/viết một tay/ Kiểu chữ Antiqua Baroque và Antiqua Cổ Điển - Thẩm mỹ, kỹ thuật và tính hệ thống

Tiếp tục với loạt bài “Ký tự pháp (Typography): Hành trình từ kỹ thuật in ấn trở thành một bộ môn khoa học và nghệ thuật”, chúng ta sẽ đến với nội dung về sự phát triển của các phông chữ trong 500 năm kể từ phát minh của Gutenberg. Nội dung này được chia làm ba phần, bao gồm:

  • Phần 1: Kiểu chữ Fraktur và Antiqua, Antiqua Phục Hưng – Khi kỹ thuật tạo chữ và in công nghiệp mới xuất hiện
  • Phần 2: Kiểu chữ Antiqua Baroque và Antiqua Cổ Điển – Thẩm mỹ, kỹ thuật và tính hệ thống
  • Phần 3: Kiểu chữ Antiqua Serif vuông và Grotesque – Công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa

Và đây là Phần 2!


Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) hiện là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.


Antiqua Phục Hưng Pháp hay Venice là những bước ban đầu của công cuộc công nghiệp hóa chữ viết, hình thức của kiểu chữ vẫn còn mang nhiều dấu ấn và tinh thần của chữ viết tay hay chữ khắc thủ công. Tới thời kỳ của Antiqua Baroque và Antiqua Cổ điển, trong thiết kế kiểu chữ và trình bày văn bản đều có nhiều phát triển về mặt thẩm mỹ, kỹ thuật, và tính hệ thống. Sự phát triển của ký tự pháp do đó phản ánh sự phát triển của khoa học, vốn cũng được thúc đẩy bởi sự ra đời của kỹ thuật in ấn của Gutenberg, trong những thế kỷ này.

1. Antiqua Baroque

a. Lịch sử

Kiểu chữ này được gọi như vậy bởi những người Đức vì nó được tạo ra vào thời kỳ được gọi là Baroque trong lịch sử văn hóa nghệ thuật phương Tây. Tuy nhiên, từ baroque hoàn toàn không phản ánh tính chất của kiểu chữ này. Theo như triết gia Jean-Jacques Rousseau, baroque chỉ sự “làm quá”, “kỳ quái, vô vị, hoặc suy đồi”, và như thế là thậm chí còn ngược hoàn toàn với Antiqua “Baroque”. Với người Anh, Pháp, và Ý, kiểu chữ này thường được gọi là “chuyển tiếp” (transitional). Trong dòng chảy lịch sử ký tự pháp nói chung, có thể gọi kiểu chữ này là (thời kỳ) ‘tiền Cổ Điển’, nằm giữa hai thời kỳ Antiqua Phục Hưng và Antiqua Cổ Điển.

Antiqua tiền Cổ Điển dần xuất hiện trong nửa đầu của thế kỷ 18. Cái nền để loại chữ này phát triển có lẽ chính là loại Antiqua huyền thoại của Claude Garamond, kiểu chữ đã chinh phục cả châu Âu trong dạng một phiên bản được chỉnh sửa đôi chút bởi nhà ký tự pháp người Thụy Sĩ – Pháp Jean Jannon.

Tại Hà Lan, Đức, và Ý, các nhà ký tự Pháp và các nhà in đều có những sáng tạo và thành tựu của riêng mình đóng góp vào sự phát triển của Antiqua tiền Cổ Điển. Tuy nhiên, những nhà ký tự pháp người Anh mới là những người thực sự định hình kiểu chữ này và biến London thành kinh đô tiếp theo của ký tự Pháp, cùng với Paris. 

Kiểu chữ của Caslon trong một brochure phông chữ vào năm 1915
Tiêu đề của cuốn Publii Virgilii Maronis Bucolica, Georgica, et Æneis in năm 1757 bởi John Baskerville

Năm 1722, nhà ký tự pháp William Caslon phát hành “Chữ cổ Roman và Italic của Caslon” (Caslon Old Face Roman and Italic), mà có thể là ông đã tạo ra dựa trên mẫu chữ của nhà ký tự pháp Hà Lan Christoffel van Dijick. Kiểu chữ này của ông được coi như là kiểu chữ quốc gia của Anh vào thời điểm đó. Vào năm 1750, John Baskerville thiết kế ra kiểu chữ chuyển tiếp thuần khiết và duyên dáng nhất của ông, phông Baskerville, đã trở thành một trong những kiểu chữ chuyển tiếp đặc trưng nhất và sau này biến Baskerville thành một tượng đài. Người còn lại đóng vai trò không kém cạnh với Antiqua tiền Cổ Điển là Pierre Simon Fournier đến từ Paris cùng với kiểu chữ romain italique (1734) và hệ thống quy tắc đo lường cicéro cho thiết kế kiểu chữ (1742) của mình.

