Food Photography: Hướng dẫn dành cho người mới bắt đầu

Hướng dẫn về bố cục trong nhiếp ảnh sản phẩm cho người mới bắt đầu: Làm thế nào để biến ảnh chụp món ăn từ đẹp thành cực đẹp?

 Hãy dùng ảnh chụp để kể chuyện. Ảnh đẹp là một chuyện, nhưng ảnh chụp của bạn phải bổ sung thêm cho văn bản, hoặc ngược lại – David Lebovitz

Bạn có đồng ý không? Và khía cạnh kể chuyện này liên quan đến bố cục ảnh. Đầu tiên, ta cần phải hiểu bố cục là gì. Như người ta thường dùng, từ này nói về cách sử dụng các yếu tố hình thành sản phẩm cuối cùng.

Bài viết bởi Ramya Menon – nhà báo, nhà văn và là người mơ mộng.


Bố cục là một cách hướng người xem tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất trong tác phẩm của bạn, đôi khi theo một trật tự vô cùng riêng biệt. Bố cục tốt có thể giúp tạo ra kiệt tác từ những đồ vật và đối tượng tẻ nhạt nhất trong môi trường đơn sơ nhất. Mặt khác, bố cục xấu có thể làm hỏng bức ảnh hoàn toàn, bất kể đề tài thú vị đến mức nào, theo Đời sống nhiếp ảnh.

Và bí quyết đằng sau một bố cục tốtlà  gì ? Hãy làm cho bức ảnh trông thật dễ dàng. Bố cục phải liền mạch, để cho người xem chỉ tập trung vào món ăn chứ không phải suy nghĩ của nhiếp ảnh gia. Deeba Rajpal, một trong những nhiếp ảnh gia yêu thích của tôi, nói lên suy nghĩ của mình về bố cục ảnh như sau.

“Với tôi, trang trí món ăn (food styling) và sắp xếp bố cục là một quá trình có liên hệ chặt chẽ, giúp tôi chữa lành bản thân. Tôi cực kỳ thích làm điều này. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nếu mình không thích trang trí, sắp đặt hay nếm thử những món đã nấu, niềm vui khi trang trí và chụp ảnh phần nào giảm bớt. Kết quả sẽ cho thấy điều đó! Vì thế, theo tôi, điều quan trọng là bạn phải có đam mê và đồng điệu với những gì mình dự định chụp. Hơn nữa, chúng ta trưởng thành hơn với mỗi lần chụp, mỗi ‘bức ảnh’ là một bước đi trên cung đường học tập. Tôi thật sự thích chụp những bức ảnh tăm tối, tâm trạng, nhưng đôi khi tôi cũng theo đuổi ánh sáng, thay vì chặn nó!”.

Bạn có câu trả lời rồi đấy. Đây chính xác là lý do tại sao đôi khi bạn cần thuận theo tự nhiên khi sắp xếp bố cục.

Theo tôi, bạn có hai cách để tiếp cận bố cục hình ảnh: Hoặc là bố cục kể cho bạn câu chuyện và khiến bạn nghĩ về hình ảnh, hoặc là nó cần phải thể hiện hình ảnh một cách tốt nhất. 

Bởi vì tôi theo khuynh hướng hình ảnh trò chuyện với bạn, đây là một trong những bức ảnh yêu thích gần đây của tôi khi nói về bố cục. Sandhya của Bếp nhà Sandhya (Sandhya’s Kitchen) nổi tiếng đã tạo ra một tấm ảnh thật đẹp, ngay lập tức khiến tôi hình dung về một câu chuyện.

Tôi có thể dễ dàng tưởng tượng khung cảnh bạn tác giả ngồi trên ghế, tay cầm tách trà và chăm chú đọc quyển sách nấu ăn. Thật là đẹp! 

Và bạn nghĩ tấm ảnh này nói gì với bạn?

Đừng hiểu lầm ý tôi, không phải bố cục ảnh nào cũng kể cho bạn một câu chuyện. Một số rất hiệu quả bằng cách đơn thuần đưa ra những yếu tố hấp dẫn nhất của món ăn. Bố cục cần phải làm cho món ăn thật nổi bật, khiến ta muốn nếm thử nó, và với một blogger chuyên về ẩm thực, thì khiến cho độc giả muốn quay lại để đọc thêm.

Và điều quan trọng nhất bạn cần làm, để thể hiện những gì đẹp nhất, đỉnh nhất trong một bức ảnh chụp, dù là món ăn hay bất cứ cái gì khác, chính là QUY TẮC MỘT PHẦN BA (Rule of Thirds).


