7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế: Màu sắc

Màu sắc là yếu tố thị giác tạo ra hiệu ứng mạnh nhất tới cảm xúc của chúng ta. Chúng ta sử dụng màu sắc để tạo ra tâm trạng hay bầu không khí cho một tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm thiết kế. Có rất nhiều cách tiếp cận đối với việc sử dụng màu sắc, hữu dụng cho nghệ sĩ và đặc biệt cần thiết với nhà thiết kế.

Màu sắc như ánh sáng

Đèn đường (Street Light) (1909) của Giacomo Balla, sơn dầu trên toan

Màu sắc là thứ cảm nhận được các bước sóng ánh sáng khác nhau kích thích trong não của chúng ta. Một bước sóng sẽ kích thích nhận thức của ta về màu đỏ, sóng khác thì màu cam, màu vàng, v.v. qua tất cả các màu của quang phổ.

Đèn đường của Giacomo Balla là một ấn tượng đầy chất thơ tái hiện những thuộc tính vật lý của ánh sáng. Ở tâm của tác phẩm là một bóng đèn cháy với một luồng nhiệt trắng trong bóng tối của buổi đêm. Sự phát sáng bức xạ của nó hoà tan vào các sóng đồng tâm, mỗi sóng giảm dần cường độ và thay đổi màu sắc gợi ra các bước sóng khác nhau của quang phổ.

Balla là một nhà Vị lai Ý, người tôn vinh sự hiện đại của cuộc sống thành thị. Ông vẽ bức Đèn đường vào thời điểm đèn điện lần đầu xuất hiện trên đường phố của Rome. Đây là một sự ăn mừng Vị lai với sức mạnh của công nghệ như là một biểu tượng của thời đại mới. Ánh sáng thậm chí còn sáng hơn chính tự nhiên khi vầng hào quang của mặt trăng lưỡi liềm chật vật cạnh tranh với sự chói sáng của đèn điện. Kỹ thuật vẽ mà Balla sử dụng có nguồn gốc từ Điểm chấm, một cách tiếp cận khoa học hơn trong phân tích màu sắc, và như vậy tạo nên một cuộc hôn nhân hoàn hảo giữa chủ thể và cách thực hiện nó.

Vương quốc ánh sáng (Empire of Light) (1954) của René Magritte, sơn dầu trên toan

Vương quốc ánh sáng của René Magritte là một hình ảnh thơ ngây về sự tĩnh lặng ở vùng ngoại ô với một chút rẽ ngã về hướng siêu thực: khung cảnh được đặt vào lúc nửa đêm nhưng bầu trời rõ ràng là đứng lại vào giữa trưa. Hình ảnh mang tính lật đổ này kết hợp một mâu thuẫn giữa các thế đối lập vào cấu trúc thống nhất của nó: ngày gặp đêm, tối gặp sáng, và thực tại gặp trí tưởng tượng. Kỹ thuật đầy thuyết phục mà người nghệ sĩ sử dụng để vẽ bức tranh đưa người xem tham gia vào việc tìm kiếm bất khả thi cho một ý nghĩa hợp lý, từ đó lôi kéo họ vào địa hạt phi lý của chủ nghĩa Siêu thực.

Màu sắc như sắc độ

Hồ Lucerne (Lake Lucerne) (1930) của Emile Nolde, màu nước trên giấy da bê 

Màu sắc kịch tính kết hợp với kỹ thuật vẽ đầy sức sống là những yếu tố quan trọng của chủ nghĩa Biểu hiện trong nghệ thuật. Hội hoạ Biểu hiện thiên về việc sử dụng màu sắc và các phẩm chất vật lý của phương tiện nghệ thuật để thể hiện cảm xúc của tác giả về chủ đề hơn là đơn thuần mô tả nó theo kiểu tự nhiên.

