Những câu chuyện thời hỗn loạn: Bản đề cương cho cái kết của thế giới

Những câu chuyện có thể là một phương tiện sống còn cần thiết giữa hỗn loạn của con người. Trong nền văn hoá hiện nay, việc tìm được tiếng nói chung cho những gì đang xảy ra đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nó có thể là lý giải cho việc chúng ta lại tìm đến với những câu chuyện được kể bởi nhà văn, nghệ sĩ, và lịch sử học trong quãng thời gian loạn lạc.


Chúng tôi xem Chernobyl vào ngày bắt đầu cách ly. 

Trước đó chúng tôi không rõ mình sẽ phải ở trong nhà bao lâu, cũng như tầm ảnh hưởng của hiểm hoạ lần này sẽ lớn tới nhường nào. Trước đó, chúng tôi đã hy vọng rằng mọi chuyện sẽ chỉ diễn ra trong vài tuần. Trước đó, Tổng Thống Mỹ vẫn còn tuyên bố rằng nước Mỹ đã có những hành động kịp thời giúp số lượng ca nhiễm ở Mỹ ít hơn cực kỳ nhiều so với các nước khác. Đó là trước đó.  

Tôi không rõ điều gì khiến vợ chồng tôi và bạn cùng phòng cuối cùng đã quyết định bắt đầu xem series ngắn này của HBO. Chúng tôi vẫn luôn muốn coi series này. Và dường như bây giờ là thời điểm thích hợp.

Điều chúng tôi sớm nhận ra đó là bộ phim kể về một thảm hoạ khó mà lường trước trong lịch sử, nhưng đồng thời, nó cũng nói về chúng ta. Trong vòng 5 tập, Chernobyl không chỉ kể về những nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ hạt nhân năm 1986, mà còn cả cách một chính phủ cố gắng che đậy mức độ ảnh hưởng, cũng như sự trách cứ kèo dài và tồi tệ mà họ sẽ phải sống chết cùng, với người dân mà họ đáng ra phải bảo vệ.

Stellan Skarsgård và Jared Harris trong Chernobyl | HBO

Chernobyl là một bộ phim tuyệt vời, và là một bộ phim buồn. Kéo dài vỏn vẹn 5 tập phim; tôi mừng về điều đó bởi tôi không biết liệu mình có thể chịu đựng hơn không. Nhất là trong khoảng 2 ngày chúng tôi dành để xem hết bộ phim, thế giới bên ngoài cửa sổ đã thực sự rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Hoàn toàn không có chất xúc tác rõ ràng, như một đầu đạn hạt nhân bị kích nổ; đại dịch lần này giống cuộc xâm lăng âm thầm của một kẻ thù vô hình hơn. Nhưng sự âm thầm và vô hình của kẻ giết người, cũng như nỗi sợ hãi mà loài người phải trải qua, có những điểm rất giống nhau. 

Buổi sáng chúng tôi xem hết bộ phim, tôi đứng trong căn bếp thinh lặng của mình, tự pha một ly cà phê và nghĩ về việc liệu tâm trạng tôi tốt hơn hay tệ đi sau khi xem phim. Câu trả lời là cả hai, và không gì hết. Đó là một điều tốt khi chúng ta được gợi nhớ rằng chúng ta không phải những người đầu tiên phải đối mặt với một tương lai mông lung, hay với những người lãnh đạo chúng ta không thể tin tưởng sẽ đặt lợi ích của người dân lên trên động cơ tự bảo vệ chính họ, cao hơn cơn đói khát cho một chiến dịch quảng bá hình ảnh tốt đẹp. Tuy nhiên lại thật khó có thể chịu đựng cảnh người bệnh đau đớn, vật vã, và qua đời trong phim. 

“Cái giá của lời nói dối là gì? Đó không phải những thứ chúng ta lầm tưởng là sự thật” nhận vật Valery Legasov của Chernobyl đã nói.

