/viết một tay/ Nghệ thuật và Thủ Công thời Vitoria - Lý tưởng về sự tỉ mỉ của bàn tay

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tiêu dùng dưới thời Victoria giúp thúc đẩy kinh tế và sản xuất hàng hóa mạnh mẽ, nhưng các sản phẩm tuy có số lượng lớn nhưng kém chất lượng, thẩm mỹ. Từ đó, một phong trào chống lại công nghiệp và sản xuất hàng loạt được sinh ra ở Anh vào những năm 1860, đó là Nghệ Thuật và Thủ Công (Arts and Crafts).

Nghệ Thuật và Thủ Công hướng tới thẩm mỹ thời Trung Cổ (Gothic) và tư duy rằng nghệ thuật nằm ở cái đẹp trong chính những vật dụng xung quanh ta chứ không chỉ ở hội họa hay kiến trúc. Nghệ Thuật và Thủ Công tôn vinh cái đẹp và sự khéo léo trong bàn tay của thợ thủ công, đồng thời đưa thợ thủ công – hay nghệ nhân đứng ngang hàng với nghệ sĩ.

Dưới đây là bài viết bởi tác giả Thủy Mẫn, được đăng tải trên nhóm Tổ sáng kiến tự quản về sự ra đời của Nghệ Thuật và Thủ Công dưới thời Victoria.


Thủy Mẫn hiện đang là sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Monster Lab, với đam mê viết và nghiên cứu về nghệ thuật thị giác.


Khái quát về công nghiệp và những mâu thuẫn xã hội dưới thời kỳ Victoria

Victorian Era là một giai đoạn lịch sử của Anh dưới sự trị vì của nữ hoàng Victoria trong khoảng từ năm 1837 tới năm 1901. Được đánh giá là thời kỳ thịnh vượng bởi sự phát triển đột phá về công nghiệp và kinh tế, thời kỳ đã đưa Anh trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Sự phát triển này là nhờ có hai cuộc cách mạng công nghiệp, lần thứ nhất vào cuối thế kỷ 18 với những phát minh máy móc đầu tiên, lần thứ hai vào cuối thế kỷ 19 với sự trỗi dậy mạnh mẽ của sản xuất hàng loạt. Thời kỳ Victoria là một thời kỳ đánh dấu sự thay đổi về hình thức lao động, từ hình thức trồng trọt chăn nuôi trên các cánh đồng, nông trại chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ trong quy trình sản xuất hàng loạt của các nhà máy. Các đô thị được mở rộng thị trấn mới xuất hiện, các công xưởng nhà máy mọc lên, cùng những ống khói lớn đại diện cho xã hội công nghiệp.

Sự phát triển về kinh tế này tạo ra một thời kỳ thịnh vượng và tươi sáng trong tư tưởng của nhiều người, nó thúc đẩy một niềm tin chung trong xã hội rằng chỉ cần chăm chỉ và nỗ lực thì bất cứ người đàn ông nào cũng có thể trở nên giàu có dù xuất thân của anh ta có thấp kém đến đâu. Đây cũng chính là thời điểm đã sinh ra cụm từ “Self-help”, là tên một cuốn sách xuất bản năm 1859 của Samuel Smiles, đã bán được 20.000 bản trong năm đầu xuất bản. Self-help trình bày một thái độ tích cực và niềm tin vào sự giàu có, sự thay đổi vận mệnh, đánh giá cao sự chăm chỉ, kiên trì và kiên định cho công việc.

Thế nhưng sự giàu có và tương lai tươi sáng ấy chỉ dành cho số ít trong xã hội, dù thời kỳ Victoria là thời kỳ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu nhưng phần đông xã hội vẫn là tầng lớp lao động, những người làm việc trong các nhà máy, dưới sự điều hành và quản lý của tầng lớp trung lưu. Khi sự giàu có được lãng mạn hóa với những đức tính cao đẹp thì sự nghèo khó cũng bị gắn với những tính từ đầy tội lỗi như lười biếng, ngông cuồng và phải tự chịu trách nhiệm cho sự nghèo đói của họ. Luật Người Nghèo năm 1843 trình bày rằng chỉ có những người quá già hoặc khuyết tật mới có quyền nhận sự hỗ trợ, còn những người có khả năng lao động bình thường thì sẽ phải tự cố gắng làm việc chăm chỉ.

