Giới trẻ Việt không quan tâm văn hóa Việt? Đừng nhầm! (P.3)

“Sự tiến bộ và văn minh của quốc gia hay cộng đồng không thể nào có được nếu như ở đó không có những công dân mang nhận thức khoa học và tinh thần tự do. Những góc nhìn, nhận thức của chúng tôi về giáo dục, nghệ thuật, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo đều nhằm chia sẻ một mục tiêu chung là thúc đẩy sự tiến bộ và văn minh ấy” – Tam Dân Xã tự giới thiệu về mình.

Tam Dân Xã (hiểu một cách nôm na là một xã có ba người dân) là tên gọi một trang Facebook được lập ra đầu năm 2017 bởi những người say mê các giá trị văn hóa phương Đông: nhà thư pháp Tiếu Chi, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức và nhà nghiên cứu – dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Hành trình trở về cội nguồn của họ, có lẽ, cũng là hành trình từ bỏ định kiến, tìm kiếm tự do học thuật, nhìn vào lịch sử để thấy mình trong hiện tại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử (Tiếu Chi)

– Sinh năm 1986.

– Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Trung Quốc, ngành Ngữ văn.

– Hiện làm việc tại Phòng nghiên cứu Phật giáo – Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Là giảng viên thư pháp của Vân Yên thư xã.

– Đã xuất bản sách “Di sản Hán Nôm đình Chèm” (viết chung, NXB Thế giới, 2015), “Lịch sử thư pháp Việt Nam” (NXB Thế giới, 1/2017).

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức

– Sinh năm 1985.

– Giải nhất cuộc thi Cầu Hán ngữ năm 2004.

Tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

– Các tác phẩm đã xuất bản: “Trà kinh” (dịch), “Trường an loạn” (dịch), “Sử ký Tư Mã Thiên” (dịch), “Ngàn năm áo mũ” (khảo cứu).

Nhà nghiên cứu – dịch giả – thầy giáo Nguyễn Quốc Vương

– Sinh năm 1982.

– Tốt nghiệp Khoa Lịch sử – Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2004.

– Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội (từ 2004 đến nay)

– Hiện là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản).

____________

Sau những năm du học ở nước ngoài (Tiếu Chi và Trần Quang Đức học ở Trung Quốc; Nguyễn Quốc Vương học ở Nhật Bản), 3 chàng trai 8X có chung sự đồng cảm với tôn chỉ “Khai dân trí. Chấn dân khí. Hậu dân sinh” của nhà yêu nước Phan Chu Trinh, đã gặp nhau và lập nên trang Tam Dân Xã, với mong muốn đưa tri thức lịch sử đến với công chúng.

Cần mẫn đăng tải nhiều bài viết phản biện về văn hóa, giáo dục, những quan điểm của Tam Dân Xã không phải lúc nào cũng thuận theo số đông, nhưng họ vẫn kiêu hãnh theo đuổi con đường của mình. “Sự tiến bộ và văn minh của quốc gia hay cộng đồng không thể nào có được nếu như ở đó không có những công dân mang nhận thức khoa học và tinh thần tự do. Những góc nhìn, nhận thức của chúng tôi về giáo dục, nghệ thuật, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo đều nhằm chia sẻ một mục tiêu chung là thúc đẩy sự tiến bộ và văn minh ấy” – Tam Dân Xã tự giới thiệu về mình như vậy.

Nhà thư pháp Tiếu Chi và đường xa vạn dặm

Sau rất nhiều năm cặm cụi “lần đọc cảo xưa sách cũ”, ngao du bốn bể để “sưu tập” chữ, cuốn sách của Tiếu Chi (Nguyễn Hữu Sử) – “Lịch sử thư pháp Việt Nam” mới được xuất bản đầu năm 2017. Ngay từ khi ra đời, cuốn sách đã được coi là sự khai phá khoảng trống mênh mông về thư pháp Việt.

