Art Brut ở Nhật Bản: Tiếp tục phát triển theo dòng chảy riêng

Những nghệ sĩ tự học ở Nhật Bản đang giành được sự khen ngợi của quốc tế về trí tưởng tượng, sự đổi mới và kỹ năng mà họ tạo ra trong các bức tranh, bản vẽ và các tác phẩm đa phương tiện khác thường của mình.

Hơn 70 năm trước, khi Jean Dubuffet (1901-1985) phát triển một định nghĩa về cái mà ông gọi là “art brut” trong tiếng Pháp (có nghĩa là “nghệ thuật thô”), ông giải thích rằng thuật ngữ này áp dụng cho các nghệ sĩ sống bên lề xã hội và văn hóa chính thống. Họ thường không liên quan đến các phong trào và các cuộc tranh luận phê bình vốn là yếu tố trọng tâm của lịch sử nghệ thuật chính thống. Trên thực tế, hầu hết những người này đều không coi mình là nghệ sĩ. Đối với họ, khái niệm học thuật hoặc triết lí “nghệ thuật” không tồn tại hoặc không liên quan đến cuộc sống của họ.

Jean Dubuffet bên cạnh một tác phẩm của mình.

Nhà phê bình Edward M.Gomez từng trình bày các bài giảng về lịch sử nghệ thuật ngoại đạo rằng có một sự khác biệt lớn giữa các nghệ sĩ tự học và nghệ sĩ được đào tạo qua trường lớp. Trong khi các nghệ sĩ được tạo ra thực hiện các tác phẩm chủ yếu để bán trên thị trường, thì các nghệ sĩ ngoại đạo muốn vẽ vì họ ‘bắt buộc’ phải vẽ. Đối với những nghệ sĩ này, việc làm nghệ thuật của họ cũng cần thiết như hít thở vậy. Điều đó giống như là vấn đề sống còn của một người chứ không còn mang tính lựa chọn. Xu hướng này có thể được cảm nhận trong nhiều tác phẩm đáng chú ý đã được tạo ra bởi các nghệ sĩ tự học ở Nhật Bản.

Những nghệ sĩ vẽ tranh vì họ bắt buộc phải vẽ

Kể từ đầu những năm 2000, khi những người kinh doanh nghệ thuật ở Hoa Kỳ và Châu Âu lần đầu tiên biết đến hiện tượng sẽ sớm được gọi là “nghệ thuật ngoại đạo Nhật Bản”, các nghệ sĩ này đã sớm thu hút được sự ngưỡng mộ của các nhà sưu tập và phê bình ở nước ngoài.

Ngày nay, thuật ngữ “nghệ thuật ngoại đạo Nhật Bản” gợi lên mối quan hệ lịch sử với loại tác phẩm nghệ thuật khó phân loại mà nghệ sĩ hiện đại người Pháp Jean Dubuffet đã viết khái niệm vào những năm 1940. Những đặc điểm của các tác phẩm này bao gồm những cách sử dụng vật liệu vô cùng khéo léo và sáng tạo như sơn hoặc mực trên giấy, đất sét, giấy cắt dán, hoặc vải thêu.

Các tác phẩm ngoại đạo của các nghệ sĩ Nhật Bản cũng được công nhận về tính tham vọng của nghệ sĩ (chẳng hạn như các bức vẽ thành phố rộng lớn trên không của Norimitsu Kokubo) hoặc các hình thù kỳ dị (như quái vật đất sét nung và phủ đầy gai của Shinichi Sawada). Một số tác phẩm nghệ thuật này thể hiện tính chất ám ảnh về mặt cảm xúc và tâm lý khiến cho những người chiêm ngưỡng cảm thấy không thể cưỡng lại được.

Một tác phẩm của Norimitsu Kokubo vẽ kín hết một bức tường ở triển lãm Art Brut Japonais diễn ra ở Halle Saint Pierre tại Paris năm 2018. Tác phẩm này được vẽ bằng bút chì màu, bút lông và màu nước. Ảnh chụp bởi Edward M. Gómez.

