Có nên dùng túi phân hủy sinh học?

Bài viết: Hồng Mỹ
Founder Trại Cá
Bài viết được đăng tại trên blog cá nhân của cô tobeafish. Đây là nơi cô ghi lại mọi thứ để tiến tới lối sống bền vững.

Khi tôi lần đầu nghe thấy túi phân hủy sinh học, tôi đã: WOW, có một thứ tuyệt vời như thế? Nó tiện không khác gì nilon và bây giờ thì nó còn phân hủy như một chiếc lá? Nếu điều này xảy ra thì phải ăn mừng! Nhưng tuyệt nhiên, không thấy ai có ý định ăn mừng vì túi phân hủy sinh học, và có vẻ sự thật không được đẹp như thơ.

NHỰA SINH HỌC CŨNG CÓ NĂM BẢY LOẠI

Ngày nay ta thấy nhiều hơn các sản phẩm gắn mác sinh học, các loại hộp đựng làm từ ngô, bã mía, tre và rất nhiều loại túi nilon phân hủy sinh học. Các sản phẩm này có tốt hơn là nhựa và nilon truyền thống? Còn tùy thuộc. Khi tìm hiểu kỹ hơn thì câu chuyện khá phức tạp, có nhiều khái niệm na ná, những lời giải thích không rõ ràng làm chúng ta nhầm lẫn. Để dễ hiểu hơn thì chúng ta sẽ dạo một vòng qua các định nghĩa:

(Vì rất nhiều từ dưới đây thường được dịch thành phân hủy, trong bài này mình xin phép quy ước: phân hủy = có thể trở về các hợp chất có trong tự nhiên,  phân rã = có thể trở thành các mảnh nhựa nhỏ hơn, compost = phân hủy trong điều kiện ủ phân)

Bioplastic: loại nhựa có nguồn gốc sinh học như bột ngô, thực vật. Nhựa sinh học này có thể có hoặc không phân hủy được.
Bio-based/ plant-based: loại sản phẩm có nguồn gốc sinh học như ngô, bã mía, lúa mỳ. Sản phẩm gốc sinh học này có thể có hoặc không phân hủy được.
Biodegradable: có khả năng phân hủy trở về tự nhiên. Nhưng chưa chắc đã có thể phân hủy bằng cách ủ phân (compost), nhiều khả năng chỉ phân hủy được trong điều kiện công nghiệp.
Compostable: có thể phân hủy bằng ủ phân và trở về tự nhiên.
Degradable: có thể phân rã thành các mảnh nhỏ hơn. từ này chưa chắc có nghĩa là có thể phân hủy sinh học.
Photodegradable: có thể phân rã thành các mảnh nhỏ hơn nhờ vào ánh sáng mặt trời.
Oxo-biodegradable plastic: nhựa vẫn làm từ nguyên liệu gốc dầu mỏ truyền thống, được trộn thêm phụ gia đặc biệt để bắt nó phải phân rã. Phụ gia này có thể bao gồm kim loại nặng, hoặc bột ngô để làm kết cấu của nó yếu đi và dễ dàng phân rã. Loại nhựa này bị tranh cãi là không thể dùng từ biodegradable vì chúng chỉ phân rã xuống thành hạt vi nhựa (microplastic) chứ không có chứng minh nào chúng sẽ biến mất hoàn toàn nhờ vi sinh vật.
Hydro-biodegradable plastic: nhựa có nguồn gốc sinh học như bột ngô, thực vật… Chúng cũng có thể phân hủy, tuy nhiên nhiều khả năng chúng chỉ phân hủy được trong điều kiện công nghiệp.

Một vài loại ủ phân để bạn hiểu thêm. 

Commercial composting: ủ phân trong điều kiện công nghiệp, nhiều loại nhựa sinh học chỉ có thể phân hủy ở điều kiện này. Giai đoạn ủ tối thiểu là 21 ngày, với nhiệt độ trên 60ºC trong ít nhất 7 ngày và quay thường xuyên. Ủ công nghiệp nhanh hơn so với ủ tại nhà. Không phải thành phố nào cũng sẵn có cơ sở vật chất này
Home composting: ủ phân tại nhà.

*Greenwashing: là một xu hướng trong marketing sử dụng để một công ty, một sản phẩm, hay một điều luật trông có vẻ như thân thiện với môi trường. Mục đích có thể là vì lợi nhuận, hay uy tín mà thật ra sản phẩm đó, công ty đó hoặc điều luật đó không thực sự có lợi cho môi trường. Các thông điệp thường không rõ ràng và ít khi được chứng minh kỹ càng.

