“10 Things I Hate About You”, chế độ nữ quyền những năm 1990 và Shakespear

Ở thời điểm ra mắt, “10 Things I Hate About You” dấy lên làn sóng nữ quyền.

Bộ phim nhắc nhở chúng ta về thời kì mà những cô gái hời hợt, ngây thơ và tầm thường thì được yêu thương, trong khi các cô gái độc lập, có tính cách mạnh mẽ và không chịu khuất phục lại bị cho là điên rồ và không phù hợp chuẩn mực xã hội.

“Chị đến từ hành tinh nào vậy? Hành tinh của mấy đứa thua cuộc hả?”
“Ừ, hành tinh đối lập với hành tinh của mấy đứa thích gây chú ý.”

Tác phẩm của Shakespeare, “The Taming of The Shrew” (Thuần hóa cô nàng đanh đá), được viết vào giữa những năm 1590 và 1592. Bốn thế kỷ sau, hai nhà văn Karen McCullah LutzKirsten Smith cùng nhau tái viết kịch bản và chuyển thể thành bộ phim “10 Things I Hate About You” (10 điều khiến em ghét anh). Mặc dù khác bối cảnh nhưng những chi tiết vẫn hầu như không đổi, chẳng hạn như cách các nhân vật được miêu tả và cảm xúc của họ. Bộ phim dấy lên làn sóng nữ quyền sau phong trào Riot Grrrl*, nhắc nhở chúng ta về thời kì khi những cô gái hời hợt, ngây thơ và tầm thường thì được yêu thương, còn các cô gái độc lập, có tính cách mạnh mẽ và không chịu khuất phục lại bị cho là điên rồ và không phù hợp chuẩn mực xã hội.

*Riot Grrrl: một phong trào nữ quyền ngầm, mang phong cách punk vào đầu những năm 90 ở Washington. Phong trào này là sự kết hợp giữa ý thức nữ quyền, phong cách punk, chính trị và có liên quan đến làn sóng nữ quyền lần thứ 3 (đến nay đã có 5 làn sóng nữ quyền trong lịch sử). 

Điểm tương đồng giữa kịch và phim

Kat Stratford (do Julia Stiles thủ vai) là bản sao của nhân vật Katherina Minola trong tác phẩm của Shakespeare. Cô không bao giờ được coi trọng và thường xuyên bị chế giễu.

Cô nàng cá tính Kat Stratford.

Trong khi Patrick Verona (do Heath Ledger thủ vai) – kế nhiệm của nhân vật Petruchio, là chuẩn mực của mẫu hình nam tính thì được mọi người ngưỡng mộ vì đã thuần hóa được “cô gái đanh đá” và khiến cô yêu mình.

Patrick Verona – Một trong những vai diễn ấn tượng của Heath Ledger.

Trong cả phiên bản kịch và phim, những người cha luôn cố kiểm soát vấn đề tình dục của con gái mình. Nếu trong “The Taming of the Shrew”, nhân vật Baptista không để Bianca kết hôn trừ khi Katherina kết hôn, thì trong “10 Things I Hate About You”, Walter – nhân vật dựa trên Baptista, quyết không cho Bianca hẹn hò trừ khi Kat cũng hẹn hò.

Mặc dù bộ phim diễn ra ở bối cảnh hiện đại, nhưng nó vẫn đúng với các tình tiết của vở kịch trong hầu hết các phần.

“Taming of the Shrew” được đặt bối cảnh tại Padua, Ý. Vở kịch nói về một người cha giám sát hai cô con gái của mình. Người con cả – Katharina, bị khinh thường và quở trách vì tính đanh đá. Trong khi đứa con gái nhỏ – Bianca, được mọi người ngưỡng mộ vì cô đẹp và tính tình khiêm tốn. Bianca có nhiều chàng trai theo đuổi, những kẻ tranh giành cô trong cuộc chiến tình yêu bao gồm ba chàng trai lịch lãm Hortensio, Lucentio và Gremio. Với mục đích giải phóng Bianca khỏi sự kiểm soát của cha cô, Hortensio đã thuyết phục Petruchio – một thanh niên hiền lành ở Verona, kẻ vừa mới trở nên giàu kếch xù nhờ số tiền thừa hưởng từ người cha quá cố đến gặp Baptista hỏi cưới Katharina. Để giành Bianca, Hortensio và Lucentio tiếp tục cải trang thành giáo viên dù không có tí kiến thức nào và thuyết phục Baptista thuê mình làm gia sư cho cô con gái nhỏ của ông.