Sự thật là cuộc sống của tầng lớp lao động trong thời Victoria là cuộc sống đầy khổ cực. Họ làm việc từ 10 đến 12 giờ một ngày với điều kiện lao động khắc nghiệt, một gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ cùng nhau sống trong những ngôi nhà chật hẹp ở khu ổ chuột. Lao động chính của một gia đình là người trưởng thành nhưng những thành viên khác cũng phải làm việc thì mới có thể trang trải cuộc sống. Thời kỳ này có sự gia tăng của lao động trẻ em, trẻ em bắt đầu đi làm từ khoảng 8 tuổi, làm việc tại các nhà máy may, dệt hoặc nhặt rác, dọn dẹp máy móc, thời gian lao động kéo dài tới 12 giờ với những điều kiện lao động bẩn thỉu, khắc nghiệt và một mức lương thấp.

Ngược lại với cuộc sống khổ cực ấy là sự sung túc tới thừa thãi của lớp người giàu mới – tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu trong thời kỳ này gắn liền với sự phô trương như một sự cố gắng để khẳng định vị thế xã hội cũng như thể hiện sự giàu có. Người ta bắt đầu xuất bản các cuốn sách về cách hành xử như đi đứng, bắt tay, trò chuyện hay về việc ăn mặc như thế nào cho phù hợp. Phụ nữ trung lưu Victoria có thể thay nhiều bộ quần áo một ngày, cơ thể của họ là thứ phản ánh sự giàu có mà họ đang hưởng thụ, vậy nên họ không làm việc, thậm chí là việc nhà, mọi công việc đều sẽ có người hầu làm. Nhiệm vụ chính của một người vợ thuộc tầng lớp trung lưu là thể hiện sự thành công về tài chính của người chồng, bằng cách mua sắm, trang hoàng nhà cửa bằng các vật dụng, đồ nội thất đắt tiền: những tấm thảm, đàn piano và tranh ảnh, những thứ càng xa xỉ càng tốt.

Thời kỳ Victoria với những cải tiến về vận chuyển, sản xuất, cơ hội mua sắm trở nên nhanh và dễ dàng hơn bao giờ hết. Cùng với sự phát triển của các thị trấn và thành phố, mua sắm đã trở thành một hoạt động hằng ngày. Nhờ sức tiêu thụ mạnh mẽ, các cửa hàng mọc lên và có mặt khắp nơi, chúng được bày trí với cửa kính, đèn, biển hiệu bắt mắt để thu hút khách hàng. Vào thời điểm đó London được miêu tả là:

“một thế giới vàng bạc và ngọc trai, đá quý cùng những thứ ánh sáng rực rỡ mà chúng phát ra, ngôi nhà chế tác ra những sản phẩm đầy tinh tế, một đại dương của nhẫn, đồng hồ, dây chuyền, vòng đeo tay, nước hoa, váy áo, ruy băng, áo choàng,…”

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tiêu dùng càng thúc đẩy kinh tế và sản xuất hàng hóa trở nên mạnh mẽ, thế nhưng những quy trình sản xuất của các nhà máy vốn đại diện cho tư bản và phục vụ cho lợi ích kinh doanh chứ không phải là người tiêu dùng. Các sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn nhưng lại kém chất lượng, kém thẩm mỹ. Bởi vậy mà sau này, vào những năm 1860 ở Anh đã sinh ra một phong trào chống lại công nghiệp, chống lại sản xuất hàng loạt đó là Nghệ Thuật và Thủ Công (Arts and Crafts).

