Trào lưu Art Deco (Phần 1): Tóm lược, lịch sử, khái niệm, phong cách, và xu hướng

Tóm lược về Art Déco

Phong cách Art Deco thể hiện trên nhiều lĩnh vực của nghệ thuật thị giác: từ kiến trúc, hội hoạ, và điêu khắc cho đến nghệ thuật đồ hoạ và trang trí. Trong khi những người thực hành Art Deco thường tôn vinh những ảnh hưởng hiện đại như là chủ nghĩa Lập thể, De Stijl, và Vị lai, sự tham khảo thì lại không đến trực tiếp từ đó; như thể là họ đã học lấy kết quả cuối cùng của một vài thập kỷ chắt lọc các bố cục thành những hình dạng cơ bản nhất và phát minh ra một phong cách mới có thể dễ chịu về mặt thị giác nhưng không mang tính đe dọa về mặt trí tuệ.

Phong cách Art Déco có nguồn gốc từ Paris, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn thể kiến trúc và văn hoá. Những tác phẩm Art Déco đối xứng, có tính hình học, được sắp xếp hợp lý, thường đơn giản và đẹp mắt. Phong cách này trái ngược với nghệ thuật tiền tiến của giai đoạn này, thứ thách thức người xem mỗi ngày phải tìm ra ý nghĩa và vẻ đẹp trong những hình ảnh và hình thức mà thường phản truyền thống một cách trắng trợn.

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Art Deco, giống như Art Nouveau, là một phong cách nghệ thuật hiện đại cố gắng thổi hồn vào các đồ vật có chức năng bằng những xúc cảm nghệ thuật. Phong trào này khác với mĩ thuật (hội hoạ và điêu khắc), nơi mà đối tượng nghệ thuật không có mục đích hay chức năng thực dụng nào ngoài việc mang lại góc nhìn thú vị.
  • Với sự ra đời của sản xuất quy mô lớn, các nghệ sĩ và nhà thiết kế mong muốn cải thiện vẻ bề ngoài của những vật dụng chức năng được sản xuất hàng loạt – tất cả mọi thứ từ những chiếc đồng hồ và gạt tàn thuốc cho đến xe hơi và những toà nhà. Việc theo đuổi cái đẹp của Art Deco trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống đã phản ánh một cách trực tiếp sự mới lạ tương đối và việc sử dụng hàng loạt của công nghệ thời đại máy móc thay cho các phương pháp thủ công truyền thống để sản xuất các vật dụng. Trường Bauhaus cũng quan tâm đến sản xuất công nghiệp, nhưng theo một nghĩa nào đó, Bauhaus lại là cực đối lập vì nó tránh những tô điểm nghệ thuật – ưu tiên những hình dáng dạng hình học gọn gàng và đơn giản. 
  • Đặc tính phong cách Art Deco tách ra khỏi Art Nouveau và phong cách Arts and Crafts, vốn nhấn mạnh sự độc bản và nguyên bản của các vật dụng thủ công và các hình thức được cách điệu, hữu cơ. Chất lượng thủ công đó là biểu tượng của một kiểu chủ nghĩa tinh hoa trái ngược với tiêu chí bình đẳng hơn của Art Deco: chế tạo ra những vật thể hấp dẫn về mặt thẩm mỹ, được sản xuất bằng máy móc để phục vụ cho tất cả mọi người.
  • Streamline Moderne, phiên bản kiểu Mỹ của phong cách Art Deco, là một phiên bản tinh giản và bóng bẩy của phong cách Art Deco châu Âu vốn phức tạp và mang tính “may đo” riêng hơn. Về nhiều mặt, phong cách kiểu Mỹ đã phát triển và dần trở nên có nhiều ảnh hưởng và được sử dụng nhiều hơn ở Hoa Kỳ so với châu Âu.

