Hành trình ‘giải cứu’ các tác phẩm nghệ thuật thế giới giữa sự tàn phá của Thế chiến thứ hai

Dạo bước dọc hành lang trong các viện bảo tàng châu Âu và ngắm nhìn các tuyệt phẩm nghệ thuật treo trên tường, không ít người đã tự hỏi bằng cách nào mà các tác phẩm đó có thể trải qua thăng trầm của thời cuộc và sự tàn khốc của Chiến tranh thế giới lần thứ 2 tại mặt trận các quốc gia phương Tây một cách nguyên vẹn như vậy.

Tác phẩm Mona Lisa của họa sĩ Leonardo da Vinci sau khi được “giải cứu” thành công. Nguồn: louvre.fr.

Bảo tàng Hermitage: The State Hermitage

Bảo tàng The State Hermitage tọa lạc tại trung tâm thành phố St.Petersburg, bên bờ sông Neva, Nga. Thời xưa, nơi đây từng là cung điện hoàng gia. Hiện nay, Hermitage được xem là bảo tàng lớn nhất nước Nga và là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất của thế giới.

Suốt chiều dài lịch sử hơn 200 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, bảo tàng Hermitage đã có ba cuộc di tản do chiến tranh. Lần đầu tiên xảy ra vào năm 1812 nhưng hầu như không có thông tin gì được ghi chép lại ngoại trừ danh sách hiện vật lưu kho vào thời điểm đó, bởi vì việc di tản những tác phẩm nghệ thuật giá trị cao của bảo tàng được xem như một nhiệm vụ tối mật. Đến năm 1917, vào thời gian Thế chiến thứ I, cuộc di tản lần hai được thực hiện và cuộc di tản cuối cùng diễn ra vào năm 1941, khi các phe đối lập bắt đầu triển khai lực lượng vũ trang tấn công vào các thành phố lớn trong Thế chiến thứ II.

Cuộc di tản cuối cùng được bắt đầu vào đêm ngày 22 tháng 6 năm 1941, đêm mà các phe tuyên chiến lẫn nhau. Ngay trong buổi tối hôm đó, ngài Joseph Orbeli, giám đốc bảo tàng Hermitage, đã ra lệnh hủy bỏ tất cả các ngày nghỉ của nhân viên và yêu cầu họ ở lại bảo tàng cả ngày lẫn đêm, cả ăn ngủ và làm việc, để tăng tiến độ sơ tán hàng ngàn hiện vật quý báu trước khi thành phố bị ném bom và chiếm đóng. Sáng ngày 23 tháng 6 năm 1941, toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng bắt đầu được đóng gói.

Hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật đang được vận chuyển vào năm 1942-1943. Nguồn: hermitageline.ru.

Trên thực tế, việc chuẩn bị cho cuộc di tản này đã được thực hiện từ năm 1939, sau khi Thế chiến thứ II bùng nổ. Trong thời gian đó, các vật liệu đóng gói chuyên dụng như hộp giấy, thùng giấy… đã được thu mua số lượng lớn và lưu trữ trong một tòa nhà riêng biệt. Do đó, vào đầu Thế chiến II, hầu hết mọi thứ đã sẵn sàng. Tất cả những việc còn lại vào ngày di tản chỉ là tiến hành đóng gói và mang đi.

Một tuần sau đó, vào ngày 1 tháng 7, chuyến di tản đầu tiên của các hiện vật tại bảo tàng Hermitage đã được chuyển đi an toàn đến tỉnh Sverdlovsk, miền trung nước Nga. Lần di tản tiếp theo cũng diễn ra thành công vào ngày 23 tháng 7. Tuy nhiên, đến lần thứ ba, dù mọi hiện vật đã được đóng gói sẵn sàng nhưng thành phố đã bị phong tỏa, mọi cửa ngõ đóng hoàn toàn. Các hiện vật trong đợt vận chuyển thứ ba này mắc kẹt lại trong thành phố.

Hình ảnh hoang tàn tại bảo tàng Hermitage năm 1942. Nguồn: hermitageline.ru.

Trở về sau khi được “giải cứu” thành công

Năm 1944, buổi triển lãm đầu tiên sau biến cố di tản tại bảo tàng Hermitage đã được diễn ra với sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Leningrad (tên gọi trước đây của Saint Petersburg). Tất cả vật phẩm, tranh ảnh được trung bày trong triển lãm hoàn toàn mới, nghĩa là chưa ra mắt công chúng lần nào, điều này càng làm tăng giá trị và hiệu ứng của buổi triển lãm hơn. Đối với người dân Leningrad đương thời, triển lãm năm 1944 của Hermitage như là một biểu tượng của sự tái sinh.

