Beatrix Potter - Tuổi thơ kì lạ dẫn lối cho một đời sáng tạo tự lực và cần mẫn

Beatrix Potter (1866-1943) là một trong những người kể chuyện bằng tranh được yêu thích và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Câu chuyện về Peter Rabbit và những minh họa cho trẻ em khác của cô đã kích thích trí tưởng tượng của bao người thông qua sự sống động tuyệt vời của thiên nhiên và các sinh vật sống tại nơi đó.

Beatrix vào năm 25 tuổi cùng chú thỏ của mình, Benjamin Bouncer, 1891,
ảnh từ bảo tàng Victoria & Albert

Vào thời điểm phụ nữ không có quyền bỏ phiếu, hầu như không được tiếp cận với giáo dục đại học cũng như bị xem là tài sản của người chồng, Potter đã trở thành một nhà văn và họa sĩ thành công về mặt thương mại, sử dụng tiền bản quyền từ sách của mình để mua nông trại Hill Top nổi tiếng, nơi cô sống đơn giản và với tình yêu lớn dành cho vùng đất này trong bốn thập kỷ còn lại của cuộc đời.


Trò chơi lấy cảm hứng từ câu chuyện về chú thỏ Peter Rabbit của Potter, 1904
nguồn: bảo tàng Victoria & Albert

Minh chứng cho tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Beatrix Potter là việc các viện bảo tàng giữ tác phẩm của cô trong bộ sưu tập vĩnh viễn của họ – và một số đó còn dành không gian để tưởng nhớ người họa sĩ này. Hollywood cũng tìm cách khai thác cuộc đời cô trên màn ảnh (vẫn có phần nào đó thoáng qua). Đồ gốm, trang phục, giấy dán tường – tất cả đều từng in lên đấy những tranh vẽ của Beatrix Potter và việc cấp phép bản quyền cho tác phẩm của cô có giá hàng triệu đô la.


Tuổi thơ & ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật

Beatrix Potter thời niên thiếu với chú chuột mà cô nuôi, Xarifa, 1885,
ảnh từ thư viện của trường ĐH Princeton

Là con gái của một gia đình giàu có nhờ buôn bán những cây bông gòn, Helen Beatrix Potter lớn lên trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi. Dù luôn có quản gia, y tá hay người giúp việc túc trực, cô đã sớm phải chịu đựng một nỗi thống khổ chung của những người cầm bút – sự cô đơn.

Potter có người mẹ lạnh lùng, không quan tâm đến việc nuôi dạy con cái nên người bầu bạn với cô khi ấy đến từ những vật nuôi: thằn lằn, chuột lang, sa giông, chim, chuột, dơi, thỏ, mèo và chó. Cũng vì sống trong một môi trường lãnh đạm, Beatrix Potter có một niềm vui thú kì quặc là hạ gục bất kỳ sinh vật nhỏ nào bị bệnh, lột da và luộc xác chúng để lấy xương cho việc quan sát và vẽ.

Người mẹ dị thường của Beatrix Potter đánh tráo những quyển sách gieo vần cho trẻ em như bài học đầu đời cho mọi đứa trẻ khi ấy bằng các quyển sách tranh: những câu chuyện cổ tích của Hans Andersen; truyện cổ của anh em nhà Grimm hay cuốn kinh thánh được minh họa. Thế nhưng, đứa trẻ cô đơn này thưởng thức các bức vẽ nhiều hơn là đọc văn bản. Chẳng hạn khi Potter đã tìm hiểu về quyển Alice ở Xứ sở thần tiên từ trước khi được nhận vào trường, về sau cô bị thôi miên bởi các bức tranh của Sir John Tenniel nhiều hơn là ý tưởng huyễn hoặc của Lewis Carroll – tác giả của quyển sách. Đến năm 7 tuổi, bản thân cô đã có thể vẽ với từng đường nét, giọng điệu và năng lực riêng biệt.

Tranh tĩnh vật chiếc bình và quả lựu, được vẽ bởi Potter vào năm 1881 khi cô 15 tuổi,
nay thuộc về Bảo tàng Victoria and Albert (Anh)

Một ảnh hưởng khác cũng dần xuất hiện trong thời gian niên thiếu.

Cha cô – Rupert Potter, một luật sư đã luôn khao khát có thể cầm cọ vẽ nhưng hiếm khi vẽ được một đường thẳng chỉn chu. Vì vậy, cũng như nhiều người Victoria thời ấy, ông bắt đầu trở nên hào hứng với loại hình nghệ thuật mới là nhiếp ảnh. Rupert Potter mua tất cả các thiết bị mới nhất và thuê một người hầu để giúp đỡ. Sau đó, ông bắt đầu chụp ảnh gia đình không ngừng nghỉ, và dù ở độ tuổi hay tư thế nào, người con gái của ông vẫn luôn giữ vẻ mặt nghiêm nghị trong từng khuôn hình.

