Cùng Trường An, Thái Học một vòng khám phá Mê Trô Mê Phố: Bộ motion poster truyền thông cho HCMC METRO

Thành phố Hồ Chí Minh hay còn được mọi người gọi với cái tên thân thương – Sài Gòn, là thành phố lớn nhất Việt Nam về dân số và quy mô đô thị hóa. Đây còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam; nơi dung dưỡng và nuôi sống hàng triệu con người từ khắp mọi miền đất nước đổ xô về. Từ đó, bao nếp nghĩ, nếp sống, nếp sinh hoạt giao thoa tạo nên một nền văn hóa rất riêng, rất đỗi dung dị mà người ta hay tự hào gọi với cái tên: “Văn hóa người Sài Gòn”.

Người ta yêu một vùng đất nào đó, chẳng phải là do họ cũng yêu con người, yêu văn hóa và yêu cả cảnh quan ở nơi chốn đó hay sao?

Chính bởi thứ tình cảm đặc biệt đó dành cho thành phố, Trường AnThái Học (sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học Hoa Sen) quyết tâm tạo nên một dự án nhận diện thương hiệu và kế hoạch truyền thông cho HCMC METRO (hệ thống các tuyến tàu điện ngầm đang được quy hoạch và xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh), sao cho vừa xứng tầm với một công trình mang quy mô lớn, vừa giữ được những nét văn hóa đời thường len lỏi trong từng ngóc ngách, nẻo đường của thành phố.

Bộ poster Mê Trô Mê Phố một phần thuộc đồ án tốt nghiệp, đồng thời cũng là một phần của chiến dịch truyền thông Mê Metro cho HCMC METRO, do Trường An và Thái Học thực hiện, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trần Thị Nhật Trâm.

Từ niềm say mê những giá trị, cá tính rất riêng, rất thành phố … thành Mê Trô Mê Phố

Điều gì từ công trình METRO khơi nguồn cảm hứng trong các bạn, để các bạn lựa chọn chủ đề này cho đồ án tốt nghiệp của mình?

“Tụi mình đều đang học tập, làm việc, sinh sống và có tình cảm gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh. Điều mình mong muốn là tạo ra được giá trị mới cho thành phố cũng như nhân dân trong thành phố. Bên cạnh đó, tụi mình còn có cơ duyên được làm việc trực tiếp với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM thông qua sự kết nối và khuyến khích của cô Nhật Trâm – giáo viên hướng dẫn của tụi mình, cũng là một giám đốc sáng tạo có thâm niên và thích dấn thân vào những dự án có tính thử thách. 

Cả team và HCMC METRO đều có những mục tiêu chung, tạo ra bộ nhận diện thương hiệu và kế hoạch truyền thông xứng tầm với một công trình trọng điểm quốc gia, sao cho xứng đáng với nỗ lực to lớn của cả một tập thể quản lý, xây dựng, vận hành và cũng xứng đáng với sự trông ngóng của toàn xã hội về một phương tiện di chuyển an toàn, hiện đại, văn minh. ” – Trường An.

Các bạn có thể giải thích ý nghĩa về chữ “MÊ” trong đồ án? 

“Sau rất nhiều buổi thảo luận cùng nhau, tụi mình chọn ra được một ý tưởng lớn khá ưng ý cho chiến dịch. 

Chữ Mê này được tụi mình lấy ra trong từ “METRO”. Ngoài ý định giúp cụm từ METRO – một từ tiếng Anh trở nên gần gũi hơn với toàn bộ người dân, thì khi được “Việt hóa” chữ Mê trong tiếng Việt là một từ rất hay. Mê thể hiện sự yêu thích, nhưng không phải yêu thích ở mức độ bình thường mà rất mạnh mẽ, máu lửa. Chữ Mê làm cho ta có cảm giác như bị cuốn hút vào cái gì đó, Mê cái gì đó ở đây là Mê METRO và Mê thành phố, hay Mê Trô Mê Phố.

Ở phần đầu của chiến dịch, tụi mình dùng chữ Mê để tập trung nói về những điều tuyệt vời khi di chuyển bằng Metro, nó nhanh thế nào, an toàn thế nào và thoải mái thế nào. Còn ở phần sau, những giá trị truyền thống, giá trị văn hóa không lẫn vào đâu được của TP.HCM được tụi mình kết hợp vào, vừa để ôn lại và tôn vinh những giá trị này, vừa gắn những cá tính rất riêng của thành phố vào thương hiệu HCMC METRO.” – Thái Học.

Đồ án được các bạn thực hiện trong bao lâu? Quy trình thực hiện đồ án như thế nào?

“Toàn bộ dự án được thực hiện trong thời gian quy định của đồ án tốt nghiệp là khoảng 3 tháng. Bao gồm các công đoạn: nghiên cứu, khảo sát, tạo ra các ý tưởng, sau đó thiết kế, trình bày, trao đổi, thảo luận được lặp đi lặp lại cho đến khi nhận được cái gật đầu từ Ban quản lý đường sắt đô thị và hội đồng tốt nghiệp trường Đại học Hoa Sen.” – Cô Nhật Trâm, giảng viên hướng dẫn Trường An và Thái Học chia sẻ.

Bạn có thể chia sẻ một chút về quá trình nghiên cứu phục vụ cho việc thực hiện đồ án?