Lược sử Art Déco

Những bức phù điêu Art Déco ở số 30 Rockefeller Plaza, thành phố New York

“Để đưa nghệ thuật trang trí quay trở lại… với vị trí quan trọng mà nó từng có trong quá khứ,” Francis Jourdain nói, hoạch định mục tiêu của Art Deco. Trong mỗi thiết kế theo phong cách này, những yếu tố trang trí được sử dụng phong phú truyền tải một sự hiện đại sang trọng.

Những sự khởi đầu của Art Deco

Vào cuối thế kỷ XIX tại Pháp, nhiều người trong số những nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà thiết kế danh tiếng mà đóng góp những vai trò quan trọng trong sự phát triển của phong cách Art Nouveau nhận ra rằng nó đang trở nên lỗi thời một cách nhanh chóng. Vào phần cuối của thế kỷ đã chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra, đời sống đương đại trở nên rất khác so với một vài thập kỷ trước đó. Đó là lúc cho một cái gì đó mới, cái gì đó mà có thể tự hào tuyên bố về một “thế kỷ XX” hiện đại, có gu.

Hiệp hội những Nghệ sĩ Trang trí ở Pháp

Từ mong muốn để bước sang thế kỷ mới này theo bước tiến của sự đổi mới thay vì bị kìm hãm bởi sự hoài cổ, một nhóm các nhà đổi mới nghệ thuật Pháp đã thành lập một tổ chức với tên gọi Societé des Artistes Décorateurs (Hiệp hội những Nghệ sĩ Trang trí). Nhóm bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng như nhà thiết kế và thợ in theo phong cách Art Nouveau Eugene Grasset, và kiến trúc sư Art Nouveau Hector Guimard, cùng với các nghệ sĩ trang trí mới nổi như Pierre Chareau và Francis Jourdain. Chính phủ Pháp hỗ trợ và thúc đẩy định hướng hoạt động nghệ thuật này. 

Một trong những mục tiêu chính của nhóm là thách thức cấu trúc phân cấp của nghệ thuật thị giác mà đã hạ những nghệ sĩ trang trí xuống một địa vị thấp kém hơn so với các phương tiện cổ điển hơn là hội hoạ và điêu khắc. Jourdain từng nổi tiếng với câu nói, “Vì vậy cho nên chúng tôi đã kiên quyết mang nghệ thuật trang trí trở lại, từ vị thế bị đối xử bất công giống như nàng Lọ Lem hay những người họ hàng nghèo khổ chỉ được phép ăn cùng những người hầu, với những vị trí quan trọng và gần như ưu tiên mà nó vốn đã chiếm giữ trong quá khứ, ở mọi thời đại và mọi quốc gia trên thế giới.” Kế hoạch cho một buổi triển lãm lớn giới thiệu một loại hình nghệ thuật trang trí mới ban đầu được dự định tổ chức vào năm 1914, nhưng phải hoãn lại cho đến sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc và sau đó bị lùi lại vì nhiều lý do đến năm 1925.

Cuộc triển lãm chính thức phát động phong trào 

Áp-phích Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Nghệ thuật Công nghiệp 1925 tại Pháp

Chính phủ Pháp, bên đứng ra tổ chức cuộc triển lãm giữa lối đi dạo của Điện Invalides có mái vòm vàng và cổng vào của cung điện Petit Palais và cung điện Grand Palais ở cả hai bên sông Seine, đã cố gắng giới thiệu phong cách mới này. Hơn 15.000 nghệ sĩ, kiến trúc sư và nhà thiết kế đã trưng bày tác phẩm của họ tại buổi triển lãm. Trong suốt bảy tháng của triển lãm, hơn 16 triệu người đã đến tham quan nhiều cuộc triển lãm tranh riêng lẻ. Cuộc triển lãm này là chất xúc tác cho khởi đầu của phong trào. 

