/Tách Lớp/ Soir Bleu - Kiệt tác từng bị lãng quên của Edward Hopper

Vẫn là những khung cảnh trầm lắng và nỗi cô đơn kéo dài vượt thời gian dù ở nơi tưởng chừng là huyên náo. Thế giới mà Edward Hopper khắc họa luôn khiến người xem vẩn vơ trong câu hỏi “Chúng ta là ai trong hiện thực phũ phàng này ?”

Nếu được gọi cho mình một cái tên thân mật, Edward Hopper chắc hẳn muốn người đời nhớ đến ông bằng danh xưng họa sĩ của vẻ đẹp cô đơn. Bằng những nét vẽ tối giản, hình ảnh mà Hopper khơi gợi luôn mang dấu ấn đặc biệt, in hằn trong tâm trí của những ai một lần chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông. Chúng không mang vẻ ngoài hào nhoáng hay sặc sỡ mà thay vào đó là một gam màu sâu lắng và khung cảnh đời thường với con người là trung tâm không một biểu cảm cụ thể, họ đang trầm ngâm như suy tư về một điều gì đó trong thế giới mà Edward đã tạo ra.

Nighthawks (1942), chúng ta thấy được cuộc sống của người dân nước Mỹ ra sao khi vừa phải vật lộn mưu sinh với cuộc sống hằng ngày, vừa phải lo lắng cho tương lai của mình khi những trận bom đang chực chờ họ bất cứ lúc nào. Hay trong Morning Sun (1952) là hình ảnh người phụ nữ ngồi co gối trên chiếc giường của mình vào buổi sáng, hướng mắt ra cửa sổ và lặng người trước xã hội đương thời.

Hiện thực xã hội của Hopper là cái nhìn trực tiếp vào đời sống của con người, đặc biệt là tâm lí nặng trĩu của họ, và trong bài viết lần này, chúng mình sẽ đến với một trong những tác phẩm nổi bật khác trong sự nghiệp sáng tác của Edward Hopper, bức tranh được ông thực hiện bên ngoài nước Mỹ – tác phẩm Soir Bleu (Blue Night).

Một vẻ đẹp khác của sự cô đơn mà như nhà phê bình nghệ thuật Mark Stevens có nói: “Soir Bleu thấp thoáng cho người xem thấy được một cú máy dolly trong những khung hình đắt giá của điện ảnh.”


Và rất vui khi được gặp lại các bạn trong chuyên mục Tách Lớp của iDesign. Bây giờ hãy cùng chúng tới đến với tác phẩm Soir Bleu của Edward Hopper nhé!

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng các bạn khám phá các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem vì sao chúng được yêu thích đến vậy.

Soir Bleu (1914) – 91.4 x 182.9 cm – Edward Hopper

Từ dòng thơ của Rimbaud cho đến bức tranh bị giấu kín

Nằm trong số tác phẩm thời kỳ đầu của Hopper khi bắt đầu theo đuổi phong cách hiện thực xã hội, Soir Bleu được vẽ vào năm 1914, một năm sau chuyến công tác của ông đến Pháp để tìm hiểu trực tiếp nền nghệ thuật mới nổi lúc bấy giờ đang lan rộng khắp châu âu. Mặc dù khẳng định mình không chịu ảnh hưởng từ bất kì họa sĩ nào cùng thời nhưng Hopper thừa nhận, phần nào đó ông học tập họa sĩ người Pháp – Charles Méryon với những cảnh toàn thành phố cho ông ý tưởng để sáng tác các tác phẩm của mình sau này.

Một bản phác thảo nhân vật cho Soir Bleu

Giống như hầu hết các tác phẩm khác, Soir Bleu được Hopper xây dựng từ nhiều tư liệu hình ảnh khác nhau trong chuyến đi đến Paris và hoàn thành bức tranh trong xưởng của mình ở Mỹ. Bên cạnh đó, Hopper cũng được biết đến là một người yêu thích văn học Pháp, trong những bức thư gửi cho vợ mình là Josephine, ông luôn trích dẫn một vài dòng thơ lãng mạn để thể hiện tình cảm của mình với bà. Riêng với tác phẩm Soir Bleu, bức tranh này cũng được lấy cảm hứng từ những vần thơ của Rimbaud trong bài thơ Sensation.

Trong đó có đoạn: “Par les soirs bleus d’été, j’irai dans les sentiers / Picoté par les blés, fouler l’herbe menue” (tạm dịch: Vào buổi tối xanh ngắt mùa hè, tôi sẽ đi bộ trên những con đường dài / Vạch lúa mì, giẫm lên thảm cỏ mỏng )

Ngoài ra, chuyến thăm đến Salon d’Automne vào năm 1906 đã cho ông cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm hiện thực xuất chúng ở Pháp, đặc biệt trong số đó có bức L’Atelier du Peintre của danh họa Courbet miêu tả các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Từ đó những ý tưởng về Soir Bleu bắt đầu gợi mở, Hopper góp nhặt và chuyển thể chúng dưới hình thức biểu tượng mang tầm nhìn của riêng bản thân về vị thế người nghệ sĩ trong xã hội những năm 1920.

L’Atelier du Peintre (1855) của Gustave Courbet

Tuy nhiên, ban đầu kiệt tác này của Hopper không nhận được nhiều sự quan tâm. Trong lần ra mắt đầu tiên và cũng là duy nhất của bức tranh tại triển lãm nhóm Mac-Dowell, New York năm 1915, các nhà phê bình đã không đánh giá cao bức tranh. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí của Hopper và ông quyết định không trưng bày Soir Bleu với công chúng thêm một lần nào nữa. Phải đến khi Hopper qua đời, người ta mới tìm thấy bức tranh trong đống cuộn toan cất lâu năm ở kho của ông.


