Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử

Art Nouveau (Tân Nghệ thuật) là một trong những trào lưu quan trọng của khoảng thời gian đầu thế kỷ 19 và cuối thế kỷ 20 đối với lịch sử Thiết kế Đồ họa bởi nó là một trào lưu cả về nghệ thuật lẫn thiết kế.

Cùng với các trào lưu như Arts and Crafts và sau đó là Bauhaus Art Déco, Art Nouveau thể hiện một trong các xu hướng quan trọng trong việc sáng tạo nghệ thuật vào thời kỳ chuyển giao giữa cổ điển và hiện đại – hướng tới sự xóa nhòa ranh giới giữa mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng, hướng tới Gesamtkunstwerk – “tác phẩm nghệ thuật tổng lực hay một tác phẩm chứa tất cả các hình thức sáng tạo nghệ thuật. Tinh thần Gesamtkunstwerk như vậy đương nhiên quan tâm tới tính công năng và trân trọng giá trị của lao động thủ công bởi nó bao gồm các loại nghệ thuật ứng dụng.

Loạt bài về Art Nouveau bắt đầu cho những loạt bài cung cấp thông tin và kiến thức chi tiết về các trào lưu/chủ nghĩa nằm trong dòng chảy của lịch sử thiết kế đồ họa. Mỗi loạt bài như vậy sẽ có 3 phần với các nội dung: tóm lược về trào lưu, các ý tưởng và thành tựu chính, lược sử và các khái niệm, và các tác phẩm tiêu biểu. 

Trong phần một của loạt bài Art Nouveau, chúng ta tìm hiểu phần tóm lược trào lưu, các ý tưởng và thành tựu chính, và lược sử của trào lưu. 

Tóm lược về Art Nouveau

Trường phái Art Nouveau đã từng xuất hiện trong đa dạng các loại hình, gợi lên niềm cảm hứng trong nghệ thuật trang trí, nghệ thuật đồ họa, kiến ​​trúc trên và hơn thế nữa trên khắp châu Âu. Nó cũng được biết đến với nhiều cái tên khác như như Phong cách Glasgow hay Jugendstil tại các quốc gia nói tiếng Đức. 

Art Nouveau đã nhắm đến mục tiêu hiện đại hóa thiết kế, tìm cách thoát khỏi những phong cách chiết trung hay theo chủ nghĩa lịch sử được ưa chuộng trước đấy. Các nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ cả hình dạng hữu cơ và hình học để dựng nên những thiết kế thanh lịch chứa các đường cong mềm mại nom tự nhiên như thân và hoa của thực vật. Việc nhấn mạnh vào các đường viền tuyến tính được ưu tiên hơn so với việc thể hiện màu sắc, mà thường gồm các màu xanh lá cây thẫm, nâu, vàng và xanh lam. Trào lưu này cam kết loại bỏ sự phân cấp đang tồn tại trong nghệ thuật, cho rằng nghệ thuật khai phóng hay mỹ thuật, như hội họa và điêu khắc, là ưu việt hơn nghệ thuật trang trí tập trung vào tay nghề thủ công. 

Art Nouveau trở nên lỗi thời từ khá lâu trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, góp phần mở đường cho Art Deco phát triển trong những năm 1920, nhưng hưng thịnh trở lại từ năm 1960 và hiện được xem là một trong các tiền thân quan trọng, nếu không phải là một phần, của chủ nghĩa hiện đại. 

