Quay ngược về những buổi tiệc trà qua từng khung tranh

Mời bạn cùng iDesign tìm hiểu sơ qua những điều thú vị trong các buổi tiệc trà châu Âu thời xưa nhé!

Henri Matisse, Tea, 1919, LACMA © Succession H. Matisse / Artists Rights Society (ARS), New York

Người viết: Magda Michalska
Magda hiện là nhà sử học về nghệ thuật và tiếng Ý, cô thường viết về nghệ thuật vì không mấy giỏi vẽ vời. Cô yêu các nghệ sĩ nhiệt huyết và dấn thân cả vào chính trị như Ai Weiwei hoặc các họa sĩ thuộc trường phái Vị lai (Futurists), như Joseph Beuys. Cô tin rằng nghệ thuật có thể thay đổi con người và chúng ta có thể thay đổi thế giới.



Ngón tay quý phái, tiệc trà thời thượng

Mary Cassatt, The Tea, 1879 – 1880, Bảo tàng mỹ thuật Boston (Mỹ)

Những bữa tiệc trà thật sự là một phần của những con người thời trước. Bắt đầu với thời Victoria tại Anh (nghệ thuật nhân loại nợ những con người thời này biết bao!), trà chiều là một sự kiện hàng ngày trong bất kỳ gia đình khá giả đáng kính nào.

Nó trở thành một ‘mốt’ nhanh chóng lan rộng từ Vương quốc Anh đến châu Âu (Pháp, Đức, và dĩ nhiên là Đế quốc Nga, chỉ cần nghĩ đến các vở kịch của Chekhov chả hạn), đến với văn hóa hưng thịnh của Mỹ trong Thời đại Mạ vàng (the Gilded Age – giai đoạn từ những năm 1870 đến khoảng 1900, khi nền công nghiệp tại đất nước này phát triển nhanh chóng và cực thịnh – n.d), nơi các gia đình giàu có sử dụng trà cho những bữa tiệc mở màn.

Bức tranh hai cô gái này liệu có phải là chân dung nhân vật mới bước vào những buổi tiệc trà, đang cố gắng không làm đổ trà quý bằng bàn tay run rẩy của mình không? Ta như có thể tưởng tượng sự căng thẳng; dường như họ đang cố tỏ ra quý phái trong khi thực tế thì đang đầy lo lắng bên trong.

Mary Cassatt, Lady at the Tea Table, 1885, Bảo tàng mỹ thuật Metropolitan (Mỹ)

Tôi sẽ khá sợ hãi nếu trong bữa tiệc đầu tay của mình có một người quyền lực như quý bà ở trên. Nhưng tôi sẽ bỏ qua điều ấy để được trải nghiệm việc thưởng thức trà từ bộ tách trà màu xanh tuyệt vời này.

Cá nhân tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà đôi mắt của nhân vật phù hợp hoàn hảo với các sắc xanh lam của tách trà – đây được gọi là sự mẫu mực trong phong cách.


Một buổi tiệc trà gần gũi tại vườn nhà

Pierre Bonnard, The Tea, 1916, hiện nằm trong bộ suu tập cá nhân

Ngoài ra còn có một phiên bản thoải mái hơn của trà chiều, được gọi là ‘kettle drum’ (dịch sát nghĩa là ‘tiếng sôi của ấm đun nước’) một cái tên có lẽ bắt nguồn từ tiếng lóng thế kỷ 18 cho một bữa tiệc sôi nổi (!) và ‘kettle’ tất nhiên là chỉ ấm trà.

‘Kettle drum’ dạn dĩ hơn, khách có thể đến và đi tùy ý, mặc quần áo như bất kỳ chuyến thăm nào trong ngày. Họ có thể trò chuyện và cười đùa với một chút trang trọng và thưởng thức các món được tuyển chọn như trà, chocolate, nước chanh, bánh ngọt và bánh sandwich.

Theo van Rysselberghe, Summer Afternoon (Tea in the Garden),
1901, hiện trong bộ sưu tập cá nhân

Điệu nhảy trong các bữa tiệc trà

Maurice Denis, Mystic Allegory or Tea, 1892,
Bộ sưu tập cá nhân

Một bữa tiệc trà đáng nể luôn kết thúc với một chén trà cuối. Đặc biệt là khi đó là mùa hè hoặc đầu mùa thu và trời vẫn khá ấm áp ở vùng quê nước Anh, từ 4 đến 7 giờ chiều. Các gia đình đương thời thường sẽ tổ chức các điệu nhảy trong bữa tiệc trà, còn được gọi là thé dansant. Các điệu nhảy thường được biểu diễn là điệu waltz, về sau thì có thêm điệu tango và vào cuối những năm 1920, là điệu Charleston. Các bữa tiệc thế này lan đi tới nhiều nước khác và đặc biệt là ở Mỹ.