PHỨC TẠP Ở NGUỒN GỐC

Vậy chúng ta đã hiểu nhựa hay túi phân hủy sinh học chưa chắc được làm từ thực vật. Chúng có thể có ba khả năng. Khả năng 1:  Thực vật + phụ gia. Khả năng 2: Nhựa truyền thống + thực vật + phụ gia. Khả năng 3: Nhựa truyền thống + phụ gia. Phụ gia có thể rất đa dạng, để định hình kết cấu hoặc để phân hủy/ phân rã nhanh hơn.

Nhựa gốc thực vật nói chung có tốt hơn nhựa truyền thống vì chúng làm từ nguồn tài nguyên tái tạo được. Tuy nhiên quá trình trồng ngô hay các loại cây khác để làm nhựa cũng rất tốn năng lượng và có hại nhất định cho môi trường. Đặc biệt là ngô biến đổi gien với hàm lượng thuốc trừ sâu cực mạnh. Việc tận dụng đất dai của nông nghiệp – đáng ra dành cho thực phẩm, lại dành cho sản xuất nhựa cũng là một vấn đề. Chúng ta có muốn hi sinh nhiều diện tích nông nghiệp để dành cho nhựa thay vì thực phẩm?

Hiện tại thì nhựa sinh học chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong ngành sản xuất nhựa (ít hơn 1%) nhưng đang tăng trưởng rất nhanh chóng. Một số nhà sản xuất nhựa sinh học ở Mỹ có mức tăng trưởng 30% mỗi năm. Đang chiếm một tỷ lệ khá nhỏ nhưng chúng ta có thực sự muốn nó tăng lên? Tôi biết có thể nhựa sinh học đại diện cho một lựa chọn tốt cho môi trường hơn, nhưng nó không giải quyết được hết các vấn đề của nhựa truyền thống, đôi khi còn làm trầm trọng hơn.

PHỨC TẠP Ở PHÂN HUỶ 

Nhựa sinh học không tan đi đơn giản bằng cách vứt ra vườn. Đa số chúng cần những điều kiện đặc biệt trong nhà máy với nhiệt độ cao và đảo trộn liên tục và các thành phố thường không có sẵn những cơ sở vật chất này. Nếu chúng đi vào bãi chôn lấp, chúng cũng sẽ tồn tại lâu không kém nhựa truyền thống. Một thử nghiệm cho thấy chiếc thìa gán mác phân hủy sinh học chôn 4 năm dưới đất vẫn vẹn nguyên ko một vết sứt.

Nhiều loại nhựa sinh học chỉ có khả năng phân rã thành những mảnh vụn nhỏ hơn (microplastic) và còn dễ dàng làm ô nhiễm đất và nước hơn.

PHỨC TẠP Ở TÁI CHẾ

Nhựa truyền thống rất đa dạng và phân loại để tái chế rất tốn công sức. Các loại nhựa sinh học trên còn đưa sự phức tạp lên một tầm cao mới nên chúng hầu hết bị từ chối tái chế. Các nhà máy tái chế chưa được nâng cấp để thích ứng với các vật liệu này, Nếu nhựa sinh học bị phân loại nhầm và tái chế cùng nhựa truyền thống, chúng sẽ làm giảm chất lượng của toàn bộ mẻ đó. Vì vậy chúng vẫn thường phải kết thúc cuộc đời ở bãi chôn lấp.

DỄ LÀM NGƯỜI SỬ DỤNG NHẦM LẪN

Từ greenwashing được đề cập vì tôi thấy nó liên quan trong trường hợp này. Bằng những khái niệm như “phân hủy” hay “sinh học” dễ gây nhầm lẫn, không được chứng minh rõ ràng, người sử dụng dễ dàng yên tâm rằng mình đang có một lựa chọn thân thiện với môi trường mà quên đi việc giảm sử dụng chúng mới là quan trọng nhất.

Có nhiều nhà khoa học đang làm việc ngày đêm để tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường thực sự, nhưng cũng có nhiều công ty chỉ dừng ở việc quảng cáo. Vậy làm sao để phân biệt và nhận biết? Chúng ta không cần phải suy nghĩ quá nhiều về các vấn đề khi đứng trước một món đồ “phân hủy sinh học”, đã có một số tiêu chuẩn và chứng nhận phân hủy sinh học sẽ test hộ chúng ta. Vì vậy chỉ cần nhìn thấy trên sản phẩm đó có gắn một số mác sau là có thể yên tâm.

