Digital Art vs. Traditional Art: Cuộc chiến bất phân định (Phần 2)

Monika Zagrobelna là một họa sĩ minh họa đến từ Ba Lan. Trong bài viết này, Monika sẽ đưa ra góc nhìn trực quan về ưu-khuyết điểm của cách vẽ kĩ thuật số (digital art) và cách vẽ truyền thống (traditional art), từ đó tạo nên bức tranh tổng thể của ngành minh họa hiện nay.


B – Nghệ thuật kĩ thuật số (Digital Art)

1. Ưu điểm: Những tiện ích của kĩ thuật số

Nghệ thuật kĩ thuật số được nhìn thấy bởi phát xạ, không phải phản xạ. Màu sắc được tạo ra trực tiếp mà không cần thông qua sự phản chiếu của nguồn sáng lên các sắc tố. Điều này có nghĩa là, bạn có thể nhìn thấy tất cả màu sắc với chất lượng tuyệt hảo bất kể điều kiện ánh sáng và thời gian nào trong ngày. Việc vẽ tranh sau giờ làm trong những tháng mùa đông tối tăm cũng không phải là vấn đề!

Nét vẽ kĩ thuật số không thực sự được vẽ – chúng đang hiển thị và bạn có thể thay thế chúng bằng cách hiển thị những thứ khác. Bạn có thể xóa đi bất cứ thứ gì mà không để lại dấu, di chuyển nét vẽ đến vị trí nào đó, thay đổi màu sắc, hình dạng, độ trong suốt… kiểm soát toàn bộ quá trình sáng tạo mà không bị giới hạn bởi tính chất vật lí của thế giới vật chất. Theo một cách nào đó, điều này như phép màu vậy!

Khi đã có trong tay những công cụ cơ bản như máy tính và phần mềm đồ họa, cuộc du ngoạn vào thế giới minh họa thật sự bắt đầu. Từ giây phút ấy, bạn sở hữu mọi màu sắc mà bạn có thể tưởng tượng ra, không sợ hết màu vẽ hay hết giấy, cũng không bao giờ cần mua lại bộ cọ vẽ tòe ngòi hay những cây viết chì đã mòn vẹt. Bạn muốn thử những kĩ thuật mới, có thể là sơn dầu? Hãy thử ngay đi, vì bạn không cần cất công đến cửa hàng họa cụ nữa rồi!

Marker Copic thì rất đắt đỏ,
nhưng với phần mềm Sketchbook
bạn đã có một thư viện với tất cả các màu sắc

Vì là tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số nên chúng không hề dễ dàng để hủy hoại. Một khi đã có bản sao dự phòng, bạn không cần lo lắng về việc nó bị hư hao bởi ánh sáng mặt trời hay độ ẩm. Màu sắc cũng không bao giờ bị phai mờ, giấy sẽ không bao giờ bị rách, các sắc độ sẽ không bị nhòe khi chạm vào. Tác phẩm nghệ thuật của bạn sẽ không bị thiệt hại bởi lửa hoặc động đất, và không ai có thể lấy cắp nó từ bạn.

Tác phẩm dưới dạng kĩ thuật số rất dễ chia sẻ. Mọi người trên thế giới đều xem được miễn là họ có kết nối với internet. Bạn sẽ không cần sự chấp thuận của phòng tranh hay phòng triển lãm nào mà chỉ với vài cú nhấp chuột, tác phẩm của bạn đã có thể đến được với hàng triệu người. Tác phẩm có thể được bán dễ dàng theo cách này – và cũng không khó tìm kiếm một người nào đó trong toàn bộ dân số trên thế giới yêu thích công việc của bạn!

Nghệ thuật kĩ thuật số rất gọn gàng và thuận tiện để sản xuất. Máy tính đã có sẵn trên bàn làm việc, và wacom cũng là thứ rất đáng để xem xét. Bất cứ khi nào muốn bắt đầu sáng tạo, chỉ cần mở máy tính lên, bật ứng dụng, vậy là xong! Bạn muốn kết thúc việc sáng tạo? Chỉ cần đóng ứng dụng, tắt máy đi. Không cần phải tốn nhiều thời gian và càng không cần dọn dẹp bất cứ thứ gì. Và điều tuyệt vời nhất là: Không cần phải chờ cho lớp màu thứ nhất khô đi rồi mới tiếp tục với lớp màu thứ hai!


