Tân cổ điển (Phần 1): Tóm lược và lịch sử

Mặc dù lịch sử thiết kế đồ hoạ chỉ chính thức bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc tìm hiểu lịch sử nghệ thuật trước đó là việc cần thiết nếu không muốn nói là bắt buộc. Trong một vài bài sắp tới của mục, chúng ta sẽ tìm hiểu về ba trào lưu cuối cùng cũng như là chiếc cầu nối từ thời kỳ cổ điển sang thời kỳ hiện đại: Tân Cổ điển, Lãng mạn, và Hiện thực, mà bắt đầu là trào lưu Tân Cổ điển.

Tóm lược Chủ nghĩa Tân Cổ điển (1750-1850)

Những tác phẩm kinh điển mới ở cấp cao nhất! Đây là tiếng hô xung trận của số đông những thành phần đắm chìm trong  Khai sáng của thế kỷ 18, những người muốn các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc của họ phản chiếu và mang cùng một bộ tiêu chuẩn với các tác phẩm được lý tưởng hoá của người Hy Lạp và La Mã xưa. 

Cùng lúc với việc ngành khảo cổ tái khám phá thành phố cổ Pompeii và Herculaneum ở Rome – những khám phá gây náo động, chủ nghĩa Tân Cổ điển hình thành khi các nghệ sĩ và kiến trúc sư lồng ghép những lý tưởng Hy-La trong quá khứ vào các tác phẩm của họ. Một sự quay trở lại mạnh mẽ với nghiên cứu khoa học, lịch sử, toán học và độ chính xác về giải phẫu thay thế cho văn hóa phù phiếm và xu thế hội họa triều đình (court painting) của phong trào Rococo trước đó.

Pompeii – thành phố La Mã cổ “đóng-băng-trong-thời-gian”

Các ý tưởng và thành tựu chính 

  • Nghệ thuật Tân Cổ điển nảy sinh như một cách đẩy lùi phong cách trang trí quá mức và lòe loẹt của Rococo và Baroque mà từ đó đã sinh ra một thứ văn hóa nghệ thuật phù phiếm thấm nhuần trong xã hội, dựa trên sự tự phụ và xu hướng bất thường của cá nhân. Nghệ thuật Tân Cổ điển mang lại một sự phục hưng tổng thể đối với tư tưởng cổ điển phản ánh những diễn biến trên các đấu trường chính trị và xã hội thời đó và dẫn đến cuộc Cách mạng Pháp.
  • Niềm tin cơ bản của Tân Cổ điển là nghệ thuật nên thể hiện những đức tính lý tưởng trong cuộc sống và có thể truyền tải thông điệp đạo đức, từ đó cải thiện  người xem. Nghệ thuật có sức mạnh để văn minh hóa, cải cách, và biến đổi xã hội, vì chính xã hội thời đó đã đang được biến đổi bởi những tiếp cận mới với việc cai trị và các tác động ngày càng mạnh của Cách mạng Công nghiệp, được thúc đẩy bởi khám phá và phát minh khoa học.
  • Kiến trúc Tân Cổ điển dựa trên các nguyên tắc về sự đơn giản, sự đối xứng và toán học, các nguyên tắc vốn được coi là phẩm chất của nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại. Kiến trúc Tân Cổ điển cũng phát triển mở rộng những ảnh hưởng tân thời hơn lấy từ chủ nghĩa Cổ điển Phục hưng ở thế kỷ 16, phong trào phụ thuộc không kém vào giá trị cổ đại.
Quan tài đá cẩm thạch với chạm khắc về Chiến thắng của Dionysus và bốn mùa, niên đại 260-270 CN, La Mã

  • Sự phát triển của Chủ nghĩa Tân Cổ điển một phần lớn là nhờ sự nổi tiếng của Grand Tour (Chuyến Tham quan Vĩ đại), trong đó các sinh viên nghệ thuật và tầng lớp quý tộc nói chung được tiếp cận những tàn tích mới được khai quật thời đó ở Ý, và do đó trở nên say mê những nguyên tắc thẩm mỹ và triết lý của nghệ thuật cổ đại.

