Phim hoạt hình về chàng Narcissus ái kỷ: Cảm hứng từ một cuộc khủng hoảng cá nhân

Với niềm đam mê đặc biệt dành cho thể loại phim hoạt hình cộng với vốn kiến thức tích lũy trong khoảng thời gian theo học chuyên ngành, Nhi Lê, Nhựt Trường và Tùng Trần (sinh viên K13 ngành Thiết kế mỹ thuật số Đại học FPT) quyết định lựa chọn chuyên đề hoạt hình làm đề tài cho đồ án tốt nghiệp của nhóm. Hơn cả kỳ vọng ban đầu, “A Generation of Narcissists” đạt số điểm cao nhất trong kỳ bảo vệ đồ án tốt nghiệp (Chuyên đề hoạt hình) vừa qua. 

“A Generation of Narcissists” lấy ý tưởng từ câu chuyện của chàng Narcissus – một chàng trai yêu bản thân mình đến chết đi. Câu chuyện trên cũng lý giải về nguồn gốc của loài hoa thủy tiên luôn mọc ở bờ suối và soi mình trong bóng nước. Từ góc nhìn đó, phim phản ánh về xu hướng sống ái kỷ của người trẻ trong xã hội ngày nay.


Từ khủng hoảng cá nhân… thành nguồn cảm hứng

Tại sao bạn chọn thần thoại Hy Lạp (câu chuyện về chàng Narcissus) là ý tưởng cho đồ án mà không phải là một câu chuyện khác?

Nhựt Trường: Mọi chuyện bắt nguồn từ việc một thành viên trong nhóm trải qua cuộc khủng hoảng liên quan tới nhân cách ái kỷ (narcissism) vào năm rồi. Qua quan sát bọn mình nhận thấy chủ nghĩa cá nhân đang ngày một lên ngôi trong thời hiện đại, cùng với sự gia tăng của tính ái kỷ,  yêu bản thân thái quá trong một bộ phận giới trẻ. Qua đây bọn mình nhận thấy mối liên hệ sâu sắc giữa thực trạng hiện tại và câu chuyện về chàng Narcissus trong thần ngoại Hy Lạp, người có vẻ ngoài tuyệt mỹ nhưng lại chỉ yêu bản thân mình.

Có thể nói Narcissus là hình mẫu ái kỷ tiêu biểu nhất, ở mức độ nặng nề nhất – yêu bản thân đến mức mất kết nối với thế giới xung quanh. Vì vậy bọn mình chọn kể về chuyện chàng Narcissus với những tình tiết, góc nhìn mới, phù hợp với thị hiếu thời đại, hy vọng nhắc nhở, cảnh tỉnh giới trẻ về thực trạng ái kỷ của thế hệ chúng ta, khơi gợi sự thay đổi trong hành động của các bạn.

Lúc bấy giờ vẫn chưa có phim ngắn 2D nào kể riêng về chàng Narcissus. Đó vừa là cơ hội vừa là thách thức của nhóm để thực hiện một bộ phim xứng đáng với giai thoại này.

Có gì thú vị trong quá trình tìm hiểu không?

Nhựt Trường: Trong quá trình nghiên cứu đề tài, bọn mình đã đi sâu tìm hiểu các khía cạnh của ái kỷ và thu thập được những kiến thức thú vị, bổ ích về nguyên nhân, hậu quả và các nhân tố ảnh hưởng tới ái kỷ.  Những hiểu biết đó đã làm cơ sở vững chắc trong việc phát triển kịch bản phim.

Ngoài ra nhóm cũng thực hiện một khảo sát nhỏ về đề tài và bọn mình rất vui khi được lắng nghe rất nhiều chia sẻ về vấn đề này.

Phải làm những thứ vượt ngoài chuyên môn

Dường như các bạn đã rất đầu tư về tạo hình nhân vật và phối cảnh không gian. Các bạn có thể chia sẻ một chút về quá trình này?

Tuyết Nhi: Bọn mình đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tính cách của từng nhân vật. Từ đó, chúng mình tìm những hình tượng liên quan đến các tính cách ấy.

Về phối cảnh, nhóm dựa vào tạo hình nhân vật để cách điệu sao cho nhân vật và phối cảnh có thể kết hợp ăn ý, không bị lạc nhịp. Hình tượng cây bao báp cũng được sử dụng (tương truyền vì quá xinh đẹp và kiêu ngạo nên cây đã bị các vị thần cắm đầu xuống đất và rễ lên trời). Bọn mình chọn cây bao báp bên cạnh mặt hồ là nơi quyến rũ khiến Narcissus soi mình. 