Nhu cầu càng tăng của các nhà sưu tập nước ngoài với xu hướng nghệ thuật

Như đã nói ở trên, người xem có thể tìm thấy một số đặc điểm khác biệt trong các tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Bản. Họ thường lấp đầy từng cm vuông trong không gian của một tác phẩm – không gian hai chiều có thể nhìn thấy được mà họ tạo ra các tác phẩm của mình. Như Keiko Abe sử dụng bút gel để vẽ các hàng hoa, hình người và đường lưới nhiều màu trên tờ giấy vẽ của mình. Các tác phẩm của cô đem lại cảm giác sống động và chính bản thân Abe dường như tìm thấy niềm vui trong các chủ đề hàng ngày. Yuichiro Ukai là nghệ sĩ thuộc Atelier Yamanami, một studio nghệ thuật dành cho người khuyết tật ở tỉnh Shiga, cũng đã thu hút một lượng khán giả nhiệt tình dành cho những bức vẽ của anh ấy ở Mỹ và Châu Âu.

Monster (Tạm dịch: Quái vật) 2017, Yuichiro Ukai. Tác phẩm được vẽ bằng bút lông, bút chì màu và bút bi trên giấy. Ảnh thuộc studio Atelier Yamanami.
Untitled (Tạm dịch: Không tiêu đề), Keiko Abe. Vẽ bằng bút lông trên giấy.
Ảnh chụp bởi Koji Nishikawa.

Tại Hội chợ Outsider Art hàng năm ở New York, nhà buôn tranh Yukiko Koide đến từ Tokyo đã thành công lớn khi giới thiệu các tác phẩm của Ukai cho các nhà sưu tập nước ngoài. Các tác phẩm của anh gồm hình ảnh khủng long, các nhân vật dân gian Nhật Bản và nước ngoài trong trang phục lịch sử, côn trùng khổng lồ, tàu buồm cổ, quái vật và robot.

Bên cạnh đó, những người sáng tạo nghệ thuật Nhật Bản thường diễn giải chủ đề mà họ vẽ, ngay cả khi các tác phẩm đó là trừu tượng. (Xét cho cùng, chủ đề của nghệ thuật trừu tượng là bản chất và tiềm năng biểu đạt của chính nghệ thuật.) Ví dụ về các tác phẩm trừu tượng như vậy của Akiko Yokoyama trong một gam màu đơn giản, rực rỡ với mực đánh dấu màu đen, trắng và đỏ trên giấy. Yokoyama có liên kết với Kobo Shu, một xưởng nghệ thuật dành cho người khuyết tật ở thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo.

Untitled (Tạm dịch: Không tiêu đề), 2017, Akiko Yokoyama. Bút lông trên giấy. Ảnh chụp bởi Edward M. Gómez.

Momoko Nakagawa cũng là một nữ nghệ sĩ trẻ khác thực hiện những bức vẽ trừu tượng đầy màu sắc trên giấy. Chỉ với bút bi và bút dạ, cô ấy tạo ra những đường lưới động gồm các đường kẻ màu đen hoặc mảnh. Các tác phẩm của cô giống như các bản vẽ kỹ thuật cho các tòa nhà tiên phong. Yumiko Kawai, một nghệ sĩ khác thuộc Atelier Yamanami lại sử dụng vải bông và chỉ thêu để tạo ra những tác phẩm mang tính bí ẩn và ba chiều giống như bộ ngực hoặc những sinh vật hữu cơ chưa được biết đến. Tại xưởng nghệ thuật tương tự, Momoka Imura cũng tạo ra những tác phẩm bằng vải khác thường. Sử dụng vải mềm sáng màu, Imura tạo ra những đốm màu tròn rồi bao phủ bằng cúc nhựa. Những vật thể lạ này vừa rất kỳ quặc, đồng thời cũng rất quyến rũ.

Nghệ sĩ Takuya Tamura tạo ra một phương pháp đặc biệt để khắc họa đối tượng của mình sau hình bóng. Anh ấy sử dụng các màu đậm để tạo các mảng lưới có hình dạng như đàn ông, phụ nữ, động vật hoặc các chủ thể khác. Mặc dù sử dụng kỹ thuật này thường xuyên nhưng qua bàn tay của Tamura, nó lại rất biểu cảm.

Woman (Tạm dịch: người phụ nữ) 2019, Takuya Tamura. Vẽ bằng bút lông trên giấy. Ảnh thuộc Atelier Yamanami.

Ba nghệ sĩ khác đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mang tính độc đáo cao bao gồm Koji Nishioka, Fumiko OkuraKazumi Kamae. Riêng Nishioka cũng có liên kết với Atelier Corners ở Osaka, nơi anh ấy vẽ các bản nhạc bằng văn bản và các đường kẻ ngang biến dạng thành các tác phẩm trừu tượng và nhịp nhàng.

