/viết một tay/ Pablo Piscaso nói ‘Nghệ thuật là trộm cắp’, người sáng tạo hãy cứ ‘chôm chỉa’ đi nào!

Ấy ấy, khoan hãy “ném đá”, cứ bình tĩnh và giữ đầu óc thật nhẹ nhàng để nghe tôi phân trần cộng thêm chút “ba hoa” tô vẽ cho lời xúi giục ấy thêm phần đáng tin. Và quyết định “ném đá” hay “tung hô” luôn luôn nằm toàn quyền ở bạn mà nhỉ? Nào bắt đầu nhé!

Đầu tiên tìm đến Kinh thánh để lời xúi giục này có chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy.

Không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời

Thánh thư 1: 9

Tôi là một người vô thần, không cuồng tín nhưng phải gật gù khi bắt gặp câu này trong Kinh thánh. Người sáng tạo, thú nhận đi nào, bạn não nề hay phấn khích trước lời dạy này? Tôi thì vô cùng thích thú và hưng phấn, một lời dạy quá sức khôn ngoan, có thể lôi bất cứ một người làm nghệ thuật hay thiết kế thoát ra khỏi vũng bùn của sự sáng tạo.

Là con người với niềm tin và mong đợi vào sự độc đáo tuyệt đối, chứng minh bản thân là một bản thể khác biệt hầu hết đều là khát vọng cần hoàn thành. Khát vọng đó còn bị đẩy lên ở tần suất cao nhất khi đâu đâu chúng ta cũng nghe, cũng nhìn thấy những hô hào “Bạn là duy nhất”, “Hãy là chính mình”,… Với những người làm sáng tạo, khát vọng ấy còn điên cuồng hơn, gần như trở thành một tín ngưỡng tối cao mà bất cứ ai đã gia nhập vào lĩnh vực nghệ thuật cũng thành kính hiến dâng mình để phục vụ cho sáng tạo tột đỉnh. Sự sáng tạo rất vui vẻ, nghệ thuật rất thõa mãn nhưng chỉ là khi bạn có linh cảm, là khi bạn nghĩ sản phẩm bạn làm ra là duy nhất có một không hai trên đời. Còn lại phần lớn sự sáng tạo là một gánh nặng không hơn không kém.

Một sự sáng tạo 100%, một tác phẩm nghệ thuật độc nhất, một thiết kế chưa từng có mặt trên đời là điều bạn mơ? Vậy thì xin bạn cứ tiếp tục nằm mơ giấc mơ ấy đến thiên thu. Bởi chẳng có gì là hoàn toàn nguyên thủy cả.

Nhà văn Jonathan Lethem đã khẳng định khi mọi người phán một thứ gì đó là nguyên thủy thì mười lượt đến chín, chẳng qua họ không biết nơi tham khảo hay những nguồn có liên quan. Và khi bạn tự hào rằng cứ việc lục tung hết tất cả những sách, những tài liệu của thư viện, bảo tàng lớn nhất thế giới hay Google với hàng loạt kết quả, chắn chắn không có bất kỳ những thứ hay những nguồn tham khảo liên quan. Thì xin thưa hãy phóng tầm mắt của mình ra ngoài tự nhiên, bạn sẽ có câu trả lời.

Thiên nhiên là mô hình đầu tiên của nghệ thuật

denis Diderot – nhà triết học, nhà văn, nhà lý luận nghệ thuật người Pháp

Vậy nên đừng mơ về một sáng tạo hoàn toàn, hãy tỉnh giấc và thoát khỏi cái bẫy của sự độc nhất và nguyên thủy. Bớt đi gánh nặng và chấp nhận “chôm chỉa” đời bạn sẽ thật nhẹ nhõm và có thể nghệ thuật của bạn sẽ bay bổng hơn chăng?

Bạn đã chấp nhận chưa, nếu chưa hãy nghe tôi tiếp tục

Nếu loại bỏ sự sáng tạo nguyên thủy vậy thực chất sáng tạo là gì? Sáng tạo vẫn được định nghĩa là tạo ra những điều mới, điều này không ai có đủ khả năng để phản bác. Nhưng sáng tạo luôn được phân thành 2 loại, đầu tiên, loại sáng tạo tôi gọi là “mơ tưởng” bởi chúng hoàn toàn mới và chưa bao giờ xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa. Nếu bạn đủ thiên tài và may mắn bạn sẽ đạt được nó với khả năng có lẽ chiếm 0,00000000000000…1%. Loại thứ hai là sáng tạo cải tiến, nói vui theo cách của tôi đó là “đỉnh cao của sự chôm chỉa”. Loại này phổ biến hơn và có thể giúp bạn vui vẻ hơn, không cần điên đầu tìm ra một thứ nghệ thuật chưa từng có, chỉ cần “chôm chỉa” những điều bạn thích và kết hợp lại theo cách của bạn và tada… chúng ta có một thứ nghệ thuật mới mẻ!