Các ý tưởng và thành tựu chính

  • Mong muốn loại bỏ các phong cách lịch sử của thế kỷ 19 chính là động lực quan trọng cho việc tạo ra Art Nouveau cũng như thiết lập nên tính hiện đại của của trào lưu này. Vào thời điểm ấy, sản xuất công nghiệp đã được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên nghệ thuật trang trí lại bị chi phối bởi những đồ vật kém chất lượng bắt chước theo phong cách của các thời kỳ trước đó. Những người thợ theo đuổi trường phái Art Nouveau tìm cách phục hồi chất lượng tay nghề, nâng cao vị thế của nghề thủ công và tạo ra những thiết kế hiện đại thực sự phản ánh được tiện ích của những món đồ mà họ tạo ra.
  • Hệ thống các học viện, thống trị giáo dục nghệ thuật từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, đã truyền bá tư tưởng rằng những hình thức nghệ thuật như hội họa và điêu khắc vượt trội hơn so với các ngành thủ công như thiết kế nội thất và đồ kim loại. Hậu quả là, như nhiều người tin rằng, dẫn tới sự bỏ mặc tay nghề thủ công tốt. Các nghệ sĩ Art Nouveau đã tìm cách lật ngược niềm tin ấy, hướng tới “tác phẩm nghệ thuật tổng lực” – Gesamtkunstwerk lẫy lừng là nguồn cảm hứng cho các toà nhà và nội thất nơi mọi yếu tố có chung ngôn ngữ thị giác được kết hợp hài hòa. Trong quá trình này, Art Nouveau đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng, mặc dù khoảng cách này liệu đã được đóng lại hay chưa hay chưa vẫn còn là điều gây tranh cãi.
  • Có khá nhiều người thực hành Art Nouveau cho rằng cách thiết kế trước đây quá nhiều chi tiết trang trí. Và qua việc muốn tránh những kiểu trang trí mà họ cho là không thiết thực này, một niềm tin được hình thành trong họ cho rằng chức năng của một đồ vật sẽ quyết định hình thức của nó. Trong thực tế thực hành thì đặc tính này khá linh hoạt, nhưng nó chắc chắn là một phần quan trọng của di sản của phong cách, rồi sẽ được kế thừa bởi các phong trào hiện đại mà nổi tiếng nhất là Bauhaus. 

Lược sử Art Nouveau

Khởi đầu của Art Nouveau

Cầu thang nổi tiếng của khách sạn Tassel do Victor Horta thiết kế.
Xây dựng hoàn tất vào năm 1894.

Sự ra đời của Art Nouveau – nghĩa đen là “Nghệ thuật mới” – được cho là bắt nguồn từ hai sự ảnh hưởng riêng biệt: thứ nhất là sự ra đời vào khoảng năm 1880 của phong trào Nghệ thuật và Thủ công Anh (Arts and Crafts), mà cũng giống như Art Nouveau, là một động thái chống lại sự lộn xộn trong thiết kế và sáng táo của nghệ thuật trang trí thời Victoria; thứ hai là từ làn sóng đương thời của nghệ thuật Nhật Bản, đặc biệt là tranh in mộc bản, đã ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ châu Âu trong những năm 80 và 90 của thế kỷ 19, bao gồm những cái tên như Gustav Klimt, Emile Gallé và James Abbott McNeill Whistler. Các mộc bản in của Nhật Bản đặc biệt có các hình dạng hoa, dạng củ, và các đường cong xoáy, là các yếu tố then chốt mà cuối cùng sẽ trở thành Art Nouveau sau này.

Tranh in mộc bản ukiyo-e

Tới thời điểm hiện tại, việc xác định (những) tác phẩm nào đã đánh dấu sự khởi đầu cho Art Nouveau vẫn còn là một câu hỏi khó. Một số người cho rằng, các hoa văn, đường nét và phần nền hoa lá được phát hiện trong các bức tranh của Vincent van Gogh và Paul Gauguin đại diện cho sự ra đời của Art Nouveau, hoặc thậm chí có thể là các bản in thạch bản của Henri de Toulouse-Lautrec, chẳng hạn như Moulin Rouge: La Goulue (1891). Nhưng hầu hết đều chỉ ra nguồn gốc của Art Nouveau ở trong nghệ thuật trang trí, và đặc biệt là bức minh họa bìa sách của kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế người Anh Arthur Heygate Mackmurdo cho cuốn Những nhà thờ thành phố của Wren (Wren’s City Churches) ấn hành năm 1883. Mẫu thiết kế của ông miêu tả những cuống hoa ngoằn ngoèo tỏa ra từ một khối phẳng nằm ở dưới cùng của trang, khiến người ta lập tức liên tưởng đến các bản in mộc bản kiểu Nhật.

