Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử

Vào thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, cùng với sự thay đổi lớn về cấu trúc xã hội được tạo ra bởi những đại Cách mạng Công nghiệp và nhiều cuộc chiến tranh, nhiều trào lưu nghệ thuật và thiết kế đã hình thành như các hồi đáp khác nhau với hiện trạng của tập thể lẫn cá nhân.

Arts & Crafts là trào lưu nghệ thuật mang tính ứng dụng, tức cũng là một trào lưu thiết kế, tiên phong của thời kỳ hiện đại. Bên cạnh những dấu vết thẩm mỹ hiển nhiên vẫn xuất hiện trong sản xuất nội thất và đồ tiêu dùng hàng loạt khác cho tới tận ngày nay, tầm quan trọng của trào lưu này nằm tại tư tưởng của những người thành lập nó, tạo ảnh hưởng tới rất nhiều cá nhân, tập thể, và trào lưu cùng thời và kế cận.

TRÀO LƯU NGHỆ THUẬT VÀ THỦ CÔNG

Tóm lược Trào lưu Arts & Crafts

Những nhà sáng lập của Trào lưu Arts & Crafts (Nghệ thuật và Thủ công) là một trong những nhà phê bình lớn đầu tiên của Cách mạng Công nghiệp. Chán nản với hướng đi thiếu nhân tính và máy móc hóa của xã hội vào thế kỷ 19, họ tìm về lối sống đơn giản hơn, trọn vẹn hơn. Phong trào được yêu thích vì sử dụng vật liệu chất lượng cao và nhấn mạnh vào tính tiện ích trong thiết kế. Arts & Crafts xuất hiện ở Vương quốc Anh vào khoảng năm 1860, gần như cùng thời điểm của một trào lưu tương tự là Trào lưu Thẩm mỹ (Aesthetic Movement), nhưng sự lan tỏa của Arts & Crafts rộng khắp Đại Tây Dương tới Hoa Kỳ vào những năm 1890 đã tạo điều kiện để nó tồn tại lâu hơn – ít nhất là cho tới tận những năm 1920. 

Tên gọi chung của trào lưu chưa thực sự được thống nhất mãi cho tới 1887, ở hai quốc gia nói trên Arts & Crafts tồn tại dưới nhiều biến thể khác nhau, và đã truyền cảm hứng cho những nhóm nghệ sĩ và những nhà cải cách cùng thời ở châu Âu và Bắc Mĩ, bao gồm Art Nouveau, Wiener Werkstätte, Prairie School, và nhiều nhóm khác. Niềm tin rằng nghệ thuật có khả năng tái cấu trúc xã hội đã tác động mạnh mẽ đến những trào lưu về sau trên mọi nhánh nghệ thuật.

Ý tưởng chính và thành tựu

  • Ở Anh và Mỹ, trào lưu Arts & Crafts tồn tại dưới những cái tên khác nhau, và hai nhánh thường được phân biệt bởi thái độ đối với nền công nghiệp hóa tương ứng như sau: Ở Anh, các nghệ sĩ và nhà thiết kế thuộc trào lưu Arts & Crafts có xu hướng thể hiện thái độ tiêu cực hoặc không rõ ràng đối với vai trò của máy móc trong quá trình sáng tạo, trong khi người Mỹ có xu hướng đón nhận máy móc dễ dàng hơn.
  • Những người thực hành trào lưu này tin chắc rằng sự kết nối được củng cố giữa người nghệ sĩ và tác phẩm của mình thông qua thủ công là chìa khóa tạo ra cả sự hoàn thiện của con người lẫn những món đồ đẹp hữu dụng sẽ được sử dụng hàng ngày. Theo đó, nghệ sĩ Arts & Crafts thường gắn liền với một dải lớn các loại nghệ thuật trí trang trí và kiến trúc như một dạng đối lập với nghệ thuật “bậc cao” của hội họa và điêu khắc.
  • Tính thẩm mỹ của Arts & Crafts rất đa dạng tùy vào phương tiện và địa điểm liên quan, nhưng chủ yếu chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi hình ảnh thiên nhiên và các hình dạng của nghệ thuật thời trung cổ, đặc biệt là phong cách Gothic vốn đã phục hưng ở châu Âu và Bắc Mỹ trong suốt giữa thế kỷ 19.