“Luật số 1, không hẹn hò đến khi tốt nghiệp.”
“Luật số 2, không hẹn hò đến khi tốt nghiệp.”

“10 Things I Hate About You” cũng theo cùng một cốt truyện mặc dù được đặt bối cảnh ở Seattle, Washington. Bộ phim nói về một người cha luôn sợ hãi với vấn đề tình dục của hai cô con gái và luôn nghĩ rằng chúng không thể tự chăm sóc bản thân. Đứa con cả của ông – Kat, ăn to nói lớn, tính tình độc lập và dễ cáu gắt với cả thế giới. Đứa còn lại – Bianca, khá nổi tiếng nhưng lại rất hời hợt. Bianca có nhiều người theo đuổi nhưng cô không thể hẹn hò vì các quy tắc của cha mình. Cô không thể đi chơi trừ khi Kat cũng đi chơi và dĩ nhiên Kat thì không thích ra đường tí nào. Để giải phóng Bianca khỏi sự giám sát của cha mình, mấy gã trai thích cô đã thuê Patrick – một anh chàng có vẻ ngoài nguy hiểm và đáng sợ để đi chơi cùng Kat. Bên cạnh đó, Cameron – cậu bạn trai của Bianca sau này cũng đã tự học tiếng Pháp để trở thành gia sư và giành lấy tình cảm từ cô, y như Lucentio đã làm trong vở kịch.

Hơi thở hiện đại trong “10 Things I Hate About You”

Họa sĩ C.R. Leslie vẽ Cảnh 4, Hồi 3 của vở “The Taming of The Shrew” .

Rất nhiều chi tiết được thay đổi để chuyển thể vở kịch từ thế kỷ 16 của Shakespeare thành một bộ phim phù hợp với khán giả ở thế kỷ 20 và 21. Bỏ qua các quy tắc cổ xưa về hôn nhân cũng như nghịch lý về việc người phụ nữ thoát khỏi kiểm soát của người cha sẽ lại đến người chồng, bộ phim thế kỉ 20 này thay vào đó là hình ảnh người cha luôn lo lắng việc con gái mình sẽ mang thai quá sớm và bị phá hỏng cả cuộc đời. Mặc dù cuối cùng người cha cũng đã từ bỏ tư tưởng này khi cả hai cô con gái của ông đều có bạn trai.

Katherina và Bianca trong trắng đã thực sự được các biên kịch biến đổi để trở nên phù hợp với hiện đại. Sự giận dữ của Katherina vì bị đè nén bởi “những giá trị mang tính gia trưởng và áp bức” trong vở kịch dường như không còn hợp lý ở thời điểm hiện tại, thế nên các nhà biên kịch đã chuyển Kat thành một cô gái bênh vực nữ quyền.

Còn Bianca là hình mẫu một cô gái “dễ thương” ngọt ngào điển hình của nước Mỹ tại thời điểm đó. Đầu phim, Bianca xuất hiện như một kẻ nhạt nhẽo, là kẻ có “cuộc sống bị định hướng bởi người khác” như lời Kat nói. Mục tiêu chính của cô trong cuộc sống là tìm một anh bạn trai đẹp mã để bảo vệ mình và trở thành cô học sinh năm hai duy nhất được mời tham gia đêm dạ tiệc cuối cấp.

Tuy nhiên, cuối cùng cô đã học được cách “dựng hàng rào phòng thủ” khi phát hiện ra vụ cá cược của một trong những chàng trai theo đuổi mình – Joey nhờ bật mí của người bạn thân Chastity. Trái lại, khi Bianca học được cách để độc lập thì Kat lại bắt đầu “gỡ hàng rào phòng thủ” xuống và cho phép bản thân phụ thuộc vào người khác.

Patrick – người theo đuổi duy nhất và cũng là bạn trai của Kat sau này, là một chàng trai bí ẩn, đẹp trai với nhiều lời đồn thổi. Giống như Kat, cậu là kẻ lạc lõng trong trường trung học và thường xuyên gặp rắc rối với những trò hề của mình. Patrick sợ hãi, hay nhìn xuống đất, mang rất nhiều căm ghét trong lòng. Có thể Patrick không như Petruchio trong vở kịch, nhưng cậu và Kat đều là những kẻ bị ruồng bỏ để rồi cuối cùng sự cô độc đó lại mang họ đến với nhau.