Với tư tưởng bị ảnh hưởng từ Tiền Raphael và Chủ Nghĩa Duy Mỹ, Nghệ Thuật và Thủ Công là một phong trào nghệ thuật hướng tới thẩm mỹ thời Trung Cổ (Gothic) và tư duy rằng nghệ thuật nằm ở cái đẹp, cái được xuất hiện trong chính những vật dụng, nội thất và đồ trang trí xung quanh ta chứ không chỉ là ở hội họa hay kiến trúc. Nghệ Thuật và Thủ Công nổi lên như một phong trào tôn vinh nghề thủ công, tôn vinh cái đẹp và sự khéo léo trong bàn tay của thợ thủ công, đồng thời đưa thợ thủ công – hay nghệ nhân đứng ngang hàng với nghệ sĩ.

Tiếng nói đầu tiên của Nghệ thuật và Thủ công

Dẫn đầu phong trào này là William Morris (1834-1896), người cho rằng sản xuất hàng loạt là một sự giả tạo, kém chất lượng bởi nó chỉ tập chung vào sản lượng và doanh số.

Chân dung William Morris bởi Frederick Hollyer, 1888

Các sản phẩm sản xuất trong các quy trình này sẽ được chia ra làm nhiều quy trình nhỏ và mỗi nhóm công nhân sẽ chịu trách nhiệm cho một phần của quy trình ấy, công việc của một người sẽ chỉ là những hành động lặp đi lặp lại suốt cả ngày, cả tuần, cả tháng. Morris tin rằng việc sản xuất hàng loạt giam giữ con người, khiến con người sống trong sự nhàm chán, rời xa cái đẹp và sáng tạo. Ông muốn thúc đẩy nghề thủ công quay trở lại với quy trình mang tính cá nhân và sáng tạo cao, trong đó người nghệ nhân là người thực hiện toàn bộ quy trình, từ nguyên liệu thô tới khi nó trở thành thành phẩm. Là quy trình mà ở đấy người nghệ nhân với tâm huyết trong sự tỉ mỉ, tinh tế và là giá trị thực sự của cái đẹp cùng với công năng.

Những tư tưởng này của Morris vốn bị ảnh từ các luận văn của nhà phê bình kiêm nhà bảo trợ nghệ thuật John Ruskin. Trong The Stones of Venice, chương The Nature of Gothic, Ruskin lập luận rằng nghệ thuật là sự thể hiện niềm vui của con người trong lao động và công nghiệp hóa đã giết chết niềm vui ấy, khiến xung quanh chỉ là những bất hạnh. Những lập luận đó đã tác động mạnh mẽ tới Morris và khi xây dựng Red House cho gia đình mình ông nhận ra sự thừa thãi và thiếu tinh tế của nội thất Victoria, nó khiến ông đi đến quyết định tham gia vào công việc thiết kế và sản xuất đồ thủ công, hiện thực hóa những lý tưởng về lao động mà Ruskin bày tỏ.

Năm 1861, Morris cùng một số người bạn của mình cùng nhau thành lập công ty nội thất Morris, Marshall, Faulkner & Co. sản xuất và bán các mặt hàng thủ công như chạm khắc, kính màu, gia công kim loại, thảm, vân vân… lấy cảm hứng từ nghệ thuật thời Trung Cổ. Ngoài sản xuất công ty còn là một hình thức bảo trợ cho các nghệ nhân được làm và học việc, nơi kết nối những người muốn gìn giữ nghề thủ công. Họ chia sẻ với nhau về công việc, chính trị, về mục tiêu thay đổi cuộc sống của những người lao động nghèo ở Anh.