Hồ Lucerne của Emil Nolde là một ví dụ cổ điển về kỹ thuật vẽ tranh theo chủ nghĩa Biểu hiện. Nó được vẽ từ trí nhớ nhiều hơn là từ quan sát thực tế, sử dụng tính linh hoạt tự nhiên của màu nước để phản ánh tâm trạng thay đổi của phong cảnh. Đầu tiên Nolde ngâm giấy của mình, trong trường hợp này là giấy da bê, trong nước. Sau đó, ông dựng nên hình dạng của những ngọn núi bằng các lớp màu xanh với sắc độ khác nhau, cường độ cao hơn ở tiền cảnh và nhạt dần về phía hậu cảnh. Điều này tạo ra một ấn tượng về phối cảnh trên không khi các sắc độ màu đều có vẻ như mờ dần vào cảnh vật ở xa. Ông tiếp tục sử dụng kỹ thuật ‘ướt trên ướt’ để tạo dựng nên các lớp phù du của mây và những hình phản chiếu dạng nước trên mặt hồ. Cuối cùng, ông đưa một đốm vàng loang vào bề mặt ẩm để tạo ra vầng sáng của mặt trời mà rồi ông lặp lại trên mặt hồ ở dạng phản chiếu của nó.

Emil Nolde nhận xét về chính kỹ thuật màu nước của mình “Tôi luôn muốn vẽ để tôi, người hoạ sĩ, trở thành một phương tiện mà qua đó màu sắc tự tạo ra sự phát triển lý lẽ của riêng chúng theo cùng một cách thiên nhiên tạo ra tác phẩm của mình… Đôi khi, tôi cảm thấy như thể bản thân tôi không thể làm gì, mà thiên nhiên đi vào trong và qua tôi mà có thể làm được rất nhiều điều.

Màu sắc như hoạ tiết

Đàn vĩ cầm và bàn cờ (Violin and Checkerboard) (1913) của Juan Gris, sơn dầu trên toan

Trong trường phái Lập thể, nghệ sĩ lựa chọn các đặc điểm thiết yếu từ các góc nhìn khác nhau của chủ thể và tái tạo chúng như một bố cục trừu tượng. Ở giai đoạn phác thảo cho một bức hoạ Lập thể, người nghệ sĩ thường phải đối mặt với một cấu trúc khó hiểu của các đường nét và hình dạng mà sau đó họ sẽ đưa vào các mô típ của màu sắc, sắc độ, và cấu trúc như một nỗ lực để tổ chức sự sắp xếp không gian của bố cục.

Trong Violon và bàn cờ của Juan Gris, nghệ sĩ gán những màu sắc khác nhau cho các hình dạng cụ thể để tạo ra một mô típ bất đối xứng của các hình khối sắp xếp quanh miếng vải trắng ở trung tâm của bức tranh. Mô típ của màu sắc này dẫn dắt mắt người xem chuyển động theo chiều kim đồng hồ xung quanh hình ảnh. Màu sắc được phân bố theo một mô típ bất thường, không đều, thường được sử dụng như một yếu tố thống nhất bố cục của một tác phẩm.

Màu sắc như hình khối

Chân dung Matisse (Portrait of Matisse) (1905) của André Derain, sơn dầu trên toan

Để tạo ra ảo giác về hình khối trong một tác phẩm hội hoạ, theo truyền thống, các nghệ sĩ thêm vào các sắc tố sáng hơn hoặc tối hơn vào màu sắc chính của một vật thể để kết xuất những hiệu ứng tự nhiên của ánh sáng và bóng đổ. Nhược điểm chính của kỹ thuật này là phần lớn cường độ của màu gốc đã bị hy sinh khi nó được pha trộn với phần sáng và phần tối. Những nhà Ấn tượng đã đưa ra một cách tiếp cận khoa học hơn cho việc phân tích màu sắc để cố gắng giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, các nhà Hậu Ấn tượng bắt đầu sử dụng màu sắc một cách có cấu trúc (Paul Cézanne và Georges Seurat) và biểu tượng (Gauguin và Van Gogh).

