai năm bởi khoảng bốn tầng được hoàn thiện mỗi tầng, một tốc độ xây dựng nhanh tới đáng ngạc nhiên vào thời điểm đó. 

Vì toà nhà được đầu tư bởi Walter P. Chrysler, nhà sáng lập ra công ty sản xuất ô tô mang cũng mang tên ông, những chi tiết kiến trúc được thiết kế để gợi nhớ tới các sản phẩm của Chrysler. Những chi tiết này bao gồm các điêu khắc đầu máng nước (gargoyle), được thiết kế mô phỏng theo các vật trang trí mui xe ô tô của Chrysler, và những chi tiết chạy dọc phần ngoại thất của bao mươi tầng đầu tiên gợi nhớ tới các nắp tản nhiệt. Những khía cạnh dễ nhận biết nhất của tòa nhà là bảy vương miện hình vòm trên đỉnh của nó, từng cái đều mang một mô-típ mặt trời rực rỡ độc đáo. Những mái vòm của phần chóp lung linh gợi ra hình dạng của những trục bánh xe bằng crôm cũng như những mặt trời đang lên, và chất lượng hình học, bóng bẩy của chiếc vương miện phản ánh động lực hướng tới sự trang nhã tinh gọn và hợp với thời đại máy móc, điển hình của Art Deco Mỹ.

Rất nhiều tòa nhà mang tính biểu tượng của thành phố New York được xây dựng vào thời điểm đỉnh cao của trào lưu Art Deco. Ở các quốc gia như Ấn Độ, Cuba, và Philippine, kiến trúc Art Deco vẫn tiếp tục phổ biến và thông dụng cho đến những năm 1960. Hàng tá thành phố trên thế giới báo trước sẽ có những kiến trúc Art Deco của riêng mình.

1941: Radio để bàn Philco mẫu 41-230T, vỏ Bakelite, hai băng tần

Radio Bakelite

Streamline Moderne là đỉnh cao của phong cách Art Deco Mỹ. Nó phát triển vào những năm 1930 và thể hiện rõ ở các đồ vật đa dạng như là những tòa nhà cao tầng trang nhã cho đến những đồ vật nhà bếp giá cả phải chăng. Thứ thẩm mỹ được làm cho nhẹ nhàng hơn này cũng phù hợp hơn với thế giới quan ở Mỹ sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929. Trong khi các nhà thiết kế trước đây thường kết hợp những vật liệu đắt tiền và ngoại lai, Streamline Moderne sử dụng các vật liệu công nghiệp rẻ tiền và sẵn có, như nhựa và crôm.

Với chiếc radio này không, không có bất cứ chi tiết thừa nào và các tính năng công năng của chiếc đài được biến thành các yếu tố không thể thiếu của thiết kế. Thiết kế này kết hợp thẩm mỹ hiện đại và công nghệ hiện đại. Nó sử dụng nhựa Bakelite, một loại nhựa mới được phát minh vừa nhẹ vừa bền, và giá thành sản xuất rẻ, có nghĩa là những đồ vật này có thể được sản xuất hàng loạt và bán như những mặt hàng tiêu dùng có tính thiết kế cao cho thị trường lớn của tầng lớp trung lưu.

1937: Những tranh tường Tiến bộ Mỹ của Jose Maria Sert

Tranh tường – Sảnh chính của 30 Rockefeller Plaza

Hoạ sĩ vẽ tưởng nổi tiếng Jose Maria Sert đã được đặt hàng làm một hình ảnh trang trí cho sảnh chính của Trung tâm Rockefeller vào năm 1937, một trường hợp kinh điển của kiến trúc hiện đại Art Deco, mà được lên kế hoạch là khai trương chính thức vào năm 1939. Diego Rivera là người ban đầu được chọn để tạo ra các bức tranh tường, nhưng ông đã xúc phạm đến gia đình Rockefeller khi vẽ nhà Cộng sản cách mạng Lenin như một phần của thiết kế cho tác phẩm của mình, Người đàn ông ở những ngã tư đường (Man at the Crossroads) (1934), và do vậy bức tranh tường đã bị phá hủy, và công việc này đã được chuyển cho Sert.

