5 bộ sưu tập quốc gia tuyệt đẹp tại Bảo tàng nghệ thuật Victoria & Albert (Anh)

Bảo tàng Victoria & Albert (London, Anh) có bề dày lịch sử từ giữa thế kỉ 19 với bộ sưu tập trải dài 5,000 năm lịch sử sáng tạo của loài người. Chuyên về nghệ thuật và thiết kế, nơi đây lưu giữ nhiều bộ sưu tập quốc gia của Vương quốc Anh và lưu giữ một số tài nguyên lớn nhất cho nghiên cứu nghệ thuật ở nhiều mảng khác nhau. Bảo tàng cũng đăng tải lưu trữ các bộ sưu tập trên website của họ.

Dưới đây là một số bộ sưu tập cùng tác phẩm nổi bật mà iDesign xin giới thiệu cùng bạn đọc:


Tranh vẽ

Bộ sưu tập tranh tại Victoria & Albert bao gồm các bức tranh sơn dầu, màu nước của Anh và châu Âu cũng như hơn 2.000 tiểu cảnh (thứ được Bảo tàng giữ các bộ sưu tập quan trọng của quốc gia).

Disappointed Love của Francis Danby (1793-1861), tranh sơn dầu.

Đây là bức tranh đầu tiên của Danby được triển lãm và nó trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Bức tranh mô tả một phụ nữ trẻ đang khổ đau, trong tư thế truyền thống gắn liền với trạng thái u sầu trong hội họa.

Sidmouth, tranh bởi Beatrix Potter
Kep, Beatrix Potter

Một họa sĩ nổi bật là Beatrix Potter (1866 – 1943). Bà là một trong những tác giả và họa sĩ minh họa trẻ em được yêu thích nhất trên thế giới. Vị họa sĩ này đã viết phần lớn trong hai mươi ba cuốn sách về Peter Rabbit (Thỏ Peter) từ năm 1901 đến 1913. The Tales of Peter Rabbit (NXB Frederick Warne, 1902) là câu chuyện nổi tiếng và được yêu thích nhất của bà.

Beatrix Potter lấy thơ gieo vần trẻ em (nursery rhymes) làm cảm hứng cho một số tác phẩm của mình.

Một cảnh trong tác phẩm dành cho thiếu nhi nổi tiếng của Beatrix Potter,
Những câu chuyện về Peter Rabbits

Thảm trải sàn (ảnh trên) là từ một bộ cùng với tranh minh họa lấy từ cuốn sách
năm 1908 của Beatrix Potter, The Tale of Jemima Puddle-duck (Frederick Warne).
Potter làm bộ thảm này dành riêng cho bạn bè, vẽ các phiên bản minh họa bằng
màu nước trên vải lanh và thêm văn bản từ câu chuyện (đã được rút gọn).


Khung tranh

Đa dạng về hình dáng, phong cách, kích thước, thời gian và chất liệu, bộ sưu tập khung tranh của bảo tàng Victoria & Albert cũng nhiều như hình ảnh và đồ vật được các khung tranh bao bọc lấy.

Hầu hết các khung đã được tặng cho Bảo tàng cùng với tranh – nhưng các khung ‘trống’ cũng đã được thu thập dưới dạng các đối tượng độc lập, được chọn vì chất lượng tốt của việc chạm khắc và trang trí.

Tranh: George III when Prince of Wales
Khung được thực hiện bởi xưởng vẽ của Paul Petit vào khoảng 1751 tại Anh,
đi theo phong cách Rococo lúc bấy giờ.

Vào giữa thế kỷ 18, khung hình có được tầm quan trọng và chỗ đứng riêng.

Các khung tranh chạm khắc là một phần mở rộng của bức tranh. Những danh hiệu quân sự và biểu tượng sư tử khối nổi phản ánh vị thế và trình độ giáo dục của người thừa kế trẻ. Bức chân dung phía trên là một bản sao đương đại được chép từ tranh có sự xuất hiện của một nhóm lớn gồm Frederick, Hoàng tử xứ Wales và gia đình ông.