Lược sử Arts & Crafts

Mẫu hoa văn Larkspur (1875) của William Morris

“Đừng chứa trong nhà bạn bất cứ thứ gì mà bạn không thấy là có ích hay tin là đẹp đẽ,” William Morris đã nói vậy. Người tiên phong của trào lưu Arts & Crafts đã không bỏ qua bất cứ chi tiết nào của thiết kế nội thất.

Khởi đầu của Arts & Crafts

Trào lưu Arts & Crafts phát triển từ một số luồng tư tưởng liên quan trong suốt giữa thế kỷ 19. Đầu tiên và trước nhất, nó chính là phản ứng trước những thay đổi về mặt xã hội do Cách Mạng Công Nghiệp gây ra – cuộc cách mạng bắt nguồn từ nước Anh và những tác động tiêu cực của nó được chứng thực rõ ràng nhất tại đây. Công cuộc công nghiệp hoá đã đẩy một lượng lớn người lao động thuộc giai cấp công nhân vào những thành phố vẫn còn chưa sẵn sàng đối mặt với làn sóng người nhập cư mới đến, dồn họ họ sống chen chúc ở những căn nhà xiêu vẹo tồi tàn và buộc họ làm những công việc khắc nghiệt, nguy hiểm trong nhiều giờ với mức lương thấp. Các thành phố cũng tương tự thường xuyên bị ô nhiễm do hàng loạt các nhà máy.

Toa xe hạng ba (Le wagon de troisième classe) (1862-1864) của Honoré Daumier. Cũng là cảnh xã hội châu Âu thế kỷ 19, nhưng mà ở Pháp.

Những nhà phê bình như nhà văn John Ruskin và kiến trúc sư Augustus Welby Northmore Pugin phê phán mạnh mẽ những vấn đề này của quá trình công nghiệp hoá. Họ đối chiếu những tệ nạn của nó với thời đại Gothic trước Phục hưng mà họ coi là một khoảng thời gian bình dị của lòng mộ đạo và các tiêu chuẩn đạo đức cao cũng như một môi trường xanh, lành mạnh. Đối với cả Ruskin và Pugin, có một mối liên kết chặt chẽ giữa đạo đức của một dân tộc và hình thái kiến trúc của nó, và thời đại Gothic với họ là biểu tượng cho đỉnh cao phát triển của con người.

Nguồn gốc của trào lưu: William Morris

Hình ảnh Đại triển lãm – The Great Exhibition hay The Great Exhibition of the Works of Industry of All Nations
(Đại triển lãm về các công trình công nghiệp của tất cả các quốc gia),
tổ chức năm 1851 tại Hyde Park, London

Khởi nguồn của trào lưu Nghệ thuật và Thủ công là Đại triển lãm (the Great  Exhibition) năm 1851, hội chợ đầu tiên trên thế giới, được tổ chức tại London. Sự chỉ trích chính đối với những món đồ sản xuất được trưng bày ở đây nhằm vào cơn bạo loạn của những chi tiết trang trí không cần thiết và sự thiếu chú trọng vào tính tiện dụng. Một người giàu có và trẻ tuổi ủng hộ ý kiến của Ruskin là William Morris, một người học việc cho kiến trúc sư phục hưng Gothic George Edmund Street. Morris cũng nhập hội với hoạ sĩ Edward Burne-Jones và các nghệ sĩ khác thuộc nhóm tiền Raphaelite, bao gồm cả Dante Gabriel Rossetti – tất cả đều mang trong mình niềm say mê nghệ thuật trung cổ và thiên nhiên. 