Khởi đầu của Chủ nghĩa Tân Cổ điển

Nicolas Poussin và Claude Lorrain

Chủ nghĩa Tân Cổ điển áp dụng hệ thống phân cấp hội họa do Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Pháp thiết lập vào năm 1669. Tranh lịch sử, trong đó bao gồm các chủ đề từ trong Kinh thánh, thần thoại cổ điển, và lịch sử được xếp hạng nhất, tiếp theo là chân dung, tranh miêu tả sinh hoạt đời thường, tranh phong cảnh, và tranh tĩnh vật. 

Hệ thống phân cấp này được sử dụng để đánh giá các tác phẩm được gửi để được trưng bày ở Salon (triển lãm chính thức của Học viện) hoặc để nhận các giải thưởng như giải Prix de Rome danh giá; nó có ảnh hưởng đến giá trị tài chính của các tác phẩm đối với những nhà bảo trợ và nhà sưu tập. Các tác phẩm của Nicolas Poussin và Claude Lorrain được tôn kính như sự mẫu mực lý tưởng của hội họa lịch sử, và cả hai nghệ sĩ đều là những người có ảnh hưởng chính đến trường phái Tân Cổ điển.

Trong khi Nicolas Poussin và Claude Lorrain đều là những nghệ sĩ Baroque người Pháp đã dành phần lớn cuộc đời làm việc của họ ở Rome, chính sự tập trung đặc trưng của họ vào một cách tiếp cận cổ điển hơn là điều thu hút các nghệ sĩ Tân Cổ điển. Claude, như ông thường được gọi, vẽ phong cảnh sử dụng các chi tiết tự nhiên và quan sát ánh sáng và hiệu ứng của ánh sáng, với các nhân vật từ các cảnh trong thần thoại hoặc Kinh thánh, như có thể thấy trong bức tranh của ông mang tên Một khung cảnh với Apollo canh giữ bầy gia súc của Admetus và Mercury trộm chúng (A Landscape with Apollo Guarding the Herds of Admetus and Mercury Stealing Them) (1645). Một hiệu ứng gợi nên sự hài hòa có trật tự được truyền tải trong nhiều tác phẩm của ông,  tương thích với quan niệm của Chủ nghĩa Tân Cổ điển rằng nghệ thuật nên thể hiện những đức tính lý tưởng.

Bức Một khung cảnh với Apollo canh giữ bầy gia súc của Admetus và Mercury trộm chúng (1645) của Claude Lorrain miêu tả một cảnh trong thần thoại Hy Lạp với các chi tiết đương đại – Apollo chơi đàn vĩ cầm (thay cho đàn lia) và Mercury nom giống một dân làng bình thường, nhờ đó kết hợp quá khứ cổ điển với hiện thực hiện tại thành một hình ảnh bình yên

Mặc dù ông cũng là một họa sĩ nổi tiếng chuyên vẽ các chủ đề tôn giáo, các cảnh lịch sử và thần thoại của Nicolas Poussin tạo nên ảnh hưởng chính của ông đối với chủ nghĩa Tân Cổ điển. Cái chết của Germanicus (The Death of Germanicus) (1627) đã khiến ông trở nên nổi tiếng trong thời đại của mình, và là bức tranh ảnh hưởng đến Jacques-Louis David cũng như Benjamin West, người dựa trên tác phẩm này để cho ra đời Cái chết của Tướng Wolfe (The Death of General Wolfe) (1770). Mặc dù các tác phẩm của nghệ sĩ Phục hưng Venice Titian ảnh hưởng đến bảng màu của ông, các sáng tác của Poussin nhấn mạnh sự rõ ràng và logic, và các cách xử lý tạo hình của ông thiên về những đường nét mạnh mẽ.

