Nỗi ám ảnh bất ngờ và sâu đậm của nghệ thuật Nhật Bản trong việc định hình nên Van Gogh

Một cuộc triển lãm vừa hé lộ phương thức Van Gogh vay mượn kỹ thuật từ những bản in Nhật và kết hợp chúng vào các bức chân dung của mình, Alastair Sooke viết.

Vào tháng 2 năm 1888, Vincent van Gogh rời Paris, nơi ông từng lưu lại vài năm và chuyển đến thành phố Arles, Provence, miền nam nước Pháp. Quá mệt mỏi với cuộc sống phố thị cũng như muốn tìm lại sự bình yên nơi tâm trí, người hoạ sĩ lúc này mưu cầu một cuộc sống giản đơn, thứ mà ông vẫn hằng ao ước, thứ sẽ hồi sinh cả bản thân lẫn nghệ thuật trong ông. Thêm vào đó, Van Gogh còn mong muốn thành lập nên một cộng đồng nghệ sĩ và cảm thấy vô cùng hứng khởi vì tiềm năng này.

Thật kỳ lạ, trong sự phấn khích, vui sướng, ông nhìn ngắm khung cảnh mới đang vây quanh lấy mình qua lăng kính của một đất nước xa xôi: Nhật Bản. Trong một bức thư được viết vào cuối năm đó cho họa sĩ Paul Gauguin, người sau này sẽ cùng ông đến Arles, Van Gogh hồi tưởng đã nhìn ra cửa sổ trong chuyến tàu từ Paris đến Provence “để xem ‘liệu nơi đây có trông giống nước Nhật’! thật ngây ngô phải không?”

Trong The Courtesan (sau Eisen), 1887, Van Gogh sao chép một bản in của Keisai Eisen xuất hiện trên bìa tạp chí
– ông đã tự thực hiện nó bằng cách sử dụng sơn (Nguồn: Bảo tàng Van Gogh)

Khi đến nơi, ông nhận thấy tuyết rơi dày đặc đã làm biến đổi cảnh sắc nông thôn, nhưng những cánh đồng trắng sáng kia vẫn khiến ông gợi nhớ đến bức tranh ‘winter landscapes’ (phong cảnh mùa đông) từ các nghệ nhân “Nhật Bản”. Nhiều tháng trôi qua, Van Gogh tiếp tục liên tưởng Provence với Nhật Bản. “Anh luôn tự nhủ với chính mình rằng anh đang ở Nhật Bản,” ông viết cho em gái mình, vào tháng 9 năm 1888. “Quả thực anh chỉ cần mở mắt và vẽ ngay trước mặt mình những gì tạo nên ấn tượng trong anh.” Hai tuần sau, ông thuật lại với anh trai mình: “Thời tiết tại Provence rất đẹp và nếu điều ấy cứ mãi tiếp diễn, nơi đây sẽ còn tuyệt vời hơn cả thiên đường của các họa sĩ, nó sẽ hoàn toàn trở thành Nhật Bản.”

Theo Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia tại Washington DC, “Đó là mặt trời mà Van Gogh tìm kiếm tại Provence, một ánh sáng rực rỡ có thể gột rửa hết những chi tiết và đơn giản hóa các hình thức, thu nhỏ thế giới xung quanh về kiểu mẫu mà ông luôn ngưỡng mộ trong các bản in khắc gỗ Nhật. Van Gogh nhắc đến Arles bằng một cụm từ rất trìu mến – “Nhật Bản của phương Nam”. Tại đây, ông cảm thấy hiệu ứng làm phẳng của mặt trời sẽ củng cố thêm đường nét trong bố cục và giảm thiểu những sắc thái màu sắc xuống vài điểm tương phản sống động”.

Hướng về phía đông

Đọc qua những bức thư của Van Gogh, rõ ràng Nhật Bản mang một ý nghĩa thần bí và huyền ảo đối với ông. Trong trí tưởng tượng của ông, ‘Đất nước Mặt trời mọc’ là suối nguồn của sự ân sủng và hạnh phúc, một điều không tưởng. Van Gogh và Nhật Bản – một triển lãm quy mô với đầy đủ các tác phẩm quốc tế quan trọng mượn từ Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam – được tạo ra để xác định lý do tại sao đất nước Viễn Đông này, nơi mà người nghệ sĩ thiên tài chưa từng có dịp ghé thăm, và cũng là nơi mà Van Gogh không có bất kỳ kế hoạch du lịch nào lại gắng sức kìm nén trí tưởng tượng của ông – và điều này đã ảnh hưởng đến nghệ thuật trong ông như thế nào.

