5 lời đồn về sáng tạo có lẽ bạn đã tin

Những quan niệm sai lầm về sáng tạo khoác lên nó một chiếc áo kỳ bí với ý tưởng rằng: tiềm năng sáng tạo và trí tưởng tượng là những món quà hiếm có dành cho số ít người.

Bài viết này nhằm diễn giải rõ hơn và làm sáng tỏ những vấn đề về thần kinh và tâm lý học sáng tạo.

Lời đồn 1: Để sáng tạo bạn cần một bộ óc tư duy bằng não phải (right-brained)

sang-tao-01

Ở đây, ngụ ý của “kiểu sáng tạo” từ cách tư duy cũ cho rằng não trái ra các quyết định logic, trong khi não phải chi phối những ý tưởng và trí tưởng tượng, sự khác biệt.

Đó là một ý kiến có hại bởi nó cho rằng nếu bạn tư duy bằng não trái, bạn không thể làm sáng tạo. Lời đồn này thường xuyên được áp dụng dù nó được cung cấp bởi nền tảng khoa học lỗi thời, giống như mọi cuộc chiến trong phòng họp: Tại sao những người quản lý “bằng não trái” và những người làm marketing “bằng não phải” không đối mặt trực tiếp với nhau?!

Sự thật rằng dù cả hai bán cầu não làm các chức năng khác nhau, nhưng điều quan trọng là chúng cùng được tạo bởi các sợi thần kinh và hầu hết các vấn đề được xử lý cùng một lúc khi cần sự sáng tạo. Vâng, có những nghiên cứu chỉ ra rằng bán cầu não phải rất quan trọng cho việc giải quyết vấn đề, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy bán cầu não trái thành thạo trong việc dẫn dắt câu chuyện.

Không chỉ đơn giản “gắn mác” sáng tạo như một sự độc quyền của não phải, mà chúng ta cũng hoàn toàn sai lầm khi đánh giá ai đó là não-trái hay não-phải.

Năm 2013, những nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu bằng việc quét não bộ của hàng ngàn người và kết quả là, không có bất kì bằng chứng nào khẳng định cách phân loại này là đúng. Có vẻ như, việc gọi ai đó là não phải hoặc não trái vẫn khá hơn việc gọi họ là Virgo (Xử nữ) hay Pisces (Song ngư).

Sáng tạo không là chức năng đặc thù của một bán cầu não nào, và nó càng không phải là dạng tài năng trời ban. Khoa học thần kinh cho rằng: Nếu bạn là con người, và bạn có một bộ não, bạn đã có khả năng sáng tạo.

Lời đồn 2: Bạn cần phải hy vọng cho một khoảnh khắc “Eureka!”

sang-tao-02

Michael Jackson từng mô tả cách mà đoạn trống cho bản hit “Billie Jean” ra đời, và sự việc đó như thể là một món quà từ Chúa, một phiên bản hiện đại của sự kiện Newton khám phá ra lực hẫp dẫn khi bị quả táo rơi trúng đầu.

Lời đồn về những sự sáng tạo đột xuất này thường thú vị vì nó cho ta cảm giác những ý tưởng là một khoảnh khắc loé sáng của thiên tài. Tuy nhiên, những khoảnh khắc như vậy đòi hỏi sự làm việc chăm chỉ và kiên trì, đó là hai yếu tố cần đặt lên hàng đầu.

Thật sự thì, Newton đã bị ám ảnh bởi công việc và thường xuyên động não về lực hấp dẫn cho đến khi có sự kiện quả táo.

Lời đồn về khoảnh khắc Eureka khiến bạn tin rằng sáng tạo là quá trình thụ động, và việc của bạn chỉ là ngồi chờ với hy vọng mọi chuyện sẽ có bước đột phá. Thế nhưng khoảnh khắc quyết định của sự sâu sắc thường tới như một sự ngạc nhiên – cảm hứng bất ngờ của vô thức.

Nhưng điều quan trọng để khoảnh khắc đó xảy ra là tâm trí của bạn cần những chất liệu, tài liệu để tương tác. Não của bạn không thể sàng lọc và tự tạo ý tưởng – việc này giống như “ủ bệnh” – nếu bạn không làm việc chăm chỉ và tự chuyên nghiệp hoá bản thân, bên cạnh việc tăng cường các góc nhìn khác nhau với mỗi vấn đề, thì khoảnh khắc đó mãi mãi sẽ như câu chuyện cổ tích không có thật.