2. Nhược điểm: Thế giới kĩ thuật số mạnh mẽ vẫn còn tồn đọng vài kẻ hở

Sẽ phải mất một khoản kha khá nếu bạn muốn theo đuổi nghệ thuật kĩ thuật số. Một con chuột máy tính là không đủ, vì nó không hỗ trợ lực nhấn, và cũng không cho phép việc di chuyển bản vẽ một cách tự nhiên. Bạn cần một máy tính phù hợp để vẽ mà không bị lag, cùng ít nhất là một wacom loại nhỏ. Đó có thể là trở ngại không hề nhỏ đối với những người còn sống chung với cha mẹ hay thu nhập cá nhân thấp.

Màu sắc mà bạn nhìn thấy trên màn hình sẽ tùy thuộc vào chất lượng của màn hình đó. Một màn hình tốt được thiết kế cho những nhiếp ảnh gia có thể đắt hơn một máy tính chuyên dụng để chơi game, và thậm chí ngay cả khi có được nó, bạn cũng sẽ không bao giờ biết được tác phẩm của mình sẽ hiển thị như thế nào trên màn hình máy tính của những người khác.

Tác phẩm kĩ thuật số cũng rất dễ bị sao chép nên nó dường như không có giá trị sở hữu. Bạn có thể sản xuất độc bản cũng như một ngàn bản, và tiếp tục bán ngay cả khi nó đã được bán hết. Không ai thực sự sở hữu tác phẩm đó, không có bản gốc để trưng bày trong phòng tranh. Bản sao trong ổ đĩa của bạn có giá trị giống như bản sao do người khác tải xuống. Và thậm chí một bản in có khung dường như chỉ còn chút giá trị nếu như tất cả hàng xóm của bạn có thứ y hệt treo trên tường nhà họ.

Nghệ thuật kỹ thuật số rất dễ bị đánh cắp ý tưởng. Và mặc dù người sáng tạo không mất tác phẩm nghệ thuật, họ có thể mất các quyền khác để trở thành người sáng tạo. Nhiều người kiếm lợi nhuận từ việc in tác phẩm nghệ thuật trên sản phẩm do họ sản xuất – khách hàng trả tiền cho sản phẩm đáng giá mà không cần tính phí nghệ thuật, đồng thời, các nghệ sĩ sẽ không kiếm được bất kỳ lợi nhuận nào từ các công ty đã bán tác phẩm của họ. Hãy tưởng tượng cảm giác một ngày nào đó, bạn nhìn thấy tác phẩm của mình được kí dưới cái tên của người khác.

Mặc dù có thể được tâng bốc lúc đầu,
nhưng bạn cần phải nhận ra rằng
ai đó đang kiếm lợi nhuận từ công việc của bạn.

Tác phẩm nghệ thuật số được định dạng bằng công nghệ kỹ thuật số nên không thể chạm được — chỉ có thể chạm vào màn hình. Bạn có thể in chúng ra, nhưng chúng sẽ bằng phẳng và mịn như một bức ảnh. Quá trình tạo nên tranh kỹ thuật số cũng khá “đơn điệu” khi không có mùi sơn, không có âm thanh của các công cụ khác nhau trên các bề mặt khác nhau. Bạn không quét sơn bằng cọ – mọi thứ đều được mô phỏng, bề mặt dưới ngòi viết sẽ không bao giờ tạo nên xúc cảm như giấy thật.

Tác phẩm nghệ thuật được sản xuất trên máy tính, bạn có thể dễ dàng mất nó do “tai nạn” – lỗi phần cứng, lỗi phần mềm, hoặc thậm chí là lưu dữ liệu chồng lên nhau có thể phá hủy mọi thứ mãi mãi. Tuy nhiên, việc tạo các bản sao lưu có thể loại bỏ rủi ro này.

Ctrls + S mọi lúc mọi nơi! 
Ngoài ra còn có các chương trình tự động sao lưu tệp
và lưu nó vào ổ đĩa ngoài nếu cần.

Các phần mềm đồ họa rất linh hoạt, với rất nhiều công cụ và kỹ thuật sẵn có, thật khó để bạn tập trung vào một chương trình để làm chủ được nó. Luôn luôn có sự cám dỗ để tiếp tục tìm kiếm điều gì đó dễ dàng hơn sau khi phạm phải sai lầm. Một phác thảo xấu có thể được chỉnh sửa và chỉnh sửa và chỉnh sửa cho đến khi nó trông khá hơn, và vì vậy, bạn tránh phải đối mặt với những vấn đề khiến bạn vẽ không tốt ở thời điểm đầu tiên. Bạn có thể “chữa cháy” tác phẩm bằng nhiều công cụ, thay đổi nó bằng các bộ lọc màu sẵn có và đạt được một kết quả kha khá mà không bao giờ chịu học cách vẽ tốt.

