/Chuyện Nghề/ - Phục chế tranh không chỉ là đi ‘vẽ lại’

Những con người đam mê nghệ thuật từ trong sâu thẳm tâm hồn, gìn giữ và bảo vệ những món quà của cảm xúc bằng tất cả tình yêu của mình.

Cùng thuộc lĩnh vực hội họa – nghệ thuật, và làm bạn với những tuýp màu, cây cọ, dung môi,… Nhưng khác với các họa sĩ được tự do bay bổng với những ý tưởng sáng tạo, người làm công việc phục chế tranh lại luôn phải giữ cho mình một cảm xúc ổn định, cẩn thận từng công đoạn, bởi chỉ lơ là một chút họ sẽ làm hỏng cả một tác phẩm giá trị.

Nghề phục chế tranh đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay họ vẫn là những con người thầm lặng của thế giới nghệ thuật. Cùng chúng mình tìm hiểu nhiều hơn về công việc đầy thách thức này nhé !

Lịch sử hình thành

Nghề phục chế tranh sớm được hình thành tại khu vực Châu Âu, dễ hiểu bởi nơi đây có nền nghệ thuật phát triển từ lâu đời, người dân sớm nhận thức được việc lưu giữ và bảo tồn các tác phẩm hội họa là một phần của việc bảo vệ lịch sử, văn hóa dân tộc. Theo một số ghi chép, công việc trùng tu tranh này được hình thành đầu tiên vào năm 1565 với việc phục hồi các bức tranh trên vòm của Nhà nguyện Sistine, Vatican.

Vòm trần nhà nguyện Sistine

Ban đầu công việc phục chế được thực hiện bởi các họa sĩ, tuy nhiên cho đến thế kỷ 19, khi khoa học và nghệ thuật phát triển, con người tìm thấy nhiều mối liên kết giữa hai lĩnh vực này với nhau. Tiêu biểu có thể kể đến như: nhà khoa học Michael Faraday bắt đầu nghiên cứu những tác hại của môi trường đối với các tác phẩm nghệ thuật hay Louis Pasteur thực hiện các phân tích khoa học chuyên sâu về màu sơn,…

Nhờ những nghiên cứu đó, nhiều tổ chức đầu tiên thời bấy giờ đã áp dụng khung lý thuyết này vào việc bảo tồn di sản văn hóa. Ở Anh có Hiệp hội Bảo vệ các công trình cổ ở Vương quốc Anh thành lập năm 1877 do William MorrisPhilip Webb đứng đầu.

Cùng thời kỳ ấy, một tổ chức ở Pháp với mục đích tương tự đã được phát triển dưới sự chỉ đạo của Eugène Viollet-le-Duc, một kiến ​​trúc sư và nhà lý thuyết, nổi tiếng với việc phục hồi các tòa nhà thời Trung cổ.

Công việc của một nhà phục chế tranh

Bạn có tò mò về công việc của một nhà phục chế… Không phải như cách Mr.Bean ‘cứu’ bức “Whistler’s Mother” đâu nhé.

Để thực sự trở thành một nhà phục chế tranh những người theo đuổi phải trải qua thời gian dài đào tạo, các trường có chuyên ngành lý thuyết về phục chế khá hiếm trên thế giới, chủ yếu là đào tạo nghề hoặc khóa học ngắn khi theo học các trường đại học về nghệ thuật.

Vậy nên cách học tốt nhất là đi thực tế các tác phẩm, thực hành trên những bức tranh để lấy kinh nghiệm và theo chân các nhà phục chế có trình độ chuyên môn để học hỏi thêm kiến thức.

Với mỗi bức tranh đều có câu chuyện riêng của nó, vậy nên nhà phục chế luôn phải ‘tùy cơ ứng biến’ để xử lí tốt nhất trên mỗi tác phẩm.

Chuyên gia trong đội ngũ của giáo sư Martin Kemp đang đánh giá hư hại một bức tranh của Da Vinci

Giáo sư Martin Kemp, chuyên gia hội họa tại Đại học Oxford, từng phục chế một số bức của danh họa Leonardo da Vinci chia sẻ: “Leonardo là một họa sĩ đặc biệt, ông ấy luôn thay đổi,.. ngay cả trong một tác phẩm cách xử lí từng mảng cũng rất khác nhau. Chúng tôi biết được điều này nên luôn phải cẩn trọng ở từng bước, soi bên dưới bề mặt tranh, tìm ra chất màu sử dụng từ đó hiểu thêm về cách xử lý. Những công đoạn này rất quan trọng vì khi xử lí phục chế tốt tác phẩm ấy sẽ bảo toàn giá trị của nó vốn có.”