Ông là một nhà hoá học Soviet, người được giao nhiệm vụ điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm hoạ. Ở cảnh bắt đầu bộ phim, Legasov đã hoàn thành nhiệm vụ, và đang thu âm lại lời nói của mình. 

“Hiểm hoạ thực sự là khi nghe quá nhiều những lời nói dối, chúng ta sẽ chẳng thể nào nhận ra sự thật được nữa,” ông cảnh báo. “Vậy chúng ta có thể làm gì? Chúng ta còn phải bỏ lại điều gì nữa ngay cả khi niềm hy vọng vào một sự thật cũng đã mất, và thay vào đó chúng ta tự mua vui cho bản thân với những câu chuyện? Trong những câu chuyện đó, việc ai là anh hùng đã không còn quan trọng nữa. Tất cả những gì ta cần quan tâm đó là: Ai là người phải chịu trách nhiệm?”

Sau khi thu âm xong, ông đã treo cổ tự vẫn. 

Hình ảnh từ Legion Media

Chernobyl khiến tôi cảm thấy vừa thoải mái vừa hồi hộp, lo lắng. Tôi mừng vì tôi đã xem bộ phim này. Tôi tự hỏi liệu điều đó có nghĩa rằng tôi đã từ bỏ hy vọng về sự thật và đã tự hài lòng với những câu chuyện.

Hoặc có thể, những câu chuyện đó là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta nói về chúng để có thể sống tiếp, để níu giữ ý tưởng từ một câu nói thường xuyên bị hiểu nhầm của Joan Didion. Điều Didion muốn nói khi cô viết câu mở đầu cho bài luận The White Album, một bài luận về quãng thời gian cực kỳ đáng buồn của nước Mỹ 50 năm về trước, đó là chúng ta cố gắng rút ra ý nghĩa từ sự rối loạn và hoang mang bằng cách nhào nặn nên những viễn tưởng để tự an ủi bản thân. Chúng ta dò theo mối liên kết giữa các sự kiện, khiên cưỡng đặt chúng vào những hoàn cảnh chúng ta có thể hiểu, những điều cho phép chúng ta rút ra ý nghĩa của thế giới mà chúng ta đang sống. 

Sự nôn nóng muốn tạo ra những câu chuyện từ trong đống hỗn độn, tôi nghĩ, có thể là một cách chúng ta tự dỗ dành bản thân trong những hoàn cảnh mà ta khó có thể hiểu hoặc đối mặt. Tuy nhiên, bản năng đó cũng có thể là một phương tiện sống còn cần thiết. Trong nền văn hoá hiện nay, chúng ta đã không còn có thể đồng ý với nhau trong nhiều điều nữa, việc tìm được một tiếng nói chung về chuyện gì đang xảy ra và chúng ta nên làm gì đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Điều này có thể giải thích tại sao trong quãng thời gian loạn lạc, ta lại tìm đến với những câu chuyện được kể bởi nhà văn, nghệ sĩ, và lịch sử học. Những câu chuyện ấy cho chúng ta một mỏ neo để bám vào, ẩn dụ một điều gì đó như quy luật của cuộc sống.

Vậy là chúng ta tìm đến với sách, phim ảnh, và các chương trình TV không chỉ để có thể tạm thời quên đi hoàn cảnh hiện tại, mà còn bởi chúng có thể cho ta thấy làm sao để sống tiếp. Tại sao bộ phim Contagion đột nhiên trở lại Top 10 của iTunes vào tháng 1, khi mọi người bắt đầu nghe tới một loại virus mới cực kì dễ lây nhiễm tại Trung Quốc? Tại sao tôi lại lôi cuốn World War Z của Max Brook ra khỏi kệ sau khi lướt qua một lượt những đầu báo về cách các nước phản ứng khác nhau với đại dịch? Liệu có bình thường không khi chúng ta thường tìm tới những thứ khiến mình sợ hãi hơn nữa dù vốn đã rất sợ hãi rồi?

