/Tách Lớp/ Say đắm trong điệu Valse du dương của “Dance at le Moulin de la Galette”

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng các bạn khám phá các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Điều tuyệt nhất mà một tác phẩm hội họa ấn tượng mang lại là khi chúng đưa người xem tận hưởng cái khoảnh khắc và hơi thở ấy một cách chân thực.

Dance at Le Moulin de la Galette (131 x 175cm) – 1876 – Pierre-Auguste Renoir

Được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Pierre-Auguste Renoir thuộc trường phái Ấn Tượng, “Dance at le Moulin de la Galette” hay với tựa tiếng Pháp “Bal Du Moulin De La Galette” dẫn chúng ta đến với khung cảnh thường nhật vào những ngày chủ nhật ở Pháp, nơi mọi người cùng nhau khiêu vũ và tận hưởng niềm vui nhẹ nhàng mỗi cuối tuần.

Nhà sử học về trường phái Ấn Tượng – Gustave Geffroy từng chia sẻ: “Bal Du Moulin De La Galette là một trong những bức vẽ đã nắm bắt hoàn chỉnh về sự quan sát và bầu không khí: Sự phấn khích của vũ điệu, ánh nắng mặt trời, tiếng ồn của một bữa tiệc ngoài trời cho đến những biểu cảm trên từng khuôn mặt… Renoir thực sự tài tình khi bắt lấy khoảnh khắc chớp nhoáng ấy”.

Và để hiểu rõ hơn về khoảnh khắc đắt giá này, chúng mình sẽ cùng nhau tách lớp Dance at le Moulin de la Galette ngay sau đây, để biết được điều gì đã tạo nên một tác phẩm tuyệt vời như vậy.

Nghệ thuật thị giác

Dance at le Moulin de la Galette được Renoir hoàn thành vào năm 1876, trong thời kì đầu của trường phái ấn tượng, dễ dàng nhận ra ngoài những đặc trưng nổi bật của trường phái này là nét bút lỏng và bảng màu pha rối, chúng ta còn thấy được những âm hưởng từ trường phái hiện thực trước đó với hình khối rõ ràng.

Nắm bắt khoảnh khắc” là yếu tố then chốt tạo nên sức hút cho các tác phẩm Ấn Tượng và ở đây Renoir đã thể hiện nó ngay từ bố cục tổng thể. Phần cận cảnh chiếm 3/4 tỉ lệ khung hình cùng với đường chân trời ở 1/2 nửa trên, hướng mắt tuyến tính bắt đầu từ góc dưới bên trái lên phía trên bên phải tạo nên góc nhìn “chớp nhoáng” như cách chúng ta đang theo dõi vào một hoạt cảnh.

Những chi tiết ở tiền cảnh được tác giả thể hiện một cách tỉ mỉ và cụ thể với những nhóm 2 và xen lẫn nhóm 3 để kể diễn biến trực tiếp ở buổi khiêu vũ, lùi xa về trung cảnh là các bộ đôi giúp câu chuyện liền mạch từ phía trước ra sau. Trong khi hậu cảnh với những hình gợi về đám đông không quá nhiều chi tiết là yếu tố tạo nên hiệu ứng thị giác như mắt chúng ta tập trung vào câu chuyện diễn ra tức thì.

Yếu tố quan trọng tiếp theo về ‘cú chụp nháy mắt’ này là ánh sáng và màu sắc, điều kiện tiên quyết góp phần cho một tác phẩm ấn tượng thành công. Lần đầu tiên, Renoir chuyển kỹ thuật ngẫu hứng mà ông đã thử nghiệm từ năm 1874 trên các bức tranh nhỏ lên một tác phẩm có kích thước lớn.

Phiên bản nhỏ hơn của Dance at le Moulin de la Galette nằm trong bộ sưu tập của John Hay Whitney

/cụ thể, phiên bản buổi khiêu vũ lớn này có kích thước 131 x 175 cm, trước đó đã có một phiên bản nhỏ hơn có kích thước là 78 x 114 cm/

Ở đây, Renoir nghiên cứu về hiệu ứng cầu kì hơn khi ánh sáng bị tán sắc bởi tán lá của rừng cây Acacia. Bảng màu với sự đa dạng của các sắc độ, những mảng tối và sáng đan xen với nhau tạo nên hiệu ứng thị giác chuyển động. Điểm đặc biệt ở cách sử dụng màu sắc của Renoir trong bức tranh này là ông không dùng bất kì màu đen nào cho các mảng tối mà thay vào đó là xanh ‘Deep Bluish‘.

Những đốm nắng rải rác từ trên trên mặt bàn, tà áo cho đến trên khuôn mặt, vùng trán được phân bố liền kề nhau, có thể nhìn thấy rõ ràng, đồng nhất toàn bộ tạo ra cảm giác rung động màu ở diện tích lớn và tăng chiều sâu cho toàn bộ khung cảnh.