Van Gogh đã lấy cảm hứng từ thẩm mỹ của nghệ thuật Nhật Bản,
tạo ra Bridge in the Rain (Sau vụ Hiroshige) vào năm 1887 (Nguồn: Bảo tàng Van Gogh)

Nhiều cuộc triển lãm trước đây đã làm sáng tỏ tác động của nghệ thuật Nhật Bản đối với tác phẩm của Van Gogh, trích dẫn cho rằng đây là một trong số những thứ có ảnh hưởng, bên cạnh tranh vẽ về người nông dân của Jean-François Millet hay trường phái Tân Ấn tượng. Tuy nhiên, đây lại là điều đầu tiên lan toả ánh sáng lên ông. Và như tôi đã nhận ra trong chuyến thăm gần đây đến Amsterdam, nó chứa đựng những khám phá mới đầy hấp dẫn.

Van Gogh không phải là người duy nhất bị ám ảnh bởi ‘Xứ sở hoa Anh đào’ trong Thế kỷ 19. Vào những năm 1850, sau hơn hai thế kỷ bị cô lập, Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho thương mại quốc tế, rất nhiều hàng hóa nơi đây đã bắt đầu du nhập vào Pháp và tạo nên cơn sốt Nhật Bản. Giai cấp tư sản lúc bấy giờ trang trí nội thất theo phong cách Nhật, hàng loạt cửa hàng bách hóa bắt đầu cung cấp sành sứ, sơn mài, dù che, bình phong, quạt, đèn lồng, trang sức và cả những vật dụng phản cảm của Nhật.

Van Gogh quan tâm đến các bản in ‘ukiyo-e’ – đây là tác phẩm Fuji Seen from the Katakura Tea Plantation in the Suruga Province
bởi Katsushika Hokusai (Nguồn: Rijksmuseum, Amsterdam)

Trong khi đó, những người nghệ sĩ lại vô tình si mê các bản in khắc gỗ độc đáo – vào năm 1880, tiểu thuyết gia người Pháp Emile Zola đã quan sát và thấy rằng bất kỳ nghệ sĩ tên tuổi nào tại Châu Âu cũng đều ra sức nghiên cứu các bản in Nhật Bản, “thứ mà ngày nay ai cũng có”. Thật vậy, một số nghệ sĩ, bao gồm cả Claude MonetJames McNeill Whistler đã sưu tầm cái gọi là ‘ukiyo-e’ trong nhiều năm. Vào năm 1872, thuật ngữ tiếng Pháp ‘Japonisme’ đã được đặt ra, để mô tả ảnh hưởng của nghệ thuật và thiết kế Nhật Bản đối với văn hóa phương Tây, đặc biệt là nghệ thuật thị giác.

Ám ảnh ‘Japonisme’

Theo một ý nghĩa nào đó, Van Gogh tìm đến với bữa tiệc ‘Japonisme’ khá muộn: lần đầu tiên ông trở nên hòa hợp cùng vẻ đẹp của nghệ thuật Nhật Bản là tại Antwerp vào năm 1885, khi ông ghim một bộ tranh đen trắng lên tường xưởng vẽ, một năm trước khi Van Gogh chuyển đến sống cạnh anh trai, Theo, tại Paris, khi đó là trung tâm của khái niệm hiện đại. Tuy nhiên, chỉ khi được kích thích bởi những cuộc thảo luận về nghệ thuật Nhật Bản trên các tạp chí và tiểu thuyết, sự say mê của ông mới nhanh chóng tăng lên.