King Arthur and Sir Lancelot, 1 trong 13 tác phẩm trong bảng kính màu Tristram và Isoude, thiết kế bởi William Morris (1862)

Trong thời gian này bản thân Morris đã thể hiện tài năng thiết kế của mình qua hơn 500 mẫu pattern (hoa văn) cho giấy dán tường, vải và thảm các loại. Strawberry Thief (1883) là tác phẩm thiết kế nổi tiếng nhất của Morris, miêu tả chính khu vườn của ông, là thiết kế mà Morris đã ấp ủ trong nhiều tháng để tìm ra cách in. Morris muốn có được màu sắc rực rỡ tự nhiên, lên màu nhanh nhưng vẫn phải giữ được độ mềm của vải – điều rất khó khăn trong thời điểm ấy vì thuốc nhuộm phổ thông nhuộm ra những màu không được tươi và dễ phai màu theo thời gian sử dụng. Morris tìm hiểu về nguyên lý nhuộm vải, kỹ thuật in mộc bản để cố gắng tìm ra giải pháp, cuối cùng ông tìm ra phương pháp nhuộm thực vật:

“màu xanh dương từ cây chàm và tùng lâm, màu đỏ từ sâu Kermes, bọ Yên Chi và cây Thiên Thảo, màu vàng từ cây Bạch Dương, Liễu, Đậu Chổi và Sồi Đen, màu nâu từ dễ cây Óc Chó”

– Morris viết trong tiểu luận Nghệ Thuật và Thủ Công của mình.

Tuy nhiên màu chàm là màu khó nhất, phải mất 3 ngày để chuẩn bị và hết sức tỉ mỉ:

“Đầu tiên vải phải được nhuộm toàn bộ trong thùng màu chàm để đạt được màu xanh đồng nhất, sau đó thuốc tẩy được in lên để giảm và loại bỏ màu theo mẫu thiết kế. Màu đỏ sẽ được in lên các phần đã được tẩy đó, sau đó toàn bộ vải được ngâm trong thùng chàm men, được tính toán về tỷ lệ và thời gian ủ để cho ra màu phù hợp. Quá trình này lặp lại cho màu vàng và nếu cần in những màu như tím, xanh lá hay cam thì sẽ cần 3 lớp chồng màu. Thuốc nhuộm thừa sẽ được gột sạch và tất cả màu sẽ được hoàn thiện thông qua quy trình tráng nước xà phòng nhiệt độ cao. Cuối cùng vải sẽ được phơi trên cỏ với mặt được in phơi ra ngoài để màu trắng được lên rõ hơn, các màu khác cũng sẽ giảm bớt độ chói theo cách tự nhiên”

Strawberry Thief (1883)

Ngoài đồ nội thất thì Morris cũng rất hứng thú với in ấn, năm 1891 ông thành lập hãng in Kelmscott, nơi đặt ra những cam kết làm sống lại giá trị của sách ở thời kỳ sơ khai. Sách được trang chí bởi những họa tiết hoa lá cầu kỳ, chữ cái đầu được phóng lớn và trang trí như cách mà thời Trung Cổ đã làm. Toàn bộ sách đều được in khắc gỗ bằng tay, được quan tâm tỉ mỉ từ chất lượng giấy, mực tới quy cách đóng sách. Sách lúc này không đơn thuần là sách là còn là một hình thức nghệ thuật.

Bên trong cuốn Kelmscott Chaucer

Sản phẩm đầu của Kelmscott là The Story of the Glittering Plain, cuốn tiểu thuyết của Morris và minh họa bởi Walter Crane với 200 bản in trên giấy và 6 bản da dê. Sau đó Kelmscott tiếp tục xuất bản thêm nhiều tác phẩm của Morris cùng nhiều tác phẩm của Keats, Shelley, Ruskin và Swinburne và một số tác phẩm thời Trung Cổ khác. Một tác phẩm nổi bật của Kelmscott là Kelmscott Chaucer với độ dày 559 trang trình bày các tác phẩm của Geoffrey Chaucer, được thực hiện trong vòng 4 năm với 78 hình minh họa khắc gỗ bởi Burne Jones, 40 khung viền lớn, 18 khung nhỏ. Ngoài ra Morris cũng đã thiết kế hơn 200 chữ cái đầu để đưa vào sách, được in màu đen và đỏ với kích thước lớn, được in với 425 bản trên giấy và 13 bản da dê. Khoảng đầu những năm 1890 Morris ngày càng ốm yếu và thường xuyên phải gặp bác sĩ, sau khi hoàn thành Kelmscott Chaucer không lâu, tháng 10 năm 1896 William Morris qua đời vì lao phổi ở tuổi 62.

