/ai đi/ - Khai đào và tìm kiếm những ‘Vụn Thời Đại’ ở The Outpost

/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign

Vào ngày 27/11 vừa qua, iDesign đã ghé thăm triển lãm Vụn Thời Đại ra mắt The Outpost – “tổ chức nghệ thuật đầu tiên ở Hà Nội hoạt động như một bảo tàng đương đại tư nhân quy mô nhỏ”. Trưng bày quy tụ những nghệ sĩ và giám tuyển đáng chú ý của nghệ thuật đương đại Việt Nam, trải dài trong một không gian 1600m2 chỉn chu và chuyên nghiệp.

The Outpost, đúng như tên gọi, được tạo ra với mục đích là một “tiền đồn” của những người sáng lập và vận hành nó, những người tự gọi mình là “artchaelogist” (kết hợp của “art” – nghệ thuật và “archaeology” – khảo cổ học). Do vậy, cứ điểm này không chỉ nằm trong không gian mà có lẽ, ngược lại, muốn nằm trong mạch thời gian. Tại đây chứa “di sản từ hậu phương” là “những thực hành truyền thống… chủ động đối đầu với những chất liệu sáng tác của tương lai” (trích phỏng vấn nhà sưu tập – người sáng lập The Outpost Ariel Phạm, LUXUO, 31/05/2022).

Hé lộ lần đầu trong nhận thức của khán giả bằng một trailer mang lại cảm giác và dụ ý vị lai, The Outpost chính thức ra mắt công chúng bằng triển lãm Vụn Thời Đại hay Fractured Times mở cửa ngày 29/11/2022 vừa qua. Đây là một triển lãm nhóm quy tụ sáu nghệ sĩ: Hoàng Thanh Vĩnh Phong, Phan Thảo Nguyên, Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Phương Linh, Phạm Hà Ninh và Phạm Minh Hiếu; giám tuyển bởi Lê Thuận Uyên (1991). 

Hoàng Thanh Vĩnh Phong (1971) mang tới những tác phẩm thuộc Chân dung nệm (2017 – tiếp diễn) – một bộ tác phẩm lớn mà nghệ sĩ bắt đầu sáng tác vào năm 2014, chính thức ra đời vào năm 2017, đã xuất hiện trong vài triển lãm nhóm và một triển lãm cá nhân năm 2020. “Nệm” ở đây vừa là chất liệu, vừa là đối tượng của tác phẩm và vừa là “nhân chứng” hay “kẻ quan sát” những đối tượng ấy, ghi nhớ những cuộc đời mà chúng chuyên chở. 

Trong những bức Chân dung nệm tại Vụn Thời Đại, tác giả sử dụng sơn mài trên gỗ ván ép và sợi thuỷ tinh tổng hợp mang tính cứng và thô nhám dường như đối ngược với tính mềm tự nhiên của nệm, kết hợp cùng cốt nệm. Đặc biệt, các tác phẩm bắt đầu rời khỏi vị trí treo trên tường của một bức hoạ truyền thống vốn được tác giả lựa chọn trong thời gian đầu của dự án, và đứng vào vị trí lơ lửng trong một không gian tràn ngập ánh sáng tự nhiên, hoặc thậm chí được đặt ngay dưới mặt phẳng sàn đúng như… một tấm nệm. Những “biểu cảm đa dạng: khi mềm mại, lúc gai góc, lúc mượt mà, lúc lại lấm tấm những bong tróc.”, khi rõ hình thù, khi trừu tượng khơi mở nơi khán giản những băn khoăn về đời người.

Rời khỏi căn phòng đầu tiên của triển lãm với các tác phẩm của Hoàng Thanh Vĩnh Phong, khán giả bước vào khu triển lãm của Phan Thảo Nguyên (1987). Trước hết, ta bắt gặp một bức bình phong lụa có kích thước 222 x 111 cm (tranh lụa trong chuỗi tác phẩm “Đứng bóng”, 2022) chắn ngay vị trí cửa thông hai phòng đưa người xem rẽ phải để thấy không gian của sắp đặt đa phương tiện Lam nắng, sa mưa xuất hiện.

