Angelica Kauffman (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật

Trong phần cuối của loạt bài ba phần về bậc thầy Tân Cổ điển và nữ nghệ sĩ tiên phong nổi bật thời kỳ cổ điển – Angelica Kauffman, ta sẽ tìm hiểu về các tác phẩm nổi bật của bà. Sự nghiệp của bà đã bao gồm những bức tranh lịch sử xuất sắc và những bức chân dung với phong cách đặc trưng độc đáo. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là cách bà khẳng định và ủng hộ sức mạnh của nữ giới thông qua tác phẩm của mình, việc bà luôn soi chiếu bản thân qua những bức chân dung tự hoạ khai thác chủ đề cấp tiến của sự lựa chọn xuyên suốt sự nghiệp của mình, và cách bà vẫn giữ được sự khôn ngoan để hoạt động như một nghệ sĩ thành công, giàu có.

1753: Chân dung tự hoạ ở tuổi 13

Sơn dầu trên toan – Tiroler Landesmuseum, Innsbruck, Áo

Khi mới 13 tuổi, Kauffman đã vẽ bức tranh chân dung tự hoạ xuất chúng này để cho thấy rằng mình là người tài năng ở cả âm nhạc và nghệ thuật. Trong một thông điệp kép, bà tự hào trưng ra những tài năng ấy cũng như tiết lộ ngay từ rất sớm rằng bà có hứng thú với việc soi xét và khám phá bản thân. Bảng màu của bà với một màu hồng lạnh và màu lam nhạt làm gợi nhớ rõ ràng tới hội hoạ Rococo đầu thế kỷ 18 và những bức tranh tương tự của Jean-Antoine Watteau.

Thật vậy, ở độ tuổi này, Kauffman đã rất thông thạo lịch sử nghệ thuật và thường xuyên lui tới các phòng trưng bày nghệ thuật với cha mình, một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng.

Điều thú vị là ở tuổi 50, bà quay lại chủ đề này lần nữa, nhớ lại giai đoạn của thời niên thiếu (có lẽ là ở tuổi 13) khi bà hỏi một linh mục rằng mình nên theo đuổi sự nghiệp âm nhạc hay nghệ thuật. Truyền tải trải nghiệm bị giằng xé về mặt tâm lý bởi những lựa chọn, hoặc bởi những sợi dây nhiều mặt của một nhân cách phức tạp là một chủ đề rất hiện đại. Thật đáng ngạc nhiên, Kauffman (thông qua việc tự họa chân dung) đã thành công khám phá một chủ đề lớn mà sẽ trở thành một trong những chủ đề chủ đạo trung tâm của nghệ thuật thế kỷ 20.

1767: Ngài Joshua Reynolds PRA (1723 – 1792)

Sơn dầu trên toan – Saltram, Devon, Anh

Đây là bức tranh chân dung Kauffman vẽ hoạ sĩ Anh có tầm ảnh hưởng Joshua Reynolds – bức Sir Joshua Reynolds PRA (1723 – 1792). Ông là bạn của bà và tương ứng với điều đó, sắc độ của bức tranh rất thư giãn. Reynolds được bao bọc bởi các cuốn sách, bài luận của ông và có một bức tượng Michelangelo bán thân ở phía ngoài cùng bên trái, để truyền cảm hứng từ một nghệ sĩ này tới một nghệ sĩ khác.

Sự giàu màu sắc của khung cảnh và thực tế rằng Reynolds mặc quần áo của thế kỷ 17 gợi nhớ tới những bức chân dung của nghệ sĩ Flemish Anthony van Dyck. Quả đúng là khi tới London, Kauffman đã nhanh chóng được ca ngợi là một người kế nhiệm van Dyck. Tuy nhiên, trái ngược với sự nghiêm trang kiên định của van Dyck, Kauffman nắm bắt một cách đầy kỹ thuật, có cái nhìn cá nhân hơn về cuộc sống của nhân vật; sự đa cảm cảm động sẽ trở thành tính chất định hình quan trọng đối với những bức chân dung của bà.

