/Tách Lớp/ Đi tìm vẻ đẹp hội họa trong ‘The Art of Painting’ của Vermeer

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng nhau trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Với bạn điều gì tạo nên vẻ đẹp của nghệ thuật… Có lẽ câu hỏi này không chỉ là sự quan tâm của công chúng mà còn là nỗi niềm đau đáu của cả người họa sĩ.

Lần mò trong vũ trụ ý tưởng của bản thân, họ – những kẻ lãng du với cây cọ, lang thang khắp miền của bản đồ sắc màu để kiếm tìm vùng đất ‘Hallstatt’ trong hội họa cho bản thân. Vô vàn những bản thể đã – đang mải miết trên cuộc hành trình để đời đó, Vermeer lặng lẽ tìm thấy một câu trả lời của riêng mình, để rồi các tác phẩm của ông trở thành một chuẩn mực mà nhiều thế kỉ sau, ‘chúng’ vẫn được coi là tuyệt tác khó có ai chạm đến.

Được mệnh danh là Bậc Thầy của Ánh Sáng, những bức tranh của Vermeer đem đến một cảm xúc nhẹ nhàng với góc nhìn yên bình để tôn lên ánh sáng diệu kì mà ông dày công nghiên cứu. Suốt cả sự nghiệp của mình, Vermeer thực hiện 34 tác phẩm và tất cả đều giống như một công trình để đời của ông.

Trong bài viết lần này, chúng mình sẽ cùng nhau chạm vào một góc nhỏ trong thế giới đầy chất thơ ấy của danh họa người Hà Lan, một bức tranh không chỉ phô diễn kỹ thuật, cách sử dụng ánh sáng, mà còn là thế giới quan đặc biệt của Vermeer với nghệ thuật thế kỉ 17 – Tác phẩm The Art of Painting (Nghệ Thuật Hội Họa).

The Art of Painting, 1666-1668, 120×100 cm, Johannes Vermeer.

Bức tranh miêu tả khung cảnh ngay trong chính xưởng vẽ của Vermeer tại thành phố Delft, Hà Lan với 2 nhân vật chính gồm người mẫu nữ trong trang phục màu xanh và Vermeer đang quay lưng ngồi vẽ. Một không gian khá quen thuộc trong nhiều tác phẩm khác của ông mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở Woman Holding a Balance (1663), The Music Lesson (1665), Lady Standing at a Virginal (1672).

Nhận xét về bức tranh, Chuyên gia về nghệ thuật Flemish, Alejandro Vergara đã từng chia sẻ: “Rất ít bức tranh trong toàn bộ lịch sử nghệ thuật có một vẻ đẹp hoàn hảo như The Art of Painting. Mọi chi tiết đều đạt đến độ tinh tế phi thường và tất cả chúng cùng nhau tạo nên một bản hòa tấu mãn nhãn.”


Nghệ thuật miêu tả ánh sáng

Là người dành phần lớn thời gian để nghiên cứu ánh sáng, nét đặc trưng mà người xem có thể dễ dàng nhận ra trong các tác phẩm của Vermeer đó là ánh sáng được sắp đặt 1 hướng từ trái qua phải, theo đúng tuyến tính mắt chúng ta khi xem một bức tranh. Với nguồn sáng 1 chiều duy nhất và góc chiếu 3/4 như vậy, cho phép Vermeer xử lí không gian 3D hiệu quả nhất, khi vùng sáng và tối đan xen vào nhau từ đó tạo nên tính hiện thực trong bức tranh.

The Art of Painting, có thể thấy nguồn sáng duy nhất này đến từ cửa sổ ‘hứng’ ánh sáng phương bắc, khiến những vật thể được nhận sáng trực tiếp có độ trong tinh tế, lần lượt dải sáng trải đều lên mảng tường, chiếc mặt nạ trên bàn, chân dung của mẫu nữ, đèn chùm vàng trên trần nhà và cuối cùng là vai áo của Vermeer. Bên cạnh đó, sự tán sắc khi phản chiếu trong căn phòng tạo nên mật độ sáng cân bằng và cường độ không quá cao giúp cho người xem cảm giác dễ chịu và thoải mái.