Koji Nishioka đang cầm một ‘bản nhạc’ của mình tại studio Atelier Corners năm 2017. Ảnh chụp bởi Edward M. Gómez.

Fumiko Okura thì thực hiện tác phẩm cắt dán của mình bằng cách cắt ảnh các khuôn mặt phụ nữ từ các tạp chí rồi photocopy chúng. Cô ấy viết tên và chữ nhiều lần lên những mảnh giấy nhỏ rồi dùng băng dính trong để ghép tất cả các mảnh lại với nhau thành những vật có hình dạng bất thường. Những vật thể bất thường này có thể là tác phẩm hai chiều và tác phẩm điêu khắc ba chiều cùng một lúc.

Một tác phẩm không tên của Fumiko Okura thực hiện năm 2017.

Cũng tại Atelier Yamanami, nghệ nhân gốm sứ Kazumi Kamae thực hiện các tác phẩm điêu khắc có từ hai khuôn mặt trở lên và chức danh thường dùng để ám chỉ giám đốc xưởng. Các tác phẩm điêu khắc của cô ấy có bề mặt kết cấu thô, hình dạng nhấp nhô và cách diễn đạt không rõ ràng là đặc điểm nổi bật của chúng.

Ông Masato, Kazumi Kamae, 2017. Tác phẩm bằng đất sét. Ảnh thuộc Atelier Yamanami.
Một tác phẩm trên giấy của Takashi Shuji.

Những tác phẩm như những bức vẽ tinh xảo, táo bạo trên giấy của Takashi Shuji; các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét nung của Shinichi Sawada mô tả các sinh vật tưởng tượng đến từ thế giới khác; và các bức vẽ trừu tượng vẽ bằng mực trên giấy do Takanori Herai thực hiện.

“Tại Hoa Kỳ, chúng tôi là những người đầu tiên trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ Nhật Bản như Yuichi Saito, Yoshimitsu Tomizuka, Takashi Shuji và Eiichi Shibata. Cũng như ở Nhật Bản, các hội thảo nghệ thuật dành cho người khuyết tật ở Hoa Kỳ và Châu Âu cũng có các chương trình sáng tạo. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng các nghệ sĩ tự học sử dụng đất sét hoặc vải dệt đã tạo ra những tác phẩm đặc biệt mạnh mẽ và đậm chất riêng tại các xưởng ở Nhật”. Người tổ chức triển lãm Shari Cavin chia sẻ.

Những tác phẩm như thế này đã được trưng bày trong các cuộc triển lãm ở các phòng trưng bày và bảo tàng ở Nhật Bản và Châu Âu. Chúng đã được bày bán tại Hội chợ nghệ thuật Outsider Art ở New York và một số phòng trưng bày ở Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu về những tác phẩm này từ các nhà sưu tập ở nước ngoài ngày càng tăng. Tại New York, Venus Over Manhattan, một trong những phòng trưng bày nghệ thuật đương đại mới nhất của thành phố, gần đây đã giới thiệu một triển lãm cá nhân về các tác phẩm điêu khắc bằng gốm của nghệ sĩ Shinichi Sawada. Một bài đánh giá về triển lãm này trên tờ New York Times cho thấy rằng: với cặp sừng nhỏ, móng vuốt và cơ thể đầy gai nhọn, các sinh vật của Sawada gợi cho người xem nhớ đến “hình ảnh từ thần thoại Nhật Bản và các loài thú thời trung cổ”.

Cái bắt tay với những phòng trưng bày là sự cần thiết để loại hình nghệ thuật này tiếp tục phát triển.

Phòng trưng bày Jennifer Lauren ở Anh và Phòng tranh Cavin-Morris ở New York thường xuyên trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ Nhật Bản, và ở Lausanne, Thụy Sĩ, Galerie du Marché đã bán các tác phẩm của nghệ sĩ Itsuo Kobayashi. Kobayashi là nghệ sĩ kiêm đầu bếp ở Saitama, ông đã dành hơn 32 năm để ghi chú đầy những cuốn sổ ghi chép mô tả chi tiết, minh họa về mọi bữa ăn mà anh ấy đã ăn, bao gồm cả đồ ăn mang đi từ các cửa hàng tiện lợi. Những tác phẩm này trở nên rất nổi tiếng khi chúng được trưng bày trong triển lãm của bảo tàng Thụy Sĩ vào năm 2018-2019.