Một nhóm nghệ sĩ cảm thấy nhàm chán với tất cả các cách tiếp cận theo chủ nghĩa tự nhiên, cấu trúc, và biểu tượng với việc sử dụng màu sắc trong hội hoạ là Les Fauves (Những con Dã thú). Họ đơn giản là muốn sử dụng màu sắc mà nói lên cái tinh thần, tôn vinh sức sống và khía cạnh dễ chịu của màu sắc.

Dã thú là một phong cách hội hoạ được phát triển vào đầu thế kỷ 20 bởi Henri Matisse và André Derain. Nhóm Dã thú đánh giá cao màu sắc mạnh mẽ bởi tác động cảm xúc hơn là khả năng kết xuất hình khối của nó. Họ sử dụng màu sắc ở mức độ cao nhất với một lối vẽ đơn giản để biểu hiện cảm xúc của tác giả về đối tượng.

Trong bức tranh phía trên, Derain minh chứng cường độ của màu sắc Dã thú có thể được sử dụng như thế nào để thay thế kỹ thuật kết xuất hình thức truyền thống bằng ánh sáng và bóng đổ. Đầu tiên, ông đơn giản hoá bức vẽ phác chân dung Matisse thành các mặt phẳng góc cạnh. Sau đó, ông chọn các màu sắc mà cân bằng một cách tinh vi, giữ lại sự tôn trọng với một số giá trị sắc độ của chúng nhưng tăng cường cao độ của chúng tới mức cao nhất. Cuối cùng, màu sắc được đưa vào tranh bằng cọ pháp tạo ra các phiến màu và không có bất cứ sự pha trộn màu tinh tế nào. Màu sắc và hình dạng giờ đây cùng tồn tại bình đẳng trong tranh, vừa mang tính biểu cảm và mang tính miêu tả trong bức Chân dung Matisse đầy hứng khởi này.

Màu sắc như sự hài hoà

Những vũ công xanh (Blue Dancers) (1899) của Edgar Degas, phấn màu

Sự hài hoà là sự tương thích, cân bằng, hoặc tăng tiến của các yếu tố tương tự nhau. Những vũ công xanh của Edgar Degas là một bức tranh màu phấn được bố cục cẩn thận, minh hoạ cho sự hài hoà của màu sắc cũng như của một số yếu tố thị giác khác:

  • Hình dạng của toan vẽ là hình vuông trong khi chuyển động quay của các nhân vật được cấu thành trong một dạng hình thoi tạo ra một sự hài hoà của các hình dạng vuông vắn.
  • Các đường diềm trang trí quanh thân váy tạo ra một sự hài hoà tinh tế của các đường cong.
  • Các góc nhọn của cánh tay, khuỷu tay, cổ tay tạo ra một sự hài hoà nhịp nhàng.
  • Màu đất son ấm của phần hậu cảnh đáng phải xung đột với những chiếc váy màu xanh lam ở tiền cảnh bởi vì chúng là màu đối lập. Tuy nhiên, Degas đã hoà giải sự đối lập này bằng một sự hài hoà thông minh. Ông quét những vệt xanh lên trên màu đất son để tạo ra cân bằng đối kháng với lớp màu son lấp ló dưới những chiếc váy màu xanh. Điều này làm hài hòa tiền và hậu cảnh nhưng vẫn giữ được đủ mức độ tương phản để kích thích sự quan tâm của người xem.

Màu sắc như là sự tương phản

Đám cháy những ngôi nhà của các lãnh chúa và thường dân (The Burning of the Houses of Lords and Commons) (1835) của Joseph Mallord William Turner, sơn dầu trên toan

Chỉ rất ít họa sĩ trong lịch sử nghệ thuật nắm bắt được cường độ ánh sáng và năng lượng tốt hơn Joseph Mallord William Turner. Trong phiên bản đầu tiên của hai phiên bản bức Đám cháy những ngôi nhà của các lãnh chúa và thường dân (1835), các yếu tố thị giác của bức tranh được thúc đẩy bởi sự va chạm các yếu tố kinh điển là đất, khí, lửa, và nước.

