‘Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ’ - Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị

Trong khi công chúng Việt Nam vẫn còn tương đối xa lạ với điêu khắc gia Điềm Phùng Thị thì tên tuổi của bà đã nổi danh khắp thế giới đặc biệt là châu Âu. Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, bà đã không ngừng giằng xé và thương nhớ Việt Nam, nơi bà được sinh ra và chứng kiến những tổn thương, mất mát mà chiến tranh mang lại.

Nữ điêu khắc gia tài hoa của Việt Nam

Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc (1920 – 2002) và là điêu khắc gia người Việt Nam nổi tiếng trên thế giới. Bà thuộc gia đình quan lại quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng lại được sinh trưởng nơi cố đô Huế mộng mơ. Cái tên Điềm Phùng Thị được bà sử dụng sau khi kết hôn với người đồng nghiệp là ông Bửu Điềm.

Trước khi đến với điêu khắc và đạt những thành tựu rực rỡ với loại hình nghệ thuật này, bà đã từng theo đuổi sự nghiệp bác sĩ nha khoa. Bà từng tốt nghiệp nha khoa năm 1946 tại trường Đại học Y khoa Hà Nội khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp tục lấy bằng tiến sĩ nha khoa tại Pháp.

Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật khá muộn, phải đến năm 1959 bà mới từng bước làm quen với điêu khắc. Sau cuộc triển lãm ra mắt vào năm 1963, bà bắt đầu được công chúng Pháp biết đến và đón nhận nồng nhiệt. Cho đến năm 1990, Điềm Phùng Thị đã tổ chức 22 cuộc triển lãm với quy mô vừa và nhỏ ở châu Âu và trên thế giới. Bà được mời dựng 38 tượng đài và motip trang trí theo từng chủ đề ở các địa điểm khắp lãnh thổ nước Pháp.

Bà là nữ điêu khắc gia Việt Nam duy nhất được đưa vào Từ điển Larousse – Nghệ thuật thế kỷ XX: Từ điển về hội hoạ và điêu khắc năm 1991. Bà còn được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học – Văn nghệ châu Âu năm 1992. Trong khi công chúng Việt Nam vẫn còn tương đối xa lạ với điêu khắc gia Điềm Phùng Thị thì tên tuổi của bà đã nổi danh khắp thế giới đặc biệt là châu Âu. Với sự độc đáo và tinh tế trong phong cách sáng tác, kết hợp nhuần nhụy tư tưởng triết học phương Đông với tinh thần duy mỹ của nghệ thuật phương Tây, các tác phẩm của bà đã làm mê mẩn biết bao trái tim yêu nghệ thuật.

“Tác phẩm của bà đã tạo nên sức lan tỏa huyền bí và giá trị hào hùng của những nền văn minh cổ xưa của phương Đông, đồng thời tạo nên một sức hấp dẫn có tính nhân văn và một sức thể hiện mang tính tiêu biểu kỳ diệu bởi sự nhạy cảm rất hiện đại.

Enzo Carli, Giám đốc Galerie de Sienna ở Italia.

Những tác phẩm của nghệ thuật gia phương Đông Điềm Phùng Thị luôn khiến người xem thích thú bởi khả năng tạo tác tuyệt vời đi cùng một tâm hồn nhạy cảm. Không giới hạn một loại chất liệu cố định cho sáng tác, bà thử nghiệm và sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau kết hợp trong tác phẩm của mình như gỗ, composite, đá, đồng, nhôm, ngọc, thạch cao,… Nhưng điều độc đáo nhất, làm nên điều đặc trưng rất riêng của Điềm Phùng Thị chính là sự linh động. Các tác phẩm của bà có sự biến hóa kỳ diệu và thần kỳ trong vật liệu, kích thước và cả cấu trúc. Điều này dường như khó có thể bắt gặp ở một điêu khắc gia nào khác bởi loại hình nghệ thuật này luôn gắn với tính chất tĩnh và không thay đổi.

