iD x Du Bút: ‘Ê có khi nào…?’ và tất tần tật về quy trình xuất bản sách sáng tạo (Phần 1)

Không giới hạn mình là một nhà xuất bản đơn thuần, với “Ê có khi nào…?”, lần đầu tiên Du Bút thử mình ở vai trò Art Direction. Từ đó, ta có một phép cộng hưởng giữa sáng tạo, những suy nghĩ ngược đời và người làm sách. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng “khai mở” Du Bút để tìm hiểu từ A-Z quy trình tạo nên cuốn sách đặc biệt “Ê có khi nào…?” và trò chuyện về ngành xuất bản sách sáng tạo ở Việt Nam.

Loạt bài bao gồm 2 phần:

Giờ thì mời bạn đến với phần đầu tiên nhé!

Cuốn sách “Ê có khi nào…?” – tác phẩm mới nhất, độc đáo nhất của Huỳnh Vĩnh Sơn (hay còn được biết đến với cái tên Sói Ăn Chay – tác giả của “Ý tưởng này là của chúng mình”, “90-20-30”) đã nhận được rất nhiều phản hồi hứng thú và tích cực của độc giả. Đây là lần đầu tiên Du Bút bước ra khỏi vị trí một nhà xuất bản và dấn thân trở thành Art Director của một tác phẩm sách. Cuốn sách có 1-0-2 này, không chỉ được tạo nên bởi cá tính sáng tạo của Sói Ăn Chay – copywriter “lão làng” của ngành sáng tạo Việt Nam mà còn bởi công sức và sự tâm huyết của đội ngũ Du Bút và JoiKid (phần công nghệ AR). 

iDesign chúng mình đã cùng ngồi xuống với Du Bút, JoiKid để lắng nghe những câu chuyện hậu trường đằng sau quá trình nhào nặn, chuẩn bị và cho ra mắt “Ê có khi nào” cũng như những chia sẻ về sách sáng tạo và ngành xuất bản tại Việt Nam. Mời bạn cùng theo dõi cuộc trò chuyện thú vị này với iDesign nhé! 

1. Cơ duyên nào khiến Du Bút gặp gỡ và hợp tác với tác giả Sói Ăn Chay để ra mắt cuốn “Ê có khi nào?” 

BTV Mỹ thuật Thanh Quỳnh (Đại diện Du Bút): Cái này thì đúng là cơ duyên thật. Làm trong ngành sáng tạo, có lẽ ai cũng từng một lần đọc cuốn “Ý tưởng này là của chúng mình” nhưng không ai ngờ có một ngày, tụi mình có cơ hội hợp tác cùng anh Sói.

Mình nhớ lần đầu tiên tiếp xúc với bản thảo này là 26 Tết năm 2020. Qua fanpage, một bạn nhắn tin hỏi tụi mình có hỗ trợ tác giả sáng tác không hay chỉ xuất bản sách tự làm thôi. Với bản chất tò mò,, tụi mình đồng ý hẹn cà phê ngay. Ngờ đâu, anh Sói xuất hiện cùng bản thảo “Ê có khi nào…?”

Bản thảo “Ê có khi nào…?” đã có một hành trình khá gian truân với nhiều đơn vị làm sách khác, trước khi tới tay Du Bút. Mối lo lớn nhất của các đơn vị làm sách khác là sách không có đối tượng đọc vì hình thức quá mới mẻ và kỳ lạ của bản thảo.

Nhưng đây lại là điểm khiến Du Bút thích thú với bản thảo này vô cùng và quyết định phải thực hiện. 

3. Được biết đây là cuốn sách đầu tiên mà Du Bút tham gia trong vai trò Art Director, team có thể chia sẻ nhiều hơn về vai trò này không? Du Bút nghĩ mình có những lợi thế kinh nghiệm nào trước khi bước vào vai trò này?

Quỳnh: Trước đó tụi mình cũng đã có kết hợp với các bạn tác giả, hoạ sĩ để làm phần hình ảnh, không phải can thiệp 100% mà sẽ có chỉnh sửa và thống nhất với nhau. Đó cũng là công việc của Art Director. Tuy nhiên, “Ê có khi nào” là cuốn đầu tiên chúng mình làm từ A-Z về phần hình và kết hợp với phần chữ của anh Sói. Đây có thể là bước trưởng thành hơn của Du Bút chăng? Thay vì đứng trong bóng tối thì bây giờ đã trực tiếp tham gia, hợp tác với tác giả để tạo ra một sản phẩm chứ không chỉ là người thực hiện in ấn, người đi xin phép hay đứng phía sau nữa. 

