Thời kỳ Victoria (Phần 1): Tóm lược và lịch sử

Thời kỳ Victoria tuy không phải là một thời kỳ rõ rệt trong lịch sử nghệ thuật và thiết kế cả về mặt phong cách lẫn tư tưởng triết học nằm sau sáng tạo, nhưng nó vẫn để lại nhiều di sản tác phẩm cụ thể có giá trị. Quảng cáo cũng nở rộ trong khoảng thời gian này như một phương tiện truyền thông tin mới trong xã hội, góp phần thúc đẩy nhu cầu về thiết kế đồ họa. 

Có thể coi thời kỳ này là một cuộc ăn mừng sự phát triển của xã hội do Cách mạng Công nghiệp. Tầng lớp trung lưu khoe mẽ đời sống giàu có và hưởng thụ xa hoa thông qua những biểu hiện thị giác phô trương, đậm chất trang trí. Những nghệ sĩ và nhà thiết kế tận dụng các kỹ thuật mới đặc biệt là in ấn và nhiếp ảnh để thỏa sức tạo ra những hình ảnh theo cách chưa từng có trước đó mà không cần màng tới chiều sâu nội dung đằng sau. 

Cách mạng Công nghiệp (1750-1850)

Thời kì được biết đến như là Cách mạng Công nghiệp là một khoảng thời gian với những thay đổi mấu chốt trong nông nghiệp, sản xuất, vận tải, và cấu trúc xã hội. Với nguồn gốc ở Anh, thời kì này là một cuộc “cách mạng” đích thực, phá tan các cách tiếp cận cũ đối với mọi thứ. Nền kinh tế cũ dựa vào lao động chân tay và các thợ thủ công lành nghề được thế chỗ bởi một nền kinh tế thống trị bởi công nghiệp, máy móc, và sản xuất hàng loạt.

Năng lượng là sự thúc đẩy quan trọng trong sự chuyển đổi này – từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp. Trước đó, sức mạnh con người và súc vật được lấy làm nguồn năng lượng chính cho đến khi James Watt hoàn thiện động cơ chạy bằng hơi nước năm 1775.

Khởi nguồn của tất cả: Động cơ hơi nước của James Watt

Sự xuất hiện của máy móc chạy bằng hơi nước (với nguồn nhiên liệu là than) mở ra cánh cửa dẫn đến tăng trưởng đáng kể trong sản xuất, và trong việc chế tạo thêm càng nhiều máy móc. Những hoàn cảnh thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp bao gồm những bước tiến trong kỹ thuật và cách thức canh tác nông nghiệp, từ đó dẫn đến nguồn cung cấp lương thực và vật liệu thô dồi dào hơn. Những thay đổi trong công nghệ và cấu trúc ngành nghề công nghiệp cùng lúc làm tăng sản lượng, hiệu quả, và lợi nhuận. Việc xây dựng đường xá, kênh ngạch, và cuối cùng là đường tàu hỏa tạo điều kiện cho giao thương được mở rộng. Không ít các điều kiện phát triển này có quan hệ mật thiết với nhau đến nỗi hiệu ứng đạt được của một trong số chúng cũng tác động, củng cố tất cả những điều kiện còn lại.

Mặc dù cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu từ Anh, đó cũng là một thời kì cách tiến đặc trưng bởi những biến đổi về xã hội và kinh tế ở Mỹ và phần lớn các nước châu Âu.

Thời kì Victoria (1837-1901)

Khoảng thời gian trị vì của Victoria, người lên ngôi nữ hoàng nước Anh và Ai-len năm 1837, kéo dài suốt phần lớn thế kỉ 19. Thời kì Victoria thường được định nghĩa là những năm 1837-1901 – thời gian mà Nữ hoàng Victoria còn trên ngôi.

Bánh xe Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu lăn từ trước đấy, nhưng là trong thời kì Victoria mà những ảnh hưởng của công cuộc công nghiệp hoá mới được cảm nhận rõ rệt và toàn diện. Bên cạnh những đột phá về công nghệ, cuộc Cách mạng Công nghiệp cũng mang lại tội phạm, nạn nghèo đói ở thành thị, và sự phát triển của một tầng lớp nouveau riche (nhà giàu mới nổi) bê tha, buông thả.

