7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế: Sắc độ

Yếu tố thị giác sắc độ định nghĩa mức độ sáng và tối của một màu. Giá trị sắc độ của một tác phẩm nghệ thuật hay thiết kế có thể được điều chỉnh để thay đổi tính chất biểu cảm của nó.

Sắc độ như là sự tương phản của ánh sáng và bóng tối

Giỏ hoa quả (Basket of Fruit) (1595-96) của Caravaggio, sơn dầu trên toan

Giỏ hoa quả là một trưng bày nổi bật của trái cây mùa hè mà không giống như đặc trưng của Caravaggio, hiện lên là tối trên một hậu cảnh sáng. Nó được coi là bức tĩnh vật độc lập đầu tiên trong nghệ thuật phương Tây và là ví dụ đích thực duy nhất của tác giả trong thể loại này. Caravaggio thể hiện kỹ năng xuất sắc trong cách ông nắm bắt các biến thể tinh tế trong màu sắc và cấu trúc bề mặt của tác phẩm. Hoa quả trong bức tranh đã chín nẫu và có dấu hiệu thối rữa thể hiện qua những chiếc lá úa đã bắt đầu khô đi. Tuy nhiên, chủ đề thực sự của tác phẩm không phải là hiện thực trompe l’oeil (đánh lừa thị giác) tạo ra bởi kỹ thuật hội họạ chấn động, mà là tầng nghĩa ngầm vanitas (sự phù du/phù phiếm) của những thứ hoa quả đã bước vào giai đoạn phân huỷ với hình bóng thẫm tối của nó bị che phủ bởi độ sáng mang tính biểu tượng của hậu cảnh.

Mộc qua, bắp cải, dưa vàng và dưa chuột (Quince, Cabbage, Melon and Cucumber) (1602) của Juan Sanchez Cotan, sơn dầu trên toan

Tác phẩm Mộc qua, bắp cải, dưa vàng, và dưa chuột của Sanchez Cotan đảo ngược sự tương phản sắc độ của Caravaggio: các vật thể tối trên nền sáng trở thành các vật thể sáng trên nền tối. Các thứ quả và củ của Cotan nhẹ nhàng ló dạng từ trong bóng tối để bước vào ánh sáng mặt trời rực rỡ, nhấn mạnh các chi tiết tự nhiên nổi bật của chúng. Khung nền của hình ảnh là một cantarero, một loại chạn thức ăn thế kỷ 17 với vách đá lạnh nơi các vật phẩm được treo bằng dây để ngăn hư hỏng.

Không có thông điệp biểu tượng nào trong tác phẩm này. Bức tranh chỉ đơn thuần là một minh chứng cho khả năng điêu luyện của Cotan trong việc bắt chước thực tế và thể hiện các chi tiết mê hoặc. Mỗi yếu tố đều hướng đến một sự tán thưởng về mặt thị giác đối với các vật thể:

  • Chúng được sắp xếp một cách toán học theo một đường cong hyperbol để thêm sự sáng tạo vào bố cục.
  • Chúng được vẽ tỉ mỉ từ những nghiên cứu cá nhân tại xưởng của nghệ sĩ để tối đa hoá tính hiện thực của tác phẩm. Chúng ta biết điều này vì cùng những vật thể này được lặp lại y hệt trong nhiều tác phẩm khác của nghệ sĩ.
  • Chúng nổi lên từ bóng tối để đi vào một ánh sáng rạng rỡ chiếu sáng mọi đường biên cong, những nếp gấp, những góc cạnh rách rưới với những chi tiết tinh xảo.
Tĩnh vật (Still Life) (1633) của Pieter Claesz, sơn dầu trên bảng gỗ sồi

Pieter Claesz kết hợp các kỹ thuật sắc độ của Caravaggio và Cotan để kiến tạo nên một sự ‘thay đổi đối kháng’ (counterchange) giữa các sắc độ sáng và tối trong tác phẩm Tĩnh vật năm 1633 của ông. Chiếc ly nằm bên trái bức tranh là tối trên nền sáng trong khi chiếc bánh điểm tâm sáng ở bên phải ở trong ánh sáng trên nền tối. Sự thay đổi đối kháng này được tạo ra bởi một sự phân chia sắc độ trên hậu cảnh và là một phương tiện nghệ thuật được nghệ sĩ dùng để gia tăng tác động kịch tính của một chủ thể.

Sắc độ như là hình dạng

Ông lão ở tuổi 93 (Old Man aged 93) (1521) của Albrecht Dürer, vẽ bút lông trên giấy phủ sơn lót màu. Ghi chú phía trên hình vẽ có nội dung: ‘Người đàn ông 93 tuổi và vẫn khoẻ mạnh.