Cuộc đời của William Morris đã tạo ra nhiều ảnh hưởng tới nghệ thuật và thiết kế, vào những năm 1880 ông đã trở nên nổi tiếng với những tư tưởng và sản phẩm của mình, tới 1884 cũng nhờ những ảnh hưởng ấy mà Art Workers’ Guild, sau này là Arts and Crafts Exhibition Society được thành lập cho cộng đồng nghệ sĩ và nghệ nhân được kết nối, tạo ra những triển lãm thường niên tôn vinh nghề thủ công. Việc này là minh chứng cho vị trí của nghề thủ công trong xã hội, cũng như phản ánh sự thành công của Morris trong việc tạo dựng và phát triển phong trào Nghệ Thuật và Thủ Công.

Lý tưởng về sự tỉ mỉ của bàn tay con người

Trong cuộc đời mình Morris cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều người, một trong số đó là Arthur H. Mackmurdo (1851–1942) một kiến trúc sư trẻ đã gặp gỡ và được truyền cảm hứng bởi thành tựu của Morris. Năm 1882 Mackmurdo thành lập một nhóm những nghệ sĩ và nhà thiết kế tên là Century Guild, với mục tiêu đưa nghệ sĩ và thiết kế đến gần nhau hơn, xóa đi vai trò kinh doanh, thay vào đó là nghệ sĩ và nghệ thuật.

Một số báo mẫu của Hobby Horse

Năm 1884 Century Guild phát hành một tạp chí thường niên có tên Hobby Horse, là tạp chí dành riêng cho nghệ thuật thị giác đầu tiên. Nội dung tạp chí trình bày những thông tin và tiểu luận tranh luận quanh vai trò của nghệ thuật và nghệ sĩ trong thời kỳ đó. Trong bài viết On the Unity of Art trong số báo tháng 1 năm 1887 của Hobby Horse, Selwyn Image – nghệ sĩ, nhà thiết kế kiêm nhà văn, say mê bày tỏ quan điểm rằng tất cả những hình thức biểu hiện thị giác đều xứng đáng được coi là nghệ thuật:

“Người vô danh tạo ra những họa tiết trên giấy dán tường hay người tạo ra bình nước, người tạo ra những nét trang trí và sản phẩm đại chúng xứng đáng được gọi là nghệ sĩ, như với những họa sĩ Raphael, người đại diện cho tổ chức và lợi ích cao nhất của con người”

Trong phong trào Nghệ Thuật và Thủ Công này, bên cạnh William Morris là những người đồng hành như nghệ sĩ Tiền Raphael Edward Burne Jones hay Philip Webb – kiến trúc sư, người đã thiết kế và xây dựng Red House hay Charles Robert Ashbee – nghệ nhân, thợ kim hoàn và còn nhiều người khác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù Nghệ Thuật và Thủ Công là một phong trào có rất nhiều hình thức thể hiện tuy nhiên tất cả những hình thức ấy đều hướng tới một lý tưởng chung, lý tưởng về sự tỉ mỉ của bàn tay con người, niềm vui trong lao động và sự tâm huyết mà người nghệ nhân gửi gắm vào sản phẩm.