Của cải vật chất trở thành một động lực thúc đẩy trong văn hoá. Nỗi thèm khát sự thoải mái và sung túc không có giới hạn lan truyền từ những kẻ giàu có nhất xuống tới tầng lớp trung lưu mới, cho nên sự ưa chuộng trang trí và phô trương trở thành phong cách chính của thời kỳ.

Những chi tiết hoa mĩ được thêm thắt vào tô điểm các công trình kiến trúc, đồ nội thất, trang phục, và xuất hiện dưới dạng những đường viền và chữ viết phức tạp trong thiết kế đồ hoạ. Sự đa cảm, hoài cảm, và cái đẹp được lý tưởng hoá được diễn tả qua hình ảnh những cô gái trẻ, hoa, trẻ em, và những chú chó con, mèo con trong tranh in.

Lao động trẻ em trong thời Cách mạng Công nghiệp

Áp-phích quảng cáo xà phòng Pears, một trong những áp-phích quảng cáo đầu tiên trên thế giới

Năm 1851, phu quân của Nữ hoàng Victoria, Hoàng tử Albert, chủ trì một cuộc Đại Triển lãm (Great Exhibition) với 13.000 nhà triển lãm từ tất cả các quốc gia công nghiệp. Triển lãm thu hút hơn 6 triệu khán giả và là cơ hội trưng bày công nghệ và thiết kế ở đỉnh điểm của Cách mạng Công nghiệp.

Cuộc cách mạng trong in ấn

In thạch bản được phát triển ở Đức năm 1796 bởi Alois Senefelder. Thuật in thạch bản là một kỹ thuật in cho phép tái sản xuất nhiều lần một hình ảnh vẽ bằng màu sáp nhờn trên một loại đá vôi nhất định. Khi bề mặt đá, vốn thấm hút tự nhiên, được làm ướt trước khi in, mực in sẽ được đọng lại ở những chỗ có sáp dính, những chỗ còn lại sẽ không ăn mực và bị rửa trôi đi. Đặc trưng của kỹ thuật in này là dựa vào thực tế rằng những vùng có hình ảnh và vùng không có hình ảnh phản ứng theo cách khác nhau với mực in. In thạch bản gia nhập với danh sách các kỹ thuật lâu đời hơn như in nổi và in chìm (intaglio), nhờ nó mà người ta có thể mở rộng phạm vi những gì có thể được in.

Một trong những công nghệ được trưng bày ở cuộc Đại Triển lãm năm 1851, cũng được biết đến như là Triển lãm Cung Pha lê, là một phương pháp in màu mới: in thạch bản sắc màu (chromolithography). Dù in thạch bản đã trở nên phổ biến rộng rãi, ban đầu đó chỉ là một phương pháp in đơn sắc. Những thí nghiệm sơ khai trong in thạch màu được hoàn thiện năm 1837, khi một thợ in người Pháp được cấp bằng sáng chế cho một quy trình được đặt tên là in thạch bản sắc màu. Sau khi phân tích những màu tạo nên đối tượng gốc, thợ in chia chúng thành một chuỗi các bản in và tiến hành in từng màu thành phần một. Sự hấp dẫn của quá trình này chính là nhờ công những hoạ sĩ tài năng lên thiết kế ban đầu, thường bằng màu nước, sau đó là những thợ thủ công khéo léo đồ lại bức vẽ gốc lên những miếng đá in thạch bản.

Một ví dụ về một tranh in chromolithograph được hoàn thiện bằng 9 bản màu in

Nhiều bức hình đòi hỏi 5, 10, 20 màu, hay còn nhiều hơn thế. Mực in màu được quét lên những tấm đá này hoà quyện với nhau một cách hoàn hảo thành hàng trăm, hàng nghìn bản sao tuyệt đẹp của tác phẩm gốc. Tuy vậy, công ty in thạch bản thường được ghi nhận như tác giả của các bản in thạch bản màu sắc thay cho cá nhân nghệ sĩ hay nghệ nhân, và do vậy tên tuổi của nhiều trong số họ đã mất dấu trong lịch sử.

