20 hình thái cảm xúc của con người: Thấu hiểu để sáng tạo (Phần 1)

Đôi khi, thật khó để giãi bày cho người khác hiểu mình thật sự đang cảm thấy như thế nào, hay có khi còn khó hơn để hiểu rõ tâm trạng của chính mình.

Vậy nên, khi được hỏi bạn đang ra sao, thông thường chúng ta sẽ trả lời “À vẫn ổn” hay “Không sao đâu” – trong khi biết rằng vài chữ ngắn ngủi này, cũng chỉ tóm lược qua loa về tất cả những gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí.

Bài viết này giúp bạn hiểu được sự mơ hồ bên trong mỗi người: Xác định hai mươi tâm trạng mà tất cả chúng ta đều có thể nhận ra, nhưng nhiều khi lại thật khó thấu hiểu hay giãi bày. Từ đó, việc diễn đạt các thiết kế hay tác phẩm nghệ thuật của bạn, có thể chạm đến gần hơn cảm xúc của người xem. 


1. XẤU XÍ 

Chúng ta bất ngờ bắt gặp chính mình trong gương và ngay lập tức, tự cảm thấy thật tuyệt vọng: cái mũi này quá kỳ cục, mái tóc không hợp thời, màu da nhợt nhạt, nhưng trên hết, hình ảnh phản chiếu này thật xa lạ. Cảm giác lúc đó như thể, mọi nỗi sợ hãi tồi tệ nhất về chính bản thân đều trở thành sự thật. Tất cả những nỗ lực chạy trốn khỏi con quái vật bên trong đã thất bại. Bạn đối diện với hình ảnh tóm gọn của chính mình trong thời gian ngắn ngủi tồn tại trên Trái đất này: Thì ra mình đã trở thành con người thế này đây!

Nhưng thật ra, tự cảm thấy mình “xấu xí” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc bề ngoài của bạn thực sự trông như thế nào. Có những người đẹp giữa đám đông, nhưng vẫn tự thấy phát ngán với vẻ ngoài hay ngượng ngùng của chính mình. Luôn luôn có vô vàn lý do để bạn thấy mình vẫn đẹp hay xấu kinh, thông minh hay ngu ngốc; vậy nên điều quyết định nên vấn đề, dường như không phải là sự phán xét từ góc nhìn của đám đông, mà là bạn thật sự cảm thấy mình như thế nào.

“My portrait”, 1885 by Félix Edouard Vallotton (1865 – 1925)

Tâm trạng bên trong đã dẫn dắt cái nhìn của bạn trong việc đánh giá khuôn mặt mình trong gương, và cảm giác ngay lúc đó phản chiếu hình ảnh của sự tự kỷ, lười biếng hay giận dữ bản thân. Vì vậy, những khi tự thấy tiêu cực, việc mua sắm một bộ quần áo hay cắt một kiểu tóc mới, thật ra cũng không thể giúp bạn cứu vớt cảm xúc. Bạn sẽ cần sự quan tâm từ ai đó, cùng vài lời nhận xét hào phóng một cách chân thành để thoát khỏi trạng thái tự chán ghét bản thân. 

Nhưng cũng sẽ thật rất khó phải không, vì khi bạn còn tự cảm thấy bản thân mình thật xấu xí – thì lại càng khó để mong người khác quan tâm đến mình. Lúc đó bạn ghét bản thân mình quá nhiều, để đặt hy vọng rằng sẽ có một ai đó thích mình. Bạn thậm chí còn có thể hồi đáp lại những sự quan tâm ấy bằng cách lảng tránh, cố gắng để chứng minh bản chất không thể tự chấp nhận mình.

Trong trạng thái đó, bạn sẽ cần để người khác thấu hiểu tình trạng tự xấu hổ của bạn không phải là kỳ quặc. Bạn có thể cần (hay có khi phải chờ đợi một thời gian) nhận vài lời nhận xét tốt đẹp từ một người tốt bụng nào đó, để cân bằng lại cảm giác của chính mình.