Nói chung, có thể coi khoảng thời gian tồn tại của Art Nouveau là 1890 – 1905.

Áp-phích quảng cáo vũ công nổi tiếng La Goulue diễn tại Moulin Rouge của de Toulouse-Lautrec
Bìa cuốn Wren’s City Churches của Mackmurdo

Những triển lãm Art Nouveau

Tấm áp phích phong cách Art Nouveau quảng cáo cho Hội chợ Thế giới (Expositions Universelle) năm 1900 ở Paris

Trong quãng thời kỳ hoàng kim, Art Nouveau xuất hiện nhiều nhất tại các cuộc triển lãm quốc tế. Trường phái đã trở thành tâm điểm của sự chú ý tại cụ thể là năm hội chợ sau: Expositions Universelles năm 1889 và 1900 ở Paris; Hội chợ Tervuren năm 1897 ở Brussels (nơi mà những người thợ sử dụng Art Nouveau để phô trương tài năng với các loại gỗ lạ đến từ Congo thuộc Bỉ); Hội chợ Thế giới Nghệ thuật Trang trí Hiện đại tại Turin năm 1902; và Hội chợ quốc tế  phía Đông Pháp ở Nancy năm 1909. 

Tại từng hội chợ, phong cách này đều áp đảo trong các tác phẩm nghệ thuật trang trí và kiến trúc được trưng bày, và thực sự vào năm 1902 tại Turin, Art Nouveau là phong cách được tất cả các nhà thiết kế và tất cả các quốc gia tham gia lựa chọn, đến cái mức mà loại bỏ hoàn toàn các phong cách khác.

Những cái tên địa phương của Art Nouveau

Mặt tiền cửa hàng L’ Art Nouveau của Siegfried Bing

Siegfried Bing, một thương gia người Đức và một tay sành sỏi về nghệ thuật Nhật Bản sống tại Paris, đã mở một cửa hàng có tên L’ Art Nouveau vào tháng 12 năm 1895 mà đã trở thành một trong nơi cung cấp chính đồ nội thất và tác phẩm nghệ thuật trang trí theo phong cách này. Không lâu sau, tên cửa hàng trở thành đồng nghĩa với tên trường phái tại Pháp, Anh và Mỹ. Nhưng, với độ phổ biến rộng rãi cả ở Tây và Trung Âu, Art Nouveau cũng có những cái tên khác. 

Tại các quốc gia nói tiếng Đức, người ta thường gọi là Jugendstil (Phong cách Tuổi trẻ), cái tên này được phổ biến từ một tạp chí có tựa đề Jugend xuất bản tại Munich. Trong khi đó, ở Vienna – quê hương của Gustav Klimt, Otto Wagner, Josef Hoffmann và những người sáng lập khác của Vienna Secession (Ly khai Vienna) – lại có tên Sezessionstil (Phong cách Ly khai). Ngoài ra trường phái này còn được biết đến với cái tên Modernismo trong tiếng Tây Ban Nha, Modernisme theo tiếng Catalan, và Stile Floreale (Phong cách Hoa lá) hay Stile Liberty ở Ý (lấy theo tên tiệm vải ở London của Arthur Liberty – một thứ đã góp phần vào sự nổi tiếng của trào lưu). Người dân Pháp thì được phổ cập với cái tên Modern(e)-Style, đôi khi còn là Style Guimard theo danh xưng của người thực hành phong cách nổi tiếng nhất – kiến ​​trúc sư Hector Guimard, và ở Hà Lan thường được gọi là Nieuwe Kunst (Nghệ thuật mới). 

Nhiều kẻ gièm pha còn gán lên một số cái tên đầy tính miệt thị: Style Nouille (phong cách mì sợi) ở Pháp, Paling Stijl (phong cách lươn) ở Bỉ, và Bandwurmstil (phong cách sán dây) ở Đức – tất cả những cái tên ấy đều phần nào đề cập đến khuynh hướng sử dụng các đường nét quanh co uốn lượn của Art Nouveau.