Thật thế, dù những nhân vật của Kauffman có đáng chú ý và được coi là hoành tráng với người khác tới đâu thì bà cũng sẽ vẽ họ một cách khiêm tốn hơn, và vì vậy, con người hơn. Đó là trường hợp của bức chân dung bà vẽ diễn viên David Garrick – tác phẩm được bà trình cho triển lãm của Hiệp hội Nghệ sĩ khi vẫn ở Rome năm 1765 và cả bức Chân dung của Winckelmann (1764), cái nhìn của bà đối với nhà khảo cổ học và cổ vật học người Đức được hoan nghênh rộng rãi.

Reynolds là bạn và là mối liên hệ rất quan trọng của Kauffman trong suốt thời gian bà ở Anh. Bên cạnh việc giới thiệu tài năng và kỹ thuật của bà cho những khách hàng tiềm năng, ông cũng giúp bà giữ được danh tiếng sau vụ bê bối của cuộc hôn nhân đầu tiên. Chúng ta thấy được tình bạn thân thiết và đáng tin cậy của hai nghệ sĩ thể hiện qua nét mặt của Reynolds trong bức hoạ này.

Khoảng 1770 – 75: Chân dung tự hoạ

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia, London

Một cách bất thường, trong bức hoạ này và một bức chân dung tự hoạ khác sau đó thực hiện vào năm 1787, Kauffman thể hiện hình ảnh của mình với bút chì trong tư thế sẵn sàng, cùng tập tác phẩm của mình. Tư thế này được phát triển vào thế kỷ 18 và đặc biệt là ở Anh để khắc hoạ hình ảnh các quý cô nghiệp dư. Có một độ chênh lớn giữa nữ nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư vào thời điểm đó; những người nghiệp dư không có đào tạo nghệ thuật, không thể bán tác phẩm và phần lớn tác phẩm của họ thì không mạnh. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, Kauffman liên hệ với hình ảnh nghiệp dư và lặp lại việc vẽ bản thân trong tư thế đó trong suốt sự nghiệp của bà.

Người ta chỉ có thể suy đoán tại sao bà lại làm vậy, bởi có rất ít nghiên cứu về chủ đề này, nhưng có vẻ Kauffman quan tâm tới việc phổ biến tác phẩm của bà theo nhiều cách. Duy trì mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày ngay cả khi đã trở nên nổi tiếng, điều quan trọng đối với Kauffman là làm sao các bức tranh của bà có thể được sao chép rộng rãi dưới dạng bản in. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng bằng cách tự vẽ mình như một quý cô không chuyên (mặc dù là một người đặc biệt tài năng), Kauffman vẫn giữ được nét thanh lịch nữ tính và ngăn chặn những lời đàm tiếu và ác ý nguy hiểm.

Trong thực tế, bà đã là một người phụ nữ giàu có, độc lập và cực kỳ tài năng, nhưng bà cũng rất khôn ngoan và hiểu rằng xã hội chưa sẵn sàng cho một thế lực phụ nữ khoa trương không gì cản nổi như vậy. Do đó, bà giữ lại trong những bức tự hoạ của mình – bên cạnh sức mạnh và ý chí lao động – một nét duyên dáng và ngọt ngào đậm tính nữ.

Khoảng 1775: Chân dung một Quý bà

Sơn dầu trên toan – Tate, London

Chân dung của một quý bà (Portrait of a Lady) là tác phẩm bậc thầy về mặt kỹ thuật, độ chính xác của màu sắc, chi tiết và tỷ lệ trong bức tranh này rất đáng chú ý. Người phụ nữ không rõ danh tính trong tư thế ngồi và dựa vào cái đế của một cái cột được điêu khắc theo phong cách tân cổ điển. Trên bàn, phía bên trái người phụ nữ đĩnh đạc và trang nghiêm này, có một bức tượng của nữ thần trí tuệ La Mã, Minerva. Minerva có ý nghĩa đặc biệt với Kauffman trong suốt cuộc đời bà – người nghệ sĩ đã đeo một chiếc đai lưng đại diện cho trận chiến giữa Minerva và Neptune giành quyền kiểm soát Attica. Bởi Minerva chiến thắng vị nam thần, sự minh hoạ của Kauffman là một lời nhắc ý nhị rằng bà tin và ủng hộ vào sức mạnh của phụ nữ.