Về lợi thế, chúng mình có nhiều lợi thế. Thứ nhất, biên tập viên nội dung Phúc Du là người có kinh nghiệm viết nhiều và đa dạng thể loại: văn học, báo, tạp chí, content và cả kịch bản phim. Nhờ vậy, Phúc Du đủ bình tĩnh và “mạnh tay” để có thể thêm thắt, gọt giũa, tìm ra một mạch xuyên suốt cho một cuốn sách mà mỗi dòng đều có thể là một câu chuyện độc lập như “Ê có khi nào…?”. 

Bản thân mình, với nền tảng làm đa phương tiện hơn 6 năm trước khi chuyển qua làm sách, mình tiếp cận bản thảo như tiếp cận và tìm giải pháp cho bất kỳ design brief (tóm tắt thiết kế) nào. Có thể nhờ vậy mà tầm nhìn và định hướng mỹ thuật của mình phóng khoáng hơn một tí, không bị bó buộc trong khuôn khổ truyền thống của ngành xuất bản. Đối với mình, “Ê có khi nào…?” không chỉ thuần tuý là 300 trang sách mà là một thương hiệu, cần một bộ nhận diện và triển khai nhất quán ở tất cả các “điểm chạm” (touch points) để người đọc có một trải nghiệm mượt mà và đồng nhất, dù là lướt ngang qua banner hay cầm sách trên tay đều cảm nhận được cái “chất” của “Ê có khi nào…?”.

Mỗi người ở Du Bút đều có những thế mạnh khác nhau và thật vui khi mọi người có cơ hội được phát huy thế mạnh đó trong cuốn sách này. 

4. “Ê có khi nào” là cuốn sách rất đặc biệt về hình thức, làm thế nào mà team có thể định hình, quyết định phong cách và thực hiện phần hình hài hoà với phần chữ giữa nhiều cá nhân như thế? 

Quỳnh: Sau khi nhận bản thảo, mình đã có vài ý tưởng cơ bản về hình ảnh rồi nhưng trước hết, chúng mình phải dành thời gian suy nghĩ xem nên xếp cuốn này vào thể loại gì vì nó quá nhiều chủ đề nho nhỏ bên trong. Vậy nên mình đã trình bày ý tưởng với anh Sói. Sau vài buổi thảo luận, mọi người cùng quyết định về hình thức là làm một cuốn sách có thể mang theo mọi lúc mọi nơi, khổ vừa nhỏ để bỏ vào túi xách, cặp táp, cốp xe. Một công dụng có nghĩ tới nữa là mua để sưu tầm, giữ làm một tác phẩm nghệ thuật mini, hoặc để giải trí, suy nghĩ, truyền cảm hứng sau khi đọc xong. 

Bước tiếp theo là xác định lại nội dung. Vì “Ê có khi nào…?” là tập hợp của nhiều câu hỏi thuộc rất nhiều chủ đề, tụi mình cần rút ra một tinh thần xuyên suốt và chủ đạo cho sách. Nếu mà nghĩ một cách nghiêm túc thì đây là những bài học khi làm người lớn, nhưng nghĩ một cách hài hước và vui đùa thì mình có thể nhìn bản thảo như tuyển tập những câu hỏi mặn cho đời bớt nhạt, hỏi nhạt cho đời bớt mặn. Và thế là Du Bút quyết định chọn: “Khi người lớn thắc mắc như một đứa trẻ” làm tinh thần của sách.

Từ nội dung, bọn mình xây dựng hình ảnh. Quay lại với 2 hình ảnh đối lập: trẻ conngười lớn. Khi làm người lớn mình có khá nhiều trách nhiệm, sẽ phải suy nghĩ logic, luôn luôn bị căng thẳng, bớt hỏi vì sao. Làm trẻ con thì dễ vui, luôn thắc mắc, tò mò về cuộc sống, có trí tưởng tượng rất lớn cũng như không suy nghĩ quá nhiều về triết lý cuộc đời hoặc đưa ra những triết lý một cách dễ hiểu và đơn giản. Từ đó, tinh thần nghệ thuật của “Ê có khi nào” là muốn dung hòa giữa hai khái niệm vừa nghiêm túc vừa chơi đùa. Đó là lí do mình chọn cụm từ serious play (chơi đùa nghiêm túc) để gói gọn định hướng hình ảnh. 

5. Du Bút có thể chia sẻ thêm một chút về hai hướng phát triển art direction được không? 

Hướng thứ nhất là mang typography (nghệ thuật sử dụng chữ) vào sách, khi những con chữ cũng muốn tự thể hiện chính mình. Tại Việt Nam, hiện vẫn còn khá ít người dám thử nghiệm với thiết kế chữ trong sách. Mọi người quen nhìn một cuốn sách bình thường đúng hàng kẻ lối, chữ to nhỏ đều đặn. Trong khi mỗi con chữ, mỗi typeface bản thân nó cũng mang một đời sống, một sắc thái, một cá tính riêng. 