Biogradable Product institute (BPI): Sản phẩm sẽ phân hủy an toàn trong điều kiện ủ công nghiệp riêng.
European Bioplastic:  Sản phẩm sẽ phân hủy an toàn trong điều kiện ủ công nghiệp riêng.
Vincotte OK bio based: Sản phẩm làm từ thực vật, không có nghĩa là sản phẩm này sẽ phân hủy.
Vincotte OK compost:  Sản phẩm phân hủy an toàn trong điều kiện ủ công nghiệp riêng.
Vincotte OK compost HOME: Sản phẩm sẽ phân hủy trong điều kiện tự ủ tại nhà.
Vincotte OK biodegradable SOIL: Sản phẩm sẽ phân hủy chỉ cần chôn dưới đất.
Vincotte OK biodegradable WATER: Sản phẩm sẽ phân hủy trong nước (không có nghĩa là sẽ phân hủy trong nước biển)

Và còn nhiều tổ chức với các chứng nhận khác nhau nữa trên thế giới. Tôi chưa tìm hiểu được Việt Nam đã có chứng nhận nào chưa, nếu bạn có thông tin xin hãy chia sẻ với tôi nhé!

VẬY TA NÊN CHỌN GÌ? 

Cho dù chúng ta dùng túi nilon truyền thống hay túi nilon sinh học, không thể “thân thiện với môi trường” nếu chúng ta chỉ dùng trong vài phút và sau đó ném nó đi. Tôi không có ý nói nhựa sinh học hoàn toàn xấu, tôi chỉ muốn tìm hiểu hết mọi mặt và vấn đề của sản phẩm này. Và dù nó là loại nhựa hay loại sản phẩm gì, cách sử dụng chúng tốt nhất là hãy dùng đi dùng lại. Chiếc túi dùng nhiều lần mà bạn đang có chính là chiếc túi “xanh” nhất. Nếu như bạn phải mua mới? Hãy chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao để có thể dùng chúng lâu thật thật là lâu.

Nguồn tham khảo
sách Plastic-free, Beth Terry
sách Plastic Purge, Michael SanClements
treadingmyownpath.com

Tác giả: Hồng Mỹ
Founder Trại Cá
Ảnh: Nonteo

Lời người biên tập: Hình ảnh minh hoạ tuy không được liên quan lắm, nhưng đối với những bài cần chút thông tin khoa học, tụi mình thấy hình ảnh như vậy có thể giúp bạn giãn não. 

Cùng tác giả

#Tag

cây thành thị tái chế túi nilon túi phân huỷ sinh học ủ phân

iDesign Must-try

Chiếc mắt kính kỷ niệm 100 năm ảnh hưởng chủ nghĩa Bauhaus cùng triết lý ‘mọi thứ đều là thiết kế’
Chiếc mắt kính kỷ niệm 100 năm ảnh hưởng chủ nghĩa Bauhaus cùng triết lý ‘mọi thứ đều là thiết kế’
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của chủ nghĩa Bauhaus mang tầm ảnh hưởng lớn lao đến ngành thiết kế, thương hiệu mắt kính Vinylize đã tạo ra…
Cửa hàng mắt kính được ốp từ nhựa phế liệu tái chế
Cửa hàng mắt kính được ốp từ nhựa phế liệu tái chế
Thương hiệu mắt kính Ace & Tate đã ốp tường bên trong một cửa hàng tại Antwerp bằng loại gạch làm từ hàng loạt vụn nhựa tái chế lấy từ…
Bất ngờ khi cà chua, xúc xích, sushi, đùi gà bằng túi nhựa xuất hiện tại New York
Bất ngờ khi cà chua, xúc xích, sushi, đùi gà bằng túi nhựa xuất hiện tại New York
Một cửa hàng thực phẩm giả lập độc đáo sắp được khai trương tại Quảng trường New York (Mỹ) mang tên The Plastic Bag Store. Tại đây, những thực phẩm…
Tận dụng thiên nhiên để phân tách vải hỗn hợp trong quy trình tái chế vải
Tận dụng thiên nhiên để phân tách vải hỗn hợp trong quy trình tái chế vải
Sinh viên tốt nghiệp trường Central Saint Martins Chiara Tommencioni Pisapia đã đề xuất một phương án để nâng cấp quy trình tái chế vải bằng cách sử dụng loài…
Đỗ Minh Khoa và đam mê chế tác côn trùng từ kim loại
Đỗ Minh Khoa và đam mê chế tác côn trùng từ kim loại
Hãy cùng iDesign khám phá quá trình chế tác côn trùng từ kim loại của anh chàng Đỗ Minh Khoa và câu chuyện đằng sau những tác phẩm thủ công…
Granby Workshop làm gốm từ vật liệu công nghiệp thừa
Granby Workshop làm gốm từ vật liệu công nghiệp thừa
Granby Workshop tại Liverpool đã tạo ra bộ sản phẩm đồ dùng nhà bếp từ phần đất sét thừa trong công nghiệp đã qua sử dụng, những thứ sẵn sàng…