2. THỰC DỤNG 

Ngày trước, bạn hay uể oải và dao động. Nhưng bây giờ, những việc bạn làm đều thật rõ ràng và có mục đích. Bạn quyết tâm không để sự nghi ngờ hoặc phức tạp lấn áp mình. Bạn muốn thấy kết quả hữu hình. Bạn đã chán ngán làm một kẻ mộng mơ.

Đã đến lúc bạn đối mặt với sự thực rằng bạn đã thiếu kiên nhẫn với sự hoàn hảo. Bạn khó mà tập trung vào việc mọi thứ sẽ ra sao, hoặc những gì nên làm nếu không có thời gian và không nhận được tiền bạc. Sự trì hoãn càng ngày càng lớn: thậm chí bạn không còn dám bắt đầu, sợ làm rối tung mọi thứ và để những ý tưởng dần tắt ngúm. Bạn giả vờ như đang phải đối phó với thế giới khắc nghiệt bằng cách chấp nhận những ràng buộc bị áp đặt từ thực tế. “Thỏa hiệp” không còn là một lựa chọn tồi, mà lại trở thành một chiến lược cần thiết để đạt được kết quả.

“Self-Portrait”, 1919 by Joan Miró i Ferrà (1893 – 1983)

Có vẻ như bạn đã trở thành người thực dụng, như thể chẳng còn muốn hiểu về thơ ca, hay trăn trở về tính phức tạp của sự tồn tại. Đây không còn là lúc thưởng thức một bản tình ca, hay nghiền ngẫm một triết lý. Thế nhưng khi đã tiến đến việc cảm nhận được cảm giác rõ ràng này, chắc hẳn bạn đã trải nghiệm được rất nhiều điều bằng cách vượt qua một chặng đường dài khó khăn. Bạn hiểu về những cám dỗ của sự lười nhác, bạn nhận ra đó hoàn toàn là sức hấp dẫn đến từ sự mộng mơ. Bạn biết nếu cứ mãi suy nghĩ, chỉ ngồi ước rằng mọi việc sẽ khác đi hoặc nếu quá cầu toàn, lại chính là kẻ thù để khiến một việc gì đó được hoàn thành. Ngày trước, khi bạn có rất nhiều thời gian để trải nghiệm về việc trôi dạt mà không cần có mục tiêu nào, bạn hay chần chờ để tìm ra giải pháp thực tế vì nghĩ như vậy lại thật nhạt nhẽo. Còn bây giờ – khi có tuổi hơn – bạn đã sẵn sàng làm mọi việc một cách nghiêm túc và có mục đích rõ ràng.


3.  NHẠY CẢM

Là lúc bạn có thể cảm thấy đôi mắt của mình ươn ướt, khi nhìn thấy quang cảnh một vài bông hoa mỏng manh rơi rụng xuống mặt đất vào một mùa đông dài; hay bắt gặp một cuộc trò chuyện sôi nổi trong quán cà phê giữa mẹ và bé (mà cậu bé ấy thì đang vô cùng say sưa kể về chú chim cánh cụt được đọc từ quyển sách); hay một người bạn tự dưng chào đón bạn theo một cách ấm áp thật lạ thường, hay một khoảnh khắc trong bộ phim đang xem khi người con trai đứng tuổi ở bên cạnh ông bố già của mình.

Là lúc bạn không thật sự đang khóc – nhưng có vẻ như những giọt nước mắt lại như gần rơi. Một điều nho nhỏ gì đó dường như sắp xảy ra. Kỳ lạ khi, đó không phải là vì điều tồi tệ nào đó đang diễn ra, mà lại vì những hình ảnh đẹp dịu dàng một cách thật đặc biệt.