Nhật Bản, trong suy nghĩ của Van Gogh, là một vương quốc hoàn toàn lý tưởng, “một thiên nhiên tuyệt diệu”

Vào mùa đông năm 1886 – 1987, Van Gogh mua vài trăm bản in giá rẻ của Nhật (cuối cùng, ông sở hữu hơn 600 bản) mà ông bắt gặp trên gác mái của một đại lý nghệ thuật tại Paris. Cũng như nhận thấy tính thẩm mỹ đầy màu sắc của chúng, ông hy vọng sẽ kiếm được ít tiền bằng cách bán vài bản trong số chúng: vào mùa xuân năm 1887, ông đã tích cóp đủ để tổ chức triển lãm tranh in, mỗi bản in được bán ra với giá rượu khai vị tại Le Tambourin – quán cà phê do người tình của ông là Agostina Segatori điều hành trong khu dân cư của tầng lớp lao động Montmartre. (Van Gogh sau này gọi buổi trình diễn này là một “thảm họa”.) Đáng chú ý, ông đã vẽ Segatori trong bức chân dung từ năm 1887, với hình in Nhật của một geisha và trợ lý của cô ở phía sau.

Utagawa Hiroshige đã ảnh hưởng đến Van Gogh: đây là tác phẩm Hiroshige’s Plum Garden at Kamata, 1857
(Nguồn: Bảo tàng Quốc gia về Văn hóa Thế giới, Leiden)

Ảnh hưởng mà những bản in Nhật tác động lên các tác phẩm của Van Gogh trong thời kỳ này đã được nhiều người biết đến. Năm 1887, ông thực hiện một số bản in của vài nghệ sĩ Nhật Bản, đầu tiên là cảnh đẹp về vườn mận và sau đó là một cảnh khác – mô tả người bên ngoài đang nháo nhào dưới những chiếc ô dọc theo cây cầu trong cơn mưa rào buổi tối, cả hai đều của Utagawa Hiroshige (1797 -1858). Van Gogh cũng vẽ tranh về một thiếu nữ Nhật Bản đang diện kimono lộng lẫy mà ông sao chép từ trang bìa của một quyển tạp chí, hai bức chân dung của chủ tiệm và người buôn sơn Julien ‘Père’ Tanguy, đang ngồi trên nền phẳng, thứ gần như tạo nên cảm giác choáng ngợp tức thì về mặt thị giác với hàng loạt màu sắc từ bản in Nhật.

Thực hiện hoá ý tưởng

Tuy nhiên, tại Arles, nơi Van Gogh ghim các bản in Nhật lên tường xưởng vẽ (sau đó ông yêu cầu Theo gửi thêm một số từ bộ sưu tập của mình tại Paris), ảnh hưởng của chúng đối với nghệ thuật của chính ông đã trở nên sâu sắc và ít bình phàm hơn. Vào lúc này, trong tâm trí Van Gogh, ‘Xứ sở Phù Tang’ là một vương quốc hoàn toàn lý tưởng, theo Nienke Bakker, người đồng quản lý triển lãm tại Amsterdam. Đặc biệt đó là “thế giới kỳ lạ rất khác biệt” được gợi lên trong các bản in chứa đựng đầy màu sắc đến từ Nhật Bản – “một vùng đất hoang sơ tuyệt đẹp, với rất nhiều phụ nữ mặc kimono, hoa lá, chim muông”.

Katsushika Hokusai là một trong hai nghệ sĩ Nhật Bản được Van Gogh đề cập trực tiếp:
tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Under the Wave of Kanagawa, 1829-1833 (Nguồn: Rijksmuseum, Amsterdam)

Van Gogh xem các bản in Nhật là một mô hình biểu đạt cho nghệ thuật thuần túy, không bị ngăn trở bởi các phương thức biểu diễn phương Tây: “Nghệ thuật Nhật Bản giống một thứ gì đó nguyên thuỷ, hệt như người Hy Lạp, hệt như người Hà Lan xưa cũ của chúng ta, Rembrandt, Potter, Hals, Vermeer, Ostade, Ruisdael,” ông viết cho Theo vào tháng 7 năm 1888. “Nó không có hồi kết”.

Tuy nhiên, thay vì chỉ tiếp tục sao chép các bản in Nhật, Van Gogh bắt đầu thử nghiệm thêm nhiều khía cạnh từ chúng trong các bức tranh của riêng mình, bao gồm việc sử dụng các màu sáng, phẳng, đường chéo mạnh, cận cảnh, phối cảnh chim bay, nét cắt xén độc đáo, thiếu sót của đường chân trời và sự cô lập của các đối tượng nổi bật, chẳng hạn như những thân cây lớn bị cắt bỏ ở tiền cảnh. Lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, ông đã vẽ hoa, trong đó có vài dịp đáng nhớ, đặc biệt là hoa diên vĩ – so sánh một trong những khung cảnh mùa xuân này với “giấc mơ Nhật Bản”.