Nghe có vẻ phức tạp nhưng quy trình chuẩn để phục chế một tác phẩm gồm 4 bước cơ bản:

1. Phân tích tình trạng

Các nhân viên đang phân tích tình trạng của bức Night Watch.
Nguồn ảnh: ACA

Đầu tiên, bức tranh trải qua quá trình đánh giá sơ bộ. Nhận định tổng quan về tác phẩm để tìm ra phong cách và thời kỳ của tác phẩm ra đời, từ đó giúp xác định được kỹ thuật vẽ tranh, chất liệu, bột màu, loại canvas mà nghệ sĩ ấy sử dụng trong thời gian đó. Cùng với đó là sử dụng Tia X để làm rõ tác phẩm được tạo ra như thế nào, nhờ vậy cho phép người phục chế hiểu rõ đường nét của bức tranh dựa trên sự hấp thụ khác nhau của sơn.

2. Đánh giá tổn thất

Tiếp theo, hình ảnh hồng ngoại được sử dụng để xem bản vẽ ban đầu và các lớp màu bị mất đi bên dưới bề mặt của bức tranh. Gần đây, những tiến bộ công nghệ trong việc phục hồi nghệ thuật đã đưa vào máy ảnh có bước sóng cố định.

Vì các chất màu và vật liệu khác nhau sẽ có cách phản xạ hoặc hấp thụ các bước sóng một cách khác nhau. Chúng cho phép các nhà phục chế xác định chính xác các bản vẽ nhằm loại bỏ các lớp màu bị đè lên trước đó và tìm ra được lớp véc-ni gốc.

3. Loại bỏ lớp véc-ni đổi màu

Nhân viên đang loại bỏ lớp véc-ni cũ.
Nguồn: Baumgartner Restoration

Khi đã có hình ảnh chính xác của bức tranh gốc, bước tiếp theo là tìm hỗn hợp dung môi thích hợp để loại bỏ các lớp vecni bị đổi màu (nếu có). Sử dụng máy quang phổ – một kỹ thuật được dùng để quan sát các dao động, các mức độ tần số thấp khác – từ đó giúp việc xác định chính xác thành phần và đặc tính của vecni trở nên dễ dàng hơn.

4. Khôi phục hư hỏng

Nguồn: Baumgartner Restoration

Nhà phục chế bắt đầu sửa chữa các tổn thất mà bức tranh đang có, chủ yếu là các lớp màu bị khuyết đi do yếu tố thời gian hoặc do va chạm. Đây là công đoạn đòi hỏi tay nghề cao để thực hiện lại đúng theo phong cách, làm cho lớp áo mới sau khi phục chế phải hòa hợp với bản gốc của tác phẩm và vẫn giữ được tinh thần, câu chuyện của thời đại mà tác giả muốn truyền tải.

Toàn bộ quy trình phục chế một bức tranh của Baumgartner Restoration.

Câu chuyện nghề phục chế tranh ở Việt Nam

Trở về Việt Nam, nghề phục chế tranh còn chưa được chú trọng nhiều, vì thế đã có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.

Năm 2019, tác phẩm “Vườn xuân Bắc Trung Nam” của danh họa Nguyễn Gia Trí, được xem là một trong bảo vật quốc gia đã bị hư hại đáng kể do nhân viên vệ sinh không đúng cách

Một phần tác phẩm “Vườn xuân Bắc Trung Nam” sau khi vệ sinh.

Điều này dấy lên cách bảo quản tranh của nước ta vẫn còn chưa tốt, dù vậy cũng không thể trách hoàn toàn vì số lượng nhân sự phục chế có rất ít. Trung tâm bảo quản và tu sửa các tác phẩm mỹ thuật đã có, thế nhưng hầu hết đều là các họa sĩ hay kỹ sư hóa học bắt tay ngang sang công việc phục chế và các kỹ thuật thường là tự mày mò hoặc học hỏi từ các tài liệu của nước ngoài.

Trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều chương trình trao đổi kiến thức phục chế với nước ngoài như đưa các cán bộ sang các nước châu Âu để học hỏi kinh nghiệm song song với đó là đưa các chuyên gia Đức về đây để thực hành trực tiếp.