Sắp đặt Lam nắng, sa mưa (2021 – tiếp diễn) bao gồm ba màn hình có kích thước lớn, cùng với nhau tạo thành một bài thơ thị giác tổng thể, một khúc dụ ngôn về không gian đời sống của con người Việt Nam và vùng lân cận. Những góc máy khác nhau nhìn cùng một câu chuyện hiện diện đồng thời và chồng lớp. Khởi nguồn từ quan sát về lam chắn nắng quen thuộc của các công trình nhà hiện đại, Phan Thảo Nguyên sẽ tiếp tục kể những thước hình ảnh hấp dẫn về mặt thị giác, khơi mở về mặt nội dung, giàu cảm giác và giàu tính chuyện, với sự xuất hiện của những nhân vật do trẻ em đóng vai mang lại một chất lượng như-mơ. Trích phần giới thiệu về triển lãm Vụn Thời Đại, “thực hành nghệ thuật của Phan Thảo Nguyên ghi dấu sự hoà trộn của cảm hứng văn chương, triết học, và những điều thường nhật.

Kế tiếp không gian của Phan Thảo Nguyên là “hành lang suy tưởng” của Lý Trần Quỳnh Giang (1978) với tổ hợp tranh thuộc chuỗi Nơi bọn chúng lui tới. Từ khi còn rất trẻ, Lý Trần Quỳnh Giang đã được cho là một trong những hoạ sĩ nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam, xuất hiện trong cuốn 12 Nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam của tác giả Đào Mai Trang. Những bức tranh của cô đậm tính tự sự và riêng tư, tập trung vào những hình tượng con người hoặc nửa người nửa thú đã trở nên quen thuộc với công chúng. 

Khi mới bắt gặp những tác phẩm của Lý Trần Quỳnh Giang, ta có thể cho rằng chúng có phần “lạc lõng” trong một trưng bày mà chiếm phần lớn là những tác phẩm sử dụng lối tiếp cận, phương tiện, và chất liệu “phi truyền thống” mang tính thử nghiệm cao. Nhưng nếu nghĩ kỹ, ta sẽ nhận thấy “hành lang” này là hợp lý với câu chuyện chuyên chở những di sản “truyền thống” để “đối đầu” với tương lai của The Outpost. Những hình tượng thân người và mang khuôn mặt giống loài thỏ hoặc cú cất chứa nhiều tâm trạng khác nhau, nhìn thẳng vào mắt người xem hoặc lặng lẽ quay đi. Trong khu rừng bí ẩn và đơn độc mang tính hiện sinh của nghệ sĩ, khán giả suy tư và đối diện với nỗi buồn, cái ác, và cả sự bao dung hiển nhiên của thân phận làm người.

Từ hành lang của Lý Trần Quỳnh Giang, chúng ta đi tới một hành lang khác chứa tác phẩm Một, Hai, Nhiều số 3 (2022) của Phạm Ngọc Hà Ninh (1991). Hà Ninh vẫn được biết đến với dự án tiếp diễn về thế giới tưởng tượng Đất Mình, đã được thực hiện bằng nhiều phương tiện: hoạ đồ, trò chơi điện tử, truyện, và giờ đây là một ngôn ngữ mà tác giả gọi là “Mã Vòng” được trực quan hoá trong một sắp đặt biệt vị dành cho trưng bày Vụn Thời Đại.

Đối thoại với những hành lang hẹp kết nối các không gian, cũng như với không gian kiến trúc của The Outpost”, Hà Ninh tạo ra một sắp đặt gồm một cái “thuyền” bằng thạch cao đòi hỏi người xem phải bước lên một cầu thang hẹp chênh vênh để có thể nhìn vào lòng thuyền, nơi chứa những mảnh “ngôn ngữ” của Đất Mình. Dựa vào gợi ý từ tên gọi và lời giới thiệu về tác phẩm, chúng ta có thể mường tượng những đơn vị làm bằng nhựa PLA màu đen là những đơn vị số đếm và cách chúng kết hợp với nhau trong thế giới tưởng tượng của tác giả, mà đang xâm lấn ngày một nhiều hơn vào hiện thực thường nhật được chấp thuận.

