Sự vươn lên của Anime: Vì sao hình thức nghệ thuật Nhật Bản này nở rộ đến thế?

Phim hoạt hình Nhật Bản, Japanimation hay anime là một ngành kinh doanh lớn.

Đặc trưng bởi các câu chuyện nhuốm màu huyền ảo cho đến phong cách vẽ tay hai chiều, hình thức nghệ thuật hoạt họa này xuất hiện từ khoảng năm 1917. Hãy nghĩ về những bộ phim kinh điển của Ghibli, hay manga chuyển thể của Toei Animation và bất kỳ tựa phim nào bạn nghĩ đến sẽ giúp bạn định nghĩa được tầm ảnh hưởng của phim hoạt hình Nhật Bản.

Trong tiếng Nhật, “anime” đơn giản nghĩa là “hoạt họa”. Với phần đông còn lại của thế giới, anime được xem như một thể loại phim riêng. Nhưng theo cách định nghĩa của đạo diễn Mamoru Hosoda, điều này đang dần thay đổi. Với Hosoda, anime từ lâu đã là một phương pháp làm phim hơn là một thể loại phim. Giống như dùng người đóng hay CGI, nó chỉ nhằm phục vụ cho câu chuyện. Với bộ phim mới nhất của mình “Mirai” – anime đầu tiên vinh dự được công chiếu tại Cannes, Hosoda không chỉ nói lên sự phát triển của anime mà còn chứng minh rằng nền công nghiệp bên ngoài Nhật Bản cũng đang dần tiếp nhận anime.

Hãy cùng iDesign đến với một bài phỏng vấn của Hosoda, người đã gây được sự chú ý toàn cầu cho những sáng tạo thủ công của mình.


Ba giai đoạn của anime

Một cảnh trong anime mới nhất của Hosoda – “Mirai”

“Hoạt họa là một phương pháp làm phim nên dù phim ở hình thức hoạt họa, người đóng hay đồ họa máy tính thì miễn là câu chuyện tốt, nó sẽ tốt và trở thành một bộ phim trọn vẹn,” đạo diễn của “Wolf Children”“The Girl Who Leapt Through Time” nói.

“Anime không quá cá biệt đến thế. Tôi nghĩ thật tốt khi biết rằng phim hoạt họa đã được chấp nhận như một bộ phim tiêu chuẩn bình thường. Tôi ở San Sebastian cho Liên hoan Phim năm nay, và đã ở đó 3 năm trước trong một cuộc thi, tôi thật sự có thể cảm nhận được xu hướng đang chuyển dịch. Ở thời điểm đó, nếu bạn làm phim hoạt họa họ sẽ nói: ‘Ôi, có liên hoan phim hoạt họa riêng đó.’ Nhưng tôi nghĩ ranh giới thật sự đã bị xóa mờ ngày nay. Và đó là điều tốt.”

Vậy vì sao ông ấy nghĩ rằng sự thay đổi này đang diễn ra và vì sao anime ngày càng phổ biến như thế?

“Đôi khi tôi cũng tự vấn vì sao hoạt hình Nhật Bản lại phổ biến đến thế,” Hosoda đăm chiêu.

Chân dung đạo diễn Mamoru Hosoda

Ông có cho mình một câu trả lời và nó liên quan đến cách mà hình thức nghệ thuật này ‘tiến hóa’: “Trở lại những ngày mà hoạt họa vừa chớm bắt đầu, phim hoạt họa là dành cho trẻ em, thế nên các nhà sáng tạo cũng làm ra các chương trình TV và phim ảnh chỉ dành cho thiếu nhi. Đó là giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn thứ hai là khi người lớn cũng bắt đầu tham gia – nhưng những người lớn này, có thể nói là những người còn trẻ con, hoặc các otaku*. Vì vậy nó trở thành một thể loại phim hoạt hình. Hoạt họa – Anime – là một thể loại phim vào thời điểm đó.”

“Và tôi nghĩ giai đoạn thứ ba, cũng là giai đoạn hiện tại, là khi nó không còn là một thể loại nữa. Hoạt họa không phải là một thể loại, nó thiên về một phương pháp làm phim hơn. Vì vậy nó không chỉ dành cho trẻ con, không còn là một thể loại, mà chỉ đơn giản là một bộ phim. Tôi nghĩ phim hoạt họa trong thời hiện đại có nội dung dồi dào để khai thác, nó quyến rũ toàn cầu với thế giới quan, đời sống cũng như đường dây câu chuyện vô cùng mạnh mẽ. Tôi cho là các nhà sáng tạo phim hoạt họa đã áp dụng nhiều phương pháp làm phim theo lối cổ truyền hơn nếu họ thích, về phương diện phát triển nhân vật, vv… Tôi nghĩ đó chính là hiện tại và cũng là lý do vì sao phim hoạt hình Nhật Bản trở nên phổ biến, bởi nó tựu chung được những đặc điểm ấy.”