Kat Stratford – “cô gái đanh đá” là một kẻ bênh vực nữ quyền chuẩn mực. Dường như không ai có thể lay chuyển suy nghĩ của cô nhưng chính bản thân cô lại tự mâu thuẫn với mình. Kat phê phán xã hội gia trưởng mà cô đang sống, nhưng đồng thời cũng là một nhân vật trong viễn cảnh mà những người đàn ông luôn có được cái họ muốn. Điển hình là việc Bianca cuối cùng cũng hẹn hò với Cameron thay vì Joey, điều này đúng như ước nguyện ban đầu của Cameron. Còn Kat đi đến đêm tiệc dạ hội vì Patrick dù bản thân không thích lắm. Cô cũng cứu Patrick khỏi bị cấm túc bằng cách dùng mỹ nhân kế dụ người giám sát để cậu có cơ hội trốn thoát. Khi Patrick hỏi cô làm thế nào để đánh lạc hướng người giám sát, cô cười và nói: “Em làm ông ấy hoa mắt bằng trí thông minh của em”.

“Em làm ông ấy hoa mắt bằng trí thông minh của em”.

Vậy là cô đã sử dụng cơ thể thay vì bộ não của mình làm chiến thuật nghi binh, cũng như cách mà đa số các cô gái bị xã hộ áp đặt rằng: “giá trị của một người phụ nữ nằm ở ngoại hình”. Kat tha thứ cho Patrick sau khi phát hiện việc anh được trả tiền để đưa cô đi chơi và sau khi anh mua cho cô một cây đàn guitar. Do đó, “chủ nghĩa vật chất” và “cuộc sống bị định hướng bởi người khác” mà cô tuyên bố không thích đã chiến thắng cô. Cuối phim, Kat cũng chỉ có thể đến học ở Sarah Lawrence vì cha cô cuối cùng cũng cho phép.

Tuy nhiên, suy cho cùng, Kat và Bianca là hai nhân vật nữ duy nhất đã trưởng thành và hiểu được giá trị của mình trong bối cảnh bị xoay như chong chóng bởi những cậu trai xung quanh.

Nữ quyền những năm 90 và cách nhìn nhận của xã hội

Một nhân vật bênh vực nữ quyền như Kat lại bị gọi là “cô gái đanh đá” đã làm nổi bật việc xã hội xem thường các phẩm chất như vậy ở người phụ nữ trẻ. Tính “nữ quyền” giúp những người phụ nữ trẻ tin vào sức mạnh và trí thông minh của họ mà không bị phụ thuộc vào ngoại hình. Nó dạy chúng ta phá bỏ các chuẩn mực giới tính và vạch ra con đường mà chúng ta mong muốn cho chính mình, trái với con đường mà xã hội cho rằng chúng ta nên cố gắng đạt được.

Đầu phim, Kat rất độc đáo với hình ảnh một cô gái 18 tuổi, nhắm đến đối tượng khán giả trẻ tuổi. Cô không muốn tốt đẹp bởi đó là những gì mọi người mong đợi. Cô thừa nhận mình là “một kẻ tin chắc rằng mình đúng với những lý do riêng” và tự tin đi trên con đường mình vẽ ra. Kat là một trong số ít những nhân vật nữ thông minh chưa từng có vào cuối thập niên 90, được xem là một trong những giai đoạn hiếm hoi mà lịch sử truyền hình Mỹ có những nữ anh hùng thông minh. 

Daria: “Tôi không thích cười trừ khi có lý do.”

Cùng thời điểm bộ phim được sản xuất, có khá nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng với các nhân vật nữ độc lập mạnh mẽ. Ba trong số đó là: Daria, một bộ phim hoạt hình nhiều tập chiếu trên kênh MTV về một cô nàng thích mỉa mai, ghét xã hội loài người và thường chỉ trích văn hóa nhạc pop những năm cuối thập niên 90; My So-Called Life, với sự tham gia của Clare Danes trong vai Angela, một cô gái 15 tuổi nói về cuộc đời thiếu niên bằng góc nhìn của mình; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Freaks và Geeks đã cho chúng ta Lindsay Weir – cô gái thông minh, sống bất cần và kỳ lạ. Trong khi tất cả các cô gái nói trên đều là những người thông minh thì không ai trong số họ được xem là nữ quyền. Điều này khiến Kat trở thành nhân vật nữ quyền duy nhất được thừa nhận. Do đó cô là người duy nhất phải đối mặt với sự phán xét và chỉ trích từ mọi người trong phim.