Cuốn sổ ghi chú đồ ăn hàng ngày từng gây bão một thời của Itsuo Kobayashi.

Nhà buôn tranh Nobumasa Kushino, một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nghệ thuật ngoại đạo ở Nhật Bản, đã mang những cuốn sách minh họa đầy màu sắc của Kobayashi ra ánh sáng. Cho đến gần đây, Kushino đã có phòng trưng bày của riêng mình ở Fukuyama, thuộc tỉnh Hiroshima. Trong những năm gần đây, Kushino đã viết và xuất bản một số cuốn sách về những khám phá nghệ thuật ngoại đạo của mình, bao gồm Yankee Anthropology: The “Art” and Expressions of Breakthrough People (Tạm dịch: “Nghệ thuật” và biểu hiện của những người đột phá) (2014) và Living on Out (Tạm dịch: Sống ở ngoài) (2017).

Để nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ ngoại đạo Nhật Bản đến được với các nhà sưu tập ở nước ngoài, nhiều nhà kinh doanh nghệ thuật nước ngoài phải tiếp cận được với chúng từ các nguồn của họ ở Nhật Bản. Hoặc họ phải cộng tác với các phòng trưng bày ở Nhật Bản làm đại diện cho một số nghệ sĩ này. Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhà kinh doanh nghệ thuật nước ngoài, có một rào cản ngôn ngữ khi muốn giao tiếp hiệu quả với các nghệ sĩ này ở Nhật Bản.

Các nhà kinh doanh nghệ thuật nước ngoài cũng phải lưu ý rằng nhiều nghệ sĩ Nhật Bản, thậm chí bên đại diện của họ thường chậm chạp trong việc phát triển mối quan hệ với các đại diện tiềm năng nước ngoài. Nhiều nghệ sĩ trong số này là những người mới gia nhập thị trường nghệ thuật quốc tế, cũng như nhiều nhà kinh doanh nghệ thuật nước ngoài chưa từng có kinh nghiệm làm việc với các đối tác Nhật Bản.

Tại Tokyo, Shino SugimotoHanayo Haginaka điều hành Phòng trưng bày ACM nằm gần ga Ebisu. (Tên của phòng trưng bày này là chữ viết tắt của “Hiệp hội Nghệ thuật và Tư duy Sáng tạo”) Sugimoto và Haginaka trưng bày tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tự học bao gồm cả Hironobu Matsumoto, người thực hiện các tấm bản đồ thế giới trừu tượng cỡ lớn và Miruka, một phụ nữ trẻ ở Osaka vẽ các loài chim. Cả hai nghệ sĩ này đều sử dụng bút chì màu và mực trên giấy.

World Map (Tạm dịch: Bản đồ thế giới) 2011, Hironobu Matsumoto.

Sugimoto và Haginaka cho biết: “So với châu Âu và Hoa Kỳ, thị trường nghệ thuật ở Nhật Bản là nhỏ. Rất khó cho các phòng tranh không chỉ bán tác phẩm tranh ngoại đạo mà còn cả những lĩnh vực nghệ thuật khác nữa”. Ở Nhật Bản, hầu hết các nhà sưu tập nghệ thuật đương đại không quen thuộc với lịch sử của nghệ thuật ngoại đạo. Họ không nhận ra giá trị ở tác phẩm của các nghệ sĩ tự học trong mối quan hệ với lịch sử nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại. Do đó, những nhà sưu tập này không thể ước tính chính xác giá trị đầu tư cho các tác phẩm của những nghệ sĩ tự học đó.

Sugimoto và Haginaka cũng giải thích rằng sự hiểu biết của công chúng và thị trường nghệ thuật cho các tác phẩm của các nghệ sĩ tự học sẽ tăng lên nếu các bảo tàng chú ý nhiều hơn đến các lĩnh vực nghệ thuật này. Họ tin rằng công chúng sẽ muốn xem các loại hình nghệ thuật đa dạng hơn được trình bày trong các bảo tàng, thậm chí chức năng của các bảo tàng cần được xem xét lại và sửa đổi. Họ viết, “Ví dụ, sẽ thật tuyệt nếu các bảo tàng có thể trở thành nơi thúc đẩy phúc lợi xã hội và những gì tốt cho xã hội.”