Chặng đường sáng tạo nghệ thuật

Nghệ thuật điêu khắc của Điềm Phùng Thị có thể chia thành 3 giai đoạn, đây là quá trình định hình và phát triển phong cách riêng của bà: tịnh tiến dần về sự biến hóa và linh động. Với giai đoạn khởi đầu, bà tiếp cận loại hình nghệ thuật mới mẻ bằng việc học tập tại xưởng của nhà điêu khắc Volti. Với việc thử nghiệm các trường phái điêu khắc khác nhau (chủ yếu là Tân và cổ điển), những tác phẩm của bà trong giai đoạn này nghiên nhiều về tính tả thực với điểm sáng là sự hài hòa, gợi cảm trong từng đường nét. Nét huyền bí, nữ tính phương Đông bộc lộ qua thân thể người phụ nữ được thể hiện trong các tác phẩm “Đợi chờ”, “Chổng mông”, “Trái đất”…

Đợi chờ -1965
Chất liệu đồng

“Trong tác phẩm của Điềm Phùng Thị, hình tượng phụ nữ chiếm một vị trí lớn. Liên kết với sức mạnh của thiên nhiên, thể hiện nó bằng yếu tố thực vật: hoa, quả, lá, phụ nữ là một trong những thể hiện huyền nhiệm nhất. Cơ thể người phụ nữ luôn cho thấy tiềm năng tạo ra sự sống, một quyền năng thiêng liêng song không phải không tạo nên nỗi ưu tư và sự lạ thường.”

Marlyse Le Bars

Giai đoạn thứ hai, Điềm Phùng Thị bước đầu khám phá ngôn ngữ điêu khắc của chính mình. Chắt lọc và cô đọng từ những điều đã thực hành trong giai đoạn đầu tiên, những tác phẩm thời điểm này đã mang nhiều hơn tính ẩn dụ và khái quát, là tiền đề cho sự ra đời các mẫu tự hay cách sắp xếp không gian của Điềm Phùng Thị. Những hình khối, đường nét tinh giản xuất hiện như những mẫu tự Alphabet trong “Chiến sĩ ra trận vác vợ theo”. Hay những tác phẩm có dáng vẻ kỳ lạ, hoang sơ của nghệ thuật phương Tây Cổ đại như “Thần Điểu” đến các tác phẩm gần chất hiện đại như “Những người phương xa trở lại”, “Xiếc”.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn đỉnh cao và hoàn thiện. Điềm Phùng Thị sắp xếp, lắp ghép các hình khối để tạo ra các tác phẩm độc đáo. Bà đã sáng tạo ra một loại hình điêu khắc mới của riêng mình trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô đun hình học.

Những người phương xa trở lại
Chất liệu nhựa

Lần đầu tiên không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng – trong số biết bao nhà tạc tượng từ Viễn Đông đến Paris – giành được chỗ đứng cho châu Á ngay trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris. Tác phẩm của một nghệ sĩ bậc thầy và tác phẩm tiên tri. Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có, tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo, hoàn toàn mới mẻ, chỉ có ở bà.”

GS. Madi Menier của Đại học Paris 1 – Sorbonne

Sáng tạo thế giới với 7 mô đun

Thế giới của Điềm Phùng Thị mở ra với đầy ắp những biến tấu kỳ lạ và hấp dẫn của 7 mô đun hình học được bà sáng tạo nên. Với thể loại điêu khắc mới này, bà biến quá trình điêu khắc trở nên tinh gọn nhưng lại thúc đẩy khả năng tưởng tượng, liên kết cao độ và có khả năng dung hợp hoàn hảo với bất kỳ không gian đặt để. Những mô-đun này là những thành tố đơn giản, dễ làm, tránh được nguy cơ bị biến dạng.

“Sau khi làm ra những mô-đun, tôi chỉ còn việc cấu trúc chúng lại trong không gian cần dựng tượng, bất kể không gian ấy như thế nào. Mỗi tượng đài được tạo dựng theo cách ấy là một tổng thể mới có hồn, có sự sống và kích thước của riêng nó. Tóm lại, tính hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc bằng mô-đun nằm ở sự uyển chuyển trong bố cục và sự đơn giản trong tạo dựng.”