“Cậu nghĩ ai mà thèm tham gia cái buổi lễ kết đôi cổ lỗ xỉ đó?”
“Tụi mình phải làm một bản tuyên ngôn.”

Kat xuất hiện trong một hình thái mới của “nữ quyền” sau làn sóng phong trào nữ quyền thứ hai. Cô cũng là đại diện cho một loại nữ quyền mới những năm 90, bắt nguồn từ những người phụ nữ trong tạp chí Bitch, một tạp chí xuất bản năm 1996. Với bài viết “Bitching and Talking/Gazing Back: Feminism as Critical Ready” (Trò chuyện về tạp chí Bitch/ Nhìn về quá khứ: Nữ quyền đang sẵn sàng để vươn lên), tác giả Courtney Bailey đã nói về tạp chí Bitch và ảnh hưởng của nó trong chủ nghĩa nữ quyền những năm 90 bằng cách tập trung vào nghiên cứu nền văn hóa đại chúng. Bailey vạch ra một loại nữ quyền trong thời đại mới đã được chấp nhận bởi văn hóa đại chúng chính thống. Cô nói rằng:

“Giữa những năm 90 đã đánh dấu sự xuất hiện của một hình ảnh khác về nữ quyền trong giới truyền thông chính thống – người phụ nữ độc thân, trẻ trung, có hiểu biết về thời trang và hiểu biết về văn hoá đại chúng. Họ được gọi là ‘cô gái quyền lực’, ‘nữ quyền son môi’, ‘làn sóng thứ ba’ hoặc thậm chí ‘hậu nữ quyền’. Những người phụ nữ này nhận thức rõ các quan niệm gia trưởng về sự nữ tính trong xã hội. Họ sử dụng hiểu biết này để mỉa mai hoặc dùng chúng cho mục đích của mình… Tùy thuộc vào người đối diện, họ sẽ – hoặc là một hình mẫu phản kháng mạnh mẽ – hoặc là đồng lõa với sự gia trưởng và lợi dụng ‘tính nữ’ của mình để đạt được cái mong muốn”.

Biểu tình vì nữ quyền những năm 90.

Kat không phải không thuộc “nữ quyền son môi”, nhưng cô ở trong khoảng thời gian nữ quyền đang mất đi vị thế của nó, cần được thúc đẩy và cần được điều chỉnh lại thành một phiên bản chấp nhận được cho những người phụ nữ đã bắt đầu thôi thắc mắc về vị trí của mình trong xã hội. Hình ảnh của nữ quyền dễ dàng được chấp nhận hơn nhưng lại ít giống với định nghĩa gốc hơn. Đã qua rồi những ngày mà hai tiếng “nữ quyền” gợi lên hình ảnh người phụ nữ đồng tính với tóc tai bù xù, giận dữ và không mặc áo ngực trong tâm trí của khán giả dù sự ám ảnh và kỳ thị dành cho hình ảnh đó vẫn còn.

Sự tức giận này được bộc lộ rõ ràng trong cách mọi người đối xử với Kat suốt bộ phim. Trong thực tế, Kat gần giống với phong trào Riot Grrrl phổ biến vào cuối những năm 90, một phong trào có nguồn gốc từ tiểu bang Washington như trong phim. Phong trào Riot Grrrl đường phố được thể hiện bằng tình yêu nhạc rock, làm đồ DIY (do-it-yourself), các hoạt động chính trị và quyền lợi dành cho nữ quyền – toàn bộ đều là những điều Kat quan tâm.

Kat sống trong giai đoạn mà quyển sách “The Beauty Myth” vô cùng nổi tiếng và giúp phụ nữ giành được nhiều quyền lợi hơn. Đây là một hiện tượng sách được viết bởi Naomi Wolf và được xuất bản như kết quả tất yếu của việc mưu cầu quyền lợi cho phụ nữ trong nhiều năm trước đó. Wolf nói:

“Khi rào cản về pháp lý và vật chất đối với phụ nữ bị phá vỡ, hình ảnh về người phụ nữ hung dữ, nặng nề sẽ ngày càng ám ảnh chúng ta hơn”.

Bìa sách “The Beauty Myth” bản đầu tiên.

