Chuyện người thợ cuối cùng ở phố Lò Rèn Hà Nội

Ở cửa hàng số 26 Lò Rèn, người thợ cả một ngày làm không hết việc, có vật dụng làm hết 5 phút nhưng cũng có những thứ công phu hơn kéo dài tới 3 tiếng. Những hôm trời Hà Nội đổ lửa, hầm hập 40 độ như muốn cắt da cắt thịt, bác vẫn ngồi đó, bên cái bể lò rèn.

“Rủ nhau chơi khắp Long thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:

Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,

Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay”.

… Và còn nhiêu đó những cái tên khác làm nên mảnh đất kinh kì nghìn năm văn hiến. Mặc cho dòng thời gian vẫn cứ thế chảy trôi, ký ức hoài niệm về một thời xưa cũ vẫn nằm lại đâu đó, qua những con người và cả nghề đời mà họ theo. 

Nghề xưa ở phố cổ giờ lẻ bóng, phố vẫn “oằn mình” đương đầu với lịch sử chứng minh sức sống vô tận nhưng ngày qua ngày, người ta thấy nhiều thứ đang mai một dần. 

Ngày ấy, dọc khắp phố Lò Rèn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) dài chừng 130 mét nhà nào cũng có bể lò rèn “phì phò hoạt động” đỏ lửa, sáng rực, tiếng quai búa không ngừng vang inh ỏi. Đấy là đặc trưng ở “mảnh đất” cơ khí này. Đúng như tên gọi nguyên bản trong tiếng Pháp: Rue des Forgerons, nơi đây đánh dấu lãnh thổ của những người thợ rèn. 

Ngày nay, phố vẫn ồn ào huyên náo nhộn nhịp, vẫn có cái thứ tiếng inh tai ấy nhưng là của máy khoan, máy cắt. Như một quy luật loại trừ khắc nghiệt, các lò rèn biến mất, thay vào đó là các tiệm hàn xì, cửa hàng quần áo, mỹ phẩm. Người lao động xưa – họ không bỏ nghề, chỉ đơn giản là đời người đang cố hòa mình vào nhịp sống càng ngày càng hiện đại. 

Không nằm trong số đông những người “dứt áo ra đi” với nghề rèn, có một người đàn ông ngày đêm vẫn vững tay quai búa, thắp lửa bể lò rèn mỗi ngày. Ông là Nguyễn Phương Hùng (58 tuổi) – người mải miết giữ hồn nghề xưa giữa lòng phố cổ đã chục năm nay. “Đời tôi còn ngồi đây thì còn tâm huyết với nghề. Trừ khi tôi mất đi, còn không sẽ không được để nghề mai một, để phố vẫn còn đúng tên tuổi, phố Lò Rèn”.

Bác Nguyễn Phương Hùng.

Người thợ rèn cuối cùng dù trời nóng 40 độ C vẫn quyết bám bể lò rèn

Nằm ở số 26 phố Lò Rèn, bể lò rèn của bác Hùng luôn đỏ lửa không quản ngày đêm. Bác bảo không có giờ mở cửa cố định, không nhất thiết theo giờ giấc cứ khi nào thích thì bác sẽ mở thôi, có thể là 7h sáng, 10h sáng, thậm chí là 10h đêm. “Lãnh địa” của người đàn ông 58 tuổi chỉ vỏn vẹn có vài mét vuông ngay mặt đường, nằm nép bên ngã tư Hàng Đồng – Lò Rèn tấp nập người qua kẻ lại.

Nói về nghề rèn một cách đầy tự hào, bác Hùng kể mình là đời thứ 3 trong gia đình theo nghề truyền thống, cũng vì đam mê và niềm yêu thích, bác vẫn quyết giữ một phần vẻ đẹp muôn năm cũ này. 

Cửa tiệm nhỏ xinh của bác Hùng tại số 26 Lò Rèn.

“Ông nội truyền lại cho bố rồi bố nhờ có cái bể rèn mà nuôi 7 anh em bác ăn học. Đến bác đã là đời thứ 3 rồi. Dù trước đây khi còn trẻ cũng thử nhiều việc làm khác nhau nhưng khi quay về bố cho nửa cái nhà, gửi gắm và mong muốn thế hệ sau gắn bó đời ông đời bố”, bác Hùng tâm sự.  

