/viết một tay/ Nghệ thuật từ góc nhìn khác: Nữ quyền nhất thiết phải ‘trần trụi’ đến thế?

Cơ thể và tính dục phô bày trần trụi không phải là chủ đề duy nhất để thể hiện nữ quyền nhưng là chủ đề mạnh mẽ nhất, được ưa chuộng nhất vì “đốp” thẳng và trực quan cả về thị giác và tư tưởng ngay lập tức. Và tôi? Hoàn toàn không yêu thích phương thức này chút nào!

Judy Chicago, Study for Virginia Woolf from The Dinner Party, 1978

Feminist Art (Nghệ thuật nữ quyền) là một thể loại nghệ thuật gắn liền với phong trào nữ quyền cuối những năm 1960 và 1970 ở Mỹ và Anh. Dù trước đó phong trào nữ quyền đã được nhen nhóm từ sớm vào khoảng những năm 1920 nhưng phải mãi đến giai đoạn này mới bùng nổ một lần nữa và thực sự có những ảnh hưởng và đạt được nhiều phản hồi tích cực trong nghệ thuật. Vô số nghệ sĩ nữ quyền được sản sinh và có tiếng nói mạnh mẽ trong giới nghệ thuật. Các nghệ sĩ nữ quyền đã tìm cách viết lại lịch sử nghệ thuật mà nam giới là chủ thể thống trị, cũng như thay đổi thế giới đương đại xung quanh thông qua nghệ thuật của chính họ. Họ đã tạo ra cuộc đối thoại giữa người xem và tác phẩm nghệ thuật dưới lăng kính của phụ nữ.

Poster, The Advantages of Being a Woman Artist (Những lợi thế khi là một nữ nghệ sĩ), 1988

Trước khi có chủ nghĩa nữ quyền, phần lớn các nghệ sĩ nữ gần như không được đối xử công bằng. Đôi khi họ bị từ chối triển lãm và trưng bày tại phòng trưng bày vì lý do duy nhất là giới tính. Thế giới nghệ thuật gần như bị thao túng bởi nam quyền, nơi các nghệ sĩ nam luôn được ca ngợi là vĩ đại bậc nhất, các nữ nghệ sĩ gần như bị ẩn mình trong bóng tối. Để chống lại điều này, các nghệ sĩ Nữ quyền đã tạo ra những địa điểm thay thế, tìm cách thay đổi chính sách của các tổ chức nhằm mở rộng tần suất hiện hữu của nghệ sĩ nữ với công chúng.

“Do Women Have To Be Naked To Get Into the Met”
(Phụ nữ phải khỏa thân thì mới được vào bảo tàng Met?) của Guerrilla Girls

Không những thế nghệ thuật nữ quyền còn góp thêm phần đa sắc vào bức tranh nghệ thuật của thế giới bấy giờ. Các nghệ sĩ nữ quyền tự do thể nghiệm nhiều phương thức sáng tạo nghệ thuật mới, không bị gò bó hay ràng buộc vào những cách thức truyền thống cũ kỹ. Đa dạng hóa các vật liệu đặc biệt gắn liền với giới tính nữ như vải dệt hay đổi mới các phương tiện truyền tải mà ít được nam giới sử dụng như nghệ thuật trình diễn, video. Bằng cách thực hiện sáng tạo phi truyền thống, những nghệ sĩ nữ quyền đã mở rộng hơn định nghĩa cho mỹ thuật và cung cấp thêm nhiều quan điểm nghệ thuật mới mẻ.

Có nhiều sắc thái thể hiện nữ quyền: ngấm ngầm, trực diện, mạnh mẽ, sâu sắc, đau đớn,… bằng việc kết hợp nhiều phương tiện hoặc phong cách riêng lẻ. Không thực sự có một đặc trưng cụ thể để miêu tả về nghệ thuật nữ quyền, bởi bản ngã con người là đa sắc và phụ nữ muôn đời là tập hợp của những phức tạp sâu kín nhất.

Technology/Transformation: Wonder Woman (1978-79) của Dara Birnbaum

Điểm chung của hầu hết các nghệ sĩ nữ quyền là luôn biết cách tận dụng tốt nhất những đặc trưng giới tính của bản thân để thể hiện bản ngã của chính mính: cơ thể và tính dục. Điều này là hợp lý bởi không gì trực quan và mạnh mẽ nhất bằng việc khơi gợi bản năng gốc của loài người!

Buổi trình diễn Interior Scroll của Carolee Schneemann

Tuy nhiên, khai thác cơ thể của chính mình và phô diễn về tính dục có thật sự đạt được hiệu quả tối ưu và thật sự phải cực đoan đến thế? Mọi điều đều có hai mặt, truyền thông tôn sùng nữ quyền bằng nhiều cách khác nhau. Đó là mặt đầu tiên tích cực và sáng chói.

Vậy lật ngược góc nhìn mặt còn lại sẽ là gì?

