10 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt nổi bật nhất năm 2021

Sau một năm 2020 bất thường của lịch sử nhân loại, các nghệ sĩ đã sẵn sàng trở lại guồng quay nghệ thuật khi thế giới bắt đầu “bình thường mới”. Trong khi các vấn đề về xã hội và đại dịch vẫn tạo nên các tác phẩm nghệ thuật xúc động, nhiều nghệ sĩ lại vượt ra khỏi vùng an toàn để khám phá những miền đất khác của sáng tạo. Kết quả là 10 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt không chỉ đẹp nhất năm 2021 mà còn đa dạng trong cách tiếp cận công chúng.

Từ việc sử dụng AI của Refik Anadol hay tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ thiên nhiên của Daniel Popper, mỗi tác phẩm sắp đặt đều mang tiếng nói riêng của các nghệ sĩ. Năm 2021 cũng là sự mong chờ với dự án được vạch định từ lâu của ChristoJeanne-Claude khi bọc Khải Hoàn Môn ở Paris. Ban đầu kế hoạch diễn ra vào năm 2020, nhưng bị trì hoãn bởi đại dịch, công trình sắp đặt ly kỳ này được xem là một sự tưởng nhớ đối với cố nghệ sĩ Christo.

Mất mát và hy vọng cũng là những chủ đề được khai thác mạnh mẽ trong nhiều tác phẩm sắp đặt năm nay. Dù thông điệp là gì đi nữa thì điểm chung của chúng là khả năng tạo ra các tác động tâm lí đối với người xem và khơi dậy cảm xúc một cách đặc biệt. Hãy cùng chúng mình điểm lại 10 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt để xem điều gì khiến chúng trở thành những tác phẩm đẹp nhất năm 2021.


1. Khải Hoàn Môn được “bao bọc” bởi Christo và Jeanne-Claude

Đó là một giấc mơ của bộ đôi nghệ sĩ khi được bọc Khải Hoàn Môn mang tính biểu tượng của Paris trong chất liệu vải đặc trưng của họ. Mặc dù do sự chậm trễ mà tầm nhìn ấy chỉ được quan tâm sau khi cả hai đã qua đời nhưng chắc chắn họ sẽ hạnh phúc với sự tri ân này.

Khải Hoàn Môn được quấn bằng loại vải thân thiện với môi trường, đan kết bởi sắc xanh và những sợi dây thừng màu đỏ. Việc lắp đặt là thành quả của hơn 5 năm làm việc, nghiên cứu không ngừng trước đó của ChristoJeanne-Claude. Trong hơn hai tháng thi công, công chúng đã có thể thưởng thức công trình lung linh và chạm vào tác phẩm nghệ thuật như bộ đôi nghệ sĩ mong muốn.


2. “In America. How Could This Happen…”  bởi Suzanne Brennan Firstenberg

Chắc chắn đây là một trong những sự sắp đặt cảm động nhất của năm, diễn ra tại Quảng trường quốc gia Hoa Kỳ, “In America. How Could This Happen…” (tạm dịch: Tại Mỹ. Làm sao điều này có thể xảy ra…) được tạo ra bởi Suzanne Brennan Firstenberg để tưởng nhớ những người đã mất trong đại dịch Covid-19. Với hơn 670.000 lá cờ trắng rải rác khắp khu vực, mỗi lá cờ là tượng trưng cho một sinh mạng người Mỹ xấu số ra đi.

Tác phẩm sắp đặt này nhanh chóng gây được sự đồng cảm từ công chúng, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật bình thường, đó là nơi để mọi người chia sẻ niềm tiếc thương và bày tỏ lòng thành kính. Firstenberg đã mang đến cho mọi người một “lối thoát” cảm xúc sau khoảng thời gian u ám trong lịch sử thế giới.


3. “SEEINJUSTICE” của Chris Carnabuci hợp tác cùng Confront Art

Nhà điêu khắc Chris Carnabuci đã biến sự nhạy cảm nghệ thuật của mình với vấn đề xã hội năm 2020 – “Black Lives Matter” thành một nghĩa cử lớn lao bằng cách hợp tác với Confront Art để cho ra đời các bức tượng bán thân quy mô lớn của George Floyd, Breonna Taylor và John Lewis. Các tác phẩm trong “SEEINJUSTICE” (tạm dịch: Nhìn nhận công lý) được làm từ 200 lớp gỗ Mahogany Châu Phi cắt lát mỏng và phủ một lớp đồng lấp lánh, chúng được lắp đặt tại Quảng trường Union của Thành phố New York.


