Jonquil, sắc vàng hoa trường thọ và những màu vàng được ưa chuộng trong lịch sử

Tương tự như mules và kitten heels, hai phong cách đã xuất hiện trong lịch sử và trở nên thịnh hành, Jonquil (màu vàng hoa trường thọ) tựa như một điều lớn lao tiếp theo trong ngành thời trang.

JOHN WILLIAM WATERHOUSE, ECHO AND NARCISSUS, 1903.

Dưới đây là 2 câu chuyện ngụ ngôn về màu vàng:

Trong câu chuyện đầu tiên, một người đàn ông ngồi kế bên hồ nước. Dòng nước óng ánh sắc bạc của ánh trăng và mặt nước trong veo không một chiếc lá hay giọt mưa. Ông có thể thấy được ảnh phản chiếu và cái nhướng mày nhẹ của mình. Ông nhìn lâu đến độ bản thân không còn muốn đồ ăn. Dù ngồi kế bên dòng nước nhưng ông không cảm thấy khát. Cuối cùng, cơ thể đáng quý của ông sẽ dần lão hóa và chết đi. Một bông hoa cánh mỏng tuyệt đẹp xuất hiện ở nơi ông từng ngồi. Vị nữ thần, người đã thấy được quá trình ông qua đời từ góc khuất, đã đặt tên loài hoa ấy. Mỗi năm, cũng tại vị trí ấy, bông hoa thủy tiên mở những cánh hoa màu bơ vàng của mình, hé lộ phần nhụy loa kèn bên trong đại diện cho vẻ đẹp đã bị mất của người đàn ông.

VINCENT VAN GOGH, THE YELLOW HOUSE (THE STREET), 1888.

Ở câu chuyện thứ hai, một nghệ nghĩ ngồi bên khung vẽ của mình và cảm thấy nỗi phiền muộn bắt đầu chiếm mọi ngóc ngách trong tâm trí mình. Thế giới của ông ngập tràn màu xám xịt – ông phát chán với nỗi phiền muộn và sự thờ ơ. Để cứu chữa chính mình, ông bắt đầu ăn những thỏi màu. Ông múc thỏi màu vàng và để vào miệng, khiến hàm răng màu ngà của mình biến thành màu vàng chanh. Ông muốn dung nạp niềm vui để tỏa sáng từ sâu bên trong. Ông ngã bệnh và tự đưa mình đến nhà thương điên. Trong những bức tường của nhà thương St. Paul, ông đã bắt đầu lại công việc vẽ vời của mình.

Thủy tiên là loài hoa thuộc về thần thoại và Vincent van Gogh có thể đã không hề ăn thỏi mực màu vàng. Chúng ta vẫn chưa biết chắc về thứ ông đã ăn (trong lúc ở St. Paul, ông viết cho một người bạn, “Dường như tôi đã cầm một thứ dơ bẩn nào đó và ăn chúng, dù kí ức về khoảnh khắc tồi tệ ấy rất mơ hồ”). Tuy nhiên, không có ghi chép nào về việc Van Gogh đã nuốt màu sơn vàng của mình. Dù có thật hay không thì nó không thật sự quan trọng. Câu chuyện vẫn mãi bí ẩn bởi nó rất hấp dẫn. Nó được phổ thơ và chế ảnh cũng như được lưu truyền khắp nơi trên mạng. Một giả thuyết khá hợp lý khi cho rằng Van Gogh – người nghệ sĩ muộn phiền, sống ở “Nhà vàng”, đã muốn dung nạp một chút ma thuật của sắc vàng. Ai trong chúng ta không từng muốn nuốt lấy một tia nắng mặt trời và uống ngụm vui tươi như nước chanh?

Những câu chuyện huyền thoại ấy nói cho chúng ta điều gì đó về màu vàng – đặc biệt là sắc bơ vàng nhẹ của những bông hoa đầu xuân. Bên cạnh những màu vàng đậm hơn như màu vàng có trong mù tạc, hoa cúc hoàng anh và đất son cho cảm giác tinh vi, gần gũi với đất và dạt dào cảm xúc (đây là những gam màu vàng của tháng 8, màu của những tháng ngày nóng bức và ẩm ướt), cũng có một loại màu vàng thuần túy khác, một sắc vàng lóe lên nhẹ nhàng không chút chói gắt. Được biết với cái tên Jonquil (hoa trường thọ, màu vàng hoa hoa trường thọ), sắc vàng nhạt của nó là màu của tia nắng và sự hư ảo, điên cuồng và hạnh phúc.