Điềm Phùng Thị

Có rất nhiều tên gọi hay quan điểm để nói về những mô đun này như nhà phê bình nghệ thuật Ray Mond Cogniat gọi là mẫu tự, giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc, hay số 7 của nhà Phật,… Tuy nhiên thực sự Điềm Phùng Thị cũng không có tên gọi chính thức hay kiến giải về ý nghĩa của những mô đun hình học bà sáng tạo.

7 mô đun – ngôn ngữ Điềm Phùng Thị

Tiền thân của mô đun ấy là những mẩu gỗ thừa hình dạng bất định vứt rải rác ở xưởng mỹ thuật nhưng với đôi mắt của Điểm Phùng Thị đó chính là nguyên liệu để mở ra một thế giới biến hóa kỳ áo khôn cùng. Từ trong những mẩu gỗ vụn ấy, bà đã chọn ra 10 ký hiệu, qua quá trình tạo tác và “dùng quen” bà đã chắt lọc và cô đọng thành 7 mô đun.

Tượng đài Hoa sen ở Chenevières, Val de Marns (Pháp)

Các mô đun của Điềm Phùng Thị có đặc điểm tuy mộc mạc nhưng lại có sự nữ tính nhất định bởi việc hoàn toàn không có sự xuất hiện của các góc cạnh sắc nét và luôn có những đường cong để làm mềm những mắt xích nối ghép. Đây có thể là ảnh hưởng của bản chất nữ tính. Có người còn cho rằng những đường cong đó gợi nhớ về tính âm trong thuyết âm dương, gợi nhắc về sự sinh sôi để tạo dựng thế giới.

“Từ chuỗi liên tưởng nó truyền cảm, cái bụng người đàn bà, trong sự mơ hồ giữa điều cho thấy và điều gợi lên, giữa biên giới của tưởng tượng và sự thật, đã gây một cảm hứng giàu chất thơ. Được cưu mang từ cây cỏ, chất đất nung của những tượng kích thước nhỏ, được sáng tạo cùng năm và được gọi là Cau và Trầu, kết hợp giữa lá và quả để ngợi ca sư sung mãn của cơ thể phụ nữ, bằng cách nối kết sự lồi, lõm trong một đường cong nhịp nhàng khép kín.”

Bernard Dorival – Nguyên Giám đốc Viện bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Pháp

Từ chất liệu đơn giản, khối hình tưởng đơn sơ, vô nghĩa lại có khả năng biến hóa và sáng tạo nên vạn vật hữu hình, từng chút thay đổi nhỏ trong quá trình sáng tạo này cũng đủ khả năng tạo nên điều bất ngờ. Các mô đun này chính là điều làm nên điều kỳ diệu cho các tác phẩm của Điềm Phùng Thị, thể hiện một tư tưởng nghệ thuật cân bằng giữa sự mạch lạc, logic của con người khoa học và sự sáng tạo vô cùng của một nghệ sĩ.

Nhiều người đã ví Điềm Phùng Thị như chiếc cầu nối Đông Tây bằng cuộc hội thoại siêu ngôn ngữ, hay đưa người xem đến với thế giới sinh động – một thế giới Điềm Phùng Thị đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông…

“Tôi thật lòng bàng hoàng mà nhận những cảm xúc vừa trừu tượng, vừa cụ thể về cuộc sống và những con người, với muôn vàn vẻ đẹp kỳ diệu của một nghệ thuật, vừa bác học, vừa dân gian, vừa có tính nhân loại, cả Đông và Tây. Điềm Phùng Thị có thể được xem là một ‘tạo hóa’ trong lĩnh vực điêu khắc, mở ra những chân trời mới không những cho nghệ thuật, mà cho cả lĩnh vực tư duy.”

Tố Hữu

“Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ.” – Điềm Phùng Thị

Có thể cả thế giới phải ngưỡng mộ sự tài tình của một thế giới biến hóa với những khối hình giản đơn, thì với Điềm Phùng Thị điêu khắc là cách bà cố lôi những cảm xúc của mình ra bên ngoài. Không giãi bày bằng ngôn ngữ thông thường, những khối hình mới là cách thức bà đối thoại với thế giới.