4. “I Hope” của Chiharu Shiota

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, nghệ sĩ Nhật Bản Chiharu Shiota muốn truyền cảm hứng tới mọi người nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Để thực hiện điều đó, cô đã thu thập hơn 10.000 chữ cái của mọi người từ khắp nơi trên thế giới và xâu chúng lại với nhau bằng sợi chỉ đỏ. 

Được lắp đặt trong không gian triển lãm tại một nhà thờ cũ ở Berlin, những sợi chỉ treo lơ lửng này đã tạo ra một mạng lưới tinh tế của những bức thư, từ đó khám phá mong ước mọi người về tương lai. Vì không thể mở cửa cho công chúng tham quan trực tiếp, Shiota đã mời các nhạc sĩ và vũ công để thực hiện những buổi biểu diễn tương tác với tác phẩm, sau đó phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội nhằm lan tỏa tinh thần tích cực đến với mọi người.


5. “Những cánh hoa anh đào muối” của Motoi Yamamoto

Đối với triển lãm cá nhân của mình tại Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Setouchi, nghệ sĩ Nhật Bản Motoi Yamamoto đã tạo ra một sự phản ánh sâu sắc về trí nhớ, hồi tưởng và khát vọng về tương lai với hơn 100.000 cánh hoa anh đào rụng được tạo ra từ muối – chất liệu quen thuộc mà Yamamoto thường sử dụng.

Tác phẩm sắp đặt này vừa mang tính thẩm mỹ vừa mang tính biểu tượng vì ở Nhật Bản, muối được xem là “chất gột rửa” từ thời cổ đại. Sự mong manh của tác phẩm được kết nối với ý nghĩa của nó – cuộc sống là phù du và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Một sự sắp đặt phản chiếu hình ảnh tiềm thức mà Yamamoto đã xây dựng, đó là không gian để chiêm nghiệm cuộc sống và ý nghĩa của nó.


6. “Human + Nature” của Daniel Popper

Khi nghệ sĩ Daniel Popper lắp đặt năm tác phẩm điêu khắc hoành tráng của mình tại Vườn ươm Morton cho triển lãm “Con người + Thiên nhiên” của mình, anh đã mang lại một luồng sinh khí mới cho mảnh đất rộng 1.7000 mẫu Anh này. Lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên, Popper đã đưa du khách đến với hành trình về nguồn từ sứ mệnh kết nối con người với cây cối của vườn ươm.

Bằng cách sử dụng các họa tiết tự nhiên, những tác phẩm của anh đã dệt nên câu chuyện về sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người với nhau như thế nào. Đặc biệt nổi bật là UMI, một tác phẩm điêu khắc với hình ảnh người mẹ đang nhẹ nhàng nâng niu, chăm sóc cho người con. Cơ thể của cô ấy hình thành từ những cành cây đan xen vào nhau, qua đó thể hiện suy ngẫm về tình mẫu tử thiêng liêng.

7. “TikTok teamLab Reconnect” bởi teamLab

Được biết đến với những không gian trải nghiệm nhập vai đáng kinh ngạc, lần này teamLab đã đẩy mọi thứ đi xa hơn với một tác phẩm sắp đặt được tạo ra với sự hợp tác cùng TikTok. “TikTok teamLab Reconnect” nâng trải nghiệm thưởng lãm nghệ thuật lên một tầm cao mới bằng cách kết hợp hình thức xông hơi.

Nghe hơi kỳ lạ nhưng đây là một nét văn hóa đại chúng quen thuộc ở Nhật Bản. Được trưng bày tại Tokyo, tác phẩm sắp đặt đã tận dụng lợi thế của “văn hóa tắm hơi” ăn sâu trong người dân nơi đây, du khách được mời vào “trạng thái xông hơi” như một cách làm mới cảm xúc bằng việc di chuyển qua khu vực “tắm hơi” và “tắm lạnh” trước khi tiến vào vào một trong năm môi trường đắm chìm. Sau đó, họ được khuyến khích lặp lại chu trình trên để có trải nghiệm mới trong không gian nghệ thuật tiếp theo.