Dập bia do đại thần Nguyễn Trung Ngạn khắc công khi đi đánh Ai Lao năm 1334 ở Con Cuông, Nghệ An, tháng 9/2014. Nguồn: tiasang

Trong hơn 10 năm sưu tập tư liệu, Tiếu Chi đã đi dọc ngang khắp đất nước. Có thể thấy anh ở chốn chùa chiền, những rẻo núi vùng Cao Bằng, vào tận miền Trung, miền Nam… – bất cứ nơi nào có chữ khắc trên bia đá. Anh sẵn sàng leo lên vách đá hiểm trở hay ngồi vắt vẻo trên giàn giáo tre dựa vào núi. Anh gọi đó là đi “dập chữ”. Tiếu Chi đã dập hơn 1000 bản thư pháp trên bia đá, hoành phi, vách hang, vách núi. Sau khi tập hợp được những cứ liệu trên, anh tìm ra điểm chung của từng thời đại và đối chiếu với các nước từng có nghệ thuật thư pháp Hán tự trong suốt chiều dài lịch sử như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đó, anh tự tin khẳng định Việt Nam cũng có một nền thư pháp đạt đến đỉnh cao: “Người Việt Nam ưa pháp độ, chuộng cương kiện, chữ lấy phép tắc làm nền tảng, phải cứng cáp rắn rỏi, hoặc nếu không thì rồng bay phượng múa” (trích “Lịch sử thư pháp Việt Nam”).

Nguyễn Hữu Sử dập bia tại động Nhị Thanh, Lạng Sơn. Nguồn: thanhnien.vn

Tự nhận nghiên cứu của mình không có nhiều tính ứng dụng trong đời sống hiện đại, nên quãng đường đi tìm dấu xưa tích cũ của Tiếu Chi gặp khá nhiều khó khăn bởi không xin được tài trợ. Nhưng vì đam mê, anh luôn sẵn sàng lên đường, dù nhiều khi phải vét sạch tiền túi. Thậm chí, với Tiếu Chi, “chặng đường gian nan đi tìm những ‘câu thần bút hoa’ chính là lúc tôi thấy hạnh phúc nhất trong đời”.

Trần Quang Đức và sự lựa chọn “phi truyền thống”

Năm 2013, cuốn “Ngàn năm áo mũ” ra mắt, cái tên Trần Quang Đức trở thành một hiện tượng khi giải mã và kết thúc cuộc tranh cãi bấy lâu về trang phục Việt cổ. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách còn cho rằng cuốn “Ngàn năm áo mũ” ra đời chính là một sự “cứu rỗi may mắn”. Ông đánh giá: “Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là ở cả phạm vi quốc tế, cho đến nay”. Cuốn sách thỏa mãn cả phần đọc và phần nhìn – điều đó lí giải tại sao “Ngàn năm áo mũ” lại bán chạy đến vậy.

Trang phục qua các triều đại (trích Ngàn năm áo mũ). Nguồn: doanhnhanplus.vn

Năm 2014, Trần Quang Đức lặng lẽ rời Viện Văn học, chính thức trở thành nhà nghiên cứu tự do. Khi đó anh 29 tuổi, không còn quá trẻ cho một lựa chọn “phi truyền thống”. Ít lâu sau, lớp dạy Hán Nôm “vỡ lòng” của anh ra đời. Học trò của Đức đa phần là người trẻ 8X, 9X. Ngoài việc chỉ cho trò những kiến thức, con chữ cơ bản nhất để có thể hiểu được ý nghĩa của hoành phi câu đối khắc trong đền chùa xứ nhà, Đức còn hướng đến mục tiêu dài hơi hơn: dạy Hán Nôm để người trẻ hiểu thêm tiếng Việt và văn hóa Việt.

Trang 76 trong tập catalogue của nhà Sotheby’s cho thấy bức tranh vẽ “Nguyễn Quang Bình” đã đưa ra đấu giá năm 1981. Nguồn: zing

Mới đây, Trần Quang Đức đã gây bão trên mạng xã hội khi cung cấp một bức tranh được cho là chân dung của vua Quang Trung, được họa lúc đi sứ sang triều kiến vua Càn Long (nhà Thanh, Trung Quốc). Đó là hình ảnh một ông vua có phần bé nhỏ thay vì “râu hùm, hàm én, mày ngài” như trong tưởng tượng của nhiều người. Cuộc tranh cãi căng thẳng đến độ nhà nghiên cứu bị nhiều cư dân mạng dọa “ném xuống biển”. Ở vị thế nhà nghiên cứu, Trần Quang Đức lựa chọn nhìn về quá khứ bằng một cái nhìn khách quan, dân chủ, không nệ cổ, chấp nhận đi ngược đám đông, đối diện trung thực với quá khứ để lý giải hiện tại. Với Đức, tìm về lịch sử cũng chính là một hành trình tìm kiếm tự do tư tưởng, học thuật.