Sự xuất hiện của việc in màu có ảnh hưởng lớn rộng về mặt xã hội và kinh tế. Trước đó, kỹ thuật in ký tự rời từ cũ kỹ đã giới hạn thiết kế trong một hệ thống lưới cứng nhắc: Tất cả những gì sẽ được in phải tuân theo hệ thống này, qua đó các chữ cái được sắp xếp theo các đường thẳng song song nhau thành nhiều hàng liên tiếp. Các hình minh hoạ, bản đồ, và các hình ảnh tương tự được vẽ và khắc thủ công. In thạch bản đã giải phóng ký tự và dàn trang ấn phẩm.

Với kỹ thuật in ấn của máy in ký tự rời Gutenberg, bố cục dàn trang giới hạn trong các khung cố định một hoặc hai cột mỗi trang

Từ tái sản xuất nghệ thuật cho đến đến đồ họa quảng cáo, hàng triệu các bản in màu được tuôn ra từ các xưởng in. Nhưng những tín đồ của ký tự pháp mĩ thuật đã kinh hãi khi chứng kiến thiết kế được phác ra trên bảng vẽ của người hoạ sĩ – không hề được đào tạo một cách truyền thống về in ấn và sắp chữ, những người làm công việc thiết kế có thể chế ra bất cứ hình dạng chữ cái nào họ thích.

Hai tạp chí Punch Harper’s New Monthly Magazine (Tạp chí mới hàng tháng của Harper) mở đường cho thời kì của tạp chí khi bắt đầu xuất bản lần lượt vào năm 1841 và 1850. Cả hai sử dụng nhiều hình minh hoạ khắc gỗ hay khắc, cùng với ký tự đúc hợp kim. Nhờ làn sóng dân số biết đọc viết tăng nhanh, chi phí sản xuất giảm mạnh, và sự tăng trưởng của doanh thu quảng cáo mà số lượng báo và tạp chí được xuất bản ở Mỹ được đẩy từ 800 lên 5.000 chỉ trong giai đoạn 1830 đến 1860.

Tạp chí Punch được biết đến nhờ thể loại hài châm biếm và đưa nhiều hoạ sĩ minh hoạ và biếm hoạ chính trị đến với công chúng.

Đi liền với sự phát triển của các tạp chí là các công ty quảng cáo. Công ty quảng cáo thực thụ đầu tiên mở cửa vào năm 1841 tại thành phố Philadelphia. Thặng dư hàng hóa được tạo ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường; người bán luôn tìm cách cung cấp cho người mua thông tin về những phẩm chất của các mặt hàng và dịch vụ. Với mục đích này, những bước tiến trong việc in ấn đồng thời văn bản và hình ảnh đã nuôi dưỡng phương tiện mới gọi là quảng cáo.

Ký tự pháp thời kì Victoria

Những thành phẩm in ấn với mục đích thương mại thời Victoria được đặc trưng bởi xu hướng trang trí phổ biến trong văn hóa đương thời, cũng như bởi sự cẩu thả trong tay nghề thủ công. Ví dụ, nếu một thợ sắp chữ thiếu một chữ g thường, anh ta sẽ không ngần ngại thay thế nó bằng chữ b úp ngược xuống. Dù vậy, thi thoảng, một thương nhân đòi hỏi thành phẩm truyền thông riêng biệt cũng khiến cho ra đời những thiết kế phông ưu tiên thể hiện phong cách (display face) thật sự độc đáo, được cấu tạo bởi những chữ cái mộc bản kỳ lạ, thậm chí là tinh xảo.

Áp-phích ở London, khoảng 1840, sử dụng phông Fat Face

Những nhà thiết kế các kiểu chữ trưng bày mới này bóp méo kiểu chữ Bodoni và Dido, làm cho chúng to và đậm hơn. Những thiết kế chữ này, gọi là Fat Face, ngày nay được công nhận như là tinh tuý của thời Victoria. Những thợ khắc gỗ tuân theo mốt ưa chuộng trang trí cầu kỳ; họ thêm thắt bóng, đường viền, và các chi tiết tô điểm vào cấu hình chữ. Các phông chữ Antiqua Ai Cập (Egyptienne) cùng các kiểu chữ Fat Face trở thành một trong những hình dạng ký tự pháp độc đáo nhất của thế kỷ.