Khởi nguồn của của sự động lòng này dường như nằm ở điểm, khi những rắc rối của cuộc sống va chạm với những gì vẫn còn tốt và đẹp: những điều đáng yêu mà bạn thấy trong một bộ phim, trong một công viên, hay trong một cuốn sách,… làm cho hiện thực của cuộc sống hằng ngày trở nên sống động hơn. Bạn tự dưng muốn khóc khi được gợi nhớ đến địa đàng – một nơi không thực, nhưng cũng là nơi nhiều người khao khát sẽ được đến đó sau khi mất đi.

“Woman at a Dressing Table”, 1873 by Gustave Caillebotte (1848 – 1894)

Nếu thử nghĩ về một dự án của con người khi cố gắng tạo ra một chú Robot biết khóc, có lẽ ta sẽ làm vài điều mà nghe thì khá tàn nhẫn: phải đảm bảo rằng Robot này biết về sự đau khổ, rằng nó có thể ghét chính nó, nó phải cảm thấy được sự mất mát và tàn nhẫn; hơn là chỉ đơn thuần biết về cái đẹp, Robot phải có nỗi đau để cảm nhận sâu sắc về cái đẹp. Nỗi buồn của chính mình sẽ nói cho bạn hiểu điều gì quan trọng: rằng cuộc sống này thật khó khăn hơn so với khi mình còn bé, nên khao khát của bạn về những điều tốt lành trong đời lại càng mãnh liệt hơn.

Khi bạn muốn khóc vì động lòng, không phải vì bạn muốn thể hiện rằng mình cảm thấy biết ơn vì những điều tốt đẹp vẫn còn hiện hữu đâu đây. Mà dường như, là vì cảm xúc trong bạn bỗng dưng đồng cảm với cảm xúc của một ai đó khác. Nghe có vẻ hơi là lạ, nhiều lúc bạn muốn khóc một chút, cũng là lúc bạn nhận ra mình có thể thấu hiểu nhiều hơn, khi bắt gặp những điều nhỏ bé của vạn vật trong cuộc sống hàng ngày.


4. GỢI CẢM 

Cảm giác này rất khác với nhu cầu ham muốn về tình dục, ít cụ thể nhưng lại toàn diện hơn. Khi chìm trong trạng thái này, bạn cảm nhận được bản chất gợi cảm của hầu hết mọi thứ xung quanh: một quả chanh chín mọng nước, một cây sồi xum xuê, âm thanh của đài phun nước ở quảng trường, một dải vải cashmere mềm mịn, bảng điều khiển của một chiếc xe thể thao…

Trong tâm trạng như vậy, bạn hay lén lút để ý đến một loạt chi tiết của người đối diện dù chỉ vô tình chạm mặt: cách một ai đó đứng lên, xương gò má, cổ tay, khuỷu tay, giọng nói bình tĩnh thông minh, đôi giày bên dưới. Bạn muốn trở nên bí hiểm. Bạn cảm thấy muốn nô đùa, nghịch ngợm và tinh quái. Bạn bỗng dưng thích thú với sự nóng nực của một đêm mùa hè, hay cảm giác vui sướng khi mướt lên làn da đầy tươi mới và mát mẻ sau khi tắm. Bạn nhận ra một cơn gió nhẹ nhàng ngang qua, sự xa hoa của một khu vườn, một ánh đèn chợt nháy chợt tắt bên kia đường. Bạn như muốn nhún nhảy theo khi nghe đâu đó vang lên giai điệu nhẹ nhàng.

 “Self Portrait”, 1940 by Frida Kahlo (1907 – 1954)

Cảm giác “gợi cảm” có thể mang sự đe dọa đến những người hay gần gũi với bạn. Họ có thể nghĩ rằng, bạn đang muốn từ bỏ một mối quan hệ hiện tại để bắt đầu một mối quan hệ mới. Nếu bạn cố gắng thử chia sẻ những gì mình đang cảm thấy, có khi nguy cơ bị hiểu lầm lại càng tăng thêm.