Kể về những năm tháng tuổi trẻ, người thợ rèn bắt đầu mày mò học nghề từ năm lớp 4. Năm 1978, bác Hùng theo học trường trung cấp cơ khí ô tô Hà Nội. Đến năm 1992-1993, bác về làm thợ phụ ở tiệm của bố. Tuy nhiên, cậu thanh niên trẻ tuổi lúc đó lại quyết định… bỏ nghề của gia đình để làm các công việc khác như lái xe, hàn xì. 

“Lúc sau bố gọi về bảo: “Còn làm được mà, con quay về trau dồi nghề này đi:. Nên từ năm 2008 bác bắt đầu vào nghề thợ cả, tính đến nay cũng đã gần 10 năm đàng hoàng. Còn nói nếu bắt đầu “dấn thân” thì đã từ thuở bé rồi”.

Công đoạn đầu tiên là mồi lửa.

Bình thường sẽ không có quy tắc nào khi làm ra một sản phẩm cuối cùng, làm rồi quen bàn tay người thợ như người nghệ sĩ vẽ bức họa hoàn chỉnh công phu tự lúc nào. Ở cửa hàng số 26 Lò Rèn, người thợ cả một ngày làm không hết việc, có vật dụng làm hết 5 phút nhưng cũng có những thứ công phu hơn kéo dài tới 3 tiếng. Những hôm trời Hà Nội đổ lửa, hầm hập 40 độ như muốn cắt da cắt thịt, bác vẫn ngồi đó, bên cái bể lò rèn. 

“Nguyên tắc người thợ không có hai từ khó khăn, không bao giờ được tự nghĩ mình nhem nhuốc, không được mặc cảm mà phải thực sự yêu thích. Có khó mới thành công được, mình yêu nghề thì nghề không phụ mình”.

Thanh sắt được đưa vào nung nhanh, xung quanh tia lửa bắn lên tung tóe.

Thời thơ ấu còn chưa hiểu biết, trẻ con ham chơi, bác Hùng nhiều lần bị bố mắng vì những trò nghịch ngợm của “tuổi nông nổi”. Lớp 6, lớp 7 cứ thích là cậu thiếu niên lại ném sắt vào lò cháy xèo xèo như pháo hoa đầy thích thú. Thế là bị ăn đòn! Nhưng khi lớn lên, bác mới hiểu vứt sắt như thế sẽ khiến tắc lò, hơi không lên được. Nụ cười giòn tan của người đàn ông gần 60 tuổi như bừng sáng khi nhớ về những ngày thơ bé như thế, khi mà đến nay ký ức cũng hơn 40 năm rồi.

Tiếng xì xèo và khói bốc lên đúng chất nghề.

“Dù không có ai nối nghề nhưng sống được đến ngày nào bác vẫn sẽ dành cả tâm lực cho nó”

Bác Hùng có 2 người con: 1 trai và 1 gái đều đang học đại học. Anh con trai sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa đã đăng ký học văn bằng 2 ngành xây dựng, còn chị con sau theo học kế toán. Và sự thật không ai có mong muốn theo ngành cha mình. 

Trong tâm trí một người thợ chân chính, họ luôn ao ước sau này những đứa con của mình có thể giữ lại phần nào đó vốn tinh hoa phố nội. Tuy nhiên đã là nghề thủ công thì mai một là quy luật tất yếu. Bác Hùng có thuê nhiều thợ học việc nhưng cũng chỉ được mấy ngày sau họ lại xin nghỉ, không theo nổi. “Thuê người thợ rất khó, thuê rồi nhưng cũng không thành công. Lớp trẻ giờ không ai muốn nối cái nghề này nữa rồi, họ chóng chán chóng bỏ”. 

Bác Hùng nghỉ tay, uống nước cùng anh em bạn bè.

Có bữa anh con trai hỏi: “Bố ơi bố làm nghề này làm gì, làm sửa chữa lái xe không phải oai hơn ạ?”, bác Hùng chỉ cười. Đâu ai biết, được làm nghề rèn tay lăm lăm búa lớn, người đàn ông cảm thấy yêu đời lắm và đầy khỏe khoắn, không phải bon chen quá nhiều mà cuộc sống cũng tươi trẻ hơn. 