Phong cách dàn trang đặc trưng thời Victoria – rất nhiều các biến thể cực kỳ táo bạo về kích cỡ và độ đậm nhạt khác nhau của chữ cùng được nhồi nhét vào khuôn khổ của một trang giấy – là một phát minh thích đáng; nó cho phép thợ in tận dụng từng mi li mét diện tích giấy quý báu. Nghệ thuật in thạch bản màu sắc, với những chữ cái vẽ tay, là nguồn chính tạo cảm hứng cũng như cạnh tranh cho các xưởng đúc chữ và các nhà in.

Xếp chữ bằng tay, sau đó phân chia lại vào hộp chữ in (job case) vẫn là một quá trình chậm và tốn kém. Đến giữa thế kỉ 19, các xưởng in có thể sản xuất 25.000 bản sao mỗi giờ, nhưng mỗi chữ cái trong mỗi từ trong mỗi quyển sách, báo, hay tạp chí phải được sắp xếp thủ công. Hàng tá người đã thử nghiệm để hoàn thiện một chiếc máy có thể tự sắp ký tự, và bằng sáng chế đầu tiên cho một máy soạn chữ được đăng ký năm 1825. Đến thời điểm Ottmar Mergenthaler hoàn thiện máy in linô của ông vào năm 1886, khoảng 300 máy sắp chữ tự động hoạt động theo các cách khác nhau đã được phát minh. Đột phá của Mergenthaler bao gồm việc sử dụng các khuôn nhỏ bằng đồng, trên đó hình thù các chữ cái được dập vào thành vết ấn. Mỗi lần người điều khiển máy ấn một phím trên bàn phím, khuôn của chữ đó được thả từ một cái ống, trôi xuống theo một đường trượt và được tự động xếp thẳng hàng với các chữ cái khác cùng dòng. Chì nấu chảy được đổ vào các khuôn chữ cái đã xếp thành hàng đó để đúc một hàng ký tự. Công nghệ này tạo điều kiện cho sự phát triển bùng nổ của số lượng thành phẩm được in.

Máy linô đúc chữ từ những năm 1880

Nhiếp ảnh, công cụ truyền đạt thông tin mới

Nhiếp ảnh và truyền thông đồ hoạ được gắn liền với nhau, bắt đầu từ những thí nghiệm đầu tiên nhằm ghi lại một hình ảnh thiên nhiên bằng máy ảnh. Người đàn ông Pháp cho ra bức hình nhiếp ảnh đầu tiên vào năm 1826, Joseph Niépce, là một thợ in thạch bản. Ông bắt đầu dấn thân vào nghiên cứu về nhiếp ảnh bằng việc tìm kiếm một phương thức để có thể tự động chuyển những bức vẽ sang đĩa in.

Là đối tác của Niépce, Louis Daguerre là người trau chuốt quy trình nhiếp ảnh thuở sơ khai. Năm 1839, Daguerre tuyên bố đã phát minh ra một quá trình gọi là hình thức nhiếp ảnh nguyên mẫu Daguerre (Daguerreotype). Kỹ thuật Daguerreotype rất nổi tiếng trong thời kì Victoria và đã tạo ra một nguồn nhu cầu giúp xúc tiến sự phát triển của ngành nhiếp ảnh.

Một số những bức chân dung được chụp bằng kỹ thuật Daguerreotype – ghi hình ảnh trên các tấm đồng phủ bạc được xử lý để trở nên nhạy sáng

Trong suốt những năm 1800, những thí nghiệm trong công nghệ nhiếp ảnh tiếp tục tiến bộ cho đến cuối thế kỉ, khi mà cuối cùng người ta đã có thể hợp nhất các quy trình nhiếp ảnh với in ấn.