Những phát triển sau này – Hậu Art Nouveau

Nếu như trong 5 năm cuối của thế kỷ 19, Art Nouveau nhanh chóng càn quét khu vực châu Âu thì đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, các nghệ sĩ, nhà thiết kế và kiến ​​trúc sư bắt đầu cũng loại trừ nó một cách mau lẹ y như thế. Mặc dù có khá đông những người thực hành lấy học thuyết “hình thức phải tuân theo chức năng” làm trọng tâm của mình, nhưng một vài người khác lại có xu hướng xa hoa trong cách sử dụng yếu tố trang trí, khiến phong cách này dần bị chỉ trích vì quá cầu kỳ. 

Theo một nghĩa nào đó, khi phong cách này phát triển lên thì đồng thời nó cũng quay lại với chính những thói quen mà nó đã bài trừ, và ngày càng có nhiều luồng ý kiến cho rằng phong cách này thay vì thực sự đổi mới thiết kế thì chỉ là chuyện bình mới rượu cũ. Mặc dù sử dụng phương pháp sản xuất hàng loạt mới, kỹ năng thủ công chuyên sâu cần thiết trong Art Nouveau khiến nó khó thực sự trở nên dễ tiếp cận với khản giá đại chúng như hy vọng của những người khởi xướng ban đầu. Trong một số trường hợp, như ở Darmstadt, luật bản quyền thiết kế lỏng lẻo cũng ngăn cản các nghệ sĩ thu lợi từ thiết kế của mình.

Phòng ăn thiết kế bởi Alexandre Charpentier (1901) trưng bày tại bảo tàng d’Orsay.
Ông kết hợp đồ nội thất, tượng, và các phù điêu gỗ thành một tổng thể tác phẩm chung.
Đẹp thì có đẹp nhưng quá sức cầu kỳ và đắt đỏ.

Mối liên kết của Art Nouveau với các cuộc triển lãm cũng sớm góp phần vào quá trình huỷ hoại ấy. Trước hết, hầu hết các tòa nhà hội chợ đều là những cấu trúc tạm thời và sẽ bị phá bỏ ngay sau khi sự kiện kết thúc. Nhưng quan trọng hơn, bản thân các cuộc triển lãm, mặc dù được tổ chức dưới hình thức thúc đẩy giáo dục, tăng cường thông hiểu quốc tế và củng cố hòa bình, nhưng thay vào đó lại có xu hướng đẩy mạnh sự ganh đua và cạnh tranh giữa các quốc gia do bản chất vốn có của việc trưng bày là sự so sánh. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Pháp và Bỉ, coi Art Nouveau là ứng cử viên tiềm năng cho danh hiệu “phong cách quốc dân”, trước khi có những cáo buộc về nguồn gốc ngoại lai của Art Nouveau hoặc các âm mưu lật đổ chính trị (ở Pháp, phong cách này gắn liền với nhiều nhà thiết kế người Bỉ và thương nhân Đức, và đôi khi nó được sử dụng trong các công trình của Xã hội chủ nghĩa) khiến dư luận phản đối. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được tạo ra bởi những nhóm nhỏ các nhà bảo trợ địa phương tận tâm, Art Nouveau đã không còn tồn tại trên thị trường thiết kế châu Âu vào năm 1910.

Từ Wiener Werkstätte đến Art Deco

Sự khai tử Art Nouveau bắt nguồn từ Đức và Áo, nơi các nhà thiết kế như Peter Behrens, Josef Hoffmann và Koloman Moser dần hướng tới một thẩm mỹ mang tính hình học nghiêm khắc hơn và cũng tiết kiệm tiền hơn vào đầu năm 1903. Vào năm đó, nhiều nhà thiết kế thuộc Vienna Secession trước đây đã thành lập ra nhóm Wiener Werkstätte, hội những người ưa chuộng các hình dạng góc cạnh và đường thẳng tuyến tính gợi ra một thẩm mỹ chính xác hơn và lấy cảm hứng nhiều hơn từ công nghiệp, loại bỏ mọi tham chiếu hiển hiện tới thiên nhiên. 