*Otaku là một từ lóng trong tiếng Nhật dùng ám chỉ một ai đó quá yêu thích, say mê anime, manga, Vocaloid hay trò chơi điện tử, cosplay, những thứ 2D. 


Lực lượng người hâm mộ ngày càng đông đảo

Những bộ phim chính thống đang khẳng định sự thật rằng anime và các chương trình TV hiện đại đang kể những câu chuyện gây được tiếng vang. Nhưng liệu nó có nghĩa rằng lượng người hâm mộ anime sẽ biến mất khi nó trở nên phổ biến hơn? Hosoda nghĩ là không. Thực tế, ông nghĩ số lượng người hâm mộ sẽ còn tăng lên.

“Dĩ nhiên họ vẫn sẽ tồn tại,” ông nói. “Tôi hiểu cả hai quan điểm vì tôi từng là một otaku khi còn trẻ: ‘Nó thuộc về tôi; hoạt họa là một thể loại, nó là thể loại của tôi’. Và tôi nghĩ không ai khác sẽ hiểu được điều này ngoài những nhóm nhỏ người như tôi. Người lớn không thể hiểu điều đó.”

Hosoda, giờ đây ở tuổi 51, lại chính là một người lớn như thế, làm ra những bộ phim mà ông muốn chúng hấp dẫn được mọi người.

“Đến cuối cùng, tôi chỉ muốn mọi người thưởng thức phim của mình, hoặc bất kỳ phim hoạt họa nào với cùng lý do như thế,” ông nói. “Khi làm phim, tôi hoàn toàn nhận thức được sự tồn tại của lực lượng người hâm mộ anime nhưng thật lòng phải nói, tôi nghĩ những otaku này hơi… Tôi nghĩ nhiều người trong số họ cũng đã trở thành những người ra rạp xem phim bình thường. Họ không quá khác biệt như cách họ từng bị người khác nghĩ về. Sau cùng, bạn vẫn không muốn làm một bộ phim chỉ cho một nhóm nhỏ đặc biệt. Bạn phải nhận thức được giá trị chung và xem hoạt họa hay việc làm phim là một môn nghệ thuật thật sự.”


2D hay không 2D?

Những phim hoạt hình như “Bojack Horseman” giúp khán giả phương Tây chào đón anime hơn

Thái độ của Hosoda với việc làm phim đã đặt “giá trị chung” của câu chuyện lên trước, nó hiển nhiên củng cố cho chọn lựa phương pháp làm hoạt họa của ông. Ông từ chối giải thích lý do ông yêu hoạt họa 2D vẽ tay, nhưng những thành phẩm của ông chính là câu trả lời.

“Một lần nữa, mọi thứ đều quy về sự khác nhau giữa phương pháp và kỹ thuật,” ông nói. “Ý tôi là, có những bối cảnh, nội dung, thông điệp phim khác nhau mà bạn muốn kể. Đó là mấu chốt quan trọng nhất. Nếu bạn nghĩ CG tốt hơn thì hãy cứ dùng. Nếu bạn nghĩ kỹ thuật vẽ tay tốt hơn thì cứ vẽ. Đó không phải chuyện về cách mới hay cũ. Nó chỉ là… OK, bạn dùng bút chì của bạn trên giấy chứ không thể dùng cây bút Apple. Không phải chuyện thứ nào tốt hơn mà đơn giản chúng là hai công cụ khác nhau. Một trong hai công cụ đó sẽ phù hợp với sản phẩm của bạn. Dùng cái nào thì tốt hơn? Đó mới là điều quan trọng. Và tôi đã nói về điều này suốt 10 năm nay rồi nhưng mọi người vẫn không hiểu. Thật sự rất mệt mỏi.”

Hoạt họa trên khắp thế giới, bao gồm cả phương Tây, ngày càng tinh vi hơn trong những năm gần đây. Phim của Pixar được cả trẻ con và người lớn yêu thích, nó nhắm tốt đến cả hai đối tượng, trong khi các chương trình hoạt họa TV nổi tiếng nhắm trực tiếp đến người lớn như “South Park”, “Bojack Horseman” lại gây ấn tượng trong tâm trí người Tây phương rằng phim hoạt họa có thể vượt ra khỏi giới hạn của nó hơn. Từ đó người ta cho rằng nó dễ tiếp cận hơn phim người đóng chính thống. Kết quả là một lượng khán giả toàn cầu đã có tiền đề để sẵn sàng chấp nhận những câu chuyện sâu sắc mà hoạt họa kể cũng như khi chúng đề cập đến những vấn đề lớn hơn.”