Quy tắc một phần ba là gì?

Tôi từng vất vả lắm mới hiểu được quy tắc một phần ba. Toàn bộ chuyện chia tấm hình làm ba theo chiều dọc và ngang rồi tưởng tượng chín ô vuông không có hiệu quả với tôi. Nếu bạn có thể hiểu theo kiểu hình học, đây là một hướng dẫn tuyệt vời về Quy tắc một phần ba:

Nhưng dưới đây là vài điều một người bạn nhiếp ảnh gia tiết lộ với tôi, và tôi cố gắng thực hiện theo:

  1. Đảm bảo đối tượng trong bức ảnh chỉ chiếm 75% khung ảnh. Và đảm bảo rằng 75% đó không nằm ngay chính giữa khung ảnh.
  2. Đặt vào khung ảnh ba món đồ để cân bằng, nhưng hãy tập trung vào đồ vật chính của bạn, trong trường hợp này là thức ăn.

Như vậy, lời khuyên của tôi dành cho bạn khi áp dụng quy tắc một phần ba đơn giản chỉ là đảm bảo bức ảnh không ở ngay chính giữa, mà phải tập trung vào những yếu tố của món ăn mà bạn muốn làm nổi bật.

Dưới đây là một số ví dụ hấp dẫn và ngon mắt, trong đó thợ chụp ảnh đã áp dụng điệu nghệ Quy tắc một phần ba.

Dù nói vậy, tôi nghĩ chúng ta không nên lúc nào cũng tuân theo Quy tắc một phần ba để chụp một bức ảnh đẹp. Đúng, đó chắc hẳn là cách dễ nhất để chụp một bức ảnh đẹp. Nhưng bạn không áp dụng nó không có nghĩa là bạn không thể chụp ảnh đẹp.


Sắp đặt các yếu tố

Suy cho cùng, bố cục chỉ là sắp đặt mọi thứ sao cho đúng để bức ảnh trông nổi bật nhất. Có vài yếu tố ta cần cân nhắc trước khi tạo ra một tấm ảnh khiến người khác “thèm nhỏ dãi” và cả thế giới thì muốn “pin” nó lại.

Phông nền

Phông nền phù hợp sẽ quyết định bức ảnh của bạn nổi bật đến mức nào. Vấn đề là ta không có bất kỳ quy tắc cứng nhắc nào ở đây. Một số người nói rằng bạn cần sử dụng phông nền sáng khi món ăn và đạo cụ trang trí có màu tối và ngược lại. Nhưng quan điểm này có thể bị phản bác khi bạn xem những tấm ảnh sau. Những bức ảnh của Sujitha Nair hẳn đã phủ định điều đó!

Nhưng phông nền cũng chỉ đến thế thôi. Cũng chỉ là phông nền. Nó không thể giành lấy trọng tâm của bức hình. Vì vậy, hãy đặc biệt cẩn thận khi bạn sử dụng màu sáng làm nền, bởi lẽ có khả năng món ăn của bạn sẽ trở nên tầm thường so với phông nền.

Đạo cụ trang trí

Không gì bằng một vài đạo cụ thích hợp để trang trí cho bức hình của bạn, khiến nó nổi bật hơn. Nhưng nếu không biết lựa chọn, có thể bạn sẽ làm hỏng cả tấm ảnh. Điều đầu tiên bạn cần nhớ khi sử dụng đạo cụ đó là: chúng là đạo cụ trang trí. Chúng sẽ giúp bạn kể lại bất kỳ câu chuyện nào bạn muốn qua ảnh chụp của mình.

Cùng một món nhưng bố cục khác nhau.

Vì lẽ đó, chúng chỉ cần bổ sung cho món ăn, chứ không phải và không bao giờ nên là trọng tâm chú ý của bức ảnh.


Góc hoặc hướng chụp ảnh

Sau khi mọi yếu tố đã được sắp đặt, góc chụp đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Tùy vào điểm bạn muốn nhấn mạnh trong ảnh mà góc chụp sẽ được quyết định. Với những món như bánh pizza hoặc bánh nướng, chụp từ trên xuống sẽ rất đẹp, nhưng với bánh mì sandwich, hamburger và mấy loại bánh kẹp tương tự, thì góc chụp thấp hoặc từ bên hông mới làm nổi bật món ăn.