Art Nouveau và Art Deco

Art Deco là một phản ứng trực tiếp về mặt thẩm mỹ và triết học đối với phong cách Art Nouveau và hiện tượng văn hoá rộng lớn hơn của chủ nghĩa Hiện đại. Art Nouveau bắt đầu lỗi thời trong thời gian Thế chiến thứ nhất diễn ra vì nhiều nhà phê bình cho rằng những chi tiết trau chuốt, những thiết kế tinh tế, những vật liệu thường đắt tiền và những phương pháp sản xuất của phong cách này không còn phù hợp với một thế giới đầy thách thức, bất ổn và ngày càng cơ giới hoá hơn. Trong khi phong trào Art Nouveau bắt nguồn từ các hình dáng phức tạp, cách điệu từ tự nhiên và tôn vinh những điều tốt đẹp của thủ công, thì thẩm mỹ Art Deco lại chú trọng đến sự tinh giản thời đại máy móc và hình học đẹp mắt. 

Art Deco và chủ nghĩa Hiện đại

Phong cách kiến trúc Art Deco ở Amsterdam

Triển lãm quốc tế không chỉ tập hợp các tác phẩm theo phong cách Art Deco mà còn đặt những món đồ thủ công cạnh những mẫu tranh vẽ tiên phong và điêu khắc theo các phong cách như Lập thể, Kiến tạo, Bauhaus, De Stijl, và Vị lai. Vào những năm 1920, Art Deco là một xu thế hoa mỹ nhưng phổ biến và đối lập với những mĩ học trí tuệ hơn của Bauhaus và De Stijl. Cả ba đều chú trọng vào những đường nét chỉnh chu và mạnh mẽ như một nguyên tắc thiết kế có tổ chức. 

Những nghệ sĩ thực hành phong cách Art Deco tiếp thu sự cải tiến trong công nghệ, những vật liệu hiện đại và sự cơ giới hoá, và cố gắng nhấn mạnh chúng trong tổng thể thẩm mỹ của chính phong cách. Những nghệ sĩ này cũng vay mượn và học hỏi từ những phong trào hiện đại khác. Art Deco được yêu mến bởi những người ngưỡng mộ vốn đã theo đuổi những quan điểm hướng về phía trước của các phong trào tiên phong đương đại. Trớ trêu là, hội hoạ và điêu khắc hiện đại lại đóng vai trò thứ yếu trong triển lãm, trừ một vài ngoại lệ là gian hàng của Liên Xô và gian hàng Esprit Nouveau của Le Corbusier.

Esprit Nouveau của Le Corbusier và Pierre Jeanneret do Glauco Gresleri, Giuliano Gresleri và Jose Oubrerie tái hiện lại ở Bologna, Ý năm 1977

Art Deco sau cuộc Đại khủng hoảng

Sự khởi đầu cho giai đoạn thứ hai của Art Deco trùng với sự bắt đầu cuộc Đại khủng hoảng. Sự khắc khổ, trên thực tế, có lẽ là nét thẩm mỹ cốt lõi cho cả lý do về mặt thực tế và về mặt khái niệm cho sự phát triển lần thứ hai này của Art Deco. Trong khi kiến trúc Art Deco, chẳng hạn là, đã được hướng thẳng đứng với những tòa nhà cao chọc trời đạt đến những đỉnh cao, thì những tòa nhà Art Deco sau này với hầu hết phần bên ngoài không trang trí, những đường cong duyên dáng, và những điểm nhấn nằm ngang tượng trưng cho sự vững chãi, phẩm cách thầm lặng, và sự bền bỉ. Trong suốt những năm tồi tệ nhất của thảm họa kinh tế, từ 1929 đến 1931, Art Deco kiểu Mỹ đã chuyển tiếp từ theo đuổi xu hướng sang thiết lập chúng. 