Vào năm 1861, Morris cùng với Burne-Jones, Rossetti, Philip Webb, Ford Madox Brown, Charles Faulkner, and Peter Paul Marshall sáng lập công ty nghệ thuật trang trí Morris, Marshall, Faulkner & Co. tập trung vào những thiết kế giấy dán tường có những hình ảnh từ thiên nhiên.

Trellis (1862) – Thiết kế chuyên biệt đầu tiên cho giấy dán tường của công ty Morris, Marshall, Faulkner & Co.

Vào 1859, Morris đã uỷ thác Webb thiết kế ngôi nhà cho gia đình mình ở London với một cái tên thích hợp là Ngôi nhà đỏ (Red House) bởi màu gạch đỏ trầm của nó. Những mái dốc, mặt bằng không cân xứng hình chữ L, và mái hiên nhô ra gợi nhớ phong cách Gothic, với những viên gạch tạo ra nét đơn giản, không màu mè – tất cả góp phần vào sự công nhận chung rằng đây là toà nhà đầu tiên mang hơi hướm Arts & Craft đầu tiên. 

Những căn nhà ở, được nhìn nhận bởi những người theo trường phái Arts & Crafts như một đê chắn những điều kiện khắc nghiệt của quá trình công nghiệp hoá, một nơi trú ẩn để phục hồi tinh thần, và là chỗ dành riêng cho một đơn vị gia đình truyền thống, trở thành kiểu toà nhà gắn liền nhất đối với trào lưu này (một sự kiện khá thú vị, vì hầu hết mọi người gắn “Arts & Crafts” với các đồ vật thủ công).

Ngôi nhà đỏ của Philip Webb tại Bexleyheath, Đông Nam London

Công ty của Morris phát triển trong suốt những năm 1860 và 1870, đặc biệt là khi Morris có được các đơn đặt hàng thiết kế nội thất quan trọng, chẳng hạn như Cung điện St. James (St. James’s Palace) (1866) và Phòng ăn xanh lục (Green Dining Room) tại bảo tàng Nam Kensington (nay là Victoria & Albert) (1866-68). Nó cũng mở rộng phạm vi các mặt hàng mà nó sản xuất, bao gồm cả đồ nội thất, chẳng hạn như “Ghế Morris” nổi tiếng, hàng dệt và cuối cùng là kính màu. Vào năm 1875, Morris – trong mối quan hệ xấu đi với Rossetti (một phần do cuộc ngoại tình của Rossetti với vợ của Morris) – mua đứt cổ phần của các đối tác và tổ chức lại công ty dưới tên gọi Morris & Co.

Công ty của Morris nhấn mạnh vào việc sử dụng thủ công thay vì sản xuất máy móc, theo đó tạo ra những tác phẩm đạt chất lượng cao mà Morris hy vọng cuối cùng sẽ truyền cảm hứng cho ngành tiểu thủ công nghiệp trong các tầng lớp lao động và mang lại niềm vui cho người lao động của họ, do đó tạo nên một loại nghệ thuật dân chủ. 

Bản thân Morris tham gia vào mọi bước trong quá trình sản xuất các sản phẩm của công ty, điều này làm sống dậy ý tưởng rằng nhà thiết kế và nghệ sĩ nên điều khiển toàn bộ quá trình sáng tạo thay vì phân công lao động máy móc đang ngày càng được sử dụng nhiều ở hầu hết các nhà máy. Ông cũng hồi sinh việc sử dụng chất nhuộm màu tự nhiên hữu cơ. Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn tự nhiên và thủ công trở nên cực kỳ thâm dụng lao động, và Morris thì không hoàn toàn phản đối việc sử dụng sản xuất cơ khí. Dẫu vậy, tiếng tăm của tác phẩm của Morris gia tăng một cách đáng kể ở Anh, lục địa châu Âu, và Mỹ, đặc biệt sau khi khai trương một cửa hàng mới ở Đường Oxford 449 năm 1877 với đội nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Morris, người đã tự học thư pháp phương Tây (calligraphy) vào những năm 1860, vẫn luôn quan tâm tới ký tự pháp và các bản viết tay. Vào năm 1891, ông thành lập Kelmscott Press để in các ấn bản của Geoffrey Chaucer và Ruskin, trong số đó, có 23 tác phẩm của chính ông như tiểu thuyết không tưởng lan man Tin tức từ miền Không đâu (News From Nowhere) – tuyển tập được thiết kế một cách công phu tinh tế đã sánh ngang với giá trị nghệ thuật của các bản viết tay thời trung cổ, mặc dù Kelmscott Press đã phá sản một năm sau khi Morris qua đời năm 1896.