Sự vô nghĩa trong phiên bản người đóng của Hollywood

Hosoda không thích phiên bản người đóng của “Beauty and the Beast”

Trước những hào quang này, người ta tin rằng Disney đang tiếp tục thúc đẩy bản làm lại người đóng với những bộ hoạt họa kinh điển được yêu mến nhất của họ.

“OK, tôi đã nói với bạn rằng mình thật sự, thật sự, thật sự, thật sự, thật sự rất thích Beauty and the Beast (Người đẹp và Quái vật) chưa? Tôi thật sự nghĩ bản người đóng như hạch vậy. Tôi rất tức giận,” Hosoda nói thẳng kèm với tiếng cười. “Tôi có thể làm một bộ hoạt hình hoàn toàn mới còn tốt hơn thế.”

Ông giải thích, “Có thể tôi gay gắt về việc này vì tôi là một nhà làm phim hoạt họa nhưng tôi nghĩ, với ‘Beauty and the Beast’, tôi không nhận thấy bất cứ sự tôn trọng nào đối với những người đã làm nên bản gốc. Tôi thấy như họ làm nó chỉ vì tiền: ‘Beauty and the Beast – Hay… Nổi tiếng… Sao không làm bản người đóng? Ta sẽ có nhiều tiền hơn.’ Và đó là điều tôi không thích. Tôi nghĩ họ thật sự cần phải có sự tôn trọng đối với bản hoạt hình gốc.”

Vậy nếu Hollywood đến gõ cữa và muốn làm lại “Mirai” thành phim người đóng, Hosoda có lẽ sẽ chỉ cho họ biết nên làm thế nào, đúng không?

“OK, để xem họ muốn trả bao nhiêu đã,” ông cười. “Trên hết tôi muốn biết tại sao họ muốn làm một bản người đóng. Điều tôi muốn nói là như tôi đã nói, hoạt hình là một phương pháp làm phim. Nó không khác bất kỳ phương pháp nào khác. Tôi nghĩ mọi người thường cho rằng bản người đóng hay hơn và là cách chính thống còn hoạt họa chỉ như một người chơi phụ. Tôi thật lòng không đồng ý với điều đó. OK, có những câu chuyện sẽ hay hơn khi nó là hoạt họa, có những câu chuyện tốt hơn khi là người đóng, ổn thôi. Tôi nghĩ hoạt họa và người đóng cũng giống nhau thôi theo từng giá trị riêng, vì vậy tôi thật sự muốn biết vì sao họ muốn làm một bản người đóng. Vì đây là một bộ phim hoạt hình huyền ảo, vậy tại sao phải kiếm người thật nhét vào đó?”

Ban biên tập iDesign
Nguồn:
fandom

Cùng tác giả

#Tag

animation anime hoạt hình mamoru hosoda mirai

iDesign Must-try

Nghệ thuật cắt giấy sống động của Sarah
Nghệ thuật cắt giấy sống động của Sarah
Sarah là một illustrator/animator đang sống tại Brisbane, Úc. Cô bạn nổi tiếng trên mạng xã hội với nghệ danh là eyepicturedthis khi chia sẻ lại hàng loạt các tác…
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate vừa giới thiệu ứng dụng mới, Procreate Dreams trên iPad, giúp người dùng vẽ chuyển động và làm hoạt hình dễ dàng và tối ưu hơn. Procreate là một ứng…
Dự án hoạt hình ‘U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ’ của Sun Wolf Animation Studio
Dự án hoạt hình ‘U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ’ của Sun Wolf Animation Studio
Bộ phim hoạt hình “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” lấy hình tượng con nghê làm nhân vật chính và kiến trúc lấy cảm hứng từ phố cổ Hội…
Xu hướng thiết kế Animation và Motion 2022
Xu hướng thiết kế Animation và Motion 2022
Hoạt ảnh Animation và chuyển động Motion đã trở thành những công cụ sáng tạo mạnh mẽ để quảng cáo và tiếp thị. Các doanh nghiệp liên tục thúc đẩy…
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Câu chuyện đằng sau việc nữ giới luôn bị lép vế trong ngành công nghiệp phim hoạt hình.
Nguồn cảm hứng tạo nên kiến trúc đô thị trong Ghost in the Shell
Nguồn cảm hứng tạo nên kiến trúc đô thị trong Ghost in the Shell
Ghost in the Shell gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem nhờ thiết kế cảnh quan đô thị hết sức độc đáo, mang đậm âm hưởng Á Đông,…