Khoảnh khắc “Euroka” có vẻ ngoài nhẹ như “một bước lên tiên”, nhưng đừng quên trước khi đặt bước chân cuối này, bạn đã phải leo dốc không ngừng trong một hành trình vô danh.

Lời đồn 3: Người sáng tạo thường cô độc – những thiên tài lập dị

sang-tao-03

Chúng ta vẫn thường hình dung về một người làm sáng tạo với vẻ ngoài khác biệt, kì quái như một nghệ sĩ hoặc lãng đãng như một nhà thơ. Thật vậy, những tài liệu được công bố chỉ ra rằng đa số mọi người nghĩ những ai có vẻ lập dị sẽ có khả năng làm những công việc sáng tạo.

Đây là một khuôn mẫu điển hình và nó không có ích, vì nó đề nghị bạn tạo ra sự tách biệt, lập dị với bạn bè, với những người xung quanh.

David Burkus đã phát biểu trong cuốn “Những lời đồn về Sáng tạo” rằng “Sáng tạo là một môn thể thao đồng đội“. Burkus giải thích về việc nhà phát minh Thomas Edison luôn được hỗ trợ bởi một nhóm các kỹ sư và sáng tạo. Tương tự như Michelangelo đã không vẽ tranh nhà thờ nguyện Sistine một mình mà có hẳn một nhóm các hoạ sĩ tài năng đã cùng giúp ông ấy.

Khi nhắc tới Apple với sự sáng tạo, ta chỉ nhớ đến Steve Jobs hay Jony Ive, mà quên đi Steve Wozniak, người bạn lặng lẽ của Jobs và nhóm thiết kế tài năng đứng sau Ive, cùng rất nhiều người khác chưa được nhắc tới.

Để có thêm bằng chứng về tầm quan trọng của việc cộng tác và làm việc theo nhóm sáng tạo, hãy xem xét một thực tế là số lượng lớn bằng sáng chế đều được đăng ký bởi các thành phố mà ở đó có nhiều chuyên gia sáng tạo sống. Đó là cuộc gặp gỡ giữa những phiền não tương đồng để cùng tạo ra sự đổi mới, tuyệt nhiên không trốn tránh như một tu sĩ.

Một quan niệm sai lầm khác về những người sáng tạo: họ là những thiên tài với trí tuệ sẵn có.

Một nghiên cứu cổ điển đã phá vỡ ý tưởng này. Quay trở lại những năm 1920, nhà tâm lý học Lewis Terman bắt đầu quan sát một nhóm gồm những đứa trẻ thông minh tại California. Ông theo dõi chúng cho đến khi chúng trưởng thành và bắt đầu con đường sự nghiệp. Không ai trong số chúng tiếp tục được đánh giá cao về sự sáng tạo. Như nhà thần kinh học Nancy Andreasen từng nói ở The Atlantic năm nay:

“Kết luận quan trọng từ nghiên cứu của Terman : có chỉ số IQ cao không có nghĩa là khả năng sáng tạo cao.” Bạn cần có số IQ vừa phải để trở nên sáng tạo, nhưng IQ cực cao thì không đủ cũng như không cần thiết để trở thành một nhà cải cách.

Lời đồn 4. Bạn cần nhiều sự khích lệ để trở nên sáng tạo

sang-tao-04

Trong nhiều lĩnh vực công việc, rất dễ thấy rằng, càng nhiều phần thưởng trao cho ai đó, họ sẽ càng làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, khi nói đến cách để phát huy tính sáng tạo, điều này là không cần thiết. Trên thực tế, ta nên làm ngược lại.

Nghiên cứu cho thấy động lực làm việc xuất phát từ sự kì vọng bên trong – như niềm vui và sự hài lòng với công việc – có xu hướng dẫn tới kết quả sáng tạo hơn là khi được hứa hẹn về những lợi ích bên ngoài – như tiền hay danh tiếng.

Có rất nhiều ví dụ về nguyên tắc này. Một trong những ví dụ thuyết phục nhất là nghiên cứu của Teresa Amabile – Trường Kinh doanh Harvard về các nghệ sĩ và nhà điêu khắc. Cô đề nghị những nhà sáng tạo cung cấp hai loại tác phẩm: được làm từ niềm vui cá nhân và được trả phí.