Nguyễn Quốc Vương – kẻ “cuồng yêu” nước Nhật?

Trong số ba người của Tam Dân Xã, Nguyễn Quốc Vương kín tiếng hơn nhưng có lẽ là người viết nhiều và xuất bản nhiều sách nhất trong nhóm. Vương có những cuốn “nghiêm túc” như “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” nhưng cũng có những cuốn rất đời như tập thơ dành cho thiếu nhi có tên “Điều bí mật trong vườn”.

Nói về Vương, Tiếu Chi cười: “Vương nói đến câu thứ ba thì kiểu gì cũng nhắc đến Nhật Bản”. Còn trong cuộc nói chuyện với tôi, Vương nói về Nhật Bản ở câu thứ… hai. Thế giới nghiên cứu của Vương xoay quanh lịch sử giáo dục Nhật Bản và bộ môn lịch sử.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương tại lễ ra mắt cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường”. Nguồn: giaoduc.net.vn

Không phải vì “cuồng yêu” mà chọn nước Nhật, Vương nghiên cứu nước Nhật để nghĩ về cải cách ở Việt Nam. Nước Nhật cho anh cái nhìn đa chiều, dữ liệu để đối chiếu với thực tế nước nhà trên nhiều phương diện, đặc biệt là giáo dục.

Cuốn sách mới nhất của Nguyễn Quốc Vương, xuất bản giữa năm 2017, có tựa đề “Môn sử không chán như em tưởng”. Điều đặc biệt là cuốn sách 290 trang có đến hơn nửa là bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà cho học sinh. Cách Vương ra đề khiến độc giả thấy sốc, bởi những câu hỏi của anh nhiều khi đặt các em học sinh phải đứng trước những vấn đề vĩ mô, có thể trở thành cả một công trình nghiên cứu. Cách dạy sử của Vương được một số trường áp dụng. Không ít ý kiến trái chiều, nhưng học sinh thì vô cùng hào hứng.

(còn tiếp)


Nguồn: Đẹp Magazine

Cùng tác giả

#Tag

chân dung lịch sử Nguyễn Hữu Sử nguyễn quốc vương quang trung tam dân xã thư pháp tiếu chí trần quang đức văn hóa

iDesign Must-try

Làng lụa Mã Châu
Làng lụa Mã Châu
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
Làng thêu Văn Lâm
Làng thêu Văn Lâm
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông
Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
‘Dyal Thak’ - cuộc sống trên cao nguyên Tây Tạng
‘Dyal Thak’ - cuộc sống trên cao nguyên Tây Tạng
Tây Tạng là một nơi xa xăm, rất xa sự hiểu biết của hầu hết mọi người. Truyền thông phương Tây chỉ nói về khu vực này khi nó dính…
Xem Trung Võ làm mới các tác phẩm văn học trong Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân
Xem Trung Võ làm mới các tác phẩm văn học trong Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân
Yêu thích những tác phẩm đến từ tập truyện Vang bóng một thời, Trung Võ đã quyết định vẽ một bộ tranh minh hoạ cho 12 chương của sách với…
Đạt Đỗ và bộ chữ Việt - ‘Mình lấy chất liệu như thế nào, thể hiện điều đó ra sao?’
Đạt Đỗ và bộ chữ Việt - ‘Mình lấy chất liệu như thế nào, thể hiện điều đó ra sao?’
“Tới hiện tại mình vẫn không nhận bản thân là nhà thiết kế con chữ, mình chỉ tự nhận là người truyền cảm hứng dựa trên các câu chuyện về…