Màu sắc sử dụng cũng được nghiên cứu sao cho phù hợp với bối cảnh của phim. Ví dụ: quá khứ của Narcissus mang màu sắc nhẹ nhàng, trái lại với khung cảnh chiến tranh với các tông màu nóng, rực rỡ.

Nhóm từng “bị bí ý tưởng vì phải làm những thứ trước giờ chưa từng làm”, vậy cụ thể những thứ đó là gì?

Tuyết Nhi: Mặc dù lấy cảm hứng từ câu chuyện Narcissus nhưng nhóm muốn mang màu sắc mới cho phim. Vì thế phim không theo hẳn nét vẽ Hy Lạp cổ đại mà bọn mình phải đi tìm nét vẽ riêng hơn để đem lại sự mới mẻ, phù hợp với yếu tố fantasy (hình ảnh tưởng tượng) và thị hiếu giới trẻ. Chính điều này cũng đem lại thử thách lớn cho nhóm vì nó đòi hỏi sự sáng tạo và khéo léo để không làm mất đi nét cổ điển vốn có của câu chuyện.

Thanh Tùng: Cùng với đó là một số thách thức về mặt kỹ thuật trong giai đoạn animation (tạo ra sự sống cho các đối tượng). Bọn mình chưa từng thực hiện character rigging (gắn xương cho nhân vật), dựng môi trường, đi camera cho ở một số lượng phân cảnh lớn như vậy. Bọn mình cũng chưa từng làm việc chung với nhau trước đây, nên đã suy nghĩ rất nhiều để tìm giải pháp tối ưu hoá cho các công đoạn này. Ai cũng rất vui vì đã học được nhiều kĩ năng mới qua đồ án.

Việc chỉn chu storyboard (kịch bản phân cảnh) và animatic (bước tạo chuyển động sơ khai) giai đoạn đầu đã giúp nhóm tiết kiệm rất nhiều thời gian ở các công đoạn tiếp theo. Cụ thể các bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho từng công đoạn? Bài học bạn rút ra sau đồ án tốt nghiệp này là gì?

Thanh Tùng: Dù chỉ mất một tuần để thực hiện phiên bản đầu tiên (rev0) của storyboard và animatic, nhưng bọn mình đã dành đến ba tuần để chỉnh sửa và hoàn thiện nó kỹ lưỡng nhất có thể – từ các góc quay, kỹ thuật chuyển cảnh trong storyboard đến thời lượng của từng phân cảnh trong animatic. 

Hầu như tất cả các phân cảnh trong phim đều có thời lượng chính xác bằng thời lượng đã dự tính trong animatic. Phần âm thanh trong animatic cũng là âm thanh gần như cuối cùng của phim.

Bọn mình tin “Well planned is half done” (Chuẩn bị tốt là đã hoàn thành được một nửa) và thực sự đúng như vậy, các công đoạn sản xuất về sau được thực hiện mượt mà và nhanh chóng hơn nhờ việc lên kế hoạch kỹ lưỡng. Bài học rút ra là trong quá trình thực hiện một thước phim hay bất cứ dự án nào, bọn mình sẽ dành thời gian đầu tư cho giai đoạn lên kế hoạch này.

Đâu là phần các bạn tâm đắc nhất trong đồ án? Vì sao?

Nhựt Trường: Mình tâm đắc nhất đoạn montage (kỹ thuật dựng phim để cô đọng không gian, thời gian và thông tin) dài một phút kể lại cuộc đời Narcissus từ lúc sinh ra. Mình thấy rất thú vị trong lúc tìm giải pháp để thể hiện cả cuộc đời nhân vật trong khoảng thời gian ngắn như vậy, cùng với việc cài cắm những nguyên nhân và hệ luỵ của ái kỷ thông qua các tình tiết. Phân đoạn này được thách thức bởi giáo viên hướng dẫn, làm sao để thực hiện cả phân đoạn chỉ trong “one shot” (một cảnh) và transition (chuyển cảnh) liên tục.

Thanh Tùng: Còn với mình, đoạn tâm đắc nhất là các phân cảnh ở mặt hồ, vì nó quá đẹp và ấn tượng.

Tuyết Nhi: Đoạn Narcissus gây chiến với các vị thần là phân đoạn mình thích nhất vì mình được thử sức vẽ rất nhiều set background (nền) khác nhau – với mỗi background đều mang những màu sắc, ấn tượng riêng của từng vị thần.”

