Carl Mehling - Truy tìm nghệ thuật trong những vết hằn trên vỉa hè đô thị

Những vết dấu trên bê tông chẳng thể trả lời được những câu hỏi như sinh vật này từ đâu đến và định đi đâu. Một chú bồ câu mất ngón có thể đã bị thương trong đống rác thải hoặc vượt qua một cơn hoạn nạn nào đó. Những câu chuyện nhỏ nhặt có thể khiến ta trở thành một nhà quan sát thầm lặng và tinh anh. Và Carl Mehling là người truy tìm nghệ thuật trong những hóa thạch đô thị đó.

Dấu chân chim trên xi măng – JOEY KOTFICA/GETTY

Một mặt nào đó, đô thị có thể được xem là một cá thể sống biến chuyển theo không gian, thời gian và mang những hình dáng, bộ mặt khác nhau theo từng thời kỳ. Hãy dành thời gian nhìn ngắm những lát cắt của đô thị. Chú chim bồ câu mải mê nhảy nhót từ mái nhà này qua mái nhà kia. Nhóm công nhân lặng lẽ di chuyển xuống phía dưới con đường để sửa chữa hệ thống cống rãnh và khí đốt. Trên mặt đất, con người, thú cưng, sóc, chuột và rất nhiều sinh vật khác vẫn hằng ngày sải bước, để lại dấu vết của mình theo nhiều cách khác nhau. Thỉnh thoảng, nếu may mắn và chịu quan sát kỹ một chút, bạn có thể tìm thấy lớp bê tông có lưu lại những dấu chân nhỏ xinh của một sinh vật nào đó. Bằng cách này, những bước chân đô thị được lưu giữ lại dưới dạng hóa thạch thời hiện đại – bằng chứng cho thấy sự tồn tại của một sinh vật trong dòng thời gian bất tận.

Để có thể tìm ra vẻ đẹp của dạng hóa thạch đô thị này, bạn buộc phải dành sự chú ý nhiều hơn đến với mặt đất dưới chân mình. Khi Carl Mehling còn là một học sinh lớp hai ở Queens, mẹ của anh trong lúc dẫn con trai đến trường đã để lại một cái lá trên nền bê tông vỉa hè. “Đối với tôi, đó là một dạng hóa thạch. Và tôi đương nhiên đã nghĩ về việc dùng búa để lấy nó ra,” anh nói.

Giờ đây, Carl Mehling là chuyên gia cấp cao của ngành cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ – và vẫn còn dành sự yêu thích đặc biệt cho thế giới dưới chân mình. Dù là đang trên cánh đồng tìm kiếm hóa thạch, hay trong rừng sâu hái nấm, anh nói, “đôi mắt tôi luôn không ngừng tìm kiếm những điều thú vị trên mặt đất”. Vào khoảng một thập kỷ trước, chàng trai trẻ bắt đầu để ý đến vết chân trên bê tông khi một người bạn đang cần nguồn tư liệu cho một quyển sách. Sự kiện này khiến anh như được “bật công tắc”.

“Và từ đó, tôi chưa bao giờ dừng lại,”

Mehling nói.

Vết hằn của lá cây và dấu chân chim trên bê tông – CARL MEHLING

Để thu được những bức ảnh rõ ràng nhất về dấu chân trên bê tông, người chụp phải chụp nó trong điều kiện ánh sáng xiên (raking light – thủ thuật chiếu sáng các vật thể từ nguồn sáng ở góc xiên hoặc gần như song song với bề mặt, được sử dụng rộng rãi trong việc kiểm tra các tác phẩm nghệ thuật). “Nó làm tăng độ tương phản và khiến vật thể trở nên nổi bật,” Mehling nói. Phương pháp này cũng được sử dụng đối với những hóa thạch cổ xưa trong môi trường hoang dã. “Có những nơi chốn mà dù ở sát cạnh hóa thạch của loài khủng long, ta cũng không thể nào nhìn thấy. Nhưng khi điều kiện ánh sáng thay đổi, dù ở một khoảng cách rất xa ta cũng có thể phát hiện ra.”