Cái chết của Germanicus (1627) của Poussin miêu tả cái chết và vụ nghi ngờ là ám sát của vị tướng La Mã nổi tiếng như ghi lại bởi nhà sử học La Mã Tacitcus

Chuyến Tham quan Vĩ đại (The Grand Tour)

 Francis Basset (1778) của Pompeo Batoni miêu tả chủ thể của ông, một Nam tước tương lai người Anh, như một vị khách du lịch quý tộc tinh túy trong chuyến Grand Tour ở Rome, tựa ào một bàn thờ La Mã hư cấu với Vương cung Thánh đường Thánh Peter và Castel Sant-Angelo ở hậu cảnh.

Chủ nghĩa Tân Cổ điển được truyền cảm hứng từ việc phát hiện ra các di chỉ và hiện vật khảo cổ từ nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại mà trở nên nổi tiếng khắp châu Âu nhờ các báo cáo thịnh hành kèm hình minh họa về nhiều chuyến thám hiểm khác nhau. Các học giả như James Stuart và Nicholas Revett đã cố gắng biên mục và ghi nhận quá khứ một cách có hệ thống qua các tác phẩm như Các di tích cổ đại của Athens (Antiquities of Athens) (1762).

Vì muốn tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác cổ đại  này, các thành viên trẻ tuổi trong tầng lớp quý tộc châu Âu dấn mình vào chuyến tham quan Grand Tour, một nghi thức mang tính truyền thống và giáo dục; họ đến Ý “trong công cuộc tìm kiếm nghệ thuật, văn hóa và cội nguồn của nền văn minh phương Tây”, như nhà phê bình văn hóa Matt Gross đã viết. 

Rome với những tàn tích La Mã, những công trình thời Phục hưng và những cổ vật mới được phát hiện trở thành một điểm dừng chân chính. Các nghệ sĩ nổi tiếng, chẳng hạn như Pompeo Batoni và Antonio Canova, tổ chức các buổi mở xưởng vì nhiều người trong số các vị khách thuộc tầng lớp quý tộc này vừa là những nhà sưu tập nhiệt huyết vừa đặt hàng nhiều tác phẩm khác nhau.

Johann Joachim Winckelmann

Bức Chân dung của Johann Joachim Winckelmann (1767) của Anton von Maron miêu tả nhà sử học đang suy ngẫm về việc tái tạo nghệ thuật Hy Lạp, trong khi viết, với một bức tượng bán thân Hy Lạp sau lưng

Chủ nghĩa Tân Cổ điển bắt đầu ở Rome, với cuốn Những suy nghĩ về việc bắt chước các tác phẩm Hy Lạp trong hội họa và điêu khắc (Thoughts on the Imitation of Greek Works in Painting and Sculpture) (1750) của Johann Joachim Winckelmann đóng vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập lý thuyết và thẩm mỹ của trường phái này. Mặc dù là người Đức, nhưng ông sống phần lớn cuộc đời ở Rome, nơi khá nhiều quan chức Công giáo có tiếng đã trở thành người bảo trợ cho ông. 

Ông lập luận rằng nghệ thuật nên hướng tới “sự đơn giản cao quý và sự hùng vĩ điềm tĩnh”, và kêu gọi rằng “cách duy nhất để chúng ta trở nên vĩ đại, thậm chí không thể bắt chước được, là bắt chước người cổ xưa”. Tác phẩm khiến ông trở nên nổi tiếng được dịch rộng rãi, đầu tiên sang tiếng Pháp, sau đó sang tiếng Anh bởi nghệ sĩ Henry Fuseli vào năm 1765.

Năm 1738, thành phố đổ nát Herculaneum được phát hiện và khai quật, tiếp theo là cuộc khai quật Pompeii và Paestum vào năm 1748. Trong vụ phun trào bất ngờ của Núi Vesuvius vào năm 79 Công Nguyên, các thành phố này đã bị bao phủ bởi tro núi lửa, nhờ đó các dấu tích của cuộc sống hàng ngày thời cổ đại, các tác phẩm điêu khắc đáng chú ý, và nhiều bức bích họa đã được bảo tồn. Năm 1758, Winckelmann đến thăm các địa điểm  khai quật và công bố những tường thuật đầu tiên về những phát hiện khảo cổ học trong Bức thư về những khám phá ở Herculaneum (Letter about the Discoveries at Herculaneum) (1762).

