Từ ‘ô cửa’ nhìn ra thế giới: Những suy tưởng nội tâm khi ngắm nhìn thế giới qua ô cửa của một ai khác (phần 3)

Thế giới của bạn như thế nào? Hãy cho tôi biết được không? Chúng ta không chỉ muốn ngắm nhìn thế giới chân thực qua mắt nhìn của chính mình, chúng ta còn tò mò nhiều hơn thế.

Nếu việc cho phép ô cửa xuất hiện trong tác phẩm bằng phương thức trực diện, để có thể đồng nhất tâm hồn của nghệ sĩ với người thưởng thức, mở ra một thế giới do chính bạn là người chiêm ngưỡng, thì thế giới qua con mắt của người khác sẽ biến hóa thế nào? Bằng cách thức gián tiếp, việc một ô cửa xuất hiện dưới góc quan sát của một đối tượng khác sẽ mang một dụng ý nghệ thuật nào, những điều sâu xa nào ẩn giấu?

“Chúng ta không chỉ có một mình. Và chúng ta cũng không có khả năng chỉ nhìn mỗi thế giới của chính mình. Sự tò mò luôn len lỏi mọi lúc.”

Nghệ sĩ không chỉ dùng những tác phẩm như là loại ngôn ngữ đặc thù cho bài thuyết trình về bản ngã, nghệ thuật còn sử dụng để miêu tả những điều khác đang hiển hiện xung quanh, những điều khơi gợi sự thích thú hay đơn giản chỉ là sự lưu tâm. Quan sát thế giới ở ngôi thứ ba – theo thuật ngữ văn học, ngôi thứ ba là người thuật lại, kể lại và không được phép tác động vào những diễn tiến của chủ thể, sự kiện,… cho phép người nghệ sĩ phóng tầm mắt nhìn xa hơn, là cách thức để trao đổi, trò chuyện với thế giới thực.

“Ở cương vị là người quan sát, người nghệ sĩ không mong muốn bản thân chỉ là người sao chụp toàn vẹn, họ tham vọng nhiều hơn thế. Những xúc cảm nội tâm mới là điều họ kỳ vọng cho những tác phẩm của mình.”

Nếu một tác phẩm chỉ là sự hòa điệu tuyệt vời của các yếu tố mang tính vật lý như đường nét, hình khối, màu sắc thì tác phẩm đó vẫn chưa thực sự thỏa mãn, nó cần có linh hồn để trở nên sống động, để khơi dậy cảm giác hay truyền xúc cảm đến người thưởng thức. Nghệ thuật luôn làm điều đó rất tốt. Và những ô cửa với những đặc thù như đã được mổ xẻ trong những phần trước, dường như là một trong những công cụ tốt để thúc đẩy linh hồn trong tác phẩm trở mình mạnh mẽ hơn nhiều.

Mặc dù khái niệm về bức tranh có chức năng như một ô cửa nhìn ra thế giới đã xuất hiện trong nghệ thuật phương Tây từ lâu, nhưng dường như các nghệ sĩ cổ điển đã không khai thác hay tận dụng tối đa hiệu quả mà nó mang lại. Sự xuất hiện của ô cửa trong những tác phẩm có chăng chỉ là một yếu tố hỗ trợ, gia tăng thêm sự phong phú cho phông nền cũng như cung cấp thông tin về chiều sâu không gian.

Madonna Litta (1481 ~1500)

Trong tác phẩm Madonna Litta (1481 ~1500), mô tả Đức Trinh Nữ Maria và Chúa hài đồng của nghệ sĩ thiên tài Leonardo da Vinci đã có sự xuất hiện của hai ô cửa sổ được sắp đặt đối xứng trên cao, cho thấy phong cảnh trong xanh với những tán cây cao lấp ló. Tuy nhiên ô cửa không mang tác dụng gì ngoài việc mở rộng không gian cho tác phẩm, mọi sự tập trung đổ dồn vào gương mặt hiền dịu của Đức trinh nữ và nét tinh nghịch của Chúa hài đồng.

Portrait of Giuliano de’ Medici, Duke of Nemours (1515)

Điều này cũng tương tự với một tác phẩm khác Portrait of Giuliano de ‘ Medici, Duke of Nemours (1515) của Raphael Sanzio. Dấu hiệu của một ô cửa được nhận biết khá rõ thông qua tấm rèm gần như phủ kín, được vén một góc nhỏ để cho thấy khung cảnh bên ngoài. Sự xuất hiện của ô cửa một lần nữa chỉ mang yếu tố phụ trợ, tác dụng của tấm rèm cửa màu xanh lục thẫm nhằm đẩy cao tính tương phản màu sắc cho trang phục đỏ quyền lực của Giuliano và mảng khung cảnh nhỏ sát bên phải cũng chỉ để tăng độ chi tiết, tính chân thực cho tác phẩm mà thôi.