Albrecht Dürer, nghệ sĩ Đức vĩ đại đến từ Nuremberg, đã tạo ra rất nhiều nghiên cứu sắc độ về đầu và tay người, và cách xếp nếp vải để làm phác thảo chuẩn bị cho những tác phẩm hoàn thiện của ông. Trong chuyến thăm Venice vào năm 1505, ông đã áp dụng kỹ thuật Phục hưng chiaroscuro – sử dụng ba sắc độ cơ bản để tạo ra ảo giác về hình khối:

  • Các sắc độ tối được tạo ra bởi mực đen.
  • Các tông sáng được thiết lập bằng màu goát trắng, một dạng đục của màu nước.
  • Các sắc độ trung bình được tạo ra bởi chính màu của giấy Venetian Blue mà ông tìm thấy ở miền Bắc nước Ý.

Bức vẽ Ông lão ở tuổi 93 (1521) của Dürer là một bức vẽ bằng cọ điêu luyện sử dụng kỹ thuật chiaroscuro để kết xuất sắc độ. Việc này được thực hiện một vài năm sau chuyến đi của ông tới Ý và trên giấy mà ông đã sơn lót bằng xám-tím cho sắc độ trung bình bởi ông không còn tiếp cận được với nguồn giấy xanh lam Venice nữa. Dürer dựng nên tông tối của mình bằng nhiều lớp nét đan chéo (cross-hatched), làm cho sắc thái của chúng chuyển đổi từ màu đen tự nhiên của mực qua ba hay bốn nồng độ nhạt hơn cho tới khi đạt sắc độ trung bình của phần hậu cảnh được sơn lót. Những phần nhấn sáng được vẽ bằng nét đan và chấm màu trắng để hoàn thiện hình dạng nhăn nheo của ông lão với bộ râu xồm xoàm.

Chân dung tự hoạ (Self Portrait) (1914) của Stanley Spencer, sơn dầu trên toan

Stanley Spencer, một nghệ sĩ người Anh lập dị nhỏ bé, đã vẽ bức Chân dung tự hoạ hai năm sau khi ông rời khỏi trường Nghệ thuật Slade. Nó thể hiện sự thành thạo hoàn toàn về các kỹ năng học thuật được dạy tại ngôi trường đó, đặc biệt là cách ông sử dụng chiaroscuro, mà vào thời của ông dùng để chỉ một sự tương phản sáng tối kịch tính trong hội hoạ. Niềm cảm hứng của bức chân dung rõ ràng dựa trên tình yêu với hội hoạ Phục hưng và bởi thế, nó kế thừa những phẩm chất cổ điển của Phục Hưng. Tuy nhiên, nó cũng có một yếu tố Lãng mạn trong tầm nhìn nội tâm của mình. Điều làm cho bức hoạ này trở nên hấp dẫn với những con mắt hiện đại là sự kết hợp giữa sự soi xét riêng tư rất tỉ mỉ, mức độ chính xác và sức sống biểu cảm của cọ pháp trong bức tranh vẽ khuôn mặt nổi rõ cơ của ông, và mức độ mãnh liệt của sắc độ giữ hình dạng chung lại với nhau với một độ căng kịch tính.

Chú bé đội mũ rơm đang ngồi (Seated Boy with a Straw Hat) (1883) của Georges Seurat, chì Conté trên giấy

Georges Seurat, hoạ sĩ Hậu Ấn tượng đã phát minh ra Điểm chấm (Pointilism), cũng đã tạo ra một kỹ thuật vẽ tập trung đặc biệt vào sắc độ và khả năng kết xuất hình khối của chúng. Chú bé đội mũ rơm đang ngồi là một nghiên cứu sắc độ cho một nhân vật trong bức tranh lớn đầu tiên của ông, Những người tắm sông ở Asnières. Nó được thực hiện với cạnh phẳng của đầu chì Conté (được làm từ than nén kết dính với sáp hoặc đất sét để tạo ra một chì vẽ vuông vắn) để tạo ra những mảng lớn sắc độ trên một loại giấy có kết cấu bề mặt rõ ràng. Khi bạn vẽ theo cách này, ‘răng’ của giấy có kết cấu sẽ giữ lại sắc tố trong khi ‘vùng lõm’ vẫn giữa nguyên màu trắng tạo ra một sắc độ tối vẫn lốm đốm sáng. Sau đó, bạn có thể điều chỉnh mức độ của phần tối bằng cách dựng sắc độ theo từng lớp.