CHILDE HASSAM, THE JONQUILS, 1904.

Jonquil là một cụm từ xuất hiện lần đầu tiên trong ngôn ngữ tiếng Anh ở đầu thế kỉ thứ 17. Nó bắt nguồn từ chữ Latin joncus với ý nghĩa là vật vô giá trị hay cây sậy. Trước đó, hoa trường thọ thuộc chi Thủy Tiên (Loài: Thủy Tiên) với những bông hoa nhỏ màu vàng và lá mỏng hình lưỡi kiếm. Tuy nhiên vào cuối thế kỉ 18, cụm từ bắt đầu xuất hiện với vai trò là thuật ngữ màu sắc, được sử dụng để diễn tả một sắc vàng nhạt cụ thể (và rất phổ biến). Màu sắc này thường được tìm thấy trong tự nhiên và do đó hoa trường thọ được sử dụng để đặt tên cho một số loài vật và cây màu vàng tự nhiên, từ những viên đá quý đến các loài hoa và loài chim. Năm 1791, Edinburgh Magazine đã xuất bản một bài viết với tựa đề “Lịch sử tự nhiên về chim hoàng yến” mô tả cực kì chi tiết về loài “chim hoàng yến vàng”. Những con chim trống với cái đầu đầy lông và màu vàng sáng hơn sẽ hăng hái sôi nổi hơn những con mái. Tác giả ghi chú rằng những con chim mái cất lên “dấu hiệu của sự đồng thuận đã nghe từ lâu và tự mình khuất phục trước điệu nhảy sôi nổi của con trống cùng niềm đam mê mà nó muốn truyền tải cho đối tác của mình.” Thật tươi mới phải không?

FRÉDÉRIC SOULACROIX, TEA ON THE TERRACE.

Tương tự như những từ ngữ màu sắc khác mang tên gọi của những bông hoa (hoa vân anh, hoa cà, hoa violet và hoa hồng), thật khó để tách màu hoa trường thọ khỏi bông hoa trường thọ. Là một bông hoa, hoa trường thọ rất quen thuộc với các tác giả. Hoa thủy tiên thường xuyên xuất hiện trong thơ ca thường xuyên hơn mọi người mường tượng. William Wordsworth đã viết về loài hoa này cũng như Robert Herrick, Edward Dorn, và Alicia Ostriker. Chúng là loài hoa của tháng 3 và thường gắn với lễ Phục Sinh. Theo ngôn ngữ của các loài hoa, hoa trường thọ biểu trưng cho tình cảm được đáp trả, “sự vui sướng trong tâm hồn” và tình bạn. Trường thọ là loài hoa ngây thơ che giấu đi các bộ phận sinh dục của mình khỏi tầm mắt mọi người. Đồng thời chúng cũng cực độc giống như mọi loài Thủy Tiên.

HOUSE OF WORTH GOWN, C. 1910–1912.

Màu hoa trường thọ trở nên thịnh hành trong giới thời trang vào đầu thế kỉ 19. Theo ghi chép của The Lady’s Magazine từ năm 1801, màu hoa trường thọ là màu của thời đại ở Paris. (Các màu sắc thịnh hành khác bao gồm màu trắng, màu tím hoa cà và màu hồng). Phụ nữ gắn ngọc trai trên tóc mình, đính hoa trên vương miệng và những chiếc mũ rơm “màu vàng hoa trường thọ, màu hồng và trắng cùng với những chiếc lông vũ.” Trong hai thập kỉ đầu của thế kỉ thứ 19, các tông màu trầm và màu pastel là những gam màu chủ đạo và rất thịnh hành. Đây cũng là thời kì mà các màu sắc kì lạ xuất hiện. Văn học thời bấy giờ mô tả phụ nữ mặc đầm dạ hội có nhiều sắc thái kì lạ, bao gồm esterhazy (xám bạc), Isabella (màu ngà voi), Pomona (xanh bọt biển), primrose (màu vàng nhạt hơn cả màu hoa trường thọ), coquelicot (màu đỏ thời thượng), and puce (màu tím hoa cà đỏ).

Như thường lệ, những phụ nữ ăn mặc thời trang đã chọn những màu sắc này đầu tiên và trang trí nhà cửa của mình với những màu này. Kỉ nguyên Victorian qua đi, các cải tiến khoa học trong lĩnh vực ánh sáng và màu sắc đã bắt đầu tác động đến văn hóa đại chúng. Khi những cá nhân theo chủ nghĩa ấn tượng chơi đùa với ánh sáng trong lĩnh vực hội họa (sử dụng lối vẽ tuyết để cho thấy sự thay đổi từ màu vàng bơ sang màu chàm của buổi trưa mùa đông), giới thượng lưu cũng bắt đầu học đòi lối ăn mặc như thế trong một số thời điểm trong ngày.