Thật vậy, Kauffman đã vẽ người phụ nữ khuyết danh này cầm một cuốn sách và một cây bút viết và những đặc điểm này khiến người xem tin rằng nhân vật thực tế là một nữ trí thức thời đó, có thể là nhà sử học Catherine Macaulay, hoặc nhà văn Elizabeth Montagu. Nhân vật trong tranh tỏ ra vẻ tự tin, quyền lực và cũng rất duyên dáng, như một nữ thần La Mã. Do đó, bức chân dung này vừa tán dương phong cách Tân Cổ điển, vừa thể hiện cử chỉ phụ nữ và tôn vinh sự giàu có về kỹ năng nghệ thuật của họ.

Ở phía bên trái của bức hoạ, có một chiếc bàn chạm khắc và trang trí chân sư tử. Kiểu đồ nội thất này là biểu hiện của phong cách phổ biến được tìm thấy rộng rãi trong các tác phẩm nghệ thuật khắp châu Âu suốt thế kỷ 18. Phong cách tương tự được sử dụng bởi kiến trúc sư nổi tiếng Robert Adam trong những thiết kế toà nhà của ông, cũng như Josiah Wedgwood ở đồ gốm. Đã có một cuộc phục hưng và một niềm hứng thú đương thời với tất cả những gì thuộc về La Mã và Hy Lạp.

Những nghệ sĩ bao gồm Kauffman khám phá thêm những điều gây tò mò này khi họ tham gia vào Chuyến tham quan vĩ đại (Grand Tour) tại châu Âu. Cả Kauffman và người phụ nữ trí thức khuyết danh trong bức hoạ đều được thể hiện giống như các đối trọng nam giới của họ, cũng là người du hành, cũng tò mò và cũng là nghệ sĩ.

Khoảng 1777: Henrietta Laura Putleney

Sơn dầu trên toan – Tate, London

Kauffman không chỉ nhấn mạnh vào cảm xúc của con người và đưa cảm giác của kịch nghệ vào những chân dung của bà, mà bà cũng chơi với những kích cỡ và quy mô khác nhau. Ở đây, bà vẽ một đứa trẻ khoảng mười một tuổi, không bé hẳn mà cũng không lớn hẳn, đâu đó ở giữa. Cách chơi ánh sáng, xử lý của chất liệu vải và phong cảnh mờ ảo ở hậu cảnh cũng gợi nhớ tới những bức chân dung đại kình địch của Reynold – Thomas Gainsborough. Gainsborough cũng vẽ nhiều phụ nữ trẻ khá giả vui đùa ngoài trời. Thật vậy, bức chân dung Henrietta này đã được miêu tả như là một “vũ công không biết mệt mỏi” và Kauffman tương ứng vậy đã vẽ cô bé trong một tư thế rất duyên dáng với vải váy và thắt lưng như có đời sống của riêng chúng, gần như tung lên khỏi toan tranh.

Nhà sử học nghệ thuật Ian Dejardin mô tả cảm giác tự do rõ ràng trong tác phẩm này là minh hoạ cho sự chuyển dịch quan trọng trong suy nghĩ đối với trẻ em trong thời kỳ này. Hai trong số những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất lúc bấy giờ, John Locke và Jean-Jacques Rousseau, đều ủng hộ những lợi ích của giáo dục ngoài trời và sự cần thiết trong việc tôn trọng tuổi thơ, nhìn nó như một giai đoạn cuộc sống riêng biệt đòi hỏi những chỉ dẫn riêng.

Henrietta Pulteney đã được nuôi dạy bởi những bậc phụ huynh đi theo triết lý mới và tự do này, do vậy cho phép con gái của họ lang thang dạo chơi trong rừng và học tập qua việc vui chơi. Kauffman có thể đã cảm thấy rằng bà có nhiều điểm chung với Henrietta, vì bà cũng được hưởng một nền giáo dục tốt không hạn chế và được hỗ trợ bởi bậc cha mẹ có suy nghĩ tiến bộ.