Hãy xem hình dưới, cùng một món ăn và kiểu sắp đặt, nhưng được Indu Matthew chụp dưới những góc khác nhau. Mỗi góc đưa ra một đặc điểm khác nhau của món ăn.

Do đó, hãy luôn chụp từ nhiều góc độ cho đến khi bạn thấy vừa ý. Và ngay cả món ăn của bạn cũng muốn thể hiện những góc đẹp nhất. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn sử dụng những yếu tố hình ảnh giúp tôn lên món ăn của bạn trên hình. Và tránh nghiêng máy khi chụp. Hình ảnh chiếc bánh mì kẹp hamburger nhìn nghiêng thật chẳng có gì hấp dẫn.


Sử dụng màu sắc

Hãy nhớ rằng, sắp xếp bố cục chính là bổ sung vào món ăn của bạn sao cho nó trông thật nghệ thuật. Vì vậy, đừng quá lạm dụng màu sắc. Đừng lấy tô màu vàng, muỗng màu xanh, khăn trải bàn màu đỏ, dù cho bạn thích những màu đó đến mức nào. Thay vào đó, hãy tập trung vào những màu sắc bổ trợ hoặc tương phản.

Món cà ri Rajastani Laal Maas này do Himanshu Taneja – một đầu bếp yêu thích khác của tôi – thực hiện. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho thấy cách sử dụng các màu bổ trợ hoàn hảo. Hãy hình dung nếu món này được dọn trong một cái tô màu cam và phông nền là khăn trải bàn màu đỏ. Thật là sai quá, phải không?


Sử dụng khoảng trống hay không gian trắng

Đôi khi chúng ta cực kỳ muốn lấp đầy bức ảnh với các đạo cụ trang trí cùng màu sắc. Nhưng bạn có thể sử dụng khoảng trống hay không gian trắng một cách khéo léo để khiến bức ảnh trông thật đẹp.

Tất cả những bức ảnh trên của Richa Gupta là ví dụ tuyệt vời về cách tận dụng khoảng trống như một lợi thế trong nhiếp ảnh sản phẩm.

Theo tôi, đó là những yếu tố chính giúp biến một tấm ảnh từ đẹp sang đẹp “nhỏ dãi”. Và để chứng minh một bố cục tốt có thể khiến ảnh chụp của bạn khác biệt như thế nào, dưới đây là một vài blogger ẩm thực yêu thích của tôi với những bức ảnh thức ăn biến hóa của họ.

Tôi đã nói với bạn Deeba Rajpal luôn là nguồn cảm hứng của tôi khi nói về bố cục. Đây là lý do tại sao.

“Tôi chỉ chụp mấy quả dâu tằm này từ trên xuống, rồi sau đó thêm vào vài yếu tố nho nhỏ. Đằng nào tôi cũng dùng chúng làm nguyên liệu cho món nước dâu tằm, nên tôi cũng chụp thêm một tấm ảnh sáng sủa hơn.”

– Deeba Rajpal

Để tìm hiểu thêm về nghệ thuật trang trí và chụp ảnh thức ăn của Deeba, đây là một nguồn tuyệt vời mà tôi nghĩ mọi blogger ẩm thực nên đọc: http://www.passionateaboutbaking.com/?s=foodstyling

Hãy xem qua quá trình biến đổi của bức ảnh này do Subhasmita Panigrahi của Hương vị căn bếp (The Flavours of Kitchen) cung cấp.

Qua sáu tấm ảnh dưới đây, cô cho chúng ta thấy quá trình tiến hóa của bức ảnh, trước khi cô chụp được tấm ảnh cuối cùng khiến người xem phải nuốt nước bọt thèm thuồng.

Richa Gupta của Câu chuyện ẩm thực (My Food Story) cũng có viết một bài về bố cục và nói chi tiết về quy trình tư duy đằng sau quá trình sáng tạo ra bức ảnh tuyệt đẹp mà bạn không thể không bấm vào!

Như vậy, đó là những gì khiến một bức ảnh trở nên sống động. Để các bạn dễ nhớ, dưới đây là ba bí quyết hàng đầu:

  • Nghĩ đến Quy tắc một phần ba
  • Thử nghiệm với màu sắc, phông nền, đạo cụ trang trí và góc chụp
  • Biến không gian trống thành lợi thế cho mình

Ảnh bìa: lehani /Tác giả: Ramya Menon
Người dịch: Lynnette Dinh
Nguồn: Medium

Cùng tác giả

#Tag