Cơ thể: xem trọng nó hay phá hủy nó

Các nghệ sĩ theo đuổi chủ nghĩa nữ quyền thường xuyên bóp méo hình ảnh cơ thể của họ, thay đổi bằng vật liệu khác hoặc thực hiện tự cắt xén để truyền tải trải nghiệm cảm nhận sâu sắc. Như Ana Mendieta (1948 – 1985) một nghệ sĩ trình diễn, nhà điêu khắc, họa sĩ và nghệ sĩ video người Mỹ gốc Cuba đã sử dụng máu và cơ thể của chính mình trong các buổi biểu diễn, tạo ra mối liên hệ nguyên sơ giữa cơ thể, máu của nghệ sĩ và khán giả. Mendieta và nhiều nghệ sĩ nữ quyền khác tin rằng máu là biểu tượng quan trọng của sự sống và khả năng sinh sản kết nối trực tiếp với cơ thể phụ nữ.

Ana Mendieta, Untitled (Self-Portrait with Blood). Photo © Christie’s
Ana Mendieta, Untitled (Glass on Body Imprints). Photo © Phillips

Cách khai thác cơ thể để tạo ra nghệ thuật để truyền đạt những tư tưởng sâu kín và lớn lao có thể là một cách tốt và trực tiếp. Nhưng nếu quá mức hoàn toàn gây nên phản ứng ngược. Sự ngại ngùng thậm chí là khó chịu là điều hiển nhiên xảy ra khi khán giả bị ép buộc phải hứng chịu bạo lực thị giác và âm thanh khi chứng kiến những cảnh gây sốc đến không thể tưởng tượng được. Những trải nghiệm kinh hoàng này thậm chí có thể truyền tải sai lệch những thông điệp tốt đẹp và sâu sắc phía sau. Bởi chẳng ai có thể nghĩ nhiều hơn khi sự hoảng loạn đang xâm chiếm toàn bộ tâm trí.

Faith Ringgold, American People Series #20: Die, 1967. Ringgold, Faith

Cơ thể trở thành công cụ của nghệ thuật? Đáng sợ và mâu thuẫn. Đặc biệt, cơ thể phụ nữ là một món quà quá tuyệt vời và thiêng liêng. Chủ nghĩa nữ quyền sinh ra để bảo vệ phụ nữ vậy thì hà cớ gì chính họ lại tự tổn thương những điều thuộc về mình?

Tôi là người nhát gan và yếu đuối, việc sở hữu một thần kinh thép là điều không tưởng. Vậy nên tôi hoàn toàn từ chối tiếp cận nghệ thuật nữ quyền theo phương thức này. Ý nghĩa cao cả và đẹp đẽ phía sau ư? Tôi không cần! Và tin chắc rằng một bộ phận không nhỏ bất kể giới tính nào cũng sẽ “thỏ đế” như tôi!

Tính dục: Sự ám ảnh tận cùng

Một khía cạnh khai thác triệt để khác của nghệ thuật nữ quyền là tình dục. Tình dục luôn là một chủ đề bí ẩn và kích thích trí tò mò của bất kỳ con người thuộc giới tính nào, vào một thời điểm nào đó ở mức tối đa. Với sự tác động mạnh đến tâm trí, nghệ thuật nữ quyền cũng không thể chống cự được sức hấp dẫn này.

Judith Bernstein được biết đến với việc sử dụng những hình ảnh khiêu dâm, nhiều bức vẽ tham khảo từ dương vật và gợi nhớ đến những dấu hiệu có thể được tìm thấy trong phòng vệ sinh dành cho nam được vẽ bằng chữ graffiti. Bức vẽ hoành tráng của “Horizontal” (1973) bao gồm một cái vít xoáy độc đoán – một sự đâm vào ẩn dụ về sự thống trị của nam giới.

“Birth of the Universe #4.” của Judith Bernstein

Tính dục là bản năng của con người, dù xấu hổ và luôn bị che đậy thì nó vẫn là một điều khó từ bỏ. Định kiến xã hội áp đặt, buộc phụ nữ phải tỏ ra ngại ngùng và né tránh tình dục. Có thể đó là những suy nghĩ để những nữ nghệ sĩ theo chủ nghĩa nữ quyền đứng dậy phản kháng và tìm cách phô bày nó chân thực với nhiều góc nhìn cá nhân.

Tác phẩm của Betty Tompkins

Nhưng thực tế cho thấy không quá nhiều số lượng phụ nữ bạo gan đến thế với những điều liên quan đến tính dục và họ thực sự ngại ngùng, đặc biệt với đại đa số những người Á Đông kín đáo. Việc tiếp cận trần trụi với những điều thầm kín đó có chăng chỉ là màn tra tấn dã man thị giác và tinh thần? Bạn có thể nói tôi cổ hủ, nhưng thật lòng… tôi không hề sẵn sàng khi phải tiếp cận những tác phẩm quá mức tính dục. Che mặt và quay đi chỗ khác, thông điệp nào sẽ đi vào đầu?