Streamline Moderne

Streamline Moderne trở thành phong cách kiểu Mỹ nối tiếp của phong trào Art Deco châu Âu. Ngoài những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế và triết học, nguồn cảm hứng thẩm mỹ cho những công trình Streamline Moderne đầu tiên là những toà nhà được thiết kế bởi những người ủng hộ phong trào Khách quan mới (New Objectivity) ở Đức, ra đời từ một hiệp hội không chính thức của những kiến trúc sư, nhà thiết kế và nghệ sĩ người Đức vốn đã hình thành từ đầu thế kỷ XX. 

Hội hoạ Khách quan mới (Neue Sachlichkeit) là một phản đề của hội hoạ Biểu hiện Đức

Những nghệ sĩ và kiến trúc sư theo Khách quan mới được truyền cảm hứng bởi cùng một loại chủ nghĩa thực dụng không màu mè mà đã buộc những người ủng hộ Streamline Moderne phải loại bỏ những thứ dư thừa, bao gồm cả tính đa cảm của nghệ thuật biểu hiện. Những kiến trúc sư theo Khách quan mới tập trung vào các sản xuất những công trình kiến trúc có thể được xem là thiết thực, phản ánh nhu cầu của cuộc sống thực. Họ ưu tiên những thiết kế của mình thích ứng được với thế giới thực thay vì khiến những thứ khác phải tự điều chỉnh theo một thẩm mỹ không thực tế. Để đạt được điều đó, những kiến trúc sư Khách quan mới thậm chí còn đi đầu trong công nghệ tiền chế (giúp việc xây nhà cho người nghèo ở Đức được nhanh chóng và hiệu quả)

Streamline Moderne, kiến trúc Art Deco

Bỏ đi các chi tiết trang trí, kiến trúc Streamline Moderne làm nổi bật những đường cong chỉnh chu, những đường thẳng nằm ngang chạy dài (bao gồm cả phần khung cửa sổ), gạch thuỷ tinh, cửa sổ kiểu lỗ, và các dạng hình trụ và đôi khi là hải lý. Hơn bao giờ hết, có một sự tập trung vào khí động lực học và các biểu hiện khác của công nghệ hiện đại. Các vật liệu đắt tiền hơn và thường là ngoại lai của Art Deco được thay thế bằng bê tông, kính và phần cứng mạ crôm trong Streamline Moderne. Màu sắc được sử dụng một cách tiết chế như tông màu trắng ngà, màu be và tông màu đất thay thế các gam màu sắc sống động hơn của Art Deco. Phong cách này được đưa vào kiến trúc đầu tiên và sau đó được mở rộng sang các đối tượng khác, tương tự như phong cách Art Deco truyền thống. 

Sau này, trào lưu mới được đặt tên là Art Deco

Ban đầu, thuật ngữ “Art Deco” được sử dụng với ý miệt thị bởi một người chống đối nổi tiếng, kiến trúc sư hiện đại Le Corbusier, trong các bài báo mà ông đã chỉ trích phong cách bởi tính trang trí của nó, một đặc điểm mà ông cho là không cần thiết trong kiến trúc hiện đại. Trong khi những người ủng hộ phong cách này ca ngợi nó như là một phản ứng tinh giản, hiện đại đối với việc trang trí quá mức, đặc biệt là khi so sánh với phong cách tiền nhiệm trực tiếp của nó, Art Nouveau, bất kỳ trang trí nào đối với Le Corbusier đều là dư thừa. Mãi đến cuối những năm 1960, khi sự quan tâm dành cho phong cách này được khơi lại, thì thuật ngữ “Art Deco” mới được sử dụng theo một cách tích cực bởi nhà sử học và nhà phê bình nghệ thuật người Anh Bevis Hillier.