Nguyên thủy là chi? Chỉ là trò chôm chỉa chưa bị lộ tẩy.

William Ralph Inge

Sáng tạo là tổ hợp được xây dựng bởi những sáng tạo khác bằng nhiều cách khác nhau như ghép nối, chia nhỏ, trộn lẫn thậm chí là “xay nhuyễn”. Một ví dụ đơn giản, có một trái cam chúng ta sẽ có một ly nước cam, có một quả đào vậy thì ăn thôi và có một cây sả có nên làm nghêu hấp không nhỉ? Ba thứ riêng lẻ nếu gộp chung lại thì chúng ta có gì? Trà đào cam sả thần thánh, vẫn là cam, vẫn là đào, vẫn là sả nhưng lại có một thức uống thơm mát và nhiều vị.

Một ví dụ khác về chính bạn, so sánh với tất cả mọi người nhan sắc của bạn là khác biệt, chẳng thể tìm ai giống bạn hoàn toàn (không bàn về phẫu thuật thẩm mỹ nhé). Nhưng hãy nhìn kỹ vào gương xem nào, đôi mắt hình như giống mẹ này, cái mũi này sao chép từ cha đúng không? Nhìn đâu cũng thấy giống cả cha và mẹ. Ơ nhưng… bạn vẫn là khác biệt. Đó là sáng tạo hoàn chỉnh, “chôm chỉa” để hòa trộn những thứ đã có và “nêm nếm” theo một cách thức riêng.

Người thiết kế hãy thừa nhận đi nào, bạn luôn phải tìm kiếm ý tưởng, sưu tầm những điều thú vị, những thiết kế, những nghệ thuật của bạn thường được giới thiệu với cụm từ “lấy ý tưởng từ”. Ây cha, đó là hành động “chôm chỉa” đấy, chỉ là bạn bạn khoác lên nó những mỹ từ đẹp đẽ hơn mà thôi. Thành thực đi nào, bạn rõ ràng luôn “chôm chỉa” mà, không phải sao?

Sự thật được phơi bày, hỡi người sáng tạo làm thế nào để trò chôm chỉa của bạn tiếp tục được tung hô?

Dù là một tay lão luyện hay một gã gà mờ thì người sáng tạo, bạn nên chăm chỉ “chôm chỉa” bất kỳ giây phút nào. Càng chôm nhiều điều hay ho, bạn càng thỏa sức bay bổng trong thế giới sáng tạo. Nếu một ngày nào đó bạn vỗ ngực tự hào rằng mình không cần phải “chôm chỉa” nữa thì xin chúc mừng bạn đã có một vé tiễn đưa sự nghiệp sáng tạo của mình về nơi ngàn thu. Một đầu óc trống rỗng chẳng thể có nổi bất kỳ một sáng tạo nào. Nói đến đây, xin hãy dành một lời cảm ơn chân thành và lời xin lỗi sâu sắc đến tiết học lịch sử nghệ thuật, thiết kế chán ngán và lê thê mà bạn từng trải qua, một kho chất đầy những thứ có thể trộm mà có lẽ đã bị bạn đã bỏ lỡ!

Tôi không cần dạy bạn cách chôm chỉa, bởi tôi chắc chắn bạn – người bay bổng hay vật lộn trong thế giới sáng tạo đều quá mức thành thạo. Tôi chỉ cung cấp cho bạn một vài thủ thuật để trò “chôm chỉa” của bạn luôn đạt hiệu quả.

1 Chọn lọc

Thứ nhất, chọn lọc. Chôm chỉa từ ai, chôm chỉa cái gì? Luôn có vô vàn những thứ chúng ta có thể chôm chỉa, thời đại số càng hỗ trợ hơn nữa cho việc trộm cắp của bạn. Chu du trong internet, đánh cắp những ý tưởng sáng tạo từ Behance, Pinterest, Facebook, Google,… Hay thậm chí quá lười để dạo vòng quanh những kho ý tưởng đó, iDesign cũng là là một trang hay ho tập hợp những điều hấp dẫn, mời gọi kẻ trộm là bạn đến thưởng thức và chôm chỉa. Vậy nên cần chọn lọc.

Hãy nhắc nhở luôn luôn trong đầu:“Chúng ta chỉ là những con người nhỏ bé nhưng đầy tinh khôn.”

Vì nhỏ bé nên không thể tự làm quá tải mình trong một đống hổ lốn những thứ chôm chỉa và vì tinh khôn nên chúng ta biết mình cần phải lấy cắp gì để tạo ra tác phẩm sáng tạo đẹp đẽ nhất của bản thân. Chọn lọc, chọn lọc và chọn lọc. Biết mình cần gì là nền tảng để trò chôm chỉa của bạn hoạt động một cách trơn tru và thuận lợi nhất.