Ngắm nhìn những chuyển hóa trong không gian

Tôi không quá yêu thích sự xuất hiện này của ô cửa trong tác phẩm, vì rõ ràng nó quá mức lãng phí những hiệu quả tuyệt vời mà nó có thể làm được: sự cạnh tranh kịch tính và sự đè nén những mâu thuẫn. Với cách thức quan sát đối tượng ở ngôi thứ ba, sự xuất hiện của ô cửa là một công cụ mạnh mẽ đóng vai trò chính để quá trình quan sát của nghệ sĩ trở nên sâu sắc và cung cấp nhiều ý nghĩa hơn những gì thể hiện trên bề mặt tác phẩm.

Sabine Rewald giải thích trong danh mục Rooms with a View: The Open Window in the Nineteenth Century, được xuất bản để đồng hành với triển lãm năm 2011 tại The Met mô típ cửa sổ mở “nghệ sĩ lãng mạn đã tìm thấy một biểu tượng mạnh mẽ cho trải nghiệm đứng trên ngưỡng giữa nội thất và thế giới bên ngoài”.

Girl Reading a Letter by an Open Window (1659)

Girl Reading a Letter by an Open Window (1659) tác phẩm nổi tiếng nhất của Vermeer có sự xuất hiện rõ nét của ô cửa. Với một ô cửa sổ xanh thẫm mở rộng, ánh sáng rực rỡ tràn ngập khắp căn phòng.

Với góc nhìn nghiêng, Vemmer thu hết những chuyển biến linh động của ánh sáng ở mọi góc độ, đồ vật trở nên sắc nét dưới sự tương phản cao độ nhưng hợp lý. Nếu không có sự xuất hiện của một ô cửa sổ cho phép cung cấp một nguồn sáng, sẽ rất khó để có thể đẩy mạnh tính kịch tính này trong tác phẩm. Đối tượng chính là một cô gái trẻ đang hướng mình về phía ô cửa, tìm kiếm nguồn sáng để có thể đọc trọn vẹn lá thư trong căn phòng u tối. Gương mặt chăm chú ửng hồng trong ánh sáng. Khước từ mọi điều xung quanh, tâm tư hoàn hoàn đặt trong lá thư mỏng manh nắm chặt trên tay.

Một ô cửa sô mở toang với ánh sáng rực rỡ bên ngoài đối lập với căn phòng nhỏ chật hẹp bên trong nhưng vẫn không đủ thu hút người con gái ấy ngước mắt ngắm nhìn. Thư của một người thương phương xa? Thư của một người thân thuộc? Hay thư của một người xa lạ? Chẳng ai có thể biết được.

https://ychef.files.bbci.co.uk/976x549/p09mbjxw.jpg
Windows are pervasive in Hopper’s work – his Morning Sun (1952)

Cô gái của Edward Hopper trong Windows are pervasive in Hopper’s work – his Morning Sun (1952) thì lại khác, cũng với một ô cửa mở rộng cho phép ánh sáng chiếu rọi toàn bộ lại cung cấp nhiều hơn nhưng suy tưởng về cảm xúc. Khai thác góc nhìn nhìn nghiêng khiến đường đi của ánh sáng được quan sát thuận lợi. Ô cửa mở rộng ở biên độ tối đa, dù chỉ thấy được một phần của nó nhưng thông qua bóng hình ánh sáng cũng đủ để xác định được nó có kích thước khá lớn. Không tập trung vào sự chênh lệch sáng tối, mọi yếu tố trong tác phẩm đều ngập sáng và gần như đồng nhất về mức độ.

Cả không gian bên trong và ngoài đều được miêu tả với độ chỉn chu và chi tiết tương đương, sự quang đãng và trống trải cũng không sai biệt. Tất cả chi tiết đều khiến độ nở không gian đạt mức tối đa, điều này càng khiến cho đối tượng chính trở nên vô cùng khép kín.

Tư thế bó gối với tầm mắt bất định phóng ra ngoài cửa sổ giữa một không gian rộng lớn được tạo dựng dấy lên mẫu thuẫn mơ hồ, kéo theo đó cảm giác cô độc cá thể. Cảm giác này mạnh mẽ đến mức vượt ra ngoài khung tác phẩm, lan tràn đến người thưởng thức. Không chỉ là một khung cảnh đầy nắng đẹp, đó còn là một thế giới bị nhấn chìm trong trải nghiệm đơn độc, liên kết với sự đơn chiếc mà ai trong chúng ta hẳn trong đã từng có một lần trong đời. Rốt cuộc, với cô gái thẫn thờ của Hopper, thế giới bên ngoài cửa sổ có gì khiến cô chìm đắm đến thế? Hay rốt cuộc, thế giới của cô có gì khiến chúng ta mãi trầm ngâm khi ngắm nhìn?

Đặc tả xúc cảm bị che giấu

So với cách thức quan sát ở góc nghiêng, tôi đặc biệt yêu thích những tác phẩm ở góc nhìn chính diện. Với góc nhìn này, nghệ sĩ sẽ đặc tả được cả hai không gian bên trong và bên ngoài thông qua một ô cửa sổ cũng như chủ thể quan sát. Góc độ này gần như tương tự với cách thức trực diện (nghệ sĩ hay người thưởng thức là chủ thể chính ở bên ngoài tác phẩm). Nhưng với cương vị người quan sát, cả nghệ sĩ hay người thưởng thức không thể thấy được thế giới trực tiếp mà phải thông qua chủ thể trong tác phẩm, đóng vai trò như một lớp nhìn độc lập và tự thân để ngắm nhìn thế giới ngoài cửa sổ.

