Vẻ đẹp của những dân tộc nơi tận cùng thế giới qua ống kính của Jimmy Nelson

Quyết định lưu giữ vẻ đẹp dân tộc vô giá trước khi mọi thứ biến mất, nhiếp ảnh gia Jimmy Nelson đã thực hiện bộ ảnh mang tên “Before They Pass Away” và “Homage to Humanity”. Anh tự mình thể nghiệm hàng tháng trời đến những vùng đất xa lạ, hẻo lánh để cùng hoà nhập vào cuộc sống thường nhật của người dân. Sau chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới, Nelson đã chụp lại được những khoảnh khắc oai nghi, dũng mãnh, phản chiếu linh hồn của dân tộc bản địa.

“… Bên cạnh tôn vinh nét oai duệ của mỗi dân tộc, tôi cố gắng phá vỡ những rào cản dị nghị và dẫn mọi dân tộc đến gần hơn với người xem. Tôi mường tượng rằng cả thế giới có thể tiếp cận đến những gì nằm phía sau bức hình, khám phá được con người thật sự của họ và gạt bỏ những câu chuyện về người dân. Tôi muốn cho bạn thấy tâm hồn thực sự của họ.” – Nhiếp ảnh gia Jimmy Nelson chia sẻ.


Bộ tộc Dolgan tại Siberia

“Dolgan” trong tiếng Siberia nghĩa là “người sống gần nước” và xét trong trường hợp này thì lại là gần băng. Bạn có thể hiểu được ngay hàm ý của tên gọi khi bay đến cộng hòa Sakha, Siberia. Nơi đây khét tiếng là một trong những vùng đất lạnh nhất trên thế giới, nhiệt độ một ngày tại đây có thể giảm xuống đến -76 độ, xung quanh đều là đồng bằng băng phủ trắng xoá tầm nhìn. Người Dolgan là cộng đồng bán du mục, cứ cách vài ngày lại di chuyển tìm địa y để chăn lũ tuần lộc. Họ thồ mọi nhu yếu phẩm và balok (tức là nhà) lên ván trượt đi cùng. Bạn đồng hành trong các chuyến du mục còn có đàn chó và tuần lộc với khoảng 1,500 con. 

“Người Dolgan chúng tôi luôn khiến nhiều người thèm muốn cuộc sống. Kể từ thời kỳ perestroika*, chỉ lũ tuần lộc của người Dolgan chúng tôi mới đủ ăn. Tất cả đều nhờ vào vùng lãnh nguyên không ngừng cung cấp lương thực,” Roman Dimitruvik Tupiri, 44 tuổi trò chuyện cùng Nelson và nhóm thực hiện đi cùng anh. “Song, giờ đây chúng tôi lại sợ sẽ mất đi sự gắn kết với tự nhiên bởi càng nhiều người lạ đến đây khai thác kim cương và dầu mỏ.”

Perestroika: Chính sách thay đổi chính trị và kinh tế, được Liên Xô tiến hành từ năm 1986 đến năm 1991

Bộ tộc Huli tại Papua New Guinea

“Với chúng tôi, rừng là nhà. Rừng linh thiêng với chúng tôi, rừng đáp ứng mọi thỉnh cầu của dân làng và chúng tôi sẵn sàng xả thân để bảo vệ rừng.” Ông Mundiya Kepanga, 53 tuổi thuộc bộ tộc Huli viết “Tôi mong rằng qua những bức hình, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về tinh thần văn hoá của tộc và tôn trọng mảnh đất này.”

Nhiều người đồn rằng bộ tộc Huli đã sinh sống tại Papua New Guinea từ 45,000 năm trước rồi và “Đàn ông tộc Huli nổi tiếng bởi tập tục đội “mũ” tóc cầu kỳ và đầy màu sắc từ lông chim. Họ vẽ mặt bằng đất sét ambua màu vàng, đỏ và trắng. Ban đầu, màu sắc được chọn nhằm hăm doạ kẻ địch trong các cuộc xung đột. Ngược lại, ngày nay họ trang điểm như vậy để nhảy múa, hát hò.” – Nelso chia sẻ. Họ tôn trọng, giữ gìn trọn vẹn truyền thống của dân tộc. Ngay cả, dân nhập cư từ Tari vẫn phải tuân theo lệ làng.