Khoảng 1780 – 82: Zeuxis chọn người mẫu cho bức tranh của ông vẽ Helen thành Troy

Sơn dầu trên toan – Thư viện Tưởng nhớ Annmary Brown, Đại học Brown, Rhode Island

Được thực hiện với phong cách của một bức tranh lịch sử hoành tráng, tác phẩm Zeuxis chọn người mẫu cho bức tranh của ông vẽ Helen thành Troy (Zeuxis Selecting Models for His Painting of Helen of Troy) nói về câu chuyện của Zeuxis, người khắc hoạ chân dung của người phụ nữ đẹp nhất – Helen thành Troy – đã kết hợp những đặc điểm đẹp nhất của năm người mẫu khác nhau.

Người nghệ sĩ, Zeuxis, đang ở trong quá trình nghiên cứu giải phẫu, kiểm tra một trong những người mẫu khi ba người khác đang chuẩn bị cho sự soi xét của bậc thầy. Nhưng là người thứ năm mới có những đặc điểm thú vị của Kauffman, nơi sự gây hứng thú của bức tranh đặt vào. Người mẫu thứ năm, ở vị trí ngoài cùng bên phải của bức tranh, bất chấp các quy ước gia trưởng của sự đại diện gắn liền với lời kể này, bước ra sau lưng người nam nghệ sĩ, nhặt cọ của ông lên, và bắt đầu vẽ.

Từ đó trở đi, các nghệ sĩ Tân Cổ điển đã sử dụng hình ảnh này minh hoạ sự ưu việt của nghệ thuật đối với tự nhiên. Về tổng thể, bức tranh là một sự khẳng định về những niềm tin nghệ thuật của Kauffman, cũng như một bức tranh tuyên ngôn về nhìn nhận của riêng bà về tài năng và khả năng của phụ nữ như là nghệ sĩ. Một vài năm sau, vào năm 1780, Kauffman vẽ bà đối mặt với một nữ thần đội mũ giáp mà có vẻ là nữ thần Minerva (phiên bản La Mã của nữ thần Hy Lạp Athena), người bảo trợ cho nghệ thuật. Cả trong bức hoạ này và bức Zeuxis chọn người mẫu cho bức tranh của ông vẽ Helen thành Troy, Kauffman đã khẳng định sự trung thành của bà với Tân Cổ điển, nhưng cũng liên kết bản thân mình với một tổ tiên cổ điển là nữ giới và cứ như vậy đưa bà vào dòng dõi ấy.

1778 – 80: Thiết kế

Sơn dầu trên toan – Học viện Hoàng gia, London

Thiết kế (Design) là một trong bốn bức tranh (ba bức còn lại là Phát minh, Bố cục, và Màu sắc) được đặt hàng cho trần Phòng Hội động của Nhà Somerset, ngôi nhà có mục đích đầu tiên được xây dựng của Học viện Hoàng gia. Hoạ sĩ vẽ tranh lịch sử người Mỹ Benjamin West cũng đã tham dự vào việc vẽ tranh cho chủ đề này và ông tạo ra phiên bản của riêng mình với Bốn nguyên tố, những hình tượng khoả thân đặc trưng và thiếu sức sống đi kèm bởi các đặc tính của chúng. Trong khi bốn tấm trần hình tròn của Kauffman cũng là những ngụ ngôn, theo nghĩa mỗi người đại diện cho một ý tưởng, không ít nhân tính như những khắc hoạ bởi West.

Kauffman, thay vào đó, cho thấy những người phụ nữ đang hành động, làm việc với nghệ thuật của họ. Trong Thiết kế Màu sắc, những hình tượng đang tham gia vào hành vi của sáng tạo, trong khi đó với Bố cục Phát minh, các hình tượng đang suy tư. Trong Phát minh, hình tượng nhìn lên bầu trời để tìm niềm cảm hứng và trong Bố cục, cô đang chìm đắm trong suy nghĩ với đầu mình đặt trong những bàn tay. Khi được trưng bày cùng nhau, các bức tranh do vậy được đặt theo cặp, với một bức tranh về thực hành và một về lý thuyết ở mỗi bên của căn phòng.

