Nhật Bản: Khám phá cách ngôi làng Harie thải ra kênh rạch nguồn nước trong vắt

Đến với ngôi làng Harie tại Nhật Bản bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những đàn cá tung tăng bơi lội trong những mương nước trong vắt quanh làng và luôn được nghe tiếng nước chảy róc rách khắp nơi. Người dân ở đây đã sống hài hòa với nước như vậy suốt mấy trăm năm. Nước mang lại sự sống cho họ nên họ giữ cho nước luôn sạch. Để dung hòa được nhu cầu của con người và sự bền vững của nguồn nước, người dân Haire đã sử dụng một hệ thống cung cấp và xử lí nước mang tên Kabata.

Làng Harie nằm ở rìa một vùng bãi bồi cạnh hồ nước lớn nhất Nhật Bản – hồ Biwa, thuộc tỉnh Shiga. Với dân số chỉ khoảng 600 – 700 người, chưa tới 200 hộ dân thì có khoảng một nửa số hộ gia đình ở Harie vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống nước tự nhiên Kabata bên cạnh nước máy.

Làng Harie và hệ thống Kabata từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Satoyama: Japan’s Secret WaterGarden của đài NHK. Ngôi làng này được gọi là The Village of Syozu – Ngôi làng nơi nước mang tới sự sống.

idesign he thong nuoc kabata 01
Một hệ thống Kabata ngoài trời. | Ảnh: Roberto Maxwell

Hệ thống Kabata đưa nước từ nguồn nước ngầm bắt nguồn từ nước suối trên núi vào từng hộ gia đình, chia ra thành những tầng khác nhau. Kabata thường được xây dựng thành một phòng riêng biệt của ngôi nhà, nằm trong (Uchi-Kabata) hay ngoài nhà chính (Soto-Kabata). Các bồn và chậu rửa được đặt thấp hơn mặt sàn hay nói cách khác, sàn căn phòng được xây ngay phía trên các chậu rửa này.

idesign he thong nuoc kabata 02
Sơ đồ hệ thống Kabata | Ảnh: Maki Ryu

Nước chảy vào chậu rửa nhỏ bằng đá từ một đường ống được nối với mạch nước ngầm. Khi chậu rửa nhỏ đầy, nước sẽ chảy xuống bồn rửa lớn phía dưới. Bồn rửa này thường chiếm khoảng một nửa hoặc hai phần ba diện tích căn phòng. Chậu rửa thường có đường kính nhỏ hơn 1 mét và nằm trong bồn rửa lớn.

Mỗi tầng nước sẽ được dùng cho những mục đích khác nhau. Nước chảy ra từ vòi được dùng cho ăn uống. Nước trong chậu rửa nhỏ được dùng để làm mát, rửa rau củ, vo gạo và tráng đồ đã rửa. Nước trong bồn rửa lớn để rửa các dụng cụ nhiều chất bẩn hơn.

idesign he thong nuoc kabata 03
Nước chảy từ vòi xuống chậu và tràn xuống bồn qua phần cắt ở miệng chậu.
Ảnh: Roberto Maxwell

Nước trong hệ thống Kabata thường duy trì ở mức 13 – 15 độ quanh năm nên vào mùa hè, người dân Harie dùng chính nước này để làm mát và bảo quản các loại hoa quả, rau củ, đậu phụ hay làm nguội nước, trà nóng.

idesign he thong nuoc kabata 04
Nước mát dùng làm nguội nước mới đun |Ảnh: Roberto Maxwell

Nhờ vào cách phân tầng này mà hệ thống Kabata giữ cho nước ở các tầng luôn đảm bảo chất lượng, không trộn lẫn vào nhau. Nước từ vòi sẽ luôn sạch hơn nước trong chậu nhỏ và nước trong chậu sẽ sạch hơn nước trong bồn lớn.

idesign he thong nuoc kabata 13
Một hệ thống Kabata | Ảnh: Roberto Maxwell
idesign he thong nuoc kabata 05
Đậu phụ được ngâm trong nước từ Kabata để giữ mát và bảo quản. | Ảnh: Roberto Maxwell

Điểm đặc biệt ở hệ thống Kabata là sự xuất hiện của các loài cá chép. Chúng được tự do bơi lội trong khu bồn lớn. Cá chép sẽ ăn những vụn thức ăn rơi xuống nước khi dọn rửa hoặc ăn từ chính đồ bếp bẩn mà người dân để xuống đáy bồn rửa. Loài cá vừa có thức ăn, vừa giúp làm vệ sinh dòng nước.

