Cuộc chiến giữa designer và nhà thống kê trên mặt trận infographic

Lĩnh vực thị giác hóa dữ liệu luôn là nơi đấu tranh giữa sự chính xác và tính thẩm mỹ.

Một mặt, nhà thiết kế nói rằng dữ liệu có thể thay đổi được, miễn sao phần trình bày bắt mắt là ổn. Mặt khác, những nhà thống kê nói rằng không nên bỏ đi sự rõ ràng để đề cao sự đổi mới hoặc giải trí.

Báo cáo AIGA Design Census mới nhất là sự minh họa rõ ràng cho cuộc tranh luận này. Được xuất bản bởi tổ chức thiết kế chuyên nghiệp lâu đời và lớn nhất tại Mỹ, báo cáo – dựa trên một khảo sát trong ngành – chứa nhiều thông tin cốt lõi có giá trị về lĩnh vực sáng tạo của quốc gia, tuy nhiên một số người lại tranh luận rằng các kết quả lại bị cản trở bởi hình thức trình bày dữ liệu “rất tệ”.

Biểu đồ cho thấy số năm kinh nghiệm của 9000 người tham gia phản hồi.

Những dòng bong bóng màu vàng tươi sẽ trở nên rất thú vị, bắt mắt và nổi bật trên nền màu hồng da cam, tuy nhiên nó khiến người đọc cảm thấy khó khăn khi so sánh các hình dạng với nhau. Một biểu đồ cột đơn giản như bên dưới sẽ truyền tải thông tin tốt hơn.

Trong một bảng dữ liệu thể hiện mức độ hài lòng trong công việc khi xét về loại hình phúc lợi, những người tham gia khảo sát được trình bày dưới dạng các cụm chấm điểm trông như vi khuẩn nằm trong đĩa cấy. Những hình dạng tế bào này nhìn cũng đẹp nhưng các nhà thống kê lại cho rằng biểu đồ cột đơn giản sẽ là lựa chọn trình bày thích hợp nhất.

“Trọng tâm không phải là cách truyền tải dữ liệu rõ ràng nhất có thể mà là tính thẩm mỹ về mặt thị giác,” Stephen Few, chuyên gia thị giác hóa dữ liệu và tác giả của quyển Show Me the Numbers: Designing Tables and Graphs to Enlighten, chia sẻ sau khi xem qua báo cáo. “Thay vì được xây dựng theo cùng một loại, nhiều biểu đồ trong ấn phẩm này lại được trình bày theo nhiều cách khác nhau vì tác giả muốn có sự đa dạng.”

Antony Unwin, giáo sư lĩnh vực thống kê qua máy điện toán và phân tích dữ liệu tại trường đại học Augsburg nói rằng, “Thật đáng thất vọng. Tôi đã mong đợi một thứ gì đó tốt hơn từ tổ chức có uy tín như thế này.” Khi được hỏi là sẽ thay đổi bố cục đồ họa tệ hại này như thế nào, Unwin chê trách rằng, “Tôi chẳng thể yêu cầu họ làm được gì bởi họ ở hành tinh rất khác.”

Accurat, một công ty thiết kế thực hiện biểu đồ cho ấn phẩm AIGA Design Census, nói rằng mục tiêu của họ là thu hút sự chú ý của độc giả dù thậm chí là phải làm họ bỡ ngỡ lúc ban đầu. “Tôi cảm thấy rằng việc trình bày dữ liệu thật bùng nổ sẽ mang một giá trị nhất định bởi thu hút sự chú ý của độc giả cũng quan trọng tựa như việc truyền tải dữ liệu đúng cách,” Gabriele Rossi, nhà đồng sáng lập của Accurat, chia sẻ.

Với nhiều văn phòng tại Milan và New York, Accurat đã nâng tầm yếu tố phong cách trong thiết kế thông tin đến mức mà tác phẩm của nhà đồng sáng lập công ty được xuất hiện trong một dòng sản phẩm thời trang.