Chiếc “mũ” được kết từ tóc thật của chính họ. Trong tộc Hulu, đàn ông học cách dưỡng tóc để làm “mũ” tóc giả, từ khi còn nhỏ, sau đó điểm thêm lông vũ từ 700 loài chim trên hòn đảo. Mỗi chiếc lông mang ý nghĩa tượng trưng riêng (như sức mạnh và dũng cảm). Người Huli tham gia vào dự án ảnh của Nelso cũng trang điểm, làm đẹp như truyền thống với hy vọng rằng bức chân dung của họ có thể truyền cảm hứng đến lớp trẻ nối gót thế hệ cũ và đem chính mình đến gần hơn cộng đồng ngoài tộc.


Bộ tộc Ngalop tại Bhutan

Người Ngalop sống chủ yếu tại khu vực Tây bắc của vương quốc Bhutan. “Ngalop” nghĩa là “kẻ khởi đầu” và họ chính là bộ tộc mang phật giáo Tây Tạng đến Bhutan khi di cư vào đây ở thế kỷ thứ 9. Khoảng 3/4 số dân tại vương quốc Bhutan đều theo Phật giáo vì thế người Ngalop giữ vai trò cực kỳ quan trọng trên mảnh đất này.

Đây là hình ảnh vũ công người Ngalop đang mang những chiếc mặt nạ kỳ dị tượng trưng cho thần, quỷ dữ và linh vật khác nhau. Người Ngalop đeo mặt nạ khi biểu diễn lại những câu chuyện tâm linh thu lượm từ thuở xưa. Trong bức hình này, họ mặc phục trang cho lễ hội Tschechu thường niên. “Các ngày lễ theo tôn giáo như Tschechu là dịp quan trọng để quảng bá và sẻ chia di sản văn hoá cùng những dân tộc đến từ nhiều vùng xa xôi khác.” Nhiếp ảnh gia Nelson nhận định. Ngôi đền nép bên trái bức hình chính là Paro Taskstang hay còn gọi là “The Tiger’s Nest” trong truyền thuyết, toạ lạc trên dãy Himalaya, cách mực nước biển 10,000 feet. Đây chính là nơi Guru Padmasambhava (Đức Liên Hoa Sanh) ngồi thiền, là một trong những tu viện linh thiêng nhất tại vương quốc Bhutan. 

Một số hình ảnh đặc sắc về bản sắc tộc Ngalop:


Bộ tộc Marquesan tại đảo Marquesas, Polynesia

Nếu bạn là fan của thuyền trưởng Hook chắc hẳn bạn sẽ nhớ ngay đến tên bộ tộc này trong cảnh phim thuyền trưởng Hook và đoàn thuỷ thủ neo thuyền đến quần đảo Marquesas vào cuối những năm 1700. Khi ấy, họ bị khoá trong vòng vây của cư dân trên đảo. Một tên thuỷ thủ đã phải thốt lên rằng “Đây thực sự là bộ tộc đẹp nhất mà ta từng thấy.” Và bộ tộc Marquesan có thực ngoài đời, nhưng chỉ tiếc thay, dân số tộc đang giảm dần, từ 80,000 đến chỉ còn khoảng 9,000 người trên tổng 15 hòn đảo sau khi trảiqua từng ấy năm dịch bệnh và xung đột giữa các bộ lạc.