Việc làm việc với người mẫu nam khoả thân là bị cấm với một nghệ sĩ nữ, do vậy ở Thiết kế, Kauffman bắt buộc phải để nhân vật nhìn vào một bức tượng cổ điển để học về giải phẫu nam giới. Ngay cả làm như vậy cũng rất bất thường và khiến người ta khó chịu vào thời của nó. Cùng với nhau như là một sê-ri, bốn bức hoạ của Kauffman được truyền cảm hứng một phần và đại diện cho người bạn của bà, những lý thuyết của Joshua Reynold trong cuốn Những đàm luận về nghệ thuật (Discourses on Art) của ông, mà dựa vào đó ông đã giảng dạy tại Học viện Hoàng gia và xuất bản sau đó năm 1788.

Bất chấp những uy tín nghệ thuật, việc đào tạo cổ điển, và sự đổi mới của bà trong hội hoạ lịch sử của Kauffman, Học viện Hoàng gia đã không trao cho bốn bức tranh vị trí đáng tự hào. Những người tham quan khó có thể nhận biết được tầm quan trọng của những tác phẩm của Kauffman, bao gồm Thiết kế, bởi chúng tôn lên phần trần nhà chứ không phải các bề mặt tường của tòa nhà. Giờ đây, đáng tiếc là, những tấm tranh trên trần không phải là tranh nguyên bản của của Kauffman mà thay vào đó là những sao chép ảnh chụp, trong khi đó những tấm tranh gốc đã được treo lại ở lối vào của Nhà Burlington, một phần khác của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở London, và không được chú ý nhiều do đám đông lớn đi vào tòa nhà theo hướng này.

Khoảng 1792 – 96: Nghiên cứu về một người phụ nữ đang đứng

Phấn đen và trắng trên giấy màu xám – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York

Kauffman quay trở lại Rome năm 1782. Vào năm 1791, bà nhận được một đơn đặt hàng từ Hồng y Ignazio Buoncompagni cho một bức tranh thờ. Bà rất thích thú đơn đặt hàng này và do vậy ở phần sau của sự nghiệp, bà có một sự nhấn mạnh vào chủ đề tôn giáo hơn là những tác phẩm trước đó. Tuy nhiên, nghiên cứu này, một bức phác thảo sơ bộ về một người mẹ, một trong những hình tượng cho bức tranh Để con trẻ đến cùng ta (1796) cho thấy rằng bà vẫn tập trung vào phong cách Tân Cổ điển.

Kauffman đã lấy cảm hứng cho bức tranh từ Matthew 19:14 mà trong đó Chúa Ki-tô ban phước cho những đứa trẻ mà được mang tới trước ngài. Trong bức tranh chuẩn bị của mình, Kauffman nắm bắt được chi tiết tuyệt vời từ tấm áo xếp nặng nề của người mẹ. Phấn trắng được sử dụng để tương phản với giấy màu đá, tạo thêm sự mềm mại cho những đường viền đậm hơn của người phụ nữ. Ở bức tranh hoàn thiện, người mẹ có một đứa trẻ sơ sinh trong vòng tay trái của bà và tay phải bà nắm lấy tay của một đứa trẻ khác (những hình tượng chưa xuất hiện trong bức phác thảo này). Tương phản với chủ đề của mình, Kauffman đã không trở thành một người mẹ và thay vào đó dành cả cuộc đời mình và tình yêu cho nghệ thuật.

1794: Chân dung tự hoạ của người nghệ sĩ lưỡng lự giữa nghệ thuật của âm nhạc và hội hoạ

Sơn dầu trêm toan – Tu viện Nostell, West Yorkshire, UK

Bức họa Chân dung tự hoạ của người nghệ sĩ lưỡng lự giữa nghệ thuật của âm nhạc và hội hoạ (Self-portrait of the Artist hesitating between the Arts of Music and Painting) sống động và nhiều tiết lộ này đã được vẽ cho một đơn đặt hàng của Công chúa Holstein-Beck của nước Nga sau khi Kauffman quay trở lại Rome. Bức hoạ rõ ràng cho thấy hai lựa chọn sự nghiệp khác nhau đã mở ra với Kauffman vào thời tuổi trẻ thơ ngây – hội hoạ một bên và âm nhạc một bên.