Dù lắm khi gia đình có phản đối và mong muốn lấy vị trí đắc địa này mở cửa hàng buôn bán, tư cách người thợ cả không chấp nhận điều này. “Ngày nào còn ngồi đây bác vẫn sẽ tâm huyết, đời con bác không theo thì cũng không phản đối được. Đến nay đã hơn chục năm rồi, từ yêu đã lên một cấp độ tình cảm nào đó không nói lên lời nên bỏ nghề lưng chừng thì thấy có lỗi lắm”. 

Nụ cười tươi của người thợ cả đã gần 60 tuổi.

Bác Hùng buồn vì chưa thể tìm được người nối dõi nghề rèn, thực chất nhìn xa trông rộng, người đàn ông sợ nghề này đến một lúc nào đó sẽ bị khai tử. “Mình không thể kéo được cả đoàn tàu… nên bây giờ còn sống được ngày nào thì vẫn cứ yêu và dành cả tâm lực cho nó đến ngày đó thôi”.

Giữa màu sắc tươi sáng của phố thị, tiếng vọng từ quá khứ ngày đêm vẫn âm ỉ nơi bể lò rèn của người thợ cả đầy kinh nghiệm. Dù nắng dù mưa, những ngày đỏ lửa cũng đã “trơ gan” đi ngược quy luật để tồn tại cho tới tận bây giờ. Với nghề này, người ta không tính từng năm từng tháng nữa mà có lẽ là từng giây, từng phút, được đến đâu hay đến đó!

Dĩ nhiên “Tên phố thì sẽ mãi còn/ Nghề mang tên phố khói sương phải đành… 36 phố phường còn mình bác, bác tự hào về điều này lắm!”…

Bác Hùng cứ luôn miệng nhắc, rằng bác có một tình yêu mãnh liệt với cái nghề vang bóng một thời này.

Nguồn: kenh14

Cùng tác giả

#Tag

hà nội tạo tác thợ rèn truyền thông việt nam

iDesign Must-try

Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đã sử dụng kỹ thuật của mình để làm nổi bật lịch sử văn hóa phong phú của Việt Nam. Thông qua việc chụp…
/ai đi/ Triển Lãm ‘Khoảng Trống’: Khối lập phương Kokology và cách người trẻ lấp đầy chúng
/ai đi/ Triển Lãm ‘Khoảng Trống’: Khối lập phương Kokology và cách người trẻ lấp đầy chúng
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Sau tất cả những gì hỗn độn, đầy ứ, đè nén, bùng nổ, thứ vọng…
Bộ lịch 2022 truyền tải vẻ đẹp làng quê Việt của Nhật Thắng
Bộ lịch 2022 truyền tải vẻ đẹp làng quê Việt của Nhật Thắng
Những ngày Tết đến xuân về thường là dịp để tôn vinh văn hoá truyền thống cũng như hướng về quê hương. Vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam thể…
Nhìn lại những lần Google Doodle tôn vinh văn hoá Việt Nam
Nhìn lại những lần Google Doodle tôn vinh văn hoá Việt Nam
Có thể nói, phở là một niềm tự hào của người dân Việt Nam. Nhưng đây không phải lần đầu tiên tinh hoa nước nhà xuất hiện trên Google Doodle.…
Kim Chi, kiến trúc sư mở thương hiệu thời trang: Không cần phải đi đường thẳng để đến đích
Kim Chi, kiến trúc sư mở thương hiệu thời trang: Không cần phải đi đường thẳng để đến đích
Những năm gần đây đánh dấu sự lên ngôi của các thương hiệu thời trang nội địa, và một thế hệ những nhà thiết kế hay nhà kinh doanh năng…
Căn hộ City Oasis/ KA Studio - Trải nghiệm công trình kết nối thiên nhiên và con người giữa Sài Gòn
Căn hộ City Oasis/ KA Studio - Trải nghiệm công trình kết nối thiên nhiên và con người giữa Sài Gòn
CITY OASIS là căn hộ dịch vụ được thiết kế và xây dựng lại từ một tòa nhà cũ với 27 phòng có diện tích khác nhau (từ 24 -…