Việc cải tiến đặc tính thiết kế bằng máy móc này đã gây được sự chú ý mạnh mẽ vào năm 1907 bởi hai sự kiện chính: bổ nhiệm Behrens làm trưởng ban thiết kế của AEG, quản lý tất cả các thiết kế của công ty từ xây dựng đến sản phẩm đến quảng cáo, biến ông trở thành nhà thiết kế công nghiệp đầu tiên trên thế giới; và sự thành lập của Werkbund Đức – liên minh chính thức giữa các nhà công nghiệp và nhà thiết kế đang cố gắng xác định một hệ thống phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn. 

Cùng với sự coi trọng mới dành cho chủ nghĩa cổ điển, lấy cảm hứng một phần từ Triển lãm Thế giới Colombia tổ chức tại Chicago năm 1893 đồng thời bị tác động trực tiếp bởi phong trào Thành phố đẹp (City Beautiful) trên đất Mỹ, xu hướng thẩm mỹ lấy cảm hứng từ máy móc này rồi sẽ được phát triển trong bối cảnh hậu Thế chiến thứ nhất thành phong cách mà mãi sau này mới được gọi là Art Deco. Đặc tính đậm chất thương mại của nó được thể hiện cô đọng nhất trong buổi Triển lãm quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp Hiện đại ở Paris năm 1925. Cũng chính triển lãm này rồi sẽ đặt tên cho phong cách là Art Déco vào những năm 1960.

Ảnh hưởng hậu hiện đại

Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng rồi Art Nouveau cũng chứng tỏ là có sức ảnh hưởng vào những năm 1960-70 với các nhà thiết kế muốn thoát khỏi thẩm mỹ gò bó, khắc khổ, thiếu cá tính cá nhân, và ngày càng tối giản đang thịnh hình đối với nghệ thuật đồ họa. Những đường nét không bị kiểm soát, chảy tự do của Art Nouveau đã trở thành một nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ giống như Peter Max, người muốn tạo ra những trải nghiệm mơ mộng, đầy ảo giác gợi lên thế giới thẩm mỹ giàu trí tưởng tượng, phù du, và tự do của thời kỳ chuyển giao thế kỷ.

Ngay từ những ngày đầu tiên, Art Nouveau vẫn luôn được công nhận như một bước quan trọng trên con đường phát triển của chủ nghĩa hiện đại trong cả nghệ thuật và kiến ​​trúc. Và cho đến ngày nay, trường phái này ít được hiểu như một cầu nối chuyển tiếp giữa các thời kỳ nghệ thuật, bởi nó là một sự thể hiện một phong cách, tinh thần và tư duy tri thức trong một khoảng thời gian nhất định, nhất là trong những năm 1900. Với nỗ lực thiết lập nên một thẩm mỹ hiện đại chân chính, trường phái này đã trở thành ngôn ngữ thị giác cụ thể cho một khoảnh khắc thoáng qua của một thời đại.

Người dịch: CM Ngô
Nguồn: The Art Story

Theo dõi loạt bài Lịch sử thiết kế đồ họa bằng cách click vào banner bên dưới!

Cùng tác giả

#Tag

Art nouveau Heirstory Hương Mi Lê Lê Hương Mi lịch sử thiết kế lịch sử thiết kế đồ họa Series Lịch sử thiết kế đồ họa tân nghệ thuật

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…
Ben Shahn (Phần 2)
Ben Shahn (Phần 2)
Trong phần hai của loạt bài ba phần về Ben Shahn, chúng ta tìm hiểu về di sản chung của ông – người dành cả đời dùng nghệ thuật để…
Ben Shahn (Phần 1)
Ben Shahn (Phần 1)
Thời kì giữa hai cuộc Thế chiến và đặc biệt là những năm Đại suy thoái đã làm nảy sinh nhiều trào lưu nghệ thuật quan trọng tại Mĩ nói…
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của trào lưu, bao gồm…