“The Beauty Myth” kể về một xã hội gia trưởng đang vật lộn để ngăn cản việc phụ nữ được bình đẳng với đàn ông. Wolf lập luận rằng nếu phụ nữ dành cả đời để theo đuổi những chuẩn mực không thể với tới của vẻ đẹp bên ngoài, họ sẽ không thể có được quyền lợi chính đáng của mình một cách tích cực và chủ động. Wolf tin “The Beauty Myth” là một “phản ứng dữ dội đối với việc chống lại những tiến bộ của phụ nữ bằng cách lợi dụng hình ảnh vẻ đẹp của phái yếu làm vũ khí chính trị”.

Bianca là một ví dụ rõ ràng về những lý tưởng mà “The Beauty Myth” khẳng định. Trong phim cô được yêu mến vô cùng và dành phần lớn thời gian để tìm cách làm cho mọi người yêu mến mình còn Kat thì ngược lại. Tuy nhiên, Kat, cùng với Bianca, Daria, Angela, và Lindsay đều có những nét đẹp chuẩn mực theo cách riêng của họ. Những cô gái mảnh khảnh, trắng không tì vết, xinh xắn, đại diện cho những tiêu chuẩn luôn khiến chúng ta cố gắng và đạt được. Một cách vô tình, họ là đồng lõa trong một hệ thống gây tổn thương và đàn áp những người phụ nữ.

Ảnh hưởng của Shakespeare 

Shakespeare được nhắc đến rất nhiều trong quá trình quảng cáo cho “10 Things I Hate About You” và ông cũng được nhắc đến trực tiếp trong phim. Bộ phim ra đời như một phiên bản hợp thời của “The Taming of the Shrew” với những câu thoại như: “Romeo, ôi Romeo, hãy biến khỏi mắt ta”, cũng như nhiều lời thoại của Lucentio khi nhắc đến đến Bianca trong vở kịch: “Tôi rạo rực, tôi khao khát, tôi chết mất!”.

Đồng thời, Kat cũng nghiên cứu về thơ của Shakespeare trong lớp văn học. Bài thơ cô viết ở phần cuối của phim mang tên “10 Things I Hate About You” được viết lại từ bài thơ số 141 “In faith I do not love thee with mine eyes” (Ta tin rằng ta không yêu người bằng mắt). Và nút thắt cuối cùng là việc người bạn tốt nhất của Kat – Mandella bị ám ảnh và cực kỳ hâm mộ Shakespeare.

Kat và Mandella.

Bộ phim hài hước nhờ chính Shakespeare và cũng dùng Shakespeare như một cách để thu hút khán giả. Trong một bài viết có tựa đề “Shakespeare, phim ảnh và thị trường”, tác giả Russell Jackson có nói về việc những bộ phim liên quan đến Shakespeare đã phát triển như thế nào cũng như việc quảng cáo đã tiến bộ theo đó như thế nào. Với những bộ phim dựa trên kịch Shakespeare, ông nói: “Tôi thể hiện sự tôn trọng các nhà sản xuất và nhà phân phối phim khi họ đã tạo ra một cách truyền tải tốt hơn so với kịch truyền thống”. Việc “10 Things I Hate About You” dựa trên “The Taming of the Shrew” sẽ giúp nó được chú ý bởi những người yêu thích Shakespeare, được nhắc đến khi nói về Shakespeare trong văn hóa đại chúng và rất nhiều lợi ích khác trong việc quảng bá… Nếu không nhờ có Shakespeare, bộ phim chẳng khác gì những phim lãng mạn điển hình thời trung học khác. Shakespeare đã mang đến một chỗ đứng độc đáo và có lẽ là cả một lượng khán giả đông đảo cho bộ phim.

idesign 10 things i hate about you 26
Một số tác phẩm của Shakespeare.

Hầu hết khán giả nồng nhiệt đón nhận nhưng cũng có nhiều nhà phê bình so sánh các nhân vật với vở kịch gốc của Shakespeare. Một số nhân vật khiến họ thất vọng bởi thiếu sáng tạo và đổi mới. Trong một bài bình luận với tiêu đề “Ways to Hate ‘10 Things’/ Silly teen romance smacks of mediocrity” (Cách để ghét “10 thứ”/ Cuộc sống lãng mạn ngớ ngẩn của tuổi teen) do Mick LaSalle viết trên tạp chí San Francisco Chronicles, ông thất vọng vì bộ phim thiếu tính độc đáo. Chỉ trong vài câu, LaSalle đã chỉ ra những thành kiến vẫn hiện diện trong xã hội ngày nay, khi việc phụ nữ bắt nạt người khác lại không được xem là bắt nạt. Việc dùng bạo lực với phụ nữ ngày nay không còn nữa, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều kể từ thời Shakespeare. Bất chấp sự tiến bộ, bình đẳng giới và sự linh hoạt vai trò giới tính là điều không dễ để vượt qua.