Nghệ sĩ đã tận mắt chứng kiến sự kiện này từ trong đám đông hàng nghìn người xếp hàng dọc bờ nam sông Thames, cũng như từ một chiếc thuyền mà ông thuê để đến gần hiện trường hơn. Ông đã tạo ra một loạt các phác thảo nhanh bằng màu nước về đám cháy nhưng có một số tranh cãi rằng liệu chúng có được vẽ ở địa điểm này không.

Bố cục của tác phẩm được chia làm bốn phần, mỗi phần chứa đựng một trong bốn yếu tố kinh điển (theo chiều kim đồng hồ, từ phía trên bên trái: lửa, khí, đất, nước). 

Phía bên trái, màu cam và màu vàng rực của những tòa nhà đang cháy được thiết lập để đối lập với màu lam và màu tím tử đinh hương lạnh của bầu trời. Những màu nóng của ngọn lửa và hình ảnh phản chiếu của chúng (lửa và nước) được tăng cường bởi những màu lạnh của bầu trời và cây cầu (đất và khí). Một độ căng tương tự được thiết lập bởi sự tương phản sắc độ của đám đông màu tối trước dòng sông màu sáng mà được cân bằng bằng đối kháng bởi đá sa thạch sáng của cầu Westminster trước bầu trời ngả tối. Bức tranh này là một cách sắp xếp tương phản khéo léo giữa các màu sắc, sắc độ, và các yếu tố cổ điển đối lập mà Turner tạo ra để nâng cao tác động của từng yếu tố.

Màu sắc như là chuyển động

Vonal KSZ (1968) của Victor Vasarely, bản in lưới

Khi bạn nhìn vào một tác phẩm trừu tượng, não của bạn theo bản năng sẽ tìm kiếm dấu hiệu của nhịp điệu và trật tự trong nỗ lực tạo ra một cảm quan về không gian của hình ảnh. Victor Vasarely tận dụng xung lực này để tạo ra ấn tượng về chuyển động bằng cách kết hợp các ô vuông chia độ và các màu liên tiếp. Chúng dẫn mắt đi vào và xuyên qua hình ảnh với gia tốc khi tăng khi giảm. Những hình vuông, từ lớn đến nhỏ, được căn chỉnh trên cùng một trục ngang nhưng lại so le theo trục dọc để tạo ra ảo giác về một đường hầm mà phối cảnh gây chóng mặt mở ra khi chúng đi về điểm biến mất ở trung tâm.

Tách các tiến trình màu trong Vonal KSZ (1968), bản in lưới

Các hình vuông lùi lại trong hình ảnh này tạo thành hình dạng của chuyển động trong khi sự tiến triển của màu sắc quyết định tốc độ của nó. Trong hình minh hoạ này, các chuỗi màu thay thế đã được tách ra để bạn nhìn thấy mối quan hệ của chúng một cách rõ ràng hơn. Giờ bạn có thể phân biệt thang sắc độ của chúng khi một chuỗi chuyển từ tối qua sáng và về tối, trong khi chuỗi còn lại đi từ sáng qua tối và về sáng. Những sự tương phản thay đổi của những chuỗi này tạo ra một sự thay đổi đối kháng (counterchange) của sắc độ và màu sắc tạo ra chuyến tàu lượn võng mạc tên là Vonal KSZ.

Màu sắc như biểu tượng

Những người ăn khoai tây (The Potato Eaters) (1885) của Vincent van Gogh, sơn dầu trên toan

Những người ăn khoai tây của Vincent Van Gogh là kiệt tác từ thời kỳ đầu sự nghiệp trước khi ông chuyển tới sống ở Paris vào năm 1886. Nó khắc hoạ một gia đình nông dân Hà Lan nghèo khổ đang ngồi quanh bàn chia sẻ bữa ăn tối đạm bạc của họ. Họ là những người lao động nông nghiệp và những màu xanh và nâu đất mà Van Gogh dùng là biểu tượng cho sự gần gũi và phụ thuộc vào đất đai để sinh tồn của họ. Có một sự thống nhất về màu sắc và kết cấu giữa những bàn tay, khuôn mặt của những người nông dân và khoai tây cùng cà phê mà họ đang chia nhau. Sắc độ u tối của tác phẩm phản ánh một cách đồng cảm về sự tồn tại khiêm nhường của các đối tượng và sự tôn trọng của người nghệ sĩ đối với phẩm giá thầm lặng trong lao động của họ.