Bảng màu trong The Art of Painting

Cùng với khả năng xử lí ánh sáng, cách sử dụng màu sắc của Vermeer cũng là điểm tạo nên những hấp dẫn cho thị giác. Lựa chọn ánh sáng ấm để tạo nên không gian gần gũi tuy nhiên Vermeer cũng điểm thêm một vài chi tiết với gam màu lạnh (xanh Ultra marine), giúp cho nhiệt độ màu toàn bức tranh được cân bằng và giảm bớt cảm giác ngột ngạt nếu sử dụng gam màu nóng quá nhiều.


Bố cục nhiều lớp và hình tượng đan xen

Mang dấu ấn thời kì Baroque nên cách phối cảnh và sắp xếp bố cục trong The Art of Painting cũng được Vermeer chăm chút cẩn thận, mọi chi tiết được sắp đặt theo trục Z có chủ ý để các vật thể không bị ‘dẫm chân’ nhau trong cùng một diện tích không gian hẹp.

Với góc nhìn chính diện, khi xem bức tranh, chúng ta sẽ có cảm nhận tác giả đang đặt nhiều lớp không gian lần lượt chồng lên nhau và ở mỗi lớp đó đều có một ‘nhân vật chính’ mang hình tượng đặc biệt mà Vermeer ẩn ý nhiều điều trong đó.

Ở lớp cận cảnh, chúng ta thấy ngay chiếc rèm cửa, vật dụng xuất hiện trong nhiều tác phẩm trước đó của Vermeer. Ngoài yếu tố trang trí, chiếc rèm còn là cách để Vermeer thể hiện khả năng ‘chơi đùa’ với ánh sáng của mình. Từng nếp gấp, độ mềm của chất liệu được xử lí một cách tinh tế để thấy độ nhạy cảm về ánh sáng của danh họa người Hà Lan xuất sắc như thế nào.

Không những vậy, kỹ thuật Trompe-l’œil khiến chiếc rèm có ý nghĩa quan trọng trong phối cảnh xa gần, tạo nên tương phản không gian giữa các vật thể từ đó tăng chiều sâu cho bức tranh và lôi kéo người xem tìm hiểu những chi tiết phía sau rèm cửa khi nó đã che bớt một phần của bản đồ, chiếc kèn và các vật dụng khác trên bàn.

Phần trung cảnh với sự xuất hiện của Vermeer và người mẫu nữ, chiếm 1/2 diện tích tổng thể khung hình là chi tiết chính tạo nên toàn bộ câu chuyện trong The Art of Painting. Đây cũng là phần không gian được Vermeer đầu tư nhiều nhất để thể hiện những kỹ năng đặc biệt trong hội họa của ông.

Hai nhân vật chính có hình ảnh đối lập mang tính biểu tượng, nếu Vermeer giấu đi khuôn mặt mình và phần lớn hình ảnh của ông là gam màu tối thì người mẫu nữ xuất hiện trong y phục trang nhã ở vị trí trực tiếp ngoài sáng và người xem có thể thấy rõ nét mặt của cô.

Chi tiết đèn chùm vàng với có một con đại bàng hai đầu là biểu tượng chính thức của triều đại Habsburg.
Theo các chuyên gia, đèn chùm vàng tượng trưng cho Công Giáo và hình ảnh nó thiếu đi những ngọn nến là một ám chỉ về sự đàn áp của tín ngưỡng Tin Lành.

Xen giữa 2 nhân vật là một lớp cảnh với chiếc bàn ở phía dưới và chùm đèn vàng trên trần nhà (trục chiều cao) hợp cùng hình ảnh Vermeer và người mẫu (trục chiều sâu), tất cả tạo nên khối không gian 3 chiều thuyết phục của phong cách hiện thực và làm tăng tính cân bằng cho toàn bộ bố cục bức tranh.