Kể từ khi bắt đầu hứng thú với chủ đề đặc biệt này, Mehling đã chụp lại hàng trăm những dấu chân trên bê tông. Anh tìm kiếm dấu vết của những chiếc lá với đường gân nổi rõ, hay một loạt hình dạng kỳ lạ trông như các tế bào thần kinh, mà anh nghi ngờ rằng nó là bằng chứng của một tia sét. Ngoài ra, Mehling tìm thấy một phiến đá ở Queens trông như là bãi chiến trường của loài chim sẻ. Trong bộ sưu tập hình ảnh của anh có rất nhiều dấu chân của người, mèo, chó và chim bồ câu.

Những dấu chân chim di chuyển theo nhiều hướng khác nhau – CARL MEHLING

Tuy nhiên, những suy đoán thì mãi dừng lại ở suy đoán bởi các nhà khoa học khó truy vết một giống loài nếu chỉ nhìn vào dấu chân. Trong tự nhiên, có rất nhiều giống loài khác nhau sở hữu dấu chân về giống nhau về hình dáng và kích thước. Ví dụ, dường như không thể phân biệt dấu chân của bồ câu và bồ câu bi ai; hay rất nhiều loài mòng biển cũng có dấu chân giống nhau. Dù vậy, vẫn có nhiều chi tiết để các nhà khoa học phân biệt. Như bàn chân có màng thể hiện của những loài chim sống gần môi trường nước, so với những bàn chân không màng. Sải bước của chân cũng là một đặc điểm thú vị bởi chỉ có chim sẻ thì dấu chân mới gần cạnh nhau, bởi chúng thường nhảy lò cò khi di chuyển. Trong khi đối với những loài chim khác thì chân này luôn cách chân kia một khoảng.

Lượng dữ liệu ít ỏi về lĩnh vực này khiến hóa thạch đô thị trên những con đường bê tông thường không được chú trọng nghiên cứu, dù rằng vẫn có một số học giả trong vài thập kỷ xem nó là một đề tài thú vị trong lĩnh vực hệ sinh thái đô thị. Họ cho rằng, hóa thạch đô thị dạng này góp phần giúp đa dạng hóa phương pháp nghiên cứu giống loài. Dấu chân động vật là một bằng chứng hùng hồn cho việc chúng đã từng hiện diện ở đó ít nhất một lần trong đời.

Vết hằn của lá cây và dấu chân nhiều sinh vật trên bê tông – CARL MEHLING

Để có thể đưa ra kết luận chỉ từ những vết chân quả là một thử thách khó khăn, tương tự như nghiên cứu hóa thạch thời tiền sử. Bằng chứng không rõ ràng và thông tin ít ỏi khiến nhà nghiên cứu dễ đưa ra nhận định sai. Ví dụ, khi thấy đường đi theo dấu chân khủng long đột ngột có bước ngoặt, họ thường sẽ đưa ra các dự đoán như: Nó đang chạy trốn kẻ săn mồi? Theo đuổi một con mồi hấp dẫn? Vượt qua một con đường ngập lụt? Tìm kiếm nơi ẩn nấp? Trong nhiều trường hợp, thông tin ấy sẽ trở nên ngoài tầm kiểm soát. “Một khúc ngoặt chỉ có thể nói cho chúng ta biết về khả năng thay đổi phương hướng của loài vật đó,” Mehling kết luận. Những con đường song song của khủng long chỉ ra rằng chúng đang di chuyển thành bầy, hoặc một cá thể đơn lẻ đã men theo con đường này rất nhiều lần. Tương tự, khi Mehling tìm thấy hàng loạt vết chân không theo quy củ của một loài chim trên bê tông, sẽ rất khó để xác định chính xác có một bầy chim đã ở đó, hay chỉ đơn giản là một con chim đang có xu hướng hưng phấn quá mức.

