‘Nghiêm - Liên - Sáng - Phái’: Tứ kiệt tài hoa của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Nửa sau thế kỷ 20, nền mỹ thuật Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn do ảnh hưởng của lịch sử và văn hóa. Trong đó, bộ tứ tài hoa Nghiêm – Liên – Sáng – Phái đóng vai trò vô cùng quan trọng, có nhiều đóng góp nổi bật góp phần đưa quy chuẩn về phê bình, thị trường và định vị thương hiệu mỹ thuật ở Việt Nam lên một tầm cao mới.

1. Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016)

Nguyễn Tư Nghiêm là một họa sĩ có nhiều ảnh hưởng đến ngành mỹ thuật Việt Nam với những tác phẩm tranh sơn mài, sơn dầu và màu bột. Ngay từ khi chưa tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã ghi dấu ấn với bức tranh sơn dầu Người gác văn miếu, tác phẩm giành giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Đông Dương Salon Unique năm 1944.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cùng vợ là họa sĩ Thu Giang, con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân

Về cuộc đời cá nhân, ông được nhiều người biết đến với cuộc hôn nhân khi đã ngoài 70 tuổi với họa sĩ Thu Giang, con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân, cũng là người bạn thân thiết của ông lúc sinh thời.

“Sinh lực tôi đã cạn kiệt, chỉ có tình cảm dành cho em,” và kể từ đó, Nguyễn Tư Nghiêm có một người bạn đồng hành trong hội họa và cuộc sống.

Bức tranh “Nguyệt Ước” của Nguyễn Tư Nghiêm lấy tứ từ Truyện Kiều được bán đấu giá với số tiền 83.000USD vào năm 2017

Cá tính nghệ thuật riêng biệt làm nên sự độc đáo của Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện ở việc ông luôn say mê các trải nghiệm về đề tài và phong cách tạo hình. Ngay cả khi đã ngoài 90 tuổi, hằng ngày ông vẫn vẽ và nghiên cứu. Trong đó, nổi bật nhất là việc kết hợp những tinh túy của phong cách biểu hiện phương Tây với họa tiết, hoa văn và văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Nhìn vào những bức tranh với đề tài thánh Gióng, các điệu múa cổ, truyện Kiều hay mười hai con giáp, ta có thể nhận ra những hình khối và đường nét vuông vức, mạnh mẽ đặc trưng. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định sáng tạo này của Nguyễn Tư Nghiêm đóng góp vào lịch sử tạo hình của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

“Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại.”

Tác phẩm sơn mài Gióng (90cm x 120,3cm) của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 25/12/2017

“Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại,” lời của Nguyễn Tư Nghiêm về những tác phẩm của mình. Suốt sự nghiệp sáng tác, ông không ngừng thể hiện những đề tài quen thuộc của dân gian Việt Nam dưới nhiều hình dáng và trạng thái khác nhau. Những tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến như Người gác Văn Miếu (1944), Con nghé (1957), Xuân Hồ Gươm (1957), Nông dân đấu tranh chống thuế (1960), Gióng (1990), vv. Trong đó, tác phẩm sơn mài Gióng (90cm x 120,3cm) đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 25/12/2017. 

2. Dương Bích Liên (1924-1988)

Sinh ra trong một gia đình trí thức quan lại có tiếng ở Hà Nội, họa sĩ Dương Bích Liên ghi dấu trong nền hội họa Việt Nam bởi những bức chân dung đầy sự trân trọng dành cho thiếu nữ. Thế nên, người ta thường có câu “Phố Phái, gái Liên” để nói về hai họa sĩ tài danh này. Khi còn là thiếu niên, Dương Bích Liên đã nhận ra niềm yêu thích của mình dành cho nghệ thuật và lối sống tự do, không khuôn khổ. Cùng với họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, ông bắt đầu chuyến xuyên Việt để quan sát cuộc sống và con người trên một chiếc xe ngựa. Tuy vậy, cuộc hành trình chỉ kéo dài được một thời gian ngắn ngủi khi gia đình buộc ông phải trở về. Kể từ đó, chàng trai trẻ Dương Bích Liên quyết định theo đuổi con đường hội họa và ghi danh ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Chân dung danh họa Dương Bích Liên

Sau khi tốt nghiệp, năm 1946, ông cùng một số văn nghệ sĩ Hà Nội tham gia kháng chiến chống Pháp. Nhiều năm sau đó, ông tích cực tham gia vào những hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ kháng chiến. Trong những ngày tháng đó, người họa sĩ vẫn không ngừng lao động và hiếm khi rời giá vẽ.

