10 kiệt tác kinh hoàng nhất của lịch sử nghệ thuật

Lại một mùa Halloween nữa lại đến, đêm lễ hội hóa trang lớn nhất trong năm đang tràn về trên khắp con phố! Chúng ta không thể bỏ qua các trò chơi truyền thống như Trick-or-treat, các món ăn vặt kinh dị và các món quà thú vị cũng chính là những “đặc sản” trong mùa lễ hội này. Với mong muốn mang đến cho bạn một cái nhìn đầy nghệ thuật trong mùa Halloween năm nay, iDesign xin giới thiệu bộ sưu tập “những kiệt tác đáng sợ nhất trong lịch sử nghệ thuật“.

Những tác phẩm dưới đây chính là những chiếc đầu lâu đầy ám ảnh, ​​con nhện đang cười và câu chuyện về tiếng hét rất nổi tiếng, bộ sưu tập nghệ thuật này chắc chắn sẽ làm mê mẩn những người yêu nghệ thuật cũng như những người tìm kiếm sự sợ hãi đầy ma mị.

*Tuy nhiên các tác phẩm này mang yếu tố bạo lực và kinh dị, nếu là một người có tâm hồn “mỏng manh”, bạn hãy cân nhắc trước khi xem tiếp nhé!

1. Tác phẩm “Pyramid of Skulls” – Paul Cézanne

Paul Cézanne, “Pyramid of Skulls,” 1901. (Ảnh Wikimedia Commons)

Bậc thầy nghệ thuật hiện đại Paul Cézanne đã tạo ra một tác phẩm kinh dị mang tên Pyramid of Skulls vào đầu thế kỷ 20. Bức tranh là hình ảnh ba hộp sọ xếp chồng lên nhau, không giống như những bức tranh phong cách Still life (tĩnh vật) khác miêu tả về trái cây và chai lọ, bức tranh này thể hiện rõ nét chất riêng của nghệ sĩ.

Mặc dù những hình tượng kỳ quái như vậy không phải là điển hình của chủ nghĩa Hậu Ấn tượng, song nghệ sĩ đã kết hợp khéo léo hình ảnh đầu lâu và các biểu tượng khác của sự chết chóc khiến tác phẩm mang hơi thở của phong cách cổ đại. Được xem là memento mori, theo tiếng Latinh có nghĩa là “hãy nhớ rằng bạn phải chết”, thể loại tranh này tập trung vào bản chất phù du của cuộc sống.

2. Tác phẩm “Saturn Devouring His Son” – Francisco Goya

Francisco Goya, “Saturn Devouring His Son,” c. 1819-1823 (Ảnh: Prado Museum qua Wikimedia Commons

Từ năm 1819 đến 1823, nghệ sĩ người Tây Ban Nha – Francisco Goya đã tạo ra bộ sưu tập những tác phẩm Black Paintings, một loạt 14 bức đặc biệt gây ám ảnh cho người xem. Trong số những tác phẩm nghệ thuật đáng sợ này, nổi tiếng nhất là Saturn Devouring His Son, một bức tranh ghê rợn về một người cha đang ăn thịt đứa con của mình.

Theo thần thoại La Mã, Saturn (sao Thổ) là thủ lĩnh của các Titan. Sao Thổ đã lật đổ cha mình, Caelus, để trở thành người cai trị vũ trụ. Lo sợ con cái của mình cũng sẽ làm như vậy, ông ta đã giết và ăn từng đứa trẻ ngay sau khi sinh ra. Truyền thuyết này là nguồn cảm hứng để Goya khắc họa hình tượng nhân vật trong tác phẩm của mình.

Trên thực tế, họa sĩ muốn sử dụng các bức tranh này nhằm mục đích trang trí nhà riêng của ông, và tác phẩm Saturn Devouring His Son được treo trong… phòng ăn.

3. Tác phẩm “Judith Slaying Holofernes” – Artemisia Gentileschi

Artemisia Gentileschi, “Judith Slaying Holofernes,” 1614-1620 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Các bức tranh của họa sĩ Artemisia Gentileschi được đặc trưng bởi một bảng màu trầm, sử dụng ánh sáng và bóng tối một cách điêu luyện, và nổi bật nhất là hình ảnh tập trung vào những người phụ nữ đau khổ và đầy thù hận. Một bức tranh tiêu biểu cho phong cách này của bà là tác phẩm Judith Slaying Holofernes, kiệt tác lấy cảm hứng từ một câu chuyện trong Cựu Ước về một góa phụ đang chặt đầu một người đàn ông.

Điều khiến Judith Slaying Holofernes khác biệt với các bức tranh ngụ ngôn khác trong thời kỳ đó là Gentileschi rất có thể đã đưa bản thân mình vào tác phẩm rùng rợn này, vì nhân vật Holofernes bị giết có nét giống với Agostino Tassi, một nghệ sĩ người Ý đã cưỡng hiếp Gentileschi khi bà mới 17 tuổi.