Vậy đâu là phần bạn cảm thấy mình làm chưa tốt? Có muốn sửa đổi gì để nó được tốt hơn không?

Thanh Tùng: Tiếc nuối nhất có lẽ là phần âm thanh và lồng tiếng. Bọn mình tự nhận thấy kỹ thuật xử lý âm thanh trong phim chỉ ở mức độ nghiệp dư. Dù cũng đã cố gắng nhưng nếu có thêm thời gian và trang thiết bị, bọn mình có thể sẽ làm tốt hơn.

Cùng với đó, một số phân đoạn dự tính thực hiện bằng phương pháp frame – by – frame animation (Ghép từng khung hình có sự thay đổi nhỏ trong chuyển động của một đối tượng) nhưng điều kiện thời gian không cho phép đã khiến nhóm phải chuyển sang phương pháp keyframe animation (Ghép điểm bắt đầu và điểm kết thúc cho quá trình chuyển đổi của một đối tượng).

Được biết đồ án nhận được rất nhiều sự trợ giúp. Cụ thể như thế nào? Các bạn đã vận động các sự trợ giúp ra sao?

Nhựt Trường: Dù bọn mình đã cố gắng tự thực hiện 100% khối lượng công việc, nhưng cũng đã có những thời khắc rất ‘dầu sôi lửa bỏng’ xảy ra. Bọn mình may mắn nhận được sự cứu trợ kịp thời từ những người bạn thân thiết ở một số công đoạn như: dịch thuật, shading nhân vật (tạo chiều sâu cho nhân vật) ở một số phân cảnh, additional animation (thêm chuyển động) cho nhân vật phụ và diễn viên quần chúng, có bạn cho mượn tài khoản mua nhạc bản quyền, có bạn giúp feedback (phản hồi) với góc nhìn khán giả xuyên suốt đồ án, có bạn phụ giúp dựng booth (quầy) triển lãm. Đa phần đều là những người bạn rất thân nên bọn mình không gặp khó khăn gì trong quá trình vận động.

Không thể không kể đến giảng viên hướng dẫn của nhóm Th.S Phan Bảo Châu, người đưa ra những định hướng và theo sát, hỗ trợ toàn bộ quá trình thực hiện; bác Mark Harvey, người dẫn chuyện của phim đã phải thu đi thu lại rất nhiều lần để hoàn thiện lời dẫn. Bọn mình rất trân quý những sự giúp đỡ này từ mọi người.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện đồ án là gì?

Nhóm đã trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau trong 4 tháng đồ án. Trải nghiệm đó giống như việc đi tàu lượn – lúc lên, lúc xuống. Có những lúc bọn mình tinh thần vời vợi, cứ thế xông lên, vượt mọi tiến độ. Lại có những lúc khủng hoảng, trễ bài đến mức ăn không ngon, ngủ không yên vì lo lắng sẽ không hoàn thiện kịp. Nhưng bọn mình vẫn rất hạnh phúc và biết ơn điều đó. Có như vậy trải nghiệm đồ án mới trọn vẹn và đáng nhớ.

Đáng nhớ nhất có lẽ là hôm bảo vệ, lúc bọn mình được nghe tiếng vỗ tay từ mọi người. Tự hào, hạnh phúc, pha lẫn nhẹ nhõm vì cuối cùng ba đứa đã làm được. Khoảnh khắc nghe số điểm bảo vệ vượt ngoài kỳ vọng cũng khiến bọn mình vỡ oà trong bất ngờ và hãnh diện. Ba đứa chỉ biết ôm nhau trong vui mừng.

Dự định sắp tới của nhóm?

Sau tốt nghiệp, trước tiên nhóm dự định sẽ học hỏi và trao dồi tay nghề ở các agency/production house. Nếu có cơ hội hợp tác với nhau trong lương lai, có thể bọn mình sẽ bắt tay làm một phim hoạt hình về lịch sử hay thần thoại/cổ tích của Việt Nam.

Thưởng thức tác phẩm tại đây nhé!

Kết nối với các bạn tại:

Nhựt Trường: Facebook | Behance

Tuyết Nhi: Facebook | Behance

Thanh Tùng: Facebook | Behance

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

A Generation of Narcissists animation iD interview idesign signature may Nhựt Trường phim hoạt hình student project Thanh Tùng Thiết kế mỹ thuật số Tuyết Nhi

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…