Các ‘nét’ trong tranh của Seurat thực ra là các cạnh được hình thành khi các sắc độ tối và sáng liền kề gặp nhau. Seurat điều chỉnh sắc độ của nhân vật và hậu cảnh để các đường viền của hình ảnh nổi lên từ độ tương phản của các phần cạnh. Ví dụ, khi ta nhìn vào mũ và mặt của cậu bé: phần đằng sau của chiếc mũ được hình thành bởi sự tương phản của tối đặt trước sáng, phần trước được hình thành bởi sáng đặt trước tối, trong khi khuôn mặt khuất bóng của cậu được hình thành bởi làm sáng sắc độ của phần nền. Đây là kỹ thuật lý tưởng để tạo ra những nghiên cứu chuẩn bị cho những bức họa Điểm chấm vốn dựa trên sự phân bổ sắc độ của các mảng chấm chứ không phải sự sắc nét của nét để định hình.

Richard V (1967) của Harold Cohen, in lưới trên giấy

Kể từ năm 1960, Harold Cohen đã là người tiên phong trước việc phát triển công nghệ như một phương tiện sáng tạo trong nghệ thuật. Bức chân dung nghệ sĩ Pop Richard Hamilton của ông là một trong mười bức in lưới mà khám phá các thông số của nhận thức liên quan tới sắc độ, màu sắc, và hình khối. Ông sử dụng lưới bán sắc nhiếp ảnh để tiêu giảm một bức hình đen trắng chụp Richard Hamilton xuống còn một mạng lưới các chấm. Nó cũng có tác động giảm độ phân giải của hình ảnh đến ngưỡng mà bất cứ sự giảm nào nữa sẽ khiến hình dạng của nó là không thể nhận dạng.

Trong mỗi bản in, Cohen phân bổ ba màu khác nhau tạo ra những mối quan hệ sắc độ: một màu cho các chấm, một màu cho nền, và một màu cho phần bóng đổ giúp nâng các chấm lên khỏi nền. Kết quả cuối cùng khám phá mối quan hệ giữa sắc độ và màu sắc và cách chúng ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về hình khối.

Chợ nô lệ với bức tượng bán thân biến mất của Voltaire (Slave Market with Disappearing Bust of Voltaire) (1940) của Salvador Dalí, sơn dầu trên toan

Salvador Dalí đã nghĩ ra một kỹ thuật hình ảnh hoá theo phong cách siêu thực mà ông gọi là ‘phương pháp phê bình hoang tưởng’. Điều này liên quan tới việc tạo ra các hình dạng và hình khối mà có thể được coi là những hình ảnh thay thế được cân bằng trên ranh giới giữa ảo ảnh và thực tại.

Trong Chợ nô lệ với bức tượng bán thân biến mất của Voltaire, Gala, trong lốt nô lệ, ngồi tại bàn và theo dõi các giao dịch buôn bán vô nhân đạo này. Khi tâm trí của bà lang thang khỏi khung cảnh, hình ảnh tái hiện lại như một đầu tượng Voltaire, triết gia người Pháp ủng hộ kiểu tư duy duy lí mà những nhà Siêu thực ghét bỏ. Tại sao Dalí lại chọn Voltaire nếu Voltaire bị khinh thường tới vậy? Câu trả lời nằm ở nghịch lý trong tác phẩm: ông đang sử dụng biểu tượng của của duy lý để lật đổ cách diễn giải hợp lý về bức tranh, do đó làm lu mờ chủ nghĩa duy lý bằng chủ nghĩa phi lý của Siêu thực.

Dalí sử dụng cách ta cảm nhận sắc độ để xây dựng hình ảnh ‘phê bình hoang tưởng’ này. Ông hiểu rằng não bộ của chúng ta sẽ ghi lại cấu trúc sắc độ của một hình ảnh trước khi xử lý các chi tiết của nó. Do đó, ông giảm thiểu các chi tiết trên quần áo của hai thương nhân xuống còn đen và trắng, khiến họ nổi bật và được diễn giải lại thành các đặc điểm trên khuôn mặt của Voltaire: đầu của họ trở thành nhãn cầu và hốc mắt của ông; phần vải cổ áo xếp phồng màu trắng trở thành gò má và mũi; tạp dề trở thành cằm và vai; và mái vòm đổ nát phía trên vạch ra đỉnh đầu của triết gia. Ảo ảnh ‘phê bình hoang tưởng’ được hoàn thiện khi hình ảnh được tái cấu hình nổi lên trên phần đế bị vỡ của một đĩa trái cây biến nó thành bệ đỡ cho đầu tượng Voltaire.