Chi tiết xuất hiện cuối cùng trong tổng thể không gian mà Vermeer xây dựng là tấm bản đồ lớn trên mảng tường. Với nhiều chi tiết nhỏ bên trong, tấm bản đồ là cách để Vermeer kích thích thị giác người xem và cũng là ‘xoa dịu’ nhiều chi tiết lớn đã xuất hiện rải rác khắp bức tranh.

Nếu bạn để kĩ, vết rách trên tấm bản đồ chia toàn bộ thành 2 phần sáng tối là một ẩn ý của Vermeer về tình hình Hà Lan bấy giờ, khi đất nước bị phân chia 2 miền nam bắc. Phía bắc thuộc cộng hòa Hà Lan, còn phía nam là các tỉnh Flemish do Habsburg cai trị.


Thế giới của riêng Vermeer

Thông qua Phối cảnh tuyến tính cùng với các kỹ thuật GlazingChiaroscuro, The Art of Painting là một bức tranh ‘đánh lừa thị giác không gian’ mà những nỗ lực đó của Vermeer để trả lời cho câu hỏi lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc luôn luôn tranh luận – “Vị trí của người nghệ sĩ trong xã hội là gì?”

Từ thời kì phục hưng hay trước đó, họa sĩ luôn được xem là người thợ thủ công và ít nhiều không sánh bằng các kiến trúc sư, kỹ sư và các triết gia. Để khẳng định vị thế, Vermeer đã sắp đặt hệ thống tư tưởng triết lí sâu sắc bên trong The Art of Painting. Và không nơi nào thích hợp hơn để ông miêu tả điều đó ngay trong chính xưởng vẽ của mình, Vén lớp màn bí ẩn, Vermeer cho mọi người thấy thế giới mà ông thăng hoa với nghệ thuật là như thế nào.

Dù là nhân vật chính nhưng Vermeer không đặt bản thân là trung tâm của sự chú ý, sân khấu nổi bật nhất được ông đổ dồn mọi ánh nhìn cho người mẫu nữ. Hình ảnh của cô trong bộ y phục trang nhã với vòng nguyệt quế, trên tay là cây kèn và cuốn sách được Vermeer xây dựng theo hình tượng nàng thơ Clio, một trong chín hiện thân của tiêu chuẩn cao nhất về nghệ thuật và triết học trong thần thoại Hy Lạp.

Bức Clio (1689) của Pierre Mignard

Đó là vẻ đẹp tinh khôi, cao quý nhất của hội họa mà bất kì ai một lần chiêm ngưỡng cũng không khỏi lay động trước những cảm xúc bất chợt của bản thân và Vermeer đang cố gắng ‘bắt’ lại nét đẹp mê hoặc đó cho người đời chiêm ngưỡng.

Bên cạnh cố gắng theo đuổi tận cùng cái đẹp, với Vermeer, họa sĩ cũng là người ghi chép kiến thức lịch sử nhưng không phải sử dụng con chữ như các sử gia, mà miêu tả lại điều đó bằng ngôn ngữ hình ảnh. Bằng kỹ năng tài tình của mình, Vermeer tinh tế đặt chúng ở những nơi đặc biệt để lưu giữ hiện thực, muốn chúng không chỉ là dòng ký ức tạm thời trôi dạt theo năm tháng, mà là hình ảnh sẽ được gìn giữ đến mãi về sau.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

baroque Hoàng nghệ thuật hà lan phân tích tranh Tách lớp The Art of Painting Thế kỉ 17 vermeer

iDesign Must-try

Điểm tin nghệ thuật thế giới Tháng 02/2023
Điểm tin nghệ thuật thế giới Tháng 02/2023
Trước những biến động của nền kinh tế, trái đất chúng ta đang sinh sống và tiến bộ của khoa học công nghệ, nghệ thuật vẫn đang đóng một vai…
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…