Tác phẩm “Chiều vàng” của danh họa Dương Bích Liên

Dương Bích Liên luôn chú trọng vào việc nghiên cứu phong cách và trào lưu nghệ thuật trên thế giới. Ở ông, ta luôn nhìn thấy trong từng nét vẽ nhuần nhuyễn có thấm đẫm sự thơ mộng, mơ màng và hơi hướng thoát tục. Hầu hết những tác phẩm của ông là về đề tài thiếu nữ, mà phần nhiều đều trở thành tuyệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam ở nửa sau thế kỷ 20. Ông dành cho nhân vật nữ tình cảm say sưa, trìu mến; mê mải khai thác họ dưới mọi góc độ, hình hài và trạng thái, cho họ được bay bổng trong nhiều thể loại sơn mài, sơn dầu, phấn màu hay chì than. Qua đó, người ta luôn nhận ra sự gắn bó mật thiết của ông đến với con người và văn hóa Việt Nam.

Tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của danh họa Dương Bích Liên được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2017

Trong nhóm tứ kiệt, Dương Bích Liên là cái tên ít được biết đến nhất bởi lối sống thu mình, lặng lẽ, ít giao tiếp. Thậm chí, trước khi chết, ông còn muốn đốt hết những bức tranh đã vẽ. Một điều may mắn là, những bức tranh phần lớn vẫn còn tồn tại và trở thành một phần không thể thiếu trong nền hội họa Việt Nam. Đặc biệt, tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc của ông đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2017. Trước đó, họa sĩ Dương Bích Liên cũng được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

3. Nguyễn Sáng (1923-1988)

Sinh ra trong một gia đình không liên quan gì đến nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Sáng phải đối diện với nhiều gian nan và thử thách khi quyết định theo nghiệp vẽ. Năm 16 tuổi, ông từ Sài Gòn ra Hà Nội để ghi danh vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia phong trào cách mạng, phục vụ cuộc chiến tranh bằng nét vẽ và từ đó có cơ hội thực hiện bộ tem chân dung Hồ Chủ tịch, đây cũng là bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Bên cạnh đó, ông còn góp phần vào việc vẽ giấy bạc cho Bộ Tài chính lúc bấy giờ.

Chân dung danh họa Nguyễn Sáng

Là một trong những họa sĩ hiếm hoi luôn chủ động khai thác nhiều thể loại và đề tài, Nguyễn Sáng luôn gặt hái được thành công ở những lĩnh vực mà ông chạm đến. Ở thể loại chiến tranh, Nguyễn Sáng có Giặc đốt làng tôi, Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc. Những đề tài bình dị trong cuộc sống cũng được ông đưa vào tranh, gây ấn tượng bởi tài nắm bắt thần thái và đặc điểm của nhân vật; như phụ nữ và hoa có Thiếu nữ bên hoa sen, nơi thờ tự có Tháp Phổ Minh, phong cảnh và không gian như Pác Bó, Thiếu nữ trong vườn chuối, những trò chơi văn hóa dân gian có Chọi trâu, Đấu vật, vv.

Tác phẩm sơn dầu “Chân dung bà Đôn Thư” (1971)

Họa sĩ Nguyễn Sáng được xem là một trong những đại thụ của nền mỹ thuật bởi tư tưởng luôn hướng đến các vấn đề nổi bật xã hội. Với xu hướng thể hiện hình họa và màu sắc hiện đại, hàm súc, phóng khoáng và đầy biến ảo, từng chi tiết và đối tượng trong tranh ông đều ở dạng hình khối và mảng miếng lớn, cho thấy cái bao quát nhất mà không quá chú trọng vào tiểu tiết. Qua đó, giới mộ điệu luôn có thể nhìn thấy một tình yêu tôn thờ và say mê của vị họa sĩ trong từng bức tranh. Ngoài ra, ông còn đạt thành công trong việc khai thác phong cách nghệ thuật của hội họa hiện đại châu Âu, lồng ghép và dung hòa chúng với văn hóa, quan điểm thẩm mỹ của Việt Nam.