Buổi trình diễn của Cosey Fanni Tutti

Khai thác những khía cạnh hết sức con người là một điều không thể phản đối, nhưng cách khai thác như thế nào để đủ tinh tế truyền tải thông điệp về nữ quyền qua những tác phẩm là điều không dễ dàng.

Sa đà vào bẫy hình thức trực quan dễ khiến nghệ sĩ nữ quyền mất đi sự khôn ngoan và khéo léo vốn có. Để cuối cùng khi hoàn tất thưởng thức tác phẩm, công chúng chỉ chìm đắm trong nỗi hoảng sợ vô biên hay dấy lên sự phản kháng ngại ngùng. Thành thực nào, đó là một thất bại không thể cứu vãn!

Thực tế chủ nghĩa nữ quyền trong nghệ thuật đã không còn giữ được sức nóng của nó ở hiện tại và ngay cả trong giai đoạn bùng cháy dữ dội nhất cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Không chỉ đến từ phái nam lo sợ sự chuyển đổi “vương vị” mà từ trong nội bộ những nghệ sĩ theo đuổi nữ quyền. Nhiều nghệ sĩ nữ sau này đã phản đối việc sử dụng cơ thể phụ nữ như một công cụ đơn thuần. Và công chúng đối tượng cần tiếp cận cũng nhìn nhận nữ quyền thông qua nghệ thuật với rất nhiều sai lệch và tiêu cực.

Một poster chống nữ quyền và hình ảnh xấu xí của phụ nữ

Các nghiên cứu về phụ nữ đã trở thành sự thật rằng nữ quyền là một từ tục tĩu. Thật vậy, ngày càng nhiều người thà tin Trái Đất đã liên lạc được với người ngoài hành tinh hơn là nghĩ thuật ngữ nữ quyền là một lời khen ngợi.

Giáo sư Chilla Bulbeck người đứng đầu Nghiên cứu Phụ nữ tại Đại học Adelaide mỉa mai

Kết luận

Nghệ thuật là tự do và cần được tiếp cận một cách tự nhiên không ép uổng. Đừng nhân danh nghệ thuật để gào ầm lên chủ nghĩa nữ quyền ở bề mặt. Tôi không xui khiến và cũng không đủ sức xui khiến bất kỳ một nghệ sĩ thuộc chủ nghĩa nữ quyền nào loại bỏ việc sử dụng cơ thể và tính dục để thực hiện nghệ thuật. Nó hấp dẫn, tự do và đủ hợp lý để luôn tồn tại!

Trên cán cân tích cực và tiêu cực của nghệ thuật nữ quyền, không ai là quan tòa!

Ngán ngẩm khi chứng kiến việc tích cực hóa của nữ quyền bởi vô số truyền thông và báo chí, là một người phá phách tôi chỉ đang cung cấp một chút kiến nghị. Mọi điều đều nên cân bằng, nữ quyền đến cùng là đòi hỏi một điều bình đẳng thì những khía cạnh tiêu cực của nó cũng nên nhìn nhận công bằng mà nhỉ?

Thực hiện: Y.ink

Cùng tác giả

#Tag

Feminist Art Guerrilla Girls nữ quyền phụ nữ viết một tay women in art

iDesign Must-try

Tính nữ trong những tác phẩm của Quỳnh Chu
Tính nữ trong những tác phẩm của Quỳnh Chu
Quỳnh Chu là hoạ sĩ đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Các tác phẩm của cô hướng tới tính nữ rất nhiều. Trong đó, người phụ nữ…
Betty Acquah và điệu múa của những đường cọ màu sắc mang nét đẹp người phụ nữ Ghana
Betty Acquah và điệu múa của những đường cọ màu sắc mang nét đẹp người phụ nữ Ghana
Betty Acquah là một nữ hoạ sĩ theo chủ nghĩa Nữ quyền ngụ tại Ghana. Trong các tác phẩm của cô, nét đẹp của những người phụ nữ cần cù…
Naomi Okubo: Giấu biểu cảm để ngẫm về bức tranh nhiều hơn
Naomi Okubo: Giấu biểu cảm để ngẫm về bức tranh nhiều hơn
Vì sao các cô gái trong bức tranh của Naomi Okubo đều che mặt đi?
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Câu chuyện đằng sau việc nữ giới luôn bị lép vế trong ngành công nghiệp phim hoạt hình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…
‘Tàn Thể: Tiền truyện’ - Đấng tối cao hay phần tăm tối của loài người?
‘Tàn Thể: Tiền truyện’ - Đấng tối cao hay phần tăm tối của loài người?
Tàn Thể: Tiền truyện là phim hoạt hình ngắn được DeeDee Annimation Studio phát hành vào đầu năm 2019. Tàn thể được giới thiệu với tham vọng thiết lập một…