Bức chân dung này có thể đã được tặng cho Thomas Osborne, Công tước thứ 4 của xứ Wales (1713-1789) như món quà từ George III. Khung này được cho là do xưởng điêu khắc của Paul Petit thực hiện (hoạt động từ 1724-1757), có trụ sở tại giáo xứ St. James’, Piccadilly (Anh), và có thể đã được trợ lý Henry Jouret khắc nên.

Khung vỏ rùa, 1640 – 1700, Bỉ

Trong thế kỷ 17, các thợ đóng tủ ở miền Nam Hà Lan đã trang trí đồ nội thất cao cấp với sự kết hợp mới đầy thú vị. Những kỹ thuật và vật liệu tương tự cũng được áp dụng cho khung ảnh.

Từ khoảng năm 1640, đặc biệt là tại thành phố Antwerp, một sản phẩm đặc biệt được ra đời, sử dụng sự kết hợp táo bạo của hai nguyên liệu nhập khẩu độc đáo là vỏ rùa gỗ mun. Để tăng thêm hiệu ứng, vỏ rùa được trộn lẫn với sắc tố đỏ, như tác phẩm phía trên chẳng hạn. Trên các khung tranh, các khuôn gợn sóng bằng gỗ mun tạo ra một ánh sáng lập lòe giữa rìa của bức tranh và xung quanh nó.

Trong khoảng thời gian cuối thời Trung cổ và đầu Phục hưng ở Ý, người chế tác khung đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một bức tranh và thường được trả lương nhiều như người họa sĩ. Khung này được trang trí với các cây nến cổ điển (candelabra), các biểu tượng Kitô giáo như minh thần (cherubim), và với dụng cụ được nhắc tới trong Cuộc thương khó của Jesus (Christ’s Passion). Nó sẽ đóng khung quanh một ciborium (thùng đựng vật chủ thánh hiến), hoặc một bức tranh hay phù điêu mô tả chủ đề thiêng liêng trong tôn giáo ấy.

Ban đầu, khung này được phủ màu xanh lam rực rỡ và mạ vàng. Hầu hết các màu xanh hiện ta nhìn thấy là màu đã được sơn lại sau này.


Giấy dán tường

Trong phần lớn lịch sử, giấy dán tường có mối quan hệ nghèo nàn với nghệ thuật trang trí: chúng mong manh, phù du và dễ thay thế. Vì vậy, giấy dán tường thường biến mất khỏi các mục lưu trữ trong lịch sử. Bảo tàng Victoria & Albert bắt đầu thu thập chúng từ những ngày đầu xây dựng vào năm 1856, và ngày nay nơi này có một trong những bộ sưu tập tốt nhất trên thế giới về hình thức nghệ thuật trang trí ấy.

Giấy dán tường Trellis, được thiết kế bởi William Morris và Phillip Webb,
in bởi Jeffrey & Co., 1862, Anh. © Bảo tàng Victoria và Albert, London.

Bộ sưu tập của V&A cho thấy lịch sử hấp dẫn về sự cải tiến từ các mẫu đen trắng đầu tiên trong thế kỷ 16, cho đến các mẫu giấy theo phong cách flock design thế kỷ 18, giấy vẽ tay Trung Quốc, giấy kiến trúc, thiết kế của William Morris, Phong trào Nghệ thuật và Thủ công, cho đến thiết kế hiện đại và đương đại trong thế kỷ 20.

Giấy dán tường thực hiện bởi Owen Jones

Một trong những cái tên nổi bật là Owen Jones (1809-1874). Ông là một nhà thiết kế giấy dán tường xuất chúng. Các thiết kế của ông được đưa vào một tuyển tập các họa tiết trang trí có giá trị trong lịch sử, được xuất bản với tên The Grammar of Ornament (1856).