Sau đó tất cả sản phẩm được đánh giá bởi những người không trực tiếp làm ra. Kết quả là, những dự án cá nhân được đánh giá cao từ ban giám khảo.

Tương tự, Amabile đề nghị một nhóm sinh viên nữ tham gia làm sản phẩm cắt dán từ giấy. Cô thông báo cho một nửa rằng họ sẽ được đánh giá kết quả, số còn lại được cho biết mục đích của nghiên cứu hoàn toàn không liên quan đến sản phẩm họ làm.

Không bất ngờ, nhóm sinh viên tạo ra những tác phẩm bằng giấy tốt hơn khi họ nghĩ sẽ không bị đánh giá. Như Alfie Kohn, tác giả Punished by Rewards, nhấn mạnh “Đơn giản là không thể hối lộ con người để sáng tạo.”

Lời đồn 5. “Brainstorming” là cách tốt nhất để cùng nhau sáng tạo

sang-tao-05

Chúng ta hiểu rằng việc sáng tạo đơn lẻ không mấy dễ dàng. Những ý tưởng sáng tạo thường xuyên được sinh ra từ một cuộc họp của các bộ não, “huyền thoại” về sức mạnh tuyệt vời của “brainstorming” cũng sinh ra từ đây.

Điều này nghĩa là một nhóm sẽ cùng đối mặt với vấn đề, cùng nhau giải quyết bằng cách ngồi lại và đưa ra ý tưởng.

Quy trình này cực kỳ phổ biến, đặc biệt trong các công ty. Nhưng một lần nữa các nghiên cứu chỉ ra rằng, thực tế, con người tạo ra số lượng ý tưởng khi họ làm việc độc lập tốt hơn là khi thả họ vào một buổi brainstorm.

Việc này có vẻ mâu thuẫn, nhưng điều quan trọng ở đây là con người cần thời gian để làm việc riêng biệt trước, sau đó mới nên đặt họ vào các quy trình.

Brainstorming là cách hiệu quả để chia sẻ, kết hợp các ý tưởng và giải pháp. Rất nhiều phát minh và dự án sáng tạo quan trọng được tạo thành bởi những ý tưởng đang tồn tại. Nhưng sẽ rất sai lầm khi cùng suy nghĩ ý tưởng ở giai đoạn đầu, và dĩ nhiên, nó càng không nên đặt ở giai đoạn cuối của quá trình sáng tạo.

Một điều cũng vô cùng quan trọng khác: thực hiện Brainstorming đúng cách. Bạn cần bảo vệ ý tưởng của mình trước những người được chỉ định để “hạ thủ” ý tưởng đó, và các cá nhân thụ động cần được khuyến khích để chia sẻ ý tưởng mà không sợ bị đánh giá hay chế giễu.

————

Tiềm năng sáng tạo hiện diện trong tất cả chúng ta, nhưng nó sẽ chỉ đến cùng với nỗ lực. Mỗi chúng ta cần cân bằng giữa việc hướng ngoại và không gian riêng tư. Hãy nghiên cứu, lắng nghe và gặp gỡ, cũng đừng quên gieo những hạt giống suy nghĩ mới mẻ trong tâm trí mình.

Theo 99U.

Cùng tác giả

#Tag

Cà Phê - Trà Đá creative Kiến thức personal growth

iDesign Must-try

Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Khi nội tâm được “vẽ ra” qua hình ảnh chú vịt lười biếng
Khi nội tâm được “vẽ ra” qua hình ảnh chú vịt lười biếng
Nghệ sĩ Hàn Quốc Ssebong dường như đã tạo nên cả một vũ trụ đáng yêu thay lời cho cuộc sống thực tế, nơi có những nhân vật cùng tuyến…
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Những chuyển động sáng tạo của vật thể được Hiếu Vũ lấy cảm hứng từ đời thường, đặc biệt là về âm nhạc. Tiếp sau đó là khoảnh khắc chủ…
Cuộc thi We Liberty #25: Khi tưởng tượng là tiền đề của những không tưởng
Cuộc thi We Liberty #25: Khi tưởng tượng là tiền đề của những không tưởng
Cuộc thi thiết kế sáng tạo We Liberty #25 chính thức được khởi động. Đây là sân chơi để các bạn trẻ cùng Piaggio Liberty khai phá những cảm hứng…
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những…
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…