Antiqua tiền Cổ Điển được cho là kiểu chữ đầu tiên được thiết kế nhất quán và có hệ thống dựa trên quy chuẩn đo lường cho ký tự pháp được xây dựng sẵn.

Cấu trúc của chữ M nằm trong hệ thống lưới của Fournier

b. Đặc điểm

  • Mái hay mũi chữ cái: nghiêng
  • Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: kết thúc ở đỉnh của chữ H (đường H), tuy nhiên phần mũi hay mái chữ cái có thể nhô lên hơn chiều cao x.
  • Trục của chữ e: thẳng đứng, mắt chữ nằm ngang.
  • Trục quang học của hình dạng tròn: nghiêng nhẹ sang trái hoặc sang phải hoặc thẳng đứng
  • Chuyển tiếp sang serif: tròn
  • Cạnh bên của serif: thẳng
  • Cạnh dưới của serif: hơi cong vồng lên cho tới thẳng ngay trên đường nền tảng của dòng chữ
  • Tương phản nét: mạnh
  • Một số loại phông điển hình: Apollo, Baskerville New ITC, Bookman ITC, Caslon 224 ITC, Century Old Style, Clearface ITC, Cochin, Concorde, Concorde Nova, Corona, Cushing, Erhardt, Fournier, Gamma ITC, Gazette, Goudy Modern, Impressum, Jason Text, Joanna, Life, Maximus, Meridien, Mrs Eaves, Octavian, Old Style No. 7, Olympian, Perpetua, Photina, Poppl-Pontifex, Rotation, Rotis Semi-serif và Serif, Slimbach ITC, Times, Times Europa, Times New Roman, Times Ten, Utopia, Veljovic, Versailles, Wilke, Zapf International ITC

2Antiqua Cổ Điển:

a. Lịch sử:

Antiqua Cổ Điển ra đời vào thời kỳ Tân Cổ Điển – một trào lưu văn hóa và nghệ thuật xuất hiện tại châu Âu từ những năm 1750 cho đến khoảng đầu thế kỷ 18 như một phản đề của trào lưu Rococo là một trào lưu kế thừa tinh thần Baroque. Tân Cổ Điển bắt chước các nguyên tắc của thời Hy-La cổ đại, với những đường thẳng nghiêm ngặt tạo nên sự khác biệt lớn với sự đa dạng về hình thức của Baroque và Rococo. Phong cách này đề cao tính logic, sự rõ ràng, tính tuyến tính, sự chặt chẽ và đạo đức.

Từ khoảng năm 1770, Principe dei tipografi (Hoàng tử của những nhà ký tự pháp) người Ý Giambattista Bodoni phát triển phông chữ Antiqua Cổ Điển đầu tiên từ phông của Fournier với một cấu trúc đối xứng nghiêm ngặt rồi sẽ ảnh hưởng mang tính quyết định tới văn hóa viết của Tây Âu suốt thế kỷ 19. phông chữ này được xuất bản lần đầu tiên trong cuốn ‘Epithalamia exoticis linguis reddita, Parmae, ex Regio typografeo MDCCLXXV’ (‘Khúc ca mừng đám cưới trong các ngoại ngôn, Parma, bản in năm  1775’) và được tinh chỉnh trong những năm sau đó.