Đàn cá chép giúp dọn sạch thức ăn thừa khỏi dòng nước trước khi đổ ra dòng chảy chung.

Nước từ trong chậu rửa thứ hai sẽ đổ ra các mương nước quanh làng, chảy vào sông Harie. Chúng sẽ chảy vào các ruộng lúa và một phần đổ vào hồ Biwa. Hồ lớn nhất Nhật Bản này còn được gọi là Mother Lake – Hồ Mẹ bởi nó đã cung cấp nguồn sống cho cả một khu vực rộng lớn xung quanh về thủy sản, canh tác nông nghiệp, nguồn nước…

idesign he thong nuoc kabata 15
Mương nước bao quanh làng Harie | Ảnh: go.biwako

Khoảng nửa thế kỉ trước hồ Biwa từng rơi vào tình trạng ô nhiễm do chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt, phần lớn từ chất tẩy rửa. Thậm chí người dân ở các thành phố sử dụng nước từ sông Biwa đã tổ chức các cuộc biểu tình khi phát hiện ra họ mắc bệnh từ nguồn nước ô nhiễm của con sông.

Người dân ở Harie đã thống nhất không sử dụng các loại chất tẩy rửa nhân tạo có tác hại đến nguồn nước và sinh vật. Họ còn thu gom dầu ăn thừa để tự làm bột giặt vì Harie muốn bảo vệ nguồn nước của làng và cũng muốn giữ cho nước sông Biwa không bị ô nhiễm bởi chất tẩy rửa. Chính những hành động như vậy của người dân Harie và nhiều vùng khác quanh sông Biwa đã tạo ra sự thay đổi bước ngoặt trong ngành sản xuất bột giặt tại Nhật Bản và thúc đẩy cho ra kế hoạch hành động giải cứu hồ Biwa.

Mặt hồ xinh đẹp này đã từng là khu vực ô nhiễm.

Quay trở lại với hệ thống Kabata tại làng Harie. Chất lượng nguồn nước ở đây tinh khiết đến nỗi nước từ vòi đáp ứng được tiêu chuẩn nước uống tại Nhật Bản. Ngay cả dòng nước sau khi đã đổ vào sông Harie vẫn khá sạch so với các vùng nước sông hồ khác.

Dòng nước trong vắt trong các con mương quanh làng Harie. | Video: Harie Syozu

Kabata sẽ được xây hơi dốc xuống về hướng đông. Các hệ thống Kabata của từng gia đình sẽ nối với hệ thống mương nước quanh làng để thoát nước. Mương nước sẽ to dần lên theo mức độ gom nước để rồi đổ vào hai con sống chính trong làng. Những Kabata gần sông sẽ đổ trực tiếp nước vào sông.

idesign he thong nuoc kabata 14
Mương nước bao quanh làng Harie. | Ảnh: That Food Crazy

Bí quyết khiến Kabata giữ sạch nguồn nước không chỉ ở thiết kế thông minh hay sự ứng dụng các sinh vật tự nhiên mà chủ yếu là ở ý thức của người sử dụng. Người dân Harie đều rất chú ý khi sử dụng nguồn nước để không làm ô nhiễm dòng nước chung, ảnh hưởng đến những người ở khu vực thấp hơn hay làm ô nhiễm hồ Biwa.