Dù Accurat cũng có nhiều thiết kế đồ họa rất tốt cho các khách hàng như IBM, Deloitte và the Bill & Melinda Gates Foundation, Rossi coi báo cáo của AIGA như là một tư liệu tiếp thị hướng đến những nhà thiết kế hơn là những người cần phân tích thông tin. Phương pháp này mang nhận định ngầm: Rằng nhà thiết kế cần phải ‘thấy vui’ mới có thể tiếp nhận thông tin.

Hai phương pháp trong thị giác hóa dữ liệu

Sự bất đồng giữa nhà thiết kế và nhà thống kê không hề hiếm gặp cũng không quá mới mẻ. Năm 2012, Unwin và nhà thống kê Andrew Gelman đã viết một bài luận về vấn đề này:

Khi nằm ngoài lĩnh vực thống kê thì infographic vô cùng rộng lớn nhưng các công ty cung cấp và đối tượng thích thú với nó lại không mấy quan tâm đến các nguyên lý thống kê. Chúng tôi lo ngại rằng những nhà thiết kế đồ họa dữ liệu không có tư duy thống kê sẽ không tập trung lắm vào việc truyền tải thông tin và vẻ đẹp của nhiều hình ảnh được sản xuất chuyên nghiệp có thể làm cản trở việc thấu hiểu dữ liệu trong nhiều tình huống.

Rossi của Accurat đã chia sẻ với Quartz về sự khác nhau trong phương pháp là kết quả của những mục tiêu truyền tải khác nhau. Nếu nhà thống kê coi việc thị giác hóa dữ liệu là hướng đến việc truyền tải rõ ràng và đúng nhất các dữ liệu số sang hình thái đồ họa, nhà thiết kế lại hiểu rằng một biểu đồ có thể là công cụ trong bức tranh tiếp thị và xây dựng thương hiệu to lớn hơn. Đó chính là sự khác biệt giữa việc ghi chép hàn lâm và thị giác hóa diễn giải.

“Chúng ta cần phải thu hút sự chú ý trên phương tiện xã hội,” Ross giải thích. “Bạn có chia sẻ 10 tấm ảnh trên Instagram nếu chúng tương tự nhau không? Nếu có thì chắc hẳn đó sẽ không là một chiến lược phương tiện xã hội thấu đáo.”

Tương tự như các hình thái thiết kế đồ họa khác, việc thử nghiệm các phông chữ, hình dạng và lưới là là một cách để tránh bị nhàm chán về mặt thị giác, Rossi chia sẻ. “Ví dụ như đối với các poster dành cho rạp phim, dĩ nhiên là phông chữ Helvetica màu đen trên nền trắng lúc nào cũng dễ đọc hơn nhưng liệu bạn có chú ý đến khi nó xuất hiện trên đường tàu ngầm không? Tương tự, liệu bạn có chú ý một biểu đồ cột trơn và chuẩn xác với các đường thẳng theo như các học giả khuyến khích?”

Không phải mọi biểu đồ theo lối thiết kế truyền thống đều tỏ ra hiệu quả. Một ví dụ trong báo cáo AIGA Design Census là biểu đồ thể hiện sự phân bố thời gian cho công việc hiện tại đối với nhiều loại ngành nghề khác nhau của người tham gia khảo sát. Đây là dữ liệu mà các nhà nghiên cứu sẽ chế giễu ngay lập tức và thay thế bằng biểu đồ đường thay vì các hình dạng cong. Dù vậy, nó vẫn rất đẹp và thể hiện rõ ràng rằng đối tượng tự chủ làm việc có xu hướng giữ vững vị trí của mình lâu hơn những người làm công cho một công ty.

