Lượt thích trên Instagram không phải là thước đo cho tác phẩm của bạn

Trong buổi gặp gỡ cuối năm ngoái cùng nhóm các họa sĩ minh họa tại agency Handsome Frank, người đồng sáng lập công ty – Jon Cockley – cảm thấy không hề thoải mái khi biết Instagram đã ảnh hưởng đến tinh thần nhóm họa sĩ minh họa như thế nào.

Thay vì là không gian để chia sẻ đam mê và những tác phẩm tuyệt vời, trái lại, Instagram gây ra rất nhiều nỗi lo lắng. Trong bài viết này, Jon phản ánh vấn đề trên và cạm bẫy của việc ‘tự đánh giá’ bản thân bằng các thuật toán truyền thông xã hội.

Ngoài ra, trang Lecture in Progress còn hợp tác với Handsome Frank và họa sĩ minh họa Jordan Metcalf để tạo ra một poster độc quyền, có thể tải về tại đây.


Tác giả bài viết: Jon Cockley


Tôi phải thừa nhận rằng mình là một fan cuồng nhiệt của Instagram. Theo báo cáo của điện thoại, tôi đã dành 5 tiếng 16 phút cho nó trong tuần này. Là một doanh nghiệp, chúng tôi sử dụng Instagram mỗi ngày, công cụ đã giúp công ty khám phá các nghệ sĩ mới và thậm chí còn được trả tiền để tạo nội dung trên Instagram. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tôi dần nhận ra sức ảnh hưởng của nó đến ngành công nghiệp sáng tạo hiện tại và bài viết này là cuộc trò chuyện cần thiết.

Mỗi cuối năm tại Handsome Frank, chúng tôi thường tổ chức một bữa tiệc cho các họa sĩ của mình. Đây là cách tuyệt vời để những người thường xuyên làm việc một mình được tụ hội, gặp gỡ nhau và nhìn lại năm đã qua. Xuyên suốt bữa tiệc, chúng tôi sẽ thảo luận về các vấn đề và chia sẻ tình hình chung của ngành công nghiệp sáng tạo.


Dù các họa sĩ minh họa đều xem Instagram là một công cụ tiếp thị hợp lý và cần thiết, nhưng dường như nơi đây chỉ khiến họ cảm thấy tiêu cực và không hài lòng với công việc của mình.


Sự trầm cảm mang tên Instagram

Năm nay, cuộc trò chuyện gần như nghiêng hẳn sang chủ đề Instagram. Tôi thực sự bất ngờ bởi cách mọi người cảm nhận về nền tảng này. Dù các họa sĩ minh họa đều xem Instagram là một công cụ tiếp thị hợp lý và cần thiết, nhưng dường như nơi đây chỉ khiến họ cảm thấy tiêu cực và không hài lòng với công việc của mình. Tại Handsome Frank, chúng tôi đủ may mắn để đại diện cho một số họa sĩ minh họa tài năng và nổi tiếng nhất ở nhiều nơi, vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi mọi người đều giữ mối bận tâm riêng về ‘mức độ cam kết’ với Instagram.

Chúng tôi thảo luận về lượt thích, cách nhận được chúng, cách tăng lượt theo dõi, nội dung nào sẽ nhận được nhiều tương tác nhất, nhưng chủ đề mà mọi người đều cùng chung ý kiến là trải nghiệm đăng tải tác phẩm khiến họ cảm thấy ra sao. Một số người thừa nhận họ đã ít nhiều từ bỏ việc đăng tác phẩm của mình lên.

Chúng ta đang nói về các họa sĩ minh họa chuyên nghiệp rất thành công ở đây, nếu điều đó còn làm cho họ cảm thấy như thế thì ta nên hy vọng gì cho thế hệ nghệ sĩ tiếp theo?


Lượt thích không được chia đều

Bằng kinh nghiệm của việc thường xuyên đăng tải tác phẩm thực hiện bởi nhiều nghệ sĩ mang nhiều phong cách khác nhau, chúng tôi nhanh chóng nhận ra một số bài đăng có độ tương tác tốt hơn hẳn những bài khác, tức là lượt thích và bình luận cao hơn. Thế nhưng, đây không phải là một sân chơi bình đẳng, nó tương tự như việc bạn đang đổ xí ngầu vậy. Nền tảng này được thiết kế để đăng tải, xếp hạng, thúc đẩy lượt tương tác một số bài ‘phù hợp’ trong khi ngăn chặn số khác có cơ hội ‘trồi lên’.

Chúng tôi cũng nhận ra lượt tương tác của một bài đăng trên mạng xã hội không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoặc tính nguyên bản của một tác phẩm nghệ thuật. Chỉ là, một vài tác phẩm sẽ trông ‘hợp mắt’ cư dân mạng hơn các tác phẩm khác mà thôi.