Trái: Beatrix vào khoảng năm 1874, khi ở độ tuổi 7 hoặc 8
Phải: Beatrix, 9 hoặc 10 tuổi cùng mẹ Helen trong bức ảnh được chụp bởi Rupert Potter năm 1876

Người bạn của Rupert – họa sĩ nổi tiếng John Everett Millais đã cho ngài Potter chụp ảnh phong cảnh mà Millais có thể sử dụng làm nền trong các bức tranh. Vị họa sĩ cũng yêu cầu Rupert chụp lại các bức ảnh để tham khảo, ví dụ như những người tạo dáng có địa vị cao (như Gladstone, cựu thủ tướng Anh) để cứu họ trong việc phải ngồi tạo mẫu cho tranh thường xuyên trong thời gian dài. Beatrix Potter đã đi cùng với cha trong một số lần như thế. Cô gặp Millais trong xưởng vẽ của ông và khi vị họa sĩ lão làng nhận thấy tài năng và sự quan tâm của đứa trẻ, ông bắt đầu gieo mầm việc vẽ tranh sơn dầu cho cô bằng cách dạy Beatrix cách pha trộn màu dầu.

Các sinh vật, vùng nông thôn, biết bao chi tiết đầy mê hoặc của nó và của những bảng màu – tất cả như ghép lại bức tranh thời niên thiếu của nữ họa sĩ này.


Người kể chuyện, họa sĩ minh họa & nhà khoa học cần mẫn

Một số tranh vẽ do Beatrix Potter thực hiện.
Nguồn: Armitt Museum and Library

Ở tuổi đôi mươi, Potter dần phát triển niềm đam mê với các loài nấm (mycology) và bắt đầu tạo ra những bản vẽ nấm cực kỳ đẹp. Cô còn tự mình thu thập các mẫu và để chúng cẩn thận dưới kính hiển vi nhằm quan sát kĩ hơn. Vào những tháng mùa đông, Beatrix Potter thường lui tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London để nghiên cứu các mẫu được trưng bày. Tác giả Linda Lear có chấp bút quyển sách Beatrix Potter: A Life in Nature – cho đến nay có thể được xem là cuốn sách hay nhất về Potter. Những lời văn của Lear rất sinh động:

Beatrix thích vẽ nấm, hay còn được gọi chung là fungi. Mọi thứ bắt đầu như một niềm đam mê vẽ những mẫu vật đẹp ở bất cứ nơi nào cô tìm thấy chúng. Cô không bao giờ xem nghệ thuật và khoa học là các hoạt động độc lập mà ghi lại những gì cô thấy trong tự nhiên chủ yếu để gợi lên phản ứng về mặt thẩm mỹ.

Beatrix Potter bị thu hút bởi nấm, trước nhất là bởi phẩm chất thần tiên phù du của chúng và sau đó là sự đa dạng về hình dạng và màu sắc, cùng với thách thức chúng đặt ra cho kỹ thuật vẽ màu nước.

Không giống như côn trùng hay vỏ sò hoặc thậm chí hóa thạch, nấm cũng đảm bảo một mùa thu lấn sâu vào các khu rừng cho tới cánh đồng, nơi cô có thể đi xe ngựa vào mà không bị gia đình hoặc thiết bị nặng nề làm vướng bận.

Nỗi ám ảnh của Potter đối với nấm còn khá thị vị. Trong những cuốn sách sau này của mình, cô đã kết nối cuộc sống thực và ảo mộng bằng cách biến những loài động vật và thực vật mà bản thân quan sát được trong tự nhiên thành vô vàn nhân vật và chuyện kể, và loài nấm từ lâu đã tượng trưng cho sự biến đổi kì ảo này. Nổi bật nhất là Alice ở Xứ sở thần tiên của Lewis Carroll, nơi mà tác phẩm lần đầu tiên chiếm được trí tưởng tượng của công chúng vào năm Potter được sinh ra.

Nhưng mối quan tâm của Beatrix Potter vượt xa tính thẩm mỹ hay biểu tượng của loài nấm. Cô chăm chỉ nghiên cứu về phân loại học của chúng, tự dạy bản thân kỹ thuật thích hợp để minh họa thực vật chính xác và làm việc không mệt mỏi để giới thiệu về nhà nấm học nổi tiếng Charles McIntosh. Với sự giúp đỡ và khuyến khích của nhà khoa học ấy, Potter tiếp tục thực hiện các quan sát bằng kính hiển vi, dần có sự say mê mãnh liệt với cách mà nấm sinh sản – một điều chưa được hiểu rõ vào thời điểm đó.