“METRO là một phương tiện rất mới ở Việt Nam. Tụi mình đã nghiên cứu, học hỏi từ những METRO có cách làm thương hiệu, truyền thông bài bản và thành công nhất ở các nước trên thế giới. Song song đó, phối hợp với HCMC METRO để đưa ra những giải pháp thiết kế sao cho thật sự phù hợp với người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Tụi mình cũng đã rất may mắn khi được cô Nhật Trâm và HCMC METRO tạo điều kiện để đi khảo sát thực tế các nhà ga, trung tâm điều khiển, khu vực bảo dưỡng, vào xem tận mắt các toa tàu; được hiểu về cách mà bộ máy vận hành sẽ làm việc và được nghe về rất nhiều kế hoạch trong tương lai. Ngoài ra, tụi mình còn được tham dự các buổi tọa đàm, thảo luận về các câu chuyện, cơ hội và thử thách xung quanh HCMC METRO.” – Trường An.

Chuyến tàu điện ngầm … chở theo biết bao giá trị đời thường 

Tuyến đường METRO số 1 quá dài để thể hiện trong một thiết kế chuyển động, thế nên việc xuất hiện của mỗi thành tố chắc hẳn mang một hàm ý đặc biệt nào đó. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về các yếu tố được đưa vào trong đồ án của mình?

“Ngoài ra, tụi mình cũng muốn giành không gian để nhắc nhớ về những di tích lịch sử như Tượng đài “Mẹ miền Nam”, Lăng Ông cha cả, Bến Nhà rồng hay một số hình ảnh chỉ còn trong ký ức về Sài Gòn xưa … như một lời tri ân đến thế hệ đi trước đã góp sức vào công cuộc dựng nước, để ngày xưa chúng ta có Sài Gòn đẹp lắm, còn ngày nay thì có Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh.” – Trường An.

Có mối liên hệ nào giữa các “công trình” Mê ngắm – Mê nghe – Mê chạm – Mê nếm – Mê hương? Tại sao các bạn kết hợp các thành tố đó với nhau?

“Con người cảm nhận sự vật, hiện tượng thông qua ngũ quan. Cho nên khi tìm cách để Mê Trô Mê Phố được hiện lên một cách rõ ràng, mạnh mẽ, hệ thống và thú vị, nhóm mình chọn cách tập hợp từng giác quan lại với nhau thông qua những hình ảnh rất thân thuộc với người dân thành phố.

​​Trong tương lai, hệ thống METRO sẽ đem lại cho mọi người những trải nghiệm tuyệt vời, để các bạn có thể cảm nhận sâu sắc từng góc phố qua từng giác quan của mình.” – Thái Học.

Nhóm đã phải tự xoay sở tất cả mọi khâu như một team của công ty quảng cáo.

Đâu là công đoạn các bạn mất nhiều thời gian và công sức nhất?

“Hai bạn và cả tôi đã rất đắn đo để đi đến quyết định theo đuổi đề tài này, vì đây vừa là cơ hội cũng lại là một thử thách lớn cho team. Vừa là một đồ án tốt nghiệp, vừa là một dự án thực tế khi có sự đóng góp, xét duyệt của các anh chị từ HCMC METRO, đóng vai trò “khách hàng”, nên team thực sự phải dành rất nhiều thời gian để có sự cân bằng tốt nhất giữa tính nghệ thuật và tính ứng dụng. 

Dự án đòi hỏi khắt khe về chất lượng, thời gian, thái độ làm việc chuyên nghiệp và rất nhiều kỹ năng. Rất may mắn là hai bạn đã được các thầy cô đào tạo khá bài bản và chuyên sâu tại ngành Thiết kế đồ họa của trường Đại học Hoa Sen. Nhóm phải tự xoay sở tất cả mọi khâu từ research (nghiên cứu), strategy (chiến lược), art (nghệ thuật), visualize (minh họa), copy (viết lời), digital (kỹ thuật số), proposal (nội dung đề xuất) present (trình bày), … tất tần tật như một team của agency quảng cáo (công ty quảng cáo).

Ngoài ra, công đoạn suy nghĩ ý tưởng, tranh luận và hệ thống mọi thứ thành một tổng thể thống nhất cũng khá thử thách đối với các bạn.” – Cô Nhật Trâm chia sẻ thêm.

Dự án HCMC METRO đã được triển khai về mặt truyền thông như thế nào?

“Hiện tại các hạng mục nhận diện thương hiệu và một số sản phẩm truyền thông đã được HCMC METRO đưa vào sử dụng. Thời gian tới, nhóm tụi mình, HCMC METRO và đại học HOA SEN đang thảo luận để tiếp tục hợp tác phát triển thêm một số sản phẩm truyền thông, quảng cáo khác.” – Trường An.

Trong bối cảnh hiện tại, kế hoạch sắp tới của các bạn là gì?

“Tụi mình vẫn đang làm việc tự do và thực hiện các dự án cá nhân. Tuy nhiên cũng đã sẵn sàng cho những cơ hội mới với những thử thách lớn hơn tại một creative agency (công ty sáng tạo) nào đó.” – Trường An.

Cùng chúng mình hình dung về sự thay đổi của thành phố khi những chuyên tàu METRO bắt đầu lăn bánh nhé!

Về Thành phố Hồ Chí Minh – HCMC METRO

HCMC METRO là hệ thống các tuyến tàu điện ngầm đang được quy hoạch và xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống bao gồm 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 169 km, 1 tuyến tàu điện 12,8 km và 2 tuyến đường đơn dài 43,7 km. Đây là hệ thống đường sắt đô thị thứ hai của Việt Nam sau Hà Nội, được khởi công từ năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư xấp xỉ 50.000 tỷ đồng.

Xem chi tiết tiết về bộ nhận diện thương hiệu của HCMC METRO tại đây

Liên hệ và xem thêm các dự án khác của hai bạn trẻ nhé!

Trường An: Behance | Facebook

Thái Học: Behance | Facebook

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

brand identity design iD interview idesign signature may Mê Trô Mê Phố metro Thái Học Trường An

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…