Điều này đem lại một thế giới phong phú hơn, mô tả thế giới thông qua một chủ thể ngắm nhìn trực diện, từ đó cũng bộc lộ được nội tâm của chủ thể. Mô típ yêu thích nhất của tôi chính là chủ thể với tư thế hướng trực tiếp về cửa sổ, mọi biểu cảm gương mặt bị che giấu hoàn toàn, chỉ còn lại bóng lưng để người thưởng thức tự suy diễn.

Woman at a Window

Caspar David Friedrich (1774 – 1840) là họa sĩ lãng mạn nổi tiếng nhất của Đức và là người đầu tiên tận dụng tiềm năng của mô típ này. Chúng ta có thể thấy được sự mạnh mẽ và hiệu quả của mô típ này qua tác phẩm xuất sắc nhất của Caspar Woman at a Window (1822).

Tác phẩm mô tả một người phụ nữ hoàn toàn quay lưng về phía cửa sổ. Các nhà sử học nghệ thuật đã xác định căn phòng là xưởng vẽ tại nhà của Friedrich trên sông Elbe ở Dresden, và người mẫu là vợ ông, Caroline. Sự gò ép của hai bên do kiến trúc tường cao dày, trầm tối đem lại đối lập với ô cửa lớn với cảnh vật khoáng đạt phía ngoài.

Lọt thỏm trong không gian đồ sộ là dáng hình mềm mại của người phụ nữ. Ánh sáng thông qua lớp kính trong suốt lớn làm ánh lên những nếp gấp trên trang phục, những dải màu xanh sáng, đôi lúc ánh vàng phô diễn tinh tế sự bao trùm của ánh sáng. Với tư thế quay lưng, gương mặt người phụ nữ giấu kín hoàn toàn, biểu cảm bị che giấu càng khơi dậy sự tò mò, thúc đẩy tự bản thân người xem hoàn thiện những xúc cảm của chủ thể được miêu tả trong tác phẩm. Một gương mặt dịu dàng đắm mình trong ánh nắng tinh khôi hay một ánh nhìn trầm buồn trước ô cửa? Tất cả đều tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người, vào những cảm xúc đang trào dâng trong lòng.

Evening. Old Florence (1973)

Chính việc biểu cảm của chủ thể lại được giấu kín khiến người xem không khỏi tò mò. Người phụ nữ trong tác phẩm Evening. Old Florence (1973) của họa sĩ Tetyana Yablonska đang ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài không thể ủ rũ hơn. Khung cửa sổ mở rộng, chiếm diện tích lớn trong toàn bộ tổng thể tranh biểu đạt toàn bộ khung cảnh chi tiết bên ngoài. Chủ thể được đặt ở vị trí trung tâm tác phẩm cũng chính là trung tâm của căn phòng trống trải, tư thế quay lưng dựa hẳn vào mép cửa sổ khiến chúng ta cảm nhận được cảm xúc bị đè nén và tính kháng cự âm thầm.

Một lần nữa việc khơi thông sự vô tận cho cả hai không gian nhờ cánh cửa mở toang đã khắc sâu hơn nữa ấn tượng về xúc cảm. Lối biểu hiện lấy sự vô hình bề ngoài để đặc tả sự hữu hình nội tâm, nhờ sự trợ giúp đắc lực cửa ô cửa mà càng gợi lên cảm xúc hỗn tạp của người thưởng thức. Nếu thực sự có cơ hội ngắm nhìn khuôn mặt phụ nữ đó, thế giới tận sâu trong đôi mắt cô có thể là gì? Sự cô đơn, trầm mặc của buổi chiều tà hay chỉ là sự nhẹ nhõm, thư thái của ngày dài? Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được toàn vẹn thế giới của một ai? Sự hiểu có chăng chỉ là những góp nhặt của những dấu hiệu vô tình ẩn hiện từ những cử động gương mặt, các dáng hình cơ thể cho đến những điều nhỏ nhặt xung quanh như sự xuất hiện của một ô cửa chẳng hạn.

Từ ô cửa nhìn ra thế giới, bạn có thể ngắm nhìn thế giới của chính mình. Và cũng chính từ một ô cửa, bạn cũng đang từng bước để hiểu hơn và trao đổi với thế giới của những người khác. Thật tuyệt nhỉ?

Khi bạn ngắm nhìn thế giới thông qua ô cửa, có giây phút nào bạn tự hỏi:

Phải chăng chính mình cũng đang ngắm nhìn bởi thế giới hay một ai đó cụ thể? Đón chờ phần tiếp theo để biết được câu trả lời nhé!

Thực hiện: Y.ink

Cùng tác giả

#Tag

góc nhìn hội hoạ nghệ thuật Series từ ô cửa nhìn ra thế giới Y.ink

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…