Màu sắc như tâm trạng – Niềm vui

Hoa hướng dương (Sunflowers) (1888) của Vincent van Gogh, sơn dầu trên toan

Đối với Van Gogh, màu vàng là màu của niềm vui và tình bạn. Ông đã vẽ một sê-ri gồm ít nhất bảy bức tranh về hoa hướng dương để trang trí những căn phòng trong ‘Ngôi nhà vàng’ của ông. Những bức tranh này được hình thành như một lời chào mừng người bạn và đồng nghiệp hoạ sĩ của ông là Paul Gauguin mà ông đã mơ ước cùng nhau dựng nên một ‘Xưởng vẽ phía Nam’ tại Arles ở miền Nam nước Pháp.

Trái ngược với tâm trạng u ám của Những người ăn khoai tây, Hoa hướng dương là một trong những bức tranh vui tươi nhất trong lịch sử nghệ thuật. Mặc dù, thực tế, tác phẩm vọng lại những đối tượng Vanitas của tĩnh vật thế kỷ 17 tại Hà Lan, vì một số bông hoa đã chuyển sang trạng thái héo úa, nhưng nó vẫn toả sáng với ánh hào quang vượt lên bất kỳ dấu hiệu nào của sầu ai.

Bố cục của tác phẩm tự thân là đơn giản: mười lăm bông hoa hướng dương cắm trong một cái bình trên bàn; chúng được sắp xếp đối xứng và lấp đầy tấm toan; lọ hoa, hoa, bàn, và hậu cảnh đều được chủ đạo bằng màu vàng và không đổ bóng. Chính sự không phức tạp cả ở trong cách vẽ và cách bố cục của tác phẩm đã giải phóng màu sắc để nó giao tiếp với khán giả ở một cường độ lớn hơn mong đợi. Những bông Hoa hướng dương thực sự toả ra màu sắc thay vì sử dụng nó như một yếu tố miêu tả vật thể.

Đây là một hình ảnh then chốt trong sự phát triển của hội hoạ hiện đại và là nền tảng cho cả Dã thú và Biểu hiện trong ý niệm cấp tiến của nó. Van Gogh đã có những lý thuyết cách mạng về màu sắc. Ông đã thả nó khỏi vai trò miêu tả trong việc bắt chước thiên nhiên và cho phép nó thể hiện cảm xúc của mình: “Bởi vì thay bằng cố gắng tái tạo chính xác những gì tôi nhìn thấy trước mắt, tôi sử dụng màu sắc một cách tuỳ tiện hơn để thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ.

Màu sắc như tâm trạng – Nỗi buồn

Người nhạc công ghi-ta già (The Old Guitarist) (1903-04) của Pablo Picasso, sơn dầu trên ván

Chúng ta thường sử dụng ngôn ngữ của màu sắc để miêu tả cảm xúc của mình. Chúng ta nói về ‘đỏ’ với cơn thịnh nộ và ‘lục’ với sự ghen tuông. Nếu chúng ta cảm thấy dễ chịu, chúng ở trong màu ‘hồng’, và khi buồn là chúng ta có màu ‘lam’ (got the blues). Khi Pablo Picasso vẽ Người nhạc công ghi-ta già, chắc chắn là ông đang chịu đựng bởi nỗi buồn/màu lam. Trên thực tế, phần lớn tác phẩm trong khoảng 1901-04 giờ đây được gọi là Thời kỳ lam của ông.