Nguồn: Armitt Museum and Library


Potter sớm bắt đầu tiến hành thí nghiệm của riêng mình với các bào tử mà cô tự gieo trồng. Cô đặc biệt bị thu hút bởi địa y (lichen), được coi là “những kẻ bần cùng trong thế giới thực vật“, theo lời của nhà thực vật học vĩ đại Linnaeus – một tuyên bố hàm chứa sự khiếm khuyết trong cách hiểu biết ở khoa học vào thời điểm đó, vì địa y không phải là thực vật mà là được lai giữa nấm và tảo.


Beatrix Potter là một người phụ nữ sắc sảo và ẩn dật, nghiêm túc và phức tạp khác với các bài thơ vần cho trẻ em mà cô viết. Potter có nhiều tài năng hơn việc chỉ là một người kể chuyện cho trẻ em đơn thuần. Tuy nhiên, chính mảng này lại là nơi mà tác phẩm nổi tiếng trọn đời của cô thành hình.

Bức thư từ Potter gửi cho Noël Moore, được viết ngày 4/2/1895.
Nguồn: Morgan Library and Museum

Mọi thứ bắt đầu khi Beatrix Potter gửi bức thư cho Noel Moore, đứa con trai của một trong ba người quản gia thời niên thiếu, vào năm cô 27 tuổi :

Ngày 4 tháng 9 năm 1893

Noel thân mến, cô không biết viết gì cho cháu nên hãy để cô kể một câu chuyện về bốn chú thỏ nhỏ có tên là Flopsy, Mopsy, Cottontail và Peter. Họ sống với mẹ trong một bãi cát dưới gốc cây linh sam lớn…

Potter gọi đây là một bức thư bằng hình ảnh. Cô lấy cảm hứng cho nhân vật Peter Rabbit từ đời thực, dựa trên một chú thỏ đực gốc Bỉ cô đặt tên ‘Peter Piper’ và mô tả rằng: “Dù đầy khiếm khuyết trên bộ lông, đôi tai và những ngón chân bé xíu, chú thỏ ấy vẫn có một hình dáng rất đáng yêu và tính tình thì luôn ngọt ngào.“.

Một phiên bản chưa hoàn thành hiếm hoi trong cảnh miêu tả những con thỏ nhảy múa trong bữa tiệc Giáng sinh, một trong series sáu phần mà Potter tạo ra vào năm 1892, một năm trước khi bức thư của cô gửi tới Noel đề cập đến các nhân vật Flopsy, Mopsy, Cottontail và Peter.
nguồn: BibliOdyssey
Tranh màu nước cuối cùng từ loạt tranh kể về bữa tiệc Giáng sinh của những chú thỏ.
nguồn: BiblioOdyssey

Đối với Câu chuyện về chú thỏ Peter (The Tale of Peter Rabbit), Beatrix Potter đã tạo thêm các bức vẽ khác nhau, như một chú chuột với “hạt đậu lớn trong miệng”, chú mèo trắng “nhìn chằm chằm vào vài con cá vàng“, và cô cũng in tranh vẽ Peter như một món quà Giáng sinh năm 1901. Sự niềm nở mà bạn bè và gia đình phản hồi khi tiếp nhận đã làm Potter khá kinh ngạc, vì vậy cô đã tạo thêm một phiên bản để bán với giá khiêm tốn. Tất cả những ai nhận được nó đều say mê; trong đó có cả tác giả văn học nổi tiếng – Arthur Conan Doyle – đã “có ý kiến tích cực về câu chuyện và từ ngữ [trong tác phẩm của Potter]”.

Danh tiếng khiêm tốn này đã đưa cái tên Beatrix Potter tới một nhà xuất bản, đứng đầu là Frederick Warne ở London, người nói rằng ông sẽ đảm nhận xuất bản tác phẩm của bà với điều kiện là các bức vẽ được lên màu hoàn chỉnh. Potter từ chối, đáp lời: “Tôi không tô màu toàn bộ cuốn sách vì hai lý do: chi phí lớn cho việc có màu in tốt; hơn nữa màu sắc cũng không thú vị khi nhiều đối tượng đều có hầu hết là màu nâu và xanh lá cây“.

Tuy nhiên, ý thức về thực tế đã thay đổi ý kiến của nhà minh họa này.

Cô cung cấp màu sắc, làm việc với các nhà xuất bản về bản in mẫu và việc chỉnh sửa. Khi The Tale of Peter Rabbit được xuất bản vào năm 1902, Beatrix Potter cũng đã có các tác phẩm khác đang được hoàn thiện trong tay, bao gồm The Tale of Squirrel Nutkin The Tailor of Gloucester (tác phẩm yêu thích của chính tác giả). Khi ấy Potter 36 tuổi, và bắt đầu hành trình của một sự nghiệp lớn.