Tranh sơn mài sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (112,3cm x 180cm) của danh họa Nguyễn Sáng được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013

Những tác phẩm của ông được xem là sự cách tân trong lĩnh vực sơn dầu, nhất là sơn mài. Cùng với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Nguyễn Sáng là người góp phần đưa lĩnh vực sơn mài Việt Nam đến tầm cao mới qua những đề tài cuộc sống đời thường, chiến tranh, hoạt động cách mạng. Thậm chí, tên của ông còn xuất hiện trong quyển từ điển bách khoa Larousse của Pháp. Thành công của ông là kết quả của một cuộc đời hy sinh không màng danh lợi, luôn dành sự trân trọng, say mê và tôn sùng tuyệt đối dành cho hội họa. 

4. Bùi Xuân Phái (1920-1988)

Với những tác phẩm về phố cổ Hà Nội, họa sĩ Bùi Xuân Phái không chỉ là một cái tên có đóng góp lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam mà còn ghi dấu ấn đối với hội họa thế giới. Năm 1946, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu thể hiện đề tài phố cổ Hà Nội bằng chất liệu sơn dầu.2

Chân dung danh họa Bùi Xuân Phái

Những bức tranh đề tài phố cổ của ông bắt đầu được số đông chú ý đến vào thập niên 70. Lúc ấy, người ta dần nhận ra “phố Phái” là một dòng tranh riêng biệt, gợi nhắc linh hồn của phố cổ Hà Nội. Bằng đôi mắt tinh tường và trái tim nhạy cảm, Bùi Xuân Phái cho thấy chiều sâu của phố qua hệ thống đường viền đậm nét, từng mảng màu được phân tách rõ ràng. Dù vậy, người ta vẫn thấy ở đó sự mơ hồ, gợi cảm, vừa hư vừa thực. Ông thể hiện của phố ở nhiều hình dạng, trạng thái và thời điểm trong ngày, qua từng mùa trong năm. Vẻ đẹp ấy của Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi hiện lên thật dung dị, bình lặng, dường như gói trọn niềm thương và nỗi nhớ của Bùi Xuân Phái về một phố cổ đang đứng trước sự đổi thay không thể cưỡng lại của thời thế. Ước tính, ta có cả hàng nghìn bức vẽ khác nhau về những con phố Hà Nội, và dĩ nhiên, chúng đủ để tạo nên một thành phố như chắp cánh ước mơ và tình yêu của Bùi Xuân Phái.

Tác phẩm sơn dầu “Phố cổ Hà Nội” (1972)

Trong suốt sự nghiệp của mình, bên cạnh tình yêu vô hạn dành cho phố, ông còn vẽ và đạt thành công ở các đề tài như chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân hay tĩnh vật. Ông say mê vẽ và vẽ nhiều như một thứ nhu cầu thiết yếu tựa ăn và thở. Ông vẽ trên bề mặt vải, giấy, bảng gỗ, và thậm chí cả giấy báo, vỏ bao thuốc lá khi không đủ. Nói cách khác, ông vẽ bằng mọi cách và trên mọi chất liệu ông chạm đến. Bao trùm trong tất cả những gì ông vẽ là sức sống mãnh liệt của linh hồn người Việt, khao khát tự do, hoài niệm và tinh thần phê phán chua cay. Bên cạnh đó, ông còn đóng góp rất lớn vào lĩnh vực minh họa báo chí và bìa sách. Quyển sách Hề chèo (1982) do ông vẽ minh họa được trao tặng giải thưởng đồ họa quốc tế Leipzig (Đức).

Tác phẩm “Hàng Thiếc” (1952) của danh họa Bùi Xuân Phái

Năm 2019, trang chủ của công cụ tìm kiếm Google đã vinh danh Bùi Xuân Phái nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông bằng Google Doodle. Ông là người Việt Nam nhận được vinh dự này khi người đầu tiên là nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Tại Việt Nam, cái tên Bùi Xuân Phái được trân trọng dùng cho những con đường ở Hà Nội, Quảng Bình và Đà Nẵng. Năm 1996, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho những cống hiến không mệt mỏi cho nền mỹ thuật Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Tên tuổi của ông đã vượt xa lãnh thổ Việt Nam và được đón nhận bởi các chuyên gia cũng như những người yêu hội họa khắp thế giới.

Bài viết: Gấu Trúc
Nguồn tham khảo: wikipedia, thethaovanhoa.

Cùng tác giả

#Tag

Bùi Xuân Phái Dương Bích Liên gấu trúc họa sĩ việt nam mỹ thuật mỹ thuật Việt Nam nghệ thuật Nguyễn Sáng Nguyễn Tư Nghiêm sáng tạo tranh minh họa tranh nghệ thuật tranh sơn dầu tranh sơn mài văn hóa dân gian Việt Nam văn hóa nghệ thuật viết một tay

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…