Tuy nhiên, quan điểm đương thời về những nữ ca sĩ thường được gắn với sự lăng nhăng bởi một số trở thành các tình thân ngay tại các triều đình nơi họ biểu diễn. Quả thực thế, Kauffman đã hỏi ý kiến một linh mục khi bà còn trẻ về việc nên theo đuổi thiên chức nào, vì lý do như vừa đề cập và cũng vì ông nghĩ rằng nghệ thuật cuối cùng sẽ khiến thoả mãn hơn – vị linh mục chỉ bà về hướng của hội hoạ.

Bản chất ngụ ngôn của bức họa dẫn tới việc nhà văn Friedrich von Matthisson so sánh nó với Hercules ở ngã tư đường giữa Đức hạnh và Tệ nạn (Hercules at the Crossroads Between Virtue and Vice) của Annibale Carracci (1765), một hình ảnh được ưa thích rất nhiều của thời đại này. Vì vậy, mặc dù những bức hoạ của Kauffman đôi khi bị chỉ trích bởi chúng không thể hiện sự dũng cảm và sức mạnh nam tính thường được gắn với hội hoạ lịch sử, quyết định của bà về việc tạo ra hình ảnh tương tự như một hình ảnh vốn đã được tôn kính làm nổi bật hiểu biết đầy khôn ngoan của bà về thị trường nghệ thuật – xây dựng từ những gì đã quen thuộc và phổ biến.

Giáo sư lịch sử nghệ thuật người Mỹ Waltraud Maierhofer, miêu tả bức chân dung tự hoạ mang tính biểu tượng này của Kauffman như “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của nghệ thuật”, đặc biệt là do nó khắc hoạ chủ đề về một nữ nghệ sĩ đang đưa ra những lựa chọn quan trọng của riêng cô ấy.

Hơn nữa, việc sắp đặt các nữ nhân vật chính của người nghệ sĩ đã phân biệt Kauffman với những nhân vật nam giới cùng thời. Hoạ sĩ Tân Cổ điển Pháp Jacques-Louis David, trong Lời thề của anh em nhà Horatii (The Oath of the Horatii) (1785) cho thấy đàn ông là quyền lực và quyết đoán trong khi đó một nhóm phụ nữ ở một bên yếu đuối và than khóc. Kauffman, ngược lại, dành những ngợi khen tương tự cho phụ nữ và khắc hoạ họ với cùng một sức mạnh và tiềm năng. Thực tế rằng tranh “lựa chọn” đã phổ biến rộng rãi vào thời điểm này cho thấy một sự hứng thú có từ sớm với việc điều tra xem tính cá nhân của ta đến từ đâu và một tâm lý độc đáo có thể bao gồm điều gì.

Dịch: Hương Mi Lê


Về chủ mục

Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) | mi-mimi

Sinh năm 1991 tại Hà Nội, hiện Mi là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Mi làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA… Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

Mi từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác, Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Một số sự kiện nghệ thuật mà Mi từng tham gia với tư cách nghệ sĩ: Animal Theater 2019 – Á Space (Hà Nội), Poetry Plus – Performance Plus 2019 – Mot+++ (TP HCM), Khi Đàn Chim Trở Về / When the Birds Fly Home – Triển lãm Nhiếp ảnh và Kể chuyện, đồng sáng tác – Bảo tàng Phụ Nữ (2016, Hà Nội).

Cùng tác giả

#Tag

Angelica Kauffman Chân dung một Quý bà Chân dung tự hoạ Chân dung tự hoạ của người nghệ sĩ lưỡng lự giữa nghệ thuật của âm nhạc và hội hoạ Chân dung tự hoạ ở tuổi 13 Henrietta Laura Putleney Hương Mi Lê Lê Hương Mi may Ngài Joshua Reynolds PRA Nghiên cứu về một người phụ nữ đang đứng Series Lịch sử thiết kế đồ họa thiết kế Zeuxis chọn người mẫu cho bức tranh của ông vẽ Helen thành Troy

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…