Người Nhật dần quan tâm đến Art Brut

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại tỉnh Shiga ở Otsu đã và đang phát triển một bộ sưu tập nghệ thuật ngoại đạo đáng kể. Họ đã tổ chức các cuộc triển lãm chất lượng cao về loại hình nghệ thuật này và xuất bản một số danh mục đáng chú ý về lịch sử sáng tạo của các nghệ sĩ tự học ở Nhật Bản. Tỉnh Shiga nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nhiều nghệ sĩ nghệ thuật tự học chẳng hạn như Shinichi Sawada hay Kazumi Kamae, những người nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc bằng đất sét nung, sáng tạo, chuyển đến và sống ở đây.

Người phụ trách chính tại bảo tàng ở Shiga, Tsukasa Ikegami gần đây đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn rằng: các bảo tàng ở Nhật Bản đang “tìm kiếm ngôn ngữ và cách nhìn” để sử dụng cho việc mô tả các nhóm tác phẩm nghệ thuật “đương đại không thể giải thích một cách hoàn hảo.” Ông cũng lưu ý rằng các bảo tàng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ này để tiếp cận những nghệ sĩ đang tồn tại ngoài kia.

Đối với việc nhìn, trình bày và tìm hiểu tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ ngoại đạo, Ikegami nhận xét: “Trước hết, không thể bỏ qua những nghiên cứu cơ bản về các tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ. Sự gia tăng số lượng người giám tuyển, nhà nghiên cứu quan tâm đến nghệ thuật ngoại đạo và các cơ sở sưu tầm loại hình nghệ thuật này ngày càng nhiều, thì nghiên cứu cơ bản này sẽ càng trở nên hoàn thiện hơn”.

Theo quan điểm của châu Âu và Bắc Mỹ, sự xuất hiện của những mối quan tâm nghiêm túc với loại hình nghệ thuật này ở Nhật Bản đã mở rộng đáng kể. Các đặc điểm kỹ thuật và phong cách mạnh mẽ, phổ biến có thể nhìn thấy trong các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tự học ở Nhật Bản đã củng cố khái niệm “nghệ thuật ngoại đạo Nhật Bản” như một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử rộng lớn hơn của nghệ thuật ngoại đạo.

Một buổi triển lãm Art Brut ở Galerie Miyawaki năm 2016.

Yutaka Miyawaki, giám đốc của Galerie Miyawaki ở Kyoto, đã có nhiều năm kinh nghiệm quảng bá và trình bày các tác phẩm nghệ thuật chất lượng từ ​​Châu Âu và Nhật Bản. Ông là một người rất ngưỡng mộ cái mà ông gọi là “tinh thần cấp tiến” của nghệ thuật ngoại đạo. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông nói:“Ở Nhật Bản, chúng ta nên đánh giá cao năng lượng sáng tạo phi thường của loại hình nghệ thuật này và những nghệ sĩ tạo ra nó. Sự hiểu biết như vậy sẽ giúp củng cố giá trị của sự thô trong nghệ thuật ”.

“Những nghệ sĩ tạo ra tác phẩm này thực sự không phải là ‘người ngoại đạo’. Thay vào đó, những gì họ tạo ra đang mang đến sự đối trọng với nghệ thuật thông thường, nhàm chán, thời thượng hơn. Chúng ta nên bị mê hoặc bởi khía cạnh thô của nghệ thuật này”.

Yutaka Miyawaki, giám đốc của Galerie Miyawaki ở Kyoto

Art Brut để tôn vinh những sáng tạo của người khuyết tật

Tadashi Hattori là phó giáo sư tại Đại học Konan ở Kobe, ông dạy khái niệm và lịch sử nghệ thuật. Năm 2003, ông ra mắt cuốn sách Outsider Art: Contemporary Art’s Forgotten Art (Nghệ thuật ngoại đạo: Nghệ thuật đương đại bị lãng quên). Nhìn lại cội nguồn lịch sử của art brut ở Nhật Bản, trong danh mục của cuộc triển lãm Thụy Sĩ 2018, Hattori viết: “Ở Nhật Bản, mối quan tâm đến nghệ thuật của người khuyết tật lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 1940. Điều đó được phản ánh điển hình nhất trong Triển lãm Vận động dành cho Trẻ em Khuyết tật Trí tuệ được tổ chức tại Osaka Asahi Kaikan vào tháng 1 năm 1939. Điều mà những người tổ chức triển lãm này hướng tới là nâng cao nhận thức xã hội về người khuyết tật và đề xuất luật chính phủ hỗ trợ họ, đồng thời thể hiện Nhật Bản bị tụt hậu xa so với các nước khác vào thời điểm đó”.