Nhà thống kê tin rằng thị giác hóa dữ liệu nghĩa là truyền tải thông tin một cách hiệu quả. Nếu thực hiện đúng, người đọc có thể nhanh chóng nhận ra quy tắc và mối quan hệ trong hình thái đồ họa mà văn bản sẽ khó giải thích hơn. Thực tế thì mọi chuyện thường sẽ phức tạp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế chú ý ngày nay. Để thu hút sự quan tâm của người đọc, người thực hiện thị giác hóa không chỉ cần phải nghĩ cách để truyền tải thông tin thật cô đọng mà còn phải khiến nó thật thu hút và kích thích thị giác. Các biểu đồ cột và đường sẽ trở nên nhàm chán đối với một số người dù chúng có hiệu quả.

Nhà thiết kế thông tin tác động Nigel Holmes đã phải vật lộn với thách thức này khi đưa phương thức thực hiện đồ họa mới cho tạp chí TIME vào những năm 1970. Làm việc dưới giám đốc nghệ thuật Walter Bernard, ông đã tạo biểu đồ cột trên lưng ngựa, biểu đồ cong trên giường bệnh viện và nhiều biểu đồ ngu ngốc khác mà những người theo chủ nghĩa thuần túy như nhà tiên phong thiết kế thông tin Đại học Yale Edward Tufte gọi là “biểu đồ rác”.

Trong quyển sách mới Mag Men: Fifty Years of Making Magazines (Columbia University Press), Holmes viết rằng:

Dần dần tôi đã đi quá trớn và minh họa khiến việc trình bày các con số trở nên khó khăn hơn. Điều tôi muốn làm là khiến mọi người trở nên hứng thú với chủ đề của các bài viết. Tôi đã dành nhiều thời gian trò chuyện với các tác giả, những người đã giúp tôi tin rằng mình có thể nghiên cứu hoàn thiện các biểu đồ. Nếu có thể khiến người đọc mỉm cười, tôi đã đi được nửa chặng đường khi giúp họ hiểu được bài viết.

Sau một vài năm, tôi cảm thấy rằng có lẽ một vài biểu đồ đã đi quá xa nên đã bình ổn phần minh họa lại một chút. Điều đó đưa đến một nhắc nhở quan trọng: “Có phải chúng ta lại trở về với các biểu đồ nhàm chán không?’ Một điều thú vị là sau nhiều năm thay đổi phong cách, tôi vẫn nhận được nhiều yêu cầu để khiến mọi thứ nhẹ nhàng hơn đã từng thực hiện tại tạp chí TIME (Tôi rất sẵn lòng để làm theo). Trọng tâm vẫn luôn giống như lúc trước, đó chính là thu hút người đọc.

Các biểu đồ tệ hại

Một ví dụ kinh điển về đồ họa không hiệu quả nhưng được ưa thích là world cloud. World cloud là một nhóm gồm các từ liên quan đến một khái niệm chủ đạo và thường sử dụng các từ ngữ với kích thước phông chữ lớn và nằm gần trung tâm của đồ họa. Các chuyên gia dữ liệu đồng tình rằng đây là một cách truyền tải tần suất rất tệ.

Một ví dụ về word cloud được sử dụng trong bài blog của Salesforces.

Các nhà thị giác hóa dữ liệu thường được yêu cầu để tạo các word cloud để tổng hợp bài phát biểu của một chính trị gia hay báo cáo của công ty. Tại sao người viết và biên tập viên xuất chúng lại muốn một biểu đồ không hiệu quả như vậy? Lý do là bởi họ nghĩ rằng nó trông rất hay ho và khác biệt. Nếu một word cloud khiến người ta đọc báo cáo hoặc bài viết mà bình thường họ sẽ không xem qua thì liệu chúng ta có thể coi nó là không hiệu quả?

Một ví dụ khác là biểu đồ tròn. Bị chê trách bởi các chuyên gia dữ liệu, một nghiên cứu năm 1984 cho thấy xu hướng mà người ta đánh giá thấp các góc nhọn (bé hơn 90°) và đánh giá cao các góc tù (lớn hơn 90°). Tuy nhiên các biểu đồ tròn vẫn duy trì vị trí của chúng bởi người ta thích hình tròn hơn tam giác.