2 Cảm xúc

Thứ hai, cảm xúc. Một mẹo cho những kẻ trộm mắc chứng khó chọn lọc, hãy để ý đến cảm xúc của mình. Chỉ nên lấy về những thứ gây cho bạn cảm xúc nhất định, như vậy bạn mới có khả năng để sáng tạo. Một thứ đẹp đẽ, gây ấn tượng với những kẻ khác nhưng ngoại trừ bạn thì không cần ngó nghiêng đến, bởi nó chẳng có giá trị để chôm cả. Đưa cảm xúc vào, tiêu cực hay tích cực không là vấn đề, chỉ cần cho bạn cảm xúc, tất cả đều đáng để lấy về.

Attractive things work better

(Những gì cuốn hút luôn hiệu quả hơn)

Donald A. Norman trong “Emotion Design”

3 Đừng “sao chép”

Thứ ba, “chôm chỉa” không phải là “sao chép”. Một tay trộm lão luyện và tự trọng với nghề nghiệp không thể chôm một ý tưởng về và “bán lại” mà không có thay đổi gì. Như vậy sự nghiệp trộm cắp của bạn sẽ đi tong, danh xưng kẻ trộm nên đổi thành “shipper” giúp cho sáng tạo của người khác nhanh chóng đến tay người thưởng thức hay tiêu dùng.  Khả năng kiếm chác từ vụ trộm gần như bằng 0, thậm chí có thể bị lỗ nếu như việc “ship hàng” của bạn gặp trục trặc. Viễn cảnh chẳng tươi sáng đúng không? Vì vậy “chôm chỉa” chứ đừng “sao chép”, hãy bỏ công hơn với những thứ mình trộm về, nâng cấp và cải biên nó theo cách của bạn, nếu hợp lý, giá trị của nó và của tay trộm là bạn sẽ được thăng hạng không tưởng. Một tay trộm khôn ngoan bạn biết mình cần làm gì mà nhỉ?

4 Ghi rõ nguồn

Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, phải được nhắc lại tận 5 lần Ghi rõ nguồn, Ghi rõ nguồn, Ghi rõ nguồn, Ghi rõ nguồn, Ghi rõ nguồn, Ghi rõ nguồn. Hỡi những kẻ trộm đầy cao ngạo và tham vọng, việc này sẽ thách thức giới hạn tột cùng của việc “chôm chỉa”. “Chôm chỉa” và nâng cấp, bạn đã là một kẻ trộm đầy tiềm năng nhưng “Ghi rõ nguồn” mới là việc giúp bạn trở thành một siêu trộm đáng ngưỡng mộ. Sẽ thật thỏa mãn và hả hê khi chứng kiến những người dù nắm rõ những tác phẩm bạn trộm từ đâu, săm soi từng milimet nhưng chẳng thể phát hiện một chút sơ hở nào và phải thốt lên thán phục với trò “chôm chỉa” của bạn. Vô vàn người hâm mộ và những màn “trình diễn” hoàn hảo là một khung cảnh không tồi. Nên hãy nhớ Ghi rõ nguồn.

Một vài thủ thuật nhỏ để khiến bạn nhẹ nhàng hơn trong hành trình nghệ thuật của mình, bạn có sẵn sàng để thử?

Nếu vẫn còn ngần ngại “chôm chỉa”, xin bạn hãy cảm ơn đến thiếu sót của loài người. Chúng ta không bao giờ có khả năng tạo ra những bản sao hoàn hảo, giống 100% với những cái chúng ta trộm về.

Đó không chỉ là do khác biệt về mặt cấu trúc sinh lý mà còn ở mặt tâm lý. Là giống loài tràn đầy lòng tự tôn bản thân, muôn đời kiếm tìm bản ngã, chúng ta sẽ không cho phép mình như một máy vi tính, một máy photocopy chỉ để copy, paste mọi thứ. Không, không và không, là con người chúng ta không thể và không có khả năng làm điều đó. Vì vậy, người sáng tạo hãy cứ thoải mái mà “chôm chỉa” bởi kết quả cuối cùng có bao giờ là giống nhau!

Và bạn – những người sáng tạo chọn lựa “ném đá” hay “tung hô” lời xúi giục này của tôi?

Thực hiện bởi: Y.ink
Minh họa: Sebastian Curi
Nguồn tham khảo: Steal like an artist _ Austin Kleon

Cùng tác giả

#Tag

creative process Pablo Picasso personal growth sáng tạo viết một tay

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Bài viết được thực hiện bởi Tom May, đăng tải trên Creative Boom, dịch bởi May Thế giới thiết kế đồ họa không ngừng phát triển với những xu hướng…
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Dưới bàn tay của Yuni Yoshida, các loại trái cây quen thuộc trở thành những tác phẩm nghệ thuật siêu thực và trừu tượng. Giám đốc nghệ thuật người Nhật…
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần thứ 20 chính thức khởi động, tổng giá trị giải thưởng lên đến 700 triệu đồng. Sáng…
Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’
Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’
Như bạn biết về sự hiện hữu của công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa hay lĩnh vực sáng tạo… Ở đó, các lĩnh vực được liên kết chặt…