Không giống như LaSalle, đa số các nhà phê bình lại rất ủng hộ “10 Things I Hate About You”. Họ ca ngợi nó vì những gương mặt điện ảnh mới và các nhân vật có liên quan trong phim. Bộ phim là một bước đột phá cho dàn diễn viên trẻ, làm tiền đề để họ phát triển hơn.

“10 Things I Hate About You” là một bộ phim nhẹ nhàng mặc dù thực tế ban đầu, nó được làm ra để thách thức chuẩn mực xã hội trong vấn đề giới tính và xu hướng giới tính. Bộ phim sử dụng tốt nguồn tài liệu gốc và nguồn cảm hứng khi liên tục liên hệ tới Shakespeare, cũng như không bám quá sát phiên bản kịch.

Nhưng điều khiến “10 Things I Hate About You” trở nên hay ho nhất là vì bạn hoàn toàn có thể yêu quý bộ phim chỉ vì mối tình đáng yêu của Kat và Patrick mà không cần màn đến những điều phức tạp khác phải không nào?

Tác giả: Rabha Ashry
Dịch giả: Thảo Tăng
Nguồn: globalshakespeareessay

Đọc toàn bộ series “Tua Phim” tại đây

Cùng tác giả

#Tag

10 Things I Hate About You chế độ nữ quyền Daria Heath Ledger phân tích phim phim ảnh phim kinh điển review phim Riot Grrrl Shakespeare The Beauty Myth The Taming of The Shrew tua phim

iDesign Must-try

Những đặc sắc nghệ thuật trong ‘Tro Tàn Rực Rỡ’ - phim Việt tranh giải Liên Hoan Phim Quốc Tế Tokyo
Những đặc sắc nghệ thuật trong ‘Tro Tàn Rực Rỡ’ - phim Việt tranh giải Liên Hoan Phim Quốc Tế Tokyo
Vừa qua, tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Tokyo (TIFF) lần thứ 35, lần đầu tiên, “Tro Tàn Rực Rỡ” – một bộ phim điện ảnh của Việt Nam được…
Phía sau những khung hình nên thơ như tranh vẽ của phim hoạt hình Luca (Pixar)
Phía sau những khung hình nên thơ như tranh vẽ của phim hoạt hình Luca (Pixar)
Trong khi hầu hết các phim hoạt hình cố gắng mang lại vẻ ngoài chân thực cho các nhân vật và bối cảnh, mục tiêu của những người đứng sau…
Loạt phim ngắn nêu bật thực trạng vô gia cư trong thời đại Covid
Loạt phim ngắn nêu bật thực trạng vô gia cư trong thời đại Covid
Isy và Leigh Anderson là một cặp đôi làm việc ở Manchester với cái tên “Photography by Anderson.” Bộ đôi từng đoạt giải thưởng chuyên về chụp ảnh chân dung…
Những điều cần biết về liên hoan phim Cannes 2021 trước ngày khai màn
Những điều cần biết về liên hoan phim Cannes 2021 trước ngày khai màn
Sau khi liên hoan phim năm 2020 bị huỷ bỏ vì đại dịch, ngày hội điện ảnh sẽ trở lại vào tháng 7 này tại Cannes. Hãy cùng tìm hiểu…
‘Tàn Thể: Tiền truyện’ - Đấng tối cao hay phần tăm tối của loài người?
‘Tàn Thể: Tiền truyện’ - Đấng tối cao hay phần tăm tối của loài người?
Tàn Thể: Tiền truyện là phim hoạt hình ngắn được DeeDee Annimation Studio phát hành vào đầu năm 2019. Tàn thể được giới thiệu với tham vọng thiết lập một…
The Devil Wears Prada tròn 15 tuổi: Khám phá 15 bộ phim tiêu biểu về giới thời trang
The Devil Wears Prada tròn 15 tuổi: Khám phá 15 bộ phim tiêu biểu về giới thời trang
Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua từ ngày The Devil Wears Prada ra mắt và trở thành tượng đài của những bộ phim mang đề tài thời trang. Hãy…