Nói chung, mọi thứ hiện thời đều đang hướng đến giới trẻ, nên tác phẩm nhiều màu sắc sẽ dễ phổ biến hơn. Ngược lại, các sản phẩm thủ công hay hình ảnh ẩn dụ sâu sắc sẽ khó tiếp cận bởi thực tế là, các tác phẩm này gặp nhiều khó khăn hơn khi chỉ truyền tải thông điệp trên màn hình nhỏ.


Chúng ta cần một cuộc trò chuyện chân thành

Với suy nghĩ ấy, tôi cảm thấy buộc phải đăng một cái gì đó vào đầu tháng 1, đem lại thông điệp tạo động lực cho những nghệ sĩ cảm thấy công việc của họ thường bị bỏ qua trên trang mạng xã hội. Bài viết chỉ đơn giản thế này:

Tôi đoán rằng chúng ta đều biết điều này, nhưng tôi vẫn sẽ lên tiếng. Số lượt yêu thích của một tác phẩm trên Instagram không hề phản ánh chất lượng của thứ bạn làm. ĐỪNG BAO GIỜ ngưng điều bạn đang thực hiện chỉ bởi một thuật toán không đánh giá cao nó – H.F

Tin nhắn của Jon cho các họa sĩ minh họa đang trải qua mặt tiêu cực của Instagram

Phản hồi cho bài đăng này rất tích cực. Trên thực tế, nó đã nhận được nhiều lượt thích hơn bất cứ thứ gì công ty đã đăng, nhưng phần bình luận mới tiết lộ nhiều nhất. Tôi như đã mở cánh cổng để lũ ào ạt tới. Chúng tôi nhận được hàng trăm tin nhắn chỉ để cảm ơn vì đã nói ra điều gì đó. Rõ ràng, nhiều người đang có cảm giác tương tự.


Hãy ngừng so sánh

Vậy ta có thể học được gì từ vấn đề này và nó dẫn ta tới đâu?

Đầu tiên, tôi nghĩ ta cần ngưng so sánh giữa táo và lê. Ta cần thẳng thắn chấp nhận rằng: bức ảnh của một chú cún con sẽ luôn hấp dẫn hơn một tác phẩm minh họa cho tạp chí kinh doanh. Bạn không nên so sánh lượt thích mà tác phẩm của mình nhận được so với tấm ảnh người khác chụp nhanh, vì hai điều này hoàn toàn khác nhau.

Xét cho cùng, ngành công nghiệp của chúng ta chỉ là một ngách nhỏ và Instagram là một thị trường đại chúng. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi ta không nhận được sự quan tâm bằng các đồng nghiệp trong ngành khác. Nếu giám đốc nghệ thuật hài lòng và khách hàng ưng ý thì đây mới thực sự là những ’lượt thích’ mà bạn nên để tâm.


Tiền bạc không thể đem lại tình yêu

Thứ hai, là người đại diện và là khách hàng, tôi nghĩ chúng ta cũng có vai trò trong chuyện này. Một xu hướng khiến tôi khá quan ngại là khách hàng thường thích liên lạc đặt hàng các họa sĩ minh họa có ‘lượng người theo dõi lớn’. Với tôi, điều này đặt ra hai vấn đề.

Một, khách hàng (hoặc cơ quan của họ) quan tâm đến số lượng người theo dõi hơn là công việc. Như tôi đã giải thích cho khách hàng nhiều lần, tôi đã khuyên họ nên chọn nghệ sĩ phù hợp nhất với bản tóm tắt (brief), thay vì người được nhiều người biết đến trên Instagram. Hai, khách hàng đang muốn ‘tận dụng’ lượng người follow của họa sĩ minh họa, trường hợp này chắc chắn không phải lúc nào cũng xảy ra.

Hầu hết các nghệ sĩ đều có quyền đăng tác phẩm lên Instagram theo thỏa thuận hợp đồng. Nếu họ thích dự án và vui vẻ với công việc đã hoàn thành, khả năng cao họ sẽ tự chia sẻ công việc của bản thân. Tuy nhiên, đa số họ sẽ không muốn ‘bán’ cộng đồng người theo dõi mình.

Ngay cả khi họ quyết định làm như vậy, khách hàng không nên xem đây là ‘khoản hời’ miễn phí. Khi chọn một nghệ sĩ dựa trên sức mạnh tiếp cận đối tượng của họ, về cơ bản, bạn đang cố gắng mua hai thứ khác nhau chỉ với giá của một thứ – sự sáng tạo phương tiện truyền thông. Lời khuyên của tôi cho bất kỳ họa sĩ minh họa nào sẵn lòng mang thông điệp thương mại lên tài khoản truyền thông xã hội của họ sẽ là: “Đừng bao giờ làm điều đó miễn phí”.