Khi nghĩ đến typography, mình đã nghĩ đến Lan Anh đầu tiên. Trong đợt cách ly xã hội, Lan Anh có khởi xướng một challenge “Quarantype ” (thử thách vẽ typography trong thời điểm cách ly), mỗi ngày sẽ có một đề bài và các bạn tạo ra những tác phẩm typography với đề bài đó. Mình đã nghĩ những tác phẩm typography Việt rất sôi động trên mạng xã hội nhưng không một ai mang nó vào định dạng xuất bản. Mọi thứ tồn tại trên mạng xã hội rất ngắn ngủi, chỉ có thể là xu hướng trong vòng 1-2 ngày, 1-2 tuần rồi thôi. Trong khi vòng đời của cuốn sách dài hơn như thế và chúng ta có thể xem đi xem lại nhiều lần. Vậy nên mình quyết định mang sự chơi đùa với chữ vào “Ê có khi nào…?” này. Hướng đi đó cũng quyết định luôn về màu sắc. Muốn chơi đùa thì sẽ chọn những màu tươi sáng, gây ấn tượng cao nên mình dùng hẳn ba tone màu cơ bản đỏ, xanh dương, vàng. 

Hướng thứ hai là bằng minh hoạ, người minh hoạ sẽ chơi đùa với hình để dung hòa người lớn bằng tinh thần vui đùa trẻ con. Từ đó mình mới nghĩ về hướng minh họa theo kiểu comic (truyện tranh), với màu sắc và các hiệu ứng đổ bóng kiểu halftone, mang nét hài hước, hồn nhiên, điều mà chữ đôi khi không thể hiện. Mình đặt niềm tin vào Vũ Tuấn Anh để thổi hồn vào minh hoạ cho “Ê có khi nào…?”. 

Qua 7749 vòng (thật ra thì cũng không nhiều lắm), “Ê có khi nào…?”  đã như hiện tại. Từ một concept art ban đầu khá cứng nhắc và còn nhiều phần nghiêm nghị, “Ê có khi nào…?” đã mang dáng hình mềm mại, uyển chuyển và ngẫu hứng, tinh nghịch hơn nhờ sự góp ý rất nhiều của Lan Anh (chịu trách nhiệm phần typography) và Tuấn Anh (chịu trách nhiệm minh họa).

6. (Câu hỏi dành cho hoạ sĩ Vũ Tuấn Anh): 

Bạn tìm kiếm cảm hứng và phong cách vẽ minh hoạ cho “Ê có khi nào” như thế nào? Bạn có cần thường xuyên trao đổi ý nghĩa câu chữ với tác giả và BTV không? 

Mình là Tuấn Anh, hoạ sĩ minh hoạ cho “Ê có khi nào”. Phần việc của mình trong “Ê có khi nào” như là được dọn sẵn. Khi đi họp, các anh chị bên Du Bút đã có hầu hết ý tưởng cho các câu trong sách rồi nên công việc của mình gần như chỉ là vẽ thôi. Mình cũng khá ít trao đổi với tác giả và BTV.

Ban đầu thì chỉ có ba màu và mình chỉ đi theo theo brief (bản giao việc) đó thôi. Nhưng sau khi xem bản thảo cuối cùng, mình thực sự wow. Nó giống như khi bạn xem một bộ phim chưa có biên tập, chưa có hậu kì nhưng sau khi xem bản thảo cuối cùng thì như được xem phim ở rạp vậy. 

7. (Câu hỏi dành cho Lan Anh Ng): 

Với niềm tin chữ viết cũng có linh hồn, Lan Anh đã thực hiện quá trình thổi hồn cho chữ với “Ê có khi nào” như thế nào? 

Hồi nhận được tin nhắn của chị Quỳnh, cảm xúc của mình vừa lo vừa mừng. Mừng vì nhận được một lời đề nghị làm việc với chữ, với sách. Thứ hai là lời đề nghị này đến từ  người hiểu rõ chính xác những gì mình sẽ hoàn thiện . Bởi vì khi đã xác định  rồi thì sự mong đợi cũng sẽ cao hơn. 

Với “Ê có khi nào”, cách tiếp cận công việc, đề bài rất khác. Sau khi chị Quỳnh gửi hơn 300 câu bản thảo, mình mới thấy nội dung sẽ không đi theo một kiểu thông thường mà các cuốn sách thường làm. Với đề bài như này, mình dùng từ “bâng quơ” để miêu tả cảm xúc của mình khi thực hiện các typography trong cuốn sách. 