Tôi thực sự không biết câu trả lời. Câu trả lời tốt nhất mà tôi có thể nghĩ đến đó là chúng ta đều muốn tìm một phương cách nào đó để sống tiếp, hoặc tìm một bản thiết kế cho cuộc sống mới của chúng ta sau tất cả những gì đang diễn ra.   

Albert Camus năm 1946.
 Cecil Beaton/Condé Nast via Getty Images

Tôi cắm mặt vào sách, tìm kiếm những câu trả lời. Cuốn The Plague của Albert Camus xuất bản năm 1947 đã vẽ nên một bệnh dịch càn quét qua thành phố, từ đó đặt ra những câu hỏi về điều kiện sống của con người, mối quan hệ của mỗi chúng ta với người khác, cũng như cách chúng ta đối mặt với những điều không thể giải thích. Cuốn Station Eleven của Emily St.John Mandel, xuất bản năm 2014, đào sâu vào một thế giới đang tự hồi phục sau khi bị huỷ hoại bởi sự bùng nổ của một thế lực tên Georgia Flu, và nghĩ tới những khả năng sống sót của nghệ thuật sau tất cả. Tôi cũng từ từ bắt đầu đọc cuốn Severance của Ling Ma (2018), nhấn mạnh vào “một cơn sốt của sự lặp lại” bắt nguồn từ Trung Quốc và chậm rãi xâm nhập toàn thế giới, cầm chân con người đang cố gắng sống một cuộc sống bình thường. Cơn sốt khiến những người bị nhiễm bệnh chỉ còn có thể lặp lại cùng một hành động ngày này qua ngày khác, rồi dần chết đói và mục nát từ bên trong. Khép lại trang cuối của cuốn sách, tôi cảm thấy sự u ám; cuốn sách đã cho tôi thấy thế giới có thể sẽ thay đổi như thế nào, và đã bắt đầu thay đổi rồi.

Tôi cũng cảm thấy rằng tôi cần phải xem lại quá khứ. Tôi đã đọc về sự ảnh hưởng của những trận đại dịch trước trong lịch sử và về New York trong trận đại dịch cúm năm 1918. Tôi đã nghe bài podcast ngắn của Karina Longworth về cách nền công nghiệp phim ảnh sống sót qua trận đại dịch năm 1918, và cảm thấy như tìm được sự an ủi bởi hai người phụ nữ tuyệt vời đã sống sót qua sự kiện đó, họ trải qua Holocaust (sự kiện tàn sát người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ 2), Great Depression (Khủng hoảng kinh tế những năm 1930), và hiện nay vẫn còn sống tại New York khi đã 101 và 95 tuổi. Tôi cũng đang đọc về M.F.K Fisher, người đã tìm ra cách để bảo vệ cảm xúc ở các buổi yến tiệc trong quãng thời gian khó khăn với cuốn sách dạy nấu ăn thời chiến của cô, How to Cook a Wolf. Tất cả những sự kiện lịch sử này nhắc tôi rằng chúng ta đã từng đi qua những điều này, chúng ta sẽ vượt qua nó một lần nữa, và ngay lúc này đây những trải nghiệm của chúng ta là rất hy hữu, nhưng đồng thời cũng không có gì quá đặc biệt. 

Tôi cũng đã xem lại đại dịch AIDS vào những năm 1980, sự kiện mà một số người đã dùng như bài học kinh nghiệm để chiến đấu với coronavirus, với các mức độ thành công khác nhau. Bộ phim tài liệu năm 2012 của David France, How to survive a Plague, kể về việc những người tiên phong đã thúc đẩy việc chữa trị và chữa lành cho AIDS trong sự thờ ơ của hệ thống y tế thời bấy giờ như thế nào.