Đến năm 1945, bảo tàng dần hoàn thiện công tác cải tạo, phục dựng kiến trúc nội ngoại thất sau chiến tranh và gian phòng đầu tiên bảo tàng mở cửa, chào đón khách tham quan trở lại đó chính là Hội trường Rembrandt. Việc tổ chức triển lãm năm 1944 và khánh thành Hội trường Rembrandt năm 1945 như một bước ngoặt lịch sử của bảo tàng Hermitage bởi hai sự kiện này đánh dấu chiến tranh khốc liệt đã qua đi và nghệ thuật hồi sinh trên chính vùng đất vừa trải qua đạn bom, giết chóc. Đồng thời, sự hồi sinh này không chỉ có ý nghĩa riêng đối với Hermitage hay thế giới nghệ thuật, mà còn là một động lực vô hình và to lớn đến đời sống tinh thần của người dân nơi đây, mang cho họ thêm hy vọng một tương lai hòa bình tươi sáng phía trước.

Tuy vậy, trên thực tế, có những tác phẩm “giải cứu” được nhưng cũng có những tác phẩm bị mắc kẹt lại trong đợt sơ tán thứ ba và từ đó đã biến mất vĩnh viễn. Bức tranh Saint Sebastian của Anthony van Dyck là một ví dụ. Tuy đó là một mất mát to lớn đối với giới nghệ thuật nói chung và Hermitage nói riêng, nhưng ở thời điểm này nhìn ngược về quá khứ, chúng ta nên trân trọng và cảm ơn những nỗ lực tuyệt vời của tập thể nhân viên bảo tàng khi đã “giải cứu” thành công phần lớn những di sản nghệ thuật và lưu giữ cẩn thận trong điều kiện khắc nghiệt hơn là mãi tiếc thương cho sự mất mát vốn là một hệ quả không thể tránh khỏi của chiến tranh.

Hình ảnh Hội trường Hermitage vốn diễm lệ đã trở nên hoang tàn do Thế chiến lần II, ảnh chụp vào năm 1942. Nguồn: hermitageline.ru.

Bảo tàng Nga: The State Russian

Nhiều tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng Nga đã được giấu trong một mật thất sâu dưới lòng đất. Việc vận chuyển các tác phẩm này ra khỏi khu vực có giao tranh là một nhiệm vụ gần như không thể bởi vì kích thước to lớn của nó. Thế nên những tác phẩm này được áp dụng phương thức sơ tán tại chỗ, ngay bên dưới khuôn viên bảo tàng.

Một trong số những tác phẩm đó phải kể đến bức tượng điêu khắc khổng lồ Anna Ioannovna with a Little Negro Boy, bức tượng được chôn trong một cái hố sâu ngay trước lối vào tòa nhà chính của bảo tàng. Trước khi được chôn xuống hầm, toàn bộ bề mặt tượng Anna Ioannovna được bôi mỡ cẩn thận, sau đó được gói chặt trong lớp giấy dầu chống thấm nước và để đánh dấu nơi bức tượng được chôn xuống, bảo tàng đã trồng một thảm cỏ phía trên mặt đất và chúng đã sớm nở rất nhiều hoa.

Bức tượng Anna Ioannovna with a Little Negro Boy bên cạnh chiếc hố được đào khẩn cấp để chôn giấu trong thời gian chiến tranh. Nguồn: rusmuseumvrm.ru.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn có cách lưu giữ các bức tranh ngoại cỡ một cách rất đặc biệt. Hai tác phẩm The Last Day of Pompeii của BrullovChrist and the Adulteress (Who Is Without Sin?) của Polenov, sau khi được tháo rời khỏi khung, chúng được cuộn tròn trên một chiếc trục đặc biệt. Việc cuộn tranh được thực hiện vô cùng cẩn thận để tránh các nếp nhăn, nếp gấp có thể trở thành nguyên nhân gây hỏng tróc màu sơn của tranh trong quá trình vận chuyển.