Sắc độ như sự kịch tính

Guernica (1937) của Pablo Picasso, sơn dầu trên toan

Bức tranh Guernica là sự miêu tả nỗi kinh hoàng của người họa sĩ trước vụ đánh bom ở một ngôi làng nhỏ xứ Basque trong cuộc nội chiến tại quê hương ông. Pablo Picasso đã vẽ bức tranh khổng lồ ấy cho gian Tây Ban Nha tại hội chợ thế giới Paris để tập trung sự chú ý của quốc tế vào hành động man rợ này.

Guernica có lẽ là bức tranh kịch tính nhất trong thế kỷ 20. Tuy nhiên nó lại được vẽ bằng các sắc độ của đen và trắng mà không có bất cứ dấu hiệu nào của màu sắc. Picasso đã cố tình tránh sử dụng màu sắc do cảm xúc của nó có thể làm giảm đi sự tuyệt vọng tăm tối của chủ thể. Ông hướng sang sắc độ đen trắng của báo chí để củng cố tính hiện thực trong hình ảnh kịch tính mang tính cách điệu và để thể hiện sự man rợ của các hành vi tàn bạo như một sự thật quyền lực. Để nhấn mạnh mối quan hệ này này ông đã phủ phần lông trên thân của con ngựa đang hấp hối bằng những nét gợi nhớ đến giấy in báo. Sự vắng mặt của màu sắc trong tác phẩm cũng nhằm bày tỏ sự tôn trọng với những nạn nhân vô tội của Guernica.

Sắc độ như là sự yên bình

Angelus (1857-59) của Jean François Millet, sơn dầu trên toan

Angelus là một thực hành công giáo có thể bắt nguồn từ thế kỷ thứ 13. Chuông Angelus sẽ đánh ba lần mỗi ngày để kêu gọi cộng đồng cầu nguyện. Theo truyền thống, những người lao động sẽ dừng các hoạt động của họ lại khi nghe thấy tiếng chuông và đọc lời cầu nguyện Angelus vào buổi sáng, buổi trưa, và lần nữa vào buổi tối.

Bức tranh này của Jean François Millet vẽ hai người nông dân ở Barbizon, những người đã ngừng thu hoạch khoai tây để đọc lời nguyện Angelus buổi tối. Người đàn ông đã bỏ mũ lưỡi trai một cách tôn kính và người phụ nữ đang chắp tay cầu nguyện. Cả hai cùng cúi đầu kính cẩn khi tiếng chuông Angelus cất lên từ tháp nhà thờ phía xa nơi chân trời. Việc sử dụng các sắc độ dịu nhẹ của Millet ghi lại sự yên bình và tĩnh lặng của thời khắc, khi sắc độ tươi sáng của hoàng hôn nhẹ nhàng chiếu xuống những mái đầu đang cúi, để làm nổi bật sự khiêm tốn trong lời cầu nguyện của họ.

Có một cách diễn giải khác về Angelus của Millet có nguồn gốc từ Salvador Dalí ghi nhận sắc độ giảm thiểu và tâm trạng yên tĩnh. Dalí tin rằng đây là một cảnh tang lễ và hai vợ chồng đang cầu nguyện cho đứa con đã khuất của họ. Trước sự khăng khăng của ông, bảo tàng Louvre đã chụp X-quang và làm lộ ra một chiếc hộp hình quan tài được vẽ bên dưới giỏ khoai tây.

Sắc độ như là chiều sâu và khoảng cách

Những hẻm núi (Canyons) (1951) của Charles Sheeler, sơn dầu trên toan

Charles Sheeler, họa sĩ và nhiếp ảnh gia người Mỹ, gắn liền với chủ nghĩa Đích xác (Precisionism), phong trào nghệ thuật hiện đại cây nhà lá vườn đầu tiên của nước Mỹ. Những người theo chủ nghĩa Đích xác đã mô tả cảnh quan đô thị và công nghiệp của nước Mỹ với vốn từ vựng các dạng hình học và phối cảnh kịch tính,

Đây là một cảnh quan thành phố chịu ảnh hưởng của trường phái Lập thể, với những bóng trong suốt và mờ đục bắt nguồn từ những mặt tiền, cửa sổ, và mái của những tòa nhà. Sheeler tô màu các hình dạng sử dụng một thang tông màu chuyển sắc độ dần dần để tạo ra một ấn tượng về bầu không khí của độ sâu và khoảng cách. Tiêu đề của bức tranh là một ẩn dụ đầy tính thơ liên kết cảnh quan đô thị tạo ra bởi những con đường và tòa nhà chọc trời của nước Mỹ hiện đại tới cảnh quan địa chất của những con sông và khe núi ở vùng hoang dã sẵn có của đất nước này.

Dịch và Biên tập: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Miniseries 7 yếu tố thị giác căn bản trong nghệ thuật và thiết kế sắc đỏ

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…