Giấy chứng nhận đăng kí của một chú thỏ búp bê Peter Rabbit.
nguồn: bảo tàng Victoria & Albert (Anh)

Beatrix Potter từng viết:

“Tôi không nhớ có lúc nào bản thân ngừng cố gắng vẽ nên hình ảnh và tạo ra một thế giới cổ tích của riêng mình giữa những bụi hoa dại và động vật, nấm và rêu, rừng và suối hay hàng nghìn thứ của vùng nông thôn; cái thế giới bất biến của hiện thực và lãng mạn ấy mới dễ chịu làm sao […]”



Di sản để lại

Nếu đến thăm nước Anh, sự quyến rũ của ngôi nhà từ thế kỷ thứ 17 của Beatrix Potter tại làng Hawshead (Cumbria, Anh) xứng đáng là nơi cần đến. Khi cô qua đời, Potter đã để lại vùng đất của mình cho tổ chức quốc gia (National Trust).

nguồn: I-ta Tsai / flickr
nguồn: Amélie / flickr


Ngôi nhà vẫn không thay đổi nhiều, với lối đi nổi tiếng đầy cỏ cây. Trên thực tế, các mô tả về thửa rau bà trồng được viết khá chi tiết trong các cuốn sách đến nỗi những người làm vườn hiện tại vẫn sử dụng như một bản thiết kế bằng lời nói để chăm sóc chúng.

Potter với ngôi nhà của mình

Khi bước vào bên trong, bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn ngôi nhà búp bê được mô tả trong cuốn sách năm 1904 của Potter, The Tale of Two Bad Mice, có mô tả về chuyện những chú sâu nhỏ xông vào một ngôi nhà búp bê và đập vỡ đĩa gốm và bánh ngọt thành từng mảnh. Khi Potter viết nó, cô đang trong sự bức bối khi phải sống với cha mẹ mình (lúc ấy cô đã ba mươi) và câu chuyện là sự phản ánh nhu cầu độc lập của chính người nghệ sĩ này.

Chi tiết vật dụng bên trong ngôi nhà mô hình có ở Hill Top, ngôi nhà của Beatrix Potter.

Potter bị mê hoặc bởi ý tưởng tạo ra một thế giới kỳ quái ở quy mô nhỏ hơn. Trong một góc của ngôi nhà mô hình này, bạn sẽ thấy một bộ sưu tập những chiếc chậu có kích thước nhỏ; hay ở góc khác là một tủ quần áo nhỏ (trên đầu một tủ quần áo khác).

nguồn: I-Ta Tsai / flickr

Cô thậm chí còn đảm bảo rằng những cuốn sách mình tạo ra đủ bé để trẻ em có thể cầm chúng trên tay và đưa ra lời kêu gọi hành động đầy mới mẻ để bảo vệ thế giới – dù là thực tế hay tưởng tượng – diễn ra dưới hình dạng của những con cóc, trên những lá bông súng và sâu dưới hang thỏ…

Đừng quên đi thăm khu vực xung quanh Hawkshead. Bạn thậm chí có thể ở tại Buckle Yeat, hiện giờ là nhà nghỉ và nhà hàng cho du khách, nơi Beatrix Potter đã luôn thích lui tới và có từng nhắc đến trong những bản viết tay của mình.

nguồn: Peter Eccles / flickr

Trên tất cả, nhà phê bình sách Adrian Higgins có giải thích vào năm 2016:

“Những gì gắn kết những câu chuyện Potter với nhau là về mặt nghệ thuật. Nhân hóa nhưng cũng được kết nối về mặt hình thái, các loài thú trong truyện của Potter nắm bắt được linh hồn của vùng quê thời Edward ở Anh. Đó là một thế giới tự nhiên đã ăn sâu vào tâm lý người dân nơi này.


Tổng hợp & biên tập: Lệ Lin
Nguồn: public domain review/
messynessychic / brainpickings


Cùng tác giả

#Tag

art history beatrix potter children's books giới thiệu họa sĩ minh hoa

iDesign Must-try

Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
NEKO OJIMEOW là một họa sĩ tranh minh họa đến từ Đài Loan. Trên nền tông vàng pastel đặc trưng, họa sĩ đưa người xem đến với thế giới nghệ…
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Akabane Boogie Woogie (赤羽ブギウギ) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, với bảng màu nổi bật và góc nhìn bao quát, những tác phẩm của Akabane đưa…
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Hinano (日菜乃) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, những tác phẩm của Hinano thường bao gồm nhiều khung tranh nhỏ khắc họa những chi tiết, hình…
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Yếu tố bản địa hay được giải thích dễ hiểu hơn là văn hóa tại khu vực đó – ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện thiết kế…
Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Minh họa sách Đồng Dao của Vườn Illustration: Cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ
Tranh Đông Hồ là bộ môn nghệ thuật truyền thống phản ánh giá trị thẩm mỹ truyền thống, những triết lý xã hội và ước vọng nhân văn. Các chủ…