Biểu đồ tròn tệ hại.

Có một nghiên cứu khoa học lớn về các dạng biểu biểu đồ hiệu quả nhất khi thể hiện thông tin. Nghiên cứu này chỉ ra rằng người đọc có thể dễ dàng so sánh sự khác biệt về độ dài hơn là khác biệt về khu vực cũng như đánh giá khu vực hình vuông chính xác hơn khu vực hình tròn. Hầu như các nhà thống kê đều đề nghị sử dụng biểu đồ cột thay vì biểu đồ tròn. Tuy nhiên, thậm chí những chuyên gia thành thục nguyên tắc cơ bản như Accurat thường sẽ bỏ qua nó và đây có thể là một lựa chọn tốt.

Một bản hoạt họa tương tác về tờ trình ngân sách của cựu tổng thống Barack Obama năm 2013 trong tạp chí New York Times chứa đầy đủ thông tin và vui nhộn. Có nhiều khía cạnh mà bản hoạt họa này không tuân theo quy tắc, đặc biệt là cách ứng dụng các vòng tròn thay vì khoảng cách để thể hiện chênh lệch trong lượng chi phí.

Các ví dụ này cho thấy sự mâu thuẫn cơ bản trong việc thị giác hóa dữ liệu: Tìm kiếm sự cân bằng giữa sự khéo léo và thấu hiểu; sự bay nhảy thị giác và tính chính xác.

Điểm bất đồng

Sự thật trớ trêu rằng một tổ chức thiết kế như AIGA lại xuất bản một báo cáo có sự trình bày dữ liệu “tệ” không nằm ngoài tầm phê bình. Suy cho cùng thì các nhà thiết kế đồ họa thường được giao nhiệm vụ tạo đồ họa cho báo cáo, ấn phẩm và bài thuyết trình.

Few, tác giả của Show Me the Numbers tranh luận rằng sẽ tai hại hơn khi nhiều sai phạm như thế lại không được kiểm tra. “Đây là một ấn phẩm từ tổ chức được cho là tường tận vấn đề này, phải không? Bạn mong rằng họ sẽ đi đầu trong lĩnh vực này ở một mức độ nhất định,” ông chia sẻ. “Loại ấn phẩm này chỉ ám chỉ rằng nhà thiết kế có thể tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng thấp.” Few đề nghị rằng chúng ta sẽ có các biểu đồ tốt hơn nếu nhà thiết kế đồ họa tham gia tạo biểu đồ học qua một vài nguyên lý thống kê cơ bản và ngược lại, các nhà thống kê cũng biết được các nguyên tắc thiết kế để có được những biểu đồ tốt hơn.

Rossi của Accurat đã nhấn mạnh những áp lực khác nhau giữa nhà thiết kế chuyên nghiệp và các học giả. Ông thừa nhận rằng công ty đã có thể tạo các biểu đồ tốt hơn cho AIGA nếu được giao nhiều tài nguyên hơn. “Chỉ là bạn cần phải hình dung rằng đây là một dự án phi lợi nhuận so với những gì mà chúng tôi thực hiện trong thời gian rảnh với một phần tư ngân sách,” ông chia sẻ. Rossi cũng đề cập rằng ông phải làm việc với các khuôn khổ sáng tạo từ Google Design, đơn vị đồng tài trợ dự án cùng với AIGA. “Với cương vị của những chuyên gia, chúng tôi cần phải hoàn thành vỏn vẹn trong hai ngày những công việc mà nhà nghiên cứu học thuật có thể thực hiện trong hai năm,” ông chia sẻ.

