Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 1): Kỹ thuật hiệu ứng khí quyển và Alla Prima

Bên cạnh màu sắc và hình ảnh, những kỹ thuật đặc biệt cũng góp phần không nhỏ giúp người họa sĩ truyền tải cảm xúc bản thân lên những tác phẩm.

Ngay từ khi hình thành, hội họa đã là cuộc dạo chơi của người họa sĩ với màu sắc và hình ảnh, ở đó họ sáng tạo, thể nghiệm những điều mới lạ để tìm ra trạng thái tốt nhất cho đứa con tinh thần của mình và trên tất cả là thỏa mãn những cảm xúc chất chứa của bản thân. Nhờ những khám phá không ngừng nghỉ đó mà lịch sử hội họa thế giới đã trải qua nhiều thời kì, nhiều trường phái khác nhau đem đến những khái niệm độc đáo cho bộ môn nghệ thuật kén chọn này.

Nếu để ý sâu hơn, với mỗi một trường phái sẽ có cách thể hiện riêng để tạo nên tính đặc biệt và sự thu hút cho người xem, không chỉ còn là việc sử dụng màu sắc và hình ảnh bố cục đơn thuần, những kỹ thuật thể hiện cũng ngày càng đa dạng và biến hóa hơn.

Vậy kỹ thuật trong hội họa là gì? Nói một cách ngắn gọn đây là những phương pháp, thủ thuật mà các họa sĩ sử dụng để tạo nên hiệu ứng đặc sắc, gây kích thích thị giác, qua đó khẳng định dấu ấn cá nhân trong các tác phẩm của mình.

Trong suốt chiều dài lịch sử của hội họa thế giới, những kỹ thuật độc đáo được sáng tạo nên là vô vàn, và trong loạt bài viết này có lẽ sẽ không đủ để liệt kê hết tất cả những kỹ thuật ấy. Vậy nên mình sẽ tóm gọn ở những kỹ thuật đặc biệt nhất của các danh họa nổi tiếng và đến thời điểm hiện tại chúng vẫn tạo nên những hiệu ứng thú vị và gây tò mò cho người xem.

Bên cạnh đó, mình sẽ cố gắng sắp xếp chúng theo dòng thời gian từ sớm nhất cho đến gần đây để các bạn có thêm một góc nhìn khác về tiến trình hội họa đã phát triển ra sao trong nhiều thế kỉ qua, và mốc thời gian để chúng ta bắt đầu hành trình này sẽ vào khoảng thế kỉ 15. Vì sao ư? Theo quan điểm cá nhân của mình đây khoảng thời gian hội họa bắt đầu bước vào thời kì hoàng kim và nở rộ nhất trong lịch sử.

Không để các bạn chờ lâu nữa, chúng ta cùng bắt đầu chuyến đi nào!


Kỹ thuật hiệu ứng khí quyển

Aerial Perspective hay Atmospheric Perspective, xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ 1 khi được các nhà khảo cổ tìm thấy trên các bức bích họa kiểu Pompeian ở Paris trên Núi Ida. Đến khoảng thế kỷ 13-14, hiệu ứng khí quyển phổ biến trong những bức tranh thủy mặc của Trung Quốc và thực sự trở thành một trong những kỹ thuật nền móng của hội họa thế giới khi được những danh họa châu âu thế kỉ 15 sử dụng trong các tác phẩm của mình, có thể kể đến như Leon Battista Alberti, Leonardo da Vinci, Raffaello Sanzio da Urbino,…

Một phần trích đoạn theo phong cách Pompeian
Rocky Mountain Landscape – Albert Bierstadt – 1870
Cảnh núi phía xa sử dụng kỹ thuật Aerial Perspective

Aerial Perspective là phương pháp được dùng để tạo ảo giác về độ sâu hoặc độ xa trong một bức tranh bằng cách điều chỉnh màu sắc để mô phỏng những thay đổi do bầu khí quyển tác động lên những vật thể nhìn thấy ở khoảng cách xa.

Trong cuốn ‘Treatise on Painting‘ của mình, Da Vinci viết: “Màu sắc sẽ trở nên yếu hơn tương ứng với khoảng cách của chúng so với vị trí người đang nhìn sự vật ấy”. Người ta phát hiện ra rằng trong bầu khí quyển có sự hiện diện của độ ẩm, các hạt bụi nhỏ và nhiều vật chất li ti khác. Những vật chất này gây ra sự tán xạ khi ánh sáng đi qua chúng, mức độ tán xạ phụ thuộc vào bước sóng, tương ứng với màu sắc, ánh sáng.