Tượng Người phụ nữ Herculaneum (30-01 TCN) là một tác phẩm điêu khắc đáng chú ý được tìm thấy trong quá trình khai quật Herculaneum lúc bấy giờ

Kiệt tác của Winckelmann, Lịch sử Nghệ thuật Cổ đại (History of Ancient Art) (1764), đã ngay lập tức trở thành tác phẩm kinh điển, như các nhà sử học nghệ thuật Francis Haskell và Nicholas Penny đã viết; “thành tựu quan trọng nhất và lâu dài nhất của ông là đã cho ra một tường thuật theo trình tự thời gian tỉ mỉ, toàn diện, và rõ ràng về tổng thể của nghệ thuật cổ đại – bao gồm cả nghệ thuật của người Ai Cập và người Etrusca”. Ông là người đầu tiên tạo ra một tầm nhìn có trật tự về nghệ thuật từ khi nó bắt đầu cho đến khi hưng thịnh rồi suy tàn; ông nhìn nhận nghệ thuật của một nền văn minh như cái gì đó kết nối mật thiết với chính nền văn hóa đó. Cuốn sách đã ảnh hưởng đến những người trí thức nổi tiếng trong thời đại của ông và trong những thế kỷ tiếp theo, bao gồm Lessing, Herder, Goethe, Nietzsche và Spengler.

 Hình minh hoạ trên trang tiêu đề của cuốn Geschichte der Kunst des Alterthums vol. 1 (1776) của Johann Joachim Winckelmann cho thấy tác giả ở trung tâm, với tượng bán thân của Homer và tượng nhân sư ở bên phải, với bên trái là Romulus và Remus, những người sáng  huyền thoại của Rome, nằm trong lòng của con sói cái, với một chiếc bình Etrusca ở phía sau

Tiền kỳ Chủ nghĩa Tân Cổ điển: Anton Raphael Mengs

Chịu ảnh hưởng của người bạn thân Winckelmann, Anton Raphael Mengs là một người tiên phong của hội họa Tân Cổ điển. Giới nghệ sĩ bao quanh Mengs và Winckelmann định vị Rome là trung tâm của trào lưu mới. Các bức bích họa nổi tiếng mô tả các chủ đề thần thoại của Mengs khiến ông được mệnh danh là “hoạ sĩ đương thời vĩ đại nhất”.

Ông có ảnh hưởng đến một số nghệ sĩ nổi tiếng, những người sẽ  dẫn đầu sự phát triển sau đó của Chủ nghĩa Tân Cổ điển ở Anh, bao gồm Benjamin West, Angelica Kauffman, John Flaxman và Gavin Hamilton. Ông cũng có ảnh hưởng đến Jacques-Louis David, người dẫn dắt thời kỳ sau của Chủ nghĩa Tân Cổ điển tập trung ở Pháp; hai nghệ sĩ quen nhau trong thời gian David ở Rome, nhờ giải thưởng Prix de Rome, từ năm 1775 đến 1780.

Parnassus (1750-1760) là một bức phác thảo sơn dầu cho bức bích họa vẽ năm 1761,  tại Villa Albani ở Rome, của Anton Raphael Mengs. Nó được nhà sử học nghệ thuật Thomas Pelzel mô tả là “một trong những ví dụ sớm nhất của hội hoạ Tiền Cổ điển nơi chúng ta tìm thấy bằng chứng được mở rộng về việc sử dụng các nhân vật có nguồn gốc từ các bức tranh cổ đại của Herculaneum”

Kỷ Khai sáng

Chủ nghĩa Tân Cổ điển phát triển cùng với kỷ Khai sáng, một phong trào chính trị và triết học chủ yếu coi trọng khoa học, lý trí và sự khám phá. Còn được gọi là “Thời đại của Lý tính”, kỷ Khai sáng lấy cảm hứng từ xu hướng hoài nghi của nhà triết học nổi tiếng René Descartes và triết học chính trị của John Locke, khi những sự tuyệt đối của chế độ quân chủ và tín điều tôn giáo về cơ bản bị truy hỏi tận cốt lõi, và những lý tưởng về tự do cá nhân, khoan dung tôn giáo, và các chính thể lập hiến phát triển. 