“Từ nhỏ tôi đã thừa hưởng tính cách tự do của một con thú nhỏ, sống dưới mưa gió, trong rừng rậm và những người dân tộc thiểu số sống ở vùng Cao nguyên miền Trung Việt Nam thật sự như những người bạn của tôi. Một cô gái trẻ, tôi yểu điệu thục nữ và lông bông. Tôi thích thú mọi thứ và mọi người, đúng như lứa tuổi đôi mươi. Nhưng số phận đã khiến tôi phải đối mặt những vấn đề lớn của cuộc sống: đói khát, chiến tranh, sự khốn khổ của nhân loại. Bất cứ nơi nào tôi quay lại, tôi chỉ nhìn thấy sự chết chóc và cảnh hủy diệt.”

Điềm Phùng Thị

Cảm thức chung khi ngắm nhìn những tác phẩm của Điềm Phùng Thị chính là mơ hồ thấu suốt nỗi buồn lặng căm và sâu thẳm được gợi nét từ những khối hình. Những phiến vật liệu với hình dáng được cấu trúc chỉ vọn vẻn bằng 7 mô đun tinh giản lại chứa đầy những ý vị sâu xa. Những tác phẩm với đường nét mềm mại nhưng lại gây ấn tượng với những khối hình khỏe khoắn và bí ẩn. Nét hồn nhiên, trong sáng trong các khối hình còn gợi lên sự liên tưởng đến những yếu tố tâm linh hay tín ngưỡng dân gian xa xưa.

“Sức cảm hứng nổi bật ở Điềm Phùng Thị rất bao la, hướng đến sự trầm tư, thậm chí đến một tâm linh thần bí có tính tôn giáo. Tác phẩm điêu khắc của chị mang một vẻ đẹp riêng nào đó của sự tĩnh lặng, nó khơi dòng tĩnh tâm và mặc tưởng…”

Georges Boudaille, triển lãm tại Nhà văn hóa Saint Etienne 1977

Những tác phẩm ấy phản chiếu phần tâm hồn đặc biệt nhạy cảm của Điềm Phùng Thị: dịu dàng nhưng đầy ưu tư. Những khối hình vì thế cũng mang sự mềm mại nhưng trĩu nặng đến khó tả. Bà đến với nghệ thuật không phải mong cầu một điều gì cụ thể, mà với một tâm hồn thương tổn cần được xoa dịu. Là niềm thương tổn chất chứa của người con xa quê, của người đang sống nơi yên bình nhưng hình ảnh về Việt Nam hoang tàn luôn lởn vởn và dày vò đến ám ảnh.

NGƯỜI RA ĐI KHÔNG VỀ
Chất liệu tổng hợp

“Ngoài thời gian dành cho công việc và học tập, phần lớn thời gian của tôi gắn chặt với đất nước. Hình ảnh bom đạn, những ngôi làng bị đốt, cảnh tra tấn, chết chóc được tường thuật và xuất hiện mỗi ngày trên báo đài như thể chiếc bánh mì hằng ngày của chúng tôi.”

Điềm Phùng Thị
Nữ pháo binh – 1964
Chất liệu tổng hợp 

“Tôi đã cố gắng để nhìn vào bên trong bản thân mình: Với nỗi sợ nhìn thấy dân tộc của tôi bị tiêu diệt và để duy trì nó, liệu tôi có không muốn tạo ra những khối đá, sinh ra vô số những đứa con của thế gian để tôn vinh những người đã mất? Liệu trái tim tôi có không yêu cầu tôi tạo ra những công trình tưởng niệm sự tang tóc này không?”

Điềm Phùng Thị

Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, ngoài sự giằng xé và thương nhớ Việt Nam, Điềm Phùng Thị còn đặc biệt ưu ái cho phụ nữ và trẻ em. Những tác phẩm về chủ đề mẹ và con luôn đem đến sự yêu thích của công chúng thưởng lãm bởi sự hòa quyện giữa nét tươi tắn, hồn nhiên và sự dịu dàng, thương mến trong từng khối hình. Có lẽ bởi sự khát khao sâu kín về tình mẫu tử thiêng liêng bị thiếu hụt và chính bản năng phụ nữ đã khiến Điềm Phùng Thị thể hiện rất trọn vẹn chủ đề này.