Phòng trưng bày Tretyakov Gallery

Tại Moscow, cuộc di tản bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi có thông báo về cuộc xâm lược trên lãnh thổ Liên Xô. Các tác phẩm trưng bày của Phòng trưng bày Tretyakov và Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin được đóng gói và sơ tán tương tự như cách mà bảo tàng Hermitage thực hiện. Tuy nhiên, khác với Hermitage, Tretyakov không chuyển các bộ sưu tập đến các vùng nông thôn mà đã chọn Nhà hát Opera và Ballet làm nơi lưu giữ.

Hình ảnh lúc dỡ bức tranh The Appearance of Christ Before the People của Alexander Ivanov ra khỏi chiếc trục đặc biệt và chuẩn bị trưng bày trở lại vào năm 1944. Nguồn: tass.ru.

Bảo tàng Louvre

Mười ngày trước khi Thế chiến thứ II nổ ra, giám đốc Bảo tàng Paris, Jacques Jaujard, đã tổ chức một cuộc di tản bí mật. Vào ngày 25 tháng 8 năm 1939, bảo tàng Louvre thông báo đóng cửa trong ba ngày để phục vụ cho việc sửa chữa. Tuy nhiên, thực tế thì trong thời gian này, hàng trăm nhân viên bảo tàng đã di dời các tác phẩm nghệ thuật đắt giá đi nơi khác, trong số đó có Mona Lisa nổi tiếng của Leonardo da Vinci và bức tượng Nike of Samothrace từ thời Hy Lạp cổ đại. Các tác phẩm được đựng trong các thùng gỗ màu trắng và gói kĩ dưới các lớp giấy chống thấm trước khi được chuyển tới một vùng nông thôn hẻo lánh nước Pháp. Tuy kĩ lưỡng đến vậy nhưng cũng không thể tránh khỏi thất thoát, trong thời gian chiến tranh, một số lượng lớn cổ vật có nguồn gốc Trung Đông đã bị đánh cắp. Sau này, khi hòa bình lập lại, bảo tàng cũng tìm lại được một ít trong số cổ vật đó và chúng vẫn được trưng bày cho đến ngày nay.

Hình ảnh nhân viên bảo tàng Louvre vận chuyển bức tượng Nike of Samothrace để di tản trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ tại Pháp. Nguồn: kultorologia.ru.

Bàn thờ Veit Stoss ở Krakow

Bàn thờ Veit Stoss được sáng tạo vào cuối thế kỷ 15 bởi nhà điêu khắc Veit Stoss và nằm trong thánh đường St. Mary’s Basilica ở Krakow, Ba Lan. Đây là báu vật quốc gia của Ba Lan và cũng là bàn thờ lớn nhất thế giới theo phong cách Gothic còn tồn tại. Toàn bộ tác phẩm có chiều cao lên đến 13 m và chiều rộng lên tới 11m nhưng kiệt tác này cũng suýt nữa bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Vào năm 1940, trước khi quân địch tràn đến, tác phẩm đã nhanh chóng được tháo dỡ thành hơn hai nghìn bộ phận khác nhau, tất cả được bọc trong giấy phế thải và đựng vào các hộp gỗ. Còn những bức tượng thánh khổng lồ cao mười ba mét thì được vận chuyển trên những chiếc xà lan, kéo bằng thuyền đến Nhà thờ lớn Sandomierz để trú ngụ trong một căn hầm bí mật. Tuy nhiên, Đức quốc xã khi chiếm đóng Ba Lan đã nhanh chóng điều tra và dò theo dấu vết của Bàn thờ Veit Stoss. Cùng năm đó, Đức tháo dỡ tác phẩm thành công và cho quân đội chuyển toàn bộ về Đức.

Đến năm 1946, với sự giúp đỡ của nhà sử học nghệ thuật Karol Estre Rich Junior, cuối cùng bàn thờ đã được tìm thấy trong ngục tối của lâu đài Nuremberg và mang trả về cho Ba Lan. Công trình vĩ đại này của Veit Stoss khi được tìm thấy đã bị hư hại nhẹ bởi hơi ẩm và côn trùng, sau đó thì được chuyển về Ba Lan với bốn toa xe và 107 ngăn gỗ . May mắn thay, các công tác sửa chữa đã khôi phục gần như toàn bộ công trình và chúng vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy cho đến ngày hôm nay.

Bàn thờ Veit Stoss là báu vật quốc gia của Ba Lan và cũng là bàn thờ lớn nhất theo phong cách Gothic còn tồn tại. Nguồn: Wikiwand.