Bách khoa toàn thư (Encyclopédie) (1751-72) của Pháp là một bản tóm tắt về tư tưởng Khai sáng và ấn phẩm quan trọng nhất của thế kỷ, có ảnh hưởng ở tầm quốc tế. 

Trang tiêu đề của tập đầu tiên của bộ sách 28 tập Bách khoa toàn thư hay Từ điển có hệ thống về các môn khoa học, nghệ thuật, và thủ công (Encyclopédie, ou Dictionnaire raisonné des sciences, des arts, et des métiers) (1751-1772), chỉnh sửa bởi Denis Diderot và Jean le Rond d’Alembert.

Denis Diderot, còn được biết đến với tư cách là người sáng lập bộ môn lịch sử nghệ thuật, người đã hiệu đính tác phẩm, cho biết mục đích của nó là “thay đổi cách nghĩ của mọi người”. Như nhà sử học Clorinda Donato đã viết, nó “biện luận thành công … [cho] … tiềm năng của lý trí và tri thức thống nhất để củng cố sức mạnh của ý chí con người và… định hình các vấn đề xã hội.” 

Tiếp nhận quan điểm này, các nghệ sĩ Tân Cổ điển cảm thấy nghệ thuật có thể khai hóa, cải cách, và biến đổi xã hội, vì chính bản thân xã hội đang được biến đổi bởi các tác động ngày càng tăng của Cách mạng Công nghiệp, được thúc đẩy bởi khám phá và phát minh khoa học.

Benjamin West và Joseph Wright xứ Derby

Ở Anh, Chủ nghĩa Tân Cổ điển của Benjamin West, cùng với các nghệ sĩ khác, mang một thông điệp đương đại hơn, nhấn mạnh đến phẩm hạnh đạo đức và tính lý trí của Khai sáng. Các nghệ sĩ khác như Joseph Wright xứ Derby đã tạo ra các tác phẩm lấy cảm hứng từ phát minh khoa học, như có thể thấy trong Thí nghiệm trên một con chim trong thiết bị bơm khí (An Experiment on a Bird in the Air Pump) (1768) hoặc Triết gia giảng giải trên mô hình vũ trụ chạy bằng dây cót (Philosopher Lecturing on the Orrery) (1766). 

Thay vì các chủ đề từ trong thần thoại, các hoạ sĩ người Anh chuyển sang các mô tả về  lịch sử cổ điển hoặc lịch sử đương đại như Cái chết của Tướng Wolfe (The Death of General Wolfe) ( (1770) của West, qua đó ông thách thức các tiêu chuẩn hàn lâm, bác bỏ lời khuyên vẽ những người lính choàng áo toga như người La Mã xưa bởi nó không dựa trên lý trí hoặc quan sát.

Bức Một thí nghiệm trên một con chim trong thiết bị bơm khí (1768) của Joseph Wright miêu tả một thí nghiệm khoa học như một khoảnh khắc anh hùng

Đỉnh cao Tân Cổ điển: Jacques-Louis David

Thời kỳ sau của Chủ nghĩa Tân Cổ điển, tập trung ở Pháp, nhấn mạnh vào đường nét mạnh mẽ, bối cảnh cổ điển khắc khổ với ánh sáng nhân tạo, và các yếu tố đã được giản lược hóa để truyền tải sức mạnh đạo đức. Được trưng bày tại Salon ở Paris năm 1785, Lời thề của anh em nhà Horatii (Oath of the Horatii) (1784) của Jacque-Louis David biểu trưng cho hướng đi mới trong hội họa tân cổ điển và đưa ông trở thành người dẫn đầu phong trào. 