Ngôn ngữ của tộc Marquesans là Enanaa, nghĩa là “người”. Thuở ban sơ, hệ thống chữ Enanaa không tồn tại dưới dạng ký tự chữ viết. Vậy nên, xăm hình là một phần quan trọng trong bản sắc dân tộc. Hình và biểu tượng cho phép người trong làng nhận biết được thân thế và phả hệ của người đó. Ngày xưa, sau khi sinh con, phụ mẫu thường làm nông để dành dụm tiền xăm hình trong suốt thời kỳ trưởng thành của con. Những ấn ký sau này chỉ được xăm khi họ thu về nhiều hiện kim và đứng vị thế cao hơn trong làng. Có thể nói, phong tục xăm tại bộ tộc Marquesans không chỉ là thú vui tuổi trẻ mà còn là câu chuyện mưu cầu cả đời. Tuy nhiều người dân Marquesans hiện đại đã có thể nói và viết tiếng Pháp, nhưng truyền thống xăm hình vẫn giữ vững giá trị trong văn hoá người Marquesans.


Bộ tộc Q’ero tại Peru

Fredy Flores Machacca, 30 tuổi – Già làng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Q’ero suy niệm “Chúng tôi luôn tin rằng gieo cây nào gặp quả đó và gọi đó là ayni: Khi tôi giúp bạn hôm nay, bạn sẽ làm điều gì đó cho tôi ngày mai. Bởi vì người Q’ero chúng tôi sống gần trời, ngủ cùng đất, nên chúng tôi muốn bảo vệ ngài như ngài bảo vệ chúng tôi. Đó chính là ayni.”

Tộc Q’ero được các thế hệ đồn đãi rằng họ là hậu duệ của người Inca với khoảng 2,000 người sống gần và quanh cộng đồng Qochamoqo ở phía Đông Peru, tại dãy núi Andes cách mực nước biển 14,000 feet. 

“Q’ero là một trong những nhóm người sống hẻo lánh nhất tại bang Andes, du mục theo mùa quanh khu vực cách mực nước biển và trồng khoai tây, ngô và tre,” Nelson nói “Quần áo của họ làm từ lông của lạc đà alpaca (hay còn gọi là lạc đà cừu), cừu và lạc đà llama (lạc đà không bướu Nam Mỹ). Hoạ tiết trên trang phục của người Q’ero thường kết hợp từ lịch sử và chuyện thần thoại về tộc.


Bộ tộc Muchimba tại Angola/Namibia

Có lẽ bạn chưa biết, Nam Châu Phi không chỉ nổi tiếng sở hữu mỏ khoáng sản hiếm như đá Kaokoveld Plateau, shattuckite và dioptase, mà còn là vùng đất nuôi dưỡng nền văn hoá phong phú bản địa của bộ tộc bán du mục – Muchimba (hay còn gọi Himba). Tộc Muchimba thường sống trong các ngôi nhà mái vòm làm từ cây gỗ, đất sét, rơm và cả … phân bò.

Và với người Muchimba, dòng sông Cunene là huyết mạch. Bởi nước rất khan hiếm ở vùng đất này, người Muchimba thường tồn trữ nước cho các hoạt động nông nghiệp: nuôi dưỡng đàn dê, gia súc….Nelson kể lại thay vì tắm gội, “phụ nữ đắp hỗn hợp “otjize*” từ bơ lạt và chất màu đất son lên da và tóc của mình. ‘Mỹ phẩm” này còn có công dụng chống nắng.”*Otjize: một dạng kem dưỡng ẩm và kem chống côn trùng chỉ dành cho phụ nữ trong làng.

“Chúng tôi thoa kem dưỡng để tạo thành bím tóc dài và sẽ tẩy, bôi lại vài lần trong năm,” Mucathalepa Tchombo, một phụ nữ trong làng chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp “Nếu gần đến dịp đặc biệt, chúng tôi sẽ thoa thêm kem, giống như một bước trang điểm vậy.”

Mucathalepa Tchombo, 32 tuổi ở tộc Muchimba chia sẻ “Tôi nghĩ không một dân tộc nào mang vẻ ngoài và sinh hoạt sống giống như chúng tôi. Tôi tự hào về văn hoá tộc của mình, nhưng thế giới đang thay đổi nhanh chóng và chúng tôi là một phần trong quá trình.”