Màu xanh sâu thẳm phản chiếu con người

Soir Bleu mang trong mình giá trị nghệ thuật sâu sắc như nhà phê bình Stéphane Renault có cảm thán rằng:

“Bức tranh có góc nhìn đặc biệt về chân dung nhóm. Bầu không khí xa vắng, thấm đẫm chất thơ sâu lắng, cho ta cảm giác kịch tính. Chính điều đó đã biến Soir Bleu trở thành tác phẩm độc đáo nhất của Hopper.”

Về tổng thể, bức tranh miêu tả cuộc sống người dân Paris thông qua khung cảnh trong một quán cafe tại thủ đô nước Pháp với sự xuất hiện của 7 nhân vật. Ở chính giữa gồm 4 người bao gồm một người đội mũ nồi được cho là hình ảnh của chính Hopper, bên cạnh ông là một viên sĩ quan trong trang phục quân đội, đối diện với họ là một chú hề và cuối cùng là cô nhân viên phục vụ. Hướng sang phía góc phải là một cặp vợ chồng thuộc tầng lớp thượng lưu với trang phục sang trọng. Cuối cùng là nhân vật ngồi một mình ở góc trái, có lẽ ông ta thuộc tầng lớp lao động.

Bảng màu trong Soir Bleu

Hopper được biết đến là người có tư duy bố cục rất logic và ở tác phẩm này chúng ta đã thấy rõ được điều đó. Phần hậu cảnh được ông xử lí đơn giản, không cầu kì chi tiết để tạo cảm giác độ mờ của không gian phía xa và cũng là phần nền tăng độ tập trung cho cận cảnh. Với tone màu xanh Yale chủ đạo, cũng là màu sắc đại diện cho cả bức tranh, đây là cách Hopper ngụ ý về cảm giác cô đơn và sự xa cách trong xã hội hiện thời.

Đến phần tiền cảnh, ông khéo léo sắp xếp các nhân vật ở 2 không gian riêng biệt và chiếc cột sắt là ranh giới của 2 không gian đó. Góc nhỏ bên trái bị bó hẹp và tone màu u tối để thấy rõ sự tách biệt của tầng lớp lao động so với phần còn lại, một sự cô đơn, ghẻ lạnh nằm ở góc khuất ít được quan tâm và không có tiếng nói. Khác hẳn với bên trái, không gian bên phải là một nơi rộng rãi và tràn ngập ánh sáng, ở đó là những người có địa vị như viên sĩ quan và doanh nhân.

Và nếu chúng ta để ý kỹ hơn, chi tiết những chiếc đèn lồng có mối liên hệ chặt chẽ với các nhân vật trong bức tranh. Đây là một cách khẳng định rõ hơn về sự phân chia tầng lớp mà Hopper muốn tập trung vào. Trong khi những chiếc đèn bên phải được treo thành cụm ba đèn và có màu sắc rực rỡ, thì phía bên trái chúng bị treo riêng rẽ đơn sắc và có ánh sáng yếu ớt. Hình ảnh đối lập rõ ràng để thấy rõ tương quan hai bên là khác nhau nhiều như thế nào.

Vậy Hopper đang muốn nhắn gửi điều gì ?

Tiếng nói của tầng lớp lao động

Theo đuổi phong cách hiện thực xã hội, Soir Bleu là cách để Hopper lột tả sự trơ trọi của con người trong thời đại phân hóa giai cấp, một hiện thực không mấy dễ chịu nhưng vẫn diễn ra âm ỉ trong xã hội Pháp bấy giờ.

Bức tranh là cách khẳng định cho sự tồn tại của những con người lao động với thế giới, dù là diễn viên hề hay một nhân vật vô danh, tất cả đều ngồi đây, bình đẳng như nhau, với điếu thuốc đang cháy dở, họ giãi bày những tâm sự về cuộc sống hằng ngày, và ở đây những người cần lắng nghe là viên sĩ quan (nhà nước) và giới thượng lưu.

Có thể thấy, Hopper đặt mình vào giữa lằn ranh của 2 thế giới, ông muốn tách biệt mình khỏi cuộc tranh luận để đóng vai người quan sát miêu tả lại chính xác những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nếu nhân vật vô danh ngồi góc trái an phận với vị trí của mình thì Chú Hề lại cho một hình ảnh đối lập hoàn toàn về phong thái và cách Hopper xây dựng hình tượng nhân vật.

Nhắc đến văn hóa Pháp và chú hề trong bộ đồ trắng, chúng ta sẽ liên tưởng đến ngay nhân vật nổi tiếng Pierrot the Clown nổi tiếng trong những vở kịch câm sân khấu Pháp những năm 1830. Pierrot được lấy cảm hứng từ tầng lớp lao động nghèo khổ ở Paris mang nỗi buồn, chất thơ và đầy tính lãng mạn.

Hopper đã rất tinh tế khi đưa nhân vật này vào trong Soir Bleu, để anh là một hình ảnh ẩn dụ vô cùng đẹp cho cả người nghệ sĩ cũng như người lao động. Ở đây Pierrot là ngôi sao sáng nhất, nhân vật trung tâm của cả khung hình khi mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía anh. Không còn là sân khấu nơi nhân vật Pierrot phải giấu đi những cảm xúc cá nhân để mang lại niềm vui cho khán giả. Trong quán cafe này, anh ngồi ở vị trí mà được cho là của giới thượng lưu để giãi bày những tâm sự đời thường và nhận được sự đồng cảm từ tất cả mọi người.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

edward hopper Hiện thực xã hội Hoàng phân tích tranh Soir Bleu Tách lớp

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…