Ông hoàn thành bức tranh ở Rome, nơi ông quen Mengs, và sau đó đến thăm di tích ở Herculaneum, một trải nghiệm mà ông so sánh với việc trải qua phẫu thuật đục thủy tinh thể. Mặc dù Lời thề của anh em nhà Horatii (1784) là tác phẩm nhằm hướng tới vua Louis XVI (chính phủ của ông đã đặt hàng bức tranh này) với sự nhấn mạnh vào lòng trung thành, bức tranh sau đó đã được gắn liền với phong trào cách mạng ở Pháp. 

Cách mạng Pháp là một giai đoạn mà biến động sâu rộng về chính trị và xã hội đã lật đổ chế độ quân chủ, thành lập một nền cộng hòa và kết thúc bằng chế độ độc tài dưới quyền Napoléon được truyền cảm hứng từ những tư tưởng theo chủ nghĩa tự do cấp tiến mới. Nhóm Jacobins, một nhóm chính trị có ảnh hưởng lớn vào thời điểm đó, đã áp dụng tư thế chào của anh em nhà Horatii, như có thể thấy trong Lời thề ở sân quần vợt (The Tennis Court Oath) (1791) của David. Ảnh hưởng của David lớn đến nỗi thời kỳ sau đó của Chủ nghĩa Tân Cổ điển được mệnh danh là “Thời đại của David”, cũng vì ông đích thân đào tạo các nghệ sĩ bao gồm Anne Louis Girodet-Trioson, François Gérard, Antoine Jean Gros và Jean Auguste Dominique Ingres.

Bức Lời thề của Horatii (1784) được Jacques-Louis David vẽ từ câu chuyện của gia đình Horatii sống vào thời La Mã cổ đại

Tân Cổ điển: Các khái niệm, phong cách, và xu hướng

Kiến trúc

Chịu ảnh hưởng bởi các thiết kế của kiến ​​trúc sư thời Phục hưng người Venice Andrea Palladio và cũng lấy ý tưởng từ những khám phá khảo cổ học tại Herculaneum và lý thuyết của Winckelmann, kiến ​​trúc Tân Cổ điển bắt đầu vào giữa những năm 1700 và lan rộng khắp châu Âu. 

Phong cách được sinh ra từ đó, được tìm thấy trong thiết kế của các tòa nhà công cộng, khu dân cư nổi tiếng, và quy hoạch đô thị, sử dụng thiết kế dạng lưới lấy từ các công trình La Mã cổ điển. Người La Mã cổ đại, và cả những nền văn minh lâu đời hơn đi trước họ, đã sử dụng một kế hoạch hợp nhất để quy hoạch thành phố cho các mục đích quốc phòng và tiện ích của người dân. 

Ở thiết kế cơ bản nhất, quy hoạch này chú trọng vào một hệ thống đường phố hình vuông, với một khu vực trung tâm cho các dịch vụ của thành phố. Tuy nhiên, nhiều phiên bản đa dạng phát triển theo từng khu vực vào đầu những năm 1800, khi người Anh chuyển sang phong cách Phục hưng Hy Lạp (Greek Revival), và người Pháp sang phong cách Đế chế phát triển trong thời trị vì của Napoléon Bonaparte. Cả hai phong cách đều được kết nối với ý thức về bản sắc dân tộc, được khuyến khích bởi môi trường chính trị thời đó.