Tuy nhiên, cũng như những vết dấu của thời tiền sử, những dấu chân trên bê tông ở dạng hóa thạch đô thị rất dễ biến mất. “Bạn sẽ bất ngờ khi biết nó có thể bị hủy đi dễ dàng và nhanh chóng thế nào,” Mehling ngậm ngùi chia sẻ. “Người ta có thể dùng nó để xây dựng một công trình khác. Hoặc, điều kiện môi trường cũng khiến dấu chân nhòa đi không để lại vết tích.”

Một dấu giày trên nền xi măng

“Vỉa hè thời hiện đại ở thành phố New York được làm từ xi măng, nước, cát, sỏi và một số vật liệu sợi dẻo để hạn chế hư hỏng”, theo lời Shiho Kawashima, phó giáo sư về kỹ thuật dân dụng và cơ học kỹ thuật tại Đại học Columbia. Khi xi măng và nước hòa vào nhau, hỗn hợp này tạo thành chất keo khiến sỏi và cát kết dính. Thời gian để chất keo này giữ được độ ướt còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và cả chất lượng từng thành phần, thường là từ hai đến bốn tiếng đồng hồ. Sau tám tiếng, hỗn hợp ấy sẽ đông cứng và được định hình.

Dấu chân chó trên nền bê tông – Ake Dynamic/ Getty Images

Những vết dấu trên bê tông chẳng thể trả lời được những câu hỏi như sinh vật này từ đâu đến, chúng đang định đi đâu. Nhưng nó vẫn tạo nên trong ta những suy tưởng thú vị. Một chú bồ câu mất ngón, ví dụ, có thể đã bị thương trong đống rác thải hoặc vượt qua một cơn hoạn nạn nào đó. Những câu chuyện nhỏ nhặt có thể khiến ta trở thành một nhà quan sát thầm lặng và tinh anh. Tương tự như thế, những con đường – tưởng chừng vô cảm, cứng nhắc và chán ngán – có thể mang đến lời gợi nhắc thân thiện rằng tất cả các sinh vật đều đang san sẻ với nhau không gian của thành phố. Bởi vì, dù cố gắng cách mấy, tất cả chúng ta đều chỉ là những bóng hình lặng lẽ lướt qua, rồi sẽ lại trôi đi trong dòng chảy mênh mông bất tận của thời gian và không gian.

Bài dịch: Gau Truc.
Nguồn: Atlasobscura.

Cùng tác giả

#Tag

bê tông lịch sử nghệ thuật loài vật vẻ đẹp tự nhiên vẻ đẹp đô thị

iDesign Must-try

Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Khi Arts & Crafts của Anh gặp gỡ tranh in khắc gỗ ukiyo-e của Nhật Bản
Khi Arts & Crafts của Anh gặp gỡ tranh in khắc gỗ ukiyo-e của Nhật Bản
Những cú bắt tay giữa hai họa sĩ thuộc hai nền văn hóa khác nhau luôn đem lại những tác phẩm thú vị. Cùng tìm hiểu xem Frank Brangwyn và…
5 nghệ sĩ đặt nền móng cho phong trào Psychedelic
5 nghệ sĩ đặt nền móng cho phong trào Psychedelic
Psychedelic art đã bắt đầu như thế nào và ảnh hưởng ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần cuối)
Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần cuối)
Cùng tìm hiểu về những nghệ sĩ cuối cùng trong loạt bài những hạo sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20.
100 phân đoạn phim góp phần định hình nền công nghiệp hoạt họa (Phần 1)
100 phân đoạn phim góp phần định hình nền công nghiệp hoạt họa (Phần 1)
Danh sách trong bài viết này được xếp theo thứ tự thời gian, chọn lựa bởi các cây bút của trang Vulture với sự cố vấn của các chuyên gia…