Tuy nhiên công việc phục chế vẫn gặp nhiều thử thách, đặc biệt khi khí hậu Việt Nam đặc trưng là nhiệt đới nên tình trạng hư hại lại càng cao.

Nhờ các chuyên gia phục chế mà bức “Em Thúy” đã sống lại gần như hoàn toàn so với bản gốc.

Ông Trần Minh Tiệp, người phụ trách trực tiếp các dự án tu sửa, phục chế tranh của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng chia sẻ: “Nếu như ở nước khác, các tác phẩm mỹ thuật có tuổi đời rất cao, lên tới hàng trăm năm thì ở nước ta, thời gian vài chục năm có thể làm cho các bức họa xuống cấp trầm trọng”.

Bên cạnh đó là môi trường tranh Việt cũng rất khác nước ngoài. Về vấn đề này, họa sĩ Võ Bình, người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề phục từng tâm sự trên Elle Decoration ông đã bôn ba bên trời Âu hơn 3 năm để học nghề phục chế nhưng khi về Việt nam như muối bỏ biển vì không thể áp dụng rập khuôn.

Họa sĩ Võ Bình. Nguồn ảnh: Elle Decoration.

Qua các lớp đào tạo ở Bỉ và Pháp, họa sĩ Võ Bình học được cách phân tích, nhận định chi tiết tác phẩm thông qua chất liệu nhưng Việt Nam môi trường sáng tác của họa sĩ hoàn toàn khác, tranh vẽ khi là giấy học sinh, tấm bìa cứng, bao bố, toan kém chất lượng, sơn vẽ pha dầu hôi, có tác phẩm nghiền cả nếp bánh chưng trộn màu rồi vẽ… Những kỹ thuật học được ở trời Âu với quy tắc chuẩn mực đều không tương thích khi áp dụng phục chế tranh Việt.

Nói ra để thấy, công việc phục chế tranh ở Việt Nam còn rất nhiều gian nan, thử thách và chưa định hình thành một ngành nghề ổn định. Nhiều người theo đuổi vì niềm đam mê với nghệ thuật, xót xa khi nhìn thấy các tác phẩm không được bảo quản đúng cách khiến chúng bị hư hại nặng nề.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Baumgartner Restoration Chuyện nghề Họa sĩ Võ Bình leonardo da vinci Nguyễn Gia Trí nhà nguyện Sistine phục chế Vườn xuân bắc trung nam

iDesign Must-try

Nhà sử học người Ý xác định danh tính cây cầu bí ẩn trong bức Mona Lisa của Leonardo
Nhà sử học người Ý xác định danh tính cây cầu bí ẩn trong bức Mona Lisa của Leonardo
Một nhà nghiên cứu nghệ thuật người Ý cho biết cây cầu được vẽ trên nền bức “Mona Lisa”, bức tranh mang tính biểu tượng của Leonardo da Vinci treo…
Bức bích họa trên vòm nhà nguyện Sistine: Kiệt tác vĩ đại của Michelangelo
Bức bích họa trên vòm nhà nguyện Sistine: Kiệt tác vĩ đại của Michelangelo
Michelangelo nổi danh là một trong những họa sĩ và nhà điêu khắc có nhiều tác phẩm nhất trong lịch sử. Là một nhân vật chủ chốt của nghệ thuật Thời…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 7/2021
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 7/2021
Tháng vừa rồi bạn có bỏ lỡ sự kiện nghệ thuật thế giới nào không… Đừng quên là chúng mình có hẹn với nhau ở chuyên mục Điểm tin để…
Những điều có thể bạn chưa biết về tác phẩm ‘The Last Supper’ của danh họa Leonardo da Vinci
Những điều có thể bạn chưa biết về tác phẩm ‘The Last Supper’ của danh họa Leonardo da Vinci
Bức bích họa The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng) là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, được thực hiện bởi danh họa…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 5/2021
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 5/2021
Sẽ ra sao nếu một ngày đẹp trời bạn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của các danh họa bậc thầy ở nơi công cộng mà không cần phải…
Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 2): 4 kỹ thuật định hình hội họa thời kì phục hưng
Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 2): 4 kỹ thuật định hình hội họa thời kì phục hưng
Bên cạnh màu sắc và hình ảnh, những kỹ thuật đặc biệt cũng góp phần không nhỏ giúp người họa sĩ truyền tải cảm xúc bản thân lên những tác…