Đối với Few, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của quá trình thị giác hóa báo cáo AIGA Design Census là người đọc được thúc ép để tìm hiểu cách đọc mỗi biểu đồ. Trong trường hợp này, tính đa dạng lại là một cản trở. “Nếu sử dụng nhiều loại biểu đồ để chỉ cùng một thứ, bạn đang khiến người đọc phải tìm hiểu lại cách đọc biểu đồ mỗi khi xem qua một cái mới,” Few chỉ ra. “Không có lý do gì để đưa người đọc vào vòng cung tìm hiểu ấy khi họ đọc một báo cáo.”

Tuy nhiên Rossi nói rằng điều này là do thiết kế. “Chúng ta kích thích sự tò mò bằng cách yêu cầu người đọc tìm hiểu cách hoạt động của biểu đồ,” ông chia sẻ.

Bằng nhiều cách khác nhau, những bất đồng trọng yếu giữa nhà thống kê và nhà thiết kế phản ánh sự thay đổi trong tư duy về các yếu tố cấu thành nên một thiết kế tốt. Có một thời kì khi mục tiêu chung là tạo ra trải nghiệm xuyên suốt và trơn tru. Nhà thiết kế được giao nhiệm vụ xóa bỏ các cản trở và dự đoán tâm lý người dùng. Trong tuyển tập The Design of Everyday Things, chuyên gia thiết kế Don Norman viết rằng “Khi nơi giao thoa giữa sản phẩm và con người trở thành điểm bất đồng, nhà thiết kế công nghiệp đã thất bại.”

Trong những năm gần đây, chuyên gia trải nghiệm người dùng đã bắt đầu thay đổi tư duy của mình. Họ đã nhận ra rằng một trải nghiệm thông tin và công việc trơn tru sẽ khiến khách hàng trở nên thụ động và không có tư duy. Dù theo hướng tốt hay xấu thì phương pháp thực hiện các biểu đồ không hoàn hảo có chủ đích của Accurat đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cản trở để kích thích sự tham gia, tò mò và liên kết với người dùng.

Tác giả: Anne Quito và Dan Kopf
Người dịch: Đáo
Nguồn: Quartz

Cùng tác giả

#Tag

data data visualization designer infographics statistician trực quan hóa dữ liệu

iDesign Must-try

8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 1)
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng đổi mới nào trong thiết kế sẽ thống trị lĩnh vực thiết kế đồ họa vào năm 2022? Cùng chúng mình xem qua các xu hướng thiết…
Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
Designer, đây là những dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển
Thỉnh thoảng bạn tự hỏi, liệu mình có đang tiến triển gì trong công việc? Cách rõ nhất để thấy được sự phát triển là đạt được thành tích, mục…
5 con đường khác nhau để trở thành designer
5 con đường khác nhau để trở thành designer
Khi nói đến việc xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, có vô số con đường khác nhau để người ta có thể đi theo. Trong bài viết này,…
[UX / UI]: 5 thói quen đơn giản giúp bạn cải thiện khả năng UX research
[UX / UI]: 5 thói quen đơn giản giúp bạn cải thiện khả năng UX research
 Hôm nay, Joanna – một nhà thiết kế trải nghiệm người dùng tại Microsoft  sẽ làm sáng tỏ năm thói quen quan trọng cần thực hành trong khi tiến hành nghiên cứu…
‘Tất tần tật’ về trực quan hóa dữ liệu (Data Visualization)
‘Tất tần tật’ về trực quan hóa dữ liệu (Data Visualization)
Trực quan hóa dữ liệu là gì? Tại sao chúng ta cần trực quan hóa dữ liệu? Và làm thế nào để tạo trực quan dữ liệu hiệu quả? Hiện nay, trực…
Top 10 công cụ online hữu ích dành cho dân thiết kế
Top 10 công cụ online hữu ích dành cho dân thiết kế
Trong bài viết này, iDesign sẽ chia sẻ đến các bạn những công cụ trực tuyến hữu ích trong việc thiết kế đồ họa & thiết kế web. 1. Gingersauce:  Tạo…