Mỗi năm, những người dùng Kabata sẽ cùng nhau làm sạch các mương nước quanh làng bốn lần. Họ nạo vét bùn, vớt các loài cỏ, rong rêu phát triển quá mạnh. Dòng nước thông suốt sẽ giúp các loài sinh vật có lợi phát triển, ngăn chặn tình trạng ứ đọng nước sinh ra nguồn bệnh. Các loài cá và thủy sinh vật trong nước sẽ ăn các tạp chất, lọc nước giúp làm sạch dòng nước trước khi đổ ra sông và hồ.

idesign he thong nuoc kabata 10
Người dân Harie cùng nhau làm sạch những con mương quang làng. | Ảnh: Harie Syozu

Chẳng khó để bắt gặp trong những mương nước trong vắt quanh làng Harie hay một thảm tảo Baikamo xanh mướt với những bông hoa trắng giống hoa mận. Loài thực vật này vốn chỉ sinh trưởng và phát triển trong dòng nước trong và sạch. Thậm chí cả loài kì nhông Nhật Bản đang gặp nguy hiểm cũng được tìm thấy trong các mương nước quanh làng Harie.

idesign he thong nuoc kabata 06
Ảnh: Miss Tam Chiak
Baikumo nở dưới dòng nước quanh làng Harie | Video: Harie Syozu

Dân làng Harie đã sống nhiều thế hệ cùng với nguồn nước và hệ thống Kabata này. Đó không chỉ là thứ giúp họ sinh hoạt mà còn là nơi họ lưu giữ những kí ức về gia đình và cuộc đời mỗi người.

idesign he thong nuoc kabata 09
Con kênh này còn là nơi vui đùa của lũ trẻ vào dịp hè. Ảnh: Harie Syozu
Video: Harie Syozu

Người dân Harie sống nhờ nguồn nước suối trong lành và hồ Biwa cho họ nơi canh tác và đánh bắt nên họ cũng làm phần việc của mình là bảo vệ những nguồn nước ấy. Nhận thức này đã theo những thế hệ người dân của ngôi làng vài thế kỉ và đã chứng minh được rằng bảo vệ tự nhiên cũng chính là bảo vệ chính con người.

Hệ thống Kabata không dễ áp dụng diện rộng, nhất là ở các thành phố nhưng rõ ràng đây là một mô hình để chúng ta, đặc biệt là những nhà quy hoạch và người làm thiết kế có liên quan đến nguồn nước, suy ngẫm về cách con người đang đối xử với nguồn tài nguyên quý giá nhất của mình. Suy cho cùng con người không thể tồn tại nếu không còn nước sạch để dùng.

Nguồn: SG Travellers và Maki Ryu
Biên tập: Xanh Va

Cùng tác giả

#Tag

bền vững cây thành thị kabata làng nguồn nước nhật bản nước truyền thông xử lý nước

iDesign Must-try

Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu sớm nhất ở Nhật Bản và vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Được phát triển vào thế kỷ 14, Noh…
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
Những gò cỏ nhấp nhô ở Cánh đồng Kurkku đã ngụy trang thành một khu vực thiền định để đọc sách và nghỉ ngơi. Được khai trương vào tháng trước…
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng…
Bộ lịch 2022 truyền tải vẻ đẹp làng quê Việt của Nhật Thắng
Bộ lịch 2022 truyền tải vẻ đẹp làng quê Việt của Nhật Thắng
Những ngày Tết đến xuân về thường là dịp để tôn vinh văn hoá truyền thống cũng như hướng về quê hương. Vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam thể…
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Vì sao heta-uma lại có nghĩa là 'xấu mà đẹp'? Phong cách thẩm mỹ này nhằm ám chỉ điều gì?
Khi đạo diễn Akira Kurosawa cầm cọ
Khi đạo diễn Akira Kurosawa cầm cọ
Đạo diễn Akira Kurosawa là cái tên đằng sau hàng loạt bộ phim kinh điển của điện ảnh Nhật Bản thời hoàng kim. Nhưng không chỉ làm phim, ông còn…