Bảo tàng lịch sử nhà nước Nga: Russian State Historical Museum

Sau khi nhận được lệnh chuẩn bị cho cuộc di tản, Bảo tàng Lịch sử Nhà nước khẩn cấp đóng gói các hiện vật có giá trị nhất của bảo tàng như Những thanh kiếm của Hoàng tử Pozharsky, Áo choàng của Bạo chúa Ivan, Y bào của Catherine Đại đế… Sau đó, chúng được nhanh chóng chuyển đến vùng đất yên bình Kustanai (Kazakhstan) và yên vị ở đó cho đến năm 1944 trước khi mang trở lại bảo tàng.

Điều đáng kinh ngạc là nhân viên của bảo tàng lịch sử vẫn làm việc trong suốt cuộc chiến. Các nhân viên tiếp tục tìm kiếm các hiện vật để trưng bày trong các triển lãm tương lai. Họ đã dũng cảm đi đến khu vực tiền tuyến, doanh trại và bệnh viện để thu thập tài liệu từ nhân chứng, chiến sĩ và những hiện vật về cuộc chiến như đồng phục quân đội, vũ khí còn sót lại, áp phích và tranh ảnh…

Triển lãm Stalin’s army in the battle for the Soviet homeland (tạm dịch:Quân đội Stalin tại chiến trường Xô Viết quê nhà). Nguồn: shm.ru.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hay còn gọi là Thế chiến thứ II, là cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc bắt đầu từ năm 1939 và chấm dứt vào năm 1945 giữa các lực lượng Đồng Minh và phe Trục theo chủ nghĩa phát xít. Thế chiến thứ II khởi phát khi Đức chiếm Ba Lan vào tháng 9/1939 và nhanh chóng lan rộng sang Nga (Liên Xô), Anh, Pháp, Đan Mạch, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Nhật Bản… Tháng 8/1945, không quân Mỹ lần lượt thả hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng, Nhật Bản chính thức đầu hàng và Thế chiến II kết thúc với tổng cộng 110 triệu binh lính đã chết và 25 triệu thường dân thiệt mạng.


Biên tập và dịch: Thùy Vân
Nguồn: Dailyartmagazine, rbth.com

Cùng tác giả

#Tag

bảo tàng Heirstory history lịch sử lịch sử mỹ thuật lourve lưu giữ mona lisa monalisa tranh transportation vận chuyển vận tải world war II

iDesign Must-try

Mc Donald’s đã có hơn 5000 năm lịch sử?
Mc Donald’s đã có hơn 5000 năm lịch sử?
Ở một không gian khác, những bảo vật được trưng bày tại bảo tàng là hộp khoai tây McDonal’s bằng ngọc. Trong dự án sáng tạo cùng A.I mới nhất,…
Nhà sử học người Ý xác định danh tính cây cầu bí ẩn trong bức Mona Lisa của Leonardo
Nhà sử học người Ý xác định danh tính cây cầu bí ẩn trong bức Mona Lisa của Leonardo
Một nhà nghiên cứu nghệ thuật người Ý cho biết cây cầu được vẽ trên nền bức “Mona Lisa”, bức tranh mang tính biểu tượng của Leonardo da Vinci treo…
Ký tự pháp đầu thế kỷ 20 - Từ Kiến tạo Nga tới Times New Roman (Phần 2)
Ký tự pháp đầu thế kỷ 20 - Từ Kiến tạo Nga tới Times New Roman (Phần 2)
Trong phần thứ hai của bài viết về ký tự pháp đầu thế kỷ 20, ta tiếp tục xem xét di sản của trường Bauhaus thông qua các di sản…
Ký tự pháp đầu thế kỷ 20 - Từ Kiến tạo Nga tới Times New Roman (Phần 1)
Ký tự pháp đầu thế kỷ 20 - Từ Kiến tạo Nga tới Times New Roman (Phần 1)
Thiết kế đồ hoạ theo chủ nghĩa Hiện đại nói chung và ký tự pháp đầu thế kỷ 20 được đánh dấu bằng các quy tắc mới táo bạo: sự…
Bậc thầy cổ điển (Phần 3)
Bậc thầy cổ điển (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt bài về các Bậc thầy cổ điển, ta đã tìm hiểu 8 tác phẩm có năm sáng tác rải rác từ thế kỷ 15 cho…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…