Trong thần thoại Hy Lạp, thần tình yêu Eros cũng có mũi tên ái tình có thể đẩy con người vào một tình yêu sét đánh đầy mãnh liệt như thế. Như sự thu hút từ sức mạnh vũ trụ có thể được thấy từ một loạt các hiện tượng tự nhiên: từ các gợn sóng nhẹ nhàng đầy cảm hứng của một tảng đá; ánh nắng mặt trời tắt dần vào thời khắc chạng vạng biến ngọn đồi chuyển dần sang màu hồng, sự chớm nở của đóa hoa vào mùa xuân, sự rung động khi thấy một bộ cánh hờ hững buông lơi trên đầu gối thiếu nữ. Đối với người Hy Lạp, cảm xúc sét đánh này được xem như là hoàn toàn độc lập, và không hề là một mối đe dọa đến các cam kết khác trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Khi bạn đang trong tâm trạng gợi cảm, không phải bạn chỉ muốn nhảy ngay lên giường cùng một ai đó, mà bạn nhận biết rằng mọi sự sống đều có sự rung động vang vọng ở trong lòng, và trong cả tự nhiên xung quanh. Tâm trạng gợi cảm này, đâu khác gì một sự tôn trọng dành cho vũ trụ đã ban sức sống cho mọi điều mà chúng ta đang được tận hưởng.


5.  U SẦU

Sự u sầu này không phải là giận dữ hay cay đắng, nó là một loại nỗi buồn nảy sinh khi bạn chấp nhận với thực tế rằng, cuộc sống này vốn dĩ thật khó khăn cho bất kỳ ai đang sống, và nỗi thống khổ hay thất vọng đó được rút ra từ chính kinh nghiệm trong đời sống của mình.

Buồn rầu có một sự liên kết giữa nỗi đau với cái đẹp và trí tuệ, bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn về tính chất bi thảm của mỗi cuộc đời. Chúng ta có thể trong trạng thái buồn rầu, nhưng không phải vì giận dữ hay đặt nặng tình cảm, mà vì hiểu được rằng không ai thực sự thấu hiểu được bất cứ ai khác, sự cô đơn đó luôn hiện hữu và rằng mọi đời sống đều sẽ tự có đủ sự xấu hổ và buồn bã. Vì nhiều điều bạn muốn có nhất trong đời, lại dễ rơi vào sự xung đột nhất: muốn cảm thấy an toàn, nhưng lại cần sự tự do; muốn có nhiều tiền, nhưng không muốn bị lộ ra sự tham lam. Muốn được là một phần trong đám đông, nhưng không muốn bị áp đặt bởi kỳ vọng và đòi hỏi của xã hội. Muốn đi du lịch thế giới, nhưng không trải nghiệm quá sâu sắc. Muốn khám phá và thèm khát nhiều món ngon, nhưng vẫn muốn có một cơ thể cân đối.

“The Plum”, 1877 by Édouard Manet (1832 – 1883)

Sự khôn ngoan của tâm trạng buồn rầu này trái ngược với thái độ cay đắng hay giận dữ, vì nó vẫn nằm trong nhận thức của chúng ta, rằng sẽ không thể tránh khỏi sự đau khổ thuộc về nhân loại nói chung. Buồn rầu được đánh dấu bằng một sự mạo hiểm tự nhận lấy sự khổ đau. Đâu đó tràn đầy sự thương hại cho tình cảnh của con người.

Có những quang cảnh buồn, những bài hát buồn, những bài thơ buồn và những thời điểm u sầu trong ngày. Trong những tình huống đó, bạn như tìm thấy tiếng vang vọng nỗi đau buồn của chính mình, khiến chúng trở nên càng đặc biệt đau đớn hơn.