Trong bài blog của mình, nhà văn Mimi Matthews đã trích dẫn một quyển sách 1870 có tên Color in Dress khuyên phụ nữ nên mặc màu vàng (“màu của ánh sáng”) trong suốt mùa xuân và đầu hè, tránh màu vàng nhạt vào buổi chiều bởi nó sẽ trở nên “nhạt nhòa dưới ánh đèn”. Màu vàng hoa trường thọ dần trở nên ít thịnh hành vào những năm 1920 khi xu hướng ăn mặc flapper chiếm thế thượng phong trong ngành thời trang. Xu hướng này ưu tiên những sắc vàng rực rỡ và đậm đà hơn, ví dụ như màu vàng tươi hoặc nhựa gamboge màu vàng sẫm.

Căn phòng gia đình của Louis Phillippe tại cung điện Grand Trianon ở Versaillies.

Pantone không có màu vàng hoa trường thọ trong danh sách màu sắc của mình, họ có một gam màu rất gần với nó và đặt tên là jojoba. Trong Pantone: The 20th Century in Color, jojoba xuất hiện đôi lần với vai trò là màu sắc của thời vua Edward, “lúc mà ngôi nhà nước anh là hình mẫu cho các thực thể mỹ thuật” và trong suốt những năm 1930, khi “các màu sắc khói nhẹ nhàng” trở nên thịnh hành. Cuộc đại suy thoái thậm chí đã vùi dập những người giàu có nhất; khi môi trường chính trị đã trở nên dịu bớt, mọi người có xu hướng chọn màu sắc và thiết kế khơi gợi sự hồi tưởng và màu vàng hoa trường thọ – à không phải, chính là jojoba – là sắc màu gợi lên sự điềm tĩnh, cổ điển và ấm áp.

CLARICE CLIFF JONQUIL BONJOUR COFFEE SET, CIRCA 1933.

Trong thời thế khủng hoảng thì mọi người tìm niềm vui giải khuây ở nhà, những đồ gốm thô sơ và chất vải ấm áp lên ngôi. Vào những năm 1920, người Mỹ chọn những gì hào nhoáng, lấp lánh ánh kim loại. Những người này đến tầm 30 tuổi chứng kiến sự trở lại của các nguyên liệu vải dệt thô và lối trang trí theo phong cách thủ công. Roseville Pottery, được thành lập năm 1890 ở Ohio, có một thời hưng thịnh ở những năm 30. Thương hiệu này xuất hiện tại các cửa hàng thời trang và cửa hàng bách hóa trên khắp đất nước. Nhờ giá cả phải chăng, các lọ, chậu và bình của Roseville nhanh chóng trở nên thịnh hành trên kệ hàng. Công ty đã giới thiệu nhiều dòng sản phẩm và sản phẩm thịnh hành nhất trong số đó lấy cảm hứng từ tự nhiên. Chúng ta có màu Wisteria, theo Pantone, mang sự kết hợp trần tục thành công của màu tím, xanh lục và các màu trung tính ấm,” và Pinecone, màu sắc sử dụng eau-de-Nil (màu lục xám nhạt của sông Nile), xanh rừng sâu và vàng nhạt.

Khi chuyển sang Mỹ, thợ gốm người Anh Clarice Cliff đã rất thành công và thiết kế của cô cũng ứng dụng bảng màu nhẹ nhàng giống như  thế. Năm 1930, cô được bổ nhiệm làm giám đốc nghệ thuật tại Newport Pottery, nơi cô đã tạo ra dòng sản phẩm màu vàng hoa trường thọ với những khóm hoa trừu tượng trên nền màu vàng nhạt. Christie’s đã bán một bộ tách cà phê rất đẹp của Clarice Cliff với giá hơn 26 triệu VND và hủ đựng mật ong đang được bày bán trên eBay với giá hơn 8 triệu VND nếu bạn muốn sở hữu một sản phẩm có lịch sử màu sắc đặc biệt này.

MIA FARROW IN ROSEMARY’S BABY, 1968.