Những phát triển về sau – Sau Phong trào Thủ công & Nghệ thuật

Những cái tên khác

Đặc biệt ở Hoa Kỳ, Phong trào Nghệ thuật & Thủ công được biết đến với một số tên khác, nổi bật nhất là “Phong cách Thợ thủ công” (Craftsman Style), được phổ biến bởi Gustav Stickley (và, bằng cách mở rộng đồ nội thất do các công ty nội thất đối thủ của anh em ông sản xuất), như được quảng cáo trên tạp chí The Craftsman của ông, xuất bản từ năm 1901 đến năm 1916. “American Craftsman” (Thợ thủ công Mỹ) thường được sử dụng thông tục cho các ngôi nhà gỗ và những ngôi nhà lấy cảm hứng từ Arts & Crafts. 

Thuật ngữ “Phong cách Sứ mệnh” (Mission Style) hoặc “Nội thất sứ mệnh” (Mission furniture) cũng vẫn thường xuyên được sử dụng, ban đầu có nghĩa là để mô tả một chiếc ghế do A.J. Forbes năm 1894 cho Nhà thờ Thụy Điển của San Francisco, nhưng được phổ biến vào năm 1898 bởi Joseph McHugh, một nhà sản xuất đồ nội thất ở New York, đề cập đến đồ đạc đơn giản của các cơ quan truyền giáo Tây Ban Nha ở California. Thường tồn tại sự trùng lặp đáng kể giữa Thẩm mỹ Thuộc địa Tây Ban Nha và Arts & Crafts, đặc biệt là ở miền Tây Hoa Kỳ. 

Ghế theo phong cách của A. J. Forbes

Mặt khác, cần lưu ý rằng việc sử dụng thông tục thuật ngữ “Nghệ thuật và Thủ công” để chỉ các hoạt động lấy sở thích cá nhân làm trung tâm và bán lẻ không liên quan đến phong trào chính thức của Arts & Crafts.

Suy tàn và tan rã

Có một số yếu tố đã góp phần vào sự sụp đổ của phong trào Thủ công & Nghệ thuật trong thế kỷ 20. Điều cơ bản dẫn đến sự suy giảm của nó là vấn đề cố hữu của việc thủ công – đòi hỏi nhiều lao động – là làm sao có thể dễ dàng sản xuất với số lượng lớn và đủ rẻ để tiếp cận khán giả đại chúng. Morris không bao giờ có thể giải quyết nghịch lý này, vì mục tiêu của ông là tạo ra một nghệ thuật dân chủ cho quần chúng, và theo thời gian, ông thường xuyên càu nhàu rằng công ty của ông hầu như chỉ phục vụ những khách hàng giàu có. 

Mẫu hoa tulip và cây liễu dành cho in vải (1873) của Morris 

Vấn đề không chỉ xảy ra với công ty của ông, vì nhiều người thực hành Arts & Crafts khác ở cả hai bờ Đại Tây Dương buộc phải áp dụng sản xuất máy móc, thường là đi kèm giảm chất lượng để duy trì hoạt động, và một số đơn giản là đã ngừng kinh doanh. Nhiều đơn vị hợp tác nghệ thuật, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, phát hiện ra rằng một doanh nghiệp tập thể được xây dựng trên cơ sở thủ công về lâu dài là không còn bền vững. 