Một cộng đồng càng có nhiều người thấu hiểu được nỗi buồn rầu này, có khi sẽ giảm bớt được số lượng các cá nhân tự kết liễu vì không chịu đựng được nỗi thất bại, mất mát hay hối tiếc của chính mình. Sự u sầu – nếu được chia sẻ, có khi lại là sự khởi đầu của một mối quan hệ mới.


6. TỰ THƯƠNG HẠI 

Có lẽ hơi phóng đại, nhưng bạn có thể cảm thấy vẫn ổn, thậm chí là cần thiết để thưởng thức tâm trạng này. Dưới sự ảnh hưởng của nó, bạn tự cảm thấy mạnh mẽ vì sự không-công-bằng của mọi thứ trong đời, nghĩ về việc bạn đã “một-mình” như thế nào, làm thế nào mà ai đó đã trải qua được mọi chuyện, và bằng cách nào mà những điều tốt đẹp và tử tế vẫn còn xung quanh.

Tự thương hại là nền tảng cơ bản nhưng quan trọng của việc đạt được thành tựu. Thử tưởng tượng mọi thứ sẽ như thế nào, nếu bạn không thể tự thương hại mình? Khi nghĩ lại về cách phụ huynh an ủi một đứa trẻ, cũng chính là cách dạy cho đứa trẻ biết an ủi bản thân. Dần dần, bạn học cách nội tâm hóa thái độ của cha mẹ để dẫn đến việc có thể cảm thấy thương hại cho chính mình, khi không ai khác sẵn lòng làm điều đó. Tuy không nhất thiết là hoàn toàn hợp lý, nhưng đó là một cơ chế đối phó, một vỏ bảo vệ đầu tiên mà bạn phát triển để có thể tự kiểm soát những sự thất vọng và thất bại to lớn mà cuộc sống ném vào.

“Self Portrait”, 1908 by Giorgio de Chirico (1888 – 1978)

Con đường dẫn lối sự tự thương hại liên quan đến việc mở rộng ra bên ngoài từ trường hợp của chính mình. Khi nhận ra rằng những đau khổ tồn tại của bạn vẫn đặt trong bối cảnh bất hạnh chung của loài người. Khác xa ý nghĩa rằng đau khổ của chúng ta không quan trọng, đúng hơn là mọi sự đau khổ nên diễn ra như nó vốn dĩ phải thế, để bạn có thể gom góp lại – bạn dành thời gian để tìm hiểu từ nỗi buồn của chính mình – để rồi có thể thấu hiểu để thương cảm cho những người khác. Bạn không cần phải cô lập sự đau khổ, vì nó cũng có thể mang mỗi người lại gần nhau hơn.


7. THIẾU THỐN 

Bạn đã không được ai chỉ ra, mà chỉ khi đã đi qua và tự nhìn lại, việc tự thương hại bản thân không hề xa lạ hay quá đáng thương. Cơ chế tự bảo vệ này – đổ lỗi cho ai đó và làm quá những điều không may xảy đến – thật ra nên được nhìn nhận với một mức độ khoan dung hơn. 

Có vẻ như đây là một từ khó khăn để miêu tả – nhưng bạn nên học cách chấp nhận cảm giác này và làm cho nó chỉ trở thành của riêng mình. Mặc dù, bạn trưởng thành bằng cách phải dần độc lập, nhưng đôi khi, vẫn tự nhiên thôi khi có tâm trạng này để bạn hiểu được rằng, dù vững vàng và mạnh mẽ nhường nào, nhưng mỗi người vẫn cần cảm nhận tình cảm đủ đầy từ những người thương yêu. 

Mong được nghe những gì mình muốn luôn hiện hữu ở đó – cũng không phải do nỗi sợ của sự chối từ. Trong tâm trí sâu xa của chúng ta, sự chấp nhận không bao giờ dễ dàng; luôn có phát sinh từ những mối đe dọa đối với tính vẹn toàn của tình yêu. Có thể sự bất an đã được kích hoạt từ những điều rất nhỏ. Khi người mình yêu đi làm với khung thời gian bất thường; hay người đó giảo hoạt khi nói chuyện với người lạ ở bữa tiệc; hay đã khá lâu từ ngày cả hai cùng âu yếm. Hay khi người đó tỏ thái độ không thoải mái khi bạn đột ngột bước vào căn bếp. Hay khi hơn nửa giờ đồng hồ qua, người đó vẫn chỉ lặng im. 