Trong suốt nửa sau của thế kỉ thứ 20, màu vàng nhạt đã dần lỗi thời. Một giai đoạn ngắn trong những năm 60 màu vàng bơ thịnh hành trở lại. Thập niên 70 là thời đại của màu vàng đậm và thập niên 90 là màu vàng neon sáng của biểu tượng mặt cười, tuy vậy màu vàng pastel trở thành di tích của quá khứ. Trong năm 2018, dường như điều gì đó đang dần thay đổi. Màu pastel đi đến một thời khắc trọng đại; trong hậu trường show diễn mùa xuân/hè của mình, Victoria Beckham đã nói với tạp chí Vogue Anh rằng cô đang tìm kiếm “những sắc màu kem”. “Nó không quá ngọt,” cô chia sẻ. “Sự tao nhã có thể rất quyền lực.” Màu Eau de Nil đã trở lại và màu vàng thế hệ Z (tông màu sáng hơn cho với màu vàng hoa trường thọ nhưng cũng rất vui tươi) đã tràn ngập khắp các trang Instagram.

Giống như màu hồng thế hệ millennial mô tả màu vàng hồng, hồng tươi và hồng da cam, màu vàng thế hệ Z có thể vượt qua mọi ngôn từ “kem bơ cho đến loại bơ tan chảy và hơn thế nữa.” Tổng hợp các xu hướng của tạp chí Vogue bao gồm màu vàng chanh, vàng dứa, vàng mù tạt và màu be nhạt.

LOQ’S VALE HEEL IN NECTAR.

Liệu màu vàng hoa trường thọ có rực rỡ trở lại? Chúng ta đang trải qua một thời khắc kì lạ trong lịch sử khi mà mọi người, từ bậc cha mẹ cho đến những đứa học sinh cấp 2 của tôi, muốn bàn luận về giá trị và nguyên tắc của người dân Mỹ. Đây là thời điểm dành cho quá trình ngẫm nghĩ không ngừng và lo âu vô tận. Gam màu Pastel giống như một sự trở lại đầy ngọt ngào và ấm áp. Đây là một cách thức để tận hưởng niềm vui mà không cần phải ăn lấy thỏi màu của mình. Tôi không hẳn là một fan lớn của màu vàng – tôi đã đọc qua quyển “The Yellow Wallpaper” nhiều lần – nhưng tôi không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm lặp lại. Sau một vài tháng từ chối, tôi bắt đầu cởi mở hơn với màu vàng hoa trường thọ. Nó rất vui tươi và nhẹ nhàng. Tương tự như mules và kitten heels, hai phong cách đã xuất hiện trong lịch sử và trở nên thịnh hành, màu vàng hoa trường thọ tựa như một điều lớn lao tiếp theo trong ngành thời trang.

Tác giả: Katy Kelleher
Người dịch: Đáo
Nguồn: The Paris Review

Cùng tác giả

#Tag

Heirstory jonquil màu vàng van gogh

iDesign Must-try

Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Được truyền cảm hứng từ bộ phim Loving Vincent với toàn bộ các khung hình là các bức vẽ tay, Clicker đã vẽ lên các vật dụng hàng ngày để…
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
“Tôi cố gắng đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân thông qua ngôn ngữ hội họa và tương tự làm sáng tỏ điều ấy cho những người xung…
Có gì bên trong thế giới rực rỡ sắc màu của Triển Lãm Van Gogh
Có gì bên trong thế giới rực rỡ sắc màu của Triển Lãm Van Gogh
Với những ai yêu thích các bức họa của Van Gogh, chắc hẳn họ sẽ không quên được những trải nghiệm mãn nhãn tại các triển lãm chìm đắm hoành…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 9/2021
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 9/2021
Làm thế nào giải quyết một khoản nợ khổng lồ mà không phải dùng đến tiền? Hay ‘Cách để nổi bật giữa đám đông mà không cần lộ mặt?’ –…
/Tách lớp/ Wheat Field with Cypresses - Miền quê nước Pháp trong đôi mắt nhiệm màu của Van Gogh
/Tách lớp/ Wheat Field with Cypresses - Miền quê nước Pháp trong đôi mắt nhiệm màu của Van Gogh
” Một ánh nhìn giống như chúng ta lướt mắt qua tấm cửa kính ô tô trên hành trình dài, rất ít đường thẳng, nó được xây dựng thành các…
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Chủ nghĩa Hiện thực (Phần 3): Các tác phẩm tiêu biểu
Trong phần cuối cùng của chuỗi bài Hiện thực, chúng ta cùng tìm hiểu các tác phẩm nổi bật và quan trọng đối với trào lưu - được sắp xếp…