Bộ phim tài liệu đã cho chúng ta thấy rất nhiều điều. Nó cũng cho thấy sự khác biệt giữa đại dịch AIDS và những gì đang diễn ra hiện tại, ít nhất là ở những định kiến xã hội và kỳ thị đã luôn xuất hiện và làm chậm quá trình nghiên cứu AIDS.  Dù vậy vẫn có những điểm tương đồng giữa hai sự kiện này, ở cả sự thiếu vắng trách nhiệm của tầng lớp lãnh đạo Mỹ, vai trò của việc giáo dục và sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội trong cả quá trình. How to Survive a Plague nhấn mạnh ảnh hưởng của dịch bệnh và đại dịch tới tất cả mọi người, ngay cả khi không phải ai cũng nhiễm bệnh. (Tiến sỹ Anthony Fauci, người thường xuyên xuất hiện một cách điềm tĩnh trong những tuyên bố về coronavirus của tổng thống Trump trên truyền hình, cũng đã xuất hiện trong bộ phim, không phải lúc nào cũng như một nhân vật chính diện, dù rằng cuối cùng ông được biết tới rộng rãi vì sự đóng góp của mình cho những nghiên cứu về AIDS). 

Tiến sỹ Anthony Fauci (thứ hai từ trái sang)

Gần đây tôi cũng đọc bài luận Illness as Metaphor của Susan Sontag, được soạn thảo lần đầu vào năm 1978 và sau đó được soạn thảo lại vào năm 1989 với tiêu đề AIDS and Its Metaphors. Trong cuốn sách ra đời sau đó, Sontag nhắc tới sự thôi thúc biến bệnh dịch như lao phổi, ung thư, và AIDS thành một phép ẩn dụ, và đối mặt với chúng như một phép ẩn dụ, bởi lẽ chúng ta hiểu rất ít về những căn bệnh này.

“Cảm giác với quỷ dữ được soi chiếu vào cảm giác với dịch bệnh,” cô viết trong bài luận đầu tiên, “và căn bệnh (được cường điệu hoá với những ý nghĩa) lại được soi chiếu vào thế giới.”  

Trong bài luận sau, Sontag thực hiện một sự quan sát nhẹ nhàng. Tìm hiểu về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và sự chia rẽ nổi lên bất cứ khi nào dịch bệnh xuất hiện, cô viết:

“Trận đại dịch khủng khiếp (1918), đã khiến 20 triệu người chết, xảy ra trong vòng 15 tháng. Với một dịch bệnh diễn ra trong một thời gian dài, những biện pháp phòng chống dịch đã trở thành một phần của cuộc sống. Chúng thực sự trở thành một phần của xã hội, chứ không chỉ là những phương pháp nhất thời được dùng cho tình huống khẩn cấp rồi bị bãi bỏ.”

Cho tới lúc này, tôi và gia đình tôi vẫn mạnh khoẻ. Tôi cầu mong rằng chúng tôi sẽ vẫn khoẻ mạnh đi qua quãng thời gian này. Nhưng ngay cả khi tất cả mọi chuyện chuyển biến tốt đẹp – xét nghiệm diện rộng, có thuốc trị liệu, vaccine được phát triển, tỷ lệ tử vong được kiểm soát, nền kinh tế dần hồi phục – thì tôi cũng không chắc việc quay lại “bình thường” sẽ có ý nghĩa như thế nào. Tôi đã nghĩ rất nhiều về việc liệu sống trong sự cách biệt trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng thế nào khi chúng ta quay trở lại một xã hội ít khoảng cách hơn. 

Đã có những câu chuyện từ Trung Quốc về những người có triệu chứng sợ không gian rộng (Agoraphobia) sau khi họ không thể ra ngoài trong nhiều tháng. Tôi từng xem bộ phim kinh dị Repulsion (1965), trong đó một người phụ nữ chối từ giao tiếp với người khác dần trở nên điên dại khi sống tách biệt trong nhà một mình trong nhiều ngày, rác thải chất đống cùng với những bữa ăn không được đụng tới. 