Vào năm 1901, Picasso rơi vào tình trạng trầm cảm nặng sau vụ tự tử của người bạn thân của ông là Carlos Casagemas. Tác phẩm của ông sau đó phản ánh trạng thái tâm lý u uất trong cả chủ đề lẫn màu sắc ông dùng để vẽ. Một triệu chứng trầm cảm mà có lẽ là ông đã bước vào giai đoạn sống xa lánh xã hội. Hậu quả của việc này là ông đồng nhất mình với những người mà xã hội đày ải – người nghèo, người cô đơn, kẻ bệnh tật, kẻ lang thang cơ nhỡ trên đường phố – và họ trở thành đối tượng cho tác phẩm của ông. Ông sẽ vẽ lên những hình tượng nhân vật bi ai chủ yếu với tông màu xanh lam để làm tăng tâm trạng u sầu.

Người nhạc công ghi-ta già là một tác phẩm lớn minh hoạ những yếu tố chính trong Thời kỳ lam của Picasso. Có một sự tập trung rõ nét vào tính người của ông lão có vóc dáng tiều tuỵ và vặn vẹo, không chỉ thể hiện nỗi xót xa trước thân phận cơ cực mà còn là cảm xúc day dứt của chính người nghệ sĩ. Đây là một hình ảnh vượt thời gian với phong cách kết hợp giữa quá khứ và hiện tại. Nó mang ơn chủ nghĩa Kiểu cách tra tấn của nghệ sĩ thế kỷ 16 El Greco cũng như thẩm thấu nội tâm đương thời của chủ nghĩa Biểu hiện. Việc Picasso sử dụng màu xanh lam làm màu tương ứng với nỗi buồn được đáp trả bằng sắc độ dễ chịu của cây ghi-ta màu nâu. Sắc độ có hồn đó là nốt nhạc an ủi duy nhất trong hình ảnh bi thảm này.

Màu sắc như tâm trạng – Yên bình

Đảo ở hồ Attersee (Isle on Lake Attersee) (1902) của Gustav Klimt, sơn dầu trên toan

Gustav Klimt được biết tới với những bức tranh mang những ngụ ngôn gợi cảm và chân dung xã hội của những người phụ nữ đẹp, tất cả đều trang trí lộng lẫy với sự kết hợp giữa tượng hình và trừu tượng. Ông luôn luôn là một người nghiện công việc và ý tưởng của ông về một kỳ nghỉ yên bình là việc ông vẽ một chủ đề khác bình thường. Trong vòng 16 năm (1900-16), ông tham quan Salzkammergut, một vùng đẹp như tranh với rừng, núi, và hồ trên núi – nơi ông vẽ tranh phong cảnh như một hình thức thư giãn. Những tác phẩm này hầu như luôn có hình vuông vì ông sử dụng một kính ngắm nhỏ bằng ngà vui để đóng khung khung cảnh. Do đó, bố cục của những bức tranh này phẳng và mang tính hoa văn bởi ông sẽ ‘cắt xén’ hình ảnh xung quanh hoặc ngay dưới đường chân trời, do đó là mất đi tác dụng thông thường của phối cảnh. Điều này cho phép nghệ sĩ tập trung vào mối quan hệ trừu tượng của màu sắc, hình dạng, mô típ lặp, và kết cấu bề mặt của những khu rừng và ven hồ.

Bức Đảo ở hồ Attersee có nhiều đặc điểm của phong cảnh mùa hè kiểu Klimt. Hòn đảo và chân trời của nó ở trên cùng hoạt động như một bản lề hướng sự chú ý của người xem xuống bề mặt phản chiếu của hồ. Ít có sự theo đuổi yên bình nào hơn là ngồi ven hồ ngắm nhìn những tia sáng và màu sắc lấp lánh trên mặt nước. Klimt truyền tải cảm giác thư thái và mãn nguyện yên bình đó theo cách mà ông tập trung sự chú ý của mình vào quang phổ Ấn tượng của màu xanh ngọc và xanh lam nhẹ nhàng hoà vào những làn sóng ánh nắng vàng dịu nhẹ.