Nếu giám đốc nghệ thuật hài lòng và khách hàng ưng ý thì đây mới thực sự là những ’lượt thích’ mà bạn nên để tâm.


Các vấn đề trên Instagram cũng vô cùng đa dạng chứ không chỉ là vấn đề về tranh minh họa.

Gần đây tôi có dịp ăn trưa với người sáng lập của một công ty thiết kế rất nổi tiếng ở Anh. Chúng tôi bàn luận về Instagram và họ kể tôi nghe một câu chuyện về vị khách hàng mà họ đã đệ đơn kiện. Sau vài cuộc gặp và đề xuất dự án được gửi đi, bảng báo giá đề nghị đã được gửi đến khách hàng cho công việc tương lai. Dù vị khách hàng tỏ ra đồng ý với đề xuất và cảm thấy chi phí là công bằng, họ vẫn so sánh nó với những gì có thể nhận được từ người có ảnh hưởng trên Instagram (Instagram influencers). Họ nghĩ cùng một ngân sách, Instagram influencers sẽ mang lại triển vọng ROI [return on investment – hoàn vốn đầu tư] tốt hơn so với dịch vụ của một agency thiết kế danh giá.

Instagram đang bắt đầu ‘lan tỏa’ sức ảnh hưởng to lớn khi có mặt ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta. Đa phần các họa sĩ minh họa đều nghĩ họ phải tham gia cuộc chơi này, vậy ta có thể làm gì để cải thiện mọi thứ?

Poster thiết kế bởi Jordan Metcalf.
Bạn có thể kéo xuống phần cuối bài để tải về

Hướng đến sự gắn kết với Instagram lành mạnh hơn

Đừng sáng tạo nghệ thuật cho một thuật toán

Đầu tiên, tôi nghĩ chúng ta cần ngưng làm mới trang của mình. Ngừng cố gắng làm hài lòng thuật toán và quay trở lại vấn đề cơ bản: Làm nghệ thuật vì nghệ thuật, làm nghệ thuật cho mọi người, đừng đuổi theo những lượt thích.

Một trong những tác dụng phụ đáng lo ngại nhất của Instagram là khi các nghệ sĩ thay đổi cách họ làm việc để thử và tăng mức độ nổi tiếng trên Instagram. Đây sẽ là một sai lầm rất lớn. Hãy tiếp tục theo đuổi công việc của mình, tiếp tục làm những gì khiến bạn trở nên độc đáo. Luôn ghi nhớ rằng, bạn muốn nổi bật, chứ không phải trở nên phù hợp.

Làm nghệ thuật vì nghệ thuật, làm nghệ thuật cho mọi người, đừng đuổi theo những lượt thích.

Nếu Instagram đang biến bạn thành kẻ khó chịu, bạn không cô đơn đâu. Báo cáo từ Royal Society for Public Health (Hiệp hội Sức khỏe Cộng đồng Hoàng gia) gần đây cho thấy Instagram là nền tảng tệ nhất cho sức khỏe tinh thần.


Hãy có những cuộc trò chuyện cởi mở về vấn đề này…

…trong đời thực.

Hầu hết mọi người đều cảm thấy như thế về Instagram và khi biết được nỗi nghi ngại về khả năng của bản thân từ những người bạn biết, sự tôn trọng và ngưỡng mộ sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn hơn. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng các dự án mà mọi người tự hào nhất không phải lúc nào cũng là các dự án có nhiều lượt thích nhất.


Đăng những gì bạn thật sự muốn

Cố gắng không tập trung vào việc cam kết với Instagram như một thước đo thành công.

Xây dựng hình ảnh trên Instagram là để khán giả hiểu hơn về công việc và hình ảnh của cá nhân bạn, chứ không phải để tìm kiếm lượt thích. Hãy nhớ rằng, con người và thuật toán không giống nhau, hãy làm hài lòng khách hàng chứ không phải những thuật toán vô hồn.


Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng các dự án mà mọi người tự hào nhất không phải lúc nào cũng là những dự án có nhiều lượt thích nhất.


Việc so sánh mình với người này người kia là hoàn toàn vô ích. Để giảm thiểu điều này, bạn có thể sử dụng vài app hỗ trợ điều tiết thời gian truy cập. Ứng dụng như Buffer giúp bạn lên kế hoạch trước và đăng bài với rất ít thời gian cần thiết trên Instagram. Hay
Freedom sẽ bắt đầu can thiệp khi bạn đã dành quá nhiều thời gian cho bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội cụ thể nào.