Cảnh núi phía xa mờ và ám xanh trong bức tranh The virgin and child with saint anne của Leonardo da Vinci

Ví dụ ánh sáng có bước sóng ngắn – ánh sáng xanh lam – bị tán xạ nhiều nhất, màu sắc của tất cả các vật thể tối ở xa có xu hướng chuyển thành màu xanh lam, đó là lí do vì sao những ngọn núi ở xa thường có màu hơi ám xanh.

Thêm vào đó bầu khí quyển cũng khiến cho các vật ở xa có các cạnh và đường viền ít rõ ràng hơn so với các dạng ở gần người xem và các chi tiết bên trong cũng mờ đi tương tự. Các vật thể ở xa có màu sắc nhạt hơn so với các vật thể có tông màu tương tự khi nằm ở gần mắt người và sự tương phản giữa ánh nắng với bóng râm ít rõ ràng hơn ở khoảng cách xa.


Alla Prima

Alla Prima trong tiếng Ý là việc làm ‘cùng một lúc‘, kỹ thuật này để chỉ việc vẽ trực tiếp trong đó các lớp sơn tiếp theo được vẽ chồng lên lớp sơn ướt trước đó. Những bức tranh được vẽ theo phương pháp này thường được hoàn thành trong một lần duy nhất. Điều này khiến nó trở nên phổ biến với những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng, vì họ có thể dễ dàng nắm bắt ánh sáng và màu sắc thoáng qua của môi trường.

Tuy nhiên Alla Prima đã phổ biến khi sơn dầu bắt đầu phát triển và được áp dụng nhiều từ khoảng thế kỷ 15, thời kì đầu của nghệ thuật hoàng kim Hà Lan. Jan van Eyck là người tiên phong trong kỹ thuật này, khi ông luôn sử dụng Alla Prima một cách tiết chế để tạo nên độ ‘quyện‘ mềm mại cho bức tranh.

The Virgin of Chancellor Rolin – Jan van Eyck
Kỹ thuật Alla Prima được Jan van Eyck sử dụng để xử lý phần khăn choàng đỏ của nhân vật nữ.

Phải đến thời kì Ấn Tượng, Alla Prima mới biểu hiện một cách rõ ràng trên các tác phẩm, coi mặt vải toan giống như một bảng pha màu, điểm hấp dẫn của kỹ thuật sơn dầu này là chúng ta có thể thay đổi màu sắc ngay lập tức nhưng vẫn giữ được cảm giác tươi mới. Đây là một điểm thuận tiện của ‘vẽ chồng lớp sơn ướt‘ khi một bức tranh có thể hoàn thiện trong thời gian rất nhanh mà không phải mất đến nhiều công đoạn như kỹ thuật vẽ nhiều lớp.

Chi tiết bông hoa trong tranh của Monet với kỹ thuật Alla Prima

Danh họa Joaquín Sorolla từng chia sẻ “Tôi không thể vẽ được gì cả nếu tôi phải vẽ chậm. Với kỹ thuật này tôi được ở trong trạng thái thoải mái…. Mọi hiệu ứng chỉ thoáng qua, nó phải được vẽ thật nhanh chóng.”

Return from fishing – Joaquin Sorolla -1894
Nhờ kỹ thuật Alla Prima, Sorolla đã nắm bắt được không khí rực rỡ của biển cả.

John Singer Sargent cũng được biết đến là họa sĩ thường xuyên sử dụng Alla Prima, trong các bức tranh của mình, ông luôn vẽ ấn tượng ban đầu về cảnh vật một cách nhanh chóng với tông màu trầm, sau đó vẽ thêm lên trên các chi tiết và tạo điểm nổi bật ở những vị trí thích hợp.

Wine Glasses – John Singer Sargent – 1875
Nét cọ mịn được sử dụng cho phần tối và nét cọ dày dặn, táo bạo được sử dụng cho phần sáng. Điều này giúp gia tăng sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

Alla Prima Hoàng Jan van Eyck Joaquin Sorolla John Singer Sargent Kỹ thuật hiệu ứng khi quyển Kỹ thuật hội họa leonardo da vinci Series Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa

iDesign Must-try

Nhà sử học người Ý xác định danh tính cây cầu bí ẩn trong bức Mona Lisa của Leonardo
Nhà sử học người Ý xác định danh tính cây cầu bí ẩn trong bức Mona Lisa của Leonardo
Một nhà nghiên cứu nghệ thuật người Ý cho biết cây cầu được vẽ trên nền bức “Mona Lisa”, bức tranh mang tính biểu tượng của Leonardo da Vinci treo…
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…