Một cách tuyệt vời để chào ngày mới

Henri Matisse, Woman by a Window. Morning Tea,
1919, BST cá nhân

Một buổi sáng thú vị phải bao gồm một tách trà nóng với sữa, đường và bánh quy giúp cho việc tiêu hóa, hoặc cả ba trong trường hợp của tôi; cũng có thể là một quả trứng rán trong trường hợp của người phụ nữ trong bức tranh phía trên này. Tôi ước mình có căn hộ đầy phong cách của cô ấy, trong một căn phòng nhiều hoa đủ để chuyển hóa sự cô đơn thành một sự cô độc dễ chịu chăng?


Bữa tiệc tràn đầy nỗi buồn

Walter Sickert, The Little Tea Party: Nina Hamnett & Roald Kristian, 1915 – 1916,
hiện nằm tại bảo tàng Tate (Anh)

Trà cũng thích hợp trong một dịp buồn, thậm chí là nghiêm trọng – ví dụ như cuộc hôn nhân tan vỡ trên đây.

Nina và Roald (tên thật của Roald là Edgar de Bergen) đã kết hôn nhưng mối quan hệ của họ khá đáng buồn và phức tạp. Mặc dù cả hai đều quan tâm đến nghệ thuật, Nina là một nghệ sĩ theo cách riêng của chính mình, họ không thể hòa thuận với nhau. Vào năm 1917, khi chồng cô bị đưa từ London đến Pháp để chiến đấu với quân đội Bỉ, Nina đã không chờ đợi sự trở lại của anh.

Cô nhớ lại sự thành hình của bức tranh này: “Walter, giờ là Richard Sickert cũng sống ở phố Fitzroy, thực tế anh ta có một số phòng ở bí ẩn, có khi cách xa cả thị trấn Camden. Edgar và tôi ngồi cho anh ta vẽ, trên một chiếc giường sắt, với một bình trà và một cái chậu trắng trên bàn trước mặt chúng tôi. Cả hai đăm chiêu nhìn vào một viễn cảnh u ám“.


Sự tịch mịch từ một ấm trà

Gwen John, Brown Teapot, 1915-16,
hiện tại ở Trung tâm Yale dành cho nghệ thuật Anh, BST Paul Mellon, Mỹ

Tôi thực sự ngưỡng mộ các tác phẩm của Gwen John, ngoài việc ngoại tình với Rodin thì bà là một họa sĩ vẽ chân dung vả tĩnh vật tuyệt vời. Sống một cuộc đời đơn độc, Gwen thành thạo nghệ thuật sống mà ngày nay có lẽ chúng ta gọi là ‘lối sống chậm’. Tôi nghĩ rằng với những hình ảnh như thế này, cô ấy có thể sẽ là một ngôi sao trên Instagram!



*Bài viết được đăng trên trang Daily Art Magazine. Họ cũng có ứng dụng mang tên Daily Art, với việc mỗi ngày giới thiệu với người dùng một bức tranh trong lịch sử nghệ thuật từ phần lưu trữ của họ. Bạn cũng có thể tải ứng dụng trên App Store hoặc Google Play.


Nguồn: dailyart
Lược dịch: Lệ Lin

Cùng tác giả

#Tag

gilded age kettle drum lịch sử nghệ thuật tea time the dansant Victorian

iDesign Must-try

Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Khi Arts & Crafts của Anh gặp gỡ tranh in khắc gỗ ukiyo-e của Nhật Bản
Khi Arts & Crafts của Anh gặp gỡ tranh in khắc gỗ ukiyo-e của Nhật Bản
Những cú bắt tay giữa hai họa sĩ thuộc hai nền văn hóa khác nhau luôn đem lại những tác phẩm thú vị. Cùng tìm hiểu xem Frank Brangwyn và…
5 nghệ sĩ đặt nền móng cho phong trào Psychedelic
5 nghệ sĩ đặt nền móng cho phong trào Psychedelic
Psychedelic art đã bắt đầu như thế nào và ảnh hưởng ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Thời kỳ Victoria (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Thời kỳ Victoria (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Thời kỳ Victoria tuy không phải là một thời kỳ rõ rệt trong lịch sử nghệ thuật và thiết kế cả về mặt phong cách lẫn tư tưởng triết học…
Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần cuối)
Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần cuối)
Cùng tìm hiểu về những nghệ sĩ cuối cùng trong loạt bài những hạo sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20.