Màu sắc như tâm trạng – Lo âu

Tiếng thét (The Scream) (1893) của Edvard Munch; sơn dầu, màu keo và màu phấn trên bìa cứng

Tiếng thét của Edvard Munch đã đi vào tâm thức công chúng như một biểu tượng của sự lo âu. Tất cả các yếu tố của nó kết hợp lại để tạo thành một hình ảnh của sự diệt vong sắp xảy ra, một cuộc tấn công hoảng loạn của màu sắc và hình dạng. Hai màu sắc chính của bức tranh là cam và xanh lam, một sự tương phản mạnh mẽ giữa các cực của quang phổ, đảm bảo tạo nên một mối quan hệ căng thẳng. Trạng thái lo âu của chứng sợ khoảng trống (agoraphobia) được tạo ra bởi góc nhìn mở rộng của cây cầu và những làn sóng âm thanh ám ảnh vang vọng xung quanh con vịnh hẹp. Một cái nhìn thoáng làm nhộn nhạo dạ dày qua mép lan can khởi động một cuộc tấn công của cơn chóng mặt. Một cảm giác bị cô lập và bất lực sâu sắc được trải nghiệm bởi nhân vật đang ôm lấy đầu của mình để hấp thu sự tấn công ám ảnh của môi trường này, trong khi đường thoát của anh ta bị chặn bởi hai bóng ma ở đầu kia của cây cầu và đường biên bí ẩn dẫn đến màu cháy rực của bầu trời ở đầu bên này.

Nhân vật trong tranh chính là Munch. Trong nhật ký năm 1892, ông viết “Tôi đang đi dạo trên đường với hai người bạn. Mặt trời dần buông xuống. Tôi cảm thấy mình nhuốm màu u uất. Bất chợt, bầu trời trở đỏ như máu. Tôi ngừng lại, tựa vào lan can, mệt chết đi. Và rồi tôi nhìn vào những đám mây rực cháy treo lơ lửng như máu và một thanh kiếm phía trên con vịnh hẹp màu xanh đen và thành phố. Những người bạn của tôi vẫn tiếp bước. Còn tôi đứng đó, run rẩy vì sợ hãi. Và tôi cảm thấy một tiếng thét lớn, không dứt, đâm xuyên qua tự nhiên.

Màu sắc như tâm trạng – Ồn ào

Điệu nhảy Pan-Pan ở Monico (The Dance of the Pan-Pan at the Monico) (1909-1911/1959-1960) của Gino Severini, sơn dầu trên toan

Phần phân tích màu sắc này đã bắt đầu với một bức hoạ Vị lai, và giờ sẽ kết thúc bằng một bức Vị lai khác. Điệu nhảy Pan-Pan ở Monico của Gino Severini là tác phẩm lớn ở trung tâm của cuộc triển lãm Vị lai đầu tiên nằm ngoài nước Ý, cụ thể ở Galerie Bernheim-Jeune ở Paris. Nó được vẽ vào khoảng 1909-11, nhưng phiên bản này đã bị phá huỷ và Severini đã vẽ lại nó từ một tấm bưu thiếp vào khoảng 1959-60.

Những nhà Vị lai hoan nghênh sự ồn ào, năng lượng, và cường độ của cuộc sống đô thị hiện đại. Cuộc sống về đêm náo nhiệt của quán rượu với cung cách sôi nổi và những điệu nhảy mạo hiểm theo nhịp điệu nhạc rag của nó, tất cả đều được chiếu sáng bằng hệ thống đèn điện hiện đại, là một khung cảnh hoàn hảo cho tầm nhìn về niềm vui Vị lai. Severini đã đập hình ảnh thành vô số mảnh mà ông ghép lại trong một bố cục động để nắm bắt ý thức tập thể của chủ nghĩa Vị lai. Sự tương phản của những màu sắc đối lập va chạm vào vào nhau trong một cấu trúc chống vỡ mà đóng khung niềm vui, sự nô đùa, tiếng ồn, và sự phấn khích của giải trí hiện đại.

Dịch và Biên tập: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi màu sắc Miniseries 7 yếu tố thị giác căn bản trong nghệ thuật và thiết kế

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…