Và tôi cầu mong một điều gì đó khác. Tôi cảm thấy được an ủi, một cách bất ngờ, khi xem The Circle trên Netflix, một series tôi đã xem rất lâu trước khi trận đại dịch xảy ra. Đó là một chương trình truyền hình thực tế, trong đó những người tham dự chỉ có thể giao tiếp thông qua mạng xã hội và tạo dựng mối quan hệ với người khác thông qua chiếc màn hình. Nó mô tả chính xác một cách kỳ lạ cách chúng ta dùng Zoom hiện nay, và cũng đem tới những hy vọng, một cách kỳ lạ. Cảm xúc của con người có thể được truyền tải không cần tiếp xúc trực tiếp, ít nhất trong một khoảng thời gian.    

Circle | Netflix

Một bộ phim thậm chí còn đem lại sự an ủi lớn hơn, dù rằng pha chút cay đắng, đó là Her (2013). Trong bộ phim này, Theodore (do Joaquin Phoenix thủ vai) đã yêu một hệ thống vận hành mang tên Samantha (lồng tiếng bởi Scarlett Johansson). Tôi vẫn luôn nghĩ về Her như một bộ phim về cuộc sống sau này của chúng ta. Các nhân vật sống trong một xã hội cận tương lai, họ hạnh phúc và giàu có. Nhưng họ dường như cách xa nhau một cách kỳ lạ, như thể có một rào chắn tách biệt từng cá nhân khi họ ở nơi công cộng. Công nghệ đã tạo ra khoảng cách giữa người và người trong một khoảng thời gian dài tới nỗi họ không cảm thấy thoải mái với việc chạm vào nhau nữa. Ngay cả trong tàu điện ngầm. 

Nhưng tôi cũng luôn nghĩ tới Her như một phép ẩn dụ cho những mối quan hệ khi hai người ở xa nhau, khi mà bạn chỉ có thể giao tiếp với người bạn yêu thông qua một thiết bị điện tử. Trong hoàn cảnh bị giới hạn như vậy, điều thể hiện tính người – thân thể của chúng ta –  đã được tách ra khỏi bức tranh, chỉ còn lại tâm trí và giọng nói. Her kết thúc với việc Theodore nhận ra rằng dù mối quan hệ của ông với Samantha là thật, thì sự gần gũi mà con người có thể chia sẻ, khoảng không gian mà chúng ta có thể xuất hiện cùng nhau, mới chính là điều khiến chúng ta là con người. 

Her | Warner Bros

Tôi mong mỏi tới lúc chúng ta có thể gặp nhau ở cùng một nơi. Và tôi tò mò muốn biết liệu chúng ta sẽ cảm thấy thế nào, nhất là với những người đã suýt rơi vào vòng tay Thần Chết và cảm thấy sự thay đổi mà trải nghiệm ấy mang lại.

Tôi đã tìm thấy câu trả lời khi đọc một bài phỏng vấn của Paris Review với tác giả Katherine Anne Porter. Bà nói về việc sống sót, khi suýt mất mạng, trong trận đại dịch năm 1918:

“Đó là trận đại dịch cúm vào cuối chiến tranh Thế Giới thứ nhất, khi đó tôi đã gần như không thể qua khỏi. Trải nghiệm đó thực sự đã chia đôi cuộc đời tôi, cắt đôi một cách đơn giản như vậy… Tôi đã mất rất nhiều thời gian để ra ngoài và hoà nhập với thế giới bên ngoài. Tôi đã thực sự ‘mất phương hướng’, theo đúng nghĩa đen. Tôi nghĩ đó là sự thật rằng tôi đã thực sự tham gia vào cái chết, rằng tôi biết chết là như thế nào, và gần như đã trải qua nó. Tôi đã có cái mà những người theo đạo Cơ-Đốc gọi là ‘cuộc nói chuyện với chúa’, cái mà người Hy Lạp gọi là ‘ngày hạnh phúc’, cái khoảnh khắc ngay trước khi bạn qua đời. Khi mà bạn đã từng trải qua khoảnh khắc ấy, sống sót, và trở về từ đó, bạn sẽ không còn giống như những người khác, và bạn cũng không thể lừa dối bản thân rằng bạn giống họ. Tôi đã tốn rất nhiều thời gian để nhận ra rằng điều đó là không thật, rằng tôi có những nhu cầu của bản thân và tôi cần phải sống cuộc sống của tôi.” Porter kết luận.