Năm 1880, tờ New York Daily Graphic (Nhật báo Đồ hoạ New York) cho ra mắt phiên bản đầu tiên của một bức ảnh được in trong một tờ báo với đủ độ tinh tế về sắc độ của mực. Bức hình được in từ màn hình bán sắc (halftone screen) phát minh bởi Stephen Horgan. Màn hình này chia hình ảnh thằng một tổ hợp các chấm li ti với nhiều kích cỡ khác nhau, từ đó tạo ra các sắc độ khác nhau, từ màu trắng thuần tuý của giấy đến màu đen thuần của mực.

Những minh hoạ nhiếp ảnh cơ học màu đầu tiên được in trong những số mùa Giáng Sinh của tạp chí L’Illustration ở Paris, phát hành năm 1881. Vốn phức tạp và tốn thời gian, quá trình phân chia màu trong nhiếp ảnh cơ học tiếp tục chỉ ở giai đoạn thử nghiệm cho đến cuối thế kỉ này.

Toà Steinway (Steinway Hall) trên phố 14 Đông ở Manhattan – bản in bán sắc từ ảnh chụp đầu tiên được sử dụng trong một tờ báo xuất bản định kỳ ở Hoa Kỳ. Tháng 12, 1873

Phong cách Victoria

Những người dân sống trong thời Victoria thích gì? Người ta mua loại nội thất, đồ bằng bạc, trang sức, giấy dán tường, và kính nào cho nhà của mình? Những năm thuộc thời kì Victoria, kéo dài suốt gần hết thế kỉ 19 và vài năm sau đó nữa, có thể được chia thành nhiều giai đoạn. Phần đầu của triều đại của Victoria chứng kiến một sự thích thú với phong cách Phục hưng Gô-tích hay Trung cổ trong tất cả các khía cạnh của ngành kiến trúc và thiết kế.

Sau sự kiện Đại Triển lãm năm 1851, gu thẩm mỹ chuyển hướng sang sự tô điểm quá đà cho hầu như mọi đồ vật trong ngôi nhà thời Victoria. Thiết kế in thời Victoria không phản chiếu một triết lý nào đó, thay vào đó phong cách này nhằm ca ngợi ngành công nghệ không ngừng tiến hoá để phục vụ sản xuất hàng loạt.

Kiến trúc tiêu biểu thời Victoria

Các ví dụ trong thiết kế nội thất thời Victoria từ cuộc triển lãm ở Cung Pha lê năm 1851

Sau đó, từ những năm 1880 trở đi, lịch sử chứng kiến một loạt các phản ứng chống lại khiếu thẩm mỹ Victoria Cổ điển (High Victorian) – Chủ nghĩa Duy mỹ, Tân Nghệ thuật Art Nouveau, Chủ nghĩa Nhật Bản, phong trào Arts & Crafts, Phục hưng Xen-tơ (Celtic Revival) và phong cách Tự do, và cuối cùng là Art Desco mà mãi sau này mới đạt tới đỉnh điểm, trong những năm 1930 và 1940.

Thế kỉ 19 là cột mốc quan trọng cho sự phát triển kỹ thuật trong in ấn. Ở phần đầu thế kỷ, những cuốn sách chứa những tấm hình màu được các hoạ sĩ tô bằng tay, sử dụng những kỹ thuật thừa hưởng từ tận thời Phục hưng. Một trăm năm sau, những kỹ thuật tái tạo ảnh chụp, sự cơ giới hoá trong quá trình sắp chữ, và máy in chạy bằng hơi nước cho ra đời các cách thức hoạt động mà sẽ được dùng phổ biến trong 100 năm nữa, cho đến khi cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu.

Người dịch: Hanh Nguyen

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê idesign Kiến thức Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa thời kì victoria Victorian

iDesign Must-try

Hanoi Grapevine’s Finest 2023-2024: Thông báo chính thức & Công bố danh sách đề cử Hạng mục Vinh danh
Hanoi Grapevine’s Finest 2023-2024: Thông báo chính thức & Công bố danh sách đề cử Hạng mục Vinh danh
Hanoi Grapevine’s Finest là sự kiện thường niên vinh danh hoạt động nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, được tổ chức và lựa chọn bởi Hanoi Grapevine và cộng đồng…
Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Tổng quan về Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 – 2024 Giới thiệu về Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023-2024 Hanoi Grapevine’s Finest Reviews là cuộc thi viết cảm…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…