MẸ -1970
Chất liệu đồng 

“Tôi quay trở lại xưởng bất cứ khi nào tôi được phép. Nó làm tôi cảm thấy rất thích thú. Đống đất sét và tôi, chúng tôi không bao giờ rời nhau nửa bước; tôi có một mẫu trên bàn ăn, mẫu khác ở cửa sổ, mẫu khác nữa ở đâu đó trong căn nhà tôi.”

Điềm Phùng Thị

Không cần những tra tấn về thể xác để dịu đi nỗi đau khôn cùng của tâm trí, tâm hồn quá mức nhạy cảm đã may mắn tìm được chỗ nương tựa nơi nghệ thuật. Say mê chuyển hóa những cuồng xoay tâm trí thành những bức tượng điêu khắc ẩn nhẫn. Mỗi tác phẩm là nơi “gan ruột” được tỏ bày, là cách bà hào phóng trao tặng chính mình cho cả thế giới. Giữa biển người bao la, nếu may mắn bắt gặp xin hãy cứ đón nhận bằng tất cả niềm mến thương.

“Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao nó cho các bạn, hoặc đúng hơn tôi, trao tôi cho các bạn.”

Điềm Phùng Thị

Hiện tại, Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang trưng bày những tác phẩm của nữ điêu khắc gia. Đây là những đứa con tinh thần được bà trao tặng cho người dân vùng đất Cố đô.

Thực hiện: Y.ink
Nguồn: diemphungthiartfoundation

Cùng tác giả

#Tag

Y.ink Điềm Phùng Thị điêu khắc điêu khắc gia

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Những tác phẩm sắp đặt dưới nước tuyệt đẹp lấy cảm hứng từ các nhân vật trong lễ hội Spicemas
Những tác phẩm sắp đặt dưới nước tuyệt đẹp lấy cảm hứng từ các nhân vật trong lễ hội Spicemas
Năm 2006, nghệ sĩ người Anh Jason deCaires Taylor đã thành lập Công viên điêu khắc dưới nước Molinere, một nơi trưng bày nghệ thuật độc đáo dưới lòng bờ…
Những người bạn đất sét, nét mặt của cảm xúc và sự dịu dàng
Những người bạn đất sét, nét mặt của cảm xúc và sự dịu dàng
Gửi lời chào đến những người bạn Caymen ngộ nghĩnh và hài hước. Mấy bạn này được tạo ra bởi Aman Khanna, với nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực…
Mãn nhãn với những tác phẩm gốm sứ tinh tế đầy mê hoặc lấy cảm hứng từ hoa cỏ
Mãn nhãn với những tác phẩm gốm sứ tinh tế đầy mê hoặc lấy cảm hứng từ hoa cỏ
Thế giới đa dạng của cỏ cây và hoa lá là nguồn cảm hứng say mê đối với nghệ nhân gốm sứ Avital Avital, người đã chế tác ra những…
Tác phẩm điêu khắc động vật siêu thực quá khổ của Quentin Garel Weigh khiến người xem cân nhắc việc săn bắn động vật hoang dã
Tác phẩm điêu khắc động vật siêu thực quá khổ của Quentin Garel Weigh khiến người xem cân nhắc việc săn bắn động vật hoang dã
Thông qua những khuôn mặt quá khổ và tượng bán thân của các loài linh trưởng như voi và bò, nghệ sĩ người Pháp Quentin Garel đã tạo ra các…
Các tác phẩm điêu khắc từ đất nung và đồng đầy suy tư về thế giới động vật của Nichola Theakston
Các tác phẩm điêu khắc từ đất nung và đồng đầy suy tư về thế giới động vật của Nichola Theakston
Sử dụng chất liệu đất nung và đồng, nghệ sĩ điêu khắc Nichola Theakston đã đưa người xem bước vào một thế giới đầy suy tư và chiêm nghiệm của…