8. “Quantum Memories” của Refik Anadol

Nghệ sĩ kỹ thuật số Refik Anadol đã sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra những tác phẩm sắp đặt tuyệt vời, vào đầu năm 2021 anh ấy tạo ra một tác phẩm cho NGV Triennial bằng công nghệ AI. Trên thực tế, hơn 200 triệu hình ảnh về thiên nhiên đã được đưa vào để ghép các “Quantum Memories”  (tạm dịch: Ký ức lượng tử) lại với nhau. Kết quả là những video đầy mê hoặc trong một khung hình khổng lồ với chất lượng ba chiều của hình ảnh mà Refik Anadol chia sẻ: “Bằng cách này, AI cho phép tôi tạo ra các tác phẩm bằng bút vẽ tư duy”.


9. “Grow” của Daan Roosegaarde

Nhà thiết kế người Hà Lan Daan Roosegaarde nổi tiếng với những tác phẩm sắp đặt giúp chúng ta tưởng tượng ra một thế giới tốt đẹp hơn và bản sắp đặt “Grow” (tạm dịch: Sinh Sôi) lần này của anh ấy cũng không ngoại lệ. Trong tác phẩm vừa qua, Roosegaarde đã biến cánh đồng tỏi tây rộng 20.000 mét vuông thành một tác phẩm nghệ thuật nhờ đèn LED hai màu xanh và đỏ.

Những ánh sáng này không chỉ mang đến cho cánh đồng một diện mạo của tương lai mà còn khuyến khích sự phát triển của cây trồng. Roosegaarde đã kết hợp “công thức ánh sáng” trong đó, sử dụng các tần số ánh sáng khác nhau để kích hoạt quá trình trao đổi chất của thực vật và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của chúng.


10. “CoExistence” của Elephant Family và The Real Elephant Collective

Khi tổ chức phi lợi nhuận Elephant Family và The Real Elephant Collective hợp tác với nhau trong dự án “CoExistence” (tạm dịch: Chung Sống) để nâng cao nhận thức mọi người về tình trạng sinh tồn của loài voi, họ đã thành công một cách rực rỡ khi đưa 100 tác phẩm điêu khắc với kích thước thật của voi Lantana đi khắp Vương quốc Anh để người dân nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực mà chúng ta đang tác động đến loài vật khổng lồ nhưng hiền lành này.

Các tác phẩm điêu khắc được tạo ra ở Ấn Độ với đôi bàn tay làm thủ công bởi các cộng đồng bản địa và thực hiện chuyến hành trình dài đến Vương quốc Anh. Sau khi đến xứ sở sương mù, chúng đã được trưng bày ở một số địa điểm trước khi chuyển tới London cho một cuộc triển lãm nổi bật ở Công viên Hoàng gia và Quảng trường Berkley. Tất cả số tiền gây quỹ từ tác phẩm được trao lại cho các dự án cấp cơ sở ở Ấn Độ đang hoạt động với mục đích tạo ra môi trường thân thiện cho các loài động vật hoang dã.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

christo Hoàng installation art nghệ thuật sắp đặt nghệ thuật đương đại reflix anadol teamlab

iDesign Must-try

Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
/Maybe bạn nên …Đi!/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ. 1. Triển lãm “Thủy triều cảm…
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Nam June Paik - Cha đẻ của video art và những tiên đoán về tương lai của công nghệ
Trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật, các nghệ sĩ đã không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm nghệ thuật với nhiều hình thức biểu đạt khác nhau với…
Câu chuyện về thiên nhiên và sự biến đổi, câu chuyện của ánh sáng
Câu chuyện về thiên nhiên và sự biến đổi, câu chuyện của ánh sáng
Ẩn mình trong những khu rừng và dọc theo các bở biển, những tác phẩm sắp đặt ánh sáng huyền bí của nghệ sĩ người Na Uy, Rune Guneriussen, dường…
Sàn catwalk ấn tượng của Dior tại Tuần lễ thời trang Paris ngày 28/02
Sàn catwalk ấn tượng của Dior tại Tuần lễ thời trang Paris ngày 28/02
Tại Tuần lễ thời trang Paris vào ngày 28/02 vừa qua, bên cạnh những bộ cánh ấn tượng từ Nhà thiết kế Maria Grazia Chiuri của Dior, giới mộ điệu…
Những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo dựa trên đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc
Những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo dựa trên đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc
Tôn trọng và sử dụng các đặc điểm tự nhiên của vật liệu gốc, những tác phẩm điêu khắc đá của Ito Hirotoshi khiến người xem phải hoài nghi về…