4. Tác phẩm “Big Electric Chair” – Andy Warhol

Andy Warhol, “Big Electric Chair,” 1967 (Ảnh: Wikimedia Commons [CC BY 2.0CC BY 2.0])

Vào đầu những năm 1960, nghệ sĩ tiên phong trong phong trào Pop Art Andy Warhol đã mở đầu cho lĩnh vực vẽ tranh lụa. Được chế tác bằng cách sử dụng kết hợp sơn acrylic và phương pháp in lụa – một quy trình in cơ học, sau đó nghệ sĩ chuyển các bức tranh từ vải lên giấy.

Trong khi những bức tranh lụa nổi tiếng nhất của Warhol lấy các nhân vật nổi tiếng và những đồ vật hàng ngày làm chủ đề, thì ở loạt tranh này ông chuyển sang những góc nhìn tối tăm hơn vào năm 1962, khi ông bắt đầu series Death and Disasters. Sự ám ảnh xuất hiện rõ nét trong các tác phẩm của ông, từ những vụ tai nạn xe hơi kinh hoàng, những lon cá ngừ có độc cho đến Big Electric Chair – chiếc ghế điện lớn (lấy cảm hứng từ bức ảnh chụp ở nhà tù nơi Julius và Ethel Rosenberg bị hành quyết).

5. Tác phẩm “Girl with Death Mask” – Frida Kahlo

Frida Kahlo, “Girl with Death Mask (She Plays Alone)” 1938

Họa sĩ người Mexico – Frida Kahlo được biết đến với bộ sưu tập 55 bức chân dung tự họa. Ngoài các tác phẩm tự họa lúc trưởng thành nổi tiếng của bà, bà cũng từng thể hiện mình khi còn nhỏ trong tác phẩm Girl with Death Mask (She Plays Alone).

Tác phẩm kỳ lạ này mô tả một cô bé đứng trước một khung cảnh cằn cỗi. Trên tay, cô ấy cầm duy nhất một bông hoa màu vàng và trên mặt cô ấy đeo một chiếc mặt nạ đầu lâu. Bức tranh được lấy cảm hứng từ lế hội Día de los Muertos – một lễ hội tôn vinh người đã khuất tại Mexico – khiến người xem suy ngẫm về các chủ đề liên quan đến cái chết. Cuối cùng, một chiếc mặt nạ quái thú nằm dưới chân cô ấy, càng làm tăng thêm vẻ bí ẩn cho bức tranh lạnh giá này.

Bức tranh được vẽ vào năm 1938 – một năm trước cuộc ly hôn đầy kịch tính của bà với nghệ sĩ Diego Rivera. Giống như nhiều bức tranh khác được bà vẽ ra trong thời gian này, tác phẩm Girl with Death Mask có thể được lấy cảm hứng từ cảm giác bị cô lập và cô đơn của Kahlo.“Tôi tự vẽ chân dung vì tôi thường ở một mình,” họa sĩ nổi tiếng nói, “bởi vì tôi là người tôi hiểu rõ nhất”.

6. Tác phẩm “The Smiling Spider” – Odilon Redon

Odilon Redon, “The Smiling Spider,” 1887

Năm 1887, nghệ sĩ người Pháp – Odilon Redon đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật mang tên The Smiling Spider, một bản in thạch bản về loài nhện lạ có mười chân. Ngoài bộ chi của loài nhện này, điều mang đến sự đặc biệt cho tác phẩm là nụ cười đáng sợ của nó, chúng được nghệ sĩ phác họa bằng một hàng răng nhỏ.

Redon đã chia sẻ:“Màu đen là màu quan trọng nhất… nó truyền tải sức sống của một sinh vật, năng lượng và tâm trí, một cái gì đó thuộc về linh hồn, phản ánh sự nhạy cảm.”

7. Tác phẩm “The Scream” – Edvard Munch

Edvard Munch, “The Scream,” 1891

Nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện Edvard Munch nổi tiếng với những bức tranh và bản in u ám, buồn rầu. Từ năm 1893 đến năm 1910, ông đã tạo nên nhiều kiệt tác nổi tiếng trong đó có tác phẩm The Scream.

Trong khoảng thời gian 17 năm, Munch sáng tác The Scream bằng bút chì màu, sơn tempera và phấn dầu. Tác phẩm là một nhân vật bí ẩn đứng trên cầu và ôm mặt hét lên.

Trong khi cảnh này trông giống như một giấc mơ, nó thực sự được lấy cảm hứng từ một địa điểm trong đời thực và một hiện tượng đặc biệt đáng sợ. “Một buổi tối tôi đang đi bộ dọc theo một con đường, thành phố ở một bên và vịnh hẹp bên dưới.” Munch viết trong nhật ký của mình. “Tôi cảm thấy mệt mỏi và suy yếu. Tôi dừng lại và nhìn ra vịnh hẹp – mặt trời đang lặn và những đám mây chuyển sang màu đỏ như máu. Tôi cảm thấy có tiếng hét truyền trong không trung; tôi dường như đã nghe thấy tiếng hét. Tôi vẽ bức tranh này, vẽ những đám mây như máu thực. Màu sắc réo rắt. Và điều này đã trở thành The Scream. ”

8. Tác phẩm “The Nightmare” – Henry Fuseli

Henry Fuseli, “The Nightmare,” 1781

Henry Fuseli là nhân vật hàng đầu của Chủ nghĩa lãng mạn, một phong trào nghệ thuật thế kỷ 19 được định hình bằng những khung cảnh mơ mộng. Trong bức tranh nổi tiếng nhất (và được đặt tên một cách khéo léo) The Nightmare, Fuseli đi sâu vào khía cạnh đáng sợ của tiềm thức.