Hai hành lang song song của Lý Trần Quỳnh Giang và Hà Ninh nối tiếp tới hai căn phòng hai bên: phòng chứa “miền âm toàn nhập” (“soundscape” – “phong cảnh âm thanh”) của Phạm Minh Hiếu (1996), và phòng “Nhà nguyện” của The Outpost chứa sắp đặt đa phương tiện của Nguyễn Phương Linh (1985).

Tác phẩm Đương thời (2022) được Phạm Minh Hiếu sáng tác dành riêng cho triển lãm. Thực hành này được tác giả gọi là “sắp đặt tuyệt đối” (“total installation” – “sắp đặt toàn diện”), cũng là thực hành chủ chốt mà Phạm Minh Hiếu theo đuổi. Nhân tố trẻ nhất của triển lãm – một gương mặt mới gây nhiều sự tò mò của khung cảnh nghệ thuật Việt Nam trong năm vừa qua – hẳn kế thừa di sản của Tác phẩm Nghệ thuật Toàn diện (Gesamtkunstwerk) và đồng thời đưa khái niệm này vào bối cảnh đương đại.

Theo lời của Phạm Minh Hiếu, chất liệu của Đương thờikhông phải là những giai điệu, những nhịp điệu, những tần số của sóng âm”, mà là “một khối vô hình” mà tác giả “tìm cách điêu khắc“. Đây có lẽ là một trong những tác phẩm “thách thức” nhất đối với một khán giả thông thường trong triển lãm này, bởi nó không có những tác động mạnh và tức thời vào các giác quan của người xem. Bước vào “Đương thời” của Phạm Minh Hiếu, ta cần chủ động cho mình và tác phẩm thời gian cũng như sự bình lặng để có thể nhận ra và lần dấu theo những bước chân vắng diện dạng lẩn khuất trong một không gian âm thanh được thiết kế và thi công cầu kỳ.

Cuối cùng, hành trình len lỏi qua từng chặng của Vụn Thời Đại kết thúc tại Chuyến đi cuối cùng của Nguyễn Phương Linh, một sắp đặt đa phương tiện bao gồm những những vật thể bằng nhôm, kính, và đèn LED. Từng xuất hiện trong triển lãm cá nhân cùng tên vào năm 2017, bế mạc dự án Những chân trời có người bay 3 tại viện Goethe Hà Nội, sáng tác này vừa là sản phẩm của một quá trình nghiên cứu thực địa đối với loài voi trong mối liên hệ với văn hoá Tây Nguyên, vừa hé lộ sự quan tâm của nghệ sĩ với ánh sáng, các khối hình học cơ bản, những cột dọc tương phản với bề mặt ngang, tương phản giữa mặt phẳng và đường nét, vuông và tròn, tương phản về khối lượng của vật liệu… 

Với xuất phát điểm là chiếc ghế cưỡi voi gắn liền với đời sống tinh thần của các cộng đồng mà Nguyễn Phương Linh nghiên cứu, nghệ sĩ phá dỡ kết cấu nguyên bản thành những chi tiết nhôm trơn bóng, đơn sắc, hình học, rơi xuống theo một trật tự lìa-rời mà nhịp nhàng, kịch tính, rồi “khựng lại giữa không trung”. Trong không gian đèn LED nghiêm cẩn, lạnh, sạch, giải cấu trúc và đậm tính giảm thiểu, tách mình khỏi phần còn lại của triển lãm ở phía bên kia một cửa hẹp – đặc biệt là ở khía cạnh ánh sáng – Chuyến đi cuối cùng “bao vây” người xem theo một cách vừa thơ mộng vừa răn đe.

Vụn Thời Đại là một triển lãm có nhiều cái để xem. Và qua triển lãm này, The Outpost đã cho thấy rõ tiềm năng của mình, hứa hẹn là một yếu tố đáng mong đợi trong việc sưu tập và giới thiệu nghệ thuật đương đại Việt Nam ra công chúng. Triển lãm Vụn Thời Đại mở cửa tự do cho công chúng từ thứ Ba đến Chủ Nhật hàng tuần, 9h – 19h, 29/11/2022 – 28/02/2023, tại tầng L2, Tháp B1, Roman Plaza, Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Bài viết và hình ảnh: Hương Mi Lê

Cùng tác giả

#Tag

Ai Đi Hương Mi Lê Lê Hương Mi The Outpost triển lãm nghệ thuật Vụn Thời Đại

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…