Cũng trong bài tiểu luận thuộc triển lãm đó, Hattori kêu gọi sự chú ý đến xu hướng nghệ thuật ngoại đạo ở Nhật Bản. Xu hướng này được liên kết với các cơ sở phúc lợi xã hội dành cho người tàn tật, thường sở hữu các xưởng làm nghệ thuật. Kết quả dẫn đến những nỗ lực đầu những năm 2000 của một số đại diện thuộc các tổ chức phúc lợi xã hội ở Nhật Bản, bất cứ khi nào có tin tức về art brut trên phương tiện truyền thông sẽ có phần đề cập đến các tác phẩm được thực hiện bởi người khuyết tật. Trọng tâm của việc quảng bá và trình bày các tác phẩm nghệ thuật đó như một cách để hòa nhập xã hội cho những người nghệ sĩ đó, chứ không phải về khía cạnh thẩm mỹ đến từ các tác phẩm của họ.

Nhiều thập kỷ trước, đúng là Jean Dubuffet đã phát hiện ra các tác phẩm của rất nhiều nghệ sĩ tự học được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần và có liên quan đến các viện tâm thần. Tuy nhiên, khi mô tả những đặc điểm cơ bản của art brut, ông không bao giờ nhấn mạnh rằng một nghệ sĩ ngoại đạo chân chính phải là người đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần hoặc bất kỳ loại khuyết tật nào khác. Hattori cũng lưu ý rằng những người quảng bá và giới thiệu các cuộc triển lãm nghệ thuật ngoại đạo ở Nhật Bản nhìn chung đều là “những người nghiệp dư trong nghệ thuật trị liệu”.

My Mother’s Permed Hair (Tạm dịch: Mái tóc uốn của mẹ tôi) 2013, Issei Nishimura. Tác phẩm vẽ bằng acrylics trên canvas. Ảnh chụp thuộc Galerie Miyawaki,
Untitled (Tạm dịch: Không tiêu đề), 2003, Isao Monma. Một hoa sĩ bí ẩn sống tại Tokyo.

Họ không phải là chuyên gia về nghệ thuật và “cũng không phải là người giám tuyển hay nhà phê bình nghệ thuật”. Hattori viết: “Ở Nhật Bản, đại diện cho nghệ thuật ngoại đạo là những người tại các cơ sở hỗ trợ người tàn tật và các chương trình phúc lợi xã hội do chính phủ điều hành, họ đã dẫn đầu một phong trào quảng bá nghệ thuật của người khuyết tật mà không phân biệt giữa nghệ thuật trị liệu và nghệ thuật chính thống.”

Vào đầu những năm 2000, giám đốc phòng tranh người Mỹ Phyllis Kind đã trở thành đại lý nghệ thuật đầu tiên ở Hoa Kỳ trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ ngoại đạo Nhật Bản trong triển lãm nghệ thuật đương đại. Vào thời điểm đó, cô bắt đầu trưng bày các tác phẩm khác của các nghệ sĩ như Katsuhiro Terao, Mitsuo Yumoto, Tomoyuki ShinkiKazuhiro Yoshimune. Tất cả các nghệ sĩ tự học này đều liên kết với Atelier Incurve, một tổ chức phúc lợi xã hội ở Osaka có cơ sở chính là xưởng làm nghệ thuật dành cho người khuyết tật. Sự quan tâm của Phyllis Kind đối với xu hướng nghệ thuật đến từ Nhật Bản đã giúp mở ra cơ hội cho các phòng trưng bày thương mại khác, các bảo tàng ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tokion.jp

Cùng tác giả

#Tag

art brut hội họa Nhật Bản Jean Dubuffet Navi Nguyễn nghệ thuật ngoại đạo người khuyết tật outsider art

iDesign Must-try

Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Yoshitomo Nara sinh năm 1959 tại Aomori, là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và âm nhạc…
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Vì sao lại có nhưng tấm thiệp giáng sinh kỳ quặc ra đời? Câu chuyện nào ẩn giấu sau chúng?
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima có những công trình đương đại nổi tiếng nào khiến nơi đây trở nên độc nhất trên thế giới?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh tại Mỹ đã bắt đầu như thế nào?