Cuối cùng, giống như nhiều phong trào khác, Arts & Crafts trở thành nạn nhân của sự thay đổi thị hiếu: vào buổi bình minh của thế kỷ mới, người ta bắt đầu tìm đến chủ nghĩa Tân cổ điển truyền thống – Phục hưng Baroque thời Edward ở Anh và phong trào City Beautiful (Thành phố Tươi đẹp) ở Mỹ – trong đó phần lớn đánh dấu sự kết thúc của Arts & Crafts như một hiện tượng chủ đạo sau Thế chiến thứ nhất.

Những tòa nhà “Thành phố Trắng” ở Chicago – xây cho Triển lãm Columbia Thế giới năm 1893 là nguồn cảm hứng cho trào lưu City Beautiful

Phần nhỏ của Arts & Crafts đã tồn tại được giữa các cá nhân và các doanh nghiệp hợp tác nghệ thuật cho đến giữa thế kỷ 20. Công ty Eagle Pottery sản xuất đồ gốm Bybee ở miền Nam nước Mỹ đã có những năm tháng tốt đẹp nhất trong những năm 1930, và trường Đại học Newcomb và đồ gốm Teco tiếp tục sản xuất vào đầu những năm 1940. Hiệp hội Triển lãm Arts & Crafts vẫn tồn tại dưới dạng đã được sửa đổi với tên gọi Hiệp hội Thợ thủ công Thiết kế và tổ chức các cuộc triển lãm định kỳ. Như với nhiều phong trào thiết kế và kiến ​​trúc – và thậm chí còn hơn thế nữa – thẩm mỹ Arts & Crafts tiếp tục ảnh hưởng đến các dòng sản phẩm giá rẻ, được thương mại hóa cao – đặc biệt là sử dụng vật liệu giả và tổng hợp – ngày nay thường được tiếp thị trong các cửa hàng bách hóa và các nhà bán lẻ khác.

Di sản

Ý niệm coi thủ công và sự hiển hiện của bàn tay nghệ sĩ như một nguyên lý trung tâm của sản xuất sáng tạo, như Phong trào Arts & Crafts khuyến khích, đã chứng tỏ nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế và phong trào khác nhau ở Châu Âu và Bắc Mỹ, thường là cùng một lúc khi chính Arts & Crafts đang phát triển mạnh mẽ. 

Ở Scotland, Charles Rennie Mackintosh và Glasgow School đôi khi được nhóm lại với các nhà thiết kế Arts & Crafts khác. Nhiều người ủng hộ Art Nouveau đã trích dẫn William Morris như là người có tầm ảnh hưởng lớn đến công việc của họ, và phong trào này đặc biệt được ngưỡng mộ ở Áo và Đức, nơi các trường thiết kế dựa trên thủ công, các nhóm nghệ sĩ như thế ở Darmstadt, và các thành phố vườn được quy hoạch vọng lại các nguyên lý của Arts & Crafts và tuyên bố nó là tổ tiên trực tiếp của họ. 

Tòa nhà (trường) Bauhaus ở Dessau – vị trí thứ hai của ngôi trường, trước khi trường chuyển về Berlin và đóng cửa,
cũng là công trình nổi tiếng nhất của Bauhaus – hiện được công nhận là di sản thế giới bởi UNESCO

Trường hợp của trường Bauhaus do Walter Gropius thành lập vào năm 1919 cũng vậy, thậm chí có lẽ là đã đi xa hơn và thể hiện khuynh hướng xã hội chủ nghĩa rõ ràng, buộc trường phải chuyển địa điểm nhiều lần trước khi đóng cửa vào năm 1933.

Người dịch: Nhung
Nguồn: The Art Story

Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!


Cùng tác giả

#Tag

arts and crafts Hương Mi Lê Lê Hương Mi phong trào nghệ thuật và thủ công Series Lịch sử thiết kế đồ họa william morris

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…