Được vẽ để kỷ niệm ngày sinh của cháu trai, Almond Blossom phản ánh sở thích của Van Gogh đối với những cây nở hoa,
loài cây đại diện cho hy vọng và cuộc sống mới (Nguồn: Bảo tàng Van Gogh)

Ông cũng tạo ra vài bức tĩnh vật với cua, lấy cảm hứng từ mô típ trong nghệ thuật Nhật Bản, cũng như những bức vẽ tự tin, mạnh mẽ, được thực hiện bằng bút sậy mà ông cảm thấy là “theo phong cách in Nhật Bản”. Với dấu chấm và gạch ngang, chúng được triển khai từ kho ‘từ vựng hình ảnh’ của bậc thầy Katsushika Hokusai (1760-1849), tình cờ là một trong hai nghệ sĩ Nhật Bản duy nhất được Van Gogh nêu tên trong các bức thư của ông (người còn lại là người mà ông gọi là “Monorou”, một kẻ hư hỏng trong giới nghệ sĩ thế kỷ 17 Hishikawa Moronobu). Van Gogh viết: “Người Nhật vẽ nhanh, rất nhanh, như một tia chớp, bởi thần kinh của ông ấy tốt hơn, cảm giác của ông ấy cũng đơn giản hơn”.

Tĩnh tâm sau cơn bão

Vào mùa hè năm 1888, Van Gogh thậm chí còn tự miêu tả mình trong bức chân dung tự họa là “một kẻ mê muội”, khi ông viết nó trong bức thư gửi Gauguin, “người thờ phượng tính giản dị của Đức Phật vĩnh cửu” – tức một nhà sư Nhật, với chiếc đầu cạo trọc. Bên cạnh đó, trong Bức chân dung nổi tiếng với đôi tai băng bó (1889), từ Phòng trưng bày Courtauld tại London, ông đã gửi gắm vào đó bức tranh Nhật Bản yêu thích của mình – ‘crépon’ (có nghĩa là bản in trên giấy nhăn, như crêpe), mô tả các geisha hoà mình cùng cảnh sắc, trên bức tường phía sau đầu ông.

Van Gogh tìm kiếm sự thanh thản trong các bản in Nhật Bản – giống như hình ảnh sau lưng ông
trong Self-Portrait with Bandaged Ear, 1889 (Nguồn: The Samuel Courtauld Trust, The Courtauld Gallery, London)

Nó mang đến một ý niệm lạc quan ẩn trong khung cảnh u sầu, khi Van Gogh diện một chiếc mũ và áo khoác ngoài, bịt miệng để chống lại cái rét buốt mùa đông bên trong xưởng vẽ, với một tấm vải trống trên giá, sau khi trở về nhà từ bệnh viện vì bên tai đã cắt trong cơn điên dại. Chưa đầy năm tháng sau lần đổ vỡ đầu tiên đó, vào tháng 12 năm 1888, ông được nhận vào trại tâm thần ở Saint-Rémy-de-Provence, vào tháng 5 năm 1889.

Nhắc đến bức hoạ Courtauld, tác phẩm đã đến Amsterdam, Bakker giải thích: “Ông ấy bị ốm, Gauguin đã rời đi, ông phải bắt đầu lại tất cả. Và với bản in này, với thế giới thiên nhiên màu sắc cùng nét đẹp tuyệt vời từ người phụ nữ, tượng trưng cho tình yêu bền bỉ mà ông dành cho nghệ thuật Nhật Bản. Nó thể hiện ước mơ của ông về miền Nam như một thiên đường dành riêng cho các họa sĩ ”.