Art Deco và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Áp phích Hội chợ thế giới tại Chicago năm 1933

Ở Hoa Kỳ, việc tiếp thu phong trào Art Deco đã phát triển theo một quỹ đạo khác. Herbert Hoover, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ vào thời điểm đó, đã ra sắc lệnh rằng những nhà thiết kế và kiến trúc sư người Mỹ không được trưng bày tác phẩm của họ tại Triển lãm quốc tế vì ông cho rằng đất nước vẫn chưa hình thành một phong cách nghệ thuật chất Mỹ riêng biệt mà nó “đủ mới” một cách thoả mãn. Thay vào đó, ông đã cử một phái đoàn đến Pháp để đánh giá những trưng bày tại triển lãm; và sau đó áp dụng những gì họ thấy được vào phong cách nghệ thuật và kiến trúc đương đại của Mỹ. Nằm trong đội ngũ sứ giả mỹ học do Hoover cử đi là những nhân vật quan trọng từ Viện Kiến trúc Hoa Kỳ, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, và Thời báo New York (The New York Times). Sứ mệnh này đã truyền cảm hứng cho một sự bùng nổ gần như ngay lập tức trong sự đổi mới nghệ thuật ở Hoa Kỳ. 

Khuôn viên hội chợ tại Pháp, nhìn xuống l’Esplanade des Invalides

Đến năm 1926, một phiên bản nhỏ hơn của hội chợ Pháp có tên “Một bộ sưu tập được tuyển chọn của những đồ vật từ Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp hiện đại” (A Selected Collection of Objects from the International Exposition Modern, Industrial and Decorative Arts) đã đi qua nhiều thành phố của Hoa Kỳ như New York, Cleveland, Chicago, Detroit, St. Louis, Boston, Minneapolis, và Philadelphia. Hội chợ Thế giới Hoa Kỳ ở Chicago (1933) và thành phố New York (1939) làm nổi bật các thiết kế Art Deco trong khi Hollywood tiếp nhận thẩm mỹ của nó và khiến nó trở nên hấp dẫn trên khắp đất nước. Ngay cả các tập đoàn của Mỹ như General Motors và Ford cũng đã xây dựng các gian hàng trong Hội chợ thế giới ở New York.

Áp phích Hội chợ quốc tế New York năm 1939

Nằm trong số những ví dụ nổi tiếng nhất của phong cách Art Deco kiểu Mỹ là các tòa nhà chọc trời và các toà nhà quy mô lớn khác. Trên thực tế, sự lặp lại kiểu Mỹ của Art Deco trong những thiết kế toà nhà được gọi là Zigzag Modern bởi các mô hình hình học và góc cạnh như những mặt tiền mang tính kiến trúc trau chuốt. Tuy nhiên, tổng thể Art Deco kiểu Mỹ thường ít chi tiết trang trí hơn phong cách châu Âu tiền nhiệm của nó. Ngoài những đường nét mạch lạc và những đường cong mạnh mẽ, các khối hình học táo bạo, màu sắc phong phú, và đôi khi là những chi tiết trang trí lộng lẫy, phiên bản Mỹ lại trần trụi hơn. 

Khi những ảnh hưởng quan trọng như Khách quan mới và Phong cách Quốc tế (International Style) của kiến trúc cũng như những tổn thất kinh tế nặng nề vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930 bắt đầu tác động vào thẩm mỹ Art Deco, phong cách này trở nên ít xa hoa hơn nhiều. Ví dụ, sự biến đổi này có thể được biểu tượng bởi sự thay thế vàng bằng mạ crôm, xà cừ bằng nhựa bakelite, đá granite bằng bê tông, v.v.

Đồng hồ Art Deco sản xuất những năm 1930

Phong cách Art Deco kiểu Mỹ được phát triển như một sự tôn vinh tiến bộ công nghệ, bao gồm cả sản xuất hàng loạt, và một niềm tin được phục hồi vào tiến bộ xã hội. Về bản chất, những thành tựu này có thể được xem là một sự phản ánh về lòng tự hào dân tộc. Trong những năm 1930 dưới quyền Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình (the Works Progress Administration) của Roosevelt, nhiều tác phẩm được tạo ra thuộc phong cách Art Deco, từ các công trình kiến trúc thành phố như thư viện và trường học đến những bức tranh tường đồ sộ. 

Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình dự định khởi động nền kinh tế Hoa Kỳ sau chiến tranh bằng cách tạo ra việc làm trong các công trình công cộng, và tìm cách phục vụ cộng đồng với việc tạo ra việc làm và thấm nhuần các giá trị Mỹ trong thiết kế. Do đó, việc sử dụng Art Deco kiểu Mỹ đã mang đến một biểu hiện của nền dân chủ trong thiết kế. Một số vật liệu thường được sử dụng trong việc tạo ra Art Deco thì đắt tiền và vì vậy vượt quá khả năng của những người lao động bình thường. Tuy nhiên, việc sử dụng những vật liệu rẻ tiền hoặc mới đã giúp việc sản xuất nhiều loại sản phẩm với mức giá phải chăng là khả thi, và vì vậy mang cái đẹp đến với công chúng theo một cách mới. Art Deco đã truyền cảm hứng cho thiết kế và sản xuất một loạt các vật dụng – từ những bìa tạp chí và những tờ quảng cáo đầy màu sắc cho đến những vật dụng chức năng như vật dụng bàn ăn, đồ nội thất, đồng hồ treo tường, xe hơi, và thậm chí cả tàu thuỷ. 

Sự phát triển khắp toàn cầu của Art Deco

Phong cách Art Deco đã có mặt ở đa dạng các thủ đô trên thế giới, như Havana, Cuba, Mumbai, và Jakarta. Havana tự hào khi có cả một khu phố được xây dựng theo phong cách Art Deco. Hệ thống đường sắt ngầm ở London kết hợp chặt chẽ với phong cách này. Càng Thượng Hải có hơn năm mươi công trình Art Deco, hầu hết trong số đó được thiết kế bởi nhà thiết người Hungary là Laszlo Hudec. Từ các đài tưởng niệm đến bệnh viện, những thành phố xa xôi tận Sydney và Melbourne ở Úc cũng tiếp thu phong cách phi thường này. 

Art Deco: Các khái niệm, Phong cách và Xu hướng

Bức tượng Con chim lửa (Firebird) (1922) của René Lalique

Tượng Atlas (1933) của Lee Lawrie

Những đặc trưng thị giác chính của Art Deco bắt nguồn từ việc sử dụng lặp đi lặp lại các hình dạng tuyến tính và dạng hình học bao gồm những hình thức hoa văn dạng tam giác, zig-zag, hình thang và hình mũi tên (chevron). Giống như phong cách tiền nhiệm của nó là Art Nouveau với các đối tượng như hoa, động vật hoặc con người được miêu tả, chúng được cách điệu nhiều và được đơn giản hoá để phù hợp với tổng thể thẩm mỹ của Art Deco. Bản chất và mức độ của sự cách điệu và sự đơn giản hoá hay những biến đổi tinh giản phụ thuộc vào sự lặp lại theo vùng của phong cách này. 

Chẳng hạn, một bức tượng như Con chim lửa (The Firebird) (1922) của nhà thiết kế người Pháp René Lalique, trông tao nhã mỏng manh và nhẹ nhàng, trong khi bức tượng Atlas (1933) của Lee Lawrie ở ngoài trung tâm Rockefeller lại rất vững chắc và cường tráng với hệ cơ bắp rõ ràng mặc dù cả hai đều được xem là minh chứng tinh xảo cho phong cách Deco này. 

Để giữ vững sự nhấn mạnh của phong trào vào công nghệ hiện đại, các nghệ sĩ và nhà thiết kế Art Deco đã khai thác các vật liệu hiện đại như nhựa, nhựa bakelite, và thép không gỉ. Nhưng khi cần một chút sự giàu có và tinh tế, những nhà thiết kế kết hợp nhiều vật liệu ngoại lai hơn như ngà voi, sừng và da ngựa vằn. Như với phong trào Art Nouveau và Arts and Crafts, phong cách Art Deco được áp dụng ít hơn vào những hình thức biểu đạt nghệ thuật thị giác cấp cao mang tính truyền thống: hội hoạ và điêu khắc. 