Một cuốn Epithalamia exoticis linguis reddita ấn bản năm 1775 giờ có giá khoảng 7000 – 13.000$

Một tên tuổi được đặt sánh ngang với Bodoni là nhà ký tự pháp người Pháp Firmin Didot. Vào năm 1804, ông tạo ra kiểu chữ Romain de L’Empereur (chữ Roman của Hoàng Đế) sử dụng riêng cho những văn bản chính thức liên quan tới việc đăng quang của Napoleon Bonaparte. Sau đó, ông đã được chỉ định bởi chính Napoleon cho chức vụ người đứng đầu Xưởng in Hoàng Gia (Imprimerie Impériale). Khái niệm rập khuôn (stereotype) cũng ra đời nhờ vào ông. Trong in ấn, việc này chỉ kỹ thuật tạo ra một bản in kim loại từ khuôn đất sét hay giấy bồi và một số chất liệu khác rồi in lên giấy từ bản in đó, thay cho in trực tiếp từ bảng xếp các ký tự rời.

Hình ảnh người ta tạo khuôn cho bản in kim loại

Tại các nước nói tiếng Anh, Antiqua Cổ Điển cũng được gọi là Didone – một từ tạo ra từ sự kết hợp giữa Didot và Bodoni.

Tại Đức, cho tới thời điểm bấy giờ, Fraktur vẫn giữ vị thế thống trị. Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 18, Johann Georg Unger cố gắng tạo ra một “Fraktur cải cách” bằng cách kết hợp Fraktur và Antiqua, tuy nhiên ông không được thành công lắm. Nhà ký tự pháp và nhà xuất bản Georg Joachim Göschen từ Leipzig là người đầu tiên in sách, toàn tập tác phẩm của Christoph Martin Wieland, vào năm 1794 bằng phông chữ Antiqua Cổ Điển do Johann Carl Ludwig Prillwitz cắt năm 1790. Ông thừa hưởng phong cách mẫu mực của những chữ cái Pháp của Didot và những quy tắc trình bày sách viết trong cuốn ‘Manuale tipografico’ (Sổ tay Ký tự pháp) của Bodoni. Các ấn phẩm cổ điển lộng lẫy in bằng kiểu chữ Antiqua của ông được đánh giá rất cao và được giới yêu thích thư tịch gọi là “Văn hóa ký tự pháp sang trọng” và được giới sưu tầm săn lùng. Với đám đông lớn hơn, ông vẫn in bằng phông chữ Fraktur quen thuộc.

Một ấn bản văn học Đức kinh điển – Don Carlos của Schiller – in với Fraktur của Georg Joachim Göschen, hiện có giá 1000 – 1300$

Trong giai đoạn này của lịch sử ký tự pháp đã có nhiều phát triển về mặt kỹ thuật cắt chữ và in ấn, ví dụ như khuôn rập của Didot hay việc thay thế nhiều bộ phận bằng gỗ trong máy in bằng kim loại, vừa là để nâng cao hiệu suất vừa là để phù hợp với tính chất chính xác và cân xứng của Antiqua Cổ Điển. Bên cạnh đó, những nhà in khắc cũng thích sử dụng kiểu chữ này hơn do chúng dễ dàng để khắc lên bản đồng hơn Antiqua Phục Hưng hay tiền Cổ Điển.

b. Đặc điểm chung

  • Mái hay mũi chữ cái: thẳng, nằm ngang
  • Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: kết thúc ở đường H, nhưng thường xuyên phần mái hay mũi chữ cái sẽ nhô lên hơn chiều cao x.
  • Trục của chữ e: thẳng đứng, mắt chữ nằm ngang
  • Trục quang học của các hình dạng tròn: thẳng đứng
  • Chuyển tiếp sang serif: vuông hoặc tròn
  • Cạnh bên serif: thẳng
  • Cạnh dưới serif: nằm thẳng trên đường nền tảng của dòng
  • Độ tương phản nét: rất cao. Serif thường mảnh như nét tóc (là nét mảnh nhất của bộ chữ cái)
  • Một số loại phông điển hình: Bauer Bodoni, Bodoni Old Face, Caledonia, Centennial, Century, Didot Linotype, Elektra, Fenice, Filosofia, Prillwitz, Walbaum

Bài viết: Lê Hương Mi


Về tác giả

Hương Mi Lê (1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign.

Cô cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế.

Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy…

Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Bên cạnh đó, cô là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.


/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Maybe this art should be known

Cùng tác giả

#Tag

antiqua baroque antiqua cổ điển art art history graphic design history idesign Ký tự pháp Lê Hương Mi typography

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…