Bộ tộc Kazakh tại Mông Cổ 

Người đàn ông trong bức hình là Dalaikhan Boskay. Ông là thợ săn đại bàng trong làng Kazakhs, cộng đồng dân tộc thiểu số lớn nhất tại Mông Cổ. Nhưng chớ hiểu lầm đúng nghĩa đen rằng ông sẽ là người hạ gục những chú đại bàng đang bay trên trời; thay vào đó, ông dùng đại bàng làm mồi nhử để săn cáo đỏ, thỏ hay chó sói. Tại tộc Kazakh có một phong tục là bất cứ khi nào một người săn được con thú nào, họ sẽ tận dụng mọi phần từ chiến lợi phẩm và đó cũng là cách người Kazakh tỏ lòng quý trọng đến mọi loài sinh vật. Điển hình nhất là ở trang phục của ông Boskay, từ trên xuống dưới đều được làm từ lông thú và nỉ.

“Ngựa tốt và đại bàng dũng mãnh chính là đôi cánh của người Kazakh.” – Ergalim, một người đàn ông trong tộc Kazakh khẳng định.

Người Kazakh sống ở phía Tây Bắc Mông Cổ cùng loài đại bàng vàng. Nghề nuôi chim săn đã từng chỉ dành cho cánh đàn ông trong làng. Sau này luật lệ thay đổi, phụ nữ, bé trai, bé gái đều có thể trở thành người đảm trách truyền thống nghìn năm này. Người bản xứ thường bắt đầu huấn luyện đại bàng khi chúng còn là chim con để tạo mối thâm tình giữa người và chim. “Thợ săn thường giữ đại bàng của mình trong khoảng 10 năm, 1/3 quãng đời của chúng. Chúng tôi có thể cảm nhận thời khắc phải trả chúng về với tự nhiên,” Boskay cho hay “Chúng tôi chỉ dưỡng đại bàng cái và việc thả chúng về với hoang dã thực quan trọng để đại bàng bắt đầu quá trình sinh sản và duy trì cán cân của tự nhiên.”


Bộ tộc Miao tại Trung Quốc

Xa xa về phía tỉnh núi Quý Châu đẹp tựa tiên cảnh ở Tây Nam Trung Quốc là mảnh đất của người Miao Sừng Dài.

Sở dĩ, bộ tộc này lại có cái tên rất lạ là bởi người dân đặt tên tộc dựa trên hình dáng chiếc mũ oai vệ, độc nhất của tộc. Vì đối với người dân Miao, chiếc mũ sừng dài chứa đựng thực nhiều ý nghĩa về tinh thần và tâm linh. Một phần, hình dáng của chiếc mũ mô phỏng hình ảnh chiếc sừng bò hay trâu nước, thể hiện đời sống nông nghiệp gần gũi với người dân. Mặt khác, người Miao hướng theo chủ nghĩa duy linh, tức họ tin rằng mỗi thực thể như cây, đá, sông suối và con người đều có linh hồn, nên chiếc mũ sừng dài ngày xưa được tết từ tóc của tổ tiên để gắn kết người đội mũ cùng cha ông đã khuất. Song, thời nay thì có chút khác biệt trong văn hoá, hầu hết người dân dùng len để làm mũ sừng dài và người dân sẽ đội chiếc mũ sừng dài trong các nghi lễ linh thiêng của tộc.

Biên dịch: Jane
Nguồn: Ideas.ted
Ảnh: Jimmy Nelson

Cùng tác giả

#Tag

Before They Pass Away Homage to Humanity Jimmy Nelson Vẻ đẹp dân tộc

iDesign Must-try

Viết cho Quyền Lợi: Một Chiến dịch Minh họa cho Tổ chức Ân xá Quốc tế nhằm mục đích giải phóng những người bị cầm tù
Viết cho Quyền Lợi: Một Chiến dịch Minh họa cho Tổ chức Ân xá Quốc tế nhằm mục đích giải phóng những người bị cầm tù
Một chiến dịch mới cho Tổ chức Ân xá Quốc tế thể hiện sức mạnh của bút chì trong một loạt các bức tranh minh họa cảm động của hoạ…