Thiết kế

Mẫu phông chữ Art Deco

Phong cách Art Deco thể hiện ảnh hưởng đối với nghệ thuật đồ hoạ theo cách mà bộc lộ ảnh hưởng từ chủ nghĩa Vị lai Ý với tình yêu của dành cho tốc độ và sự say mê máy móc. Những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Vị lai sử dụng những nét vẽ biểu thị sự chuyển động, được biết đến là “tia tốc độ”, được phát ra từ bánh xe xe hơi và tàu lửa đang chạy nhanh. Ngoài ra, những người thực hành Art Deco đã sử dụng các đường thẳng song song và hình dạng chóp nhọn cho thấy sự đối xứng và dòng chảy. Ký tự pháp bị tác động bởi ảnh hưởng quốc tế của Art Deco và những kiểu chữ Bifur, Broadway và Peignot lập tức gợi lên phong cách này. 

Về mặt hình ảnh, các hình thức đơn giản và các mảng màu đơn lớn gợi lại các bản in khắc gỗ của Nhật Bản, vốn đã trở thành một nguồn ảnh hưởng lớn đối với các nghệ sĩ phương Tây, đặc biệt là ở Pháp, sau khi Mạc phủ ở Edo chấm dứt năm 1868. Dòng chảy sau đó của nghệ thuật từ Nhật Bản đến châu Âu đã tạo ra một tác động to lớn. Đặc biệt, các nghệ sĩ đã tìm thấy được trong sự đơn giản trang trọng của các bản in mộc bản một mô hình để tạo ra những phong cách hiện đại riêng biệt của riêng họ bắt đầu với trường phái Ấn tượng. 

Nội thất

Đồ nội thất Art Deco

Cho đến cuối những năm 1920, thiết kế nội thất tiền tiến ở Pháp chủ yếu là những biến thể từ phong cách Art Nouveau nhưng được đơn giản hoá và ít đường cong hơn. Trong thập kỷ tiếp theo, Émile-Jacques Ruhlmann nổi lên như một nhà thiết kế nội thất hàng đầu (Ruhlmann đã có một gian hàng của riêng mình tại Triển lãm 1925). Trong khi những thiết kế của ông chủ yếu lấy cảm hứng từ những tác phẩm từ thế kỷ XVIII vốn được sản xuất theo phong cách tân cổ điển, ông đã bỏ đi nhiều chi tiết trang trí trong khi vẫn sử dụng những vật liệu hiếm được ưa chuộng bởi những nhà thiết kế Art Nouveau như gỗ gụ, gỗ mun, gỗ hồng sắc, ngà voi và mai rùa. Đương nhiên là những tác phẩm của ông thường quá mắc để bất cứ ai trừ những người giàu có nhất có thể mua được. 

Sảnh ăn chính trên tàu Normandie

Trái ngược với những thiết kế lộng lẫy của Ruhlmann mà có vẻ như nằm giữa hai phong cách Art Nouveau và Art Deco, nhà thiết kế nội thất ở Pháp theo phong cách Art Deco rõ ràng hơn là Jules Leleu. Ông từng là một nhà thiết kế theo kiểu truyền thống cho tới khi phong cách mới thay thế Art Nouveau và được biết đến nhờ thiết kế của phòng ăn lớn trong cung điện Elysée ở Paris, và các cabin sang trọng trên khoang hạng nhất của con tàu trang nhã Normandie. 