Van Gogh nói cần phải có ai đó vẽ nên những bức chân dung hệt như những gì Monet đã làm với tranh phong cảnh và biến chúng trở nên hiện đại – Nienke Bakker

Đến thời điểm này, “giấc mơ” về nghệ thuật Nhật Bản đã biến đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận của Van Gogh đối với tranh chân dung. Không giống những người sành sỏi về nghệ thuật Nhật Bản đã bị thu hút bởi các bản in từ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, Van Gogh lại mê đắm bản in đến từ cận thế kỷ 19: loạt tranh chân dung rẻ tiền, màu sắc buồn tẻ của các diễn viên và nghệ sĩ, điều mà hầu hết các nhà sưu tập đều bỏ qua. (Và đến giờ họ vẫn làm thế)

Một trong những hiểu biết mới mẻ được cung cấp bởi triển lãm Amsterdam là sự kết hợp bởi tuyển tập các tác phẩm nghệ thuật “run-of-the-mill” (như Van Gogh đã nói), một vài trong số đó ông sở hữu, cùng với những bức chân dung phi thường của ông về người dân Provençal bình dị, từ năm 1888-89. Những điểm tương đồng – nhưng ít được nhận xét cho đến tận bây giờ – là chúng đều kỳ lạ: màu sắc rực rỡ, gần như sặc sỡ; không gian hình ảnh phẳng; sử dụng họa tiết dữ dội, bán trừu tượng, làm nền cho kiệt tác La Berceuse của Van Gogh, hay còn gọi là Woman Rocking the Cradle (1889), trong đó ông đã tạo ra năm phiên bản.

Ảnh hưởng của Nhật Bản rõ ràng trong các tác phẩm như Woman Rocking the Cradle (Augustine Roulin), 1889
(Nguồn: Viện Nghệ thuật Chicago, Bộ sưu tập Tưởng niệm Helen Birch Bartlett)

“Trong một bức thư, Van Gogh nói rằng phải có ai đó vẽ nên những bức chân dung hệt như những gì Monet đã làm với tranh phong cảnh và biến chúng trở nên hiện đại,” Bakker chia sẻ. “Đó là tham vọng của ông về những bức chân dung bạn bè mình tại Arles.” Công thức mà ông tìm ra để biến hoá các bức chân dung trở nên “hiện đại” đó chính là lồng ghép vào trong chúng các yếu tố hình ảnh được vay mượn từ một số bản in phổ biến của Nhật.

Cuối cùng, đối với Bakker, mối quan hệ giữa Van Gogh và nghệ thuật Nhật Bản vượt xa hoàn toàn khỏi sự sao chép. “Không chỉ đơn thuần nói suông, hãy nhìn xem, đây là một thân cây đang nở hoa trong bản in khắc gỗ Nhật và ở đó Van Gogh cũng làm nên điều tương tự. Ông không chỉ bắt chước. Ông đang nghiên cứu loạt bản in này và chúng định hình cách nhìn trong ông, những sự lựa chọn mà ông đưa ra trong việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của riêng mình”. Cô nhấn mạnh. “Xét cho cùng, nếu chỉ cố gắng bắt chước, thì bạn không có tư cách trở thành một người nghệ sĩ thực thụ.”

Người dịch: Nam Vu
Nguồn: bbc.com

Cùng tác giả

#Tag

art history artist Heirstory Japan japonisme printed artworks van gogh

iDesign Must-try

Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Được truyền cảm hứng từ bộ phim Loving Vincent với toàn bộ các khung hình là các bức vẽ tay, Clicker đã vẽ lên các vật dụng hàng ngày để…
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
“Tôi cố gắng đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân thông qua ngôn ngữ hội họa và tương tự làm sáng tỏ điều ấy cho những người xung…
Edvard Munch (Phần 1)
Edvard Munch (Phần 1)
Trong loạt bài hai phần về Edvard Munch, chúng ta tìm hiểu về một trong những hoạ sĩ tài năng nhất, gây tranh cãi nhất, có những tác phẩm độc…
Có gì bên trong thế giới rực rỡ sắc màu của Triển Lãm Van Gogh
Có gì bên trong thế giới rực rỡ sắc màu của Triển Lãm Van Gogh
Với những ai yêu thích các bức họa của Van Gogh, chắc hẳn họ sẽ không quên được những trải nghiệm mãn nhãn tại các triển lãm chìm đắm hoành…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 9/2021
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 9/2021
Làm thế nào giải quyết một khoản nợ khổng lồ mà không phải dùng đến tiền? Hay ‘Cách để nổi bật giữa đám đông mà không cần lộ mặt?’ –…