“Ánh sáng ban ngày mạnh mẽ được phản chiếu qua hàng cây xanh, làm cho mái tóc vàng và đôi má ửng hồng của các cô gái rực sáng, làm cho những dải ruy băng của họ trở nên lấp lánh. Ánh sáng vui tươi tràn ngập mọi góc của bức tranh và thậm chí những bóng tối cũng phản chiếu nó. Toàn bộ bức tranh lung linh và rực rỡ như cầu vồng sau mưa.”

Nhà thơ Stephane Mallarme viết.

Câu chuyện xây dựng nên ‘Dance at le Moulin de la Galette’ sống động

Giống như nhiều tác phẩm trước đó của Renoir, ‘Khiêu vũ tại le Moulin de la Galette‘ là một bức tranh ‘chụp nhanh‘ về cuộc sống và văn hóa Paris lúc bấy giờ. Moulin de la Galette là một trong những địa điểm người dân Paris thường lui tới để giải trí. Với kiến trúc hình cối xay gió và tọa lạc trên ngọn đồi Montmartre, không nơi nào thích hợp hơn với cuộc sống người dân Paris những năm 1875s yên bình sau khi kết thúc chiến tranh Pháp-Phổ 1970.

Moulin de la Galette dưới bàn tay của danh họa Van Gogh

Để thực hiện Dance at le Moulin de la Galette, Renoir đã mang toàn bộ đồ vẽ của mình ra địa điểm này để bắt trực tiếp khung cảnh. Đây là bức tranh phong cảnh nhân vật đầy tham vọng của Renoir và chưa có nghệ sĩ nào trước ông tạo ra một bức tranh miêu tả lại khung cảnh của cuộc sống hằng ngày ở kích thước này.

Đến với bức tranh, ngoài ánh sáng là tự nhiên thì những nhân vật ở cận cảnh đều là những người bạn được Renoir mời làm mẫu để giúp ông chủ động trong việc sắp xếp bố cục phù hợp. Bức tranh được xây dựng tỉ mỉ trên cơ sở nhiều lần nghiên cứu chuẩn bị và hai bản phác thảo tổng thể với nhiều nhân vật đang chuyển động.

Có thể nhận ra nhà văn Georges Rivière, các họa sĩ Franc-LamyGoeneutte ngồi ở phía gần, cùng các người mẫu JeanneEstelle. Trong số các vũ công có họa sĩ Cordey, GervexPedro Vidal đang khiêu vũ với Margot, cũng như nhà báo Paul LhotePierre-Eugène Lestringuez, một người bạn thời trẻ của Renoir.

Dance at le Moulin de la Galette là một sự đầu tư kỹ lưỡng và chăm chút cẩn thận cho một khung hình chỉ thoáng qua trong nháy mắt.

Vậy Renoir muốn gửi gắm điều gì trong bức tranh này?

Ý nghĩa hình tượng

Không chỉ là vẻ đẹp của ánh sáng trong trẻo, rực rỡ và thể hiện kỹ thuật nắm bắt tinh thần của bầu không khí tươi vui, hoạt náo, Dance at le Moulin de la Galette còn là lời dẫn để mọi người, thuộc nhiều tầng lớp, tiến gần hơn với nghệ thuật.

Renoir lớn lên trong tầng lớp lao động khi cha ông – Léonard Renoir là một thợ may ở Limoges, Haute-Vienne, Pháp. Và bức tranh này cũng thuật lại khung cảnh của những người thuộc tầng lớp lao động đang tận hưởng niềm vui vào mỗi cuối tuần. Ở đây họ được đắm chìm trong vẻ đẹp của tạo hóa, thứ nghệ thuật đẹp nhất khiến bao người ngây ngất.

Nghệ thuật không chỉ là điều gì đó quá xa xỉ mà chỉ có giới quý tộc, thượng lưu mới được thưởng thức, mà nó là những điều bình dị đến ngay từ những thứ gần gũi nhất. Cặp đôi đang say sưa với điệu Valse kia là hình ảnh rõ nhất để khắc họa điều này.

Với một khoảng trống mênh mang và ánh nắng chiếu rọi làm ta liên tưởng đến những sân khấu trong các nhà hát, ở đây những người bình thường trở thành nghệ sĩ, hòa vào âm nhạc, dạo điệu Valse du dương và tận hưởng thứ nghệ thuật đầy tinh khôi này.

Biên tập: Hoàng

Nguồn tham khảo

Cùng tác giả

#Tag

Bal Du Moulin De La Galette Hoàng phân tích tranh Pierre-Auguste Renoir Tách lớp trường phái ấn tượng

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…