Tác phẩm nghệ thuật đáng sợ này cho thấy một người phụ nữ đang ngủ và một con quỷ đang ngồi trên người cô ấy. Một con ngựa ma xuất hiện sau tấm màn nhung đỏ, tạo thành phần duy nhất có thể nhìn thấy được trên nền đen.

Hầu hết các nhà sử học nghệ thuật tin rằng The Nightmare được lấy cảm hứng từ truyện dân gian Đức. Theo truyền thuyết, những người đàn ông ngủ một mình sẽ bị bóng ma ngựa viếng thăm, trong khi những người phụ nữ đơn độc sẽ thường bị quỷ ám. Bằng cách kết hợp cả hai nhân vật đáng sợ này vào một bố cục, Fuseli thể hiện một cách trực qua của một cơn ác mộng thực sự.

9. Tác phẩm “Medusa” – Michelangelo Merisi da Caravaggio

Michelangelo Merisi da Caravaggio, “Medusa,” 1597

Caravaggio đã vẽ bức tranh dựa trên thần thoại Hy Lạp cổ đại về Medusa. Bức tranh mô tả phần đầu bị chặt của Medusa, con quái vật thần thoại với hình dạng của một người phụ nữ với đôi bàn tay bằng đồng và tóc là vô số con rắn độc. Truyền thuyết kể rằng bất cứ ai liếc nhìn cô ấy đều sẽ bị biến thành đá. Medusa bị nguyền rủa bởi nữ thần Hy Lạp Athena, người đã biến cô thành con quái vật có nọc độc. Perseus, con trai của thần Hy Lạp Zeus và công chúa Danae, đã chặt đầu Medusa bằng một chiếc khiên do Athena tặng.

Caravaggio đã thực hiện hai phiên bản của bức tranh Medusa của mình – một vào năm 1596 và một vào năm 1597. Trong tác phẩm này, ông đã sử dụng khung hình của một chiếc gương và vẽ khuôn mặt của chính mình vào vị trí của Medusa. Mặc dù đầu đã bị chặt, nhưng gương mặt vẫn còn đầy thần sắc, ghi lại những khoảnh khắc kinh hoàng cuối cùng của Medusa. Máu trào ra từ chiếc cổ bị cắt lìa của cô, trong khi miệng cô há to, nhe răng.

10. Tác phẩm “The Garden of Earthly Delights” – Hieronymus Bosch

Hieronymus Bosch, “The Garden of Earthly Delights,” c. 1500-1505

Dù đã sống cách đây 500 năm, nhưng Hieronymus Bosch vẫn là bậc thầy trong phong cách nghệ thuật gây ám ảnh. Nghệ sĩ thời kỳ đầu của Phục hưng Hà Lan được biết đến với những bức tranh siêu thực về bối cảnh của thế giới khác – chẳng hạn như Garden of Earthly Delights là minh chứng cho một tác phẩm với không gian tuyệt vời nhưng cũng vô cùng đáng sợ.

Mặc dù ít người biết về nguồn gốc bức tam liên họa sơn dầu này nhưng nó vẫn là tác phẩm nghệ thuật gây tiếng vang nhất của Bosch. Với những con vật lai tạo, những cỗ máy, bức tranh hỗn loạn tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa sự kỳ dị bắt mắt và nỗi kinh hoàng gây ra cơn ác mộng – đặc biệt là khi được quan sát chi tiết .

Một cách giải thích kỳ quái về câu chuyện sáng tạo trong Kinh thánh, Garden of Earthly Delights chứng minh rằng bất kỳ góc độ nào cũng có thể mang đến nỗi đáng sợ cho người xem


Biên tập: Thao Lee
Theo: mymodernmet

Cùng tác giả

#Tag

andy warhol art history Artemisia Gentileschi Edvard Munch Francisco Goya frida kahlo halloween Heirstory Hieronymus Bosch Judith Slaying Holofernes lễ hội lịch sử nghệ thuật memento mori Michelangelo Odilon Redon paul cexanne pyramid of skulls Saturn Devouring His Son

iDesign Must-try

/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Công nghệ thay đổi thế giới nghệ thuật như thế nào?
Công nghệ thay đổi thế giới nghệ thuật như thế nào?
Công nghệ đã mang những kiệt tác đến gần hơn với khán giả đại chúng, giúp chúng ta hiểu tầm nhìn nghệ thuật và lịch sử của nó, từ đó…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…