Bản đồ của thành phố Washington (1792) của Andrew Ellicott được sửa đổi từ thiết kế gốc của Pierre Charles con và được in bởi Thackara & Vallance đã minh chứng cho việc sử dụng của “hệ thống lưới”

Phong cách Phục hưng Hy Lạp Anh (British Greek Revival) chịu ảnh hưởng bởi những phát hiện khảo cổ của James Stuart và Nicholas Revett, những người đã xuất bản Những cổ vật của Athens (The Antiquities of Athens) (1762), và bởi việc khám phá ra một số ngôi đền Hy Lạp ở Ý mà người ta có thể dễ dàng tham quan. Nền kiến trúc Phục hưng Hy Lạp Anh, do các kiến ​​trúc sư Williams Wilkins và Robert Smirke dẫn đầu và đáng chú ý bởi chú trọng vào sự đơn giản và việc sử dụng các cột Doric, có ảnh hưởng đến kiến ​​trúc ở Đức, Hoa Kỳ và Bắc Âu. Cổng Brandenburg (1788-91) của Carl Gotthard Langhans ở Berlin là một ví dụ nổi tiếng.

Nhà nguyện Cambridge tại trường Downing của William Wilkins tiêu biểu cho phong cách Phục hưng Hy Lạp thống trị nền kiến trúc Anh quốc nửa đầu thế kỷ XIX

Như Hugh Honor đã viết, phong cách Đế chế Pháp “nhìn vào và học hỏi từ sự giàu sang hoa mỹ của Đế quốc La Mã. Sự mộc mạc đến đạm bạc của cột Doric được thay thế bằng sự nguy nga tráng lệ của loại cột Corinthian.” Charles Percier và Pierre Fontaine, cả hai đều được đào tạo tại Rome, là những kiến ​​trúc sư dẫn đầu của phong cách này, như có thể thấy trong công trình Khải hoàn môn Carrousel (Arc de Triomphe du Carrousel) (1801-06) của họ. 

Khải hoàn môn trở thành một đặc điểm nổi bật của phong cách Đế chế Pháp, cả ở Pháp, như được thấy ở Bắc đẩu Tinh tú Hoàn môn (Arc de Triomphe de l’Étoile) (1806-36), cũng như trên thế giới, như được thấy ở Khải hoàn môn Navra (1827-34) ở Saint Petersburg đến kỷ niệm thời Nga đánh bại Napoléon.

Khải hoàn môn Carrousel của Pierre-François-Léonard Fontaine và Charles Percier mô phỏng theo Khải hoàn môn Constantine (312) ở Rome

Thiết kế nội thất

Thiết kế nội thất và đồ đạc theo phong cách Đế chế chịu ảnh hưởng một phần bởi những khám phá tại Herculaneum và Pompeii. Nội thất kiểu Đế chế được thiết kế cốt để tạo ấn tượng, sử dụng chi tiết trang trí mạ vàng thường là với mô-típ quân sự, hoặc mô-típ gợi nhớ đến Ai Cập cổ đại cũng như các nền văn minh khác bị chinh phục bởi người La Mã và vào đầu những năm 1800 bởi Napoléon. 

Trong cả kiến ​​trúc và thiết kế, phong cách Đế chế trở thành một phong cách quốc tế, tương ứng với phong cách Nhiếp chính ở Anh, phong cách Liên bang ở Hoa Kỳ và phong cách Biedermeier ở Đức.

Phòng ngủ của Napoléon (khoảng 1804) tại Grand Trianon, Versailles là điển hình của phong cách Đế chế

Điêu khắc

Jean-Baptiste Pigalle người Pháp là một người dẫn đầu trong thời kỳ đầu của nghệ thuật điêu khắc Tân Cổ điển. Tác phẩm Mercury (1744) của ông được Voltaire đánh giá là có thể so sánh với một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp hàng đầu, và được sao chép rộng rãi. Pigalle cũng là một giáo viên nổi tiếng; học trò của ông, Jean-Antoine Houdon, nổi tiếng với những bức tượng bán thân sau đó đã dẫn đầu phong trào ở Pháp. 