Radio City Music Hall, New York

Trái ngược với Leleu và Ruhlmann, Le Corbusier là một người ủng hộ một phiên bản vô cùng rút gọn, hoàn toàn không có chi tiết trang trí của phong cách Art Déco. Ông thường tạo ra đồ nội thất phù hợp với nội thất khắc khổ trong những cấu trúc kiến trúc của riêng ông. Dự định của ông là thiết kế những nguyên mẫu, đặc biệt là ghế, mà có thể được sản xuất hàng loạt và giá cả vì vậy mà phải chăng cho một thị trường lớn hơn. 

Cũng cần lưu ý là thiết kế nội thất của Donald Deskey tại địa danh nổi tiếng của thành phố New York, Radio City Music Hall, là một ví dụ xuất sắc của thiết kế nội thất theo phong cách Art Deco Mỹ, vẫn còn còn nguyên vẹn trong dáng vẻ ban đầu của nó cho cho đến ngày nay. 

Kiến trúc

Kiến trúc Art Deco ở Miami

Kiến trúc Art Deco đặc trưng bởi các thiết kế cứng cáp, thường được tô điểm lộng lẫy, được làm nổi bật bằng những nhấn nhá kim loại lấp lánh. Nhiều tòa nhà trong số đó có điểm nhấn theo chiều dọc, được xây dựng theo hướng thu hút hướng mắt nhìn lên. Các hình dạng chữ nhật, thường là các khối được sắp xếp theo dạng hình học, với việc thêm các hình chóp trên đỉnh tòa nhà và/hoặc các yếu tố trang trí cong để tạo hiệu ứng sắp xếp. Các tòa nhà chọc trời ở New York và các toà nhà tông màu pastel của Miami xếp hạng trong số những thiết kế kiểu Mỹ nổi tiếng nhất, mặc dù phong cách này đã được triển khai trong nhiều công trình kiến trúc khác nhau trên khắp thế giới. 

Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình đã giúp kiến trúc Art Deco trở thành xu hướng phổ biến. Thú vị là, sự hợp nhất giữa Art Deco và chủ nghĩa cổ điển Beaux-Art được tìm thấy trong nhiều công trình công cộng vào thời kỳ suy thoái đã được gọi là PWA Moderne hay Depression Moderne.

Những sự phát triển sau này – Sau Art Deco

Art Deco đã trở nên lỗi thời trong những năm diễn ra Thế chiến thứ hai ở châu Âu và Bắc Mỹ, với sự khắc nghiệt của giai đoạn chiến tranh khiến phong cách này trông loè loẹt và suy đồi. Kim loại được tận dụng để chế tạo vũ khí, thay vì trang trí những toà nhà hay không gian nội thất. Đồ nội thất không còn được xem như những món hàng chứng tỏ vị thế. Những tiến bộ công nghệ đi xa hơn nữa cho phép sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cơ bản rẻ hơn, thúc đẩy nhu cầu và sự phổ biến của các nhà thiết kế Art Deco.

Thiết kế Memphis

Một phong trào mà theo nhiều khía cạnh đã tìm cách thoát khỏi quá khứ, giờ đây đã trở thành một phong cách cổ điển đầy hoài niệm và được nhớ đến một cách trân trọng. Kể từ những năm 1960 đã có một sự quan tâm đều đặn và liên tục đối với phong cách này. Tiếng vang của Art Deco có thể được nhìn thấy trong thiết kế Hiện đại giữa thế kỷ, mang theo thẩm mỹ sắp xếp của Deco và tái hiện lại sự đơn giản chỉnh chu của Bauhaus. Deco cũng giúp truyền cảm hứng cho Memphis Group, một phong trào thiết kế và kiến trúc tập trung ở Milan trong suốt những năm 1980. Memphis cũng lấy Pop art và Kitsch như những nguồn tài nguyên cho những thiết kế hậu hiện đại có ý thức đầy màu sắc. 

Người dịch: Khánh Nguyên

Cùng tác giả

#Tag

art deco art deco là gì Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa trường phái art deco

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…