Đừng để những thói quen xấu bào rút thời gian của chính mình.


Chất lượng hơn số lượng

Khi nghĩ về lượt thích, một vài tương tác còn đáng giá hơn con số vài trăm nếu sự tương tác đó đến từ đúng người.


Tách biệt giữa công việc và đời tư


Một thực tế mà các họa sĩ minh họa không nên bỏ qua là khách hàng vẫn luôn xem Instagram.

Hồ sơ ở đấy về cơ bản đã trở thành một phần mở rộng của portfolio trực tuyến. Nếu tôi tìm thấy một họa sĩ minh họa mà mình thích trên mạng, ngay sau khi tôi đã hoàn thành việc xem trang web của họ, tôi sẽ đi thẳng đến trang Instagram của họ. Tại sao? Bởi vì tôi muốn xem tác phẩm mới nhất và cảm nhận về những gì họ làm gần đây.

Đây là lý do tại sao việc giữ mọi thứ chuyên nghiệp trên tài khoản Instagram rất quan trọng.

Các bài đăng về buổi tiệc đêm muộn vào cuối tuần hay những bức ảnh chụp nhanh về kỳ nghỉ riêng đều rất tuyệt vời, nhưng bạn có muốn chúng xen kẽ với portfolio của mình? Hẳn là sẽ luôn có chốn để đăng tải vài điều khác lạ và cảm hứng thị giác xung quanh công việc của chính bạn. Điều ấy cung cấp một cái nhìn hữu ích cho các khách hàng tiềm năng về việc họ sẽ làm việc với ai và nguồn cảm hứng của bạn đến từ đâu, nhưng lời khuyên của tôi sẽ là giữ mọi thứ chuyên nghiệp và có hai hồ sơ riêng biệt – một cho công việc và một để tiêu khiển.

Bằng cách này, bạn có thể duy trì thái độ chuyên nghiệp trên trang làm việc của mình và có thêm phần thưởng cho bản thân khi đăng xuất và rời khỏi công việc bất kể khi nào bạn muốn.


Nhấn vào đây để tải poster của Jordan Metcalf

Minh họa được sáng tạo bởi nhà thiết kế Jordan Metcalf hiện đang sống tại Portland (Mỹ), về cuộc đối thoại xung quanh nỗi lo lắng về thuật toán, lấy cảm hứng từ bài viết của Jon.


Biên tập từ lecture in progress

Cùng tác giả

#Tag

bàn luận thiết kế instagram mạng xã hội nghệ sĩ minh họa thuật toán

iDesign Must-try

Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’
Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’
Như bạn biết về sự hiện hữu của công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa hay lĩnh vực sáng tạo… Ở đó, các lĩnh vực được liên kết chặt…
Những chiếc ghế huyền thoại nhà Eames, qua góc của nhà thiết kế công nghiệp Vjeko
Những chiếc ghế huyền thoại nhà Eames, qua góc của nhà thiết kế công nghiệp Vjeko
Chắc hẳn những chiếc ghế nhà Eames (Eames chair) không hề xa lạ với những ai yêu nội thất. Hai chiếc ghế nổi tiếng Eames Lounge & Ottoman và Shell…
Thổi gió cho tâm hồn, thế giới mộng mơ của KangHee Kim
Thổi gió cho tâm hồn, thế giới mộng mơ của KangHee Kim
Có nét gì đó siêu thực, với độ sáng, sắc độ và đường nét rõ ràng, đó là những bức ảnh của KangHee Kim. KangHee Kim là một nhiếp ảnh…
‘Museum of Lost Memories’: Bảo tàng chuyên lưu giữ hồi ức bị lãng quên
‘Museum of Lost Memories’: Bảo tàng chuyên lưu giữ hồi ức bị lãng quên
Một nơi chốn chứa đựng những đoạn đời mà ta đã trải qua, và rồi vô tình lãng quên sau bao năm cuộc đời trôi chảy. Nếu dạo một vòng…
Studio đứng sau sự nổi tiếng của các logo thương hiệu hàng đầu thế giới
Studio đứng sau sự nổi tiếng của các logo thương hiệu hàng đầu thế giới
Trong thập kỷ trước, rất nhiều công ty mới xuất hiện trên làn sóng công nghệ và xu hướng mới. Một trong số đó thậm chí còn thay thế những…
Mari Kim, một trong những nghệ sĩ Pop Art hàng đầu Hàn Quốc và cơ duyên với 2NE1
Mari Kim, một trong những nghệ sĩ Pop Art hàng đầu Hàn Quốc và cơ duyên với 2NE1
Cùng tìm hiểu về một trong những họa sĩ minh họa hàng đầu tại Hàn Quốc, Mari Kim.