Cũng như các dự án khác, trước khi bắt tay vào làm mình luôn đặt câu hỏi là với cái layout này sao mình lại dùng nó, lại dùng màu sắc này, font này. Nhưng riêng với “Ê có khi nào”, mình phải làm việc một cách bâng quơ đúng như cuốn sách. Khi nghĩ ra được idea (ý tưởng), lúc nào mình cũng giữ trong đầu đây là idea thuần tuý nhất và nó mang tính bâng quơ, bất chợt. Mình cố ngăn đầu mình suy nghĩ quá nhiều. Vì nếu hỏi quá nhiều câu tại sao thì mình đã thành người lớn mất rồi.  Cảm xúc sẽ không còn tự nhiên nữa, thế thì sẽ thành ra gượng ép.

8. Bên cạnh minh hoạ hình ảnh ấn tượng, vì sao Du Bút lại quyết định sẽ áp dụng công nghệ AR cho “Ê có khi nào?” 

Khi mới làm thì mình cũng không tính đến chuyện này. Tức là cuốn sách ban đầu định ra mắt vào 01/06 – ngày quốc tế thiếu nhi để nhắc nhở người lớn rằng ai cũng là thiếu nhi và cần thắc mắc nhiều hơn. Nhưng sau đó thì vì dịch bệnh nên “bể kế hoạch”, bọn mình cũng phải ngồi nghĩ lại kế hoạch phát hành. Mình đọc lại bản thảo thì có câu “Ê có khi nào cuốn sách này không chỉ là một cuốn sách?”.

Lúc đó mình đã nghĩ trong đầu nếu đây không phải một cuốn sách mà là một đoạn phim thì sao. Vì ngành học của mình là Multimedia (Đa phương tiện), tức là kết hợp các các kênh truyền thông, nên mình vẫn luôn mong muốn được thử nghiệm với công nghệ AR (Augmented Reality – Thực tế ảo tăng cường). Đến lúc này, mình mới bắt đầu nghĩ về việc “lên level” cuốn sách bằng việc đưa công nghệ AR vào.

Bắt đầu với tranh typography của Lan Anh, chúng rất có tiềm năng trong việc làm motion graphic (đồ họa động) và mang tính bất ngờ trong đó. Sau đó mình mới thêm một số đoạn hoạt hình vào với tranh minh hoạ của Tuấn Anh và những câu mà người đọc khó hiểu ngay như: “Ê có khi nào hoàng tử là con cóc mình chịu hôn?” để người đọc quét và hiểu ngay, cảm thấy hài hước hơn khi câu được diễn giải theo đúng nghĩa đen của nó. 

Trải nghiệm công nghệ AR của “Ê có khi nào…”

9. (Câu hỏi dành cho JoiKid): 

Công nghệ AR được áp dụng trong sách là một hình thức thể hiện vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. JoiKid mong muốn độc giả sẽ đón nhận chiều không gian khác biệt nhờ AR trong “Ê có khi nào” như thế nào?

Anh Tuấn (Đại diện JoiKid): Công nghệ này thực sự không mới và đã được phát triển. Hồi xưa ai muốn làm AR thì vẫn phải làm một cái app riêng… 1-2 năm trở lại đây, Facebook tập trung rất nhiều vào mảng AR và VR, giúp nó phát triển nhanh hơn, từ đó ai cũng có thể truy cập, vì phần lớn mọi người đều dùng Facebook hoặc Instagram. Khi làm chức năng AR thì người dùng có sẵn app sẽ xem được rất nhanh, không cần phải cài đặt riêng. 

Team Du Bút có ý tưởng làm AR cho cuốn sách và đã dùng thử một số dịch vụ bên ngoài để làm thử 1-2 trang, nhưng sẽ buộc người dùng phải cài app riêng. Tình cờ team Du Bút cũng quen một người bạn trong JoiKid.  Từng làm một số dịch vụ tương tự (như thiệp mời của Masan), nên JoiKid cũng đầu tư nghiên cứu thêm về mảng AR của Facebook, thấy hiệu ứng rất tốt nên tập trung vào nghiên cứu làm chuyển động, rồi tìm hiểu cả quá trình dùng sản phẩm của Facebook như thế nào. Khi tới gặp JoiKid thì team Du Bút đã có hình dung về việc làm chuyển động thế nào và cũng cần gấp để ra mắt sách, nên mọi thứ rất nhanh. JoiKid chỉ có 2-3 tuần làm và sửa. Phía JoiKid chia công việc, làm chuyển động, hỗ trợ kỹ thuật để đưa thành AR trên Facebook. Cái rất hay là các bạn editor bên Du Bút đã có kinh nghiệm về motion graphic nên khi cần chỉnh sửa gì đều rất nhanh.


(còn tiếp)

Bài viết và phỏng vấn: Su.dden
Hình ảnh: Du Bút cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

"Ê có khi nào" artbook concept book du bút dubut ecokhinao iD interview idesign signature joikid lan anh Sói Ăn Chay vũ tuấn anh

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập.…