Quan trọng là, bạn cần có điện để làm việc với nghệ thuật kĩ thuật số. Ngay cả khi có một máy tính bảng đồ họa di động, bạn vẫn phải phụ thuộc vào tuổi thọ pin. Vì vậy, hoặc là bạn mắc kẹt với máy tính để bàn, những nơi có nguồn điện, hoặc là thời gian sáng tạo sẽ bị giới hạn bởi pin. Bạn thậm chí không thể xem được một tác phẩm kỹ thuật số nếu không có nguồn điện!


Cuộc tranh luận lớn: Nghệ thuật kỹ thuật số có phải là nghệ thuật thật sự không?

Nghệ thuật kỹ thuật số được nhiều người coi là một hình thức nghệ thuật ít tính nghệ thuật hơn, hoặc không có tính nghệ thuật nào cả. Bạn có thể dành một tuần để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và nó đã gặp phải sự phủ nhận chỉ vì nó đã được thực hiện bằng kỹ thuật số và không theo nghệ thuật truyền thống. Trong trường hợp này, sự khinh miệt đối với nghệ thuật kỹ thuật số đến từ đâu?

Trước hết, nhiều người không hiểu nghệ thuật số. Họ nghĩ nó do máy tính tạo ra, không phải bởi chính bạn. Hoặc họ nghĩ nó giống như thao tác hình ảnh – chỉ cần tách vài hình ảnh có sẵn, ghép chúng với nhau và gọi nó là nghệ thuật. Họ không hiểu rằng các phần mềm vẽ minh họa tuy cung cấp bộ cọ vẽ, nhưng chúng không hề tự-vẽ nên tác phẩm.

Viết sách trên máy tính không có nghĩa là sách được viết bởi máy tính — các chữ cái được tạo ra bằng kỹ thuật số, nhưng nội dung được tạo bởi nhà văn. Cũng giống như nghệ thuật kỹ thuật số — các nét vẽ được tạo ra bằng kỹ thuật số, nhưng bức tranh được tạo ra bởi nghệ sĩ.

Một tác phẩm được tạo ra bởi sắc tố phản xạ ánh sáng,
tác phẩm còn lại — bởi các điểm phát sáng,
nhưng chúng đều là kết quả của quá trình tư duy sáng tạo.

Nhiều người thường nghĩ nghệ thuật kĩ thuật số thật dễ thực hiện vì nó có thể xóa, có  thể hoàn tác, chồng nhiều lớp màu, điều chỉnh sắc độ… Mọi sai sót đều có thể xóa hay chỉnh sửa. Trong khi với nghệ thuật truyền thống, bạn cần phải phối màu hoàn hảo, mua đúng loại chất liệu, nguồn sáng tốt… và những gì đã được vẽ lên thì không thể xóa. Bạn không thể chuyển sang lớp phía dưới và vẽ thêm gì đó, không thể thay đổi độ mờ và vẽ một bản phác thảo đẹp hơn ở phía trên. Không tẩy xóa, không hoàn tác.

Sự thật là, càng có kỹ năng,
bạn càng ít quan tâm
đến “phép màu” của các
phần mềm đồ họa. 

Vấn đề là, nghệ thuật được thực hiện bằng cách làm ra chúng, không phải bằng phím (Ctrl+Z). Cho dù có xóa bao nhiêu lỗi, bạn vẫn sẽ không chạm đến đượ bản vẽ hoàn chỉnh. Một nghệ sĩ có kỹ năng có rất ít nhu cầu cho lệnh hoàn tác và công cụ xóa hoàn hảo; họ sử dụng nhiều lớp và dành phần lớn thời gian vẽ và vẽ, chứ không phải để chỉnh sửa. Sự thật là, càng có kỹ năng, bạn càng ít quan tâm đến “phép màu” của các phần mềm đồ họa. Đó chỉ là loại khung tranh khác, loại giấy khác, với vài công cụ bổ sung mà bạn có thể sử dụng.

Chỉ có người không có chuyên môn mới có thể
xem lệnh hoàn tác là một công cụ để tạo ra nghệ thuật tuyệt vời.

Nếu một trong những bậc thầy vĩ đại còn sống đến ngày hôm nay, bạn có nghĩ họ sẽ khinh miệt khả năng vẽ tranh trong một phương tiện được cung cấp tất cả màu sắc mà thế giới dâng tặng, một khổ giấy lớn cho phép phóng to và thu nhỏ, chia ra nhiều lớp, cắt thành nhiều mặt, những loại cọ vẽ mà bạn có thể tự tạo ra, dễ dàng tiết kiệm và tiếp cận với ánh sáng hoàn hảo cả ngày dài? Bạn có nghĩ rằng họ sẽ nói: ”Không, nó quá đơn giản! Nếu không phải chờ đợi đến khi sơn khô thì đó không phải là nghệ thuật.” Nếu nghệ thuật được đo bằng nỗ lực thể chất, thì hình thức nghệ thuật vĩ đại nhất sẽ là vẽ bằng bút chì gai, có thể là vẽ với máu của chính mình. Điều đó thật ngu ngốc… nhưng liệu nó có khiến cho các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác theo cách này trở nên tốt hơn không?