Jones không tin rằng người ta có thể đơn giản tái tạo các phong cách trong quá khứ trong bối cảnh hiện đại. Ông tin rằng kiến trúc và thiết kế đều nên mang hơi thở thời đại, nhưng có thể nhìn lại vào nghệ thuật trang trí của quá khứ để lấy cảm hứng. Mặc dù các hình thức Jones sử dụng thường mang các họa tiết tự nhiên, ông đã gia giảm chúng thành hình phẳng trong các mẫu, dựa trên quan niệm về ‘sự kiến tạo hình học’ của chính ông.

Các tranh gốc trong tuyển tập họa tiết của Owen Jones
mang tên The Grammar of Ornament

Trong bài tiểu luận năm 1852, ‘Colour in the Decorative Arts’ (‘Màu sắc trong nghệ thuật trang trí’), (xuất bản trong cuốn On the Manufacture of Glass của George Shaw), ông đã viết rằng “tranh dán tường không nên quá phô trương mà vẫn nên là nền cho các bức tranh, tác phẩm chạm khắc hay những tác phẩm nghệ thuật khác“. Tuy nhiên, các tác phẩm của ông được đặc trưng bởi màu sắc mạnh mẽ trong các kết hợp độc đáo, được phát triển dựa trên lý thuyết màu sắc của riêng ông.


Bản thảo viết tay

Thư viện Nghệ thuật Quốc gia thuộc V&A lưu giữ một bộ sưu tập phong phú các tài liệu bản thảo độc đáo từ thời Trung cổ cho đến nay, dưới dạng đơn lẻ hoặc toàn bộ tài liệu lưu trữ. Các tác phẩm nổi bật bao gồm năm cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci, các bản thảo gốc cho hầu hết các tiểu thuyết của Charles Dickens, tác phẩm thư pháp của Edward Johnston, một trong những cuốn nhật ký của Jonathan Swift, một cuốn tiểu thuyết được làm từ thế kỷ 14 cho Tu viện Saint-Denis ở Paris cũng như tài liệu được lưu trữ của Joseph Archer Crowe Giovanni Battista Cavalcaselle, chuyên gia về nghệ thuật Phục hưng thế kỷ 19 của Ý.

Một địa chỉ được chiếu sáng (illuminated address) bởi những người thuê nhà của bất động sản Courtroom
gửi cho Lord Viscount Stopford, 1875 – 78. © Bảo tàng Victoria và Albert, London.
Trang 83 & 84 mang tên The Flight to Egypt từ Book of Hours of Margaret of Foix,
bản thảo viết tay, 1471 – 76, Pháp.
Book of Hours of Margaret of Foix được viết bằng tiếng Latin và tiếng Pháp

Nghệ thuật thêu

Được tìm thấy trên tất cả mọi thứ, từ vớ và áo ngủ đến váy cưới và tranh treo tường, kĩ thuật thêu đã được sử dụng để trang trí hàng dệt may trong hơn một nghìn năm qua. Bộ sưu tập của bảo tàng Victoria & Albert bao gồm các ví dụ về kỹ thuật thêu từ khắp nơi trên thế giới, bởi các chuyên gia lành nghề và cả nghiệp dư.

Hanging, thực hiện khoảng năm 1700, Gujarat, Ấn Độ

Tranh thêu chuỗi tinh xảo trong tác phẩm trên được thực hiện bởi các nghệ nhân nam chuyên nghiệp của cộng đồng Mochi ở Gujarat, miền tây Ấn Độ.

Các tác phẩm thực hiện với một cái móc, được gọi là ari và một cây kim khâu. Ban đầu kĩ thuật này được phát triển để thêu trên da cho các mặt hàng như thắt lưng và giày, sau đó các tác phẩm ari được điều chỉnh để sử dụng trên vải và nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách du lịch phương Tây đến Gujarat.

Công ty Đông Ấn (The East India Company) đã xuất khẩu những bức thêu này từ cảng Cambay (cảng Khambat hiện nay) và gọi chúng là ‘Tranh thêu Cambay’ (Cambay embroideries).