Người phỏng vấn hỏi bà liệu trải nghiệm đó đã giải phóng bà. 

“Tôi đã đứng lên và chạy trốn,” bà trả lời. “Tôi đã bỏ chạy trong chuyến đi tới Mexico, nơi tôi tham gia và giúp đỡ, theo cách nói khiêm tốn nhất, một cuộc cách mạng.” Từng nhìn thấy cánh cửa tử, bà không thể tưởng tượng được tương lai mà trong đó bà không làm chủ một cuộc sống đầy đam mê, hoài bão, và sáng tạo của riêng mình. 

Và tôi nghĩ đó có lẽ là trường hợp tốt nhất, cũng là cách thức mà tôi sẽ tìm kiếm trong nghệ thuật những ngày sắp tới. Không phải chúng ta cần những câu chuyện để tìm kiếm sự an ủi hay chạy trốn khỏi thực tại. Chúng ta có thể lựa chọn, như việc chúng ta đọc và nghiền ngẫm và tạo dựng những câu chuyện của riêng chúng ta vào lúc này, trong một thế giới mới đầy sự sợ hãi, tập trung vào những điều có thể dẫn dắt chúng ta tới cuộc cách mạng trong chính chúng ta.  

Biên tập: Nadine
Nguồn: A syllabus for the end of the world
Tác giả: Alissa Wilkinson

Cùng tác giả

#Tag

chernobyl contagion Covid-19 her how to survive a plague personal growth plague in art the circle the plague tua phim world war z

iDesign Must-try

New World Saigon Hotel kết hợp Gallery Medium với dự án nghệ thuật 360°: The Circle
New World Saigon Hotel kết hợp Gallery Medium với dự án nghệ thuật 360°: The Circle
Vào ngày 18.08.2023, không gian nghệ thuật ‘The Circle’ sẽ chính thức ra mắt với triển lãm đầu tiên của nhiếp ảnh gia Thiên Minh mang tên ‘Hoa Mắt’ tại…
Xu hướng thiết kế UI/UX hậu Covid
Xu hướng thiết kế UI/UX hậu Covid
Đại dịch Covid đã làm thay đổi mọi quy trình trong xã hội và thiết kế UX/UI cũng không ngoại lệ. Mặc dù vaccine phần nào giúp chúng ta đẩy…
‘Tách biệt, trong sự hòa hợp’, dự án ảnh nghệ thuật lấy cảm hứng từ đại dịch Covid-19
‘Tách biệt, trong sự hòa hợp’, dự án ảnh nghệ thuật lấy cảm hứng từ đại dịch Covid-19
Khi tạo ra ‘Detached, in Harmony’, Walls muốn khai thác sắc thái và sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết để phản ánh tình trạng thế giới trong…
Chủ nghĩa Tối đa lên ngôi - Hệ quả của đại dịch Covid-19?
Chủ nghĩa Tối đa lên ngôi - Hệ quả của đại dịch Covid-19?
Một nguyên nhân sâu xa cho sự lên ngôi của chủ nghĩa Tối đa được cho là hệ quả của sự tự do đột ngột sau đại dịch Covid-19 khi…
5 cách giúp Freelancer làm việc hiệu quả trong cuộc khủng hoảng mùa covid
5 cách giúp Freelancer làm việc hiệu quả trong cuộc khủng hoảng mùa covid
Với sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, ít nhiều trong chúng ta sẽ có những cảm giác không được vui vẻ trong lúc này: sợ hãi; căng…
Nguồn năng lượng tích cực từ những thiết kế ứng dụng yếu tố ánh sáng
Nguồn năng lượng tích cực từ những thiết kế ứng dụng yếu tố ánh sáng
Sự dung hòa giữa khoa học, thiết kế và kỹ thuật mang đến những thiết kế tuyệt vời cho cuộc sống con người và giúp chúng ta giải quyết rất…