“The First Cloud”, 1887 by William Quiller Orchardson (1832 – 1910) 

Dù ngay khi đã gắn kết qua nhiều năm cùng với một ai đó, dường như vẫn luôn tồn tại một rào cản của sự sợ hãi, vì bạn luôn cần những bằng chứng tình cảm – nhưng với một biến chứng được thêm vào: bạn tưởng tượng rằng bất kỳ sự lo lắng nào như vậy thật không nên tồn tại. Điều này làm bạn rất khó nhận ra cảm giác bất an của chính mình, đặc biệt khi cảm giác này được kích hoạt từ những điều rất nhỏ. Lúc đó, hãy cố gắng chia sẻ cho đối phương theo cách phù hợp của riêng bạn, để nhận được sự cảm thông và thấu hiểu mà bạn đang khao khát có được. 

Chúng ta sẽ không bao giờ dứt bỏ được mong muốn được quan tâm. Nhưng đây không phải là sự ám thị của những người yếu đuối thường bất an về sự không đủ đầy. Bất an là dấu hiệu của cảm giác cần sự an toàn. Rằng bạn vẫn còn đủ thực tế để thấy rằng mọi mối quan hệ đều có thể bỗng nhiên trở nên thật tồi tệ, vậy nên luôn cần mỗi người đầu tư đủ sự quan tâm, khiến bạn hay để tâm đến cả những khoảnh khắc bình thường nhất trong ngày….

(còn tiếp) 

Người dịch: Long Hwarang 
Nguồn: The Book Of Life

Cùng tác giả

#Tag

artist artwork emotion mood painting

iDesign Must-try

Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Khám phá tinh hoa ẩm thực Việt Nam qua ‘đôi mắt bí ẩn’ của Thái Linh
Khám phá tinh hoa ẩm thực Việt Nam qua ‘đôi mắt bí ẩn’ của Thái Linh
Series “Quán Ăn Bất Ổn” là một chuyến phiêu lưu khám phá nền ẩm thực Việt Nam đầy tinh hoa và bí ẩn qua con mắt của Thái Linh, một họa sĩ…
Edvard Munch (Phần 1)
Edvard Munch (Phần 1)
Trong loạt bài hai phần về Edvard Munch, chúng ta tìm hiểu về một trong những hoạ sĩ tài năng nhất, gây tranh cãi nhất, có những tác phẩm độc…
Ta thấy gì trong bức tranh ‘Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở’ của Vermeer?
Ta thấy gì trong bức tranh ‘Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở’ của Vermeer?
Cô gái đọc thư bên cửa sổ đang mở là một bức tranh sơn dầu trên chất vải của họa sĩ Johannes Vermeer có từ năm 1657-1659. Tác phẩm nghệ…
Lạc vào thế giới điện ảnh màu sắc qua các tác phẩm của họa sĩ James Chapman
Lạc vào thế giới điện ảnh màu sắc qua các tác phẩm của họa sĩ James Chapman
Một điểm dễ dàng nhận thấy trong tranh vẽ của James Chapman là bảng màu rực rỡ cùng cách tiếp cận vô cùng hài hước. Tuy không sử dụng quá…
Quan điểm và cách sử dụng màu sắc trong minh họa của Victo Ngai
Quan điểm và cách sử dụng màu sắc trong minh họa của Victo Ngai
Theo Victo Ngai, mỗi chúng ta nên tiếp cận màu sắc một cách có chủ đích. Thay vì thêm màu ngẫu nhiên vào tác phẩm, bạn cần tự hỏi mục…