Tác phẩm American Progress Murals thể hiện sự kết hợp điển hình giữa cái cổ điển và cái đương đại của Art Deco. Bức tranh cho thấy ngụ ngôn và ngụ ý từ hội hoạ cổ điển như những nàng thơ của thơ ca và khiêu vũ. Đồng thời, nó cũng tôn vinh những con người và giá trị mà đóng góp cho cuộc sống Mỹ hiện đại, thể hiện những hình tượng lịch sử như Abraham Lincoln và Ralph Waldo Emerson. Đó là sự khẳng định về sự phát triển của tư duy cầu tiến của người Mỹ trong mọi địa hạt của nghệ thuật và khoa học, và như Clare Cardinal-Pett nói “tôn vinh tiến bộ công nghệ và các chủ đề về khả năng của con người trong việc làm chủ vũ trụ” theo một cách độc đáo của nước Mỹ. Tác phẩm có một tinh thần dân tộc dễ cảm nhận, tương tự với những tranh tường công cộng được sản xuất tại nước Mỹ giữa hai Thế chiến. 

Tranh tường được thiết kế để hoạt động hài hoà với kiến trúc của căn phòng để mỹ thuật và thiết kế kết hợp liền mạch, một đặc điểm đã trở thành đặc trưng riêng của phong cách Art Deco. Trong ví dụ này, hình ảnh của Atlas trông như đang đỡ phần trần của căn phòng, giang chân đứng giữa hai cây cột thật. những hình tượng vuông vức, vững chãi này là những đặc điểm chung của phong cách Art Deco; nếu Art Nouveau nhấn mạnh những đường cong gợi cảm, Art Deco có thể được cho là tập trung vào cái sự góc cạnh và cùng lắm là những đường cong nhẹ. Thân hình cường tráng, vạm vỡ của những hình tượng trong tranh tường của Sert gợi nhớ đến trần nhà nguyện Sistine được vẽ bởi Michelangelo, một sự tham khảo mà đã được nghệ sĩ cân nhắc rất kỹ càng. Cũng như trần nhà nguyện Sistine thể hiện những gì đẹp nhất của Phục Hưng Ý, những bức tranh tường của Sert cũng nhắm tới việc bày tỏ sự xuất chúng của sáng tạo, sản xuất, và đổi mới của người Mỹ trong thời kỳ thịnh vượng hậu Thế Chiến II vào những năm 1920 và 1930, một thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ.

1935: Xe coupe đua Delahaye 135M Figoni & Falaschi của Giuseppe Figoni và Ovidio Falaschi

Khung nhôm với các tô điểm bằng crôm – Bộ sưu tập Patterson, Louisville, Kentucky

Chiếc coupe thể thao hai chỗ này được thiết kế bởi các chuyên gia đóng xe người Pháp gốc Ý là Giuseppe Figoni và Ovidio Falaschi cho các cuộc đua đường trường. Chiếc xe được đặt hàng bởi một tay đua người Pháp và sau đó thuộc về sở hữu của một nữ bá tước và một nữ diễn viên Hollywood, sự lặp lại gợi cảm hơn này của phong cách Art Deco có sức hấp dẫn rộng rãi, một thiết kế chống lại sự tối giản và nhấn mạnh vào góc phải và cân xứng.

Thiết kế khí động học của chiếc xe, những đường nét uyển chuyển và những điểm nhấn hình giọt nước bằng crôm đã khiến nó trở thành một biểu tượng của phong cách Art Deco, đặc biệt là trong việc tôn vinh tốc độ trong thế giới hiện đại có nhịp độ nhanh. Chắn bùn phía trước và sau uốn cong rồi vuốt xuống che bánh xe, và gầm xe nằm khá thấp xuống mặt đất, tạo ra ảo giác chuyển động về phía trước ngay cả khi đang đỗ lại. Chiếc xe kết hợp đỉnh cao của cải tiến công nghệ, các vật liệu hiện đại, và hiệu suất với sự sang trọng tinh gọn, đương đại thông qua các chi tiết trang trí bằng crôm hình ê líp, nội thất trang trí bằng gỗ sang trọng, đèn pha và tay nắm cửa được kết hợp liền mạch với khung. Một người lái chiếc xe này không làm gì khác ít hơn là trở thành một phần của một kiệt tác nghệ thuật hoàn toàn hoạt động được.

Người dịch: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

art deco emile jacques ruhlmann etat cabinet Harper's Bazaar Heirstory Hương Mi Lê jose maria sert Lê Hương Mi louis cartier rene lalique romain de tirtoff Series Lịch sử thiết kế đồ họa tamara de lempickaa victoire william van alen

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…