Màu xanh đậm trong tác phẩm trên được tạo ra bằng cách nhuộm chàm, và màu hồng của hoa là từ lac, một loại thuốc nhuộm do một loài côn trùng có tên Kerria lacca tiết ra.

Đây là các thú nhồi bông được gửi tặng bởi gia đình Cattley sống ở Ealing, phía tây London. Hai cậu bé, Gilbert và Donald, và ba cô gái, Nellie, Constance và Maud, đều sinh ra từ năm 1885 đến 1892. Các đứa trẻ nhà Cattley sở hữu một loạt thú bông, bao gồm chín chú gấu ở ảnh trên, được xem là một trong những con gấu bông được bày bán đầu tiên ở Anh. Những đứa trẻ dành thời gian cho đồ chơi của mình, làm quần áo đẹp cho chúng, đưa chúng đi cùng trong các kì nghỉ, chụp ảnh và vẽ chân dung.

Bản vẽ của những đứa trẻ nhà Cattley cho chúng ta biết rằng chú thỏ phía trên này có tên Baby, vốn được sản xuất từ Đức.

Một đôi vớ từ thế kỉ 19, vốn có xuất xứ từ Croatia.

Roger Vivier (1913-98) là một nhà thiết kế giày sang trọng, và được ghi nhận là người tạo ra loại giày cao gót mang tên stiletto heel. Ông đã thiết kế cho một số nơi, đáng chú ý là việc hợp tác với Christian Dior từ 1953 đên 1963. Ông là người duy nhất trong số các cộng tác viên của Dior được phép có tên ở phần credit cho thiết kế cuối cùng – ‘Christian Dior crée par Roger Vivier‘ – được viết bên trong mỗi chiếc giày.

Ông làm việc với các vật liệu phức tạp và đắt tiền bao gồm lụa, ngọc trai, chuỗi hạt, ren, sợi kim loại và đồ trang sức.


Ngoài ra, bạn cũng có thể làm một tour online và tìm xem nhiều cảm hứng tuyệt vời qua trang web của bảo tàng Victoria & Albert tại London hoặc tìm kiếm nhiều bộ sưu tập thú vị hơn qua trang lưu trữ trực tuyến của họ.

Tổng hợp và biên tập: Lệ Lin
Nguồn: vam.ac.uk



Cùng tác giả

#Tag

albert bảo tàng nghệ thuật beatrix potter hội hoạ peter rabbit thiet ke thoi trang victoria

iDesign Must-try

Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)
Các nhà khoa học thần kinh hiện biết rằng những gì chúng ta nhìn thấy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một thứ gọi là quá trình xử lý từ…
Khung cảnh đầy màu sắc với sắc thái siêu thực trong tranh của Alfie Caine
Khung cảnh đầy màu sắc với sắc thái siêu thực trong tranh của Alfie Caine
Bị thu hút đặc biệt bởi các khu dân cư ấm cúng đầy màu sắc được bao quanh bởi bầu không khí huyền ảo, Alfie Caine – một họa sĩ…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 4)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 4)
"Dù cố gắng đến đâu, Cézanne vẫn không thể thoát khỏi những diễn dịch xảo quyệt của não mình. Trong những bức tranh trừu tượng của ông, Cezanne muốn thể…
Albert Bierstadt (Phần 1)
Albert Bierstadt (Phần 1)
Trong loạt bài ba phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về một nhân vật quan trọng của hội hoạ phong cảnh Mỹ nói chung và cả trào lưu trường phái…
Chủ nghĩa Quang chiếu / Luminism (Phần 3)
Chủ nghĩa Quang chiếu / Luminism (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt ba bài về chủ nghĩa Quang chiếu, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật của phong cách này, bao gồm cả hội hoạ…
Bản phác thảo đầy bí ẩn và u sầu của Dadu Shin
Bản phác thảo đầy bí ẩn và u sầu của Dadu Shin
Dadu Shin – nghệ sĩ minh họa sống và làm việc tại Brooklyn, New York, đã sử dụng bút bi màu xanh để phác thảo nên những bức vẽ đầy…