Kết

Dù lý tưởng cao đẹp là vậy nhưng Nghệ Thuật và Thủ Công vẫn vướng phải những khó khăn nhất định, việc sản xuất thủ công đòi hỏi độ tỉ mỉ, rất mất thời gian và công sức vậy nên số lượng sản phẩm không thể cao, hay nó cũng làm mức giá của sản phẩm trở nên cao quá mức so với đa số người dân. Nghệ Thuật và Thủ Công muốn mang nghệ thuật cho người lao động nhưng cuối cùng sản phẩm tỉ mỉ và đầy nghệ thuật ấy chỉ có thể được sở hữu bởi người giàu. Bởi vậy vào khoảng những năm 1900 phong trào bắt đầu thoái trào và lại nhường chỗ cho sản xuất hàng loạt với kỹ thuật mới, mẫu mã mới và mức giá cạnh tranh.

Cùng với những hoài bão về xã hội lý tưởng, về tinh thần bác ái có thể vượt qua giá trị kinh tế, Nghệ Thuật và Thủ Công là giấc mơ của những kẻ muốn mang đam mê và nhiệt huyết của mình để thay đổi xã hội. Thế nhưng giấc mơ thì vẫn chỉ là giấc mơ, bởi sự phát triển của xã hội là điều tất yếu, cơ giới hóa, công nghệ hóa luôn là những thứ đã đang và sẽ tiếp tục. Và đến cuối cùng, chúng ta chỉ có thể chống lại được cái xấu, cái thiếu thẩm mỹ chứ hoàn toàn không thể chống lại cái cuồng quay của xã hội hiện đại.

Bài viết: Thủy Mẫn

/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Tổ sáng kiến tự quản.

Cùng tác giả

#Tag

arts and crafts phong trào nghệ thuật và thủ công thời kì victoria thủ công Thủy Mẫn Victorian viết một tay william morris

iDesign Must-try

Tham quan khu vườn làm từ giấy của Ann Wood
Tham quan khu vườn làm từ giấy của Ann Wood
Ann Wood là nghệ sĩ sáng tạo bằng giấy và đồng sáng lập của studio Woodlucker. Cô tạo ra những bông hoa, các loại nấm, côn trùng và thực vật…
Đan truyền thống thành cảm xúc: những tác phẩm nghệ thuật đường phố từ len của Ananeah
Đan truyền thống thành cảm xúc: những tác phẩm nghệ thuật đường phố từ len của Ananeah
Kết hợp kiến thức thiết kế với kĩ năng có được từ những buổi học đan len của người bà, cô khám phá mối liên kết giữa kĩ thuật số…
Những phiên bản bàn cờ đáng yêu từ đất sét của Đỗ Nguyễn Phương Quỳnh
Những phiên bản bàn cờ đáng yêu từ đất sét của Đỗ Nguyễn Phương Quỳnh
Sử dụng chất liệu đất sét, Đỗ Nguyễn Phương Quỳnh đã thay những chiếc áo mới siêu dễ thương cho bàn cờ trong đợt giãn cách vừa qua, khiến trò…
Vẻ đẹp mong manh của nghệ thuật vẽ lên trứng
Vẻ đẹp mong manh của nghệ thuật vẽ lên trứng
Sử dụng kĩ thuật vẽ sáp thủ công Pysanky (Ukraine), Caroline Södergren, một nghệ nhân thổi thuỷ tinh có tuổi nghề gần 30 năm đã tạo ra những hình minh…
Lịch sử và ứng dụng của bạc trong nghệ thuật - thiết kế
Lịch sử và ứng dụng của bạc trong nghệ thuật - thiết kế
Tại Mỹ có một truyền thống lâu đời và nổi bật về việc chế tác và buôn bán đồ thủ công mỹ nghệ được làm từ Bạc— từ những chiếc…
Chút hoài niệm ngày Trung thu: Tàu thuỷ sắt tây
Chút hoài niệm ngày Trung thu: Tàu thuỷ sắt tây
Xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, những chiếc tàu thủy sắt từng là đồ chơi quen thuộc đối với nhiều thế hệ thiếu nhi Hà Nội xưa. Cùng iDesign…