Vì đây là phong trào thực sự mang tính quốc tế, nhà điêu khắc người Ý Antonio Canova cũng được coi là nhân vật tiêu biểu trong trường phái Tân Cổ điển, các tác phẩm của ông được so sánh về vẻ đẹp và sự duyên dáng với các tác phẩm của nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại Praxiteles. Ở Anh, John Flaxman là nhà điêu khắc có ảnh hưởng lớn nhất, được biết đến không chỉ với những bức tượng như Thần Apollo đồng quê (Pastoral Apollo) (1824) mà còn với những bức phù điêu và những thiết kế tân cổ điển ông thực hiện cho Josiah Wedgwood để làm đồ gốm Jasperware , một loại đồ gốm men đá nổi tiếng thế giới.

Tác phẩm Mercury (1744) của là tác phẩm ứng tuyển (reception piece) vào Viện Hàn lâm Hoàng gia Pháp của Pigalle

Những phát triển sau này – Hậu Tân Cổ điển

Chủ nghĩa Tân Cổ điển trong hội họa và điêu khắc bắt đầu suy giảm với sự phát triển của chủ nghĩa Lãng mạn, mặc dù vào đầu những năm 1800, hai phong cách này tồn tại trong sự cạnh tranh, với Ingres bám víu lấy phong trào Tân Cổ điển, lúc bấy giờ được coi là “truyền thống”, còn Delacroix thì chú trọng vào khả năng cảm thụ và cảm xúc cá nhân. Đến những năm 1850, trào lưu Chủ nghĩa Tân Cổ điển đã đến hồi kết, mặc dù các nghệ sĩ hàn lâm tiếp tục sử dụng các phong cách và chủ đề cổ điển trong suốt phần lớn thế kỷ 19, trong khi bị các phong trào nghệ thuật hiện đại như chủ nghĩa Hiện thực, chủ nghĩa Tự nhiên và chủ nghĩa Ấn tượng phản đối và thách thức.

Chân dung tự hoạ vẽ năm 1804 của Ingres

Tuy nhiên, tác phẩm của Ingres vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến các nghệ sĩ sau này kể cả khi ông phát triển rời xa dần khỏi Chủ nghĩa Tân Cổ điển sang chủ nghĩa Lãng mạn, với hình tượng những cung phi với những tấm lưng thon dài. Ông đã tác động đến Edgar Degas, Auguste Renoir, Henri Matisse và Pablo Picasso, những người đã lấy ý tưởng từ  cách xử lý tạo hình của ông để hình thành tạo hình méo mó cách điệu. Tác phẩm của Jacque-Louis David, đặc biệt là Cái chết của Marat (The Death of Marat) (1793), được tái khám phá vào giữa thế kỷ 19 và sau đó ảnh hưởng đến Picasso và Edvard Munch, cũng như các nghệ sĩ đương đại như Vik Muniz. Tác phẩm History Portraits (Những chân dung lịch sử) (1988-90) của nghệ sĩ đương đại Cindy Sherman cũng tái hiện một số tác phẩm tân cổ điển nổi tiếng thông qua các bức ảnh tự họa chụp phim.

Dù kiến ​​trúc Tân Cổ điển suy tàn vào giữa những năm 1800 thì ảnh hưởng của nó tiếp tục được nhận thấy rõ rệt trong các phong trào mới, chẳng hạn như phong trào Phục hưng Mỹ và kiến ​​trúc Beaux-Arts. Ngoài ra, các kiến ​​trúc sư được ủy nhiệm thiết kế  các dự án công cộng nổi tiếng trong thế kỷ 20 tiếp tục lấy cảm hứng từ phong cách này, như có thể thấy ở Đài tưởng niệm Lincoln (1922) và Đài tưởng niệm Theodore Roosevelt (1936) của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Liên bang Xô viết cũng thường xuyên sử dụng phong cách này trong kiến ​​trúc chính phủ, cả ở trong nước và bằng cách đưa  nó sang các nước cộng sản khác.

Người dịch: SAC

Cùng tác giả

#Tag

claude lorrain Heirstory Hương Mi Lê Lê Hương Mi Neoclassicism Nicolas Poussin Series Lịch sử thiết kế đồ họa tân cổ điển

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…