Thật tuyệt khi nỗ lực của bạn được đánh giá cao,
nhưng nếu ai đó đạt được kết quả tương tự với ít nỗ lực hơn,
nó sẽ không khiến họ trở thành những kẻ gian lận

Để tạo ra nghệ thuật cần có kỹ năng, có những kỹ năng buộc phải có dù bạn sáng tác bằng hình thức nào. Giải phẫu người hoặc động vật, các tư thế chuyển động, bóng đổ, màu sắc, vật liệu, bối cảnh, hiệu ứng đặc biệt, phong cách nghệ thuật — đây là những thứ bạn phải tự học bất kể công cụ bạn sử dụng là gì. Nghệ thuật kỹ thuật số không giúp những kĩ năng này dễ dàng hơn. Lệnh hoàn tác loại bỏ điều sai, nhưng bạn cần kỹ năng để làm điều đúng.

Lệnh hoàn tác loại bỏ điều sai,
nhưng bạn cần kỹ năng để làm điều đúng.

Một họa sĩ kỹ thuật số có kỹ năng không biến thành một đứa trẻ ngoan ngoãn khi được tặng cây bút chì truyền thống, bởi vì nó chỉ là một công cụ khác – không phải một kỹ năng khác. Nhà văn “truyền thống” cần học cách sử dụng máy tính để viết văn bản trên Word, nhưng kỹ năng viết là loại kĩ năng phổ biến dù viết bằng phương tiện gì. Việc đánh máy có vẻ nhanh hơn, nhưng nó  không giúp việc viết một cuốn sách dễ dàng hơn — chỉ thuận tiện hơn mà thôi.

Nhìn chung, khi nói đến nghệ thuật, điều gì mới thực sự là ‘nghệ thuật’? Các hạt màu? Hay các sợi vải?

Người họa sĩ sử dụng những nguyên liệu trên để hiển thị hình ảnh thông qua việc sắp xếp chúng, chính hình ảnh đó mới được xem là nghệ thuật, không phải các đốm màu hay khung giấy. Khi mua một bức tranh truyền thống, bạn đã mua một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong một vật thể mang tính vật lý nhất định. Bản thân tờ giấy hay khung tranh không phải là tác phẩm nghệ thuật — chỉ là món đồ cần thiết để tiếp tục hiển thị hình ảnh.

Vậy thì, tại sao một tác phẩm không cần đặt trên giấy hay khung tranh lại làm cho nó ít nghệ thuật hơn?

Một cuốn sách viết tay chắc chắn có thể đẹp và đáng giá, nhưng nội dung vẫn tách rời khỏi giấy và mực. Cuốn sách cần phải được đọc, không chỉ xem, chạm và ngửi. Sự tiếp xúc bởi các giác quan có thể được thêm vào trải nghiệm đọc, chắc chắn, nhưng chúng không phải là một phần của cuốn sách.

Việc xem một tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số mà không thể chạm vào sẽ không làm cho nó ít nghệ thuật hơn. Sao chép sách một nghìn lần làm giảm giá trị của nhà cung cấp độc quyền, nhưng nó không làm cho cuốn sách không có giá trị – ngay cả khi nó không có bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào mà chỉ được hiển thị trên Kindle* của bạn.

(*Kindle: thiết bị đọc sách điện tử được phát hành bởi Amazon)

Tác giả: Monika Zagrobelna

Người dịch: Nhan Pham

Nguồn: Sketchbook

Cùng tác giả

#Tag

art digital Traditional

iDesign Must-try

Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Với tạo hình mũm mĩm, chú ếch của Ding Hu tự tin thả dáng với nhiều động tác yoga, từ cơ bản đến khó nhằn. Tuy thoạt nhìn, các khung…
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đâu là những điểm khác nhau nhằm phân biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế. Nhưng xét cho cùng, Thiết kế có được coi…
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Điều gì giúp phân tách Nghệ thuật và Thiết kế là một câu hỏi phức tạp và được tranh luận sôi nổi bấy nay. Nghệ sĩ và designer đều tạo…
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Khi một nhà thiết kế bắt đầu làm việc, họ biết trước những gì mình phải đạt được. Họ được thúc đẩy bởi một mục tiêu, một kế hoạch, một…
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mặc dù cuộc đời của ông ngắn ngủi một cách đáng buồn, nhưng những bức tranh thô mộc, cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo được ảnh hưởng lâu dài…